Một con số cho thấy đáng sợ, ghi qua nhan đề bản tin trên báo Khám
Phá hôm Thứ Sáu 13-9-2013: “1/5 dân VN rối loạn tâm thần: Sao vẫn ít?”
Bản tin nói rằng, trong một cuộc hội thảo tại TP Sài Gòn hôm 9/9 đưa
ra khảo sát của Viện Tâm thần Trung ương, tỉ lệ người có rối loạn
tâm thần ở Việt Nam chiếm 15 - 20% dân số, thậm chí có tài liệu là
22 - 25% dân số. Như vậy, trung bình cứ 5 người Việt có 1 người bị
rối loạn tâm thần.
Báo Khám Phá ghi lời nhận xét bi quan của chuyên gia tâm thần: “
Sau khi con số trên được các phương tiện thông tin đăng tải, ông La Đức
Cương, Viện trưởng Viện Tâm thần Trung ương cho biết, con số 15-20% còn
"khiêm tốn". Nếu có đủ kinh phí, Viện sẽ làm quy mô lớn và
đưa ra con số cao hơn.”
Điên nhẹ, điên nặng?
Bản tin nói, nguy hiểm là có người rối loạn tâm thần tới 20 năm mới
lộ, như lời TS. Vương Văn Tịnh, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Viện
Tâm thần Trung ương kể lại.
Cụ thể như:
“...trường hợp chị Nguyễn Thị Vân (Hoàng Mai, Hà Nội) bị rối loạn
tâm thần hơn 20 năm nhưng gia đình không phát hiện.
Sau khi tốt nghiệp loại ưu trường Đại học Ngoại ngữ, chị Vân không
tìm việc làm, chỉ mở lớp dạy thêm ở nhà. Nhìn vào lớp học, không
ai biết cô giáo này bị rối loạn tâm thần. Bởi cô Vân chỉ có một
điểm hơi lạ là không thích giao tiếp, tránh né mọi người xung quanh.
Tuy nhiên, TS. Vương Văn Tịnh, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh
viện Tâm thần Trung ương cho rằng, đó chỉ là biểu hiện bên ngoài, chị
vẫn có những hành động khác người bình thường nhưng không ai nhận
thấy. Chị Vân có những hành động không dám kể với ai. Chị lấy chồng
nhưng chỉ ở với chồng 1 tối rồi bỏ nhau. Sau này đến gặp bác sỹ
chị Vân mới chia sẻ không dám gần chồng...”(ngưng trích)
Tiến sĩ Vương Văn Tịnh cũng cho biết, gia đình có người mắc bệnh mạn
tính sẽ kéo theo 70% thành viên trong gia đình bị rối loạn stress, lo
âu, trầm cảm. Người tâm thần không thể lao động, lại cần có người
trông, kiếm tiền điều trị. Do vậy, một gia đình có người bị rối
loạn tâm thần có thể dẫn đến kiệt quệ kinh tế. Hơn nữa, người bị
rối loạn tâm thần thì bản thân họ khổ, cả xã hội khổ.
TS Tịnh cũng cho biết, hiện nay tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm sẽ gấp
đôi nam giới và những gia đình nghèo khó sẽ dễ mắc bệnh hơn gia đình
khá giả vì họ lo lắng về nguồn tài chính chữa bệnh, bỏ công ăn
việc làm chăm sóc người thân...
Đó là chuyện rất buồn cho dân mình. Khi 1/5 dân số bị tâm thần, khi
tính thêm những người thân trong gia đình phải chăm sóc bệnh nhân.... nghĩa
là tới thể tới 2/5 hay tới 1/2 gia đình VN phải lo lắng về người
thân.
Câu hỏi nơi đây là: có khi chúng ta nghe những chuyện rất lạ, như lời
của cựu Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết:
“Cuba và Việt Nam thay nhau canh thức cho thế giới...”
Hay lời hứa hẹn thiên đường của ông Hồ, của ông Lê Duẩn... có phải
là đã bị tâm thần không?