Hôm nay,  

Phi: Chủ Quyền Lịch Sử Của TQ Là Tin Vịt Thế Kỷ; Bộ Quốc Phòng Mỹ Lên Án TQ Uy Hiếp Hoạt Động Khai Thác Dầu Tại Biển Đông

27/08/201900:19:00(Xem: 2204)

Thẩm Phán Tối Cao của Phi Luật Tân Antonio Carpio đã phát biểu tại cuộc họp Dân Chủ và Thông Tin Thất Thiệt tại Davao vào Thứ Sáu 23/08, bày tỏ sự chống lại điều mà ông gọi là “tin vịt của thế kỷ”, là “tin thất thiệt của thế kỷ” của Trung Cộng, theo bản tin của trang mạng Opinion.inquirer.net của Phi Luật Tân cho biết hôm 26 tháng 8.

Ông Antonio nói đến việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên toàn Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), dựa trên lịch sử lừa đảo, bịa đặt. “Đây là câu chuyện lịch sử của TQ, nhưng là hoàn toàn sai lầm.” Sự gian dối được cam kết công khai bởi nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, Chủ Tịch Tập Cận Bình. Trước khi ông đến thăm Phi Luật Tân vào năm ngoái, Tập đăng bài viết ký tên ông bằng tiếng Tàu trên tờ báo Phi Luật Tân,  gồm sự dối trá khủng khiếp: “Trên 600 năm trước, hoa tiêu TQ Zheng He đã thực hiện nhiều cuộc thăm viếng đến Vịnh Manila, Visayas và Sulu trên 7 chuyến hải hành ngoại quốc  của họ để tìm bằng hữu và hợp tác.”
Liên quan đến  TQ và Biển Đông, một bản tin của Đài  Phát Thanh Quốc Tế Pháp Tiếng Việt (RFI) hôm 26 tháng 8 có tựa đề “Trung Quốc muốn độc chiếm nguồn dầu khí Biển Đông?” viết rằng: 
Căng thẳng giữa Việt Nam với Trung Quốc trên Biển Đông đang gia tăng với việc tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8, với sự hộ tống của các tàu vũ trang, tiếp tục hoạt động ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thậm chí đang tiến gần hơn đến bờ biển Việt Nam. Theo các dữ liệu của trang web Marine Traffic, chuyên theo dõi sự di chuyển của các tàu, tàu Hải Dương 8 từ ngày 23/08 chỉ còn cách đảo Phú Quý của Việt Nam 102 km và cách bờ biển Phan Thiết 185 km.
Thứ Năm tuần trước, 22/08/2019, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã bày tỏ «lo ngại sâu sắc» về việc các tàu Trung Quốc tiếp tục gây cản trở các hoạt động dầu khí của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đối với bộ Ngoại Giao Mỹ, hành động của của Bắc Kinh là một sự « leo thang » trong nỗ lực nhằm hù dọa những nước khác cũng đang giành quyền phát triển các nguồn tài nguyên trên Biển Đông.

Vậy thì nhìn từ khía cạnh dầu khí, căng thẳng Biển Đông hiện nay nên được hiểu như thế nào? Oilprice (oilprice.com), trang mạng chuyên thông tin về năng lượng, ngày 24/08 đã có một bài viết về khía cạnh này.
Oilprice nhắc lại rằng, theo ước lượng của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, trữ lượng của Biển Đông là khoảng 28 tỉ thùng dầu. Từ đó đến nay, cùng với những cải tiến công nghệ, ước lượng về trữ lượng dầu khí ở Biển Đông lẻ ra phải tăng thêm. Cho dù giá dầu cao hay thấp, dĩ nhiên là nước nào cũng muốn giành phần và Trung Quốc thì đòi phần lớn nhất.
Theo cái nhìn của Mỹ, những hành động của Trung Quốc trong vùng đã ngăn cản các nước láng giềng tiếp cận nguồn tài nguyên dầu khí được ước lượng trị giá 2,5 ngàn tỉ đôla. Tuyên bố của bộ Ngoại Giao của Hoa Kỳ hàm ý rằng những hành động đó của Bắc Kinh cũng đã ngăn cản các công ty Mỹ tham gia vào việc khai thác trữ lượng dầu khí Biển Đông.
Oilprice nhắc lại rằng tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 hoạt động gần Bãi Tư Chính, ngay tại nơi mà cách đây 2 năm, Trung Quốc đã đe dọa Việt Nam về dự án thăm dò dầu khí do đối tác Tây Ban Nha Repsol tiến hành. Đe dọa đó đã có hiệu quả, vì Hà Nội lúc đó đã phải đình chỉ dự án này.
Trong khi đó, bản tin của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ hôm 27 tháng 8 cho biết rằng “Bộ Quốc phòng Mỹ phản đối TQ uy hiếp hoạt động dầu khí của VN trên Biển Đông.”
Bộ Quốc phòng Mỹ hết sức quan ngại trước các nỗ lực tiếp diễn của Trung Quốc vi phạm trật tự quốc tế dựa trên luật lệ trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thông cáo của Bộ phát hành ngày 26/8 nêu rõ.
Thông cáo nói gần đây, Trung Quốc tái tục sự can thiệp mang tính uy hiếp nhắm vào các hoạt động dầu khí lâu nay của Việt Nam ở Biển Đông, trực tiếp đi ngược lại cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Ngụy Phượng Hòa, tại Đối thoại Shangri-La rằng Trung Quốc sẽ “theo đuổi con đường phát triển ôn hòa.”
Bộ Quốc phòng Mỹ tố cáo hành động của Bắc Kinh hoàn toàn trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về một vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở và tự do, mà qua đó, các nước lớn nhỏ được đảm bảo an toàn chủ quyền, không bị uy hiếp, và có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp với các luật lệ cũng như chuẩn mực được quốc tế công nhận.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.