Hôm nay,  

Đảng Cộng Hoà Gãy Cánh Hữu

13/04/200700:00:00(Xem: 8421)

  Vì hai cánh đòi bay hai hướng...

Ngày mùng 10 vừa qua, Thượng viện Hoa Kỳ lại bỏ phiếu một lần nữa để thông qua đạo luật về phôi bào gốc (embryonic stem cell) và đạt tỷ số 63-34. Lần trước là vào ngày 18 tháng Bảy năm ngoái, với tỷ số 63-37 và bị Tổng thống Bush phủ quyết ngay hôm sau mà không cản được vì không hội đủ túc số hai phần ba (67 phiếu Nghị sĩ).

Truyền thông và cánh tả (hai chữ này có thể là một vì hơn 80% các nhà bình luận của truyền thông Hoa Kỳ đều thiên tả và có cảm tình với đảng Dân chủ) lập tức bình luận rằng Tổng thống Bush không nên phủ quyết đạo luật như năm ngoái vì đa số dư luận Mỹ cho rằng không nên ngăn cản sự tiến hoá của khoa học kỹ thuật và việc nghiên cứu phôi bào gốc có thể cứu được nhân loại khỏi nhiều chứng bệnh nan y.

Lý luận này sai nhưng do vấn đề quá phức tạp nên nhiều người không hiểu, chỉ kết luận theo truyền thông rằng vì sùng đạo, ông Bush không muốn khoa học đi quá xa mà phạm vào những nguyên tắc đạo đức hay tôn giáo. Sự thật nó rắc rối hơn vậy. Vấn đề sở dĩ gây tranh luận là vì một bài toán chính trị, là chính quyền liên bang có nên tài trợ việc nghiên cứu ấy hay không và việc đa số Nghị sĩ Dân chủ và một thiểu số Nghị sĩ Cộng hoà đã đòi thông qua đạo luật ấy chỉ là một đòn phép chính trị mà thôi.

Có vài điều thực tế mà ít ai nói tới là Chính quyền Bush là chính quyền duy nhất và trước tiên đã đồng ý cho ngân sách liên bang tài trợ việc nghiên cứu này, là điều Chính quyền Clinton trước đó không chấp nhận. Và trong khi giới chính khách tranh cãi về việc sử dụng công quỹ thì các tổ chức tư nhân, hơn một chục đại học và cả trăm doanh nghiệp Hoa Kỳ lẫn ngoại quốc, đã dồn tiền rất nhiều vào việc nghiên cứu ấy. Họ không hề bị cấm và chi ra những ngân khoản lớn gấp bội so với ngân sách nhà nước. Chỉ một công ty như Geron Corp. cũng đã bỏ ra số tiền cao gấp đôi ngân sách Mỹ cho việc nghiên cứu đó và người ta dự đoán là từ nay đến 2010, ngân sách khảo cứu việc khai thác phôi bào gốc có thể lên tới hàng chục tỷ Mỹ kim.

Cho nên, chính trường có muốn tranh luận gì thì đời sống thực tế vẫn tiếp tục và thiên hạ sẽ còn nghiên cứu về phôi bào. Đấy là chuyện ngoài đời.

Tổng thống Bush sở dĩ đã dùng quyền phủ quyết một đạo luật tương tự vào năm ngoái, và sẽ lại phủ quyết nữa như đã thông báo, vì muốn hạn chế việc dùng công quỹ vào những công trình khảo cứu có thể dẫn tới sự hủy diệt phôi bào sống. Khi mà khoa học kỹ thuật còn đang tìm kiếm giải pháp, và có khi sẽ sớm thành công, thì không nên mở ra cánh cửa có thễ dẫn tới lạm dụng. Và dù sao thì khoa học kỹ thuật vẫn đang tiến và dù có đạo luật này hay không, các tổ chức tư nhân, cả Hoa Kỳ và thế giới, vẫn đang nghiên cứu thêm.

Nói cách khác, đây không chỉ là một cuộc tranh luận về đạo tắc - nôm na là đoạt quyền Thượng đế để quyết định về chuyện sống chết của con người - mà là tranh luận về việc sử dụng công quỹ vào những dự án mà nội dung chưa đủ phân minh rõ rệt. Một đề tài cổ điển về quyền lực của nhà nước, đối chiếu với quyền lực của công dân.

Trong chế độ dân chủ, ta phải chấp nhận rằng một số thành phần xã hội là các chính khách chơi đòn chính trị và nhiều khi lường gạt dư luận thiếu am hiểu để đạt mục tiêu chính trị của họ. Khi đảng Dân chủ đưa diễn viên Michael J. Fox mắc bệnh Parkinson ra làm bung xung để vận động cho đạo luật nghiên cứu phôi bào gốc này, họ dùng thủ đoạn chính trị và ai không hiểu mà bị mắc lừa thì ráng mà chịu. Mà rất dễ bị mắc lừa: khi thấy bệnh nhân - nổi tiếng - có thể chết mà ông Bush lại cấm không cho nghiên cứu vì sợ đụng vào những tín điều tôn giáo mù mờ gì đó thì ông tổng thống này quả là bất nhẫn!

Giá trị của mọi nền dân chủ đều tùy thuộc vào một yếu tố căn bản và đầu tiên là dân trí.

Cho nên, chúng ta nên gác chuyện phôi bào gốc này qua một bên để tìm hiểu sâu xa hơn về một vấn đề chính trị thật và sẽ chi phối cuộc bầu cử 2008 này. Đó là thành lũy bảo thủ của đảng Cộng hoà đang bị rạn nứt nặng. Chuyện stem cell, embryonic hay không, chỉ là chuyện nhỏ, chỉ là cái cớ. Vả lại, cả hai viện Quốc hội đều không đủ túc số 2/3 để vượt qua quyền phủ quyết của Tổng thống và nhiều hãng bào chế hiện vẫn bỏ bạc tỷ ra tìm giải pháp khoa học cho những bệnh nan y mà chúng ta quan tâm.

Người ta thường có thành kiến là đảng Cộng hoà bảo thủ hơn đảng Dân chủ và trong đảng này, thành phần bảo thủ nhất gồm có những người đề cao nguyên tắc tự do kinh tế, phát huy tự do cá nhân, muốn giới hạn quyền lực nhà nước, hoặc bảo vệ kỷ cương xã hội, tăng cường sức mạnh đối ngoại và gìn giữ an ninh, hay tôn sùng Thiên chúa, v.v.... Nếu kể ra thì quả là rất nhiều, nhưng thuộc nhiều xu hướng khác nhau. Và vì thuộc nhiều xu hướng nên không phải luôn luôn có quan điểm thống nhất. Người bảo vệ quyền tự do cá nhân đôi khi cũng bảo vệ quyền phá thai hay đồng tính - xu hướng gọi là libertarian của Mỹ. Người đề cao nguyên tắc tự do kinh tế không nhất thiết ủng hộ các đại tổ hợp vốn chi tiền ủng hộ đồng đều cho cả hai đảng, và ngược lại họ muốn bảo vệ các tiểu doanh nghiệp chống lại sự can thiệp hay dòm ngó quá sâu của nhà nước.

Tuy nhiên, giữa ngần ấy khuynh hướng, ta có thể thấy ra ba thành phần có mối quan tâm nổi bật và tạo ra sự đồng thuận làm nền tảng đoàn kết trong đảng Cộng hoà. Đó là những người muốn ưu tiên bảo vệ an ninh quốc gia (chủ chiến trong đối ngoại), kỷ cương xã hội (bảo thủ về đạo đức) và đòi hỏi một chính quyền "vô vi" hay một nền hành chánh công quyền giản lược, đánh thuế nhẹ và ít can thiệp vào đời sống công dân. Sự đồng thuận của ba nhóm trung kiên này đã tạo nên sức mạnh chính trị cho đảng Cộng hoà khi đa số những người muốn bảo vệ kỷ cương xã hội hay giá trị gia đình cũng là người sùng đạo, có lập trường đối ngoại cứng rắn với một bộ máy nhà nước tinh giản.

Ngược lại, một số người đề cao quyền tự do cá nhân trong kinh tế, về thuế khoá ("bảo thủ về vật chất" hoặc đòi hỏi tự do về kinh tế), chưa chắc đã đồng ý với những người gay gắt chống phá thai hay hôn nhân đồng tính đến nỗi đòi chính quyền phải can thiệp vào chuyện đạo đức gia đình. Họ đều được ta gọi chung là Cộng hoà nhưng vẫn có nhiều khác biệt.

Đã thế, sự tương đồng và dị biệt giữa ngần ấy mối quan tâm có thể thay đổi tùy theo tình hình xã hội Mỹ và tùy theo cục diện thế giới vào từng thời kỳ. Người sùng đạo và bảo thủ về đạo đức có thể là thành phần chống cộng cực đoan trong thời Chiến tranh lạnh vì tư tưởng vô thần của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong tinh thần đó, họ rất gần với xu hướng lý tưởng và đòi hỏi tự do dân chủ bên đảng Dân chủ, một thành phần cũng rất chống cộng của cánh tả. Nhưng ngược lại, thành phần này bên đảng Dân chủ lại không đồng ý với những người muốn có nhà nước vô vi và bất can thiệp vào chuyện phòng the hay luyến ái đồng tính.

Những yếu tố đó cũng đủ giải thích vì sao mà nhãn hiệu "bảo thủ" lại không đủ tinh tế để định nghĩa đặc tính Cộng hoà. Đa nguyên là vậy, đa đoan và đa sự chứ không đơn giản!

Bây giờ ta mới nói đến chuyện hiện tại, và bầu cử 2008.

Kể từ hai chục năm nay, có một thành phần đã lặng lẽ trở thành trụ cột của đảng Cộng hoà. Đó là thành phần Thiên chúa giáo tích cực truyền giáo trong xã hội (không phải là Công giáo, mà theo "đạo Tin Lành" như ta thường nói). Họ là thành đồng của đảng Cộng hoà nhờ sức huy động cán bộ và khả năng vận động tài chánh rất cao. Nhà thờ và các buổi sinh hoạt truyền giáo đã là môi trường phát triển đảng viên Cộng hoà, từ cấp địa phương lên tới vị trí quốc gia, và bộ máy vận động của thành phần này mặc nhiên có uy thế rất mạnh trong cơ sở đảng ở địa phương. Chủ trương của các đảng viên Cộng hoà trung kiên mà ngoan đạo này là bảo vệ uy tín và giáo lý Thiên chúa, bảo vệ kỷ cương gia đình và xã hội, cụ thể là chống phá thai, hôn nhân đồng tính hay... dùng khoa học đoạt quyền Thiên chúa (hồ sơ phôi bào gốc!).

Do thế lực thực tế rất mạnh của họ, các ứng viên Cộng hoà đều phải đi qua cái lọc tôn giáo ở cấp địa phương và muốn ra tranh cử cấp quốc gia thì ứng viên nào cũng phải thỏa mãn quan điểm bảo thủ về tôn giáo, và cả xã hội, ở những vòng sơ bộ. Nói cho ngắn gọn, thế lực bảo thủ trong đảng Cộng hoà nằm trong bộ máy vận động và thanh lọc tiên khởi của thành phần Thiên chúa giáo ở cấp cơ sở.

Đây là yếu tố chính giải thích vì sao các ứng viên Cộng hoà đều có lập trường bảo thủ về tôn giáo hay đạo đức để thỏa mãn cánh hữu trong đảng, trước khi lên tới cấp cao hơn và đủ mạnh để đề nghị một lập trường ôn hoà hơn trong các vấn đề thuộc phạm vi quốc gia, hay quốc tế. Đấy là tấm gương phản chiếu một hiện tượng tương tự bên đảng Dân chủ, là phải có lập trường cực tả, phản chiến và phóng túng về đạo đức, trước khi có hy vọng vượt qua vòng sơ bộ để đề nghị những giải pháp ôn hoà và thực tiễn hơn cho quốc gia.

Bây giờ, tình hình bắt đầu rắc rối cho đảng Cộng Hoà khi xu hướng bảo thủ trong đảng lại thấy thất vọng sau sáu năm cầm quyền của Tổng thống George W. Bush. Rắc rối đến độ gây ra rạn nứt.

Trước hết, trong khuynh hướng bảo thủ về tôn giáo, tổ chức đầy thế lực là Christian Coaliton (cánh hữu của phe Truyền giáo) thất vọng với thành quả ủng hộ ông Bush.

Họ cảm thấy là những đòi hỏi của họ không được đáp ứng, thí dụ như phán quyết của Tối cao Pháp viện về quyền phá thai (vụ án Roe. v. Wade không bị đẩy lui), quyền hôn nhân đồng tính nay đang trở thành một đề mục phổ biến hơn trong xã hội và nhiều tiểu bang Mỹ, và nói chung, quảng đại quần chúng và nhất là giới điện ảnh (tội nặng của Hollywood!) ngày càng cổ võ lối sống họ cho là thiếu tinh thần kính trọng tôn giáo (và Thiên chúa). Thí dụ như dù Tổng thống Bush đã phủ quyết dự luật về phôi bào sống, thì xã hội vẫn tiếp tục coi việc nghiên cứu đó là nên, và đang ráo riết nghiên cứu.

Thành phần truyền giáo này vì vậy đang do dự giữa hai cách phản ứng. Chống Bush hay... ở nhà, khỏi đi bầu.

Ngược lại, thành phần bảo thủ về những vấn đề khác, thí dụ như về kinh tế (tiểu doanh thương muốn thu hẹp quyền lực nhà nước) hay an ninh (chủ chiến mạnh trong vụ Iraq và chiến tranh chống khủng bố) cũng thấy thất vọng vì Chính quyền Bush. Chuyện Iraq đã chẳng có kết quả gì mà còn kéo đảng Cộng hòa xuống đất đen, trong khi bộ máy nhà nước lại gia tăng ảnh hưởng (và cả khiếm hụt ngân sách) dưới triều đại Bush.

Nhưng, họ còn thất vọng hơn nữa với phe bảo thủ tôn giáo.

Với thành phần này, các lực lượng tôn giáo đang là những chính ủy mới, trực tiếp xen lấn và đòi chi phối cả quyền tự do thế tục của họ, và cũng do nhu cầu chi phối ấy mà còn đòi hỏi một điều họ cho là tối kỵ: nên tăng cường vai trò kiểm soát của nhà nước, qua luật lệ, tức là qua các chính trị gia.

Thành thử, Chính quyền Bush và đảng Cộng hoà chẳng những bị yếu thế, và thất cử năm ngoái, vì hồ sơ Iraq mà vì cả sự phân hoá, thụ động hoặc phản đối của những thành phần bảo thủ trung kiên nhất từ thời Ronald Reagan cho đến nay.

Chẳng những hai phe bảo thủ về vật chất (kinh tế và an ninh) và tinh thần (tôn giáo và gia đình) đang đi theo hai hướng, mà còn trực tiếp đụng độ khi chọn lựa ứng viên cho năm 2008. Nguyên thống đốc Massachussetts Mitt Romney là người được lòng phe bảo thủ về tôn giáo, nhưng ông ta lại theo đạo Mormon, một giáo phái họ nghi ngờ và nằm ngoài vùng biên tế của dòng chính lưu tôn giáo. Nghị sĩ McCain thì không đáng tin vì có nhiều lập trường thiên tả. Nguyên Thị trưởng New York là Rudi Giuliani hay Cựu Dân biểu Newt Gringrich thì khá hơn, nhưng vẫn quá ôn hoà về tôn giáo và xã hội. Và hai ông đều đã từng ly dị, có đời sống riêng tư thật đáng dị nghị! Không phải đạo!

Đó là về con người, về chánh sách thì một hồ sơ sẽ gây rạn nứt còn tai hại hơn, đó là chuyện môi sinh, hiện tượng nhiệt hoá địa cầu vì khí thải kỹ nghệ!

Trong thành phần bảo thủ tôn giáo này, người ta cũng còn có thể nhìn ra ba bốn xu hướng khác biệt.

Trước hết là giới trẻ và nhiều nhà truyền giáo sùng tín thì thất vọng với chính trị và muốn... đóng cửa đi tu. Họ không còn tích cực với sinh hoạt vận động quần chúng hay phát triển cơ sở đảng mà trở về lo việc đạo ở tại địa phương. Họ không muốn đòi thay đổi bộ mặt xã hội và đời sống bằng chính trị nữa.

Thứ hai là những người thực tiễn. Họ biết những bất toàn của xã hội và mối nguy cho tôn giáo, và biết là phải dùng phương tiện chính trị để cứu đạo. Trong tinh thần ấy, họ sẵn sàng thỏa hiệp với những đề mục chính trị họ xem là thứ yếu để vẫn giữ được ảnh hưởng trong xã hội. Đây là thành phần sẽ giữ vai trò quyết định vì họ khá đông và vẫn còn tích cực tham gia các sinh hoạt ở cơ sở.

Nhưng, họ gặp khá nhiều vấn đề với một thành phần thứ ba, những người lý tưởng đến độ cực đoan. Thành phần này coi đạo là chính, đời là phụ và sẵn sàng chấp nhận thất bại về chính trị (cho đảng Cộng hoà!) chứ không hề thoả hiệp về bất cứ một chuyện lớn nhỏ nào.

Thành phần sau cùng là những người trầm lặng, họ nương theo trào lưu thế tục của xã hội mà cố gắng cổ võ cho đạo pháp bên trong cộng đồng và thông cảm với những người thực tiễn về một số quan điểm thỏa hiệp.

Khi cánh hữu của đảng Cộng hoà bị chia hai và một phân nửa rất tích cực trong xu hướng này lại chia tư như vậy, chúng ta thấy ngay những khó khăn của đảng này trong cuộc bầu cử năm tới, từ cấp dân cử địa phương đến liên bang tới chức vụ Tổng thống. Thành phần thực tiễn trong các lực lượng tôn giáo sẽ giữ vai trò bản lề và có thể dung hoà quan điểm với thành phần bảo thủ về kinh tế hay an ninh. Nhưng, thành công hay không, chưa ai biết được.

Khi đưa vào bài toán này một số hồ sơ nóng khác, chuyện nhiệt hoá địa cầu chẳng hạn, người ta còn có thể thấy ra nhiều sức ly tâm khác. Đảng Dân chủ tất nhiên không phải là không có vấn đề và sẽ thong dong thắng lớn. Nhưng ở đây, chúng ta mới chỉ nói về những làn sóng đáy trong nội bộ đảng Cộng hoà mà thôi.

Và kết luận hiển nhiên phải thấy, là chuyện chính trị tại Mỹ không hề đơn giản! Đã bảo là đa nguyên mà!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Rồi vào ngày 12/12/2023, tức chỉ sau ba tháng, Việt Nam lại long trọng tiếp đón Chủ Tịch Tập Cận Bình và nói rằng hợp tác và hữu nghị với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược của Việt Nam...
Chỉ ba tháng sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp ngoại giao trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, người ta thấy Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới mới nhất tăng cường quan hệ với Việt Nam với chuyến thăm Hà Nội trong tuần này...
Chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã để lại nhiều hệ lụy cho nhân dân Việt Nam hơn bao giờ hết. Bằng chứng này được thể hiện trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 theo đó họ Tập thay quan điểm “cộng đồng chung vận mệnh” bằng “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai” cho hai nước...
Sự ra đi của nhà tư tưởng và thực hành xuất sắc về chính sách đối ngoại của Mỹ đánh dấu một kỷ nguyên kết thúc. Trong suốt sự nghiệp lâu dài và có ảnh hưởng phi thường của mình, Henry Kissinger đã xây dựng một di sản mà người Mỹ sẽ khôn ngoan chú ý trong kỷ nguyên mới của nền chính trị cường quốc và sự xáo trộn trong toàn cầu. Thật khó để tưởng tượng rằng thế giới mà không có Henry Kissinger, không chỉ đơn giản vì ông sống đến 100 tuổi, mà vì ông chiếm một vị trí có ảnh hưởng và đôi khi chế ngự trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
“Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố...
“Trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.”
Việt Nam đang thương lượng mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa ngày một lên cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin này được truyền miệng ở Hoa Thịnh Đốn, tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 10-11 tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các viên chức thẩm quyền của đôi bên không tiết lộ số lượng F-16 mà Việt Nam có thể mua với giá 30 triệu dollars một chiếc...
Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt, Sơn Tây. Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.
Càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc khóa XIV (2026-2031), đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ra sức kiên định 4 nguyên tắc được coi là “có ý nghĩa sống còn đối với chế độ.”
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.