Hôm nay,  

Công Dân Thế Giới

17/07/202209:56:00(Xem: 4036)

Chính luận

hien

Việt Nam thế kỷ thứ 16 trên bản đồ Indiae Orientalis Insularumque Adiacientium Typus, Antwerp (Anvers, nay thuộc Belgium), năm 1572.

 

“Tôi đi giữa trời bồi hồi

Cờ bay phất phới quên chuyện ngày xưa

Mong sao nước Việt đời đời

Anh dũng oai hùng chen chân thế giới “

(Nguyễn văn Đông, Hải Ngoại Thương Ca, 1964)

 

Năm 2014 xuất hiện một bảng xếp hạng các nước gây nhiều chú ý trong cộng đồng người Việt. Bảng này, The Good Country Index, do một người Anh, người cố vấn về chính sách độc lập tên Simon Anholt lập ra, căn cứ trên 35 nhóm dữ kiện đáng tin cậy ("reliable datasets") không được tác giả phổ biến. Ví dụ, để xếp hạng xem các nước khác nhau đóng góp cho trật tự thế giới như thế nào, tác giả xem số tiền góp cho từ thiện thế giới, số dân tỵ nạn mà mình giúp đỡ, cho định cư, số người tỵ nạn mà mình đẩy ra nước ngoài cho người khác lo, và những hiệp ước do Liên Hiệp Quốc mà mình tham gia để góp phần vào sự bình yên của thế giới. Nước đứng đầu sổ là Ireland, một nước nhỏ hơn nước ta, diện tích trên 70,000 km2 và dân số chỉ có 4,7 triệu người (Republic of Ireland, năm 2016; năm 2022: 5,1 triệu). Lợi tức đầu người là 102.000 đô la/ người (năm 2022, thứ 3 thế giới)(theo Wikipedia). Chín nước khác trong 10 nước đứng đầu cũng chỉ là nước nhỏ hay trung bình, không có Mỹ và Nga hay Trung Quốc. Có nghĩa là không cần "to con" và giàu có mới được xếp hạng cao. Tuy mười nước đầu đều là nước Tây Âu với lợi tức đầu người cao thuộc loại cao nhất thế giới, Kenya, quê hương của bên nội tổng thống Obama, được xếp trong 30 nước cộng tác với cọng đồng thế giới được thế giới ngưỡng mộ nhất. Mỹ đứng thứ 21, Trung Quốc với các thập niên vừa qua chỉ chăm lo làm giàu nhiều hơn là đóng vai trò với trách nhiệm trong cộng đồng thế giới, đứng thứ 107.(1)(2)

 

1. Ireland

2. Finland

3. Switzerland

4. Netherlands

5. New Zealand

6. Sweden

7. United Kingdom

8. Norway

9. Denmark

10. Belgium

 

Việt Nam đứng áp cuối (#124), sau Cambodia, Lào, Indonesia, ngang Iraq, trước Libya, nước châu Phi rộng 1.759.000 km2, dân số chỉ trên 6 triệu người, và là quê hương của Muammar Gaddafi, nhà độc tài bị lật đổ và giết chết năm 2011,

 

116. Yemen

117. Venezuela

118. Benin

119. Indonesia

120. Zimbabwe

121. Angola

122. Azerbaijan

123. Iraq

124. Vietnam

125. Libya

 

Hiện nay, theo danh sách mới nhất (version 1.5)(3), 10 nước đứng đầu là:

 

1. Sweden

2. Denmark

3. Germany

4. Netherlands

5. Finland

6. Canada

7. Belgium

8. Ireland

9. France

10. Austria

 

Mười nước này toàn là những nước Tây Âu, trừ Canada. Sweden (Thụy Điển) đứng đầu, có diện tích lớn hơn Việt Nam, nhưng dân số chỉ trên 10 triệu người.

 

Mỹ được xếp hạng từ #21 tụt xuống #46, sau xa Nhật (#34) và Nam Hàn (#37). Nga (Russian Federation) đứng thứ #54; về mục đóng góp cho an ninh và hòa bình thế giới hạng #87; việc xếp hạng này xảy ra trước vụ Nga tấn công và xâm chiếm Ukraine, nên nếu xếp hạng bây giờ có lẽ Nga sẽ được điểm thấp hơn. China #69, cao hơn trước.

 

Trong bảng thứ tự mới này Việt Nam đứng thứ 120, với điểm dương cho an ninh và hòa bình (nhờ VN gởi các đội quân bảo vệ hòa bình (peace keeping troops) cho Liên Hiệp Quốc) , xuất khẩu sản phẩm văn hóa (cultural product exports) xuất khẩu thuốc men, an ninh mạng (internet security) và tuân theo các thỏa ước về môi sinh và Y tế quốc tế (environment agreements compliance, iternational health regulations compliance); điểm âm về tự do báo chí, giới hạn di chuyển (visas). Thứ hạng cao nhất cho VN là 32 cho “hòa bình và an ninh thế giới” (Mỹ thứ 125, Morocco hạng nhất), thứ hạng thấp nhất là 152 trong mục hành tinh và thời tiết (planet and climate).

 

Sau Việt Nam, lần này có 49 nước (trong tổng số 169 nước) có điểm thấp hơn, trong đó có Lào và Cambodia; đứng chót bảng là Syria bị nội chiến từ nhiều năm nay.

 

Nói chung, mặc dù trong bản sắp hạng mới, VN có chỗ đứng xa đáy bảng hơn, VN vẫn còn sắp hạng thua xa các nước trong vùng Đông Nam Á và vị trí tương đối cũng khiêm nhường như trước. Theo báo The Economist, bản index này hơi thiên vị đối với các nước nghèo và nhỏ hơn, và sự suy diễn các tham số (parameter) có thể không đúng, nó cũng là một việc có ý nghĩa giúp cho ta thấy nếu các quốc gia hướng tới việc phục vụ người khác thì cuộc thi đua cao thấp sẽ như thế nào (a worthwhile pursuit by imagining how countries might compete when they aim to serve others.)

 

Anholt có một đề nghị thú vị. Theo quan điểm của ông, những chính phủ của chúng ta bầu lên hay ủng hộ đều muốn thực hiện cho chúng ta những gì chúng ta muốn. Mà theo ông, và điều này cần thay đổi, có những chính phủ mắc chứng " bịnh tâm thần về văn hoá" (cultural psychopath), những người nhìn chung quanh mình chỉ thấy quyền lợi chính mình, của nhóm mình, mà "không có khả năng thật sự đồng cảm với người khác. Khi nhìn chung quanh mình, họ không thấy những con người với cuộc sống cá nhân có chiều sâu, phong phú và 3 chiều (tridimensional), với mục tiêu và tham vọng của họ. Họ chỉ thấy những hình nộm cắt ra từ giấy carton cứng, và điều này thật buồn, thật cô đơn". Và ông đòi hỏi chúng ta nên chọn những người đại diện cho mình thế nào để chính phủ của mỗi nước phải ý thức về trách nhiệm của mình trong cộng đổng thế giới.

 

Và Anholt đề nghị, lúc bầu ra những người đại diện cho mình, chúng ta nên tự hỏi nhưng người đó có mắc bịnh "tâm thần văn hoá" hay không. Họ có giúp cho xứ sở của mình trở thành một "xứ sở tốt" được cộng đồng thế giới ngưỡng mộ hay không? Mình đi ra thế giới có thể ngẫng đầu lên cao lên mà tự nhủ "Phải rồi, tôi hãnh diện đến từ một xứ sở tốt"; và ai ai cũng hân hoan chào đón mình, và 15 giây trước khi đi ngủ người ta sẽ gật gù nghĩ bụng "Cám ơn Trời Phật, có được một xứ như xứ của anh ta trên thế giới thật là một điều đáng mừng".(4)

 

Tám năm trước, trong một cuộc phỏng vấn thú vị trên đài BBC về vấn đề Việt Nam đóng góp được gì cho thế giới, những người tham dự, gồm người Việt trong nước du học, Việt Kiều cũng như học giả nước ngoài chuyên về Việt Nam, cũng không nêu được lãnh vực nào mà Việt Nam đóng góp đáng kể cho thế giới. Những người tham dự chỉ cố gắng đưa ra một số "điểm vớt " mà thôi, có thể cho “viên thuốc đắng” này bớt đắng hơn. Ví dụ Việt Nam không được thế giới biết đến nhiều, trẻ con gốc Việt ở Tiệp Khắc chăm học và học giỏi, người Mỹ gốc Việt tham gia vào văn hoá "payback" để trả ơn cho xã hội mình đang sống, người Việt "hướng nội", "khép kín" quá nên chưa nghĩ gì đến việc đóng góp cho thế giới. Tuy nhiên, đáng chú ý là người được phỏng vấn từ trong nước ra, TS Nguyễn Quang A, thẳng thắn công nhận xếp hạng như vậy là đúng vì nước chưa phát triển và cơ chế xã hội gò bó quá, không cho phép để người Việt đóng góp gì đáng kể trên bình diện quốc gia, mặc dù có một ít đóng góp với tư cách cá nhân.

 

Nói chung , kết quả xếp hạng này chỉ có giá trị cho tình hình Việt Nam lúc này , và không phải là một phán xét chung cho đất nước trong suốt quá trình lịch sử. Lúc này, Việt nam, vẫn còn rất nhiều ngần ngại và nghi ngờ, mới tập tểnh vào con đường hội nhập thế giới, không biết tin ai mà cũng không dám dựa vào ai. Nói gì đến chuyện chơi thân giúp đở "bạn bè năm châu" mà phần đông vẫn nhìn chúng ta với cái nhìn ái ngại.

 

Lạc quan hơn, có một bảng xếp hạng 78 nước với những lãnh vực bao quát hơn (5), không phải so sánh “ai tốt hơn ai” cho cộng đồng thế giới mà “ai giỏi hơn ai”:

 

Mỗi nước được chấm trên 76 thuộc tính (attributes) được chia thành 10 nhóm: Phiêu lưu (Adventure: thân thiện, “fun”, tốt cho du lịch, cảnh đẹp, “sexy”), Nhanh nhẹn (Agility, như cách đối phó với đại dịch, lúc nền kinh tế bị xuống dốc đột ngột), Ảnh hưởng Văn hóa (Cultural influence), Tinh thần mạo hiểm kinh doanh, “chịu chơi làm ăn” (Entrepreneurship), Di sản (Heritage; lịch sử phong phú, ẩm thực, nhiều điểm du lịch văn hóa), Động lực (Movers;”up and coming”, khác biệt, năng động và độc đáo), Mở cửa cho Kinh doanh (Open for business, không tham nhũng), Quyền lực (Power, được thế giới chú ý trong tin tức, có sức mạnh và uy tín, ảnh hưởng trên trường chính trị thế giới), Mục đích Xã hội (Social purpose: khả năng đối phó với bất công xã hội và thực hiện công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; nhóm này, trước đây gọi là “citizenship” bao gồm các đức tính về công dân thế giới, có vẻ hơi giống các tiêu chí của “Good Country Index”), và Phẩm chất Cuộc sống (Quality of Life).

 

Năm 2021 báo US News and World Report xếp hạng 10 nước cao nhất: Canada, Nhật, Đức, Thụy sĩ, Úc, Mỹ (#6), New Zealand, Vương quốc Anh, Thụy Điển, Hòa Lan.

 

Việt Nam vào thứ #40/78 trong danh sách “U.S. News Best Countries”. Riêng về nhóm thuộc tính “Movers” mô tả nên kinh tế đang lên, VN đứng #23 , trước Mỹ (#24). Các điểm mạnh khác: di sản (#25) , quyền lực (#25; Mỹ là #1 về Power) và “mở cửa” cho kinh doanh (#21). Điểm yếu: mục đích xã hội (#70); nhanh nhẹn (agility, #50) và ảnh hưởng văn hóa (#49).

 

Báo này viết: “Đổi mới chính sách kinh tế bắt đầu từ năm 1986 đã giúp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chuyển đổi sang một quốc gia hiện đại hơn, có sức cạnh tranh hơn. Các doanh nghiệp nhà nước và nông nghiệp, vốn từng độc quyền trong nền kinh tế, đang mất dần vị thế khi quốc gia nỗ lực đạt được sự phát triển bền vững thông qua thương mại và công nghiệp cởi mở hơn, bao gồm chế biến thực phẩm, sản xuất hàng may mặc, chế tạo máy và khai thác mỏ. Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại nổi bật nhất của quốc gia này, một vị trí được củng cố bởi chuyến thăm của cựu Tổng thống Obama tới đất nước này vào năm 2016.

 

Những tiến bộ tương tự đã không được thực hiện trong lãnh vực nhân quyền. Sự thể hiện chính trị và tôn giáo bị kiểm soát chặt chẽ, và những quan điểm bất đồng chính kiến sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Các dân tộc thiểu số đặc biệt dễ bị tổn thương. Mặc dù mức độ nghèo đói nói chung đã giảm, nhưng vẫn tồn tại sự chênh lệch kinh tế rõ rệt giữa khu vực thành thị và nông thôn.” (6)

 

Riêng những người Việt xa xứ đã có cơ hội so sánh xứ sở gốc gác chúng ta với một số nơi trên thế giới. Phần đông chúng ta vẫn dành một chỗ tốt đẹp trong tâm tư của mình cho quê hương đã mất. Vậy, nhìn xa hơn hiện tại , chúng ta có thể có những nhận xét sau đây:

 

1) Tuy Việt Nam cũng là một “nước” như Hoa Kỳ hay Nga, những nước này là những liên bang, Trung quốc gần như một đế quốc. Nếu chúng ta hỏi một tiểu bang như West Virginia (62.000 km2, dân số 1,8 Triệu) hay một tỉnh như Vân Nam (394.000km2, dân số 46 triệu) có đóng góp gì cho thế giới, chưa chắc đã hơn gì Việt Nam.

 

2) Việt Nam ít được thế giới biết đến, mà có biết cũng chỉ biết như là tên của một cuộc chiến tranh đẩm máu (“Vietnam War”). Như một số người Mỹ nay nhận xét, chúng ta là một "xứ sở", không chỉ là một cuộc chiến (A country, not a war).

 

3) Tài liệu về lịch sử Việt Nam bằng tiếng Anh trước đây rất hiếm. Dù do người Việt nam viết để nâng cao ý thức thế giới về nước mình, phần lớn chú trọng nhiều đến "quá khứ anh hùng, chống ngoại xâm", năng khiếu đánh giặc, làm người ngoài nghĩ đến thái độ của chúng ta nghi ngờ văn hoá , tôn giáo, ảnh hưởng "ngoại lai", hơn là nêu rõ chúng ta đóng góp những gì cho thế giới.

 

Trong 7 năm gần đây, xuất hiện nhiều cuốn sách của các giáo sư sử học người Mỹ như Keith Taylor, Ben Kiernan, Christopher Goscha viết về lịch sử Việt Nam, một cách bao quát từ thời tiền sử cho đến hiện nay. Với những tin tức mới lạ, kết quả của những khảo cứu gần đây, cũng như đề cập nhiều đến các vấn đề văn hoá, các sách này xoá bỏ hình ảnh lỗi thời của Việt nam như là chiến trường nơi người Mỹ thất bại và thường được báo chí cũng như trí thức Mỹ (thường là thiên tả) nhìn khá thiên lệch và hời hợt trong thời chiến tranh. Nói chung các sách này trình bày vấn đề nhìn từ nhiều phía, cũng như dưới nhiều khía cạnh, nhiều lãnh vực sinh hoạt xã hội khác nhau, như văn hoá, chính trị, khảo cổ học,ngôn ngữ học, nhân chủng học...

 

4) Chúng ta sợ bị đô hộ, và từ đó sợ luôn chuyện lệ thuộc người khác. Trong khi đó, tương quan các nước hiện hay trong một thế giới phẳng là quan hệ hổ tương, nước này không ít thì nhiều cũng lệ thuộc vào nước khác, không thể đơn độc, 100% độc lập được, muốn làm gì thì làm, dù là trong biên giới của mình. Và hiện nay, dịch Covid lại càng chứng minh hùng hồn hơn nữa tình trạng liên đới toàn cầu. “Interdependence” đã thay thế “independence” trong bàn cờ toàn cầu hoá (nói theo từ của tướng de Lattre de Tassigny trong một bài diễn văn đọc trước thanh niên Việt Nam [1951])(7).

 

Quan niệm độc lập (tiếng Pháp: independance) cần được thay thế bằng quan niệm dựa vào nhau mà sống, phụ thuộc lẫn nhau ("interdependance" hay "dependance mutuelle", tạm dịch là "phụ thuộc hổ tương". Sự tương tác này được thể hiện trong tổ chức liên bang của Hoa Kỳ, Khối Thịnh Vượng Chung Anh (British Commonwealth), hay sau này trong Liên Minh Châu Âu (European Union dùng chung đồng Euro).

 

5) Nói chung chúng ta có vẻ "defensive”, "thủ thế", như chúng ta thường nói, là "thái độ mặc cảm". "Đừng khinh thường chúng tôi , chúng tôi không sợ ai, không để ai bắt nạt chúng tôi đâu!"

 

Chỉ mới đây thôi, để thu hút du khách, có những cố gắng yếu ớt để quảng bá hình ảnh "duyên dáng Việt Nam" ("The Hidden Charm") để giới thiệu một đất nước "hiền hoà”. Tuy nhiên ngoài những cố gắng để Liên Hiệp Quốc công nhận vài nhân vật lịch sử như Nguyễn Trãi hay một số di sản văn hoá thế giới, một người Việt ra xứ ngoài cũng khó làm gì hơn là cố gắng cho người khác thấy "tôi cũng có nền văn hoá lịch sử riêng, đừng coi thường tôi".

 

6) Đành rằng chúng ta nổi tiếng với làn sóng thuyền nhân (“boat people”), làm "rúng động lương tâm thế giới", và trong bảng sắp hạng của Anholt, chuyện một xứ nào đó tung ra thật nhiều người tỵ nạn là một điểm yếu làm bị trừ điểm, có thể nhìn làn sóng tỵ nạn này dưới một góc cạnh tích cực hơn: Nó chứng tỏ chúng ta là một dân tộc có thể hy sinh mạng sống của mình cho lý tưởng tự do, điều mà không phải ai cũng làm được.

 

7) Tuy chúng ta chưa ra tay cứu giúp gì nhiều cho người khác, phải công nhận là nước Việt cũng chưa gây ra thảm họa nào ghê gớm cho thế giới. Chỉ cần nhắc đến thành tích holocaust của nước Đức, hay thảm sát người Trung Hoa do quân phiệt Nhật còn gây thù hận cho đến bây giờ.

 

Gần đây nhất có hai cử chỉ từ Việt nam là thế giới chú ý. Công ty hàng không VietJet tặng một nhánh (Linacre College) của Đại học Oxford (Anh) 155 triệu bảng Anh (191 triệu USD) và trường này sẽ lấy tên của người sáng lập Vietjet (Thao College); tuy nhiên chính phủ Anh đang điều tra mục đích chính trị nếu có của món quà quá lớn này (8). Trong lúc đó, chính phủ VN viện trợ nhân đạo cho Ukraine chỉ có 500,000 đô la Mỹ theo lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc để khắc phục hậu quả chiến tranh với Nga.(9)

 

8) Có thể nhận xét dân tộc chúng ta cũng "hiền" thôi, ít nhất là đối với người ngoài, nếu chúng ta bỏ qua những chuyện "có qua có lại" tương đối nhỏ giữa người Việt và người Chàm hay Campuchia. Chuyện tàn ác thì cũng có, nhưng trong nước thôi, người Việt chúng ta có vẻ chỉ thích bắt nạt nhau.

 

9) Ngay đến chuyện nước ta mở rộng bờ cõi trong quá khứ, phần lớn cũng bằng "quyền lực mềm" (soft power), qua ngoại giao, gả bán Công chúa Huyền Trân nhà Trần để đổi lấy Châu Ô, Châu Lý của người Chàm (1306), hay Công nữ Ngọc Vạn với vua Chân lạp Chey Chetta thời Chúa Nguyễn (1620) để dựng nên thành phố Sài gòn sau này từ làng đánh cá Prey Nokor của Miên và xây dựng nên vựa lúa đồng bằng trù phú Sông Cửu Long tận đến mũi Cà Mâu, mặc dù hiện nay một số người gốc Miên vẫn còn tranh cãi vấn đề này..

 

10) Cách đây mấy năm, có cuốn phim tựa đề: "Hãy tưởng tượng một ngày không có người Mễ" (Imagine a day without a Mexican). Chúng ta thử bắt chước xem kịch bản một ngày thế giới không có người Việt như thế nào:

 

● Phụ nữ khắp nơi trên thế giới sẽ không được nghe nhắc tới hai bà Trưng của một xứ Á Châu, gần 2000 năm trước cầm quân đánh giặc, đối đầu với danh tướng Mã Viện của Trung Hoa, làm gương cho giới tranh đấu nữ quyền (women’s rights) hiện nay.

 

Sẽ không nghe văng vẳng lời của Bà Triệu (sinh 226):

"Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!"

 

● Lúc nhà Trần cướp ngôi nhà Lý, Thái tử Lý Long Tường của Việt Nam "vượt biên" qua Triều Tiên (1226), hai lần giúp vua Cao Ly đẩy lui quân Nguyên Mông và được lưu danh trong sử Hàn Quốc dưới danh hiệu Bạch Mã Tướng Quân, vua Cao Ly phong danh hiệu Hoa Sơn Tướng quân.

 

○ Ngày 6 tháng 11 năm 1958, trong dịp viếng thăm Việt Nam Cộng hòa, Lý Thừa Vãn, Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc đã tuyên bố rằng tổ tiên ông là người Việt. Theo nhà nghiên cứu Trần Đại Sỹ thì Lý Thừa Vãn là hậu duệ đời thứ 25 của Lý Long Tường.

 

○ Nếu không có Lý Thừa Vãn,"người hùng" (strong man) và là tổng thống đầu tiên của Hàn quốc lãnh đạo xứ này trong thời chiến tranh Triều Tiên, có thể Hàn quốc không có địa vị trên thế giới như hiện nay.

 

● Quân Mông Cổ, không nhờ Trần Hưng Đạo ngăn chặn, sẽ tràn xuống chiếm luôn vùng Đông Nam Á, và có lẽ đến nay toàn bộ Đông Nam Á kể cả Thái Lan, Indonesia, Cambodia đều là quận huyện của Trung Quốc.

 

● Nếu không có Việt Nam, có lẽ miền Trung VN hiện nay đã trở nên một vương quốc Chàm Hồi giáo, phía bắc tiếp giáp với Trung quốc lúc đó sẽ bành trướng xuống tận vùng Thanh Hoá hiện nay. Phía nam tiếp giáp với Thái Lan, trong đó Sài Gòn sẽ là một hải cảng của Thái, vì nếu không có Việt Nam, Thái Lan có thể đã nuốt trọn vương quốc Khmer.

 

● Nếu Pháp không thất bại đau đớn ở Việt Nam năm 1954, có lẽ những thuộc địa khác như Tunisie, Algerie , Maroc sẽ không nổi giậy đòi độc lập, đế quốc Pháp có thể sẽ còn tồn tại, và bộ mặt châu Phi cũng như thế giơi hồi giáo sẽ khác tình hình hiện nay.

 

● Nếu Mỹ không bị dính líu tới cuộc chiến tranh ở Việt Nam, "cuộc chiến tranh trên Ti Vi" sẽ không xảy ra, nước Mỹ có thể chưa mất "tính ngây thơ" (“lost its innocence”) của họ trong một cuộc chiến gây chia rẽ dân Mỹ, tạo nên phong trào phản chiến và hippy dùng các thuốc cần sa, psychedelic drugs thời thập niên 1960; nói cách khác có thể dân Mỹ sẽ “hồn nhiên” hơn.

 

● Thế cờ domino ở vùng Đông Nam Á hồi chiến tranh lạnh sẽ khác đi, và biết đâu kết quả cuộc đối đầu giữa Liên Xô và Thế giới Tự do do Mỹ lãnh đạo sẽ khác hiện nay.

 

● Và chắc chắn là không có Little Saigon (California), Eden Center (Falls Church, Virginia), nước mắm, bánh mì thịt Ba Lẹ, phở, chả giò, tương ớt, bún bò, bún riêu, và cộng đồng bốn triệu rưởi người Việt Nam trên mấy chục xứ trên thế giới. Cộng đồng người Việt hải ngoại (Vietnamese diaspora), dân số tương đương với Republic of Ireland (5,1T) hay New Zealand (4,9), đa số ở những nước phát triển có lợi tức đầu người cao, và cùng chia sẻ ngôn ngữ (ít nhiều tiếng Việt, cọng với tiếng Anh, Pháp là ngôn ngữ của thế giới), văn hóa (tây phương, cọng với ảnh hưởng đông phương như Phật giáo, Thiền, Khổng giáo nay được thế giới đánh giá cao), chính trị (dân chủ, tự do), tự nó có thể được xem là một “dân tộc”(nation) siêu quốc gia và toàn cầu, nối liền với nhau qua những truyền thông siêu quốc gia như google, youtube, facetime…, với ảnh hưởng lớn đối với xứ sở gốc cũng như đối với thế giới, tuy không quyền lực bằng nhưng hoàn cảnh tương tự như diaspora của người Do Thái.

 

Nói tóm lại, đúng là với tư cách của thành viên cộng đồng thế giới, Việt Nam là một thành viên chưa có thành tích gì lớn lắm trong việc đóng góp cho tiến bộ sống chung hoà bình và an sinh của nhân loại.

 

Tuy nhiên, nếu tạm thời không xét đến lịch sử trong nửa thế kỷ qua, giai đoạn trong đó người Việt lỡ dại đi học lóm phương tây và thực hành mù quáng một số lý thuyết viễn vông thiếu cơ sở thực tế, dân Việt trước đây là một dân tộc khá hiền, không bắt nạt ai, không mang tiếng như quân Mông Cổ, như các conquistador của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ở Nam Mỹ, người Anh ở Ấn Độ, hay quân Pháp ở Algérie. Đóng góp của ông bà chúng ta cho thế giới là một lối sống đạm bạc, trọng chữ nghĩa, tri túc, ít phá hại môi trường, không tham của ai mà cũng không muốn ai tham của mình. Như vậy cũng đã khá lắm thay!

 

Hy vọng thế hệ kế tiếp không còn phải đóng vai "nạn nhân" đi xin xỏ mà sẽ cố gắng nhìn thế giới bên ngoài tự tin hơn, ít mặc cảm hơn và đóng góp nhiều hơn, không riêng gì cho "đồng bào" chúng ta, mà cho năm bảy tỷ người khác trên hành tinh nhỏ bé và chật chội này..

 

Hồ Văn Hiền

(23/7/2014, cập nhật 7/7/2022)

 

 

Tham khảo:

 

(1) http://www.goodcountry.org

(2) Trong video này, Anholt giải thích rõ ràng về mục tiêu của bảng xếp hạng của ông:

https://www.ted.com/talks/simon_anholt_which_country_does_the_most_good_for_the_world

(3) https://index.goodcountry.org

(4)Transcript: https://www.ted.com/talks/simon_anholt_which_country_does_the_most_good_for_the_world/transcript

(5) https://www.usnews.com/news/best-countries/rankings

(6) https://www.usnews.com/news/best-countries/vietnam

(7)Theo tài liệu của BS Nguyễn Sơ Đông.

(8) https://www.rfa.org/english/news/vietnam/uk-investigates-vietnamese-billionaires-funding-of-oxford-university-college-06172022014245.html

(9) https://hanoitimes.vn/vietnam-provides-us500000-in-humanitarian-aid-for-ukraine-320757.html

(10) https://en.wikipedia.org/wiki/Overseas_Vietnamese

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Một quan điểm lạc quan đang dấy lên trong hàng ngũ Lãnh đạo đảng CSVN khi bước vào năm 2024, nhưng thực tế tiềm ẩn những khó khăn chưa lường trước được...
Nếu Donald Trump giành lại được Nhà Trắng vào tháng 11, năm nay có thể đánh dấu một bước ngoặt đối với quyền lực của Mỹ. Cuối cùng, nỗi sợ hãi về tình trạng suy tàn đã khiến cho người Mỹ bận tâm kể từ thời thuộc địa sẽ được biện minh. Hầu hết người Mỹ tin rằng, Hoa Kỳ trong tình trạng suy tàn, Donald Trump tuyên bố rằng ông có thể “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Nhưng tiền đề của Trump đơn giản là sai, và các biện pháp trị liệu được ông đề xuất đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ.
Đảng CSVN hay nói “Trí thức là “nguyên khí của quốc gia”, làm hưng thịnh đất nước, rạng rỡ dân tộc*; “Trí thức là vốn liếng quý báu của Dân tộc”; hay “Thanh niên là rường cột của nước nhà” , nhưng tại sao nhiều người vẫn ngại đứng vào hàng ngũ đảng? Lý do vì đảng chỉ muốn gom Trí thức và Thanh niên “vào chung một rọ để nắm tóc”...
Tây Bắc hay Tây Nguyên thì cũng chừng đó vấn đề thôi: đất đai, tôn giáo, chủng tộc… Cả ba đều bị nhũng nhiễu, lũng đoạn tới cùng, và bị áp chế dã man tàn bạo. Ở đâu giới quan chức cũng đều được dung dưỡng, bao che để tiếp tục lộng quyền (thay vì xét sử) nên bi kịch của Tây Nguyên (nói riêng) và Cao Nguyên (nói chung) e sẽ còn dài, nếu chế độ toàn trị hiện hành vẫn còn tồn tại...
Bữa rồi, nhà thơ Inra Sara tâm sự: “Non 30 năm sống đất Sài Gòn, tôi gặp vô số người được cho là thành công, thuộc nhiều ngành nghề, đủ lứa tuổi, thành phần. Lạ, nhìn sâu vào mắt họ, cứ ẩn hiện sự bất an, lo âu.” “Bất an” có lẽ không chỉ là tâm trạng của người Sài Gòn mà dường như là tâm cảm chung của toàn dân Việt – không phân biệt chủng tộc, giới tính hay giai cấp nào ráo trọi – nhất là những kẻ sắp từ giã cõi trần. Di Cảo của Chế Lan Viên và di bút (Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất) của Nguyễn Khải, theo nhận xét của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, chỉ là những tác phẩm “cốt để xếp hàng cả hai cửa. Cửa cũ, các ông chẳng bao giờ từ. Còn nếu tình hình khác đi, có sự đánh giá khác đi, các ông đã có sẵn cục gạch của mình ở bên cửa mới (bạn đọc có sống ở Hà Nội thời bao cấp hẳn nhớ tâm trạng mỗi lần đi xếp hàng và không sao quên được những cục gạch mà có lần nào đó mình đã sử dụng).”
Tập Cận Bình tin rằng lịch sử đang dịch chuyển theo hướng có lợi cho mình. Trong chuyến thăm Vladimir Putin tại Matxcơva vào tháng 3 năm ngoái, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói với Tổng thống Nga rằng “Ngay lúc này, chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi chưa từng thấy trong 100 năm qua, và chúng ta đang cùng nhau thúc đẩy sự thay đổi ấy.”
Sau 20 năm chiêu dụ Kiều bào về giúp nước không thành công, đảng CSVN lại tung ta Dự án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới” vào dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024. Đây là lần thứ tư, từ khi có Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26 tháng 3 năm 2004, một Quyết định nhằm mưu tìm đầu tư, hợp tác khoa học, kỹ thuật và tổ chức các Hội, Đoàn người Việt ở nước ngoài, đặt dưới quyền lãnh đạo của đảng CSVN được tung ra...
Khi số lượng di dân vượt biên bất hợp pháp qua biên giới Hoa Kỳ-Mexico tăng cao kỷ lục, câu hỏi quan trọng được đặt ra là: Làm thế nào mà Hoa Kỳ lại rơi vào tình trạng này, và Hoa Kỳ có thể học hỏi những gì từ cách các quốc gia khác ứng phó với các vấn đề an ninh biên giới và nhập cư. Chào đón công dân nước ngoài đến với đất nước của mình là một việc khá quan trọng để giúp cải thiện tăng trưởng kinh tế, tiến bộ khoa học, nguồn cung ứng lao động và đa dạng văn hóa. Nhưng những di dân vào và ở lại Hoa Kỳ mà không có thị thực hoặc giấy tờ hợp lệ có thể gây ra nhiều vấn đề – cho chính bản thân họ và cho cả chính quyền địa phương bởi tình trạng quá tải không thể kịp thời giải quyết các trường hợp xin tị nạn tại tòa án nhập cư, hoặc cung cấp nơi ở tạm thời và các nhu cầu cơ bản khác. Mà tình trạng này hiện đang xảy ra ở rất nhiều nơi ở Hoa Kỳ.
Trên vai những pho tượng trắng trong vườn Lục Xâm Bảo, lá vàng đã bắt đầu rơi lất phất. Mùa Thu Paris thật lãng mạn. Henry Kissinger đi dạo quanh một hồ nhỏ ở ngoại ô gần Rambouillet. Nơi đây từng cặp tình nhân đang nắm tay nhau bên những cành cây la đà bóng hồ. Ông thấy lòng mình nao nao (melancholic) vì sắp tới phiên họp quan trọng nhất với ông Lê Đức Thọ.
Tôi nghe nhiều người tỏ ý bi quan về hiện cảnh cũng như tương lai (đen tối) của Việt Nam. Dân tộc nào, số phận đó. Một đất nước có những người viết sử và làm luật (cỡ) như ông Dương Trung Quốc thì… đen là phải!
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.