Hôm nay,  

Không Ai Đứng Một Mình

8/22/202109:07:00(View: 3824)

 

 

Cơn mưa phùn đêm qua còn đọng nước trên đường. Gió thu đã về. Lá vàng theo gió lác đác vài chiếc cuốn vào tận thềm hiên. Cây phong đầu ngõ lại chuẩn bị trổ sắc đỏ ối như mọi năm. Người đi xa từ những mùa thu trước, sẽ không trở về. Những người bạn lâu không gặp, thư gửi đi bị trả lại, nhắn tin điện thoại không thấy trả lời. Có lẽ cũng đã ra đi, không lời từ biệt.

Đã có những cuộc ra đi rất lặng lẽ từ gần hai năm qua, không chỉ ở nơi đây, mà ở khắp toàn cầu. Ra đi bất ngờ, ra đi nhanh chóng. Không hoa tang. Không lễ nghi tôn giáo. Không lời ai điếu. Những túi bọc thi thể chất vội vào những thùng xe đông lạnh. Những thi hài quấn vải hoặc cuộn trong manh chiếu được chất trên những giàn củi, hỏa thiêu. Những chiếc quan tài được chôn lấp vội vàng trên đất công, với bia mộ đơn giản, không hình ảnh, ghi tên tuổi của một người già bệnh hay một người trẻ cường tráng, một người quyền quý hay một người bần cùng vô danh… Tất cả những người ra đi ấy, từ những nơi chốn khác nhau, thành thị hay thôn dã, nước lớn hay nước nhỏ, nước giàu hay nước nghèo… đều chung một cách. Như lá xanh trên cành, đốt giai đoạn, cấp kỳ chuyển sang vàng úa, rồi rơi rụng. Như thể có một tấm lưới to lớn trùm hết cả hành tinh. Vùng vẫy trong lưới là những phận người, không phân biệt, sẽ đón nhận chung một tai họa giáng xuống; và mỗi người chỉ có thể tùy theo số phận (hay biệt nghiệp) của mình, hoặc từ nơi đồng phận (hay cộng nghiệp) tập thể mà dính mắc hay vuột khỏi. Cái chung nào cũng có cái riêng: không phải ai ở xứ đó, vùng đó đều bị nhiễm bệnh như nhau, và không phải ai bị nhiễm bệnh cũng phải tử vong. Cũng không có cái riêng nào thực sự tách khỏi cái chung: cá nhân không nhiễm bệnh có thể bị truyền nhiễm từ tập thể, và cá nhân nhiễm bệnh sẽ có thể lây nhiễm đến những người chung quanh.

Không thể nói tôi tự chịu trách nhiệm cho cá nhân tôi, không liên can đến người khác. Không thể nói tôi muốn độc lập, tự do giữa một tập thể đang cùng nhau chống dịch bệnh.

Thực ra không có gì, không có ai, cá nhân hay tập thể nào, có thể độc lập, đứng một mình.

Độc lập của cá thể trong gia đình và xã hội chỉ là một tình trạng, trạng thái, một hoàn cảnh sống riêng tương đối nào đó (chẳng hạn con cái không còn lệ thuộc cha mẹ). Độc lập của một quốc gia là nói việc thoát khỏi sự thống thuộc từ một quốc gia khác. Như nước Mỹ, để đánh dấu sự kiện quan trọng của quốc gia vào ngày tuyên bố độc lập (khỏi vương quốc Anh), người ta dành một ngày lễ lớn trong năm, gọi là Ngày Độc Lập (Independence Day), toàn dân được nghỉ lễ, ăn mừng (1). Đó là một sự biến lịch sử, ở một giai đoạn nào đó, giành độc lập. Khi còn là thuộc địa, người ta vận động sự độc lập; đã độc lập rồi thì không cần và không thể dùng mãi tiêu đề độc lập nữa, vì thực sự là không có gì độc lập, đứng một mình, đứng một chân, ở thế gian này. Tất cả quốc gia, xã hội, gia đình, cá nhân con người, ở bất cứ đâu, đều tương thuộc, tương hệ lẫn nhau để tồn tại và phát triển.

Cũng không có quyền tự do tuyệt đối của một cá nhân trong một quốc gia, một thế giới tương quan, tương liên, với những mâu thuẫn hoặc đồng thuận chồng chéo, đan xen nhau giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi tập thể. Quyền của con người trong xã hội, quốc gia, luôn được qui định trong khuôn khổ, qui ước, chứ không thể nào là quyền tuyệt đối. Nên hiểu rằng thứ quyền tự do mà con người xã hội được hưởng chỉ là tự do tương đối, tự do trong định chế, trong luật lệ; nó không cho phép gây rủi ro hay phương hại đến công ích, hoặc lấn át quyền lợi của người khác—vì mọi người đều có quyền bình đẳng như nhau. Người ta không thể vì quyền tự do của mình mà tước đoạt quyền tự do của kẻ khác. Cụ thể là không thể viện dẫn quyền tự do ngôn luận để la lớn trong rạp hát rằng có lửa cháy (2).



Bình sinh, không ai cấm đoán ngăn trở tự do của bạn, nhưng trong một số trường hợp, nhất là trước cơn đại dịch nguy hiểm đang hủy diệt, tàn phá nhân mạng và kinh tế toàn cầu, mỗi người nên tự nguyện hy sinh chút quyền tự do cá nhân để góp phần bảo vệ sinh mệnh và quyền lợi của số đông. Một mực đòi hỏi quyền tự do và lợi ích cho bản thân khi bao nhiêu nhân mạng lần lượt nằm xuống là đã rơi vào vị ngã, ích kỷ. Đó không phải là hành xử của người nhân đức. Đó không phải là tâm thế của người học đạo.

Rồi mùa thu cũng sẽ qua đi như những mùa thu trước. Nhưng năm sau, thu trở lại. Còn những người lẳng lặng ra đi không lời từ biệt thân nhân, nơi hành lang bệnh viện, nơi những thùng xe đông lạnh, nơi những lò thiêu và giàn thiêu dã chiến, trong những ngôi nhà to lớn hay những gác trọ ọp ẹp nghèo khó… những người ấy, sẽ không quay lại bao giờ. Cái chết đến nhanh, như lá thu rơi xuống thềm chỉ qua một cơn gió nhẹ — nhanh đến nỗi người ở lại không kịp rơi nước mắt, nhanh đến nỗi chưa kịp khóc người thân ra đi thì đã đến lượt mình phải lìa xa cõi thế này. Nước mắt trần gian mùa đại dịch, dường như đều chảy ngược vào tim.

 

Người con Phật chân chính, quán sát thế giới chúng sinh đều do nhân-duyên sinh-khởi; lắng nghe tiếng kêu cầu thống khổ của nhân sinh; cảm nhận vị mặn của giọt lệ tử biệt trong cõi vô thường mà phát đại-bi tâm, tu bồ-tát đạo; không từ nan làm mọi việc lành, tận tụy cứu khổ ban vui, chỉ duy một hoài bão là mang lại an lạc hạnh phúc chân thực cho con người và cuộc đời. Chí nguyện ấy là vô cùng, bản hoài ấy là vô biên; dũng mãnh bước tới tận cùng vị lai, cho đến khi cùng tất cả pháp giới chúng sinh, một thời chứng ngộ chánh đẳng chánh giác (3).

 

Mùa Vu Lan, tháng 08 năm 2021

Vĩnh Hảo

www.vinhhao.info

 

_______________

 

(1) Ngày 4 tháng 7 là Ngày Độc Lập của Hoa Kỳ, đã có từ thế kỷ 18. Vào ngày 2 tháng 7 năm 1776, Quốc hội đã bỏ phiếu ủng hộ nền độc lập, và hai ngày sau, các đại biểu từ 13 thuộc địa đã thông qua Tuyên ngôn Độc lập, một văn kiện lịch sử do Thomas Jefferson soạn thảo. Từ năm 1776 đến nay, ngày 4 tháng 7 đã được kỷ niệm là ngày khai sinh nền độc lập của Mỹ (Theo history.com).

(2) "Shouting fire in a crowded theater" - la lớn là có lửa cháy trong rạp hát đông người, là một thành ngữ đã được phổ biến trong luật pháp Hoa Kỳ (liên quan đến Tu chính án thứ nhất và thứ 14), qua đó giới hạn quyền tự do ngôn luận/phát biểu (freedom of speech) nếu nội dung phát biểu rõ ràng tạo ra hoảng loạn, hoặc khích động bạo loạn.

(3) “Ngã kim phát tâm bất vị tự cầu nhân thiên phước báo, thanh văn, duyên giác, nãi chí quyền thừa chư vị bồ-tát, duy y tối thượng thừa, phát bồ-đề tâm, nguyện dữ pháp giới chúng sinh nhất thời đồng đắc a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề,” – Con nay phát tâm không vì cầu cho riêng mình phước báo của trời-người, Thanh văn, Duyên giác, cho đến chư vị quyền thừa Bồ-tát, chỉ y nơi tối thượng thừa mà phát tâm bồ-đề, nguyện cùng pháp giới chúng sinh một thời cùng chứng đắc quả vị chánh đẳng chánh giác. (Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện)

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Có 6 loại cán bộ, đảng viên sẽ bị loại khỏi thành phần Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa XIV, nhưng tiêu chuẩn người được chọn “vẫn cũ như trái đất”...
Ông Bill Burns, Trùm CIA, hôm 19/04/24, cảnh báo « Ukraine có thể thua cuộc chiến sanh tử với Poutine từ đây tới cuối năm ». Lời tuyên bố đưa ra trước hôm Hạ viện Huê kỳ biểu quyết có nên tháo khoán 61 tỷ USD để giúp Ukraine hay không? Nay thì Ukraine có 61 tỷ, và còn thêm phần viện trợ của Otan nữa, để tăng cường khả năng quân sự và cả kinh tế để đối đầu với Poutine. Vậy tới cuối năm, chiến tranh Ukraine sẽ kết thúc và thắng lợi sẽ ngả về phía Ukraine?
Thời gian còn làm Trung Sĩ Thông Dịch Viên trong Bộ Tư Lệnh Lục Quân Hoa Kỳ ở căn cứ Long Bình, Việt Nam vào năm 1969, trước khi tôi được chuyển sang phục vụ trong ngành phi hành của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa, thì tôi có dịp tháp tùng phái đoàn Dân Sự Vụ (Civic Action) Lữ Đoàn 18 Quân Cảnh Hoa Kỳ (U.S. 18th Military Police Brigade) đi công tác ở Nhật Bản. Cũng trong chuyến công du này tôi đã phát hiện ra rằng, Nhật Bản là một quốc gia thực thi được chính sách phát triển kinh tế làm thịnh vượng cho toàn thể xã hội, và xóa bỏ được nhiều điều bất công...
Trong bất kỳ cuộc đấu tranh nào, cần phải phân loại, xác định rõ ràng các loại “địch” để tìm cách đối phó hoặc vận động gây cảm tình làm đồng minh, tùy loại địch. Mọi người thường nói, “biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng” là vậy.
Chỉ trong vòng 465 ngày (26/04/2024-17/01/2023) đảng CSVN đã trải qua 3 cuộc khủng hoảng lãnh đạo thượng tầng chưa từng có trong lịch sử. Người duy nhất vẫn “vững như bàn thạch” là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, 80 tuổi, nhưng ai sẽ thay ông Trọng để lãnh đạo đảng, sau Đại hội toàn quốc tháng 01 năm 2026 là câu hỏi chưa có câu trả lời...
Mới đây ở Việt Nam lại bùng nổ ra một vài vụ tham nhũng khá nghiêm trọng như vụ Vạn Thịnh Phát và Việt Á. Vào đầu năm nay, Transparency International báo cáo kết quả nghiên cứu tình trạng tham nhũng tại 180 nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Nhân dịp này chúng ta duyệt lại tình trạng tham nhũng ở Việt Nam.
Câu nói của cố thủ tướng Việt Cộng là Võ Văn Kiệt rằng ngày 30-4 có một triệu người vui và một triệu người buồn...
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.