Hôm nay,  

Facebook, Twitter và Tự Do Phát Biểu

20/01/202115:19:00(Xem: 2688)
BuiVanPhu_20210119_FaceBookTwitterTuChinhAnSo1_H01
Tu chính án Số 1 bảo đảm nhiều quyền tự do cho người dân Mỹ (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 

Khi Facebook và Twitter quyết định đóng cửa vĩnh viễn tài khoản của Tổng thống Trump, sau nhiều lần cảnh cáo, dư luận bùng lên tranh luận về quyền tự do phát biểu và Tu chính án Số 1 trong Hiến pháp Hoa Kỳ.

 

Từ ngày lên làm lãnh đạo, ông Trump đã dùng tài khoản twitter để nói chuyện thẳng với những ai có kết nối với tài khoản của ông.

 

Twitter của tổng thống có 80 triệu người theo dõi và ông đã dùng nó như là phương tiện phát ngôn chính, vào bất cứ khi nào ông thấy cần, kể cả lúc đêm khuya hay khi trời còn tờ mờ sáng.

 

Ông viết vài hàng về những gì ông suy nghĩ mà chẳng cần tham khảo ý kiến với cố vấn hay những người làm chính sách trong nội các. Ông bốp chát, khinh miệt những người không đồng ý hay chê bai ông.

 

Nhiều lần Twitter và Facebook đã dán lời cảnh báo trước những phát tán của ông, khi cho rằng tổng thống không nói đúng sự thật.

 

Cho tới khi biến cố 6/1 xảy ra, là sự việc nhiều người ủng hộ Tổng thống Trump tràn vào trụ sở Quốc Hội làm loạn, khiến 5 người chết trong đó có một cảnh sát giữ an ninh.

 

Sau đó Twitter, Facebook rồi SnapChat quyết định đóng cửa vĩnh viễn tài khoản của Tổng thống Trump vì quan ngại ông sẽ dùng nó để khích động bạo loạn.

 

Nhiều người phản đối các mạng xã hội về quyết định này, cho là không tôn trọng tự do phát biểu trong tinh thần Tu chính án Số 1 của Hiến pháp Hoa Kỳ.

 

Tu chính án Số 1 là gì? Nguyên bản tạm dịch ra tiếng Việt như sau:

 

“Quốc hội không được làm luật liên quan đến việc thiết lập tôn giáo hay ngăn cấm tự do tôn giáo; hay giới hạn tự do phát biểu, tự do báo chí, quyền của dân được tự do tụ họp trong ôn hoà và quyền khiếu kiện chính phủ khi có những bất bình.”

 

[Congress shall make no law respecting an establishment of religion, or prohibiting the free exercise thereof; or abridging the freedom of speech, or of the press; or the right of the people peaceably to assemble, and to petition the Government for a redress of grievances.]

 

Như thế Hiến pháp không cho phép chính quyền ra luật ngăn cấm tự do căn bản của dân về tôn giáo, phát biểu, báo chí, tụ họp và khiếu kiện.

 

Tu chính án không nói đến cá nhân hay những tổ chức tư nhân trong việc giới hạn quyền tự do phát biểu của người khác.

 

BuiVanPhu_20210119_FaceBookTwitterTuChinhAnSo1_H02
Thành phố Chicago có McCormick Freedom Museum là nơi trưng bày những sự kiện và tài liệu về Tu chính án Số 1 (Ảnh: Bùi Văn Phú)



Sau bầu cử tổng thống năm 2016 có những cáo buộc rằng Facebook đã để cho công ti hay chính phủ nước ngoài dùng dữ liệu nhằm tạo ảnh hưởng đến bầu cử tổng thống. Tổng Giám đốc Mark Zuckerburg đã phải ra điều trần trước Quốc Hội.

 

Từ đó dữ liệu của công ti được kiểm soát chặt chẽ hơn và Facebook đã sàng lọc để loại bỏ các nguồn tin từ nước ngoài có mục đích làm suy yếu nước Mỹ.

 

Vì là mạng nối kết xã hội toàn cầu nên Facebook bị cũng chi phối bởi các luật lệ của các quốc gia. Trung Quốc cấm ngặt không cho Facebook có mặt tại quốc gia này.

 

Tại Việt Nam, đặc biệt là kể từ khi có luật về an ninh mạng, nhiều người đã có bài viết không được hiển thị tại Việt Nam hay ngay cả tại Hoa Kỳ, vì “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng”.

 

Facebook không nói là vi phạm luật pháp Hoa Kỳ mà chỉ nói vi phạm tiêu chuẩn của công ti đặt ra.

 

Vài lần tôi cũng nhận thông báo về status của mình không được phép hiện lên, hay những bài viết trên blog của mình, phê phán chính phủ Hà Nội, khi đưa đường dẫn lên Facebook cũng bị cấm.

 

Tôi phản đối, yêu cầu cho biết “tiêu chuẩn cộng đồng” là gì và những nội dung trong status, bài viết của tôi chỗ nào vi phạm những tiêu chuẩn đó.

 

Sau vài lần khiếu nại, những đường dẫn nối vào bài viết của mình không còn gặp trở ngại. Nhưng tại Việt Nam vẫn không được hiển thị.

 

Điều này cho thấy Facebook đã đồng lòng với chính phủ Việt Nam trong việc giới hạn quyền tự do phát biểu.

 

Dĩ nhiên tôi không thể kiện Facebook ra toà, vì đó là chính sách của công ti tư nhân, không phải thuộc về chính phủ mà tôi cho là vi phạm quyền tự do phát biểu của mình.

 

Nếu không thích Facebook tôi chỉ có cách là tự đóng tài khoản, không tham gia mạng xã hội này nữa.

 

Facebook hay Twitter đóng tài khoản của Tổng thống Trump thì không vi phạm Tu chính án Số 1. Nếu không thích việc làm này của các mạng xã hội trên thì tẩy chay hay biểu tình phản đối.

 

Sau khi Twitter đóng tài khoản của Tổng thống Trump, có tin nhiều người sẽ kéo đến biểu tình phản đối trước văn phòng công ti ở San Francisco vào sáng thứ Hai tuần trước. Cảnh sát thành phố đã chuẩn bị các biện pháp để bảo vệ an ninh trật tự. Hôm đó chỉ có chừng chục người kéo đến biểu tình.

 

Về quyết định phải đóng tài khoản của một vị tổng thống, Tổng Giám đốc Jack Dorsey của Twitter đã phải suy nghĩ rất nhiều, dù đã có những cảnh cáo cho tổng thống, nhưng vì an toàn cho nhiều người ông đã phải đi đến quyết định như đã có. Một điều mà ông không cảm thấy vui hay tự hào, như ông đã tâm tình trong những ngày qua.

 

Đã có những công ti sản xuất mặt hàng với hình ảnh xúc phạm tôn giáo, những biểu tượng chính trị gây đau đớn hay chủ công ti có những phát biểu làm bất bình cho một số người, trước những phản đối của dư luận thì công ti tự sửa đổi hay lên tiếng xin lỗi. Không thể kiện công ti ra toà vì những việc làm đó được bảo vệ bởi Tu chính án Số 1.

 

BuiVanPhu_20210119_FacebookTwitterTuChinhAnSo1_H03
Quảng cáo của người Việt vận động cho ứng cử viên Joe Biden trong bầu cử 2020 (Ảnh: Bùi Văn Phú)



Bàn về tự do phát biểu trong cộng đồng người Việt, nhiều người chưa quên vụ Trần Trường treo hình Hồ Chí Minh và cờ đỏ sao vàng trong tiệm của ông ở Quận Cam năm 1999. Sự kiện đã tạo nên làn sóng phản đối của người Việt với những vụ biểu tình kéo dài gần hai tháng, lúc đông nhất lên đến vài vạn người.

 

Chủ tiệm cương quyết không tháo gỡ hình và cờ cộng sản vì cho đó là quyền tự do phát biểu của ông. Chánh án tại toà cũng cho là ông có quyền treo những hình ảnh đó.

 

Phim tài liệu “Saigon, USA” (2003) của Lindsey Jang và Robert C. Winn đã ghi lại đầy đủ chi tiết vụ việc và đã được chiếu trên hệ thống truyền hình PBS của Mỹ.

 

Nhiều người cho rằng hành động treo hình Hồ Chí Minh và cờ đỏ sao vàng giữa thủ phủ của người tị nạn Việt Nam là hành động khiêu khích. Nhà văn Andrew Lâm phát biểu trong phim nói việc làm đó giống như đem hình ảnh Hitler vào khu người Do Thái hay hình Fidel Castro đến khu Little Havana.

 

Năm 2016 có ông Lê Đình Hùng từ Việt Nam qua Mỹ du lịch, đi nhiều nơi khoác cờ đỏ sao vàng lên người, chụp hình mà không gặp phản đối.

 

Cho đến khi ông đến khu Phước Lộc Thọ ở Quận Cam cũng với dự định đem theo cờ đỏ. Ngày ông đến, tuy không thấy cờ đỏ bên người, nhưng nhiều người nhận ra ông và đã sỉ vả, đuổi ông ra khỏi khu thương mại.

 

Cảnh sát có mặt để bảo đảm an ninh và quyền bày tỏ quan điểm của ông và của mọi người, vì sự kiện xảy ra trên đường phố thì chính quyền có trách nhiệm bảo vệ luật pháp.

 

Nếu hôm đó ông Hùng mặc áo in hình cờ đỏ sao vàng thì cảnh sát cũng không có quyền yêu cầu ông cởi bỏ, vì làm thế là vi phạm quyền tự do phát biểu của ông. Cảnh sát chỉ có nhiệm vụ giữ an ninh trật tự, không để bạo động xảy ra.

 

BuiVanPhu_20210119_FacebookTwitterTuChinhAnSo1_H04
Người Việt San Jose kêu ủng hộ Tổng thống Trump thêm một nhiệm kỳ nữa trong bầu cử 2020 (Ảnh: Bùi Văn Phú) 



Trong năm qua, khi phong trào Black Lives Matter bùng lên và đã có biểu tình bạo loạn ở nhiều thành phố, một số người Việt phát biểu nhiều điều mang tính chê bai hay miệt thị người da den, từ cựu tổng thống Barack Obama và gia đình ông cho đến nạn nhân George Floyd.

 

Dĩ nhiên không ai bị bắt giam hay kết tội về những lời bình hay chê bai, vì nằm trong Tu chính án Số 1. Nếu không thích thì không kết bạn hay ủng hộ những người có tiếng nói như thế.

 

Một phụ nữ Việt, bà Hannah Hạnh Phan là chủ tiệm làm đẹp móng tay ở thành phố Carson, miền Nam California có lời mỉa mai về cái chết của nạn nhân Floyd trên Facebook. Nhiều người da đen biết được đã kéo đến trước cửa tiệm của bà biểu tình, kêu gọi tẩy chay.

 

Trước những sự việc xảy ra trong những ngày qua và trước giờ chuyển giao quyền hành từ Cộng hoà sang cho Dân chủ, có người cho rằng dân Mỹ rồi có nguy cơ bị mất quyền tự do phát biểu như người dân trong các nước cộng sản.

 

Trong ngày 6/1 có người Việt tham gia biểu tình ở Thủ đô Washington để ủng hộ Tổng thống Trump. Hình ảnh đưa lên với người Việt bên cờ vàng đòi treo cổ tổng thống đắc cử Joe Biden là đang thể hiện quyền tự do phát biểu của mình, không có gì vi phạm luật pháp.

 

Một hành động tương tự đã xảy ra ở vùng Vịnh San Francisco vào ngày sau bầu cử 3/11, khi một cư dân treo cổ hình nộm Joe Biden trong sân nhà ông và bị những người không đồng ý biểu tình phản đối trước nhà. Người làm việc đó không bị truy tố vì được bảo vệ bởi Tu chính án Số 1.

 

Qua sự kiện Tổng thống Trump bị thu hồi tài khoản, một nhà bất đồng chính kiến với Hà Nội, nay đã sang Mỹ định cư, trên Facebook ông đã so sánh việc Tổng thống Trump bị Twitter và Facebook đóng tài khoản với hình ảnh Linh mục Nguyễn Văn Lý bị công an bịt miệng trước toà án.

 

Dù ông Trump không còn mạng xã hội, ông vẫn có thể phát biểu bất cứ điều gì, bất cứ lúc nào ông muốn. Còn linh mục Lý, và người dân Việt hiện nay, đâu có được như thế. Có câu chuyện vui sau đây để so sánh.

 

Trong một cuộc biểu tình trước Bạch Ốc để phản đối Tổng thống Trump, một sinh viên Mỹ gặp một du sinh Việt, hai người nói chuyện với nhau về quyền tự do phát biểu.

 

Sinh viên Mỹ nói, như anh thấy người dân ở đây được quyền chống chính phủ mà không sợ bị cảnh sát bắt. Bằng chứng là cuộc biểu tình hôm nay với những tiếng la lớn “Đả đảo Trump. Trump nói dối.” mà cảnh sát chỉ đứng giữ an ninh chứ không bắt ai.

 

Đến lượt mình, du sinh Việt kể rằng ở nước tôi cũng được tự do như thế này đấy chứ. Dân đến trước Dinh Chủ tịch la lớn “Đả đảo Trump. Trump nói dối.” thì cảnh sát cũng đâu có bắt ai bỏ tù đâu.

 

© 2021 Buivanphu

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bữa rồi, nhà thơ Inra Sara tâm sự: “Non 30 năm sống đất Sài Gòn, tôi gặp vô số người được cho là thành công, thuộc nhiều ngành nghề, đủ lứa tuổi, thành phần. Lạ, nhìn sâu vào mắt họ, cứ ẩn hiện sự bất an, lo âu.” “Bất an” có lẽ không chỉ là tâm trạng của người Sài Gòn mà dường như là tâm cảm chung của toàn dân Việt – không phân biệt chủng tộc, giới tính hay giai cấp nào ráo trọi – nhất là những kẻ sắp từ giã cõi trần. Di Cảo của Chế Lan Viên và di bút (Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất) của Nguyễn Khải, theo nhận xét của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, chỉ là những tác phẩm “cốt để xếp hàng cả hai cửa. Cửa cũ, các ông chẳng bao giờ từ. Còn nếu tình hình khác đi, có sự đánh giá khác đi, các ông đã có sẵn cục gạch của mình ở bên cửa mới (bạn đọc có sống ở Hà Nội thời bao cấp hẳn nhớ tâm trạng mỗi lần đi xếp hàng và không sao quên được những cục gạch mà có lần nào đó mình đã sử dụng).”
Tập Cận Bình tin rằng lịch sử đang dịch chuyển theo hướng có lợi cho mình. Trong chuyến thăm Vladimir Putin tại Matxcơva vào tháng 3 năm ngoái, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói với Tổng thống Nga rằng “Ngay lúc này, chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi chưa từng thấy trong 100 năm qua, và chúng ta đang cùng nhau thúc đẩy sự thay đổi ấy.”
Sau 20 năm chiêu dụ Kiều bào về giúp nước không thành công, đảng CSVN lại tung ta Dự án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới” vào dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024. Đây là lần thứ tư, từ khi có Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26 tháng 3 năm 2004, một Quyết định nhằm mưu tìm đầu tư, hợp tác khoa học, kỹ thuật và tổ chức các Hội, Đoàn người Việt ở nước ngoài, đặt dưới quyền lãnh đạo của đảng CSVN được tung ra...
Khi số lượng di dân vượt biên bất hợp pháp qua biên giới Hoa Kỳ-Mexico tăng cao kỷ lục, câu hỏi quan trọng được đặt ra là: Làm thế nào mà Hoa Kỳ lại rơi vào tình trạng này, và Hoa Kỳ có thể học hỏi những gì từ cách các quốc gia khác ứng phó với các vấn đề an ninh biên giới và nhập cư. Chào đón công dân nước ngoài đến với đất nước của mình là một việc khá quan trọng để giúp cải thiện tăng trưởng kinh tế, tiến bộ khoa học, nguồn cung ứng lao động và đa dạng văn hóa. Nhưng những di dân vào và ở lại Hoa Kỳ mà không có thị thực hoặc giấy tờ hợp lệ có thể gây ra nhiều vấn đề – cho chính bản thân họ và cho cả chính quyền địa phương bởi tình trạng quá tải không thể kịp thời giải quyết các trường hợp xin tị nạn tại tòa án nhập cư, hoặc cung cấp nơi ở tạm thời và các nhu cầu cơ bản khác. Mà tình trạng này hiện đang xảy ra ở rất nhiều nơi ở Hoa Kỳ.
Trên vai những pho tượng trắng trong vườn Lục Xâm Bảo, lá vàng đã bắt đầu rơi lất phất. Mùa Thu Paris thật lãng mạn. Henry Kissinger đi dạo quanh một hồ nhỏ ở ngoại ô gần Rambouillet. Nơi đây từng cặp tình nhân đang nắm tay nhau bên những cành cây la đà bóng hồ. Ông thấy lòng mình nao nao (melancholic) vì sắp tới phiên họp quan trọng nhất với ông Lê Đức Thọ.
Tôi nghe nhiều người tỏ ý bi quan về hiện cảnh cũng như tương lai (đen tối) của Việt Nam. Dân tộc nào, số phận đó. Một đất nước có những người viết sử và làm luật (cỡ) như ông Dương Trung Quốc thì… đen là phải!
Việt Nam bước vào năm Giáp Thìn 2024 với gánh nặng tham nhũng và một đội ngũ “không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức lối sống. Đó là cảnh báo của người đứng đầu đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc phỏng vấn đầu năm của Thông Tấn Xã Việt Nam...
Từ thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, Triết gia Mạnh Tử (372-289 BC) của Trung Hoa đã nói rằng, “Dân là quý, thứ đến đất nước, rồi tới vua.” Điều đáng nói là Mạnh Tử là người đi theo học thuyết của Nho Gia vốn chủ trương vua là con ông Trời (Thiên tử) được sai xuống nhân gian để trị quốc an dân, vậy mà cũng không thể phủ nhận vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là tối quan trọng của người dân. Thời hiện đại, công pháp quốc tế đã nêu ba yếu tố chính hình thành một quốc gia: người dân, lãnh thổ và chính quyền. Trong đó, thật ra người dân chính là yếu tố then chốt quyết định. Lãnh thổ nếu không có dân ở, không có người quản trị thì không phải là đất nước của một dân tộc. Chính quyền từ người dân mà ra, bởi vì trước khi một người ra nắm quyền cai trị đất nước thì người đó phải là một người dân của đất nước ấy. Hơn nữa, sự thịnh suy của một quốc gia nằm trong tay người dân.
“Phản động lực” mà người Đài Loan thể hiện trong cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi khiến tôi, sau những suy nghĩ miên man về chuyện nước non, lại quay về với bài học yêu nước của thời tiểu học với câu hỏi khó, khiến nhiều học trò gác bút: “Em hãy tìm từ phản nghĩa với ‘tôn đại’.” Trung Quốc càng hung hăng đe dọa bao nhiêu, Đài Loan càng quật cường ngạo nghễ bấy nhiêu. Mà nếu Bắc Kinh ngu ngơ hay vờ vịt không biết gì đến định luật này thì, thầy nào tớ đó, Hà Nội cũng mù tịt hay giả bộ tương tự. Họặc mù tịt như thể đã hoàn toàn miễn dịch trước luật này; hoặc đóng kịch như thể không hề sống trong không gian ba chiều bình thường mà là một môi trường nào đó thiêu thiếu, cơ hồ chỉ… hai chiều rưỡi.
Tôi sinh trưởng ở Đà Lạt (Thành Phố Ngàn Hoa) nên sự hiểu biết về hoa lá cũng không đến nỗi tồi. Thế mà mãi tới bữa rồi, nhờ xem trang Trăm Hoa, mới được biết thêm về một loài hoa nữa – hoa ban: “Mùa hoa nở là lúc các cặp đôi nô nức đến thăm Tây Bắc. Hoa ban trắng tượng trưng cho tình yêu chung thủy và sự chân thành, dù tình yêu có gặp nhiều trắc trở, khó khăn thì cũng tự tin vượt qua và sẵn sàng đi đến bến bờ hạnh phúc. Các cặp đôi yêu nhau thường thề nguyện dưới gốc cây hoa ban như một minh chứng cho tình yêu thủy chung, bền chặt.”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.