Hôm nay,  

30/4 Quê Hương Thống Nhất Hoà Bình Rồi Sao

16/05/202009:26:00(Xem: 4531)


Tôi sinh ra trong miền Nam, sau ngày thày u tôi di cư vào Nam năm 1954.


Ngày còn bé chưa biết chiến tranh là gì. Đến năm 10 tuổi thấy đám tang ông chú họ với quan tài phủ cờ, nến lung linh, nghe nhiều tiếng khóc lóc thảm thương sao buồn quá.


Chú là sĩ quan dù, chết trận ở Đồng Xoài. Thày tôi và bố chú đi nhận xác ở Tổng Y viện Cộng hoà. Nghe thày kể khi đi phải mang theo tỏi để lúc vào nhà xác đưa lên mũi khử mùi hôi. Nhiều xác chết, không biết chú nằm ở đâu, bố chú khấn nguyện “Con ơi! Nếu con chết thiêng thì ra dấu cho bố biết để nhận con”. Một xác người động đậy và đó là chú.


Đám tang của chú là cái chết đầu tiên từ chiến trường tôi biết, là đám tang lính tôi theo thày u đi lễ tang.


Chiến tranh kéo dài. Nhiều người thân quen tử trận, theo phong tục tập quán là thân bằng quyến thuộc tụ họp cùng tang gia đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn người mới qua đời.


Chú Thuận, chú An cỡ tuổi thày tôi tử trận. U tôi lo lắm vì sợ thày bị thuyên chuyển ra đơn vị tác chiến.


Mậu Thân 1968 kinh hoàng rồi đến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 chiến trường sôi động, xóm ngõ có đêm văng vẳng tiếng khóc than từ người mẹ, từ các em của các anh đã bỏ mình vì nước: anh Trịnh Xuân Tác, anh Đinh Văn Vũ. Chú Nguyễn Văn Tuynh mất tích.


Đến lớp tuổi của mình. Tử trận sớm nhất là Nguyễn Đức Tuyển bạn học cùng trường Thánh Tâm khi chưa được đôi mươi. Rồi Trần Văn Doanh học chung ở trường cụ giáo Đồng.


Phạm Văn Thông là bạn học cũng từ trường Thánh Tâm. Thông thích làm thơ, viết văn và đã có nhiều bài đăng trên trang Mai Bê Bi của báo Chính Luận, với bút hiệu Mai Thông. Thông vào quân đội, phục vụ gần thành phố nên cũng hay có dịp gặp nhau trò chuyện văn chương học trò. Một cuối tuần Thông ghé chơi. Sáng hôm sau nghe tin bạn chết vì rớt trực thăng.


Duy Nam học chung lớp 12 ở Nguyễn Bá Tòng Gia Định. Nam có giọng hát truyền cảm vì là học trò của Duy Khánh. Hết lớp 12, Nam nhập ngũ rồi cũng không bao giờ trở về sau một lần đụng trận với bộ đội miền Bắc.


Lê Minh Châu học chung với nhau ở Nguyễn Bá Tòng. Xong lớp 11, đậu tú tài 1, nhưng Châu không được tiếp tục hoãn dịch vì sinh năm 1954, quá tuổi theo lệnh đôn quân.


Ra trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức, Châu mang lon chuẩn úy. Là con trai duy nhất trong gia đình, Châu được phục vụ đơn vị gần nhà, ở Cai Lậy, cách Sài Gòn chưa đến 100 cây số.


Gần thủ đô nên Châu hay được về thăm nhà, cùng bạn đi uống cà phê, ăn bò bía, ăn phở.


Một hôm, gia đình và bạn bè nhận tin đơn vị của Châu bị Việt Cộng tấn công. Châu mất tích. Gia đình xuống tìm. Có người chỉ chỗ và kéo ra một cái xác không đầu. Nhưng không phải Châu.


Hơn mười năm chiến tranh khốc liệt, bao nhiêu đám tang lính mà thày u tôi đã dự. Nhìn đàn con lớn lên, đến độ tuổi nhập ngũ thày u cũng lo cho tương lai của các con. Lo đêm không bị pháo kích. Lo cộng sản vào thành phố dân sẽ khổ. 


Tôi thấy thày u buồn, nhất là u, mỗi khi kể chuyện quê Bắc cho các con nghe. Chuyện đấu tố người thân, để cho chết đói ngoài chuồng trâu. Có người bị đứa con ở sỉ nhục trước mặt đám đông. U kể về ruộng vườn gia đình ngày xưa có nhiều, nhưng ông ngoại mê cờ bạc mà khuynh gia bại sản.


Nhớ lại ngày di cư vào Nam, u thường nhắc đến cái thau đồng có trong nhà, nó rò và đã được trít lỗ mấy lần. Đó là di sản duy nhất u đem được vào Nam. Ngoài ra chẳng có gì khác.


Thày u nói lúc đó cũng chỉ nghĩ đi hai năm, sau tổng tuyển cử rồi sẽ về lại. Đâu ngờ hai năm đã thành hai mươi năm.


Trong hai mươi năm đó, lúc đầu có bưu thiếp qua lại giữa hai miền để thân nhân biết tin nhau. Hình ảnh của tôi thời thơ ấu, chụp ở thảo cầm viên, chụp ở nhà thờ được dán lên bưu thiếp, gửi về cho anh em ngoài Bắc biết mặt.


Chỉ vài năm rồi đường bưu thiếp bị cắt. Sau đó thông tin có được ít nhiều đều qua người quen bên Pháp, rồi mới tới Sài Gòn.


Sau hai mươi năm chiến tranh thày u chỉ mong hoà bình, đất nước thống nhất.


Tôi và những bạn học cũng mong thế. Bao nhiêu người thân và bạn bè đã nằm xuống cho quê hương, chúng tôi chỉ mong hoà bình, góp tay xây dựng đất nước, mong hai miền thống nhất để một lần được ra thăm Huế, thăm Hà Nội.


Ngày đó tôi sẽ cùng thày u về thăm quê cha đất tổ ở làng quê Nam Định.


Ngày 30/4 đến tôi lại đang lênh đênh trên biển, trên một con tàu không máy được kéo đi từ bến Kho 5. Một mình, với mấy anh em con bác, bỏ lại thày u và 6 người em.


Nước mắt cứ tuôn rơi khi nghe tin Sài Gòn đầu hàng, còn trong đầu lại vang vang lời ca quen thuộc mới cùng hát với bạn bè hôm nào.


Anh em ta về gặp nhau mừng như bão cát

Quay cuồng trời rộng bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam


Khi đó tôi chỉ nhỏ hơn vài tuổi, so với tuổi của thày u ngày bỏ Bắc vào Nam. Nhớ lại lời u kể, lúc đó nghĩ hai năm sau có tổng tuyển cử rồi sẽ về Bắc lại. Còn tôi giờ đang ra đi mà sẽ không có ngày về, không bao giờ được gặp lại gia đình nữa.


Nghĩ về gia đình, quê hương thống nhất rồi thì sớm muộn thày u sẽ về thăm lại quê Bắc xưa ở làng Long Cù và làng Chiền, xã Trực Chính, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.


Những ngày mới đến Mỹ định cư, nhiều đêm tôi có ác mộng. Khi thì lơ lửng rơi. Khi kẹt lại quê nhà. Khi thi rớt. Khi bị vây hãm không đường chạy trốn.


Có một điều lạ là trong nhiều giấc mơ tôi lại được về Bắc, gặp những người anh em mà tôi chỉ nghe thày u nhắc đến chứ chưa biết mặt.


Hè năm 1995 tôi về Sài Gòn thăm gia đình sau 20 năm xa cách. Chuyến đi đó tôi cũng sẽ ra Hà Nội và nếu có thể sẽ về Nam Định thăm quê của thày u.


Nghe thế cả nhà đều ngạc nhiên, vì đất nước thống nhất đã 20 năm nhưng thày u cũng chưa một lần về thăm như mong ước trước đây, dù lúc đó đã xa rời quê Bắc hơn 40 năm.


Hỏi ra mới biết không chỉ thày u, mà các cô chú bác, nhiều người thân khác, từ ngày di cư vào Nam cũng chưa về.


Tại sao. U chỉ kể chuyện sau 1975 có những người ngoài Bắc, là cán bộ cộng sản, vào Nam nhận họ nhận hàng có cách cư xử không thật thà mà còn rất đáng sợ.


Rồi những năm buôn gánh kiếm sống, có được một sạp ngoài chợ bán hành tỏi gia vị để nuôi các con, nhiều lần bị nhà nước chèn ép, nhưng nhất định u cãi vì những điều vô lí cán bộ đưa ra.


U chỉ biết đọc viết. Trải qua nhiều kinh nghiệm sống từ sau năm 1975, u thường nhắn nhủ các con “tin lời mấy ông cán bộ cộng sản thì bán thóc giống đi mà ăn.”


Không thích cộng sản nên thày u đã không về thăm quê Bắc cho đến ngày qua Mỹ định cư. Sau này thày có về, được các cháu đưa đi khắp nơi thăm xóm làng. Còn u thì nhất định không.


Chuyến đi Hà Nội năm 1995 cho tôi thoả nỗi ước mơ có từ hai mươi năm trước, thời sinh viên thường ngân nga hát:


Huế Sài Gòn Hà Nội

Quê hương ơi sao vẫn còn xa

Huế Sài Gòn Hà Nội

Trong ta đau trái tim Việt Nam


Hà Nội trong tôi là lịch sử, là Thăng Long có từ gần nghìn năm.


Chúng tôi đi dạo 36 phố phường, loanh quanh Hồ Gươm, ngắm cầu Thê Húc, chùa Một Cột, thả bộ theo đường Thanh Niên, vào thăm Văn Miếu.


Ăn bún chả Hàng Mành, vịt lộn Hàng Mã, phở Lý Thái Tổ. Ghé phố Hàng Đào mua vải, đồ kỉ niệm.


Nhìn những cây xà cừ toả bóng mát, ngửi hương hoa sữa lần đầu tiên trong đời. 


Lần đó vợ chồng tôi còn bồng đứa con gái đầu lòng mới 6 tháng tuổi về Nam Định, trong một chuyến đi đột xuất, mạo hiểm, không hề biết đường đi nước bước, không địa chỉ. Chỉ biết nhờ một anh làm bên bộ ngoại giao hướng dẫn.


Đến nơi. Vào căn nhà ông cố đã xây dựng lên, trên bàn thờ có ảnh ông nội như trong Nam tôi đã thấy. Khung hình trên tường có nhiều ảnh của tôi, ảnh đám cưới bên Mỹ từ trong Nam gửi ra.


Những lần sau, tôi đi thăm Huế và nhiều nơi từ Nam ra Bắc. Quê hương thống nhất đến nay đã 45 năm.


Khi mới đến Mỹ, mỗi ngày cuối tháng Tư tôi và bạn học cùng trường thường rủ nhau ra biển nhìn về hướng quê nhà, khi hoàng hôn chậm xuống mà lòng buồn vời vợi.


Nay không còn ra biển và cũng không còn buồn nữa. Nhưng tháng Tư luôn gợi nhớ những năm tháng ở miền Nam học hành, vui chơi với bạn. Nhớ đến người thân, bạn bè đã hy sinh cho đất nước được hoà bình, tự do ấm no.


Hôm nay, một ngày cuối tháng Tư, xem chồng ảnh cũ chụp trong những chuyến về thăm quê hương. Gặp cảnh Huế, Sài Gòn, Hà Nội, nhìn lại những ước mơ trong đời, tôi có ý thơ:


Sài Gòn, Hà Nội, Huế ơi

Tự do, Độc lập rong chơi chốn nào

Hạnh phúc trong giấc chiêm bao


© 2020 Buivanphu


BuiVanPhu_20200512_304QueHuongThongNhatHoaBinhRoiSao_H01Dinh Độc Lập thời Việt Nam Cộng hoà, nay là Dinh Thống Nhất (Ảnh: Bùi Văn Phú)


BuiVanPhu_20200512_304QueHuongThongNhatHoaBinhRoiSao_H02_HaNoi
Tác giả và gia đình tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 


BuiVanPhu_20200512_304QueHuongThongNhatHoaBinhRoiSao_H03_Hue
Bia Quốc Học, Huế (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 


BuiVanPhu_20200512_304QueHuongThongNhatHoaBinhRoiSao_H04_NBTFriends
Bạn học cùng trường Nguyễn Bá Tòng Gia Định. Lê Minh Châu, bìa trái, đã mất tích trong chiến tranh. Tác giả đứng bên bìa phải (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 


BuiVanPhu_20200512_304QueHuongThongNhatHoaBinhRoiSao_H05_NBTVanNgheXuan73
Văn nghệ Xuân 1973 tại trường Nguyễn Bá Tòng Gia Định. Duy Nam, mặc áo hoa, tử trận không lâu sau đó. Tác giả đứng thứ ba từ trái (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 


BuiVanPhu_20200512_304QueHuongThongNhatHoaBinhRoiSao_H06_TetCanhTy_Califonria
Gia đình tác giả đón tết Canh Tý 2020 ở California (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 


BuiVanPhu_20200512_304QueHuongThongNhatHoaBinhRoiSao_H07_GiaDinhU_1962
Ảnh chụp gia đình tác giả trong lần kiểm tra dân số năm 1962 (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Rồi vào ngày 12/12/2023, tức chỉ sau ba tháng, Việt Nam lại long trọng tiếp đón Chủ Tịch Tập Cận Bình và nói rằng hợp tác và hữu nghị với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược của Việt Nam...
Chỉ ba tháng sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp ngoại giao trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, người ta thấy Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới mới nhất tăng cường quan hệ với Việt Nam với chuyến thăm Hà Nội trong tuần này...
Chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã để lại nhiều hệ lụy cho nhân dân Việt Nam hơn bao giờ hết. Bằng chứng này được thể hiện trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 theo đó họ Tập thay quan điểm “cộng đồng chung vận mệnh” bằng “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai” cho hai nước...
Sự ra đi của nhà tư tưởng và thực hành xuất sắc về chính sách đối ngoại của Mỹ đánh dấu một kỷ nguyên kết thúc. Trong suốt sự nghiệp lâu dài và có ảnh hưởng phi thường của mình, Henry Kissinger đã xây dựng một di sản mà người Mỹ sẽ khôn ngoan chú ý trong kỷ nguyên mới của nền chính trị cường quốc và sự xáo trộn trong toàn cầu. Thật khó để tưởng tượng rằng thế giới mà không có Henry Kissinger, không chỉ đơn giản vì ông sống đến 100 tuổi, mà vì ông chiếm một vị trí có ảnh hưởng và đôi khi chế ngự trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
“Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố...
“Trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.”
Việt Nam đang thương lượng mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa ngày một lên cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin này được truyền miệng ở Hoa Thịnh Đốn, tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 10-11 tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các viên chức thẩm quyền của đôi bên không tiết lộ số lượng F-16 mà Việt Nam có thể mua với giá 30 triệu dollars một chiếc...
Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt, Sơn Tây. Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.
Càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc khóa XIV (2026-2031), đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ra sức kiên định 4 nguyên tắc được coi là “có ý nghĩa sống còn đối với chế độ.”
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.