Hôm nay,  

Di vật!

10/06/201910:06:00(Xem: 3475)
  1. Chiếc nhẫn và sợi dây chuyền: di vật thời Đức Quốc Xã!


Danh từ Hán Việt. Di là còn lại, vật là đồ vật. Như vậy ‘di vật’ là: đồ vật của người đã khuất để lại.

Mới đây, Viện Bảo Tàng, ‘the Auschwitz Birkenau State Museum’ của Ba Lan, trong bộ sưu tập gồm 12 ngàn vừa tách, tô, dĩa của những tù nhân người Do Thái bị giết hại tại những Trại Tập Trung của Đức Quốc Xã từ năm 1940 đến năm 1945, tình cờ phát hiện ra một chiếc nhẫn và một sợi dây chuyền bằng vàng của một phụ nữ vô danh, được giấu dưới đáy giả của một cái tách. Người ta dùng X Ray mới phát hiện hai di vật bi thảm nầy còn nằm trong đó.


Ai là chủ nhân? Không có manh mối nào để lần ra được hết, chỉ biết rằng số nữ trang nầy đã được chế tác tại Ba Lan từ năm 1921 đến năm 1931.

Chủ nhân chiếc tách nầy đã biết việc Đức Quốc Xã trục xuất họ ra khỏi nhà, cho phép mang theo hành lý, tư trang (dĩ nhiên chúng thừa biết nạn nhân sẽ mang theo những món đồ có giá trị nhứt). Chúng sẽ giết người rồi cướp của; nghĩa là họ biết chắc chắn sẽ chết nhưng vẫn hy vọng là giấu kỹ những vật nầy đi (không cho nó lọt vào tay kẻ cướp), thì dù mình đã bị giết chết, nó vẫn còn là một chứng tích cho tương lai.


Câu hỏi đặt ra là: Viện Bảo Tàng có nên giữ lại để trưng bày hay tìm kiếm cho được thân nhân người đã mất để trao lại cho họ? Nhưng biết ai đâu mà tìm, thì thôi coi như di vật của người đã chết tức tưởi vì Phát xít trở thành kỷ vật cho cả đời sau vậy.

Từ di vật đối với Viện Bảo Tàng nó trở thành kỷ vật, tức vật kỷ niệm của những gia đình đã bị mất người thân. Nó gợi lại một trang sử bi thảm của Thế chiến thứ hai!


Thuở đó, từ khắp các nước châu Âu bị Đức chiếm đóng, nhiều đoàn tàu hỏa đưa người Do Thái đến Trại Tập Trung Auschwitz, cách thủ đô Warszawa của Ba Lan 286 km. Đoàn tù nhân Do Thái khốn khổ nầy, sau khi xuống tàu, được lịnh đứng sang bên phải nghĩa là họ đã được chọn làm tù nhân lao động khổ sai, sống một đời nô lệ, còn tệ hơn súc vật!


Ngày lao động khổ sai bắt đầu từ 4: 30 sáng, kéo dài 12 tiếng để phục vụ cho guồng máy chiến tranh khổng lồ của Đức Quốc Xã. Cứ năm người xếp thành một tổ. Áo tù kẻ sọc, số tù xăm trên cánh tay, không đồ lót, mang những đôi giày gỗ kích cỡ không phù hợp, không tất, đến lao động quần quật tại khu khai thác sỏi và bãi gỗ. Buổi sáng tù nhân được đồ uống nóng, nhưng không có đồ ăn; bữa trưa là một tô canh rau lỏng bỏng không thịt, và buổi tối là một lát bánh mì mốc. Thực phẩm ăn mỗi ngày cung cấp không quá 700 calo nên rất nhiều người đã chết vì đói khát và bệnh tật.

Đó là ăn; còn ngủ thì từ 800 đến 1,000 người nhồi nhét trong những gian phòng như chuồng nhốt súc vật. Không thể nào duỗi người hoàn toàn, chân của người này đặt lên đầu, cổ hay ngực của người kia.


Đám tù nhân được lịnh đứng qua bên trái, vì có của nhưng không có sức lao động (đa phần là phụ nữ, trẻ con và người già) thì xấu số hơn, bị bọn SS giết hàng loạt trong phòng hơi ngạt để cướp của!


Theo lịnh của bọn sĩ quan SS, các nạn nhân cởi bỏ quần áo ở phòng ngoài đi tắm rửa để tẩy trừ chấy rận mà không biết rằng mình đang bước vào phòng hơi ngạt, được ngụy trang như phòng tắm. Khi những cánh cửa đóng chặt lại, bọn lính SS đổ Zyklon B, một loại thuốc trừ sâu cực độc, vào phòng qua các lỗ thông trên mái hoặc lỗ hổng trên tường.

Các nạn nhân ngoắc ngoải chết trong vòng 20 phút. Bên ngoài có thể nghe thấy những tiếng la hét, kêu khóc ầm ĩ dù đã bị những bức tường bê tông dày ngăn bớt. Nhằm làm giảm thiểu tiếng kêu khóc, hai động cơ xe gắn máy đặt gần đó được rồ hết ga; tuy vậy vẫn có thể nghe thấy những tiếng la hét thảm thiết rồi lịm tắt dần.

Xong, lính SS đeo mặt nạ phòng độc vào phòng, lôi các thi thể ra. Kính mắt, đồ trang sức, tóc, và răng vàng của nạn nhân bị cướp đi. Nhiều tên lính và sĩ quan SS của trại đã ăn cắp bớt tài sản của tù nhân bị tịch thu.

Xác chết bị đem đi đốt trong các lò thiêu gần đó;  tro cốt thì bị chôn vùi, vứt xuống sông hoặc dùng làm phân bón để hòng che giấu tội ác man rợ nầy.


Dân Do Thái ở Châu Âu khoảng 11 triệu người, đã có khoảng 6 triệu người bị giết trong thảm sát Holocaust. Auschwitz, đã trở thành một biểu tượng chính của Holocaust, là di sản của thế giới!

Vâng những di vật đó không chỉ là vật kỷ niệm mà còn là một vật chứng tố cáo tội ác diệt chủng của bọn Phát xít trước lương tâm của toàn nhân loại.


2. Poncho: di vật thời chinh chiến!


Trở về với chiến tranh Việt Nam, chúng ta, những người lính thua trận, cũng chịu một phần số bi thảm không kém dân Do Thái, cũng có những di vật là vật chứng về một thời điêu linh của dân tộc.

Trước năm 1975, hầu như cả thế hệ thanh niên miền Nam, đến 18 tuổi, kẻ trước người sau, lần lượt rời ghế nhà trường để khoác lên mình áo lính.


Trong những quân trang, quân dụng còn sót lại sau cuộc chiến tàn khốc nầy không thể không kể tới tấm ‘poncho’ màu ô-liu, dùng để đi mưa.

Khi vượt sông, người lính dùng tấm poncho gói tất cả ba lô, quân trang quân dụng, cột túm lại để trở thành cái phao mà vượt qua dòng nước. 

Tấm poncho còn thay thế chiếc mền đắp trong đêm khuya lạnh lẽo giữa núi non trùng điệp hay vùng đồng không mông quạnh.

Cần hứng nước để uống, người lính đào một cái hố, phủ poncho lên trên cho lõm xuống, tạo thành một cái giếng cạn để hứng những giọt sương đêm, nếu gặp may, một cơn mưa bất ngờ nào chợt đến để hứng nước.

Nhưng poncho còn là di vật đau buồn nhứt của đời lính, khi nó được dùng làm tấm vải liệm, gói thân người chiến sĩ bỏ mình trên bãi chiến trường ác liệt vừa tan khói súng.


  1. Lon ‘Gô”: di vật thời tù cải tạo!

Sữa Guigoz của Hòa Lan được nhập vào Việt Nam những năm 60.

Có hai loại sữa Guigoz, loại trắng cho trẻ sơ sinh, và loại màu vàng cho một tuổi trở đi. Loại sữa bột nầy đựng trong chiếc lon nhôm, dung tích 0.75 lít, đường kính 8cm, cao 15cm, thân hộp có nổi sọc ngang để cầm không bị tuột.

Vì lon làm bằng nhôm nên rất nhẹ, không bị rỉ sét, nắp lon Guigoz đậy rất kín, bền chắc, khó móp méo, hư hỏng nên được các bà nội trợ giữ lon không lại để đựng đường, muối, tiêu, hành, tỏi, ớt hay các thức ăn khô.

Khi chồng, con hay người yêu đi lính, chiếc lon Guigoz nầy được vợ, má hay em yêu dùng để đựng cá, thịt chà bông, tép rang, mắm ruốc sả xào thịt ba rọi cho những người thân yêu của mình ăn giặm thêm, ngoài cá mối hay thịt heo nái dai như giẻ rách ở nhà bàn của quân trường.

Tàn cuộc chiến, những người lính sa cơ bị bắt đi tù cải tạo suốt từ Nam ra Bắc thì chiếc lon Guigoz nầy cũng bị ở tù theo.

Cái tên Guigoz của một thời thanh bình cũ cũng tàn, phai mất chữ ‘Gui’ chỉ còn lại lon goz (‘gô’), là vật bất ly thân của những phận tù không biết được ngày ra.

Muốn múc nước từ giếng lên thì dùng lon ‘gô’ làm gàu. Sáng thức dậy dùng lon ‘gô’ làm ca đựng nước súc miệng. Dùng lon ‘gô’ làm ấm đun nước sôi lên bỏ vào mấy hạt bo bo hay bắp đã rang cháy khét để thay thế nước trà.

Lon gô nầy ngoài nấu nước, nấu cơm, luộc măng rừng, luộc rau, luộc khoai mì, còn dùng để đựng một nắm rau tàu bay, một con cóc, nhái, ễnh ương, bù tọt, hay bất cứ con gì động đậy, để chiều về còn có cái ăn thêm cho đỡ đói.

Ngày ra trại, người lính thất trận ngày xưa, chung thủy mang theo hành trang của mình cũng là lon ‘gô’ dù bây giờ đã sau bao năm tù rạc, lon ‘gô’ đã móp méo như  cuộc đời của chính chúng ta.


Đó là di vật một thời bị đày ải, bị lăng nhục, bị trả thù cho đến chết, mà người lính chúng ta may mắn vẫn còn sống sót qua cuộc biển dâu nầy không thể nào quên.


Vâng, cái poncho thời chinh chiến, cái lon ‘gô’ thời tù cải tạo, những di vật đó dù bây giờ không ai trong chúng ta cần tới nữa! Nhưng di vật không phải là vật vô tri, vô giác, vô hồn… mà nó vô giá! Nó nhắc nhớ chúng ta đã một thời làm lính trận!


Đoàn Xuân Thu

Melbourne

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
Không phải “học” mà là bắt, là tóm đầu, là tống cổ vào nhà giam: khi cân bằng quyền lực ở Hà Nội xáo trộn với tiền chấn rung chuyển tận Amsterdam thì cái khẩu hiệu quen thuộc của Vladimir Lenin ngày nào cũng phải được cập nhật. Không còn “Học, học nữa, học mãi” mà, táo tợn hơn, hệ thống quyền lực đang giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Câu chuyện kể từ xa xưa, rất xa xưa, là từ thời đức Phật còn tại thế: Có một người Bà La Môn rất giầu có và rất quyền thế, ông thích đi săn bắn thú vật trong rừng hay chim muông trên trời. Một hôm đó, ông bắn được một con thiên nga to đẹp đang bay vi vút trong bầu trời cao xanh bát ngát thăm thẳm trên kia. Con thiên nga vô cùng đẹp bị trúng đạn, rơi xuống đất, đau đớn giẫy và chết. Ông liền chạy tới lượm thành quả của ông và xách xác con thiên nga lộng lẫy về cho gia nhân làm thịt, làm một bữa nhậu, có lẽ.
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.