Hôm nay,  

Lại Ngày Sinh

08/06/201908:53:00(Xem: 4539)

LẠI NGÀY SINH

 
Nguyễn Q.

 

Tưởng như vừa gởi đăng ở Việt Báo bài “Ngày Sinh” để bạn bè đọc cho vui, thế mà đã hai năm! Hôm nay Lại Ngày Sinh. Có gì thêm, có gì thay đổi trong hai năm qua cho một bài viết mới?
 

Đầu gối bị đau từ lúc đi CambodiaMyanmar về năm ngoái vẫn chưa lành. Đi therapy, uống thuốc tây, rồi thuốc tiên, thuốc gia truyền thấy trên Internet (lá lốt, cà tím…) không thấy tác dụng chi. Tuần rồi gặp anh bạn bác sĩ, khuyên nên nghỉ đánh tennis và… giảm cân, hai điều đều khổ như nhau. Trước đây, anh vẫn thường gởi cho đọc những bài mới về BMI. Với người Mỹ, 25 là tốt, với ngưòi Á Đông là dư cân! Giảm cân, theo anh, sẽ còn giúp giảm mở, giảm huyết áp…để sống lâu, sống mạnh. Rồi một người bạn bác sĩ khác bày phương pháp co giãn chân mà một bệnh nhân đã nói với anh là rất hiệu quả và năm ngoái tạp chí y khoa cuả Harvard có đề cập đến. Bảo đảm đầu gối sẽ lành! Hỏi mỗi ngày phải tập bao lâu, anh nói chừng một tiếng thôi. Đào đâu ra thêm sáu mươi phút trong khi đang cần hai mươi lăm giờ mỗi ngày để làm những điều mình cần, mình muốn?

  

Có người bạn lâu ngày không gặp hỏi khi nào mới chịu retire để enjoy life vì đâu còn bao lâu nữa mà chờ. Đúng thế, từ đầu năm tới nay đã có ba người bạn cùng lớp ra đi. Nhưng chính vì đời sống vô cùng ngắn ngủi mà phải luôn tự hỏi phải sống như thế nào, để làm gì.  Để, như Tô Thùy Yên, Ta tiếc đời ta sao hữu hạn, Đành không trải hết được lòng ta? Hay, như Trịnh Công Sơn, sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không, để gió cuốn đi?
 

Càng ngày, càng nhìn ra cuộc đời như chuyến xe lửa chạy hoài tới nơi vô định. Những người ngồi chung toa tàu với nhau rồi sẽ có lúc đứng dậy đi qua toa tàu khác và có thể không bao giờ trở lại gặp nhau. Mọi người rồi sẽ tới lúc vĩnh viễn bước xuống tàu để người khác bước lên. Những người còn ngồi lại sẽ tiếp tục làm những việc đang làm và chuyến tàu tiếp tục chạy không chờ ai. Như thế thì có gì để bận tâm?
 

Càng ngày chuyện về hưu càng thúc bách hơn. Ngồi làm việc mà cứ nhìn ra ngoài tự hỏi sao mình còn ngồi đây trong khi biết bao nhiêu điều đang chờ ngoài kia. Làm budget cho department năm tới, soạn thông báo cảnh cáo users đừng có thấy mấy cái email báo tin được trúng giải thưởng nầy, giải thưởng kia rồi ham để click vào mấy cái link mà đổ nợ. Rồi lo lắng tìm cách bảo vệ cái network của công ty khỏi cyber attack, sửa lại cái sales report  sainhững điều đó mang được gì thêm cho đời sống hiện nay ngoài tấm paycheck mỗi hai tuần, cái bonus cuối năm, mà mỗi ngày mỗi bớt thiết yếu.

Chắc anh bạn hỏi chuyện về hưu thất vọng não nề khi nghe mình nói tới những chuyện sẽ làm mà không có việc ra quán uống café mỗi sáng, nghe những người quen biết trao đổi thông tin về cái camera nhà nghề, cái ống kính rất đắt tiền sắp mua, chiếc xe mới tậu, hay tranh luận sôi nỗi chuyện thế sự trọng đại, tại sao Kim Jong Un giết người nầy mà chỉ bỏ tù người kia, để rồi vài hôm sau thấy trên TV người ông Kim mới vừa giết đi nghe nhạc giao hưởng với ông …

Chỉ muốn sống nhẹ nhàng, thanh thản và tỉnh thức, vì thế mà phải gắng bớt ăn, bớt nói, buông bỏ những thứ không cần thiết và giảm bớt đi lòng kỳ vọng ở người khác để thêm cảm thông. Ai cũng có giới hạn của mình. Có người cố gắng vượt lên, có người bằng lòng với nó, để rồi cuối cùng ai cũng sẽ bước xuống tàu!

Rồi mắt chỉ muốn thấy cái “đẹp”, không chừng vì thế mà thích photography, vì ống kính chỉ hướng về, và ghi lại, cái đẹp. Tai chỉ muốn được nghe những điều hay chưa biết. Muốn dùng thêm thì giờ để học, học và học. Làm vài ba việc một lúc nhưng vẫn cứ tự trách mình không sử dụng thì giờ hiệu quả. Bởi thách thức luôn luôn đối diện là vượt hơn một người khác: bản thân chính mình của một giờ vừa qua, của một ngày hôm trước…

 

**

 Mấy hôm trước người con thứ ở New York gởi text. Will you be free on June 15-16? We want to get you something for your birthday and father’s day, but you will need to have that weekend off.  rồi ngay tức khắc thêm một text nữa I know you will say you do not need anything, and we know. We want to give it to you anyway.

Không thắc mắc nhiều về những ngưòi con định sẽ get gì cho mình trong weekend đó. Chắc là ở một resort nào đó, có người hầu kẻ hạ? Nhưng có resort nào bằng những buổi sáng ra biển khi trăng sớm mai còn treo trên lưng chừng trời, nghe tiếng sóng biển vổ bờ, tiếng gọi nhau của những đàn chim đang bận rộn kiếm ăn. Feel được cái lạnh nhẹ nhàng của buổi sớm mai len vào trong da thịt. Tưởng như cả trời biển mênh mông là chỉ của riêng mình. Ai mà cho được những thứ nầy!  Đôi khi còn chụp được vài tấm hình ưng ý, đem về sang lớn treo trong phòng làm việc hay bỏ vào trong cuốn lịch hằng năm làm quà Giáng Sinh cho bạn bè thân cận. Resort nào bằng những lúc đi dọc theo bờ sông Kamo ở Kyoto khi trời vừa hừng sáng, nghe tiếng nước nhẹ nhàng chảy xuôi phía dưới, có mấy con chim đậu trên mấy tảng đá lớn giữa dòng bình yên. Hay những lúc cùng nhau đi tìm một quán cà phê mới mở gần nhà ở New York, nhỏ nhắn và chật hẹp mà đầy cá tinh, nói với nhau đủ mọi thứ trên đời.

CHO là bố thí nhưng biết NHẬN cũng là bố thí. Như chuyện kể có vị sư luôn luôn đội một chiếc mũ rất cũ kỹ. Những người đi chùa thấy thế tội nghiệp không đành, ai cũng đem cho một cái mũ mới và nhà sư vui vẽ nhận hết, không bao giờ nói mình đã có nhiều rồi để từ chối. Khi nhà sư chết, người ta tìm thấy trong phòng của vị sư nầy toàn là mũ với mũ không bao giờ dùng tới. Chỉ vì biết nhận, vị sư đã đem niềm vui tới cho người.

Mình dĩ nhiên là không được như thế, nên trả lời con là cám ơn đã nghĩ tới mình nhưng xin cho khất lại. Hay là để cuối tháng khi về Việt Nam ăn một bữa tối với nhau, nhìn hoàng hôn trên sông Sàigòn, cũng đã đủ cho cả hai dịp nầy rồi. Luôn thể, cám ơn lần nữa về cái vé business class đi Việt Nam mấy người con mua cho mà bây giờ vẫn còn bàng hoàng, vô cùng áy náy khi nhớ tới, vì nghĩ mình phí phạm. Mỗi khi đi máy bay, việc đầu tiên là vào phòng vệ sinh đánh răng rửa mặt rồi trở lại ghế đeo cái noise cancelling head phone nghe nhạc hay coi chút TV, đọc tiếp cuốn sách dở dang. Nếu đi công chuyện thì làm việc cho sở. Thế là xong. Chẳng muốn ai phục dịch, chẳng muốn làm phiền ai… thì tại sao phải trả thêm mấy ngàn cho một cái ghế rộng hơn, êm hơn trong chỉ mấy mươi tiếng đồng hồ, cho những dĩa thức ăn, những ly bia rượu mình không màng rớ tới. Nếu dùng số tiền sai biệt rất lớn giữa cái vé nầy với cái vé economy để chia cho mấy quán cơm sinh viên hay cô nhi viện ở Việt Nam, hay giúp những em học sinh giỏi mà nghèo chẳng hạn, thì hoành tráng hơn nhiều. Nhưng thôi, vì thương con, mình phải học cách nhận cho con vui.

Mấy tháng trước có mấy người quen trong tổ chức làm medical mission ở Việt Nam nhờ làm dùm cho cái website để đăng tải nhiều chương trình mới. Nói với họ rất tiếc không thể giúp trực tiếp được vì đã lỡ commit một chuyện khác rồi, sẽ không có nhiều thì giờ cho nhiều năm sắp tới, nhưng sẽ kiếm giúp người làm và không chừng còn kiếm được người tài trợ. Họ hỏi chuyện gì mà commit tới mấy năm, đành thưa thiệt là đã tìm ra người để học piano. Không ai tỏ vẻ ngạc nhiên hay “bàn ra” chi cả vì tới tuổi nầy sao lại còn đèo bồng, làm chi những chuyện khó khăn. Có lẽ vì họ ở đây đã lâu nên tiêm nhiễm văn hoá “yes, you can”, “just do it”.

Nhớ những lần tình nguyện đi chụp hình ở mấy cái marathon chạy ngang qua sở. Nhiều người chân giả, chạy khập khiểng, bụng to như không bao giờ có thể cúi xuống cột giây giày cho mình được mà vẫn chạy. Và những người tình nguyện làm việc ở cái water station xách mấy ly nước chạy theo reo hò cổ vỏ. “You can do it, you can do it…” Ai cũng vui, làm mình năm nào cũng muốn đi. Có một năm tấm hình bàn tay của một người Mỹ đen đang dúi một ly nước vào tay một người Mỹ trắng đang chạy được chọn đăng ở bìa báo. Quá nhiều điều học được ở nơi nầy!

Nói với cô giáo dạy piano là mình không có tham vọng gì nhiều. Chỉ ước ao một ngày nào đó mình có thể ngồi trước cây piano, trải lòng ra qua những bài hát đã nuôi dưỡng mình lớn lên, mà nay vẫn còn đâm chồi nảy lộc. Ngôn ngữ dù tinh tế tới mấy cũng có giới hạn, không bắt kịp, không chuyên chở hết cảm xúc. Hội họa dù trừu tượng cách nào cũng còn màu sắc và bố cục. Làm sao chỉ 12 nốt nhạc mà tả được một đêm trăng, và mỗi người nghe có một đêm trăng của riêng mình!

Nói là không tham vọng nhưng như thế cũng là quá tham vọng rồi. Có thể được không, làm sao và bao lâu để đưa được những gì biết hay đang học qua sách vở, video, internet về lý thuyết âm nhạc, về practice routines, fingering, Circle of Fifth … …ra những ngón tay, đủ để trải lòng mình ra mà không làm phiền hàng xóm, nói chi đến cho tiếng đàn lung linh như anh dạy keyboard trước đây hay nói. Nếu không làm được như thế thì mớ hiểu biết nầy chỉ như những cuốn sách bám bụi trên kệ, như những con số nằm trên bank statement.

Dù mình chỉ muốn có một cái nhà tranh vách đất làm chổ trú thân nhưng không thể nào muốn cô giáo nầy, một người tốt nghiệp piano ở Quốc Gia Âm Nhạc ra, chỉ cấp tốc giúp làm một nền nhà bằng gỗ. Như thế chẳng khác gì vào một Michelin starred restaurantorder một tô mỳ ăn liền cho mau. Nền phải đào móng sâu, xi măng cốt sắt…vững chắc, rồi sau nầy xây gì lên sẽ tính sau, tùy khả năng của mình… Có khả năng thì xây nhà lầu mấy tầng hay, như sức mình đây, học trước quên sau, tới một bước lùi hai bước, chắc chỉ làm được một cái chòi.  Vì thế mà mấy tháng qua dù có hiểu thêm về dynamics, legato, non-legato, staccato, crescendo, decrescendo…vẫn quanh quẫn với cái C scale, rồi Gmajor scale, arpaggios, vỗ tay giử nhịp..., chưa đờn được bài nào cho trọn vẹn.

Cô giáo dạy nhạc, chắc cảm thông với người lớn tuổi, và còn thêm tình đồng hương, nên chỉ nhẹ nhàng nhắc chừng phải ngồi thẳng lưng, những ngón tay đừng duỗi thẳng, nhưng chưa tới mức mấy ngón tay sao mà thô cứng thế, gỏ phím đàn nghe như bửa củi…như vẫn thường nghe ở mấy video dạy piano ở Viêt Nam.

Trước đây, cứ áy náy với anh dạy keyboard, nay thêm cô dạy piano, đã nhận dạy cho mình. Ai cũng có điều lầm lỡ! Nhưng không sao, cứ cố gắng và kiên trì phần mình thì cũng…sẽ có một ngày – cho dù ngày về xa lắm người ơi!

 

**

Cuối tháng Sáu nầy về Việt Nam mà chỉ ở Huế chưa được tới hai ngày, với biết bao nhiêu điều muốn làm, muốn thấy, muốn thăm. Đã mấy mươi năm vật đổi sao dời, tốt có, xấu có mà vẫn tưởng như còn ở đó chưa đi.

Ông Trần Lãng Minh có bài hát rất hay, Khách Tha Hương. Ông ví người tha hương như con diều, cần sợi dây “quê hương” níu lại để có thể bay cao. Cứ tưởng cắt đứt giây thì diều sẽ bay cao lắm, nhưng không, diều sẽ “rớt xuống ven đê”. Có lần gặp Ông ở quán nước, nói với Ông mình vẫn giữ bài hát trong xe để nghe luôn. Ông cảm động lắm, quay qua nói với vợ, Em, Em, anh Q. đến bây giờ mà vẫn còn giữ bài Khách Tha Hương trong xe để nghe đó Em.

 

Tuần trước có người bạn gởi cho bài viết cuả một người du khách Việt Nam thăm Huế. Anh thắc mắc tại sao du lịch Huế không phát triển bằng Đà Nẵng hay Hội An và đã tìm ra câu trả lời trong … chợ Đông Ba. Anh viết:  

Và sợ nhất là cảnh chèo kéo người đi chợ. Năm người chúng tôi bị những người bán hàng mời mọc, kéo tay, níu chân làm có người suýt ngã vào mấy vũng nước mưa. Những người bán hàng có ánh mắt dò xét hơn là cái nhìn cởi mở của kẻ bán hàng. Lại có những lời bình phẩm sau lưng chúng tôi, những lời nói không hay chút nào khi chúng tôi không dừng lại để vào hàng của họ... Món ăn không ngon như đã nghĩ, thấy bẩn bẩn, giá lại chẳng rẻ chút nào, Đến khi vào nhà vệ sinh thì thay vào cảm giác chán ngán là sự kinh hãi…. Xe qua hầm Hải Vân, đến trạm xăng đầu tiên của thành phố Đà Nẵng, bước vào phòng vệ sinh ở đấy, một cô lên tiếng: Giờ mới lại thấy được văn minh. Và tui cũng trả lời được thắc mắc mấy lâu nay là tại sao du lịch Huế chậm phát triển.

Và, thêm nữa, Anh bình luận: Hình như người Huế ưa xét nét người khác. Tội nghiệp quá cho Huế của tôi!

Bài viết nầy nhắc nhớ tới chuyện người con lớn, năm ấy theo cha đem tro của bà nội về an táng ở làng quê. Lễ xong, gia đình ngồi lại ăn con gà cúng, và bỗng nhiên có một bà cụ già không quen biết tới tham dự, ngồi ngay trước mặt người con. Có lẽ lâu ngày bà chưa ăn thịt gà nên rất vội vã, thức ăn dính đầy miệng và mấy miếng xương gà vung ra dính ngay áo người con, thế mà anh chàng vẫn điềm tĩnh ngồi ăn, không nói một lời, vẻ mặt không lộ ra một chút bực dọc, “ghê sợ” nào. Lúc đó hai mươi mấy tuổi, lần đầu tiên về Việt-Nam cho biết cảnh xóm làng.

Bài học anh chàng dạy mình vẫn nhớ và cố gắng thực hành cho đến hôm nay.

**

Lần nầy, phải đi thăm “không gian trưng bày Lê Bá Đảng” vừa mới hoàn tất. Không phải chỉ là một hoạ sĩ lẫy lừng mà là người chưa bao giờ rời xa quê hương mình, tâm hồn ông luôn gắn bó với quê nhà và toàn bộ sự nghiệp nghệ thuật của ông chỉ phản ánh tình yêu thương muôn mặt đó.    
     

Rồi dù bận mấy cũng phải thăm mộ người anh họ vừa mất, bàng hoàng khi nhận tin mấy tháng trước. Năm ngoái về Huế ngồi với nhau nói chuyện ngày xưa, nhắc tới những miếng mè xửng rẽo mà thỉnh thoảng mới có tiền để mua chia nhau. Trước khi rời Huế, Anh mang đến cho một bao toàn là mè xửng loại cao cấp nhưng kèm theo mấy bao rẽo, ý nhị giúp mình nhớ tới mà thương những ngày xưa. Chắc Anh đã dùng hết món tiền nhỏ biếu Anh mấy hôm trước. Thương tiếc Anh và thêm phần buồn bã, hiểu ra rằng những sợi giây diều mà Anh là một đã dần dần đứt đoạn.

Không riêng Anh mà còn những người trẻ tuổi, sống trong khó khăn nhưng vẫn đầy tự hào và thêm vào sự ân cần, nhã nhặn.  Còn những chị làm trong khách sạn, khiêm nhường không nhận mình nấu nồi bún bò được khen ngon, mà nói là do “mấy chị khác” làm việc tối hôm trước nấu. Còn một chị bán ve chai là khách hàng thường trực của quán cơm “hạt gạo từ tâm”, 5000 đồng mỗi bữa, khi được phỏng vấn trên TV về quán cơm, đã lưu loát cám ơn các em sinh viên giúp việc ở đó vì không những đã rất “ân cần” mà còn đầy “ân tình” với những người nghèo khó yếu kém.

Lần nầy về Huế sẽ ở Phú Mộng/Kim Long, nhưng sẽ mướn chiếc xe đạp về ăn tô bún bà Kéo ở chân cầu Gia Hội, rồi ra bờ sông ngồi uống một ly cà phê, nhìn về phiá bên kia, ngày xưa có căn nhà cũ, có hàng đèn đường là nơi mình ngồi dưới chân hằng đêm để học trong mùa thi, từ lúc quá nửa đêm khi xe cộ đã vắng tới khi sáng sớm đèn tắt. Đây là nơi tôi sống đủ vui sầu (Bùi Giáng).

Chắc rồi phải ngồi lại ăn chén xôi trắng với mấy con cá kho khô từ chiếc gánh vẫn còn ở bên lề đường Phan Bội Châu cũ, của cô gái ốm yếu mãnh mai nhưng vô cùng nhã nhặn hiền lành, nối nghiệp mẹ đã mất từ lâu ngồi bán mỗi ngày. Hy vọng sẽ gặp lại người bạn trẻ từ Garden Grove, đã ba đêm không ngủ khi về Huế thế mà sáng sớm cũng lật đật ra đây ăn tô cháo trắng với cá kho khô trước khi ra phi trường trở về Sài Gòn.  

**

Thôi thì cứ như thế đã, khi về lại rồi hãy tính chuyện tương lai. Ôi, những ngả đường là những ngả phân vân…(Bùi Bảo Trúc)

 

 

Tháng sáu, 2019

 Nguyễn Q.  

 

 

 

 
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
Không phải “học” mà là bắt, là tóm đầu, là tống cổ vào nhà giam: khi cân bằng quyền lực ở Hà Nội xáo trộn với tiền chấn rung chuyển tận Amsterdam thì cái khẩu hiệu quen thuộc của Vladimir Lenin ngày nào cũng phải được cập nhật. Không còn “Học, học nữa, học mãi” mà, táo tợn hơn, hệ thống quyền lực đang giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Câu chuyện kể từ xa xưa, rất xa xưa, là từ thời đức Phật còn tại thế: Có một người Bà La Môn rất giầu có và rất quyền thế, ông thích đi săn bắn thú vật trong rừng hay chim muông trên trời. Một hôm đó, ông bắn được một con thiên nga to đẹp đang bay vi vút trong bầu trời cao xanh bát ngát thăm thẳm trên kia. Con thiên nga vô cùng đẹp bị trúng đạn, rơi xuống đất, đau đớn giẫy và chết. Ông liền chạy tới lượm thành quả của ông và xách xác con thiên nga lộng lẫy về cho gia nhân làm thịt, làm một bữa nhậu, có lẽ.
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.