Hôm nay,  

Số Phận Chữ Nghĩa Trong Những Chế Độ Chuyên Chế (IV)

18/08/201710:42:00(Xem: 6701)
SỐ PHẬN CHỮ NGHĨA TRONG NHỮNG CHẾ ĐỘ CHUYÊN CHẾ  (IV)
TIẾP THEO

 

(Sách tham khảo:

 

1/ Jacques Gernet : Le Monde Chinois—A History of Chinese Civilization—sách đã dẫn

2/ Nguyễn Hiến Lê : Sử Trung Quốc---sách đã dẫn

3/ Bách  Khoa Toàn Thư Mở : Vụ Án Minh Sử---The Ming History Case)

 

II/ Nhà Mãn Thanh (1644-1911) Với Hai Cuộc Khủng Bố Văn Học        

 

            Trí thức tộc Hán bị tộc du mục Mãn Thanh tàn sát và làm nhục trong ba thời kỳ đô hộ Trung Hoa :

 

            -Vụ án Minh Sử ( 1662-1663)

            -Vụ án Chính biến Mậu Tuất 1898

            -Khoảng giữa hai vụ án , dài 235 năm là thời kỳ trí thức Hán Tộc theo gương Hàn Tín thời Hán Sở tranh hùng ( 209BC-202BC).

 

            A/ Chính Sách Khủng Bố Chung Đối Với Hán Tộc

 

            Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương nhờ giai cấp nông dân mà đánh đuổi nhà Nguyên và thống nhất đất nước. Nhưng suốt triều đại nhà Minh (1398-1644) giai cấp cầm quyền thống trị đã phản bội giai cấp nông dân, khiến cho giai cấp này lại nổi lên theo lãnh tụ  Lý Tự Thành tràn lên kinh đô chiếm  ngai vàng của Sùng Trinh hoàng đế.

 

            “Lý Tự Thành cũng chỉ là một nông dân vô học, một tướng cướp tàn bạo, nhưng can đảm, có tài cầm quân, thông minh, có óc làm chính trị” *( STQ—sđd—Trang 443).

 

            Không như Lưu Bang, Chu Nguyên Chương, tuy vô học nhưng biết dùng mưu sĩ Trương Lương , Lưu Bá Ôn mà thành đại nghiệp, Lý Tự Thành không có mưu sĩ giỏi nên bỏ Bắc Kinh chạy về Thiểm Tây, bỏ ngỏ kinh đô cho quân Mãn Thanh vào chiếm như vào chỗ không người. Có thể nói chế độ hoạn quan mật vụ của nhà Minh coi dân như kẻ thù đã làm mất nước Trung Hoa vào tay ngoại tộc.

 

            Đó là vào tháng 4 năm 1644, vua Thuận Trị nhà Mãn Thanh mới 7 tuổi lên ngôi có Nhiếp Chính Vương Đa Nhĩ Cổn phò tá, mở đầu cho cưộc đô hộ dài 267 năm.

 

            Nhưng đó không phải lần đầu tiên mà nhà Mãn Thanh chiếm được Trung Hoa. Họ đã chiếm một nửa nước Trung Hoa từ cuối đời Băc Tống  ( 960-1127).

 

            Họ vốn là bộ tộc du mục Nữ Chân ( Jurchen, theo Jacques Gernet—sđd—trang 465) sinh sống ở phía đông bắc tỉnh Mãn Châu, phía đông nam biên giới nước Nga.   Vào cuối đời Bắc Tống, họ đã trở thành một bộ tộc hùng mạnh với quân đội thiện chiến khống chế các thế lực đương thời : triều đại nhà Tống, bộ tộc Khiết Đan (hay Liêu ), Mông Cổ, Tây Hạ. Vào năm 1115 họ tự lập nên Đế Quốc Kim ( Chin Empire 1115-1234---J. Gernet –trang 465) .

 

            Năm 1127 quân Kim diệt Bắc Tống . “Quân Kim bắt vua Khâm Tôn, Thượng hoàng Huy Tôn, thái tử, các hậu phi, hoàng tộc tất cả 3000 người, lại cướp vàng, lụa, con gái trong thành đem về bắc. Bọn họ vừa buồn khổ  vừa không chịu được khí hậu miền bắc, lần lần chết hết. Chưa bao giờ dân tộc Trung Hoa bị nhục như vậy” (STQ—SĐD---trang 328). Nhà Nam Tống phải dời kinh đô xuống Lâm An , Hằng châu Chiết Giang

 

            Tuy nhiên người Kim vốn chỉ quen du mục, không quen định cư định canh. Họ chỉ đi cướp của cải thóc gạo của dân , rồi cướp lẫn nhau . Vì vậy dù chiếm được nửa nước Trung Hoa, họ cũng không giữ được lòng dân. “Trước sau,chúng chỉ là một bọn xâm lăng, một bọn cướp”( STQ—trang 329).

 

            Khi Thành Cát Tư Hãn lập ra nhà Nguyên thì đế quốc Kim bị tiêu diệt năm 1234, trở về lại đông bắc Mãn châu dưới sự đô hộ của nhà Nguyên. Nhà Nguyên chiếm trọn Trung Hoa và đặt sự đô hộ từ 1277 cho tới khi bị Chu Nguyên Chương đuổi về lại đồng cỏ phía bắc năm 1368.

 

            Bốn trăm năm sau , năm 1616, bộ tộc Nữ Chân quật khởi trở lại với lãnh tụ Nô Nhĩ Cáp Xích  ( Nurhaci ) lập nên triều đại Hậu Kim  (Later Chin—J. Gernet—sđd—trang 466) lại mang quân tấn công Trung Hoa với đội quân Bát Kỳ rất hùng mạnh. Năm 1635 con của ông ta là Hoàng Thái Cực đổi tên bộ tộc Nữ Chân thành Mãn Châu, đổi quốc hiệu là Đại Thanh (Ta-Ching—great Ching). Năm 1643 Thái Cực chết, con là Thuận Trị mới 7 tuổi lên nối ngôi có Đa Nhĩ Cổn là chú làm Nhiếp Chính Vương, tấn công chiếm Bắc Kinh năm 1644 lập nên nhà Mãn Thanh.

 

            Người Mãn Thanh có 400 năm để chuẩn bị đô hộ Trung Hoa lâu dài. Lý do : họ đã dùng người Hán làm cố vấn về tư tưởng, văn hóa, chính trị, quân sự, tổ chức xã hội. Người Trung Hoa sau này gọi những người Hán đó là Hán gian. Thực ra họ là những người bị giai cấp thống trị mới của nhà Minh đàn áp quá mà phải bỏ chạy thật xa, mai danh ẩn tích để sống còn, giữ được giòng họ nối dõi tông đường. Có thể họ chỉ muốn mượn tay ngoại tộc để trả thù cho cha ông, như con cháu những công thần bị Chu Nguyên Chương giết, con cháu của nho sĩ Phương Hiếu Nhụ  vốn bị Yên Vương Lệ phanh thây, hay con cháu những người trong đảng Đông Lâm vốn bị hoạn quan Ngụy Trung Hiền giết….và bao nhiêu những nông dân bị quan quân nhà Minh chiếm đoạt của cải ruộng vườn ( Xin xem lại phần III).

 

            Bốn trăm năm trước,  quân Kim không tận diệt nhà Tống mà duy trì nhà Nam Tống (1127-1276) để bắt triều cống rất nặng nề. Lần này quân Mãn Thanh tận diệt nhà Minh với chính sách khủng bố tàn bạo.

 

            1/ Vụ Tàn Sát 10 Ngày Dương Châu

 

            Khi Bắc Kinh thất thủ, quần thần nhà Minh chạy trốn xuống Nam Kinh lập vua mới là Phúc Vương , tổ chức lại triều chính, quân đội mong cố thủ phương nam. Thành Dương Châu ở Giang Bắc là tiền đồn bảo vệ cho Nam Kinh do Binh bộ Thượng thư Sử Khả Pháp trấn đóng. Quân Mãn Thanh tiến xuống vây thành vào tháng 5 âm lịch 1645 trong suốt 25 ngày mới phá được. Sử Khả Pháp chết. Quân Mãn Thanh tàn sát dân Dương Châu suốt 10 ngày, giết trên 800,000 người ( STQ—sđd—trang 447---BKTTM—INTERNET).

 

            Sử Khả Pháp là một bậc quân tử, một tướng giỏi, nhưng dưới quyền của một bọn lãnh đạo ngu hèn nên phải ngậm hờn nơi chín suối.

 

            Tháng 6-1645 quân Mãn Thanh chiếm Nam Kinh, Phúc Vương chết. Nhà Nam Minh còn kéo dài tới 1662 mới bị diệt hẳn.

            Thảm kịch Dương Châu  tái diễn ở Nam Kinh 300 năm sau, khi quân phiệt Nhật   chiếm Nam Kinh vào ngày 13 tháng 12 năm 1937 kéo dài sáu tuần lễ với khoảng 300,000 người bị giết, hãm hiếp (Wikipedia : Nanking Massacre).

 

            Người Hán luôn tự cao tự đại tự xưng là văn minh đứng giữa trời đất, khinh bỉ mọi dân tộc khác là man di mọi rợ . Phải chăng họ phải chịu quả báo nghiệp chung vì sự khinh mạn đó bởi “Rợ Kim, Giặc Lùn )?

            

            2/ Chính Sách Ruộng Đất Của Kẻ Cườp

 

            Sử gia J. Gernet viết : “The Manchus settled in China like a race of lords destined to reign over a population of slaves, just as the Mongols had done”(A History---sđd…trang 467)….

“From the beginning of the conquest, the Manchus expropriated the peasants and constituted estates from which Chinese were excluded. These Manchus enclaves (chu’an), created between 1645 and 1647, were numerous all over North China---especially in the neighborhood of Pekin---and eastern Mongolia.” (A History---sđd—trang 468).

 

            Chúng tôi xin tạm dịch : “Người Mãn Châu định cư ở Trung Hoa với tư cách là những ông chủ có thiên  mệnh cai trị một bọn nô lệ, không khác gì người Mông Cổ trước kia”….”Ngay từ buổi đầu của cuộc chinh phục, người Mãn Châu đã truất quyền sở hữu đất đai của nông dân để lập nên những điền trang . Những điền trang Mãn Châu kiểu như vậy, tạo lập từ 1645 đến 1647, thì có rất nhiều khắp miền Hoa Bắc---nhất là chung quanh Bắc Kinh---và ở cả miền đông Mông Cổ”.

 

              “The Manchus made the labour force which cultivated their estates (prisoners of war and peasants deprived of their property who, to retain a strip of land, agreed to work in the enclaves) into slaves. Liable to be bought and sold like animals, subject to numerous corvees, very harsly treated and condemmed to stay where they were, these labourers sought any means to escape, in spite of the whipping or death penalty which they incurred and caused their relatives and neighbors to incur” (sđd---trang 468)

 

            Chúng tôi xin tạm dịch : “Người Mãn Châu coi lực lượng lao động làm việc trong những điền trang này là nô lệ ( những tù nhân chiến tranh và  những nông dân đã bị cướp mất tài sản, những người mà muốn giữ lại một dải đất thì phải đồng ý làm việc trong những khu biệt lập). Có thể bị mua bán như loài vật, bị cưỡng bách lao động khổ sai, bị đối xử tàn tệ và không được phép rời khỏi nơi qui định, những người lao động này tìm mọi cách bỏ trốn  dù cho  bị đánh bằng roi vọt hay bị án tử hình mà chính họ gánh chịu hay làm liên lụy đến họ hàng , lối xóm”.

 

             Những thảm cảnh của kẻ chiến bại như sử gia J. Gernet mô tả vào thế kỷ 17 vẫn tái diễn trong thế kỷ 20,21 mặc dù những kẻ xâm lăng trong kỷ nguyên “cao điểm văn minh” dùng chữ nghĩa hào nhoáng hay những xảo thuật để che đậy. Sử gia Gernet dùng hai danh từ “ông chủ “, “nô lệ” đủ  để vẽ bức tranh bi thảm về kẻ chiến thắng và kẻ chiến bại.

 

             Biện chứng chủ nô trong lịch sử không thể nào vượt qua được ( to be overcome)  bằng những cuộc chiến tranh chỉ nhằm thay ông chủ này bằng ông chủ khác, thay giai cấp chuyên chế thống trị này bằng giai cấp chuyên chế thống trị khác, còn dân tộc, nhân dân đích thực vẫn làm kiếp nô lệ.

 

            Chính sách khủng bố nhân dân của nhà Mãn Thanh chỉ là thay gông cùm của những vua triều Minh bằng những vua giòng Nữ Chân . Nhờ những cố vấn người Hán, người Mãn thấy rõ vai trò trọng yếu của tư tường , của văn học đối với quần chúng, nên cuộc khủng bố  giới trí thức Hán tộc đã diễn ra khốc liệt trong vụ án Minh Sử.

 

            B/ Khủng Bố Trí Thức : Vụ Án Minh Sử 1662-1663

 

            Ông Chu Quốc Trinh (1557-1632) đỗ Tiến sĩ năm 1589, giữ chức Thượng thư bộ Lễ kiêm Nội các đại học sĩ, thăng lên đến chức Tướng Quốc. Nhưng ông không làm việc được với thái giám Ngụy Trung Hiền nên cáo quan về hưu ở làng Nam Tầm tỉnh Chiết Giang. Ông đã viết xong ba bộ sách về lịch sử triều Minh ; bộ thứ bốn chưa xong thì qua đời vào năm 1632 thời vua Minh Tư tôn ( Sùng Trinh hoàng đế).  Bộ này có tên “Minh Lịch Triều Chư Thần Truyện’”.

 

            Làm quan thanh liêm , lại về hưu nên khi ông chết gia đình lâm cảnh sa sút. Con ông phải đem bản thảo giở dang đi cầm cố nơi nhà phú hộ Trang Doãn Nghĩa để có một chút tiền chi dùng. Con trai phú gia là Trang Đình Long vốn ham đọc sách nhưng sớm bị khiếm thị, phải nhờ tới 18 vị học giả đọc cho nghe. Thấy hay quá bèn mời các vị này cùng nhau tăng bổ, tu chỉnh, viết cho xong. Nhưng sách chưa in thì Đình Long chết năm 1660 khi mà nhà Mãn Thanh đã cai trị được 16  năm rồi.

            Trang Doãn Nghĩa bỏ tiền ra in với nhan đề “Minh Triều Lược Kỷ”, đem bản thảo lên Bộ Lễ kiểm duyệt và được phép phổ biến.

 

            Hồi ấy có một tri huyện bị bãi chức vì tội tham nhũng, tên Ngô Chi Vinh không có tiền

về quê. Hắn đến xin tiền hai phú gia Chu Hựu Minh và Trang Doãn Nghĩa. Chu Hựu Minh khinh bỉ không cho, bèn đem lòng oán hận. Còn Doãn Nghĩa cũng chỉ cho chút ít, hắn cũng oán hận. 

Tình cờ hắn đọc được cuốn    “Minh Triều Lược Kỷ” tác giả Chu Quốc Trinh do Trang Đình Long tu chỉnh và Trang Doãn Nghĩa xuất bản. Hắn đọc và phát hiện một số điều mà hắn cho là có tư tưởng phản nghịch với đương triều :

 

            -Không viết tước hiệu Nhiếp Chính Vương của Đa Nhĩ Cổn ( em vua Hoàng thái Cực, chú vua Thuận Trị). Đa Nhĩ Cổn vốn được xem là khai quốc công thần nhà Thanh.

 

            -Vẫn dùng niên hiệu của triều Minh để viết lịch sử sau 1644.

 

            -Kết án một số cựu thần nhà Minh đầu hàng nhà Thanh

 

            -Giọng văn ai oán đầy hoài niệm khi viết về chế độ cũ

 

            Ngô Chi Vinh  đắc ý tìm ra con đường tiến thân trở lại quan trường. Hắn bèn đem trình lên quan Tuần Phủ . May có người mách Trang Doãn Nghĩa. Ông kinh hoảng trước đại họa sắp đến, nên dốc hết tiền bạc lo lót mọi nơi từ dưới lên trên để thu hồi những bản đã phổ biến và thay bằng bản in mới sửa hết những chỗ sai.

 

            Ngô Chi Vinh đợi lâu không thấy kết quả, ra hiệu sách thấy bản in mới . Hắn không bỏ cuộc, mang bản in cũ lên tận kinh đô tố cáo. Lúc bấy giờ trong triều đình , Nhiếp Chính Vương đã chết. Tướng quân trong đội quân Bát Kỳ,  Ngao Bái,  đang nắm quyền chính , phò tá Vua Khang Hy mới 8 tuổi lên ngôi năm 1662. Ngao Bái muốn củng cố quyền lực đối với những địch thủ khác , đọc bản cáo trạng của Ngô Chi Vinh , bèn phái quân xuống Chiết Giang điều tra bắt phản nghịch.

 

            Cuộc điều tra nhanh chóng đã bắt tất cả những người có liên quan đến cuốn sách:

            -Trang Doãn Nghĩa, chủ biên

            -18 vị học giả có tên đã góp phần hiệu đính

            -Vị quan viết lời tựa

            -Tất cả viên chức đã ăn hối lộ của Trang Doãn Nghĩa

            -Những hiệu buôn sách

            -Những người đọc sách

            -Những thợ khắc chữ

 

            Ngao Bái ra án tử hình 72 người, hoặc chết chém, hoặc phanh thây, hoặc tùng xẻo.  Trang Doãn Nghĩa tự tử trong tù, Trang Đình Long chết rồi cũng bị quật mồ lấy xác lên hành hình. Ngoài ra có cả trăm người bị đi đầy nơi biên ải.

            Ngô Chi Vinh không tha Chu Hưu Minh, mặc dù ông không có liên quan đến cuốn sách.

Số là trong bản in có dòng chữ :   “Chu thị nguyên cảo do nhuận sắc mà thành”. “Chu thị” , ở đây là nói tác giả Chu Quốc Trinh. Nhưng hắn thù Chu Hựu Minh đã khinh bỉ hắn nên cáo rằng chữ Chu Hựu Minh có ý nghĩa họ Chu còn nhớ nhà Minh. Rốt cuộc ông này cùng năm con đều bị chết chém..

 

            Phần thưởng mà nhà Mãn Thanh dành cho hắn là được phục chức, rồi thăng chức và hưởng nửa gia tài  của hai phú gia . Hai năm sau, 1665, hắn tự nhiên mắc bệnh lở lói khắp người mà chết.

           Quả báo nhãn tiền.

 

            Ngô Chi Vinh là một thứ đao- bút- lại vô cùng nguy hiểm, chỉ dùng một ít chữ nghĩa gièm pha, vu cáo mà giết oan bao mạng người, làm tan nát bao gia đình .

 

            Cuộc khủng bố giới trí thức của triều đình Mãn Thanh tưởng là chỉ xẩy ra vì lãnh đạo là một bộ tộc du mục thiếu văn hóa. Nhưng ba trăm năm sau , 1956, thảm kịch đó tái diễn , với vụ án Nhân Văn Giai Phẩm mà kịch bản khủng bố chẳng khác gì vụ án Minh Sử.

 

                        1/  Ra lệnh cho mậu dịch không bán giấy in báo cho nhóm đối lập

                        2/ Khủng bố những ngưởi phát hành

                        3 Khủng bố những ngưởi đọc

                        4/ Vận động thợ in không in báo đối lập----dùng hệ thống công đoàn uy hiếp công nhân nhà máy in đình công không in báo phản động

 

                        5/ Vu cáo nhóm trí thức Nhân Văn Giai Phẩm cấu kết với địch

 

                        ( TRĂM HOA ĐUA NỞ TRÊN ĐẤT BẮC—sđd---Chương 2—Mục : Chiến thuật Khủng Bố ngầm)

 

                        Những đao-bút-lại ttrong vụ án này đều từng là những văn nghệ sĩ, trí thức có tiếng tăm trong văn học sử Việt Nam. Họ còn nguy hiểm hơn Ngô Chi Vinh nhiều.

 

            C/ Vụ Án Mậu Tuất 1898: Lục Quân Tử

 

            Nhà Mãn Thanh chỉ có bốn vua giỏi là Khang Hy ( 1662-1722), Ung Chính ( 1723-1735),

Càn Long ( 1736-1796), Gia Khánh (1796-1820). Còn năm vua tiếp theo đều ngu, hèn : (Đạo Quang ( 1821-1850), Hàm Phong ( 1851-1861), Đồng Trị ( 1862-1874), Quang Tự ( 1875- 1908), Phổ Nghi ( 1908-1912).

 

            Sau khi Khang Hy giết Ngao Bái năm 1669, chấm dứt quyền lực của phe quân nhân thì trí thức Hán tộc được trọng dụng  cho mãi gần tới cuối đời Thanh 1900. Trong hơn hai trăm năm,  trí thức Hán tộc đóng vai Hàn Tín chịu nhục lòn cúi ngoại tộc. Những đại nho sĩ như Tăng Quốc Phiên ( 1811-1872), Tả Tông Đường ( 1812-1885), Lý Hồng Chương ( 1823-1901) đều làm quan lớn, hợp tác với triều Mãn Thanh chống lại những phong trào khởi nghĩa của nông dân như Niệm quân, Thái Bình thiên quốc ( 1851-1864) . Họ vẫn muốn giữ triều Mãn Thanh tồn tại mặc dù vua và triều đình đã thối nát yếu hèn trước những cuộc xâm lăng của các nước phương Tây từ thời Đạo Quang trở đi.

 

            Ngay cả những nho sĩ Hán tộc vừa giỏi Hán học vừa giỏi Tây học như Khang Hữu Vi

( 1858-1927), Lương Khải  Siêu ( 1873-1929 ), Đàm Tự Đồng ( 1865-1898 )  ….cũng vẫn cố cứu chữa cho con bệnh đã hấp hối. Chính vì vậy họ mới lãnh hậu quả thê thảm.

 

            Sau khi vua Hàm Phong chết ( 1861) , cả triều đình Mãn Thanh quì gồi trước một người đàn bà ít học nhưng gian ác dâm dật là Từ Hy thái hậu đứng đầu một phe cực kỳ bảo thủ gọi là Hậu đảng. Bọn Hậu đảng vẫn tự cho mình là giỏi nhất thiên hạ, không chịu cải cách để theo kịp những tiến bộ của phương Tây, không biết rằng dân Nhật Bản mà họ vẫn khinh miệt là bọn Đông Di đang trở thành một cường quốc kỹ nghệ sánh ngang cùng những nước Anh, Pháp, Mỹ,Đức.

            Từ 1873 cho đến 1893, Nhật đã chiếm những thuộc quốc của Trung Hoa như đảo Lưu Cầu ( Okinawa), Triêu Tiên, Đài Loan. Năm 1894 ( thời vua Quang Tự )  hạm đội Nhật đã đánh tan hạm đội Bắc Dương của nhà Thanh ở gần Uy Hải Vệ và làm chủ biển Hoàng Hải. Biến cố này làm rung động toàn thế giới. Nhà Thanh phải ký những hiệp ước nhục nhã.

 

            Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu , Đàm Tự Đồng đứng đầu một nhóm trí thức dâng kế sách Duy Tân lên vua Quang Tự mong làm cho nước Trung Hoa tiến bộ nhanh như Nhật Bản. Nhưng họ gặp sức phản động của Hậu Đảng nên từ năm 1895 cho mãi đến tháng 6 -1898 kế sách Duy Tân mới được Quang Tự cho thi hành theo tiêu chuẩn “Toàn Biến, Tốc Biến” ( đổi nhanh, đổi mọi mặt).

           Từ ngày 11 tháng 6 năm 1898 cho tới tháng 9 -1898 , “Trong khoảng chưa đầy ba tháng mà một trăm mấy chục đạo chiếu được ban ra làm cho cả trong triều lẫn ngoài tỉnh mọi người xôn xao” ( STQ—sđd—trang 539 ).

 

            Từ Hy cùng Hậu đảng ra tay ngăn cản, thu hồi những sắc lệnh đổi mới. Đàm Tự Đồng khuyên Quang Tự triệu tướng Viên Thế Khải ( 1859-1916 ) đem 7000 quân tử Bắc Dương về Bắc Kinh nhằm diệt Hậu đảng.

 

            Viên Thế Khải là một tướng quân người Hán có mưu lược và tham vọng chính trị. Nhìn tình hình hai phe : Hậu đảng của Từ Hy, và Đế đảng của Quang Tự, Khải thấy rõ phe Tư Hy còn rất mạnh vì được đội quân Bát Kỳ gốc Mãn Thanh hậu thuẫn. Hắn bèn phản bội phe Duy Tân, tố cáo âm mưu của Quang Tự muốn trừ khử Tư Hy. Phe nhà vua chỉ còn toàn một nhóm nho sĩ có chữ nghĩa nhưng không có vũ khí và thủ đoạn chính trị.

 

            Từ Hy bắt giam Quang Tự và trở lại nắm toàn quyền lãnh đạo triều đình, phong cho Viên Thế Khải làm Thống Soái tân quân Bắc Dương. Cuộc “Duy Tân Một Trăm Ngày” coi như chấm dứt . Cuộc lùng bắt khủng bố phong trào bắt đầu. Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu trốn khỏi Trung Hoa. Đàm Tự Đồng không trốn , bị bắt,  tử hình cùng năm vị khác, trong đó có em của Khang Hữu Vi là Khang Quảng Nhân. Đàm Tự Đồng chết năm 33 tuổi.

 

            Biến cố này được sử sách gọi là “Chính Biến Mậu Tuất 1898”. Sáu vị nho sĩ bị tử hình được dân tôn xưng là “Lục Quân Tử” , sánh ngang với sáu vị bị thái giám Ngụy Trung Hiền giết vào thời nhà Minh gọi là “Lục Tài Tử” trong vụ án Đảng Đông Lâm ( xin xem phần III ).

 

            Nếu sáu nhà trí thức chết trong vụ án đảng Đông Lâm ( 1627 ) đã báo trước sự diệt vong của triều đại nhà Minh  ( 1644 ) , thì Lục Quân Tử trong vụ án Duy Tân Mậu Tuất cũng báo trước sự diệt vong của nhà Mãn Thanh ( 1911 ).

 

             Tư tưởng của ba nho sĩ Khang, Lương, Đàm lưỡng lự giữa quân chủ chuyên chế và quân chủ lập hiến, giữa quân chủ lập hiến và thể chế dân chủ, phản ánh thái độ mất tự tin của trí thức Hán tộc đối với dân tộc mình vì chưa dám dứt khoát hẳn với ngoại tộc Mãn Thanh. Ngay cả khi người Mãn đã giết “Lục quân Tử”, đã ký hiệp ước Tân Sửu 1901 mà sử sách gọi là ô nhục không những đối với triều đình Mãn Thanh mà cho cả dân tộc Trung Hoa, mà các cụ vẫn còn muốn chủ trương bảo hoàng nghĩa là vẫn thờ vua ngoại tộc.

 

              Sự mất tự tin đó tồn tại mãi trong giới trí thức Trung Hoa nói riêng và trong dân tộc Trung Hoa nói chung, kéo dài cho mãi tới những năm của thập niên 1950 với phong trào “Bách Hoa Tề Phóng”, của thập niên 1960 với phong trào “Cách Mạng Văn Hóa”.(CÒN TIẾP)

 

Đào Ngọc Phong
08/ 20/2017

 

                                                                                                    

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Việt Nam bước vào năm Giáp Thìn 2024 với gánh nặng tham nhũng và một đội ngũ “không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức lối sống. Đó là cảnh báo của người đứng đầu đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc phỏng vấn đầu năm của Thông Tấn Xã Việt Nam...
Từ thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, Triết gia Mạnh Tử (372-289 BC) của Trung Hoa đã nói rằng, “Dân là quý, thứ đến đất nước, rồi tới vua.” Điều đáng nói là Mạnh Tử là người đi theo học thuyết của Nho Gia vốn chủ trương vua là con ông Trời (Thiên tử) được sai xuống nhân gian để trị quốc an dân, vậy mà cũng không thể phủ nhận vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là tối quan trọng của người dân. Thời hiện đại, công pháp quốc tế đã nêu ba yếu tố chính hình thành một quốc gia: người dân, lãnh thổ và chính quyền. Trong đó, thật ra người dân chính là yếu tố then chốt quyết định. Lãnh thổ nếu không có dân ở, không có người quản trị thì không phải là đất nước của một dân tộc. Chính quyền từ người dân mà ra, bởi vì trước khi một người ra nắm quyền cai trị đất nước thì người đó phải là một người dân của đất nước ấy. Hơn nữa, sự thịnh suy của một quốc gia nằm trong tay người dân.
“Phản động lực” mà người Đài Loan thể hiện trong cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi khiến tôi, sau những suy nghĩ miên man về chuyện nước non, lại quay về với bài học yêu nước của thời tiểu học với câu hỏi khó, khiến nhiều học trò gác bút: “Em hãy tìm từ phản nghĩa với ‘tôn đại’.” Trung Quốc càng hung hăng đe dọa bao nhiêu, Đài Loan càng quật cường ngạo nghễ bấy nhiêu. Mà nếu Bắc Kinh ngu ngơ hay vờ vịt không biết gì đến định luật này thì, thầy nào tớ đó, Hà Nội cũng mù tịt hay giả bộ tương tự. Họặc mù tịt như thể đã hoàn toàn miễn dịch trước luật này; hoặc đóng kịch như thể không hề sống trong không gian ba chiều bình thường mà là một môi trường nào đó thiêu thiếu, cơ hồ chỉ… hai chiều rưỡi.
Tôi sinh trưởng ở Đà Lạt (Thành Phố Ngàn Hoa) nên sự hiểu biết về hoa lá cũng không đến nỗi tồi. Thế mà mãi tới bữa rồi, nhờ xem trang Trăm Hoa, mới được biết thêm về một loài hoa nữa – hoa ban: “Mùa hoa nở là lúc các cặp đôi nô nức đến thăm Tây Bắc. Hoa ban trắng tượng trưng cho tình yêu chung thủy và sự chân thành, dù tình yêu có gặp nhiều trắc trở, khó khăn thì cũng tự tin vượt qua và sẵn sàng đi đến bến bờ hạnh phúc. Các cặp đôi yêu nhau thường thề nguyện dưới gốc cây hoa ban như một minh chứng cho tình yêu thủy chung, bền chặt.”
Nhìn vào sự xuất hiện, sinh trưởng và tồn tại của chế độ cộng sản ở Việt Nam, chúng ta không thể phủ nhận đã có sự tương đồng với những thông tin tóm lược vừa nói về bệnh ung thư của con người...
Tôi tình cờ nhìn thấy hình Nguyễn Thúy Hạnh đang lơn tơn đẩy một cái xe cút kít đầy ắp bưởi (trên trang RFA) trong một cuộc phỏng vấn do Tuấn Khanh thực hiện, vào hôm 19 tháng Giêng năm 2021. Bên dưới tấm ảnh này không có lời ghi chú nào về thời điểm bấm máy nên tôi đoán có lẽ đây là lúc mà cô em đang hớn hở đến thăm vườn bưởi của họ Trịnh (ở Hòa Bình) vào “thuở trời đất (chưa) nổi cơn gió bụi”!
Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đang phải đối mặt với cuộc tranh chấp nội bộ trong kế hoạch tìm người kế nhiệm lãnh đạo khóa đảng XIV, nhiệm kỳ 2026-31. Những tranh chấp này được giữ kín để tránh hoang mang nội bộ. Chúng bộc phát ngay tại các Đại hội đảng địa phương và các ban đảng từ tháng 10 năm 2023...
Cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 8 tại Đài Loan đã được tổ chức vào ngày 13/1 với kết quả là ông Lại Thành Đức Phó chủ tịch Đảng Dân tiến (Democratic Progressive Party, DPP) thắng cử...
Chúng ta đang làm nhân chứng cho một cuộc bầu cử kỳ quặc và đa sự chưa từng xảy ra trong lịch sử đầu phiếu ở Hoa Kỳ. Có thể nói, không chỉ lịch sử, mà rộng lớn hơn, chính là "sự cố" văn hóa chưa từng thấy. Bước vào năm 2024, sự tranh đua giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ càng gay go, khốc liệt với âm mưu, độc kế, thủ đoạn, ám toán, bôi nhọ, mánh mung, để xem ai sẽ là chủ nhân của ngôi Nhà Trắng trong bốn năm tới. Tất cả những ý nghĩ, hành vi đó đều gôm vào chính sách, chiến lược và chiến thuật vận động bầu cử. Bạn đọc sẽ có dịp theo dõi các thầy bàn người Mỹ và thầy bàn người Việt (trong và ngoài nước) phong phú hóa, hư cấu hóa, ảo tưởng hóa về việc bầu cử, tạo ra câu chuyện nửa thực, nửa hư, thú vị, bất ngờ với giận dữ và thất vọng, sung sướng và buồn bã, rung đùi và cụng ly, nguyền rủa và chửi bới, vân vân. Thông thường những luận lý, âm mưu, phê phán, dự đoán đó… được mổ xẻ qua kiến thức và kinh nghiệm tây phương, nơi có hàng ngàn sách vở nghiên cứu chính trường, chính đạo,
Chúng ta đang bước vào năm bầu cử. Năm 2024 sẽ có một cuộc bầu cử có tính quyết liệt, vì các lựa chọn chắc chắn sẽ gây tranh cãi trong nội bộ cộng đồng gốc Việt, trong các gia đình người Việt, giữa các lựa chọn về cấp tiến và bảo thủ, giữa các thế hệ trẻ và già ở hải ngoại. Và chắc chắn là bầu cử tháng 11/2024 tại Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng tới cuộc chiến Trung Đông, cuộc chiến ở Ukraine, và ở cả Đài Loan. Tác động như thế nào, chúng ta khó đo lường hết tất cả các ảnh hưởng. Trong đó, một tác động lớn là từ tin giả, nói kiểu Mỹ là Fake News, tức là tin không thật.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.