Hôm nay,  

Giới thiệu hồi 31 tuồng hát bội Nôm: Tây Du Ký Bài 2/3: Người của trung ương gây tội được giơ cao đánh sẽ.

22/03/201712:58:00(Xem: 4716)
Giới thiệu hồi 31 tuồng hát bội Nôm:
Tây Du Ký 西遊記
Bài 2/3: Người của trung ương gây tội được giơ cao đánh sẽ.
  
Nguyễn Văn Sâm

 

 

blank

(Trang cuối của hồi 31, tài liệu NVS sao lại từ EFEO, năm 2017)

 
Tuồng hát bội viết bằng chữ Nôm Tây Du Ký là một bộ tuồng vô cùng quý giá về mặt hình dạng chữ Nôm thế kỷ 19, cũng như về mặt tuồng tích bộ môn hát bội trong thời kỳ sung mãn nhứt của bộ môn nầy. Trước tới giờ chưa có ai phiên âm hay giới thiệuTây Du Ký vì tuồng quá dài, (100 hồi, mỗi hồi từ 30 đến 50 trang) lại chỉ có một bản viết tay duy nhứt lâu nay chứa bên Pháp (EFEO, Paris).

Chúng tôi xin tóm lược có trích dẫn giới thiệu hồi thứ 31 vàđưa ra những ý chánh tiềm ẩn trong hồi nầy. Cũng xin nhắc lại là ông Nam Cư, một học giả chuyên về văn học Miền Nam trong khi giới thiệu tuồng Kim Thạch Kỳ Duyên nói tuồng Tây Du Ký cũng là tác phẩm của Bùi Hữu Nghĩa. Ta cứ tạm coi như đây là một phần văn tài của Thủ Khoa Nghĩa trong khi chờ đợi một xác định nào khác.
 

Hồi 31 nầy gồm hai màn chánh:

1. Trư Bát Giái nghĩa thích Hầu vương: Bát Giái vì nghĩa thầytrò với Tam Tạng giảng giải và nói khích tướng đểhầu vương Hành Giả đi cứu thầy vì hầu vương đã bị thầy giận đuổi ra khỏi đoàn đương vui thú điền viên với đám khỉ của mình. (Bài 1/3)

2. Tôn Hành Giả trí hàng yêu quái: Tôn Hành Giả với tài trí của mình đã vô hiệu hóa con yêu Hoàng Bào để cứu thầy đồng thời cứu nạn nàng công chúa nước Bửu Tượng đã bị con yêu Hoàng Bào bắt làm vợ 13 năm nay. (Bài 2/3 nầy)

****

  

Trên đường đi tìm Hoàng Bào để trả thù, Hành Giả bay cùng Bát Giái đến một cái biển lớn, Hành Giả chợt nẩy ý muốn xuống đó tắm rửa tẩy uế, tẩy tâm. Xong việc cả hai lên đường tiếp tới động của yêu quái Hoàng Bào. Hoàng Bào không có mặt vì đương ở tại thành vua Bửu Tượng. Bên ngoài động chỉ có hai quỷ nhỏ con của Hoàng Bào, Hành Giả bèn bắt lấy.

Vợ của Hoàng Bào, tức là công chúa con vua Bửu Tượng chạy ra. Hành Giả kêu trao đổi: Bà thả Sa Tăng thì mình mới thả con bà. Sa Tăng được thả, nhưng Hành Giả nghĩ đến một kế sách khác: Sai Sa Tăng và Bát Giái đem hai đứa trẻ về hoàng thành của vua Bửu Tượng để dụ Hoàng Bào về động, mình ở lại động chờ hắn vì ngại rằng đánh nhau trong thành sẽ làm kinh động dân chúng.

Bị công chúa trách móc sao nói không giữ lời, Hành Giả thuyết phục rằng là mình phải làm vậy để dụ con yêu về động mà trừ khử. Trừ được nó vua Bửu Tượng hết bị nó khống chế, nàng cũng được tự do. Nàng giúp ta vụ nầy cũng là cách thể hiện tình thâm phụ mẫu đối với vua Bửu Tượng. Công chúa than thở rằng mình sống tại đây đau buồn còn hơn đã chết, từng toan tính trốn nhiều phen nhưng đường tin tức bặt nguồn và luôn bị canh giữ nghiêm nhặt. Buồn biết là bao nhiêu:

Nói thôi lệ nhỏ dòng châu,

Nhớ tới khôn cầm lệ ngọc.

Bao nỡ để hương trầm u cốc…

Hành Giả biểu bà ẩn náu chỗ nào đó để mình biến hình thế vai bà ngồi đợi Hoàng Bào để tùy cơ mà trừ khử nó:

Âu là:

Kíp biến lai nữ sắc,

Xem cũng đã in nàng,

Âu ngồi tại sơn phòng,

Chờ thằng yêu phản bộ.

Tại triều đình, Hoàng Bào nghe chuyện hai con mình bị ném từ trên trời xuống sân chầu thì tức mình và lấy làm lạ bèn trở về động coi chuyện  gì đã xảy ra:

                Trong giấc điệp nghe kêu tên mỗ.

                Chợt tỉnh giấc xem lên mây nọ,

Thấy Sa Tăng Bát Giới tiếng vang.

Bát Giới chăng đào thốn sơn lâm,

Sa Tăng vốn trói nơi động khẩu.

Gã thoát làm sao khỏi,

Lại dám bắt con ta,

Sự phi thường khó nỗi lo ba,

Lòng nghi hoặc dầu bề quyết một.

… Sự cóđâu khinh hốt,

Âu tức tốc hồi gia,

Dầu có không cũng phải xem qua,

Thành Bửu Tượng sau ta sẽ lại.                  (t11a)

Hoàng Bào về tới động thì Hành Giả đã đợi sẵn trong hình đáng người thiếu phụ vợ của hắn ta. Thấy con yêu về thiếuphụ/Hành Giả  làm bộ than khóc thảm thiết rằng nhớ con nhớ chồng:

Kêu cùng trời trời cũng chẳng hay,

Than với đất, đất đà khôn xiết.

Đôi mắt lệ rơi khôn xiết,

Chín chiều ruột xắt đòi phân.

Lang quân hỡi lang quân!

Ấu tử ôi ấu tử!

Nàng kể lể rằng mình đương đau buồn vô tận vì nỗi mất con và tha thiết trông mong chồng về:

Vào triều nội chàng nhìn thân thích,

Ở khuê trung thiếp luống đợi trông.

Nào hay thằng Bát Giái loài hung.

Tới cướp mở Sa Tăng rất dữ,

Bắt hai thằng thân sanh đồng tử.

Xin mười phần[1] gã cũng không tha,

Rằng đem đi tìm tỏi[2] ông bà,

Con dại dột nỡ lìa cha mẹ.

Đã thảm thiết con thơ bé,

Lại mê man chồng chẳng thấy về.

Lệ đôi tròng ngoài đã dầm dề,

Ruột chín khúc trong càng khô héo.

Hoàng Bào thương vợ liền an ủi, nói rằng mình có ngọc lạ sẽ đưa cho nàng ngậm để đỡ đau vì đây báu vật riêng do mình tu luyện ngàn năm mới có:

Con là ruột ai không thương nhớ,

Mình xót gan thời bớt ai hoài,

Khuyên nhà ngươi hãy gắng khởi lai[3].

Mỗ vốn sẵn phương nầy điều bổ.

Bửu bối nọ tại min sẵn có,

Đau nầy đến nó đỡ đi.

Báu nọ vốn trong bụng mỗ,

Tên là xá lợi nhục đan.
 

Thiếu phụ/Hành Giả được ngọc bèn nuối vô bụng rồi hiện nguyên hình là Ngộ Không. Hai bên đánh nhau chí tử. Hoàng Bào mất ngọc quý nên thua, chạy trốn trên mây, Hành Giả theo lên tới thiên đình khiếu nại. Té ra Hoàng Bào là một vì tinh tú có vai trò trên thiên đình. Ông ta theo tiếng gọi của ái tình trốn xuống trần để theo người yêu là một ngọc nữ đã trốn xuống trần trước đó.

Nhân vật trên thiên đình, tức cơ quan trung ương điều khiển cả ba giới, biện hộ sự lỗi lầm của mình bằng chữ duyên tiền định:

Tội chúng tôi vốn thiệt rất oan,

Xin gởi tấu kẻo còn chút ức.

Bửu Tượng quốc đệ tam nữ tức.

Vốn thị hương ngọc nữ thượng thiên[4].

Cùng chúng tôi tạc điểm cảnh thiên[5].

[6] xuống trước đầu thai cung viện,

Tôi theo sau gắn vó[7] lời thề.

Nên làm yêu một chốn sơn khê.

Cùng nhau hợp mười ba năm chẵn,

Việc duyên nợ cũng vì tiền định,

Dễ chúng tôi đâu dám tự thành.
 

Sự bào chữa của nhân vật trung ương nầy khá tức cười vì ông ta chỉ nói đến chuyện duyên tiền định mà không nói tới chuyện hắn ta làm yêu làm quái hại người nầy người kia, bắt giam ăn thịt biết bao nhiêu người vô tội. Nếu vì là duyên tiền định hắn có thể xuống trần làm người tử tế rồi kết duyên như bao nhiêu ‘cuộc tình’ khác, đâu cần gì phải làm quỷ làm ma, bắt người, cướp gái, giam thầy tu, biến hình người đi thỉnh kinh….

Dĩ nhiên dầu ‘trên’ có xét công, miễn tội bao nhiêu thì cũng phải xử, xử, nhưng mà giơ cao đánh sẽ. Khuê tinh bị lấy lại kim bài - một thứ thẻ gì đó được phát cho người có đặc quyền - rồi điều đi giao cho nhiệm vụ khác. Buồn là trên cao thiệt cao xử cũng là xử cho có, bất nghiêm. Ôgn Đại đế, chóp bu nói:

Lẽ đắc tội không dung ba thước[8],

Nhưng suy tình mới phạm một phen,

Kim bài kia thâu nạp thượng thiên,

Đày gã tựu Lão quân cung lý[9].

Chuyện con yêu Hoàng Bào/Khuê tinh kể như giải quyết.Tuy không aigiết được kẻ từng quậy tung xứ sở của vua Bửu Tượng trong 13 năm trời nhưng cái nạn thiên hạ phải chịu đựng hắn cũng đã hết. Hành Giả xuống lại động quỷ giải thích sự tình cho thiếu phụ, nhấn mạnh trên sự kiện Hoàng Bào là người của trung ương rồi khuyên nàng về lại kinh thành của vua Bửu Tượng:

Hoàng Bào chăng thiên thượng Khuê tinh,

Nay thượng đế thâu hồi thượng giái.

Bửu Tượng quốc kíp tua trở lại.

Đặng cho min cứu lấy tôn sư.

Tới nơi hoàng thành công chúa gặp lại cha, giải thích cho cha hoạn nạn của mình bấy lâu nay:

Con từ thuở bị loài yêu tử,

Kể khôn cùng nhiều nỗi quyên sinh[10],

Nhờ lão gia thượng tấu thiên đình.

Nên trừ đặng Hoàng Bào yêu nghiệt.
 

Để hai cha con hưởng sự đoàn viên, Hành Giả từ giã đi lo cứu sư phụ. Thấy sư phụ dưới dạng mãnh hổ, Hành Giả biết ngay là bị phép định hình, bên ngoài hình dạng mãnh hổ nhưng bên trong thiệt sự vẫn là con người thật Tam Tạng, cho nên Tam Tạng muốn chào mà vẫn không chào được:

Mắt mỗ xem vốn thiệt tôn sư.

Sao mà gọi một người mãnh hổ.

Chẳng qua bị phép yêu man[11]đó.

Nên miệng kia khó nỗi chào đây!

Thấy ác dạng của thầy, đột nhiên Hành Giả nhớ lại chuyện bị xua đuổi ngày xưa nên có những lời như là mai mỉa: Thầy từ bi đáng lẽ thầy biến thành một người con của Phật, còn học trò nầy hung ác thì thành cọp mới phải. Sao lại thế nầy? Khó hiểu thiệt là kho hiểu!

Lòng từ bi bây dám phen thầy,

Việc hung ác người đều kinh tớ[12].

Lẽ thầy biến một ngôi Phật tử,

Còn tớ làm trăm cái hổ lang[13].

Sao mà thầy mắc dạng dị thường,

Còn tớ hỡi tướng hình y cựu.
 

Nói thì nói vậy vì chút giận hờn tiềm ẩn trong lòng, nhưng cái tâm bao dung của tình thương  thầy vẫn nặng hơn nên lòng Hành Giả chùn xuống ‘không cứu gã lòng ta bao nỡ’ rồi ra sức cứu thầy sau khi được Bát Giái và Sa Tăng vừa khuyên giải vừa năn nỉ.

Tam Tạng khi được Hành Giả phun nước giải trừ phép định hình của Hoàng Bào thì tỉnh dậy, cám ơn Hành Giả rối rít và tỏ ý hối tiếc về thái độ của mình trước đó, hứa sau nầy khi thỉnh kinh xong, sẽ tâu trình vua Đường công trạng của Hành Giả:

Nghĩ việc trước lòng đà run sợ,

Tưởng tình sau dạ đã hổ ngươi.

Nay ta dầu còn thấy đặng trời,

Nhờ Hành Giả bao dung tấc đất.

(Vỗ vai Hành Giả nói rằng là hiền đồ đệ….)
 

Lại Nói:

Phen nầy gã Tây hành bái Phật,

Những trở về Đông thổ chầu vua,

Ta tâu ngươi lao khổ công phu,

Ắt đặng thưởng danh cao đệ nhứt[14].

Trước câu nói trật chìa của thầy Hành Giả chỉ cười, nói nhẹ nhàng một câu nghe thiệt thấm thía:

 Tâu đối[15] làm chi,

Xin thầy đừng niệm chú cô di.

Thương đã lắm lọ là về tấu[16].                      (t19a)

Thầy trò cùng nhau vui mừng tương hợp, mọi chuyện xưa được bỏ qua.
 

Công việc giúp đỡ vua Bửu Tượng và giải nạn cho đoàn đã xong, bốn thầy trò lại lên đường đi về phía Tây, phía có kinh Phật, như chương trình vạch ra bấy lâu nay. Hành Giả không nhắc gì tới chuyện trở về Hoa Sơn động vui thú làm hầu vương như đã nói nhiều lần lâu nay.

Màn hai nầy theo tiếng chuyên môn của hát bội gọi là màn võ, rất dễ diễn và được khán giả ưa thích: Cóđánh nhau, rượt đuổi, bay lên trời, hạ xuống động… cóđối đáp qua lại dễ hiểu bằng ngôn từ bình dân xen lẫn những lời chửi bới, mạ lỵ. Khác với màn trước là màn văn, không có đánh nhau lại có quá nhiều lời than vãn do buồn khổ chia ly, lời xướng bằng Hán văn khó được sự ưa thích của người xem lại không phải dễ diễn.

Điểm đặc biệt của màn nầy là chuyện Khuê tinh vì tình mà bỏ trốn xuống phàm trần. Ông ta xuống, làm điều sái quấy rồi được kêu về di chuyển công tác. Thế thôi.

Trong tuồng Tây Du Ký sự kiện tương tợ quá nhiều. Con yêu nầy con yêu nọ làm chuyện ruồi bu, Hành Giả mệt nhọc đổ mồ hôi tới khi gần giết được chúng thì lần nào cũng vậy ông chủ lớn hiện ra nói nó là con thú cưng của ta, sút dây nó trốn xuống địa phương làm bậy thôi, để ta kéo nó về lại cõi trời trung ương… coi như những điều nó làm là cái nghiệp phải trả của thầy trò Tam Tạng -tượng trưng cho quần chúng thấp cổ bé miệng ở trần gian.

Sự làm bậy của Khuê tinh sở dĩ có vì cái nghiệp từ bao kiếp trước của Tam Tạng hay Tam Tạng phải gánh cái họa do cái nhân Khuê tinh gây ra? Chúng sinh tạo ra cái Nghiệp hay Nghiệp hình thành do một tác nhân nào đó sai ‘quy trình’ để đè lên số phận chúng sinh nhỏ bé?

  

Nguyễn Văn Sâm

(Victorville, CA, Ngày sinh nhựt 77)

  

Ghi chú: 

Bản tuồng Tây Du Ký tuy dựa trên truyện Tây Du Ký, nhưng cái hay của bản mô phỏng phần nhiều là do tài của người chấp bút. Khảo sát tuồng là tìm hiểu một khía cạnh của văn hóa Việt cũng như nghiên cứu về Đoạn Trường Tân Thanh vậy thôi, dính dấp tới văn hóa Trung Hoa có thể nói là tối thiểu, liên hệ với văn hóa Việt nhiều hơn.

Ba (03) bài giới thiệu hồi 31 nầy dựa trên bản phiên âm toàn hồi của chúng tôi. (NVS)

   



[1]Xin mười phần吀𨑮分: Van nài quá xá.

[2]Tìm tỏi𡬶最: Tìm. HTC, Tìm tỏi: Theo dấu, kiếm hỏi cho ra, cho gặp nhau.

[3] Khởi lên : Đứng lên, đứng dậy. Trong trường hợp nầy như là lời khuyên nên đối diện với hoàn cảnh.

[4]Thị hươngngọc nữ侍香玉女: Nàng tiên coi việc thắp huơng.

[5]Tạc điểm cảnh thiên昨点景天: Trước đây ở trên thượng giới.

[6] Gã𤯱: Ởđây chỉ nhân vật phụ nữ. Chữ gã xưa dùng rộng hơn ngày nay trong vài trường hợp. Ngày nay không dùng cho phụ nữ, cũng không dùng để chỉ người trên vai về mình hay người đáng kính trọng.

[7]Gắn vó哏咘: Nay nói gắn bó.

[8]Không dung ba thước空容𠀧𡱩: Không tha tội chết. Ba thước: Ba thước đất, chôn, chết.

[9] Lấy lại thẻ quan chức và thuyên chuyển.

[10]Quyên sinh悁生: Nỗi lo buồn trong cuộc sống.

[11]Phép yêu man法妖瞞: Pháp thuật của yêu quái dối lừa.

[12]Ở trên đời nầy lòng thiện không ai so sánh với thầy được, trong khi đó thì ta là người [mang tiếng] hung ác ai cũng sợ. Bây𠎩:  Tiêng chỉ số đông người. Xưa dùng cho cả ngôi thứ ba, nay dung cho ngôi thứ hai mà thôi.  Phen thầy畨柴: So sánh với thầy, bằng thầy.

[13]Đáng lý ra Thầy từ bi thì thầy phải thành ngưòi con của Phật, còn ta hung dữ thì ta thành hỗ lang. Đó là ý mỉa mai của Hành Giả. Bản Nôm viết chữ Phật  [亻天] bằng chữ yêu 妖, có lẽ là viết lộn, phải có thời giờ rà soát với nguyên bản Tây Du Ký về chỗ nầy.

[14] Không hiểu sao mà Tam Tạng có thể nói một câu trật lất như vậy! Vua Bửu Tượng cũng nói và làm trật chìa tương tợ khi ‘mượn lý trả đào’ cho Hành Giả bằng bạc vàng với lý do thầy trò quý vị đi đường cần tiền. Nhưng ta có thể hiểu được vì vua cũng chỉ là người thường của cuộc đời!

[15]Tâu đối奏対: Tâu, tâu bày.

[16] Hành Giả thiệt tình lắm. Không cần đưa công trạng lên vua, chỉ cần đừng niệm chú nhức đầu là được.



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi rất thích khoa nhân chủng nhưng không có cơ may đến trường để được truyền thụ một cách bài bản về ngành học thú vị này. Hoàn cảnh sống, nói nào ngay, cũng không mấy thích hợp cho nhu cầu tự học. Suốt ngày (và suốt đời) tôi chỉ loanh quanh hàng quán nơi mà những kẻ hay lê la thường nói rất nhiều, dù sự hiểu biết của họ vốn không được bao nhiêu. Ngoài giới hạn về kiến thức, mấy ông bạn đồng ẩm còn có cái tật rất hay tranh cãi (và luôn cãi chầy cãi cối) nên mọi thông tin, từ bàn nhậu, đều không được khả xác hay khả tín gì cho lắm.
“Tham nhũng chính trị, lệch lạc tư tưởng, băng hoại đạo đức và hủ bại về lối sống. Đây là những kẻ thù rất nguy hiểm của Đảng, cần phải loại bỏ.” Tạp chí Xây Dựng Đảng (XDĐ) đã báo động như thế trong bài viết ngày 26/11/2023...
Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) nhìn nhận tình trạng “trẻ hóa” trong suy thoái “tư tưởng chính trị ” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang gây khó khăn cho công tác “xây dựng, chỉnh đốn đảng”...
Năm 2024 là năm bầu cử, một năm gay go thử thách, và đề tài yêu ghét dù muốn hay không muốn đã trở lại trên các trang báo, trong các buổi tranh luận trong gia đình, ngoài xã hội. Chúc bàn tiệc trong năm của quý vị rôm rả những câu chuyện, những cuộc đối thoại bổ ích hai chiều, những thay đổi tốt đẹp. Và xin cảm ơn quý thân hữu, thân chủ đã hỗ trợ, gắn bó cùng hành trình với Việt Báo trong hơn 31 năm qua. Sau cùng là lời tri ân đến các độc giả Việt Báo: chính quý vị, những người đọc khó tính là thành trì giúp Việt Báo trở thành một tờ báo uy tín, chuyên nghiệp.
Năm 2023 tiến vào những ngày cuối cùng, nó sẽ đi qua và không bao giờ trở lại. Lịch sử sẽ đi qua nhưng những việc làm của con người sẽ tồn tại với sự khôn ngoan và ngu ngốc của đa số. Cụm từ ‘con-người-đa-số’ chỉ định ý muốn chung của đa số người. Và ‘con-người-thiểu-số’ đành phải tuân theo. Trò sinh hoạt dân chủ luôn luôn là con dao hai lưỡi có hiệu quả tùy thuộc sở thích của con người đa số. Sở thích? Một thứ tạo ra tốt lành hoặc khổ nạn. Đúng ra là cả hai, nhưng có một trong hai sẽ lớn hơn, đôi khi, lớn gấp bội phần. Nếu khổ nạn quá lớn thì cuộc sống chung sẽ thay đổi, có khi lâm vào mức tồi tệ. Chẳng hạn như trường hợp nước Đức dưới thời Hitler. Ý muốn của con người đa số đam mê nồng nhiệt ý muốn của Hitler. Cho ông ta cơ hội dẫn đầu một quốc gia quyền lực, tạo ra hiệu quả cuộc chiến thế giới thứ hai. Hậu quả tàn khốc đó do ai? Hitler? Đúng một phần.
“Tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong Lực lượng vũ trang nhân dân là mối lo hàng đầu của đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Bằng chứng này đã được Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đưa ra tại Hội nghị Đảng ủy Công an ngày 20/12/2023 tại Hà Nội, và trong nội dung các bài viết trên báo chí chính thống của nhà nước liên quan đến Quân đội...
Người ta nên áp dụng đạo đức vào tài chính trị của Henry Kissinger như thế nào? Làm thế nào để người ta quân bình những thành tựu với những hành vi sai trái của Kissinger? Tôi đã vật lộn với những vấn đề đó từ khi Kissinger là giáo sư của tôi, và sau này là đồng nghiệp tại Đại học Harvard. Vào tháng Tư năm 2012, tôi đã giúp phỏng vấn ông trước một số lượng lớn cử toạ tại Harvard và hỏi liệu ông có làm điều gì khác đi trong thời gian làm ngoại trưởng cho các Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Gerald Ford không. Lúc đầu, ông nói không. Suy nghĩ lại, ông nói rằng ước mình là đã hoạt động tích cực hơn ở Trung Đông. Nhưng ông không đề cập đến Campuchia, Chile, Pakistan hay Việt Nam. Một người phản đối ở phía sau hội trường hét lên: "Tội phạm chiến tranh!"
Việt Nam có còn “độc lập” với Trung Quốc hay không sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng Bí thư, Chủ tịch nhà nước Tập Cận Bình là thắc mắc của người dân Việt Nam. Ông Tập có mặt ở Việt Nam từ 12 đến 13 tháng 12 năm 2023 và đạt được cam kết của Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng về “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc”.
Ngày nay, Chiến lược Phòng thủ Quốc gia của Hoa Kỳ – giống như chiến lược Chiến tranh Lạnh tạo chuẩn mực cho tư duy chiến lược trong những năm từ thập kỷ ‘50 đến ’80 – bị chi phối bởi một tác nhân đe dọa chính, đó là Trung Quốc. Điều này vừa cung cấp thông tin vừa tạo điều kiện cho tất cả các mối đe dọa lớn khác có thể xảy ra: Nga, Iran và Bắc Triều Tiên. Giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ hiện đang lâm vào một cuộc cạnh tranh với đối thủ duy nhất của mình, một cuộc cạnh tranh có khả năng bỏ rơi các thành tựu chính trị, kinh tế và công nghệ. Hoa Kỳ cũng đang ở trong một cuộc chạy đua vũ trang hiện đại, và trong một số trường hợp, chơi trò đuổi bắt và tranh đua để giành tình hữu nghị, gây ảnh hưởng lên các quốc gia khác trên thế giới.
Rồi vào ngày 12/12/2023, tức chỉ sau ba tháng, Việt Nam lại long trọng tiếp đón Chủ Tịch Tập Cận Bình và nói rằng hợp tác và hữu nghị với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược của Việt Nam...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.