Hôm nay,  

Bước Vào Tuổi 70...

09/07/201600:00:00(Xem: 10629)
blank
Vào tuổi 70…

Tôi nhớ năm 1976, xuất hiện ở Paris một bài hát mang dư âm triết lý suy tưởng khó quên... Ca khúc “Maintenant Je Sais” do văn sĩ Jean Loup Dabadie đặt lời và Francis Lai soạn nhạc trình bầy bằng giọng khàn khàn vịt đực của diễn viên điện ảnh Pháp nổi tiếng Jean Gabin. www.youtube.com/watch?v=orDR4JA91F4

Nội dung giản dị là chuyện một ông già kiểm điểm lại đời mình khi bước vào mùa thu cuộc đời. Francis Lai không ai xa lạ, chính là tác giả bản nhạc “Love Story” cho cuốn phim cùng tên năm 1970. Qua bài này, Jean Gabin vừa nói vừa ngâm nga chứ không hát, kể lể giai thoại từ trẻ đến già, vừa sống vừa suy tư rồi đi đến kết luận “càng tìm hiểu cuộc đời thì càng không hiểu”! Năm nay bước vào tuổi 70, tôi cũng đi ngược dòng, thử tìm lại chuyện mình xem sao?

Đời người trôi nhanh như bóng câu qua cửa. Thời gian âm thầm đã biến đứa trẻ trở thành ông già lúc nào không hay nhưng lạ ở chỗ, dù già hay trẻ thì “cái tôi” trong trí tưởng luôn rất to chẳng khác gì cụ cố Hồng ở truyện “Số Đỏ”…

Ấy là một lão ông tuổi lục tuần, nghiện thuốc phiện nặng, một phần nghe vợ con nói ra rả suốt ngày phát chán, một phần “cái tôi” gia trưởng cũng rất to nên luôn luôn tự đóng vai già, thấu hiểu thế sự qua câu nói châm biếm đã đi vào đời sống: “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Với nhân vật tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng, người đời cho là “gàn bát sách” nhưng khổ nỗi nét đặc thù ấy lại phản ảnh bao quát tâm tính thiên hạ... Tỷ như tôi, người thật việc thật cũng hay khoe khoang cái trí tưởng tượng phong phú, mơ hồ của mình. Xưa nay, vẫn có câu “thùng rỗng kêu to” là thế!

Tuổi thơ lớn lên ở phố Hàng Đào, hàng ngày tôi được gia đình chở đến trường tiểu học Puginier. Chữ i tờ vào đầu chẳng bao nhiêu vậy mà hễ ai giảng giải điều gì, tôi luôn nhanh nhẩu tỏ ra mình là đứa bé học một biết mười. Trời sanh bản chất nhậy cảm nên cảnh vật bốn mùa trên đất Bắc đã ươm cái lãng mạn vào tâm hồn tôi những lúc thơ thẩn dưới hàng liễu rũ quanh hồ Tháp Rùa. Dạo ấy, tôi nào đã biết lo thân nhưng mỗi khi ra phố lại được mẹ tắm rửa, chải đầu chỉnh tề theo cốt cách của người Hà thành nên cứ ngỡ mình đặc biệt lắm, đi đứng chững chạc quên cả người thân đang ở bên cạnh dẫn dắt. Nhìn ngang nhìn dọc, hình như ai cũng để ý mái tóc gọn gàng, quần áo bảnh bao của tôi và thầm khen đủ điều… Thực tế, chuyện đó hoàn toàn viển vông rồi hễ sểnh tay ra là thằng bé lạc mất đường về!

Trí óc non nớt nhưng cảnh đẹp mùa thu và mùa đông trên phố cổ Hà Nội thì tôi nhớ mãi chẳng hề quên. Mùa thu, hoa sữa nở rộ, thơm ngát con đường Nguyễn Du và lối đi quanh bờ hồ Hoàn Kiếm. Mùa đông, hàng nghìn cây bàng thay lá, Hà Nội như khoác tấm áo mới rực rỡ sắc vàng nâu đỏ sửa soạn sang xuân.

Xa Hà Nội năm 54, gia đình vất vả xuôi Nam, tuổi mới lớn với những mối tình vu vơ, chân thật bắt đầu bộc phát. Đó là lúc tôi vừa biết yêu… Mỗi ngày qua là một ngày xôn xao, ít nhiều vương vấn trước hình ảnh phái nữ ở gần. Tình yêu “platonic” mang lý tưởng thuần khiết mà tôi cứ đinh ninh sẽ mãi bền vững và nhục dục âm ỉ trong người chỉ là thứ xa xỉ chóng làm đóa hoa “yêu” mới nở sớm tàn.

Tôi vẽ tem thư bưu điện với chân dung người thương bé nhỏ như vật quý sưu tầm có giá trị tuyệt đối bất kể thời gian và không gian. Tôi hứa sẽ học Y khoa để chữa bệnh cho các con của người tôi yêu sau này… Đại để, mối tình thơ ngây chân chất đó được đặt lên trên tất cả mọi dự tính tương lai dù xa hay gần.

Bước vào Trung học, tôi có nhiều bạn mới. Tuổi thiếu niên, tình bạn đến thật dễ dàng như thiên nhiên mưa nắng cần nhau một cách vô thức vì chỉ tình cờ ngồi chung bàn hay cùng thích một trò chơi là đã thân thiết. Ngoài việc học thi cử, còn lại là những lúc bạn bè nhỏ to về chuyện tình yêu và tình dục. Tôi nhìn các bạn rồi nhìn tôi, mỗi sáng lau mặt soi gương, bỗng thấy lấm tấm mụn đỏ trứng cá, dấu hiệu của một tâm lý phức tạp bị dồn nén.

Sân trường vào giờ chơi, buổi trưa nắng oi ả, lắng nghe người bạn thân tâm sự mà hơn nửa thế kỷ sau tôi vẫn không sao quên được lời chàng thổ lộ: “Mai này, tao sẽ để lại mỗi người tình một kỷ niệm... mỗi nàng một đứa con!”. Gặp buổi trời vừa nắng vừa mưa, lơ đãng nhìn nghiêng qua cửa lớp, chợt thấy gió thổi bay tà áo trắng và mưa Saigon long lanh nắng thủy tinh ướt đẫm mái tóc, thân hình người giáo sư thần tượng khả ái. Vẻ đẹp nửa mông lung nửa kính cẩn, lồ lộ bất trắc giữa cơn mưa rào hôm ấy chỉ thoáng qua nhưng đã theo tôi suốt đường đời. Một dịp khác, chẳng hiểu vì “ngây thơ cụ” hay “điếc không sợ súng” mà một đứa trong lớp dõng dạc hỏi vị giáo sư mang bầu: “Cô ơi, sao cô lại có chửa?” làm cả đám xanh mặt, ngồi im thin thít nghe yên lặng vài giây rồi tiếng cô giận dữ trả lời: “Anh cứ về hỏi mẹ... sẽ biết”.

Tuổi học trò, cái tâm trạng “con ếch muốn to bằng con bò”, trẻ con muốn thành người lớn có nhiều giai thoại ly kỳ nhưng mục đích châm chọc thì ít mà ra oai để thỏa mãn “cái tôi” còn non nớt thì nhiều. Buổi chiều vào giờ tan học, mấy đứa túm năm tụm ba trước cổng trường, thấy cô giáo sư tất tưởi bước ngang qua, thế là có thằng tỉnh bơ cất to tiếng hát: “em đi về đâu mà bụi đường vương trên mái tóc…”

Chung quy do khả năng tình dục phát triển mạnh ở tuổi dậy thì mà cá tính lại chưa ổn định nên chúng tôi đều ưỡn ngực tự khoe là mình biết đời, hiểu đời dù giả dối, lố bịch và khôi hài! Tôi thì quen thói nghe vài bạn lớn hơn kể về những bí ẩn tình ái rồi có dịp lại ba hoa chuyện yêu đương tựa như kinh nghiệm của chính mình.

Lên đại học là lúc đổi đời. Thanh niên xa nhà sống tự lập bên Pháp, lĩnh hội bao điều mới lạ làm tôi thêm tự mãn nên càng huênh hoang giống kẻ học rộng hiểu nhiều. Quả tình thời du học, ra trường rồi đi làm, tôi đã sống thực... quay hết một vòng “bể khổ”, xem như từng trải qua nhiều môi trường: đàn bà, bè bạn, tiền bạc, triết lý, chính trị... kể ra không hết!

Tình yêu ở tuổi trưởng thành là lãnh vực phức tạp và nổi bật nhất. Chao ôi! Ôm một khối tình... có tình nào mà mình chẳng biết? Tự cao tự đại, lập đi lập lại những điều tôi biết, tôi biết hết ngõ ngách tình trường nên thường chủ quan với “cái tôi” sẵn có tựa như lời cụ cố Hồng ở truyện “Số Đỏ”! Bây giờ bước vào tuổi 70, thử tìm lại cuốn phim đời, để hồn “trầm tư mặc tưởng” xem mình đã hiểu gì về cuộc đời với 3 cái “T” to tướng: cái Tôi, cái Tình và cái Tiền.

Thời niên thiếu qua đi thì 3 cái “T” ấy tương quan. Chuyện tình dù sống hay chết, vui hay buồn, từ nay đều dính vào “cái tôi” và “cái tiền” ít thấy trường hợp ngoại lệ. Tiền là giấy, cộng trừ nhân chia rõ ràng thế mà lúc ở với tình lại hay trí trá vô hình, lúc sạch lúc bẩn và thường âm thầm điều khiển “cái tôi” làm chủ tình thế.

Tuổi 18 rời quê hương, tôi mang theo lời hẹn ước với cô em gái trinh trắng thơ ngây. Ngẫm nghĩ đó là sai lầm # 1 vì mối tình đầu “xa mặt” năm dài tháng rộng sẽ rất dễ “cách lòng”! Mấy ai toại nguyện lấy được người tình trăm năm ở tuổi vào đời? Cuối cùng chỉ là kỷ niệm đẹp thuở ban đầu tựa như câu thơ Hồ Dzếnh: “tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời mất vui khi đã vẹn câu thề!”.

Paris thủ đô ánh sáng, thiên đường mới với những mối tình ngoài biên giới... Hẹn em quán nhỏ, tóc vàng sợi nhỏ buông lơi bên ly rượu nồng tình ái. Tất cả đều trôi nhanh qua đời tôi rồi chẳng bao lâu, để lại một lỗ hổng lúc tuổi gần 30. Tâm trạng “châu về hợp phố”, “ta về ta tắm ao ta” bỗng một sớm một chiều trở thành nhu cầu “về nguồn” cần thiết.

Thời gian này tôi đã đi làm, mùa hè 74 nhân chuyến về thăm nhà và cũng để tính chuyện hồi hương, tôi đã gặp người yêu mới... Cứ ngỡ từ nay gắn bó với nhau dù ở quê hương hay trên xứ người nhưng rồi “vô duyên đối diện bất tương phùng” để số kiếp mỗi người mỗi ngả. Bài học # 2 chẳng phải tại tôi, chẳng tại em chỉ tại duyên kiếp đã an bài!

Hai năm sau, tôi quen một thiếu nữ tuổi đôi mươi sinh trưởng ở Đà Lạt, gia đình trung lưu, di tản sang Paris khi đất nước đổi thay. Nàng có đôi mắt đẹp, vóc dáng xinh xắn, ăn mặc thời trang với nước hoa đủ mùi dù còn đi học chưa ra nghề. Sau những lần hò hẹn, vào một trưa cuối tuần giữa thanh thiên bạch nhật, nàng hỏi tôi: “gặp nhau lâu rồi, sao anh không yêu em đi?”. Tôi trố mắt nhìn nàng như dò hỏi hư thực trong lúc tim đập như trống dồn vì nửa hồn phấn chấn nửa bất ngờ. Khác hẳn quan niệm mới với những cô gái Tây phương, tôi cứ đinh ninh rằng một khi người con gái Việt là ý trung nhân thì khoảnh khắc này không thể suồng sã, dễ dãi “cho không biếu không” nhưng thực tế, nàng đã làm tôi hoàn toàn mất phương hướng.

Nàng mặc váy để nguyên y phục nằm nửa người trên giường rồi tình đến... tôi đến với đam mê giữa “hoang tàn đổ nát”. Dù yêu nhau với sự hợp tác tích cực từ phía nàng nhưng sao “cái tôi” vẫn ngự trị để đinh ninh rằng mọi hành vi đều do mình đề xướng và chủ động? Sai lầm # 3 ở đây là cao thượng tôn trọng người tình đôi khi chỉ là lý tưởng một chiều bởi lòng thèm khát tình dục ở người nữ cũng sôi sục như nham thạch bên trong ngọn núi lửa tuy vỏ ngoài mang vẻ hiền hòa.

Đêm hôm ấy, tôi không ngủ được vì xúc động mạnh. Một khi tình dục xâm chiếm tình yêu thì ảnh hưởng như mình nhấp ly rượu có nồng độ cao. Tâm hồn bị chi phối bởi cảm xúc dẫn đến những quyết định tiêu cực sau này. Tôi lo sợ nàng có bầu... Bây giờ nghĩ lại chẳng khác gì “lo bò trắng răng” vì nàng đã chủ động yêu tôi bằng kinh nghiệm và tự tin. Với nàng, tôi chẳng phải người thứ nhất nhưng sao lòng vẫn cứ nửa tin nửa ngờ? Còn với tôi, nàng là người con gái Việt trao thân có vị ngọt hương xưa, mùi quê hương vừa xa xôi vừa tuyệt vời.

Từ năm 75 trở đi, đất nước trải qua khúc quanh lịch sử, đã tưởng hòa bình yên tiếng súng là lúc đồng bào cùng xây dựng lại quê hương nhưng xót xa thay, sự trả thù lại là quốc sách làm kiệt quệ và phân hóa dân tộc. Chán nản, tôi quyết định thực hiện một chuyến viễn du, đi xa lập nghiệp rồi chấp nhận công việc mới ở Casablanca bên kia bờ Địa Trung Hải.

Dạo ấy, mẹ tôi từ Mỹ sang Pháp đoàn tụ với con trai. Hãng mới dành cho chúng tôi mọi điều kiện di chuyển thuận tiện. Trước khi đi cùng với mẹ, tôi đồng ý tổ chức lễ ăn hỏi theo đề nghị của gia đình nàng rồi tự nguyện để lại sổ nhà băng 5 năm tiết kiệm cho người vợ chưa cưới sử dụng nếu cần đến. Thực ra vì thúc đẩy bởi lòng tín cẩn thương yêu, tôi cả tin muốn nhờ nàng giữ cái vốn sơ khởi đó cho hai đứa chờ ngày thành hôn nhưng “bé cái lầm”! Cái lầm # 4 do tôi chủ quan để tiền chi phối vào tình, suy tính vội vã rồi khi tình lỡ thì người đời đã có sẵn câu trả lời: “bắc thang lên hỏi ông trời, đưa tiền cho gái có đòi được không?”

Nửa năm sau người ấy ra trường, tôi dàn xếp với ông chủ để nàng sang Casablanca làm nhân viên cùng hãng, ăn ở cùng nhà, lương tháng là tiền riêng của nàng... Tôi nhìn tương lai mọi bề tốt đẹp mà không nhận ra quan điểm về chuyện “làm dâu” đã lỗi thời! Cũng vì chủ quan nên tôi bác mọi lời khuyên để mẹ sống gần hai đứa nhưng tách biệt. Cứ tưởng tượng xa quê đã trĩu nặng lòng người nay chiều chiều nơi xứ lạ, mẹ tôi cô đơn lúc tối trời thì còn nỗi buồn nào buồn hơn? Sai lầm # 5 cũng lại “cái tôi” độc đoán trước “cái tình” nên nghĩ ai cũng dễ dàng chịu đựng hy sinh, xem nhẹ sự tích “mẹ chồng nàng dâu” mặc dù chúng tôi chưa chính thức thành hôn. Phải nhận định rằng một khi nàng đã chấp thuận sống chung trước hôn nhân tức sẵn có tư tưởng đương thời vì thế đáng lẽ ra, tôi cần phải đề cập và trực diện vấn đề.

Gần hết năm, nàng bảo tôi mua vé máy bay trở về Pháp với lý do nhớ Paris và muốn đi học lại. Tuy giận vì tính nàng còn nông nổi, “cái tôi” vẫn to để tôi kẻ cả sẵn lòng chiều ý, nghĩ rằng “giữ người ở chứ không giữ người đi” nên chỉ trưa hôm sau là vé máy bay sẵn sàng. Nàng mướn studio tại Paris rồi thư tình trao đổi mỗi tuần. Một ngày cuối tháng, tình cờ tôi bay về Paris mới vỡ mộng vì nàng đã ngoại tình! Sai lầm # 6 chính là nền tảng căn bản của chuyện vợ chồng: “không ai có thể xây dựng một mái ấm gia đình khi đời sống tình cảm của một trong hai người chưa ổn định”. Ấy là điều kiện ắt có trước lúc gắn bó một đời bên nhau. Thông thường, con tim say tình thì lý trí lạc quan thiếu suy xét nên “cái tôi” trở nên bất cẩn để rồi sự kiện xảy ra... tình yêu dễ chóng trở thành hận thù.

Cuộc tình này có đoạn kết xót xa. Nó khép lại cùng với bài học đáng ghi nhớ vào tuổi trưởng thành. Nhận thấy tinh thần người phương Tây chân thật, dễ sống nên tôi quay về sinh hoạt với dân bản xứ và cộng đồng Pháp ở Casablanca những năm sau đó. Mẹ tôi buồn với cuộc sống lưu lạc nên xin trở lại Mỹ và cuối cùng chỉ còn tôi đơn độc nơi này.

Dòng đời trôi luôn cuốn theo những bất ngờ và tôi gặp một cô giáo người Pháp làm việc theo chương trình “coopération” cho hai quốc gia. Sống độc thân, cô thuê căn hộ nhỏ ngay trung tâm thành phố. Những chiều cuối tuần lẻ loi, chúng tôi tìm đến nhau chia sẻ vui buồn như hai người bạn xa nhà... Mấy tháng sau, cô đề nghị dọn về nhà tôi vì có hai phòng bỏ trống. Do kinh nghiệm đã trải qua, dứt khoát muốn tự do, tôi chưa sẵn lòng kết chuyện tương lai nên ra điều kiện và cô đồng ý: “dù ở chung nhà mỗi đứa vẫn có đời sống riêng: phòng nàng nàng ngủ, phòng tôi tôi nằm và chỉ gặp nhau hàng ngày tại phòng khách hay phòng ăn”. Thời gian đầu suôn sẻ nhưng cảnh “nửa nhân ngãi non bạn bè” chẳng bao lâu bị gắn bó miễn cưỡng dù muốn hay không. Dưới mắt nàng, tôi chính thức là “boyfriend” kề cận cho dù giao ước ban đầu có rõ ràng cách mấy cũng thế thôi! Giới trẻ thời xa xưa đó khi yêu đều mơ một “happy ending” chứ không độc lập hững hờ như thời nay. Tình yêu lớn dần, tồn tại, chuyển hướng nên mọi lý luận phải trái đều bất khả thi và nếu có dịp bàn bạc thường bị nước mắt xóa mờ! Bài học # 7 khi “cái tôi” lầm lẫn nhìn gần mà chẳng thấy xa, tin vào tình cảm bất di bất dịch và lời hứa từ một người con gái đang yêu.

Vài năm sau, trải qua bao ngọt bùi, mối liên hệ chuyển từ bế tắc sang hòa hoãn rồi tự ý, nàng muốn mang thai đứa con đầu lòng trước khi mãn nhiệm sở trở về Pháp. Ngổn ngang tâm sự nhưng thiết nghĩ ở tình cảnh này, người đàn ông trưởng thành chỉ còn biết âm thầm chờ đợi hạnh phúc ở cuối con đường tình.... Nghĩa là thực tế hóa vấn đề, nhận trách nhiệm và sẵn sàng chuẩn bị đời sống mới. Tiễn nàng lên đường, một chiều xuân tan sở, tôi xuống phố mua chiếc nhẫn đính hôn hẹn khi hè về, hai đứa sẽ chính thức thành hôn ở Pháp. Thời gian xa nhau chỉ là không gian giữa hai mùa, hạnh phúc như đang lớn dần trước ngã rẽ cuộc đời.

Ai ngờ... một sáng tinh sương vừa bước vào sở làm, cô thư ký thông báo tôi có điện thoại khẩn cấp. Mẹ nàng kể lại: “tối hôm qua, phải chở nàng vào bệnh viện cấp cứu vì thai ở ngoài dạ con nên sẩy lúc vừa ba tháng... cả tâm hồn và thể xác nàng đau đớn khi bào thai bị hút ra ngoài”. Chuyện xưa tích cũ “Man proposes, God disposes” để bao dự tính từ đó tan theo mây trời! Con người đã không chuyển được ý Tạo hóa nên những cố gắng nối tiếp đều thất bại và cuộc tình thúc thủ. Bây giờ ngồi nhớ lại... tuy diễn biến ngoài tầm tay nhưng phải chăng sự kiện ấy cũng là bài học # 8 kinh nghiệm ngậm ngùi bi quan trong đời?

Về Mỹ, mẹ tôi yên ổn, tuổi già vui buồn bên con cháu. Căn nhà Santa Ana tôi mua có sẵn thửa vườn nhỏ để mẹ trồng hoa và rau quả lúc an nhàn. Mỗi năm được nghỉ tháng hè vào dịp Trung thu, tôi lại lấy chuyến bay vạn dặm về thăm tưởng như về miền quê ngoại lúc còn bé. Gia đình bên lối xóm có cô thiếu nữ vừa ra trường, thỉnh thoảng lại sang giúp mẹ tôi chăm sóc cây trái nên lần nào về tôi cũng gặp. Khách phương xa đến thành phố lạ vào dịp hè mà quen được người đẹp tâm đầu ý hợp là chuyện may mắn không thể thiếu những kỷ niệm êm đềm. Thế nhưng khách đến rồi khách lại đi, xa cách lại hoàn cách xa... Mỗi năm 11 tháng xa nhau chắc hẳn đủ làm “vật đổi sao dời” ngay cả tình người cố tri!

Tha phương lâu năm, giữa thập niên 80 tôi phải thu xếp công việc để đoàn tụ với gia đình hơn nữa bố tôi cũng vừa vượt biển đến Mỹ. Mùa hè cuối cùng “Đường Xưa Lối Cũ” trở lại thì “Cô Hàng Xóm” sắp “Lỡ Bước Sang Ngang” vì đã hứa hôn với một người... Gặp lại nhau, ngỡ ngàng thấy chiếc nhẫn đính hôn nàng luồn vào sợi dây chuyền đeo tòng teng trước ngực, tôi ân hận nhưng đành an phận với tâm trạng “trâu chậm uống nước đục”.

Nếu chuyện đời chính xác như toán học thì sẽ chẳng có gì viết ra đây... Đã tưởng vừa đi vừa nuối tiếc, hát bài “Cô Láng Giềng” của Hoàng Quý cho quên mối tình đã lỡ: “Hôm nay trời xuân bao tươi thắm, dừng gót phiêu linh về thăm nhà...” ngờ đâu “bất chiến tự nhiên thành”. Kết quả chuyện tình tay ba hy hữu chuyển biến theo ý nàng bất ngờ ngả sang phía “con trâu” vì “Cô Láng Giềng” với tôi chính thức thành vợ chồng chỉ một năm sau. “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ” là bài học # 9 về duyên số.

Lấy nhau rồi, dường như thế hệ “baby boomers” của tôi là thế hệ cuối cùng vẫn còn ảnh hưởng tập quán “gia trưởng” từ bố mẹ ở quê nhà nên “cái tôi” chiếm hữu “cái tình” và gia đình trở nên “khó ở”... Hạnh phúc càng già càng mong manh vì “cái tôi” chính là ngòi thuốc nổ xảy ra mọi xung đột. Nơi đâu “cái tôi” thao túng nơi đó còn mâu thuẫn, ứng xử thường độc đoán thiếu tế nhị rồi tình yêu vỗ cánh bay đi! Tôi có người vợ không coi trọng “cái tiền” nên may mắn yên một bề. Nàng cho tôi những đứa con thông minh, khỏe mạnh, xinh đẹp và hiếu thảo... Hiển nhiên, tôi phải sửa đổi “cái tôi” để làm sống lại hạnh phúc bằng cách đặt nó vào hậu trường ở vị trí từ tốn, khiêm nhường... Hiểu thấu được tư tưởng Pascal: “Le moi est haissable” (cái tôi đáng ghét) rất “tồi” là thế!

Bên ly cà phê buổi sáng hôm nay nhìn ra ngoài trời, lòng tôi tự hỏi: “chuyện đời ở tuổi 70 có gì lạ?”. Câu trả lời không suy tính: “chuyện đời bất trắc và bất định... mỗi ngày một chuyện lạ mà chẳng có cái lạ nào giống cái nào nên càng sống, càng ý thức, càng cần tâm niệm sửa đổi”. Nói cách khác, “cái tôi” mù quáng do kiến thức con người giới hạn. Loanh quanh xoay hết một vòng tình yêu, tình bạn, tiền tài, danh vọng... cuối cùng tôi cũng không thể nào định nghĩa chính xác cuộc đời. Cứ thử nhìn “rose”... cây hoa hồng nở ngoài vườn kia biến đổi từ hồng trắng đến hồng đậm, đủ loại đủ mầu huống hồ 3 cái “T” phức tạp!

Tình cảm tuy mênh mang vô lượng nhưng nay “Bước Vào Tuổi 70...”, tôi thấy ngay cái giây phút huyền diệu của tình yêu khi biết có người đang chờ đợi mình về chung bữa cơm chiều rồi bên nhau hàn huyên tới tận cuối ngày. Ấy chính là niềm vui hạnh phúc rất nhỏ mà đậm tình... nhẹ nhàng như hai cánh bướm đang đập lên cao làm ngây ngất tâm hồn! “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”(TCS) bởi “không vui cũng mất một ngày” vì mai đây, thời gian cũng sẽ cuốn trôi tất cả. Chuyện buồn mau quên, ngược lại cái tình nồng nàn âu yếm thường sống mãi.

Khác với cụ cố Hồng, “cái tôi” cao quý đang tìm nơi ẩn náu khi “Bước Vào Tuổi 70...”. Tóm lại, “cái tình” tinh tế, “cái tiền” tiện dụng và “cái tôi” tồi tàn! Tôi hiểu sự thật đời tôi tựa như lời cuối Gabin thổ lộ trong ca khúc: “bây giờ thì tôi biết, tôi biết sẽ không bao giờ hiểu trọn gói 3 cái “T” cuộc đời... đó là điều duy nhất tôi hiểu!”. Họa may, nó sẽ là bài học # 10 cuối cùng của đời tôi? Nói vậy nhưng cũng không chắc “và đó là điều duy nhất tôi hiểu!”

07/01/2016

Ý kiến bạn đọc
09/07/201621:41:58
Khách
Rất hay và chính xác của những thằng con thuộc giai cấp trung lưu và giàu sang. Cần cộng thêm một đièu là chúng ta cần có những lời ngọt ngào với nhau, đừng ngại ngùng, nó rất là cần thiết mà người đàn ông Việt đa số không làm được.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Việt Nam bước vào năm Giáp Thìn 2024 với gánh nặng tham nhũng và một đội ngũ “không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức lối sống. Đó là cảnh báo của người đứng đầu đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc phỏng vấn đầu năm của Thông Tấn Xã Việt Nam...
Từ thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, Triết gia Mạnh Tử (372-289 BC) của Trung Hoa đã nói rằng, “Dân là quý, thứ đến đất nước, rồi tới vua.” Điều đáng nói là Mạnh Tử là người đi theo học thuyết của Nho Gia vốn chủ trương vua là con ông Trời (Thiên tử) được sai xuống nhân gian để trị quốc an dân, vậy mà cũng không thể phủ nhận vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là tối quan trọng của người dân. Thời hiện đại, công pháp quốc tế đã nêu ba yếu tố chính hình thành một quốc gia: người dân, lãnh thổ và chính quyền. Trong đó, thật ra người dân chính là yếu tố then chốt quyết định. Lãnh thổ nếu không có dân ở, không có người quản trị thì không phải là đất nước của một dân tộc. Chính quyền từ người dân mà ra, bởi vì trước khi một người ra nắm quyền cai trị đất nước thì người đó phải là một người dân của đất nước ấy. Hơn nữa, sự thịnh suy của một quốc gia nằm trong tay người dân.
“Phản động lực” mà người Đài Loan thể hiện trong cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi khiến tôi, sau những suy nghĩ miên man về chuyện nước non, lại quay về với bài học yêu nước của thời tiểu học với câu hỏi khó, khiến nhiều học trò gác bút: “Em hãy tìm từ phản nghĩa với ‘tôn đại’.” Trung Quốc càng hung hăng đe dọa bao nhiêu, Đài Loan càng quật cường ngạo nghễ bấy nhiêu. Mà nếu Bắc Kinh ngu ngơ hay vờ vịt không biết gì đến định luật này thì, thầy nào tớ đó, Hà Nội cũng mù tịt hay giả bộ tương tự. Họặc mù tịt như thể đã hoàn toàn miễn dịch trước luật này; hoặc đóng kịch như thể không hề sống trong không gian ba chiều bình thường mà là một môi trường nào đó thiêu thiếu, cơ hồ chỉ… hai chiều rưỡi.
Tôi sinh trưởng ở Đà Lạt (Thành Phố Ngàn Hoa) nên sự hiểu biết về hoa lá cũng không đến nỗi tồi. Thế mà mãi tới bữa rồi, nhờ xem trang Trăm Hoa, mới được biết thêm về một loài hoa nữa – hoa ban: “Mùa hoa nở là lúc các cặp đôi nô nức đến thăm Tây Bắc. Hoa ban trắng tượng trưng cho tình yêu chung thủy và sự chân thành, dù tình yêu có gặp nhiều trắc trở, khó khăn thì cũng tự tin vượt qua và sẵn sàng đi đến bến bờ hạnh phúc. Các cặp đôi yêu nhau thường thề nguyện dưới gốc cây hoa ban như một minh chứng cho tình yêu thủy chung, bền chặt.”
Nhìn vào sự xuất hiện, sinh trưởng và tồn tại của chế độ cộng sản ở Việt Nam, chúng ta không thể phủ nhận đã có sự tương đồng với những thông tin tóm lược vừa nói về bệnh ung thư của con người...
Tôi tình cờ nhìn thấy hình Nguyễn Thúy Hạnh đang lơn tơn đẩy một cái xe cút kít đầy ắp bưởi (trên trang RFA) trong một cuộc phỏng vấn do Tuấn Khanh thực hiện, vào hôm 19 tháng Giêng năm 2021. Bên dưới tấm ảnh này không có lời ghi chú nào về thời điểm bấm máy nên tôi đoán có lẽ đây là lúc mà cô em đang hớn hở đến thăm vườn bưởi của họ Trịnh (ở Hòa Bình) vào “thuở trời đất (chưa) nổi cơn gió bụi”!
Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đang phải đối mặt với cuộc tranh chấp nội bộ trong kế hoạch tìm người kế nhiệm lãnh đạo khóa đảng XIV, nhiệm kỳ 2026-31. Những tranh chấp này được giữ kín để tránh hoang mang nội bộ. Chúng bộc phát ngay tại các Đại hội đảng địa phương và các ban đảng từ tháng 10 năm 2023...
Cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 8 tại Đài Loan đã được tổ chức vào ngày 13/1 với kết quả là ông Lại Thành Đức Phó chủ tịch Đảng Dân tiến (Democratic Progressive Party, DPP) thắng cử...
Chúng ta đang làm nhân chứng cho một cuộc bầu cử kỳ quặc và đa sự chưa từng xảy ra trong lịch sử đầu phiếu ở Hoa Kỳ. Có thể nói, không chỉ lịch sử, mà rộng lớn hơn, chính là "sự cố" văn hóa chưa từng thấy. Bước vào năm 2024, sự tranh đua giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ càng gay go, khốc liệt với âm mưu, độc kế, thủ đoạn, ám toán, bôi nhọ, mánh mung, để xem ai sẽ là chủ nhân của ngôi Nhà Trắng trong bốn năm tới. Tất cả những ý nghĩ, hành vi đó đều gôm vào chính sách, chiến lược và chiến thuật vận động bầu cử. Bạn đọc sẽ có dịp theo dõi các thầy bàn người Mỹ và thầy bàn người Việt (trong và ngoài nước) phong phú hóa, hư cấu hóa, ảo tưởng hóa về việc bầu cử, tạo ra câu chuyện nửa thực, nửa hư, thú vị, bất ngờ với giận dữ và thất vọng, sung sướng và buồn bã, rung đùi và cụng ly, nguyền rủa và chửi bới, vân vân. Thông thường những luận lý, âm mưu, phê phán, dự đoán đó… được mổ xẻ qua kiến thức và kinh nghiệm tây phương, nơi có hàng ngàn sách vở nghiên cứu chính trường, chính đạo,
Chúng ta đang bước vào năm bầu cử. Năm 2024 sẽ có một cuộc bầu cử có tính quyết liệt, vì các lựa chọn chắc chắn sẽ gây tranh cãi trong nội bộ cộng đồng gốc Việt, trong các gia đình người Việt, giữa các lựa chọn về cấp tiến và bảo thủ, giữa các thế hệ trẻ và già ở hải ngoại. Và chắc chắn là bầu cử tháng 11/2024 tại Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng tới cuộc chiến Trung Đông, cuộc chiến ở Ukraine, và ở cả Đài Loan. Tác động như thế nào, chúng ta khó đo lường hết tất cả các ảnh hưởng. Trong đó, một tác động lớn là từ tin giả, nói kiểu Mỹ là Fake News, tức là tin không thật.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.