Hôm nay,  

Cộng Hoà Thắng Được Không?

19/01/201600:00:00(Xem: 10898)

...20% cử tri Dân Chủ sẵn sàng bỏ bà Hillary qua bầu cho ông Trump...

Theo lịch “chính trị” Mỹ thì còn gần 100 năm nữa mới đến ngày đi bầu tổng thống mới. Dĩ nhiên, theo lịch bình thường thì còn chưa tới một năm, nhưng trong chính trị Mỹ cái một năm này nó dài lê thê lướt thướt vì có cả triệu chuyện bất ngờ có thể xẩy ra, chẳng ai đoán trước được, kể cả Trạng Trình nếu sống lại. Tháng 9 năm 2008, hai tháng trước cuộc bầu tổng thống, không có một người nào trên thế giới biết được chỉ một tháng sau là xẩy ra cuộc khủng hoảng tài chánh kinh tế vĩ đại, đảo lộn tất cả mọi phân tích về bầu cử. Nhìn vào chỉ số Dow Jones rớt 1.500 điểm trong hai tuần đầu năm thì thấy tương lai kinh tế mù mịt như thế nào.

Cách đây chỉ 6 tháng, cả nước chuẩn bị cho một cuộc chạy đua cuối cùng giữa bà Hillary bên DC và ông Jeb Bush bên CH. Cả hai nằm nhà ngủ suốt ngày cũng đắc cử.

Bây giờ thì ta đang nhìn thấy gì?

Bà Hillary phải ra khỏi giường mỗi sáng từ lúc mặt trời chưa mọc, để lặn lội tuyết, cười đến tê hàm, đi bắt tay từng ông già bà lão, ôm hôn từng đứa con nít ba tháng, tại Iowa và New Hampshire, để chống đỡ cụ Bernie Sanders, một người mà cách đây nửa năm, chưa ai nghe thấy tên một lần nào, ngoại trừ bà vợ và đám con dâu rể, cháu nội ngoại của ông. Bà Hillary tuy có lận đận bất ngờ nhưng cũng chưa đến nỗi nào. Có một thời cách đây ba bốn tháng, đảng DC phải vào nhà kho tìm lão đồng chí Al Gore mang ra đánh bóng, cạo râu ria sạch sẽ, nhuộm tóc đen lại (ghi chú của kẻ viết: chuyện thật 100%, cựu PTT chán đời để râu ria mọc lởm sởm, tóc bạc phất phơ, bị khuyến cáo phải cạo ngay, nhuộm tóc đen và chải tém lại như trước), đồng thời đảng DC cũng bi thảm hoá tối đa những thảm hoạ gia đình của cụ phó Biden, để chuẩn bị giải pháp cứu nguy vì cụ bà Hillary bất ngờ bị cụ ông Sanders đánh bầm mình.

May quá, bà thoát nạn. Một phần nhờ thiên hạ sau ít ngày ngơ ngác, khám phá ra cụ Sanders cuối cùng cũng chỉ là một anh trí thức già vẫn còn đang say giấc mộng đại đồng vô sản của Các Mác, và một phần cũng nhờ công của anh Al Baghdadi (bà con với Al Qaeda nhưng không bà con gì với Al Gore!) cho đệ tử đánh Paris và San Bernardino để nhắc thiên hạ là mối nguy ngày nay là ISIS chứ không phải là bọn tư bản đế quốc nữa.

Thế thì coi như bà Hillary có phần ổn hơn trước, nhưng cho chắn ăn, vẫn phải lặn lội đi vận động thôi.

Bên CH thì ông Jeb Bush bây giờ bận đi Walmart lựa mua cần câu cho những ngày vui thú điền viên sắp tới. Nhưng tin giờ chót, ông Jeb đã leo lên lại hạng ba sau hai ông Trump và Cruz (theo Reuters), đúng như trong sách lược của ông Jeb: chỉ cần đứng hạng ba sau hai ông cực đoan là cuối cùng sẽ thắng.

Thực tế thì ôi thôi, còn hơn cả nồi cháo lòng. Nghe nói có một đài radio điạ phương tổ chức thi, vị thính giả nào nói được ngay tên của tất cả các ứng viên tổng thống của CH sẽ được giải thưởng mấy ngàn đô gì đó. Kết quả cuộc thi kéo dài cả ngày trời, chẳng ai được giải hết (ghi chú của kẻ viết: chuyện này chắc là phiạ 100%!).

Năm nay, không còn cảnh các ứng viên hạng ba, hạng tư thay phiên nhau đột hiện đột biến như năm 2008 nữa. Các bộ mặt ứng viên vẫn là những bộ mặt tên tuổi quen thuộc, có thành tích vững hơn, đã xuất hiện từ những ngày đầu. Nhưng người ta thấy một diễn biến mới lạ: những cầu thủ ngoài biên Trump, Cruz, Carson và Rubio đang chạy vào giữa sân và có hy vọng sút trúng vô lưới, trong khi các ngôi sao trung phong Bush, Christie và Kasich thì lại phất phơ ngoài biên, hy vọng và chờ ngày các anh chị hăng tiết đuối sức ngã quỵ. Để rồi càng chờ càng thấy hy vọng bốc hơi thành mây khói.

Nhìn vào các cầu thủ chung kết đó thì câu hỏi trước mắt là... CH có hy vọng thắng không? Ta thử xét lại xem có kịch bản nào có thể đưa CH đến thắng lợi cuối cùng, bất kể phe DC làm gì và đưa ai ra. Chúng ta sẽ bàn đến kịch bản bên DC qua một bài khác.

Trước hết, phải nói ngay là khi bài này được viết thì chưa có một cuộc bầu sơ bộ nào được tổ chức hết. Có nghiã là bài này hoàn toàn dựa trên các thăm dò dư luận và các lời bàn ra tán vào của truyền thông và chuyên gia Mỹ. Cũng có nghiã là cơ sở thông tin lỏng lẻo và trơn tuột như cục sương sáo trong ly chè ba màu.

Để quý độc giả khỏi mất công chờ đến cuối bài mới có câu trả lời, kẻ viết này xin nói ngay: CH có nhiều triển vọng thua nhưng cũng có hy vọng thắng (mượn tạm lý luận “huề vốn” của ông Nguyễn Ngọc Ngạn). Một cách chính xác hơn, theo ý kiến rất lờ mờ của kẻ viết này thì phải nói là CH có 7 phần thua, 3 phần thắng, không kể trường hợp đặc miễn có thảm hoạ nào đó xẩy ra cho bà Hillary.

Theo lập luận phổ thông hiện nay, lý do thất bại quan trọng nhất là CH đã bị khối khuynh hữu cực đoan cưỡng chiếm (Mỹ gọi là hijacked), dưới ảnh hưởng của ba nhóm cử tri:

- Khối dân trung lưu quá bất mãn với chính sách cấp tiến của TT Obama, không dốc toàn lực vào việc phục hồi và phát triển kinh tế, mà chỉ lo tái phân phối lợi tức, lo tìm cách tăng thuế để tăng trợ cấp cho cái khối mà cựu ứng viên Mitt Romney gọi là “khối 47%” không đóng một xu thuế nào mà chỉ ngồi lãnh trợ cấp đủ loại, bảo đảm sẽ bầu cho DC, không cần biết ai.

- Khối Thiên Chúa giáo cực đoan lo sợ các giá trị tôn giáo, luân lý, đạo đức bị TT Obama phá hủy toàn diện, với những xu hướng thời thượng như hôn nhân đồng tính, chuyển giới tự do, phá thai thả giàn,..., chưa kể việc ca tung Hồi giáo trong khi triệt hạ những biểu tượng của Thiên Chúa giáo.

- Khối dân cao bồi bất mãn trước chính sách chống khủng bố yếu đuối đưa đến đe dọa mạng sống và gia đình họ ngay trên đất nước này của họ, đã vậy lại sợ nguy cơ TT Obama tước hết súng ống của họ.

Đa số dân Mỹ có khuynh hướng bảo thủ, tức là gần với đảng CH hơn, và trong tình trạng bất ổn trên cả thế giới hiện nay, lại có khuynh hướng rẽ thêm về phiá hữu giống như cuộc bầu mới đây ở bên Pháp đã xác nhận, muốn có một chính sách chống khủng bố mạnh hơn, đồng thời cũng muốn kềm chế làn sóng di dân bớt lại. Dân Mỹ cũng là dân thích thay đổi, 8 năm cấp tiến đã quá đủ, nhất là với thành quả khá khiêm tốn của TT Obama, và họ muốn thay đổi.

Trên căn bản, tình hình thuận lợi hơn cho CH. Thế nhưng vẫn theo lập luận phổ thông thì các cử tri của CH đã giận quá mất khôn, rớt vào thế trận của những ứng viên cực hữu mỵ dân nhất, tiêu biểu là ông tỷ phú Trump, đã đi quá xa về phiá hữu. Cho đến nay, dấu hiệu rõ ràng nhất là các ứng viên cực hữu sẽ thắng lớn trong nội bộ đảng CH. Không ông Trump thì cũng là ông Cruz, hay ông Rubio, hay ông Carson.

Điều nhiều người nghi ngờ là ra khỏi nội bộ CH thì đảng này sẽ... thua, và thua đậm. Cho dù ứng viên là các ông Trump hay Cruz hay Rubio hay Carson. Bà Hillary sẽ thắng, cho dù nhiều người coi bà như một trong những ứng viên DC yếu nhất lịch sử cận đại. Như cột báo này đã viết, dân Mỹ sẽ bịt mũi để bỏ phiếu cho bà.

Vẫn theo lập luận phổ thông này thì cách duy nhất CH có thể thắng là phải bình tâm lại, bớt bảo thủ hơn, chấp nhận “phải đạo chính trị” của khối cấp tiến, chịu khó vuốt ve dân da đen và nhất là dân da nâu, tức là gốc Nam Mỹ qua một kế hoạch giải quyết nạn di dân trong ôn hoà, qua ân xá, thì mới hy vọng thắng.

Câu hỏi hiển nhiên nhất là như vậy tại sao các ông CH, nhất là Trump và Cruz, lại cố tình khư khư ôm quan điểm cực đoan chống “phải đạo chính trị”, chống khối dân thiểu số như vậy? Bộ họ không nhìn thấy chủ trương chống di dân gốc Nam Mỹ, thậm chí sỉ vả họ, sẽ đưa đến thảm hoạ cho họ sao? Ngày trước ông Bush đắc cử nhờ chủ trương ân xá, chiếm được 40% phiếu của dân gốc Nam Mỹ, trong khi các ông McCain và Romney thua vì chống ân xá và chỉ nhận được 25% hậu thuẫn của khối này.

Thật ra, mấy ông ứng viên CH năm nay đều nhìn vấn đề dưới một khiá cạnh hoàn toàn khác. Họ biết làm tính và đang vẽ sách lược tranh cử dựa trên các tính toán cộng trừ nhân chia theo kiểu của họ. Đây, ta hãy coi lại.

Cử tri Mỹ đại khái có 72% da trắng, 13% da đen, 10% Nam Mỹ, 3% Á Châu, 2% linh tinh (như Hồi giáo). Trong tổng cộng 28% không phải là da trắng này thì thông thường 80% bỏ phiếu cho đảng Dân Chủ, bất kể ứng viên nào. Nhiều nhất là khối da đen: 95%, dân gốc Nam Mỹ: 75%; dân Á Châu: 70%. Đại cương là ứng viên DC coi như đương nhiên lãnh được tối thiểu 22% (= 80% của 28%) chưa kể phiếu của dân da trắng. Muốn đắc cử với 50% phiếu, một ứng viên DC chỉ cần có thêm 28% phiếu, tức là chỉ cần phiếu của một phần ba dân da trắng đi bầu. Đó là việc họ đã thực hiện được trong hai cuộc bầu cử năm 2008-2012 khi họ chiếm được gần một nửa phiếu dân da trắng.

Trong bài toán cụ thể này, ứng viên CH muốn thắng chỉ có hai cách:

- Một là có được hơn 2/3, hay hơn 66% phiếu của cử tri da trắng đi bầu. Hai ông McCain và Romney thua to vì chỉ được có khoảng 56% phiếu này.

- Hai là huy động được dân da trắng đi bầu thật đông. Trong hai cuộc bầu mà các ông McCain và Romney thua, cử tri da trắng chỉ bằng xấp xỉ 73% tổng số dân đi bầu. Các ông Reagan và Bush cha thắng lớn vì khối da trắng chiếm 85% số cử tri đi bầu. Ông Bush con thắng khít nút vì tuy chỉ được có 57% phiếu da trắng, nhưng 80% dân đi bầu là da trắng.

Phân tích cuộc bầu năm 2012, có thể đã có tới 10 triệu dân da trắng nằm nhà không đi bầu khiến TĐ Romney thua TT Obama 5 triệu phiếu. Như vậy có phải có thêm 5 triệu dân da trắng đi bầu thì ông Romney đã đắc cử không? Thật ra, theo các chuyên gia nghiên cứu kết quả, không cần phải có thêm 5 triệu dân da trắng đi bầu, mà chỉ cần có khoảng thêm một triệu đi bầu tại hai tiểu bang then chốt Ohio và Florida, thì TĐ Romney đã thắng rồi. Tại hai tiểu bang này, TT Obama chỉ thắng TĐ Romney tổng cộng có 97.000 phiếu cử tri. Dựa trên tỷ lệ 56% cho Romney và 44% cho Obama, nếu có thêm chừng 1.000.000 dân da trắng đi bầu tại hai tiểu bang này thì TĐ Romney sẽ hơn TT Obama 120.000 phiếu, và bây giờ ta đã đang lo đi bầu lại cho tổng thống Romney rồi. Đó là các con số mà các ông CH đang nghiên cứu rất kỹ.

Ở đây, phải nói cho rõ: đông dân da trắng đi bầu thì CH có nhiều hy vọng thắng hơn, không phải vì lý do màu da, mà vì đại đa số dân da trắng thuộc giới trung lưu có khuynh hướng bảo thủ, không lệ thuộc trợ cấp như khối cử tri DC.

Nói tóm lại, chỉ cần vận động dân da trắng đi bầu được tới 85% cử tri thì bảo đảm chắc hơn đinh đóng cột là ứng viên CH sẽ thắng, cho dù khối da đen, da nâu, da vàng bỏ phiếu 100% cho DC thì CH vẫn thắng lớn như với TT Reagan. Với 80% thì kết quả sẽ khít nút như với TT Bush con. Với 75% thì CH rất khó thắng. Nhưng dưới 75% thì CH sẽ bầm mình như với hai ông McCain và Romney, khỏi cần đếm phiếu cho mất thời giờ.

Đây chính là bài toán của các ông Trump, Cruz và Rubio. Từ đó, họ đang làm mọi cách để lôi mấy ông bà bảo thủ da trắng ra khỏi nhà đi bầu cho đông, ít nhất là 80%, hay được 85% như thời Reagan thì càng tốt.

Có nghiã là tất cả sẽ tùy thuộc vào khả năng vận động cử tri bảo thủ da trắng của họ. Thực tế mà nói, trong đám mấy ứng viên CH hiện nay, không ai có tầm vóc của một Reagan để có thể đạt được tỷ lệ 85%. Nhưng họ hy vọng hai yếu tố di dân lậu và nguy cơ khủng bố sẽ lôi dân bảo thủ da trắng ra khỏi nhà được. Việc ông Trump dùng chiến lược hù doạ, tố di dân gốc Nam Mỹ toàn là dân băng đảng ma túy, hãm hiếp phụ nữ, cũng như mang khủng bố ra hăm he để hô hào cấm dân Hồi giáo vào Mỹ, là những chuyện có tính toán rất kỹ, chứ không phải bốc đồng nói nhảm. Mang mối đe dọa của nạn di dân và khủng bố là lá bùa lôi dân bảo thủ da trắng ra khỏi nhà để đi bầu cho họ. Các ông Trump, Cruz, tuyệt đối bất cần phiếu của dân thiểu số vì biết chắc là vô vọng, do đó, chẳng thấy có nhu cầu vuốt ve đám này. Trái lại, cần khích động tính kỳ thị, hay nỗi lo sợ của một số lớn dân bảo thủ da trắng.

Những tin mới nhất về hàng loạt cướp bóc và hãm hiếp bên Đức – gần 500 vụ chỉ trong thời điểm Giáng Sinh-Đầu Năm vừa qua riêng tại một thành phố Koln- với thủ phạm là di dân Trung Đông và Phi Châu đã xác nhận những cảnh giác của ông Trump và Cruz, và sẽ tăng hậu thuẫn cho họ thêm.

Năm 2008, ứng viên Obama đưa ra sách lược đại đoàn kết toàn dân, không có nước Mỹ trắng nước Mỹ đen, không có nước Mỹ bảo thủ, nước Mỹ cấp tiến,... cốt ý để trấn an khối bảo thủ da trắng để họ... yên tâm nằm nhà, đưa đến thắng lợi cho ông.

Năm 2012, TĐ Romney không tạo được sự hồ hởi trong khối da trắng, khiến họ vẫn tiếp tục nằm nhà ngủ, nên ông thua.

Có một yếu tố rất quan trọng trong chế độ dân chủ kiểu Mỹ: sự hăng hái hồ hởi của cử tri. Trong khi chỉ có chừng 8 triệu người theo dõi các cuộc tranh luận trên TV của phe DC, đã có từ 15 đến 25 triệu người theo dõi các tranh luận của CH. Đừng quên, chỉ cần có thêm một triệu dân da trắng đi bầu thì Romney đã thắng Obama rồi. Nhìn cuộc vận động cho tới nay, rõ ràng là bên CH choảng nhau chí chóe, gây phấn khởi và có triển vọng kéo rất nhiều người đi bầu, trong khi bên DC, các cử tri đang... ngủ gật hết. Bà Hillary cũng rõ ràng là không có khả năng kích động dân da đen và nhất là giới trẻ đi bỏ phiếu cho bà như họ đã hăng say đi bỏ phiếu cho ông Obama.

Đây hiển nhiên là kịch bản thắng của các ông bảo thủ cực đoan. Đúng hay sai? Không ai biết, nhưng không ai không nhìn thấy những ông này lại là những ứng viên đang dẫn đầu tất cả các thăm dò dư luận. Cứ nhìn vào những ứng viên ển ển xìu xìu Jeb, Christie, Paul,... họ đều ở mức dưới 5%.

Giải thích sự thành công của ông Trump, một số chuyên gia cho rằng tư tưởng của ông Trump không phải là “tư tưởng bảo thủ” vì ông Trump thật ra chưa bao giờ là người bảo thủ, mà là thứ “tư tưởng độc tài”, muốn tái lập tôn ti trật tự trên cả thế giới, và nhất là “phục hồi” những giá trị văn hoá truyền thống của Mỹ, trong một nước Mỹ mà nhiều người nghĩ là càng ngày càng “loạn”, dưới danh nghiã tôn trọng “đa dạng”, “phải đạo chính trị”, đe dọa xóa sổ những giá trị văn hoá truyền thống Mỹ.

Nôm na ra, hậu thuẫn của ông Trump phản ánh một cuộc “nổi loạn” của dân bảo thủ da trắng chống lại khuynh hướng đa dạng văn hóa –cultural diversification- mà họ cho là đe dọa đến lối sống, nếu không muốn nói là mạng sống của họ.

Ông Trump có đi quá xa không? Thăm dò dư luận mới nhất cho biết gần 70% dân Mỹ chán ngán “phải đạo chính trị”, trong đó có hơn 60% cử tri DC, và hơn 60% dân da đen luôn. Một thăm dò mới nhất cho thấy có chừng 20% cử tri DC sẵn sàng bỏ bà Hillary qua bầu cho ông Trump. Đa số này là thành phần lao động da trắng đang bỏ đảng DC vì bất mãn chính sách kinh tế và cách giải quyết thất nghiệp của TT Obama.

Đây là một vấn đề có tính cực kỳ nghiêm trọng vì đụng đến căn gốc của những mâu thuẫn xã hội văn hoá lớn trong nước Mỹ hiện nay, một vấn đề mà nhiều nhà phân tâm học sẽ phải nghiên cứu tường tận trong lâu dài.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay dường như đã có những nguyên nhân sâu xa, và trong dài hạn sẽ có những hệ quả lớn hơn tất cả những gì thiên hạ nghĩ đến trước đây. Có thể là cả một cuộc cách mạng văn hoá và chính trị, với những thay đổi khó đoán trước được, chưa biết đi theo hướng tiến bộ hay hướng tụt hậu.

Cho dù phe CH thất bại, một tổng thống DC tương lai cũng sẽ phải trực diện khối bảo thủ da trắng này và giải tỏa nỗi lo của họ. Và như vậy thì ông Trump cũng đã đạt được mục đích, một cách gián tiếp.

Trong ngắn hạn, truyền thông cấp tiến đang cố ý thổi phồng ngôi sao Trump lên, một cách gián tiếp, tiếp hơi cho cuộc vận động tranh cử của ông này. Lý do giản dị như đã trình bày trên cột báo này, là truyền thông muốn ông Trump làm đại diện của CH, chỉ vì họ nghĩ ông sẽ là mồi ngon nhất cho bà Hillary.

 Nhưng xét cho kỹ, kịch bản “tổng thống Trump” không còn là... không tưởng nữa rồi. Cử tri DC có quyền... bình tĩnh mà run.

Ai đúng ai sai, tới tháng Mười Một mới biết được. (17-01-16)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Ý kiến bạn đọc
21/01/201607:49:31
Khách
Tôi thiết nghĩ bà Hillary Clinton nên về hưu , lử nhà đi tập thiền với cựu TT Bill Clinton , và chơi với cháu ngoại , hay viết nhật ký . Tuổi lớn rồi , sức khoẽ không còn bao nhiêu nữa , nên nhường việc gánh vác nước non cho giói trẻ . Bà đã đi sai một nước cờ , khi chấp thuận làm ngoại trường cho TT Obama . Không may cho bà trong thời gian nầy bà bị vấp thêm nhiều tai tiếng . Phải chi trước đó bà kiêu căng một chút để giữ sĩ diện không thèm đi theo TT Obama ở nhà luyện kiếm , tập cung chờ ngày ra quân thì nay bà sẽ được dân Mỹ tung hô là vị nữ anh thư , và suy tôn bà lên làm nữ TT đầu tiên của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ . Nhưng bà không có mạng đế vương . Các cuộc thăm đo vừa qua về sự ủng hộ của cử tri đã xuống rất thấp . Ho đánh giá bà thiếu trong sáng và kém thành thật.
20/01/201623:54:58
Khách
Đọc bài bình luận của VL thì không cần xem Fox news.
20/01/201602:08:59
Khách
Toi rat thich đọc nhung bai binh Loan cua ong vu linh nay nam 2008 va nam 2012 toi duoc thang rat nhieu Nho doc bai cua ong vu Linh ca ngoi dang Công Hoa se thang trong cuoc bau cu ft va toi da thang voi danh ca nguoc lai. Cho dang DC Thank you ong vu Linh.
19/01/201614:00:54
Khách
Hai lần trước anh Vũ Linh hy vọng Cộng hòa thắng thì Cộng Hòa lại thua, vậy lần này anh hy vọng CH thua biết đâu cũng giống như lần trước
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chỉ ba tháng sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp ngoại giao trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, người ta thấy Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới mới nhất tăng cường quan hệ với Việt Nam với chuyến thăm Hà Nội trong tuần này...
Chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã để lại nhiều hệ lụy cho nhân dân Việt Nam hơn bao giờ hết. Bằng chứng này được thể hiện trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 theo đó họ Tập thay quan điểm “cộng đồng chung vận mệnh” bằng “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai” cho hai nước...
Sự ra đi của nhà tư tưởng và thực hành xuất sắc về chính sách đối ngoại của Mỹ đánh dấu một kỷ nguyên kết thúc. Trong suốt sự nghiệp lâu dài và có ảnh hưởng phi thường của mình, Henry Kissinger đã xây dựng một di sản mà người Mỹ sẽ khôn ngoan chú ý trong kỷ nguyên mới của nền chính trị cường quốc và sự xáo trộn trong toàn cầu. Thật khó để tưởng tượng rằng thế giới mà không có Henry Kissinger, không chỉ đơn giản vì ông sống đến 100 tuổi, mà vì ông chiếm một vị trí có ảnh hưởng và đôi khi chế ngự trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
“Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố...
“Trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.”
Việt Nam đang thương lượng mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa ngày một lên cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin này được truyền miệng ở Hoa Thịnh Đốn, tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 10-11 tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các viên chức thẩm quyền của đôi bên không tiết lộ số lượng F-16 mà Việt Nam có thể mua với giá 30 triệu dollars một chiếc...
Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt, Sơn Tây. Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.
Càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc khóa XIV (2026-2031), đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ra sức kiên định 4 nguyên tắc được coi là “có ý nghĩa sống còn đối với chế độ.”
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
Tuy lịch sử không nói đến, nhưng nếu chịu khó lục lọi đây đó, người ta sẽ tìm ra một giai thoại khá thú vị về việc bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam được Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trong buổi lễ trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình) ngày 2 tháng 9 năm 1945. Theo tường thuật của nhà báo Hồng Hà trên báo Cứu Quốc của Việt Minh, ông Nguyễn Hữu Đang là người đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ Lâm thời cùng chủ tịch Chính phủ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban Tổ chức Lễ đài, ông chính là người đứng trước micro giới thiệu: “Thưa đồng bào... Đây là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh.” Nói xong, ông lùi lại, nhường micro cho Hồ Chí Minh.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.