Hôm nay,  

Phát Biểu Trong Buổi Lễ Truy Điệu Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện Nhân Ngày Giỗ Thứ Ba

14/10/201500:00:00(Xem: 3544)

Kính thưa quý quan khách,

Sau khi từ giả vùng đất lạnh miền Đông Hoa Kỳ về định cư tại Nam California, Nguyễn Chí Thiện đã đến sinh hoạt với Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cho đến ngày ông vĩnh viễn ra đi. Trong thời gian dài đó chúng tôi đã được ông chia sẻ nhiều kiến thức và kinh nghiệm ông đã kinh qua trong chế độ cộng sản. Với những gì tiếp nhận được qua những trao đổi đó và sau khi đọc lại “Hoa Địa Ngục”, tôi xin có ít nhận xét về nhân quyền theo cách nhìn của Nguyễn Chí Thiện, cụ thể hơn, đâu là nền tảng của nhân quyền qua Hoa Địa Ngục.

Trong Hoa Địa Ngục, chúng ta không thấy Nguyễn Chí Thiện trực tiếp dùng từ ngữ “nhân quyền” hay “quyền con người” tuy nhiên mỗi bài thơ là một bức tranh sống động về thân phận con người bị tước đoạt hết mọi quyền căn bản mà với tư cách là người họ có quyền hưởng. Và trong cảnh địa ngục trần gian đó, điều mà tác giả, với tư cách là người tù phải đối diện hằng ngày là cái chết và đói. Đó lá quyền sống, một nhân quyền cơ bản của các quyền.

Chúng ta hãy nghe một vài diễn tả tiêu biểu:

Biết bao người chết thảm, chết oan
Chết kiết lỵ, chết thương hàn, sốt rét
Chết vì nuốt cả những loài bọ rết
Vì thuốc men, trò bịp khôi hài
Chế độ tù bóc lột một không hai
Biết bao cảnh, bao tình, quằn quại!
(Chúng Tôi Sống-1962)

hoặc:

Mạng sống không bằng con giun, con dế
Đầu ngửng lên tuy nhìn thấy trời xanh
Mà chân không thể nào rút khỏi
Vũng lầy man mọi, hôi tanh.
(Đồng Lầy-1972)

Tuy nhiên sự sống mà Nguyễn Chí Thiện nói ở đây không chỉ là sự sống về mặt thể lý, như ông khẳng định sau đây:

Không phải chết, sống mỏi mòn mới khiếp
Sống niêu cơm, manh áo cũng đọa đày
Sống yên lành, song cũng khó yên thay!
Sống lao tù, sống bệnh hoạn lắt lay
Sống đau nhức cả thần kinh bắp thịt
Sống giương mắt đỏ ngầu trông xám xịt
Năm tháng kéo ùn ùn lên bất tuyệt
Ôi sống thế chẳng thà tự diệt
Mà không hề lưỡng lự mảy may.
(Không Phải Chết-1973)

Và từ đó Nguyễn Chí Thiện tự hỏi:
Bảo đây là kiếp sống của con người
Của trâu chó? So làm sao, quá khó!
(Chúng Tôi Sống-1962)

Từ kinh nghiệm chết chóc của bạn tù đến kiếp sống mất hết nhân tính, tác giả Hoa Địa Ngục đã dẫn đưa người đọc đến nền tảng của nhân quyền, đó là phẩm giá của con người.

Đúng, thưa quý vị.

Phẩm giá của con người không những là một nhân quyền căn bản, mà hơn thế nữa đó là nền tảng của tất cả quyền trong Luật Nhân quyền Quốc tế. Bản Tuyên ngôn Nhân quyền Hoàn vũ đã mở đầu bằng khẳng định: “Xét rằng việc thừa nhận phẩm giá bẩm sinh và những quyền bình đẳng bất khả chuyển nhượng của tất cả các phần tử trong đại gia đình nhân loại là nền tảng của tự do, công lý và hoà bình thế giới…”

Vì thế nhân phẩm chính là yếu tính của bất cứ nhân quyền đặc loại nào trong luật nhân quyền quốc tế. Nó phải được tôn trọng ngay cả ở những nơi mà một số nhân quyền nào đó bị hạn chế.

Như chúng ta cũng đã rõ, mặc dù là một khái niệm phổ quát, và có lịch sử từ trước Công Nguyên, nhân quyền như được hiểu ngày hôm nay có nguồn gốc trực tiếp từ Thế kỷ Ánh sáng và Phong trào Phục hưng ở Âu châu với Chủ nghĩa Tự do Cá nhân. Vì thế ở một vài nơi, trong một số thể chế chính trị mà quyền lợi của tập thể được coi là ưu tiên trên tự do cá nhân thì một số quyền bị hạn chế. Tuy nhiên sự giới hạn đó không loại trừ nhân phẩm như là một điều kiện thiết yếu, một tiêu chuẩn đối xử giữa cá nhân với cá nhân và giữa tập thể với cá nhân; và chỉ trong chiều kích của nhân phẩm mà việc tôn trọng quyền của con người được đánh giá.

Khi tố giác sự chà đạp nhân phẩm của chế độ, Hoa Địa Ngục đã vượt lên việc phê phán chính trị thông thường và đánh vào cốt lõi của tính chính đáng của chế độ. Nói như thế không có nghĩa chúng ta phủ nhận giá trị không thể chối cãi của nhận thức sáng suốt và thái độ dứt khoát của tác giả Hoa Địa Ngục đối với thể chế chính trị hiện hành. Bác sĩ Phạm Hồng Sơn ở trong nước đã có một nhận định rất chính xác về giá trị chính trị của Hoa Địa Ngục khi ông cho rằng tác giả đã đi trước thời đại khi ông tấn công một cách không tương nhượng ba điều húy kỵ của chế độ, đó là vai trò độc tôn lãnh đạo của Đảng, thần tượng Hồ Chí Minh, và tính ưu việt của chủ nghĩa Mác-Lê.

Đúng, Nguyễn Chí Thiện là người đầu tiên đã dứt khoát với ba đại họa của dân tộc mà cho đến nay một số người tự cho là nhà dân chủ vẫn còn ngần ngại. Tuy nhiên những phê phán chính trị đó chỉ có giá trị khi hướng đến một tiêu chuẩn ở cùng đích. Đó là Nhân phẩm, là giá trị đạo đức bàng bạc trong thi phẩm Hoa Địa Ngục.

Ở đây cũng cần nói rõ một điều, khác với một số nhà đấu tranh nhân quyền nỗi tiếng trên thế giới đã từng nhận những giải thưởng nhân quyền quốc tế như Aung San Suu Kyi của Miến Điện hoặc Nelson Mandela của Nam Phi, Nguyễn Chí Thiện chưa bao giờ là một nhà chính trị, được hiểu như là có một lộ trình chính trị và một kế hoạch thay đổi chính quyền. Trong lúc Aung San Suu Kyi là Chủ tịch Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), và Nelson Mandela là người sáng lập Nghị hội Quốc gia Châu phi (ANC), thì tác giả Hoa Địa Ngục chỉ có những ước mơ và tin tưởng, chẳng hạn:

Tôi vẫn mơ chân lý tận xa vời
Tới lùa tan ngàn vực tối trên đời
Trong hào quang dữ dội hiển linh!
Muôn ầm ầm chấn động trời thinh
Báo hiệu bình minh sét nổ.
(Đồng Lầy-1972)

hoặc:

Tôi vẫn mơ hoài một giấc mơ
Giấc mơ không biết tự bao giờ
Có khi từ thủa lòng cay đắng
Sớm biết đời tan bóng đợi chờ.
(Tôi Vẫn Mơ Hoài-1960)

và:

Ta mơ ngày lớn đó
Ta tin ngày lớn đó
Ngày Cộng Sản tận số
Ngày toàn thắng tự do!
Kim ô và ngọc thỏ
Trang thần thoại thơm tho…
(Ta Mơ Ngày-1985)

Những gì còn lại của Hoa Địa Ngục không phải là một sách lược chính trị, mà chỉ là

Một trái tim hồng với bao chan chứa
Ta đặt lên bờ dương thế trước khi xa.
(Trái Tim Hồng-1986)

Kính thưa quý vị,

Nhà đấu tranh nhân quyền và Tổng thống Tiệp Khắc Vaclav Havel, trong một tiểu luận nổi tiếng “Quyền lực của kẻ không có quyền” khi nói về những mục tiêu của các phong trào đối kháng tại Tiệp Khắc và Ba Lan đã cho rằng những phong trào nầy không được thúc đẩy bởi mục đích chính trị, mà đúng hơn là một sự nỗi dậy đòi hỏi phẩm giá của những con người được sống trong sự thật. Và cũng thế, trong Thông điệp Centesimus Annus (Bách Chu Niên), đánh dấu 100 năm Học thuyết Xã hội Công giáo, Thánh Giáo hoàng Gioan Phao-lô đệ nhị đã nhận xét rằng chủ nghĩa cộng sản ở Đông và Trung Âu sụp đổ không phải vì những thất bại chính trị hay kinh tế nhưng bởi vì chủ nghĩa cộng sản đã được xây dựng trên sự dối trá về nhân tính.

Hôm nay, nhân ngày giỗ ba năm của thi hào Nguyễn Chí Thiện, một chiến sĩ nhân quyền, tôi nghĩ rằng không gì đáng làm hơn là xác định lại giá trị đích thực của người đã khuất: Một con người suốt đời bị trù dập và trải qua gần nửa cuộc đời trong lao tù vì đã đứng lên vì phẩm giá của con người và sự thật.

TS Nguyễn Bá Tùng, Trưởng Ban Phối Hợp Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

Phát biểu trong buổi lễ truy điệu Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện nhân ngày giỗ thứ ba tại Westminster Community Center, California, 4-10-2015.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mỗi khi ta nghĩ sai, ta sẽ nói sai và làm sai. Cái sai đây không phải là phải quấy theo lý lẽ, mà cái sai đây là sai người, sai chỗ, sai thời gian và không gian.
Trong tuần qua, chúng ta đã gặp một chuỗi nghịch lý liên quan đến vấn đề nóng bỏng nhất của Hoa Kỳ ngày nay, là hồ sơ Iraq.
Đông Tiến là con đường tiến về phía Đông, hướng về phía Mặt Trời của đất nước Việt Nam thân yêu từ hải ngoại
Đổi mới mạnh mẽ và toàn diện công tác thông tin, tuyên truyền, giúp cho người Việt Nam ở nước ngoài hiểu đúng tình hình đất nước
Tin tức không làm ai ngạc nhiên là mấy ngày qua bà con dân oan các tỉnh thành phía Nam lại rủ nhau về Sài gòn tiếp tục "khiếu kiện đông người"
Những nước khác thì sao không biết, riêng Việt-Nam, sự hưởng-ứng nầy không phải là một thiện-chí của bạo-quyền Cộng-sản mà là một thủ-đoạn
Dù cho khẩu hiệu đề cao lòng yêu nước của đảng cộng sản Trung Quốc từ lâu đã bị người đời bác bỏ không thương tiếc
Luật Sư Nguyễn Quang Trung thay mặt các dân cử gốc Việt, phát biểu tại phiên họp Hội Đồng Thành Phố về dự án mở sòng bài
Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về vấn đề trên qua cuộc trao đổi sau đây do Nguyễn Khanh thực hiện hầu quý thính giả.
Phong Trào Xanh Việt Nam - Green Vietnam Movement - Chủ Động Ứng Phó Với Thảm Trạng Ô Nhiễm Môi Sinh Ở Việt Nam.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.