Hôm nay,  

Đông Á Xoay Vần

2/26/201500:00:00(View: 6231)

Bị rủi ro nhất trong số này cũng chính là Việt Nam...

Bước vào một năm âm lịch mới, với nhiều quốc gia Đông Á vẫn còn sử dụng lịch pháp này và coi năm Ất Mùi là một vận hội mới, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về vận hội đó. Xin quý thính giả theo dõi cách Gia Minh nêu vấn đề với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về dự báo này.

Gia Minh: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, chúng ta vừa bước vào một năm âm lịch mới, năm nay được gọi là Ất Mùi. Như thông lệ thì mở đầu cho một chu kỳ mới, ai cũng muốn dự đoán thời vận của năm mới, nhất là tại khu vực Đông Á là nơi mà nhiều quốc gia vẫn dùng âm lịch làm cơ sở tính toán thời vận. Trên diễn đàn này, ông nhiều lần cảnh báo về thời kỳ thoái lui của kinh tế Trung Quốc sau mấy thập niên tăng trưởng rất ngoạn mục. Nếu Trung Quốc thoái lui như vậy thì các nước Đông Á sẽ ra sao? Và Việt Nam nên làm gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng ta sẽ trước tiên nhìn vào Trung Quốc vì đấy là một cường quốc kinh tế cấp vùng với sản lượng đã vượt qua Nhật Bản năm năm về trước để là nền kinh tế đứng hạng nhì thế giới.

- Khi nhìn vào Trung Quốc thì ta không thể quên chuyện trường kỳ và vấn đề ngắn hạn. Trong ngắn hạn, kinh tế Trung Quốc bước vào thời suy giảm, với đà tăng trưởng thấp và rủi ro cao hơn. Xứ nào cũng có thể trải qua giai đoạn ấy khi áp dụng quy luật của thị trường để tăng trưởng và sau vài chục năm thành công thì cũng có lúc hụt hơi và bị khủng hoảng nếu tăng trưởng không có nền tảng lành mạnh. Nhưng nhìn trong trường kỳ - và đây là một đặc tính của lãnh đạo Trung Hoa thời xưa hay Trung Quốc thời nay – thì xứ này theo đuổi một chiến lược lâu dài là dùng kinh tế hơn quân sự như lợi thế giúp mình trở thành một siêu cường ngang tầm Hoa Kỳ rồi vài chục năm nữa thì sẽ vượt qua Hoa Kỳ để trở thành một trung tâm có ảnh hưởng của thế giới.

Gia Minh: Vâng thưa ông, nếu bây giờ ta nói về chuyện ngắn hạn thì những gì có thể xảy ra cho kinh tế Trung Quốc?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Theo thuật "quỷ biển", với chữ biển lận, rất quen thuộc của văn hoá chính trị Trung Hoa, là gây ra ấn tượng sai về chính mình để lừa gạt người khác, thì lãnh đạo Bắc Kinh đã thành công khi làm thế giới hiểu lầm. Rằng họ áp dụng quy luật thị trường để phát triển quốc gia và nhờ kinh tế tăng trưởng khả quan thì chính trị trên thượng tầng cũng thay đổi khiến Trung Quốc sẽ theo xu hướng dân chủ. Sự thật không được lạc quan như vậy vì Bắc Kinh chỉ áp dụng quy luật thị trường một cách hạn chế và tập trung tài nguyên vào khu vực kinh tế nhà nước với các tập đoàn quốc doanh được chế độ độc tài ưu tiên nâng đỡ và ngày nay vẫn cung cấp đến 40% Tổng sản lượng GDP.

- Tuy nhiên, sau một giai đoạn tăng trưởng với lực đẩy là đầu tư, chiếm tới hơn 40% của GDP, thì kinh tế Trung Quốc hết đà tăng trưởng và ưu thế có nhân công rẻ với lương bổng thấp cũng không còn. Vì vậy, từ nhiều năm nay lãnh đạo xứ này phải chuyển hướng kinh tế là tìm lực đẩy nhờ tiêu thụ, với ưu tiên là khu vực dịch vụ thay vì khu vực chế biến hàng công nghiệp nhẹ.

Gia Minh: Thưa ông, từ Đại hội khóa 18 vào cuối năm 2012 thì Bắc Kinh đã nói đến việc cải cách kinh tế theo hướng đó và sẽ áp dụng quy luật thị trường một cách phổ biến hơn, với tầm quan trọng giảm thấp của các tập đoàn kinh tế và ngân hàng của nhà nước. Nhưng sau ba năm thì họ có làm được như vậy không? Hõi cách khác, họ có thực lòng cải cách như vậy không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ rằng họ thật sự chẳng có cách nào khác vì khu vực kinh tế nhà nước thành những trung tâm thu vét tài nguyên mà chẳng đóng góp gì cho phát triển. Nhưng cũng chính các trung tâm ấy đang tìm cách cản trở nỗ lực chuyển hướng vì sợ mất quyền lợi. Vì thế chúng ta mới thấy cả một chiến dịch giải trừ tham nhũng và truy tố các đảng viên cao cấp để lãnh đạo có thể thâu tóm quyền lực về trung ương hầu lèo lái con thuyền kinh tế ra khỏi vùng giông bão. Thuần về kinh tế thì việc chuyển hướng đó không dễ mà phải cần thời gian trong khi tốc độ tăng trưởng sẽ giảm chứ không thể là trên 7% một năm như Bắc Kinh đề ra.

- Yếu tố thứ hai mà ta cần chú ý là trong ba chục năm đầu của thời cải cách do Đặng Tiểu Bình đề xướng thì các tỉnh duyên hải đã phát triển mạnh nhờ hội nhập và làm ăn với bên ngoài. Trong khi các tỉnh bị khóa trong lục địa thì vẫn nghèo nàn và lạc hậu khiến xã hội xứ này gần như bị chia đôi như trong quá khứ và gây lo sợ cho lãnh đạo. Vì vậy họ tập trung quyền lực về trung ương để có thể tái phân lợi tức và phát triển các tỉnh ở bên trong. Nỗ lực đó cũng chẳng dễ dàng và mau chóng hoàn tất, dù hậu quả xã hội của tình trạng phát triển thiếu cân bằng và chẳng công bình đó đang gây ra nguy cơ động loạn, là điều đã từng xảy ra trong lịch sử xứ này.

- Sau cùng, cũng cần nhìn thấy một yếu tố bất ổn thứ ba là su vụ Tổng suy trầm toàn cầu vào năm 2008, Bắc Kinh dùng tín dụng làm đòn bẩy kích thích kinh tế, với số vay nợ tăng gấp bốn và nay đã vượt gấp đôi Tổng sản lượng. Các doanh nghiệp Trung Quốc nay có mức nợ cao nhất thế giới và điều ấy cũng đe dọa hệ thống ngân hàng khiến khủng hoảng tài chính có thể bùng nổ như đã xảy ra cho mọi quốc gia đi trước, thí dụ như Nhật Bản hay Đại Hàn vào các năm 90, 97.

Gia Minh: Tổng kết lại về kinh tế Trung Quốc vào đầu năm Mùi, thì vận hội mới của họ là gì?


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Lãnh đạo Bắc Kinh đang trước hết thâu tóm quyền lực và còn độc tài hơn trước để bố trí lại phương tiện cho các khu vực và thành phần kinh tế theo ưu tiên khác. Hậu quả là thêm nạn độc tài mà ít đà tăng trưởng. Họ bước vào năm mới trong tình trạng khó khăn ấy nên viện dẫn một động lực tâm lý khác là chủ nghĩa quốc gia dân tộc, cũng là một truyền thống khá quen thuộc mỗi khi quốc gia lâm nguy. Trong hoàn cảnh đó, các nước Đông Á tính sao?

Gia Minh: Quả thật như vậy, trong hoàn cảnh đó các nước lân bang tại Đông Á tính sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi trộm nghĩ rằng họ có những cơ hội mới về kinh tế mà cũng gặp hiểm tai lớn về an ninh.

- Trong quá khứ, xứ nào cũng từng áp dụng chiến lược thu hút tư bản để phát triển nhờ có nhân công nhiều và rẻ như Hoa Kỳ đã khởi đầu từ 130 năm về trước, hoặc Nhật Bản từ 60 năm trước. Trung Quốc cũng theo đường này và với dân số cao nhất địa cầu đã trở thành một công xưởng của thế giới. Chuyện ấy ngày nay đã hết vì họ cũng bị nạn lão hóa dân số từ kế hoạch mỗi hộ một con được ban hành từ năm 1978 và vì nhân công khan hiếm hơn đã đòi mức lương cao hơn.

- Vì vậy, rất nhiều quốc gia trên thế giới có thể trám vào cái khoảng trống do kinh tế Trung Quốc để lại. Khoảng trống đó là các ngành sản xuất sản phẩm tiêu dùng như áo quần, giầy dép, đồ đạc và cả ngành ráp chế điện thoại cầm tay hay linh kiện điện tử. Các ngành này có ưu điểm là cần ít tư bản và có thể di chuyển cơ sở tương đối dễ dàng đến những nơi có nhân công nhiều và rẻ.

Gia Minh: Thưa ông, thế thì ai chuyển tư bản vào nhưng nơi đó?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chính là các doanh nghiệp đã từng góp phần cho đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc. Bây giờ, các tập đoàn quốc tế ấy sẽ phải tìm nơi khác làm công xưởng. Nơi đó có thể là Mexico hay Peru tại Trung Nam Mỹ, có thể là vài xứ Đông Phi chưa bị loạn vì nạn khủng bố Hồi giáo. Nhưng an toàn và nằm giữa một khu vực thịnh vượng thì có các nước Châu Á, như Bangladesh, Sri Lanka, và nhất là các nước Đông Nam Á như Miến Điện. Lào, Cam Bốt, Việt Nam, Philippines hay Indonesia. Trong danh sách này có khi còn vài xứ khác chứ mình chưa thể biết hết được. Mà đã nói về nhân lực thì ta chẳng thể quên thành phần phụ nữ ngày nay đã mạnh mẽ tham gia thị trường lao động, nhất là tại Đông Á.

- Nếu nghĩ đến các tiêu chuẩn quyết định cho việc thiên hạ chọn nơi đầu tư để thay thế thị trường Trung Quốc thì ta có thể kể ra là 1) dân số, 2) trình độ tay nghề nhờ giáo dục và đào tạo, 3) khả năng Anh ngữ và 4) nhất là sự lành mạnh của môi trường đầu tư với luật lệ minh bạch.

- Kể từ năm Mùi này, ta có thể nghĩ đến một kỷ nguyên tăng trưởng cho các nước tại Đông Á khi họ thay thế vai trò của Trung Quốc. Đây là một sự xoay vần mới, có thể kéo dài cả chục năm cho đến khi các nước đó cũng tiến lên một trình độ phát triển khác.

Gia Minh: Thưa ông, trong vành cung Đông Á kéo dài từ Ấn Độ dương qua Thái bình dương như ông vừa trình bày thì có cả Việt Nam. Liệu Việt Nam có nắm bắt được cơ hội này không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi e là không vì dù Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh với các nước Đông Á kia nhờ nhân lực trẻ và có hiểu biết nhưng lại gặp giới hạn là môi trường đầu tư chưa thông thoáng, hành chính thiếu minh bạch và có quá nhiều tham nhũng. Và Việt Nam còn bị một giới hạn chết người hơn nữa là lãnh đạo Hà Nội lại coi xứ mình như sân sau của Trung Quốc nên ưu tiên tạo điều kiện dễ dãi cho giới đầu tư của Trung Quốc. Thành thử, Việt Nam có thể lỡ cơ hội thoát Tầu, đấy là chuyện rất đáng nói về năm Mùi.

Gia Minh: Hồi nãy ông có nói rằng các nước Đông Á có những cơ hội mới về kinh tế mà cũng gặp rủi ro lớn về an ninh. Thưa ông, rủi ro đó là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Khi lãnh đạo Trung Quốc phải chuyển hướng trong giai đoạn khó khăn, họ đề cao chủ nghĩa dân tộc và nói đến giấc mơ Trung Hoa là trở thành siêu cường ngang tầm Hoa Kỳ. Họ chưa có khả năng quân sự để thách đố sức mạnh của Hoa Kỳ mà vẫn có thể uy hiếp xứ khác, trước hết là các lân bang tại Đông Á. Trong số này không có các nước vững mạnh như Nhật Bản, Nam Hàn hay thậm chí Đài Loan mà chỉ có các nước trong vùng Đông Nam Á. Bị rủi ro nhất trong số này cũng chính là Việt Nam, ngày nay đang bị bao vây ở bên ngoài mà bên trong thì bị Trung Quốc điểm vào xương sống sau khi đã thu phục giới lãnh đạo ở trên.

Gia Minh: Câu hỏi cuối về sự xoay vần sắp tới của Đông Á, thưa ông, các quốc gia trong khu vực này có thể làm gì để thêm sức mạnh về kinh tế mà giảm thiểu rủi ro về an ninh từ Bắc Kinh?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng các quốc gia phú cường trên thế giới đều muốn có một khu vực Đông Á thịnh vượng và ổn định nên vì quyền lợi của mình, họ đều phải canh chừng động thái của Trung Quốc. Ta có thể kể đến hàng loạt quốc gia bán đảo hay quần đảo vây quanh Trung Quốc từ Ấn Độ dương qua Thái bình dương, là Ấn Độ, Úc, Nam Hàn, Nhật Bản và dĩ nhiên cả Hoa Kỳ. Không ai muốn công khai nói đến chuyện be bờ ngăn chặn Trung Quốc như đã từng làm chung quanh Liên bang Xô viết trong thời Chiến tranh lạnh, nhưng chính vì chủ trương bành trướng của Bắc Kinh, phản ứng ngăn chặn này đang tự nhiên thành hình và đấy cũng là một sự xoay vần của Đông Á.

Gia Minh: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Sợ Nga nổi giận mà Việt Nam đã theo đuôi Trung Cộng bỏ “phiếu trắng” về cuộc xâm lăng Ukraine của Nga trong cuộc biểu quyết tại Liên Hiệp Quốc ngày 2/3/2022. -- Dựa trên phát biểu của những quan chức chính phủ CSVN, tác giả Phạm Trần nêu rõ tính ngụy biện hàm hồ của nhà nước Cộng sản VN trước thảm họa chiến tranh Ukraine do Nga gây nên. Trong khi cả thế giới văn minh lên án Nga thì nhà nước VN vẫn một lòng bênh vực. Quả là một quốc nhục.
Chìa khóa hay mấu chốt cho cuộc xung đột ngày hôm nay là Ukraina không trở thành mối nguy cho Nga. Ukraina phải là nước độc lập và trung lập. Nhưng vấn đề không thuộc thẩm quyền của Ukraina mà nằm trong lòng bàn tay Mỹ. Một quy chế trung lập cho Ukraina phải được bảo đảm bởi Hoa Kỳ và Âu Châu chứ Kiev và Moscova không thể đơn phương tuyên bố mà được. -- Nhận định của tác giả Đào Văn Bình, Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Chính phủ Đức đã tỏ ra phản ứng thận trọng khi từ chối yêu cầu tẩy chay vì lo sợ tình trạng khan hiếm và lạm phát sẽ làm ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Tóm lại, các nhận định của Nouriel Roubini trong bản dịch sau đây là bi quan, nhưng các ảnh hưởng của chiến tranh Ukraine cho nền kinh tế toàn cầu sẽ còn có những hiệu ứng càng khó lường đoán và gây nguy hại hơn.
"Phải cân bằng lại, tuyên giáo liền mớm lời cho tướng bốn không Nguyễn Chí Vịnh và chỉ định tờ báo được dân đọc nhiều phỏng vấn tướng Vịnh bốn không." -- Tiếng nói phản biện đanh thép của nhà báo Phạm Đình Trọng lên án sự hèn nhát đến lố bịch của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam trước chiến tranh xâm lược Nga vào đất Ukraine. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Vào thứ Tư, 2 tháng Ba, 2022, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu đại đa số lên án nước Nga xâm lược Ukraine (bắt đầu từ 24 tháng Hai, 2022). Trong số 193 nước hội viên, 141 nước đã bỏ phiếu thuận, yêu cầu Mạc Tư Khoa phải chấm dứt chiến sự và rút quân ra khỏi lãnh thổ Ukraine. Trong số năm nước bỏ phiếu chống, tất nhiên dẫn đầu là lá phiếu của Nga, quốc gia gây chiến, và bốn nước khác là Belarus, đồng minh thân cận nhất của Nga, sau đó là Bắc Hàn, Eritrea và Syria. Tất cả năm nước này đều là những chế độ độc tài toàn trị. Điều đáng chú ý hơn cả là trong các lá phiếu trắng của 35 nước (có 12 nước không bỏ phiếu), dẫn đầu là Trung Cộng, có cả một quốc gia mang tên nghe khá kêu là nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Cuộc xâm chiếm của Nga tại Ukraine vẫn còn tiếp tục sôi động làm cho hơn một triệu người dân đang tìm đường lánh nạn tại các nước lân cận. Để đối phó với các biện pháp phong toả của các nước phương Tây ngày càng nghiêm khắc, Tổng thống Vladimir Putin cũng đưa ra một đối sách mới quyết liệt hơn, đó là việc đặt các vũ khí hạt nhân của Nga trong tình trạng báo động và đã gây ra nhiều lo âu cho công luận thế giới.
Bình luận của tác giả Đào Như về tình hình chiến sự Ukraine.
✱ NY Post: Luật sư của TT Trump khai trước UB quốc hội: Trump Org định giá các tài sản cao để nhận các khoản vay và định giá thấp các tài sản này vào mục đích khai thuế. Căn cứ vào lời khai này bà James Bộ Tư Pháp NY mở cuộc điều tra ✱ Hồ sơ tòa án NY: Cựu TT Trump nạp đơn kiện bà BT Tư Pháp James để ngăn chặn cuộc điều tra “ săn lùng phù thủy” ✱ Hồ sơ tòa án NY: Khi phát hiện ra nhiều bằng chứng về sự gian lận tài chính và đòi hỏi các sở hữu chủ phải hữu thệ cung khai.... Bà ta rõ ràng có quyền để làm như vậy ✱ Hồ sơ tòa án về vụ Jan.6, 2021: Qui trách nhiệm cho Trump đã chỉ đạo / hỗ trợ và tiếp tay vào cuộc tấn công, vi phạm các quy định về an toàn công cộng. Cố ý gây đau khổ về mặt tinh thần, bồi thường thiệt hại... ✱ Tối cao Pháp Viện: Y án theo phán quyết của tòa Liên Bang hạt DC về hồ sơ vụ bạo động 6.1.2021 cho dù cựu TT Trump viện dẫn đặc quyền hành pháp.
Nhà nước độc tài cộng sản Việt Nam đã đứng về phía độc tài Putin xâm lược Ukraine. Khi Việt Nam bị độc tài Tập Cận Bình xâm lược, liệu có nước dân chủ nào chung lưng đấu cật với cuộc chiến đấu chống xâm lược của nhà nước độc tài cộng sản Việt Nam? Hay chỉ có những phát ngôn suông dửng dưng của các nước: Chúng tôi hết sức quan ngại. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực, Như con vẹt ở bộ Ngoại giao Việt Nam hót khi Putin xâm lược Ukraine?
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.