Hôm nay,  

Thi Sĩ Của Tình Yêu Vô Thức

31/12/201400:00:00(Xem: 5017)
  • Tác giả :

Thơ ơi, dẫu cạn ý lời
Không sao tường tỏ lòng vơi dạ đầy
Chông đèn thử hỏi trăng sao
Tạ ơn thơ hiểu ước ao dại khờ
Dù khi vật đổi sao dời
Xin thơ giữ lại một đời vương tơ
(Nói với thơ Ngô Tịnh Yên – T.H.)

Tôi bắt đầu viết về người phụ nữ có tên gọi Ngô Tịnh Yên bằng câu chuyện nhỏ được chị chia sẻ lúc tôi gọi chị chúc mừng Giáng Sinh. Để nói đôi lời giới thiệu ngắn gọn trong ít phút về ca khúc “Nếu Có Yêu Tôi”, nhạc sĩ Trần Duy Đức phổ từ bài thơ cùng tên, chị đã tập nói nhiều lần để có thể diễn đạt trôi chảy lúc thu hình cho một chương trình nhạc có những nghệ sĩ khuyết tật tham gia. May mắn nhờ Tổ phù hộ, chị đã làm được trọn vẹn vai trò tác giả của những vần điệu thiết tha tiếng gọi nức lòng:

“Đừng đợi ngày mai đến khi tôi thành mây khói
Cát bụi làm sao còn biết mỉm cười”

Nếu chưa đọc thơ Ngô Tịnh Yên mà chỉ tiếp xúc với chị thì ít ai có thể hình dung được: trú ẩn trong dáng người nhỏ nhắn của chị là một tâm hồn rộng lớn bao la. Tôi biết đến tên Ngô Tịnh Yên lần đầu qua một bài báo viết về buổi ra mắt cuốn ký sự Cam Bốt “Thiên Thần Trong Địa Ngục” của chị. Nhờ vậy tôi được biết chị đã một thân một mình lặn lội sang tận xứ chùa tháp để tìm hiểu về thực trạng buôn bán trẻ em làm nô lệ tình dục. Sau đó tôi mới bắt đầu biết đến những bài thơ của chị.

“Lãng Mạn Năm 2000” là tập thơ lục bát của Ngô Tịnh Yên mà tôi được cầm trên tay cách đây tròn bốn năm, lật từng trang, đọc từng bài. Điều tôi xin dành để nói về thơ Ngô Tịnh Yên trong bài viết này chính là tấm chân tình sống mãi trong tình yêu của tác giả. Con người ta khi yêu thì ai cũng có những biểu hiện, cử chỉ và ý nghĩ chân thành dành cho đối tượng của mình, nhưng sự thể hiện ấy ở mỗi người thì chẳng ai giống ai.

Thơ tình Ngô Tịnh Yên không làm tôi khóc sướt mướt hay bi lụy vì cảm xúc nhất thời trào dâng trong chốc lát. Thơ tình Ngô Tịnh Yên ở lại trong tâm khảm tôi như những hạt mưa buồn vô cớ tích tụ ngày qua tháng lại thành mùa đông triền miên giá buốt. Nhờ vào sự chân-tình-từ-tâm-trí của người làm thơ mà những vần thơ Ngô Tịnh Yên làm đêm đông ấm áp, làm tình yêu hiện hữu, và làm cuộc đời tươi sáng. Tựa như thiên chức của người làm mẹ - một mình vượt cạn sinh con và khó nhọc nuôi con thành người, mỗi một bài thơ của Ngô Tịnh Yên, dù là lời trách móc, dù là sự giận hờn, hay là lời nhắn nhủ sau cùng thì tất cả cũng đều mang theo trong mình tấm lòng tận tụy với tình yêu thương quên đi bản thân mình:

“Suốt mùa đông tôi làm người nhóm lửa
Để cuộc đời ấm mãi cõi lòng nhau...”

Tôi ít hiểu biết về quy luật gieo vần chọn chữ trong thơ. Tôi cảm nhận thơ Ngô Tịnh Yên như một người đang yêu ngẩn ngơ đón nhận lời tỏ tình giản dị mà chân thành từ thơ của chị. Đó là một sự chân thành hiếm thấy giống như câu chuyện tình lãng mạn được kể lại qua bộ phim nhựa “Notting Hill”. Những bài thơ tình Ngô Tịnh Yên được mọi người biết đến, đón nhận và yêu thích từ lâu. Tôi nhắc lại mong giải bày về sự chân thành trong tình yêu mà tôi may mắn nhận được từ thơ của chị.

blank
Thị sĩ Ngô Tịnh Yên ngồi ký tên.

Tôi xin được ví von thơ tình Ngô Tịnh Yên tuyệt đẹp như nhân vật nữ chính trong bộ phim “Notting Hill”. Cô là diễn viên nổi tiếng của kinh đô điện ảnh Hollywood, đến một thị trấn nhỏ xa xôi ở nước Anh để quay phim, rồi tình cờ gặp và phải lòng anh chàng chủ tiệm bán sách vô danh. Chuyện tình của hai người có địa vị xã hội không tương xứng nhau tưởng chừng sẽ không có một kết thúc tốt đẹp vì danh tiếng của người con gái làm người con trai rơi vào tình huống dễ nảy sinh mặc cảm tự ti, hiểu lầm rồi đành chấp nhận tình yêu ấy là mộng tưởng ngắn ngủi thoáng qua trong đời. Đâu ai ngờ có một hôm người con gái có sự nghiệp diễn viên lừng lẫy ấy mặc bộ quần áo giản dị, mang chiếc túi xách bình thường, lặng lẽ bước vào tiệm sách như bao người tìm mua sách khác. Cô ấy đến không phải để mua cho mình một cuốn tiểu thuyết được xuất bản nhiều lần mà đến để dành tặng cho chàng trai chủ tiệm sách tấm chân tình đơn sơ của mình. Cô không màng đến địa vị xã hội của người nổi tiếng, chẳng bận lòng đến áp lực từ giới truyền thông. Cô tự tin mở cánh cửa nhỏ của tiệm sách, đối diện với chàng chủ tiệm sách cũng có nụ cười hiền lành như cô, chỉ để nói rằng: “Em chỉ là một người con gái, đang đứng trước anh, mong anh hãy yêu em…” (“Im just a girl, standing in front of a boy, asking you to love me…”). Sự chân thành có đủ sức mạnh vượt qua mọi giới hạn cuộc đời ở nơi thơ tình của Ngô Tịnh Yên cũng là vậy đó. Tôi chẳng biết mình có bao giờ gặp được duyên may một lần trong đời được làm người chủ tiệm sách đứng trước Nàng thơ của Ngô Tịnh Yên, được đón nhận tấm-chân-tình-từ-tâm-trí? Nhưng, từ lâu rồi, tôi đã cảm nhận được điều quý giá đó ở nơi tâm hồn dạt dào tình yêu thương của chị.

Nói đến kim cương, ai cũng sẽ nghĩ ngay đến vẻ đẹp lộng lẫy nhiều sắc màu khó gì sánh kịp. Mặc dù vậy, đó vẫn là giá trị vật chất hữu hình dễ thấy, dễ tìm và dễ nhận. Thơ tình Ngô Tịnh Yên trong ánh mắt tôi cũng là một viên kim cương, nhưng viên kim cương ấy lấp lánh chỉ duy nhất một sắc màu mà sắc màu ấy thì các mỏ kim cương nằm sâu hun hút trong lòng đất không thể nào tích tạo được. Tôi gọi đó là sắc màu chân-tình-từ-tâm-trí. Tôi đã trót đọc thơ Ngô Tịnh Yên, trót yêu sự chân tình ấy thì cho đến ngày mắt tôi tịnh yên nhắm lại, tôi vẫn còn ấp ủ trong tim “Điều Ước Cuối Cùng” của chị:

“Yêu người trong bão khôn nguôi
Để yêu đời lúc nắng nôi trở trời
Giữa cơn vật đổi sao dời
Xin còn khoảng trống để ngồi bên nhau”

Có một người từng cười nhẹ nói với mình tôi rằng: “Sao mà khùng vậy...?” Có nhiều người khác đã, đang và có lẽ sẽ bảo tôi: “Làm gì có tình yêu hoàn toàn tuyệt đối trên đời? Sống lãng mạn bay bổng như vậy là chịu thiệt thôi!” Tôi tự hỏi lòng mình, thế nào là “chịu thiệt”, thế nào là không? Vậy thì thử đọc “Lý Do Yêu” của Ngô Tịnh Yên:

“Tại sao còn hỏi làm chi?
Khi trời khóc cũng chỉ vì đất thôi”

Giọt mưa tuôn rơi từ bầu trời xa thẳm nếu không có mặt đất hứng lấy, giữ lại, thì làm sao vạn vật sinh sôi nảy nở, cây cối tốt tươi. Bầu trời mênh mông trên cao chẳng bao giờ chạm được vào mặt đất dù chỉ một lần, nhưng lúc nào mây trắng cũng nhìn thấy cây xanh, nghe thấy tiếng chim hót véo von thì vẫn mãn nguyện biết được rằng, nước mắt của mình là chưa bao giờ uổng phí. Tình yêu chân thật cũng vậy, suy cho tận cho cùng, thì chẳng có gì là thiệt-hơn, được-mất hay đúng-sai.

Lúc một mình đọc lại thơ tình Ngô Tịnh Yên, tôi mỉm cười với ý nghĩ rằng, nếu mình có đủ phước phần được tái sinh làm người, lúc đi qua cầu Nại Hà, phải uống chén canh Bà Mụ để quên đi tất cả những gì thuộc về đời kiếp này trước khi được đầu thai làm người ở kiếp khác, tôi sẽ khẩn nguyện xin Mẹ hiền Quan Thế Âm đại từ đại bi cho tôi được mang theo một vài câu thơ Ngô Tịnh Yên. Tôi sẽ nhờ thơ để có thể tìm gặp lại người hỏi tôi “sao mà khùng vậy?”, để được nói với người đó bằng sự chân tình như chính hai câu kết trong bài lục bát “Trú Giữa Lòng Nhau”:

“Mốt mai sóng dậy ba đào
Xin về trú giữa lòng nhau cuối đời”

Tôi xin kể lại một kỷ niệm nhỏ với bài thơ “Tắm Mưa” của Ngô Tịnh Yên. Lúc đọc đến bài này trong tập thơ “Lãng Mạn Năm 2000”, tôi cứ cảm thấy hình như có một điều gì đó chưa trọn vẹn, chưa thông suốt. Quả tình là vậy, câu thơ thứ mười thiếu mất một chữ. Tôi liên lạc với tác giả và được biết chữ đó là chữ “sâu”, bị thiếu mất do lỗi in ấn. Chị có nói đùa với tôi một cách dí dỏm thế này: “Chắc là vì sâu quá nên chữ này lọt mất tiêu đó em!” Từ ý nghĩa ý nhị của lời nói đùa ấy, về sau lúc đọc thêm thơ Ngô Tịnh Yên, tôi ngẫm nghĩ thì thấy có nguyên cớ ở chữ “sâu”. Mọi sự trên cuộc đời khi chiêm nghiệm lại cũng đều là một chữ duyên. Tôi có được sự cảm ngộ từ tấm chân tình kết tinh trong thơ Ngô Tịnh Yên cũng là một chữ duyên. Xin phép tác giả cho tôi được trích nguyên văn bài “Tắm Mưa” mà tôi nhớ thật nhiều, một phần có lẽ cũng do mối duyên-sâu:

“Tắm mưa nhông nhông ở truồng
Thả chiếc thuyền giấy theo luồng nước trôi
Chở theo mộng mị xa xôi
Chuyện thần tiên của hai người bé con
Chỉ biết vui chẳng biết buồn
Tung tăng những buổi mưa tuôn từ trời...
Hai mươi năm mưa vẫn rơi
Nhưng chiếc thuyền giấy và người xưa đâu?
Tan theo những giọt mưa ngâu
Hay chìm trong bão sông sâu dòng đời
Mưa giăng dưới lũng trên đồi
Nhớ mưa ai tắm cùng tôi thuở nào?”

Kỷ niệm tắm mưa từ thời ấu thơ được tác giả kể lại bằng vần điệu lục bát mượt mà, từ ngữ súc tích và ý tứ sâu xa đến vậy thì có người đọc thơ nào mà không cảm thấy lòng bâng khuâng, dạ bồi hồi? Tôi biết ơn tấm chân tình trĩu nặng như hạt mưa buồn tuôn rơi từ bầu trời cao vời vợi. Cũng như bao người khác, tôi từng đi qua một thời vô tư, chỉ biết “tung tăng những buổi mưa tuôn từ trời...” Tôi đâu có biết có ngày mình sẽ “tan theo những giọt mưa ngâu - hay chìm trong bão sông sâu dòng đời”? Có ai từng một lần đặt chân đến vùng đất dãi dầu mưa nắng ở quê tôi vào mùa lũ lụt thì mới thấm thía nỗi niềm của những hạt mưa tuôn. Bởi vậy, suốt gần hai mươi năm đầu đời, tôi có nhiều kỷ niệm với mưa. Không biết tự bao giờ, tôi đã đem lòng yêu mưa một cách vô thức, thương mưa không chút đắn đo và nặng tình nặng nghĩa với mưa suốt đời.

blank
Tranh Ngô Tịnh Yên do một người chị vẽ.

Trong dự cảm của tôi lúc đọc câu thơ thứ mười của bài “Tắm Mưa”, tôi cứ thấy có điều gì đó thiếu thiếu. Tôi có duyên được chính tác giả nói về chữ “sâu” bị thiếu sót so với nguyên bản. Vậy là cảm nhận về tấm chân tình nhẹ như mây gió mà mênh mông tựa biển cả trong thơ Ngô Tịnh Yên lại trở về với hình hài vẹn nguyên trong tôi. Nếu hỏi Ngô Tịnh Yên về vẻ đẹp của tình yêu trong một cuộc chuyện trò hay một buổi phỏng vấn truyền hình thì câu trả lời của chị sẽ mộc mạc như lời nhân vật nữ chính trong bộ phim “Notting Hill”. Cô ấy quên đi tất cả - danh vọng, địa vị xã hội và những thứ tự hình thức khác bị con người phủ choàng chiếc áo vô minh - để nói lời chân tình tận đáy lòng: “Em chỉ là một người con gái, đang đứng trước anh, mong anh hãy yêu em”. Ngô Tịnh Yên là vậy đó, lời nói giản dị, có khi câu chữ được chị nói chưa lưu loát, chưa tròn đầy, có sao nói vậy, nhưng thơ của chị thì sâu lắng tựa như vô số hạt mưa tuôn ngày qua tháng lại tịnh yên tích tụ trong lòng đất, tạo nên phần sinh lực không thể thiếu để nuôi dưỡng sinh linh vạn vật.

Tình yêu trong thi ca của Ngô Tịnh Yên là tình yêu của một tấm chân tình có thật từ tâm trí, chảy khắp huyết mạch cơ thể và đi qua mọi cách trở cuộc đời. Chẳng thế mà chị kết thúc một đoạn ân tình “Phiến Loạn” bằng lời-chân-tình bất phục nhưng lại ngụ ý phủ phục:

“Bên nhau có xử lăng trì
Con tim phiến loạn vẫn lì đòn yêu”

Những tưởng khi đặt tựa đề một bài thơ khác là “Trả Tình Cho Yêu”, Ngô Tịnh Yên dứt khoát “trả” hết, nhưng đến hai câu kết, chị lại bằng lòng tự nguyện trút hết tâm cang “trả” thơ về với niềm yêu sau cùng sao cho toàn vẹn như thuở ban đầu:

“Qua nhau tạo hóa lá lay
Qua đời nắm cỏ xanh đầy trong tim”

Không hiểu sao tôi lại thích được thủ thỉ một mình với những câu kết trong thơ Ngô Tịnh Yên, như trong bài “Lưu Niệm” chẳng hạn:

“Gởi nhau thơ nát từng dòng
Ngâm câu tình nghĩa ngực chùng dạ đau”

Con người ta khi không nói được bằng lời thì sẽ tìm cách biểu đạt qua thơ. Ngô Tịnh Yên không những tâm tình bằng thơ, thơ hay nữa là khác, mà còn trao hết cho cuộc đời cả một tấm chân tình được chắt chiu thành “nỗi buồn - đậu hoài trên mái tóc”. Xin hãy áp hai lòng bàn tay lại với nhau, lặng im chỉ trong một tích tắc để lắng nghe “Những Gì Tôi Có” của Ngô Tịnh Yên:

“Tôi có một nỗi nhớ
ngự trị mãi trong lòng
tôi có một hơi thở
biết cho và đợi mong”

Đó cũng là một đoạn kết “xin còn khoảng trống để ngồi bên nhau” khác của Ngô Tịnh Yên. Còn mấy ngày nữa là năm cũ qua đi, năm mới lại về. Giây phút giao mùa chưa đến mà lòng tôi đã thấy quyến luyến đậm đà như đang đi qua một-giây-một-phút cách xa mất rồi. Tôi mừng mừng tủi tủi đọc lại thơ của chị. Mừng là vì tôi đã có duyên tìm thấy chữ “sâu” từ hạt mưa tuôn. Tủi là bởi tấm chân tình trong thơ Ngô Tịnh Yên sao mà buồn sâu đến vậy…

Trong sự đồng cảm của người đọc thơ dành cho người rút ruột làm thơ, tôi xin được gọi Ngô Tịnh Yên là thi-sĩ-của-tình-yêu-vô-thức. Nếu tình cờ đọc được đâu đó một hai câu thơ hoặc cả một bài thơ của Ngô Tịnh Yên - có khi là sự giận dỗi, có lúc là lời kể tội hay thậm chí là ý muốn chấm dứt - thì chúng ta hãy đừng tin vào những câu chữ ấy. Nếu đọc tiếp một hồi hay đọc đi đọc lại thơ Ngô Tịnh Yên thì chúng ta sẽ thấy tấm chân tình của chị hiển lộ một cách vô thức, như ở hai câu kết của “Sự Thật”:

“Mình đâu lừa dối được nhau
Khi đuôi mắt ướt dấu sao được tình?”

Tôi xin chân thành dành lời chúc năm mới an lành gửi đến thi sĩ Ngô Tịnh Yên bằng chính hai câu kết trong bài lục bát mở đầu thi phẩm “Lãng Mạn Năm 2000” của chị:

“Gánh thơ qua những chợ đời
Gánh xong hết một kiếp rồi...tịnh yên!”

“Ngô Tịnh Yên”, tôi muốn gọi thêm lần nữa, thêm lần nữa, bút danh của một tấm chân tình cả đời tận tụy vì thơ. Chị đúng là thi-sĩ-của-tình-yêu-vô-thức trong mỗi giấc ngủ yêu thương và sớm mai yên bình suốt phần đời còn lại của tôi…

T.H.
(Một đêm Đông cuối năm 2014)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.