Hôm nay,  

Saint Louis: Thùng Thuốc Súng Bùng Nổ

26/08/201400:00:00(Xem: 5571)

...Obama miệng nói đoàn kết trắng đen, nhưng thực tế đã có chính sách biệt đãi dân da đen quá mức...

Lại thêm một đám cháy bộc phát, mà là đám cháy thật. Trưa ngày 9 tháng 8, tại khu Ferguson, ngoại ô Saint Louis, thủ phủ tiểu bang Missouri, một thanh niên da đen, Michael Brown, 18 tuổi, bị cảnh sát chặn, xô sát, anh thanh niên bị bắn chết.

Tối hôm đó, dân chúng trong khu vực đổ xuống đường biểu tình phản đối trong trật tự. Cuộc biểu tình của khoảng 500 người mau chóng biến thành loạn đả khi dân nổi loạn liệng chai xăng –cocktail Molotov- vào cảnh sát và đốt phá cửa tiệm, rồi hàng trăm dân da đen, kể cả đàn bà, con nít, bắt đầu đập phá các cửa tiệm, tràn vào hôi của. Cảnh sát ra tay, lực lượng SWAT ăn mặc giống như biệt kích tấn công Al Qaeda tại Afghanistan, đàn áp bằng bom cay, dùi cui, đạn cao su, và bắt vài chục người.

Cuộc chiến kéo dài mấy đêm liền. Cứ tối đến là khu vực biến thành bãi chiến trường. Xem hình ảnh trên TV thấy kinh hoàng hơn phim Hồ Ly Vọng.

Trước phản ứng bất lợi của dư luận, Thống Đốc Jay Nixon (không bà con gì với cố TT Nixon) trao trách nhiệm tái lập an ninh trật tự cho khối cảnh sát công lộ (Highway Police), không xe tăng, mặc đồng phục cảnh sát bình thường, không mặt nạ chống bom cay, do một ông cảnh sát da đen chỉ huy. Ông cảnh sát mới thay đổi chiến thuật, tay không đi vào khu nổi loạn, thăm hỏi nói chuyện với dân chúng. Tình hình ổn định được đúng một tối.

Bị áp lực nặng, cảnh sát công bố tên anh cảnh sát là Darren Wilson, đồng thời cũng phổ biến một khúc phim video quay một người giống anh Brown ăn cướp một tiệm chạp phô trước đó chừng mười phút. Đến tối hôm đó, thanh niên lại ào xuống đường đi đập phá, hôi của tiếp tục với lý do phản đối việc công bố video anh Brown ăn cướp.

Lần này, cảnh sát án binh bất động, không can thiệp, cướp bóc mạnh hơn nữa, các chủ tiệm tố cáo cảnh sát không cứu giúp họ, để đám côn đồ lộng hành.

Qua sáng hôm sau, 16 tháng 8, Thống Đốc ban bố tình trạng khẩn trương, giới nghiêm mỗi đêm từ 12 giờ đến 5 giờ sáng. Dĩ nhiên, dân Mỹ không như dân mấy xứ chậm tiến, nên coi giới nghiêm như pha. Tệ hơn vậy, họ coi giới nghiêm như khiêu khích, xuống đường đập phá mạnh hơn nữa. Hai nhóm da đen cực tả Black Panthers và Nation of Islam nhẩy vào cuộc, đe dọa “cảnh sát có súng, chúng ta cũng có súng”. Bà TNS Claire McCaskill tố hàng trăm dân từ ngoài tiểu bang đã tới, xách động, mang theo cả súng đến bắn phá. Có ít nhất 4 người bị trúng đạn thật trong khi cảnh sát khẳng định không hề bắn súng với đạn thật, chỉ có đạn cao su thôi.

Cảnh sát được thay thế bởi Vệ Binh Quốc Gia –National Guards- theo lệnh của Thống Đốc. Cho đến khi bài này được viết, sự hiện diện của Vệ Binh đã làm dịu bớt tình hình. Biều tình vẫn tiếp tục hàng ngày, nhưng bớt cảnh đập phá, cướp bóc.

Câu chuyện xuất phát như thế nào, cho đến nay, càng ngày càng trở nên mù mờ.

Cả chục người tự nhận là “nhân chứng” lên tuyên bố lung tung trên các đài truyền hình. Hầu hết lời khai của các “nhân chứng” da đen đều hoàn toàn khác về diễn tiến, nhưng giống nhau về tình huống: anh Brown vô cớ bị cảnh sát bắn chết.

CNN loan tin một phụ nữ tự xưng tên là Josie, đã điện thoại cho CNN kể lại bà đã nghe anh cảnh sát Wilson kể toàn bộ vụ đụng độ. Anh Brown đi nghênh ngang giữa đường với một anh bạn, bị xe cảnh sát đi theo ra lệnh lên lề. Anh Brown đi lại xe cảnh sát, anh cảnh sát mở cửa xe, nhưng bị xô vào xe, dập cửa lại, rồi anh Brown liên tục đấm vào mặt anh cảnh sát qua cửa sổ xe (anh cảnh sát bị đánh vỡ xương mắt, gần lòi con ngươi - blowout fracture to eye socket), với tay giựt súng, hai người giằng co, súng nổ. Anh Brown bỏ chạy, anh cảnh sát ra khỏi xe, đuổi theo, chiả súng la “đứng im” –freeze! Anh Brown ngưng chạy, quay lại giơ hai tay lên trời thách anh cảnh sát “dám bắn không?”, và nhào tới húc vào anh Wilson, bị anh cảnh sát bắn mấy phát liền. Câu chuyện này phù hợp với giải thích chính thức của cảnh sát, nhưng bị luật sư gia đình anh Brown cho là phịa hoàn toàn. Dân nổi loạn cho rằng anh Brown giơ hai tay đầu hàng nhưng vẫn bị bắn, và đã lấy câu “Hands Up, Dont’ Shoot” làm khẩu hiệu đấu tranh.

Khám nghiệm tử thi cho thấy anh Brown bị từ 6 đến 8 phát, trong đó có 2 phát vào đầu, 4 vào ngực, cổ và tay phải, tất cả bắn từ phiá trước mặt không phải sau lưng.

Phát đạn giết chết anh Brown là phát bắn từ đỉnh đầu vào, xuyên qua óc, trổ ra mắt phải, do đó, hai phát vào đầu thực ra chỉ là một phát vào đỉnh đầu rồi trổ ra mắt. Cảnh sát giải thích anh Brown cúi đầu húc vào anh cảnh sát nên mới bị bắn như vậy. Luật sư gia đình anh Brown giải thích anh Brown khi đó quỳ gối, cúi đầu giơ tay đầu hàng nhưng vẫn bị bắn từ đỉnh đầu xuống. Các chuyên gia đang thử nghiệm xem bị bắn cách bao xa. Bộ Tư Pháp đã ra lệnh khám nghiệm tử thi lần thứ ba.

Sự thật như thế nào sẽ khó ai biết được, vì xe cảnh sát trong vụ này không có gắn máy thu hình. Nhân chứng thì toàn là dân da đen, mỗi người kể một chuyện khác.

Hình ảnh mấy ông cảnh sát dã chiến da trắng hết, súng ống cùng mình, áo giáp, mũ sắt, đeo mặt nạ chống hơi cay, xe thiết giáp sau lưng, dàn trận tấn công một đám đông thanh niên da đen ăn mặc lôi thôi lếch thếch, tay không, quỳ gối đưa hai tay đầu hàng, chỉ khiến người ta thấy rõ sự thiếu cân bằng lực lượng rõ rệt, tạo ấn tượng cảnh sát da trắng đàn áp không nương tay khối dân thường da đen. Một hình ảnh không mấy tốt đẹp cho đại cường Mỹ.

Ngược lại, hình ảnh hàng trăm thanh niên, phần lớn ở trần, mặc quần xệ lòi cả nửa quần lót, bịt mặt, bịt khăn trên đầu giống như quân khủng bố Iraq hay Gaza, liệng chai xăng vào cảnh sát, đốt phá các tiệm, tràn vào ôm đồ ăn, bia rượu, khiêng cả thùng TV lớn, … chạy ra, cũng không có gì tốt đẹp cho dân da màu ở Mỹ.

Không biết anh Brown là người như thế nào, nhưng dĩ nhiên, như tất cả mọi trường hợp khác, truyền thông phe ta dựa trên mô tả của gia đình và bạn bè anh ta, đã tả anh Brown này là “một học sinh nhỏ nhẹ, hiền lành, gương mẫu, còn hai ngày nữa thì vô đại học” (thật ra, anh này vừa mới ghi tên vô học trường nghề). Hình ảnh một anh Brown học sinh hiền lành coi bộ không hợp với khúc phim trong tiệm tạp hoá cho thấy một anh đen, cao to mập mạp giống anh Brown (anh Brown cao 1,9m, nặng 300 pounds, có biệt danh là Big Mike), cũng đội mũ baseball đỏ, túm áo anh nhân viên bán hàng bé nhỏ, run sợ, lủi chạy, rồi tỉnh bơ ra khỏi tiệm, trong tay cầm một hộp mà cảnh sát nói đó là hộp xì-gà trị giá 50 đô. Cũng không hợp với kết luận của bác sĩ khám nghiệm tử thi cho biết trong máu anh Brown đầy marijuana.

Báo chí phe ta bênh vực khối dân nổi loạn, giải thích họ quá tức giận nên trút cơn giận qua việc đập phá cướp của cho hả giận.

Vấn đề là những tiệm bị đập phá, cướp giựt đều là tiệm của dân da đen, không phải của dân da trắng, sao lại trút giận lên đầu mấy ông bà hàng xóm đồng chủng vô tội? Họ đâu có dính dáng gì đến cảnh sát da trắng bắn chết anh Brown đâu. Sao không qua khu da trắng đập phá? Và nhóm nổi loạn cũng tức giận rất có tính toán. Chỉ có mấy tiệm bán tạp hóa, đồ ăn, rượu, mỹ phẩm, dĩa nhạc và TV bị cướp phá thôi. Ngay trong khu đó, có một tiệm sách thì không sao, không bị đám côn đồ cướp sách nào hết.

Ai sai, ai đúng, ai phải, ai trái? Cho đến giờ chưa có gì rõ rệt, chỉ biết tất cả mọi người đều có phần trách nhiệm.

Anh Brown nếu vô tội, không có lý do gì kháng cự, đánh cảnh sát, rồi tháo chạy để bị bắn.

Anh cảnh sát nếu muốn bắt anh Brown vì tội đi nghênh ngang giữa đường, cho dù bị anh Brown đánh nặng, cũng không có lý do gì phải bắn theo anh Brown tới cả chục phát đạn. Cùng lắm một phát cho anh này ngã xuống cũng quá đủ. Anh Brown tay không, không có vũ khí gì hết.

Khối dân da đen không có lý do gì mỗi lần có đụng độ với cảnh sát là lợi dụng đập phá hôi của trong chính khu của mình.

Thống đốc Missouri, trước vụ đập phá hôi của của một nhóm dân da đen, không có lý do gì phải mang cả trăm cảnh sát, lựu đạn cay, trực thăng, xe thiết giáp, đàn áp kiểu như biệt kích tấn công Taliban tại Afghanistan vậy.

Ferguson là khu phố với hơn hai phần ba là dân da đen. Thống Đốc Jay Nixon thuộc đảng Dân Chủ, có lẽ nhờ vậy nên truyền thông không đụng đến ông mà chỉ đả kích cảnh sát. Hãy thử tưởng tượng ông Nixon là Cộng Hoà xem truyền thông phe ta sẽ phản ứng như thế nào.

Kẻ viết này đặt vấn đề truyền thông dòng chính không phải là vô lý đâu. Sau khi anh Brown bị bắn chết, cảnh sát sợ anh Wilson và gia đình bị trả thù nên dấu tên anh, nhưng trước đòi hỏi của dân chúng và truyền thông, cuối cùng phải công bố tên anh này. Một ngày sau, CNN tìm ra ngay chỗ ở, đưa ký giả đến quay phim ngay trước nhà anh cảnh sát cho cả thiên hạ biết nhà anh này ở đâu, số mấy, đường gì đầy đủ. Washington Post đăng tên đường, không đăng số nhà, nhưng con đường đó rất ngắn, có vài căn nhà, chỉ cần gõ cửa hai nhà là biết nhà anh Wilson là nhà nào. Cũng may là cảnh sát đã di tản gia đình anh này đi chỗ khác rồi, không thì ai dám bảo đảm anh và gia đình không bị trả thù. Cho dù anh đã di tản, nhưng ai dám bảo đảm mai mốt anh có thể cùng gia đình về ở lại nhà đó? Cách hành xử của CNN và Washington Post quả là vô trách nhiệm nếu không phải muốn nói là có ác ý.

Hình ảnh cuộc khủng hoảng tại Saint Louis – lại một khủng hoảng nữa, TT Obama chưa điên đầu là may! - chỉ xác nhận tình trạng xung khắc da màu vẫn không có gì khả quan hơn, 6 năm sau khi nước Mỹ đã bầu một người da đen –dù lai- làm tổng thống. Những hình ảnh cảnh sát tấn công trong khi dân biểu tình đập phá khuân vác đồ đạc ăn cắp là loại hình ảnh người ta đã thấy từ đầu thập niên 60, khi TT Obama mới ra đời.

Khi TT Obama đắc cử, nhiều người lạc quan đã tung hô nước Mỹ bước vào kỷ nguyên “hậu kỳ thị”, vấn đề kỳ thị hay xung khắc da màu đã đi vào quá khứ khi dân Mỹ bầu một người da đen làm tổng thống. Kẻ viết này, ngay khi đó đã gãi đầu gãi tai, không hiểu tại sao bầu một người làm tổng thống chỉ dựa trên tiêu chuẩn màu da mà lại có thể khẳng định khác biệt màu da đã không còn là vấn đề nữa. Có phải đó là một mâu thuẫn vĩ đại không? Bình tâm mà nhận định, vấn đề kỳ thị da màu trong tình trạng đó chỉ có thể trở nên trầm trọng hơn thôi.

Trầm trọng hơn hay không thì thật ra chưa biết chắc, có thể kẻ viết này quá bi quan. Nhưng không có tiến triển gì khả quan hơn thì những biến cố tại Saint Louis đã chứng minh quá rõ.

Trong số các biểu ngữ viết tay của dân nổi loạn, có cái viết “You haven’t changed nothin’ ! F…k you all!”. Câu đầu có thể dịch là “Các ông đã chẳng thay đổi gì hết”, câu sau không dịch được, quý độc giả tự hiểu.

Báo chí trong cả hai tuần qua đã bàn rất nhiều về chuyện kỳ thị đen trắng dưới chế độ Obama. Một vài tiếng nói nhận định TT Obama miệng nói đoàn kết trắng đen, nhưng thực tế đã có chính sách biệt đãi dân da đen quá mức. Tỷ lệ thất nghiệp cao, nhất là trong giới thanh niên da đen (từ 15% đến 20%) chẳng khiến ai thắc mắc và TT Obama vẫn tái đắc cử vì tiền thất nghiệp được TT Obama gia hạn liên tục. Thất nghiệp mấy cũng không lo, ngồi nhà ăn trợ cấp đủ kiểu, vẫn đầy dẫy. Tạo nên bất mãn trong giới trung lưu da trắng là nạn nhân lớn của trì trệ kinh tế, một số lớn bị thất nghiệp, lãnh tiền thất nghiệp ít oi, hay may lắm thì tìm được việc làm lương thấp hơn. Tức là đào sâu thêm hố chia rẽ trắng đen chứ không phải hàn gắn trắng đen.

Một điều đáng ghi nhận là hàng năm, cả ngàn dân da đen bị chính dân da đen giết, chẳng có ông bà da đen hay chính khách da đen nào thắc mắc. Nhưng nếu có một vụ dân da đen bị da trắng giết là tất cả dân da đen nổi loạn cho là kỳ thị. Dân da đen tính ra chỉ là 12% dân số Mỹ, nhưng 50% những người bị giết là da đen, trong đó 90% là do chính dân da đen giết.

Về phiá chính quyền liên bang, người ta thấy lần này, thái độ của TT Obama đã điềm đạm, dè dặt hơn, không ăn nói hồ đồ, kết án vội vã khi chưa biết chuyện gì xẩy ra như khi xẩy ra vụ Trayvon Martin bị anh an ninh khu vực bắn chết, hay vụ ông giáo sư Henry Louis Gates bị cảnh sát bắt giữ vì cậy cửa vào nhà mình.

Lần này, TT Obama ra một thông cáo chính thức, không đứng về phe nào cả, mà kêu gọi hai bên bình tĩnh, trách cả hai bên, cảnh sát không nên dùng bạo lực quá mức trong khi dân chúng không thể tấn công cảnh sát và cướp bóc. Tuy giọng ôn hoà, có vẻ công bằng, nhưng hiển nhiên TT Obama đã coi cảnh sát và các phần tử đốt phá cướp bóc đều có trách nhiệm ngang nhau. Một thái độ chắc chắn sẽ khiến giới cảnh sát không vui.

TT Obama phản ứng điềm tĩnh hơn có lẽ vì đã có kinh nghiệm nhiều hơn. Từ ông tổ chức cộng đồng nhẩy qua ông xách động cộng đồng, bây giờ trở thành ông trấn an cộng đồng. Tốt hơn nhiều. Nhưng dù muốn hay không, trước tình trạng cướp phá, gần như chiến tranh hàng ngày kéo dài của tuần, mà TT Obama vẫn tiếp tục đi đánh gôn, nhẩy đầm và gây qũy, cho đến hơn một tuần, sau khi tình trạng giới nghiêm được ban bố thì TT Obama mới gián đoạn nghỉ hè, bay về thủ đô họp với ban tham mưu. Họp đúng một ngày, rồi bay đi nghỉ hè tiếp.

Vụ lộn xộn có thể leo thang mạnh cho đến khi có biện pháp xoa dịu dư luận quần chúng. Có nhiều triển vọng anh cảnh sát Wilson sẽ là vật tế thần, bị truy tố và kết án cố sát gì đó. Không bỏ tù anh này thì dân da đen sẽ có cớ xuống đường đập phá hôi của nữa.

Hay vài viên chức tiểu bang như cảnh sát trưởng, công tố viên mất job hay bị ép từ chức. Bố của công tố viên trước đây là cảnh sát đã bị một anh da đen bắn chết, bây giờ dân đa đen đang tố cáo ông thiên vị và đòi cất chức ông. Bộ trưởng Tư Pháp Eric Holder công khai tuyên bố ông cũng là da đen, hoàn toàn thông cảm tức giận của dân Ferguson và hứa lấy lại công lý cho anh Brown. Không ai đòi ông từ chức vì thiên vị cả.

Cuộc điều tra chưa bắt đầu, chưa biết ai phải trái, nhưng Thống Đốc đã hứa sẽ mạnh mẽ truy tố -vigoruously prosecute- anh cảnh sát, và TT Obama cũng hứa sẽ tìm công lý –seek justice- cho anh Brown. Không ai thắc mắc chuyện anh cảnh sát trước khi bắn đã bị đánh gần lòi con ngươi khi còn ngồi trong xe. Ai sẽ đi “tìm công lý” cho anh cảnh sát? Cả Thống Đốc lẫn Tổng Thống đều đã có định kiến, điều tra gì nữa cho mất thời giờ và tốn tiền?

Vấn đề là những biện pháp thí quân vì lý do chính trị bất chấp công lý đó có đủ chưa? Hay cái chết của anh Brown chỉ là giọt nước làm tràn ly vấn nạn kỳ thị chủng tộc vẫn còn âm ỉ, mà muốn tìm giải pháp, sẽ phải đi xa hơn vài cái trừng phạt cá nhân. Ngay cả việc bầu một người da đen làm tổng thống vẫn chưa giải quyết được gì, nói chi tới chuyện trừng phạt một anh cảnh sát của một khu phố.

Một vấn đề lớn nữa chưa thấy ai bàn đến –hay là không dám bàn. Nếu như anh cảnh sát bị trừng phạt nặng, liệu chuyện đó trong tương lai có làm chùn chân cảnh sát và cổ võ cho giới côn đồ không? An ninh trật tự công cộng trong tương lai có được bảo đảm hơn không? (24-08-14)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Ý kiến bạn đọc
27/08/201407:25:13
Khách
Bài viết của Vũ Linh phân tích rất chính xác. Tôi chỉ thấy lạ là : một Tướng 2 sao Da Trắng , một Đại Sứ Da Trắng hy sinh cho tổ quốc ,mà báo chí , truyền thông MỸ cũng như" tổng tư lệnh quân đội" Da Den thì im re , không thấy đám tang và chia buồn gì hết ráo ?!!! Còn một thằng nhóc con da đen ăn cướp chết thì nhà trắng cử tới 3 người đi dự đám tang " hoành tráng " . Liệu đây có phải là phân biệt chủng tộc không ?!!!! WHY ? ...WHY? !!!!
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Rồi vào ngày 12/12/2023, tức chỉ sau ba tháng, Việt Nam lại long trọng tiếp đón Chủ Tịch Tập Cận Bình và nói rằng hợp tác và hữu nghị với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược của Việt Nam...
Chỉ ba tháng sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp ngoại giao trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, người ta thấy Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới mới nhất tăng cường quan hệ với Việt Nam với chuyến thăm Hà Nội trong tuần này...
Chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã để lại nhiều hệ lụy cho nhân dân Việt Nam hơn bao giờ hết. Bằng chứng này được thể hiện trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 theo đó họ Tập thay quan điểm “cộng đồng chung vận mệnh” bằng “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai” cho hai nước...
Sự ra đi của nhà tư tưởng và thực hành xuất sắc về chính sách đối ngoại của Mỹ đánh dấu một kỷ nguyên kết thúc. Trong suốt sự nghiệp lâu dài và có ảnh hưởng phi thường của mình, Henry Kissinger đã xây dựng một di sản mà người Mỹ sẽ khôn ngoan chú ý trong kỷ nguyên mới của nền chính trị cường quốc và sự xáo trộn trong toàn cầu. Thật khó để tưởng tượng rằng thế giới mà không có Henry Kissinger, không chỉ đơn giản vì ông sống đến 100 tuổi, mà vì ông chiếm một vị trí có ảnh hưởng và đôi khi chế ngự trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
“Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố...
“Trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.”
Việt Nam đang thương lượng mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa ngày một lên cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin này được truyền miệng ở Hoa Thịnh Đốn, tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 10-11 tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các viên chức thẩm quyền của đôi bên không tiết lộ số lượng F-16 mà Việt Nam có thể mua với giá 30 triệu dollars một chiếc...
Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt, Sơn Tây. Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.
Càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc khóa XIV (2026-2031), đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ra sức kiên định 4 nguyên tắc được coi là “có ý nghĩa sống còn đối với chế độ.”
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.