Hôm nay,  

Obamacare: Những Vấn Đề Mới

08/04/201400:00:00(Xem: 7482)

...qua năm 2015, tiền mua bảo hiểm sẽ tăng không dưới 10%...

Tuần qua, TT Obama trong một buổi lễ trịnh trọng tại Tòa Bạch Ốc, công bố số người ghi tên tham gia vào Obamacare đã vượt quá dự phóng một chút. Con số dự phóng là 7 triệu người, trong khi con số được TT Obama công bố là 7,1 triệu người, tức là 100.000 người hơn dự phóng của chính quyền. Chỉ như vậy cũng đủ để TT Obama đích thân công bố con số một cách rình ràng và yêu cầu các đài truyền hình chính như ABC, CBS, và NBC phát hình chương trình đặc biệt tung hô thành quả của Obamacare (tất cả các đài truyền hình đều đã từ chối).

Phải nói cho rõ, đây là số người ghi tên mua bảo hiểm sức khỏe qua các trung tâm phối hợp –exchanges- do Obamacare thành lập, không phải tổng cộng số người có bảo hiểm hay mua bảo hiểm ngoài hệ thống phối hợp.

Trong mấy tháng qua, Bộ Y Tế luôn luôn từ chối không chịu công bố số người tham gia Obamacare. Ai cũng đoán lý do là vì con số thực tế chưa bao giờ đạt tới mức dự phóng cho tới bây giờ.

Qua năm tới, dự phóng của chính quyền Obama là con số người ghi danh sẽ tăng lên đến mức 13 triệu người vào cuối năm 2015. So với hơn 300 triệu dân Mỹ, những con số trên chỉ là bạc lẻ, khoảng 4 người trong 100 người. Tuy nhiên, việc số người tham gia vượt qua con số dự phóng, cho dù rất ít, cũng thể hiện việc dân chúng dần dần cũng phải chấp nhận thực tế là Obamacare đã thành một thực thể, sẽ tồn tại lâu dài, bất chấp những hậu quả còn đang tranh cãi, cũng như bất chấp việc gần 60% dân Mỹ chống. Chống thì chống, nhưng vì không thu hồi được thì cũng đành phải miễn cưỡng chấp nhận thôi, không có lựa chọn nào khác.

Dù sao, đây cũng là môt tin đáng phấn khởi cho TT Obama sau những thất bại thật bối rối của mấy tháng trước khi các trang mạng của Obamacare gây rối loạn rồi tắc nghẽn cho cả hệ thống bảo hiểm y tế. Nhưng những con số được công bố cũng lại tạo ra những tranh luận mới. Có nhiều điểm đang bị tranh cãi.

Thứ nhất, ghi danh là một chuyện, đóng tiền mua bảo hiểm là chuyện khác. Có rất nhiều người ghi danh rồi vì lý do nào đó, hoặc suy nghĩ lại, hoặc không có tiền, nên không đóng tiền. Tức là có cũng như không. Chính quyền Obama đã không công bố dữ liệu này. Nhưng theo các chuyên gia, có thể có từ 20% đến 30% số người ghi danh đã chưa -hay không- đóng tiền.

Vấn đề thứ hai, con số những người trước đây không được bảo hiểm, bây giờ nhờ Obamacare mới có dịp mua bảo hiểm là bao nhiêu, cũng không ai biết vì không được chính quyền công bố, chỉ biết là tương đối ít, khoảng từ 1 đến 1,5 triệu người, hay từ 15% đến 20% (có những nghiên cứu cho thấy ít hơn, chỉ có 10%) thôi. Nói cách khác, mục tiêu của Obamacare là giúp những người không được bảo hiểm trước đây có cơ hội được bảo hiểm bây giờ, chỉ giúp tối đa chưa tới một phần năm khối người này.

Dựa trên tỷ lệ đó, cho là trước đây có khoảng 30 triệu người không có bảo hiểm, thì ta có thể ước tính luật Obamacare sẽ giúp cho khoảng 5 hay 6 triệu người có bảo hiểm. Câu hỏi là đó có phải cái kết quả đáng có cho một chương trình tốn hàng ngàn tỷ, gây xáo trộn cho hệ thống y tế của cả nước, khiến cả chục triệu người phải đổi bảo hiểm, đổi nhà thương, bác sĩ, thuốc men, cũng như chi phí bảo hiểm và dịch vụ y tế gia tăng toàn diện, kinh tế tiếp tục trì trệ, thất nghiệp không giảm được.

Khúc mắc thứ ba, hầu hết những người ghi danh Obamacare là những người bị hãng bảo hiểm hủy hợp đồng bảo hiểm hiện có, nên phải đi tìm mua bảo hiểm mới. Nhưng vấn đề ở đây là con số những người ghi danh thường thấp hơn con số những người bị mất bảo hiểm. Chẳng hạn theo thống kê của tiểu bang Maryland là tiểu bang với nhiều dân thiểu số da màu, ủng hộ TT Obama rất mạnh, có 73.000 người bị mất bảo hiểm, nhưng lại chỉ có 60.000 người ghi danh qua các trung tâm phối hợp để mua bảo hiểm mới. Không ai rõ 13.000 người còn lại đã mua bảo hiểm lại ở ngoài trung tâm phối hợp hay bỏ luôn, không mua bảo hiểm nữa.

Thêm vào đó, con số TT Obama công bố rõ ràng là đi ngược lại con số của một vài tiểu bang đã chấp nhận loan báo chi tiết. Như tại Maryland, thống kê cho thấy tiểu bang dự phóng có 150.000 người sẽ ghi danh qua trung tâm phối hợp, nhưng thực tế lại chỉ có chưa tới một nửa, 60.000 người thôi. Như vậy, để cho tổng số cả nước vượt qua dự phóng, có lẽ đã phải có nhiều tiểu bang có con số người ghi danh lớn gấp đôi dự phóng. Đây là điều khá khó tin, khiến một dân biểu Cộng Hoà đã tố chính quyền Obama “xào nấu” thống kê (cook the books).

Những thắc mắc này là hậu quả của chính sách úp úp mở mở trong việc công bố các dữ kiện về Obamacare của Bộ Y Tế, khiến người ta chỉ có thể đặt câu hỏi nếu Obamacare thật sự tốt đẹp, thành công mỹ mãn, tại sao lại phải mập mờ trong vấn đề thông tin?

TT Obama tuyên bố đại khái ông không hiểu tại sao lại có nhiều người chống Obamacare, cố gắng không cho thiên hạ được bảo hiểm (nguyên văn: “I’ve got to admit, I don’t get it. Why are folks working so hard for people not to have health insurance?”). Câu tuyên bố của TT Obama hiển nhiên là một loại thông điệp của các chính khách, cố tình bóp méo vấn đề. Vấn đề chỉ là nhiều người không đồng ý với phương thức của TT Obama, chứ không phải không đồng ý chuyện tất cả mọi người cần bảo hiểm sức khoẻ. Không có ai cố gắng tìm cách cho thiên hạ “không được bảo hiểm” như TT Obama phàn nàn.

Và thực tế là Obamacare đã là một thất bại lớn nhất dưới chế độ Obama không có bao nhiêu thành tích cụ thể. Chính báo phe ta Washington Post đã viết bài về sự hữu hiệu của Obamacare. Kết luận ngắn gọn của báo này là ‘không’ (nguyên văn: “Is Obamacare working? The short answer is no.”).

Ít ra thì chính TT Obama cũng đã công khai nhìn nhận không phải tất cả những vấn đề của Obamacare đã được giải quyết, còn cần rất nhiều chỉnh sửa trong những năm tháng tới.

Lời nhìn nhận của TT Obama thật ra cũng chỉ là lập luận chung của đa số các vị dân biểu và thượng nghị sĩ Dân Chủ phải ra tranh cử lại cuối năm nay trong cuộc bầu giữa mùa.

Đối với những vị này, Obamacare vẫn là một đe dọa trực tiếp cho hy vọng tái đắc cử của họ, đặc biệt là các vị phải ra tranh cử trong các tiểu bang có khuynh hướng bảo thủ miền nam trước đây đã bầu cho TĐ Mitt Romney hay TNS John McCain. Họ đã có những thăm dò dư luận của chính ban tham mưu của họ, nhận được cả ngàn thư của cử tri của họ, cũng như đọc được những thăm dò của các cơ quan lớn. Hiện nay, con số người ủng hộ hay chấp nhận Obamacare càng ngày càng xuống thấp. Theo cơ quan Associated Press, hiện giờ chỉ có một phần tư (26%) dân chúng ủng hộ Obamacare, đại đa số trong các tiểu bang Dân Chủ cấp tiến nặng như Nữu Ước, Cali,... Tỷ lệ hậu thuẫn tại các tiểu bang bảo thủ miền nam thấp hơn nhiều. Ngay khi luật Obamacare mới được thông qua, tỷ lệ hậu thuẫn là gần 40%. Khi đó TT Obama hứa Obamacare sẽ cắt giảm chi phí bảo hiểm và dịch vụ y tế cho mỗi gia đình ít ra là 2.500 đô một năm, trong khi bấy giờ chẳng những không có gì giảm mà tất cả đều tăng.

Cầm đầu nhóm này là TNS Mary Landrieu của tiểu bang Louisiana và TNS Mark Warner của Virginia. Ít nhất là một chục thượng nghị sĩ khác đã gia nhập nhóm này.

Ý thức được việc Obamacare sẽ tăng giá bảo hiểm cho tất cả mọi người, có khi tăng gấp đôi, họ muốn đề xướng một chương trình bảo hiểm mới, rẻ tiền hơn nhiều, nhưng chỉ bảo hiểm khoảng 50% chi phí y tế, với phần chi phí còn lại do bệnh nhân tự trả bằng tiền túi.

Đề nghị này được sự hậu thuẫn của nhiều người không muốn trả bảo phí quá cao trong khi mình không có bệnh hoạn gì, hay không thấy có triệu chứng sớm bị bệnh gì, đặc biệt là giới trẻ và trung niên dưới bốn chục tuổi, phần đông mới bắt đầu gia nhập vào thị trường lao động, lương còn tương đối thấp, trong khi sức khoẻ chưa có vấn đề gì nghiêm trọng.

Nhóm dân cử Dân Chủ này cũng muốn thấy luật bảo hiểm được nới rộng, cho phép các hãng bảo hiểm bán bảo hiểm “xuyên bang”, tức là cho phép bán bảo hiểm với cùng giá và cùng điều kiện từ tiểu bang này qua tiểu bang khác, giúp gia tăng cạnh tranh giữa các hãng bảo hiểm để bắt buộc họ phải giảm bảo phí. Điều này khó có hy vọng thành sự thật vì các tiểu bang Mỹ phần lớn rất muốn giữ “quyền tự trị” của mình, ra luật riêng cho tiểu bang của mình, chưa kể áp lực của các hãng bảo hiểm.

Trên thực tế, những đề nghị này chỉ có giá trị như những mánh khóe chính trị để tranh phiếu cho cuộc tranh cử, chứ không có cách nào thực hiện được trong năm nay, trước ngày bầu cử. Các vị dân cử Dân Chủ, nhất là thượng nghị sĩ lãnh đạo khối đa số Dân Chủ Harry Reid tại Thượng Viện, không dại gì khui ra cái chuyện đau đầu nhức răng này để tranh cãi trước ngày bầu, giúp đối lập Cộng Hòa có dịp đổ dầu vào lửa, đả kích Obamacare thả giàn.

Người ta cũng nghi ngờ hiệu quả của những thay đổi ý kiến này của khối dân cử này. Cho tới nay, Obamacare đã được tranh cãi quá nhiều, thiên hạ đã hiểu biết khá rõ về Obamacare, những ý kiến ủng hộ hay chống đối phần lớn cũng đã “đóng băng”, khó thay đổi được qua những đề nghị mập mờ, mới xuất hiện.

Các hãng bảo hiểm cũng sẽ tung bạc triệu ra để ngăn cản chuyện này, vì họ đã có đầy đủ kế hoạch tăng bảo phí kể từ năm 2015.

Việc tăng bảo phí cho năm 2015 sẽ là một vấn đề lớn mà cho đến nay, chưa ai biết chắc chắn hậu quả sẽ như thế nào.

Theo các chuyên gia, bảo phí năm tới chắc chắn sẽ phải được thay đổi khi các hãng bảo hiểm bị bắt buộc phải tuân thủ theo các điều kiện của Obamacare. Ta còn nhớ vì phải tuân thủ theo những quy định mới mà cả triệu người đã bị các hãng bảo hiểm hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, khiến TT Obama phải ra quyết định cho phép các hãng bảo hiểm được miễn tuân theo các quy định mới một năm. Qua năm tới, các hãng bảo hiểm sẽ phải tuân thủ, đâu lại vào đấy, cả triệu người sẽ bị hủy hợp đồng và phải mua bảo hiểm mới với giá mới. Thêm vào đó, cả ngàn công ty nhỏ sẽ hủy bỏ bảo hiểm tập thể của hãng, khiến cả triệu nhân viên của họ sẽ phải đi tìm mua bảo hiểm riêng cho gia đình mình, dĩ nhiên sẽ đắt hơn bảo hiểm tập thể của công ty.

Giá mới sẽ được các hãng bảo hiểm ấn định dựa trên ước tính của họ.

Trước hết giá mới sẽ tùy thuộc vào con số thực sự những người trẻ chịu mua bảo hiểm. Đây là nguồn tài trợ chính cho Obamacare vì họ đóng bảo hiểm mà ít bệnh hoạn, bù lại giới cao niên bệnh hoạn nhiều hơn. Cho đến nay, các thống kê cho thấy giới trẻ -từ 18 đến 34 tuổi- chỉ là khoảng 27% khối người mua bảo hiểm trong khi chính quyền Obama dự phóng phải có tới 40% thì Obamacare mới được nuôi dưỡng thỏa đáng. Khoảng thiếu hụt đó sẽ bắt buộc các hãng bảo hiểm phải tăng tiền bảo phí theo đúng luật cung cầu kinh tế.

Sau đó, giá bảo phí mới cũng sẽ tùy thuộc chi phí các dịch vụ y tế, tức là tiền nhà thương, bác sĩ, thuộc men. Các hãng bảo hiểm ước tính năm 2015, chi phí này sẽ tăng có thể tới 10% so với năm 2014, chưa kể hậu quả của lạm phát.

Nói rõ ra, chúng ta có thể tin là qua năm 2015, tiền mua bảo hiểm sẽ tăng không dưới 10%.

Obamacare có hai mục tiêu chính: giảm chi phí và tăng người được bảo hiểm. Nhưng cả hai mục tiêu đã không đạt được.

Theo một nghiên cứu của ông Avik Roy, chuyên gia y tế tốt nghiệp các đại học Yale và Massachusetts Institute of Technology –MIT-, của cơ quan Manhattan Institute, bảo phí cá nhân sẽ tăng trung bình 41%. Ông cũng nhận định những người biện minh cho rằng việc tăng bảo phí sẽ được bù đắp bằng tiền trợ cấp đã nhìn vấn đề dưới khiá cạnh cục bộ cá nhân, mà quên trên tổng thể, tiền trợ cấp của Nhà Nước cũng chỉ là tiền do dân đóng thuế. Lại một hình thức “tái phân phối lợi tức” không hơn không kém. Tệ hơn nữa, việc bảo phí có thể tăng gấp đôi tại nhiều nơi sẽ đưa đến kết quả là dù sau khi nhận được trợ cấp, số tiền nhiều người phải trả để mua bảo hiểm mới vẫn cao hơn trước khi có Obamacare và trợ cấp.

Trung tâm CMS (Center for Medicare and Medicaid Services) ước tính 65% các công ty kinh doanh nhỏ sẽ phải tăng tiền bảo hiểm tập thể cho nhân viên của họ.

Còn về chuyện tăng số người được bảo hiểm thì trước khi có Obamacare, thống kê chính thức cho biết 14,4% dân Mỹ không có bảo hiểm, bây giờ con số đó không giảm mà lại tăng lên thành 15,9%.

Nói cách khác, cả hai mục tiêu của Obamacare đều có kết quả ngược. Washington Post đã nhận định chính xác khi viết Obamacare đã thất bại.

Khoan nói tới chuyện tăng bảo phí cho năm tới, chỉ nói chuyện năm nay, cũng đã có rất nhiều người ghi danh nhưng không trả bảo phí, tức là trên thực tế, vẫn chưa có bảo hiểm. Và tất nhiên theo luật Obamacare, họ sẽ bị phạt, hay nói theo Tối Cao Pháp Viện, họ sẽ phải “đóng thuế” phạt. Và đây sẽ là cái nhức răng khá lớn cho chính quyền Obama.

Theo luật, sở thuế IRS năm nay sẽ phải theo dõi, kiểm tra xem a) trong hơn 300 triệu dân Mỹ, ai chưa mua bảo hiểm và phạt họ, và b) những khai báo xin trợ cấp tiền mua bảo hiểm của cả chục triệu người có chính xác hay không, bao nhiêu người khai gian để lấy tiền trợ cấp.

Đối với cơ quan IRS, là cơ quan đã liên tục bị cắt giảm ngân sách và nhân sự trong mấy năm qua, đây là một thử thách họ thật khó đối phó. Chắc khó hơn đi tìm tàu bay Mã Lai bị mất tích trong đại dương. Nếu IRS không làm được việc một cách chu đáo, thì trong tương lai, số người trốn mua bảo hiểm, hay gian lận sẽ gia tăng gấp bội, tăng thêm thất cân bằng tài chánh cho Obamacare, đi đến kết quả là lại phải tăng bảo phí nữa. Một loại vòng luẩn quẩn không lối thoát.

Một “khám phá” mới mà quý độc giả cần biết là tiền trợ cấp bảo hiểm của năm 2014 chẳng hạn, được tính dựa trên lợi tức của năm 2013, nếu năm 2014 lợi tức tăng so với năm 2013, thì cuối năm 2014, người nhận trợ cấp sẽ phải hoàn trả lại Nhà Nước số bội thu qua trợ cấp. Bình thường lợi tức ai cũng tăng mỗi năm, không nhiều thì ít, do đó đại đa số những người nhận trợ cấp có thể sẽ phải hoàn trả lại một phần trợ cấp mỗi năm. IRS sẽ tính ngay vào tiền thuế quý vị phải đóng. Chưa ai biết còn “khám phá” bất lợi nào nữa trong tương lai. (06-04-14)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi rất thích khoa nhân chủng nhưng không có cơ may đến trường để được truyền thụ một cách bài bản về ngành học thú vị này. Hoàn cảnh sống, nói nào ngay, cũng không mấy thích hợp cho nhu cầu tự học. Suốt ngày (và suốt đời) tôi chỉ loanh quanh hàng quán nơi mà những kẻ hay lê la thường nói rất nhiều, dù sự hiểu biết của họ vốn không được bao nhiêu. Ngoài giới hạn về kiến thức, mấy ông bạn đồng ẩm còn có cái tật rất hay tranh cãi (và luôn cãi chầy cãi cối) nên mọi thông tin, từ bàn nhậu, đều không được khả xác hay khả tín gì cho lắm.
“Tham nhũng chính trị, lệch lạc tư tưởng, băng hoại đạo đức và hủ bại về lối sống. Đây là những kẻ thù rất nguy hiểm của Đảng, cần phải loại bỏ.” Tạp chí Xây Dựng Đảng (XDĐ) đã báo động như thế trong bài viết ngày 26/11/2023...
Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) nhìn nhận tình trạng “trẻ hóa” trong suy thoái “tư tưởng chính trị ” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang gây khó khăn cho công tác “xây dựng, chỉnh đốn đảng”...
Năm 2024 là năm bầu cử, một năm gay go thử thách, và đề tài yêu ghét dù muốn hay không muốn đã trở lại trên các trang báo, trong các buổi tranh luận trong gia đình, ngoài xã hội. Chúc bàn tiệc trong năm của quý vị rôm rả những câu chuyện, những cuộc đối thoại bổ ích hai chiều, những thay đổi tốt đẹp. Và xin cảm ơn quý thân hữu, thân chủ đã hỗ trợ, gắn bó cùng hành trình với Việt Báo trong hơn 31 năm qua. Sau cùng là lời tri ân đến các độc giả Việt Báo: chính quý vị, những người đọc khó tính là thành trì giúp Việt Báo trở thành một tờ báo uy tín, chuyên nghiệp.
Năm 2023 tiến vào những ngày cuối cùng, nó sẽ đi qua và không bao giờ trở lại. Lịch sử sẽ đi qua nhưng những việc làm của con người sẽ tồn tại với sự khôn ngoan và ngu ngốc của đa số. Cụm từ ‘con-người-đa-số’ chỉ định ý muốn chung của đa số người. Và ‘con-người-thiểu-số’ đành phải tuân theo. Trò sinh hoạt dân chủ luôn luôn là con dao hai lưỡi có hiệu quả tùy thuộc sở thích của con người đa số. Sở thích? Một thứ tạo ra tốt lành hoặc khổ nạn. Đúng ra là cả hai, nhưng có một trong hai sẽ lớn hơn, đôi khi, lớn gấp bội phần. Nếu khổ nạn quá lớn thì cuộc sống chung sẽ thay đổi, có khi lâm vào mức tồi tệ. Chẳng hạn như trường hợp nước Đức dưới thời Hitler. Ý muốn của con người đa số đam mê nồng nhiệt ý muốn của Hitler. Cho ông ta cơ hội dẫn đầu một quốc gia quyền lực, tạo ra hiệu quả cuộc chiến thế giới thứ hai. Hậu quả tàn khốc đó do ai? Hitler? Đúng một phần.
“Tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong Lực lượng vũ trang nhân dân là mối lo hàng đầu của đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Bằng chứng này đã được Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đưa ra tại Hội nghị Đảng ủy Công an ngày 20/12/2023 tại Hà Nội, và trong nội dung các bài viết trên báo chí chính thống của nhà nước liên quan đến Quân đội...
Người ta nên áp dụng đạo đức vào tài chính trị của Henry Kissinger như thế nào? Làm thế nào để người ta quân bình những thành tựu với những hành vi sai trái của Kissinger? Tôi đã vật lộn với những vấn đề đó từ khi Kissinger là giáo sư của tôi, và sau này là đồng nghiệp tại Đại học Harvard. Vào tháng Tư năm 2012, tôi đã giúp phỏng vấn ông trước một số lượng lớn cử toạ tại Harvard và hỏi liệu ông có làm điều gì khác đi trong thời gian làm ngoại trưởng cho các Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Gerald Ford không. Lúc đầu, ông nói không. Suy nghĩ lại, ông nói rằng ước mình là đã hoạt động tích cực hơn ở Trung Đông. Nhưng ông không đề cập đến Campuchia, Chile, Pakistan hay Việt Nam. Một người phản đối ở phía sau hội trường hét lên: "Tội phạm chiến tranh!"
Việt Nam có còn “độc lập” với Trung Quốc hay không sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng Bí thư, Chủ tịch nhà nước Tập Cận Bình là thắc mắc của người dân Việt Nam. Ông Tập có mặt ở Việt Nam từ 12 đến 13 tháng 12 năm 2023 và đạt được cam kết của Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng về “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc”.
Ngày nay, Chiến lược Phòng thủ Quốc gia của Hoa Kỳ – giống như chiến lược Chiến tranh Lạnh tạo chuẩn mực cho tư duy chiến lược trong những năm từ thập kỷ ‘50 đến ’80 – bị chi phối bởi một tác nhân đe dọa chính, đó là Trung Quốc. Điều này vừa cung cấp thông tin vừa tạo điều kiện cho tất cả các mối đe dọa lớn khác có thể xảy ra: Nga, Iran và Bắc Triều Tiên. Giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ hiện đang lâm vào một cuộc cạnh tranh với đối thủ duy nhất của mình, một cuộc cạnh tranh có khả năng bỏ rơi các thành tựu chính trị, kinh tế và công nghệ. Hoa Kỳ cũng đang ở trong một cuộc chạy đua vũ trang hiện đại, và trong một số trường hợp, chơi trò đuổi bắt và tranh đua để giành tình hữu nghị, gây ảnh hưởng lên các quốc gia khác trên thế giới.
Rồi vào ngày 12/12/2023, tức chỉ sau ba tháng, Việt Nam lại long trọng tiếp đón Chủ Tịch Tập Cận Bình và nói rằng hợp tác và hữu nghị với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược của Việt Nam...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.