Hôm nay,  

Ngày Mai

25/05/201300:00:00(Xem: 6073)
Hiệp định Genève ký kết năm 1954, chiếc máy bay cuối cùng đưa gia đình tôi vào miền Nam. Lần đầu tiên bay bổng trên các tầng mây, cậu bé 8 tuổi đã quên hẳn phố xá Hà Nội, hân hoan với chuyến du hành ngàn dặm vào cuộc sống mới mà vô tư không rõ căn nguyên...

Sau thời gian tạm cư, Bố Mẹ tôi mua căn phố nhỏ trong cư xá Nguyễn Tri Phương. Bố tôi làm pháo Điện-Quang, pháo vừa ra thì chiến sự lan tràn, chính phủ ra lệnh cấm đốt, thương mại của Bố vì thế cũng tịt ngòi! Mẹ tôi đành mở tiệm sách và cho thuê truyện để nuôi đàn con. Trước cửa nhà là một bùng binh sân cỏ rất lớn, xa xa có trường tiểu học. Tôi thường mặc quần xà lỏn, đi chân đất vào lớp sau những trận đá banh, áo quần mồ hôi nhễ nhại. Suốt ngày lêu lổng ngoài đường với đám bạn cùng xóm cả trai lẫn gái. Đánh chuyền, nhẩy lò cò với con gái. Đánh khăng, đánh vụ, đá dế với con trai. Thế nhưng thời gian vui chơi ấy không kéo dài được bao lâu...

Tôi bị rớt trong kỳ thi tuyển vào trường trung học Nguyễn Trãi năm 57, ngẩng cổ cò chẳng thấy tên đâu! Mấy đứa học giỏi như thằng Toản, thằng Quang... đều đậu cả. Nhà nghèo, không thể ghi danh học tư, Bố đã tính gởi tôi cho ông chú chủ tiệm chụp hình ở Tân Định để học nghề phó nhòm... May thay! Vì thấy tôi lo lắng, sợ hãi cho tương lai nên Mẹ can thiệp để tôi tiếp tục được học chữ. Bố đồng ý cho thêm cơ hội và giúp kèm luyện thi nên vào mùa thu 58, tôi đã đỗ vào trường, hãnh diện là học sinh Nguyễn Trãi đồng phục áo sơ mi trắng quần xanh. Giã từ tuổi thơ, những ngày tháng rong chơi.

Buổi tựu trường năm ấy, tâm hồn thơ ngây tự nghĩ đã đủ lớn khôn, nhìn cuộc đời muôn mầu như nắng ấm ban mai chỉ vì tôi vừa gặp mối tình đầu. Người yêu tôi đẹp tự nhiên, mong manh mầu vàng của cánh hoa mai. Nàng nhìn tôi an ủi những lúc lo âu, mang theo viễn ảnh của một ngày mai tươi sáng. Nàng đến bên tôi, yêu thương vô điều kiện, mỉm cười lúc tôi vui hay vỗ về mỗi khi cơn mưa buồn đổ về thành phố. Tên nàng là Mai, viết tắt của hai chữ Ngày Mai...

Thời kỳ này, thuyết hiện sinh từ Âu châu lan tràn vào đất nước, ảnh hưởng nhiều vào đám thiếu niên chúng tôi. Trong học đường hay ngoài xã hội, ai cũng khuyên sống cho hiện tại vì hôm qua là quá khứ còn ngày mai thì chưa đến! Tư tưởng ấy nhanh chóng trở thành phong trào, vì bản chất thực tế của nó, quyến rũ con người hưởng thụ tức thì cuộc sống phù du. Riêng tôi, có lẽ ám ảnh bởi thất bại đầu đời, kỳ thi tuyển bị rớt nên Bố tôi cho là dốt chữ, dự tính bắt học một nghề ở tuổi lên mười hòng sau này nuôi thân... Phán xét ấy đã làm mất đi niềm tự chủ của đứa bé mới chập chững vào đời. Hậu quả là từ đó, tôi nhìn tương lai với nỗi lo âu triền miên...

Ngày Mai đến bên tôi vì cần thiết, bù đắp những trăn trở trong lòng. Tôi luôn luôn sống với Ngày Mai kể từ khi nhập học lớp đệ thất mà quên đi hiện tại hôm nay. Nàng hiện thân cho một ngày mai huy hoàng trong tâm hồn tôi bằng tất cả tưởng tượng cao đẹp của một thiếu niên đang bước vào tuổi dậy thì. Nàng giúp tôi thực hiện giấc mộng đầu đời, nặng ân tình và ước nguyện mai sau.

Làm sao định nghĩa tình yêu của tôi dành cho nàng? Ngày Mai là cả một quãng đường dài đi đến tương lai đang chờ đón tôi dù không biết trước thành công hay thất bại, hạnh phúc hay khổ đau. Ngày Mai chẳng khác gì người tình trăm năm của tôi... ở tuổi lên mười! Duyên kiếp đã an bài để gặp nhau và đi chung đường đời. Ngày Mai, tên của một thiếu nữ yêu kiều, thanh khiết như đêm trăng, hiền dịu như lòng mẹ, ôm trọn giấc mơ đời tôi trong vòng tay, nhẹ nhàng khuyên nhủ hay hoan hỉ chung vui dù sự thành đạt có nhỏ bé như hạt cát trong biển đời. Nàng loanh quanh đâu đó, thật gần mà xa, chẳng bao giờ tôi với tới để ôm được nàng! Ngày Mai là thực... Hiện hữu như bóng người con gái trong sương mờ mang nét ảo của hư vô.

Trên sân trường Nguyễn Trãi giờ ra chơi ngày ấy, tôi là hình ảnh cậu học trò nhút nhát, ít nói vì nỗi niềm u uẩn không tên. Vài người bạn thân ngồi chung bàn, cùng học cùng chơi giới hạn bởi tính tự kỷ nhưng khi về nhà mỗi khi chiều xuống, tôi vẫn có Ngày Mai bên cạnh chia sẻ sự cô đơn để không bao giờ thấy hiu quạnh một mình. Năm tháng dần trôi, thời gian như bóng câu qua cửa, thấm thoát đã đến kỳ thi trung học phổ thông.

Trong căn bếp nhỏ, tôi đứng hàng giờ trước tấm bảng đen để học toán. Trời Saigon mùa hè về khuya nóng bức, muỗi bay vo ve từng đàn nên buổi trưa đi học lúc nào cũng có nhiều vết đỏ vì bị đốt khắp người... nhưng đó vẫn chỉ là chuyện nhỏ ngày hôm nay. Tất cả nghị lực đều tập trung để hướng về một ngày mai trong cảnh bình minh tươi sáng. Xong trung học đệ nhất cấp, phục hồi lại niềm tin do sự nâng đỡ âm thầm của Ngày Mai, hai năm sau tôi đỗ tú tài toàn phần rồi ghi danh vào đại học bên Pháp.

Đến Paris một ngày đầu thu tháng mười 1964, vừa ra khỏi máy bay, tôi đã vấp ngã, nằm sóng soài trên đại sảnh của phi trường Orly vì đôi giầy mới đóng ở tiệm Gia đi chưa quen mà sàn nhà trơn trượt bằng đá cẩm thạch. Hành lý văng tứ tung! Tôi e thẹn thu góp lại cùng với sự giúp đỡ của mấy cô tiếp viên Air France xinh đẹp như người mẫu.

Đau chân mà cũng chẳng dám thổ lộ. Về đến nhà trọ, mới biết Ngày Mai vẫn là bạn đồng hành trong quãng đường viễn du của tôi bên trời Âu. Nàng mỉm cười, như muốn nói đó chỉ là tai nạn nhỏ chẳng đáng bận tâm. Con đường tương lai dài và rộng thênh thang trước mặt sẽ còn nhiều trắc trở nhưng chẳng bao lâu nữa... tôi sẽ bay nhẩy như chim trời đủ lông cánh.

Thời gian xa gia đình, đất nước ngập chìm trong khói lửa, bạn bè mỗi người một phương, Ngày Mai vẫn đến bên tôi như nguồn an ủi duy nhất, nhẹ nhàng cho tôi hiểu nàng vẫn còn đó và ngày mai sẽ không như thế này...

Sống giữa kinh đô ánh sáng mới thực sự hiểu hết ý nghĩa của thuyết hiện sinh. Một trong những người sáng lập là Jean Paul Sartre, ông đã đoạt giải Nobel văn chương cùng năm tôi lên đường sang Pháp. Thỉnh thoảng người ta vẫn gặp ông tản mạn trong vài quán cà phê trên đại lộ St Germain des Prés, tạo nên một hình ảnh thảnh thơi, lôi cuốn con người vào cuộc sống lạc quan, hưởng thụ ngày hôm nay mà quên đi ngày mai đang đến hay sẽ không bao giờ đến!


Những lúc yếu lòng cảm thông với thuyết sống vội, từ xa tôi thấy người yêu tôi khóc. Nước mắt nàng mặn chẩy ngược vào tâm can làm lòng tôi tê dại mang mặc cảm tội lỗi như đã mất Ngày Mai và cả tương lai. Yểu điệu như một cành hoa nhưng chính nàng là động lực mạnh đã vớt tôi lên nhiều lần từ những thèm muốn nhất thời hay hố sâu vực thẳm trên đường đời.

Sau những năm đèn sách, đến lúc tôi phải kiếm việc làm để tạo sự nghiệp. Hăng hái tôi đi khắp miền nước Pháp để trả lời phỏng vấn. Những chuyến tầu đêm xuôi về các tỉnh Toulon, Toulouse, Marseille... nơi có nắng ấm và những bông hoa tím mọc khắp nẻo đường hay lên miền bắc, vùng biển lạnh thuộc các tỉnh Nantes, Caen, Dunkerque... Đôi khi phải ngủ ngồi trong phòng chờ của các ga xe lửa để đổi tầu, gió đêm se lạnh làm tỉnh giấc mỗi lúc cửa mở vì du khách qua lại. Những gian nan ấy vẫn chỉ là hiện tại cho một ngày mai chưa đến. Những ngày đầu đi làm thật khó khăn! Vì mới ra trường hay vì chủng tộc, thường phải nhận nhiệm vụ dưới khả năng nhưng Ngày Mai vẫn ở bên cạnh để nhắn nhủ: “Đó chỉ là tình trạng của hôm nay”. Tôi đã vươn lên từ sức mạnh ấy và chỉ sau một thời gian ngắn là được trọng dụng vào đúng tiêu chuẩn của mình.

Hãng xưởng thường xây cất ở vùng ngoại ô tỉnh nhỏ. Đêm về, một mình đứng dưới trăng sao, giữa không gian thanh vắng, cảm thấy thân phận nhỏ bé trước viễn ảnh cuộc đời. May thay tôi còn có em, Ngày Mai vẫn không dời nửa bước, hứa với tôi, hơn bao giờ hết: “Ngày mai sẽ không là hôm nay”.

Ở tuổi mới lớn, có những cuộc tình lãng mạn với người con gái Tây phương. Đêm đông lạnh, tuyết rơi ngoài song cửa bạc trắng cả khung trời, hương phấn tình yêu còn vương vãi trong chăn ấm trên giường, tôi thấy Ngày Mai quay mặt thở dài... Đôi lúc nàng nằm chen vào giữa khi cuộc tình đang thăng hoa, nói nhỏ chỉ riêng mình tôi hiểu: “Giây phút này chỉ là hạnh phúc của hôm nay...”

Tình yêu đến rồi đi, mong manh như tháng ngày bởi vì tôi vẫn sống bên cạnh Ngày Mai và không chấp nhận hiện tại. Nàng nghĩ đúng! Tình yêu lứa đôi và cuộc sống thường là bài toán khó giải đáp nếu đã có sẵn những dị biệt. Biết vậy, nhưng không lý lẽ nào trên thế gian thu hồi hay giải tán được tình yêu vì thế những lúc thất tình, Ngày Mai đã tạo trong lòng tôi sự chán chường, thất vọng mà chính nàng không hay! Cuối cùng thì nàng vẫn là người tình thuỷ chung, ngăn cản tôi dừng chân dạo ấy ở một bến bờ xa quê hương.

Năm 1975, cơn bão lịch sử đẩy dân tộc vào một khúc quanh. Vì không có ngày về nên tôi càng đi xa đất nước. Hình ảnh Ngày Mai như bảo vật không thể thiếu trong hành trang. Nàng hiện diện để thanh toán nợ nần với tôi như có hẹn từ kiếp trước. Cũng một ngày đầu thu... tháng mười 1976, tôi chấp nhận công việc mới ở Casablanca, đô thị hải cảng vùng Bắc Phi. Chiều nơi miền đất sa mạc xuống âm thầm... đôi khi rất chậm! Nắng vẫn còn vàng trên “thành phố trắng” vào giờ tan sở. Chiều nơi đây mang mầu sắc ảm đạm, dễ gợi nỗi lòng viễn xứ nhớ mong. Bơ vơ trên đất khách quê người, những lần một mình thơ thẩn trên bến tầu nhìn ra bờ Địa Trung Hải, cảnh hoàng hôn có ánh mặt trời đỏ ửng cuối chân mây dâng lên tình hoài hương làm hồn ta bất động. Tôi lại thấy Mai, đứng bên cạnh để gió lùa vào mái tóc, âu yếm ôm ngang tôi với nụ cười trên lưng rồi thủ thỉ bên tai: “Ngày mai, em sẽ về quê hương cùng với anh...”

Vạn vật sống nơi đây, khí hậu của sa mạc bỏng cháy như đất trời, tình người hâm nóng mỗi ngày dưới ánh nắng gay gắt nên yêu đương cũng rộn ràng do lửa lòng thúc đẩy. Những cô gái Ả Rập đẹp như truyện “Ngàn Lẻ Một Đêm” tự bản thân đã mang nhiều bí ẩn nhưng cuối cùng Ngày Mai vẫn sáng suốt giúp tôi tiếp tục con đường mong muốn và không dừng chân ở lại xứ sở huyền bí này.

Đã 25 năm qua, tôi lập gia đình và tạo dựng sự nghiệp mới ở tiểu bang Cali, miền tây nước Mỹ. Xa rồi những năm tháng phiêu bạt giang hồ! Tan rồi những hoài vọng được trở về xây dựng cố hương! May còn có Mai để cuộc đời này còn thấy dễ thương với chút thành đạt hôm nay. Mai vẫn đẹp trong lòng tôi, đôi khi nhìn vợ lại nhớ đến nàng và bây giờ chắc Mai cũng sẵn sàng chấp nhận mối tình cuối đang kề cận bên tôi để nở nụ cười bao dung. Xin gởi em lời cảm ơn bằng tất cả tấm lòng...

“Ngày Mai yêu dấu,

Hai chữ cảm ơn không nói hết được tình nghĩa sâu đậm mà anh đã nợ em. Hôm nay, anh đã già nhưng tình chúng ta thì không. Hình ảnh Ngày Mai trong lòng anh vẫn là cô gái gặp buổi ban đầu nhưng ngày mai của đời anh thì hoàn toàn rút ngắn! Anh đang tận hưởng những ngày hôm nay trong đời, không phải ngày mai... vì chẳng bao lâu nữa sẽ là ngày cuối cùng!

Anh cũng đặt tên của em cho cô con gái út Cao thị Ngày Mai. Trước tiên để tri ơn món nợ ân tình em đã dành cho anh suốt cuộc đời. Sau hết, vì anh không muốn em mãi là “Người Tình Không Chân Dung”. Từ lâu vẫn chỉ là ảo ảnh nên dù em ở gần, anh vẫn thấy xa... Bây giờ mỗi khi nhìn Ngày Mai, hình ảnh em rõ ràng bằng xương bằng thịt.

Sống ở Mỹ, giáo dục thường được nâng đỡ và khuyến khích bằng hành động và lời nói ở mọi trình độ. Ngược lại, giáo dục bên xứ mình thường đạp đổ để xây dựng như trường hợp của anh khi xưa thi trượt vào trung học. Đứng trước sự thất bại, chúng ta nên cố gắng hiểu rõ nguyên nhân và đừng vội phán xét tâm hồn non nớt chưa kịp phát triển của đứa trẻ. Nó có thể bị tổn thương, mất niềm tin vào khả năng tự tìm cho mình một cuộc đời muốn sống trong tương lai. Đó là một điều bất hạnh..

Những ngày còn lại của anh bây giờ phải chăng là hạnh phúc hôm nay? Mỗi ngày một niềm vui vì không vui cũng mất một ngày! Chấp nhận hiện tại vì ngày mai đang lùi dần về phía âm cực nhưng tự đáy lòng, anh không bao giờ muốn Ngày Mai trở thành “néant”...

Yêu một thuở để trọn đời lưu luyến...

Cao Đắc Vinh

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Câu nói của cố thủ tướng Việt Cộng là Võ Văn Kiệt rằng ngày 30-4 có một triệu người vui và một triệu người buồn...
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.