Hôm nay,  

Người Việt và nem, phở ở châu Phi [Bài 3]

25/02/201200:00:00(Xem: 12952)

buivanphu_20120222_nguoivietchauphi_h01_kiotnem-large-content: Ki-ốt bán nem và tôm chiên của người Việt. (ảnh Bùi Văn Phú)

buivanphu_20120222_nguoivietchauphi_h02_ledalat-large-content: Nhà hàng Le Dalat. (ảnh Bùi Văn Phú)

buivanphu_20120222_nguoivietchauphi_h04_khubuonban-large-content: Đường phố trong một khu cư dân lao động. (ảnh Bùi Văn Phú)

buivanphu_20120222_nguoivietchauphi_h05_cuahangbanquanao-large-content: Cửa hàng bán quần áo. (ảnh Bùi Văn Phú)

[Đây là phần cuối của bài kí sự ba kì về chuyến du lịch Ghana và Côte d'Ivoire của tác giả với những gặp gỡ, tiếp xúc đầy bất ngờ và thích thú.]

Ra khỏi chợ Cocody, ngó quanh tìm trạm xe buýt cho chuyến về thì gặp một ki-ốt đặt bên hông chợ với chữ NEM thật to. Thấy người bán là Á đông, tôi hỏi thăm và biết là người Việt. Anh Vương Tường làm chủ ki-ốt, tuổi độ trung niên. Không như mấy tủ nem dưới phố, ki-ốt có bếp ga để chiên nóng tại chỗ và có cả nước mắm chua cay ngọt phục vụ khách.

Nem ở đây to hơn. Bánh tôm chiên nhỏ hơn nhưng đích thực là tôm chiên tẩm bột vì chỉ có đầu con tôm nhúng vào bột với đuôi tôm lòi ra. Tôi mua 4 nem và 2 tôm, 400F. (1USD = 500 CFA là tiền Franc trong các nước nói tiếng Pháp ở miền tây châu Phi)

Với nước mắm, vừa ăn và trò chuyện với anh Tường vì muốn biết ít nhiều về người Việt sinh sống ở đây. Anh kể món nem và tôm chiên nguyên thủy do một người Hoa sống ở Nam Vang qua Việt Nam làm ăn, sau khi cộng sản vào, ông kẹt lại đến năm 1980 qua đây và sống bằng nghề làm chả giò và tôm chiên. Những người da đen bán hàng bên khu Plateau là làm công cho ông. Theo lời anh, bánh tôm chiên nhiều bột là kiểu châu Phi vì người địa phương thích ăn nhiều bột như thế. Còn bánh của anh đúng mốt Việt Nam, bán cho khách đa số là người Pháp cư ngụ trong khu Cocody. Hỏi thăm về người Việt anh cho biết bên khu Marcory có tiệm chạp-phô Sunky, bên Plateau có nhà hàng Hoà Bình là của người Việt làm chủ.

Anh Tường trước có cửa tiệm trên đường Nguyễn Huệ, Sài Gòn, gần toà hoà giải rộng quyền. Cộng sản vào anh kẹt lại đến năm 1980 được bảo trợ qua đây. Anh tưởng Côte d'Ivoire là một tỉnh ở miền nam nước Pháp chứ không biết đây là một xứ châu Phi.

Lúc mới qua anh cũng đi làm mướn, ít lâu sau sang lại ki-ốt để tự do buôn bán. Ngày mở cửa từ 8 giờ sáng đến 1 giờ trưa và chiều từ 4 đến 8 giờ tối. Công việc không vất vả lắm. Ngày đắt khách bán 300 nem và 100 tôm chiên. Ít khách cũng được 200 nem, dăm chục tôm. Sau gần năm năm định cư anh đã mua được chiếc xe hơi Toyota.

Khách hàng đa dạng như tôi quan sát thấy. Có cặp vợ chồng người Phi Luật Tân mua 100 cái chả giò. Vài bà đầm mỗi người năm, bảy cái. Trẻ con cũng thích món ăn vặt này, có 75F là chạy đến mua ngay nem. Mấy em phát âm chữ “nem” nghe rõ ràng. Mấy cô gái Algérie da như bánh mật, mấy cô học trò bản xứ hay ăn quà cũng ghé vào mua đôi ba cái. Trong khoảng một giờ tại ki-ốt tôi ước chừng anh bán được đến hai trăm cái vừa nem rán và tôm.

Quá chiều tôi từ giã anh Vương lên xe buýt về nhà trọ. Khi xe dừng ở một trạm, có hành khách ngồi cạnh cửa sổ đập nhẹ vào tay tôi, rồi chỉ ra phiá ngoài. Ngó ra, qua ánh đèn là những người da đen bản xứ. Bỗng nghe từ đám đông có người hỏi lớn: “Anh người Việt Nam hả?” bằng tiếng Việt chính gốc, nghe không lơ lớ, lai lai. Tôi ngạc nhiên thấy có người da đen nói tiếng Việt sõi quá, rồi trả lời ngay: “Vâng. Tôi người Việt. Anh cũng người Việt hả?”. Thế là câu chuyện giữa hai chúng tôi bắt đầu. Anh hỏi tôi từ đâu đến, làm việc ở đây hay đi du lịch. Hành khách trên xe thấy chúng tôi nói ngôn ngữ lạ nên cười quá trời. Mọi người đã lên xuống hết nhưng tài xế vẫn chưa chạy để hai chúng tôi tiếp tục câu chuyện. Anh nhảy lên xe, nói chuyện tiếp, mời tôi lại nhà chơi vào ngày mai. Tôi nhận lời ngay và được anh chỉ cách cho tôi đón xe buýt đến nhà anh vào sáng mai, lúc 9 giờ. Trước khi từ giã, chúng tôi giới thiệu cho nhau biết tên. Đó là anh Hùng, làm việc soát vé cho công ti xe buýt, vì thế mà tài xế biết anh và đã không chạy khi chúng tôi còn đang nói chuyện với nhau.

Treichville là khu lao động, nhiều nhà trọ, khách sạn rẻ. Hai bên những con đường quanh khu vực tràn ngập hàng quán. Tối về ra quán bên đường ngồi ăn thịt gà, bò hay dê nướng than, vừa uống bia vừa thưởng thức nhạc trong ánh đèn chỗ mờ chỗ tỏ, trong ánh lửa phập phồng của bếp than, nhìn ngắm cuộc sống của cư dân cũng vui say, nhộn nhịp. Đủ loại nhạc: châu Phi với những điệu dễ làm làm người nghe nhún nhảy, nhạc Pháp tình tứ lãng mạn qua giọng hát Nana Mouskouri, Julio Iglesias. Nhạc Mỹ đem đến cho tôi nỗi nhớ nhà, nhất là bài “Hotel California” thịnh hành lúc tôi rời Mỹ, giờ đang vọng ra từ một quán, vang vang bên tai.

Sáng hôm sau tôi qua khu Adjamé gặp anh Hùng như đã hẹn. Anh sống trong một khu dân cư trông xập xệ, nghèo. Lề đường cũng có hàng quán nhưng không nhiều như bên Treichville. Vào khu xóm này tôi như thấy mình đang trở lại khu Bàn Cờ hay Khánh Hội.

Anh dẫn tôi trở lại Treichville ăn sáng kiểu châu Phi. Theo sách du lịch đây là khu bình dân. Ngồi quán ngoài đường uống cà-phê, ăn bánh mì bên cạnh lò than nóng hổi đang đun nước sôi. Chúng tôi kể cho nhau nghe về đời sống. Anh Hùng mang hai dòng máu, Việt và Côte d'Ivoire. Bố theo lính Pháp sang chiến đấu tại Việt Nam thời thập niên 1950. Anh mới được bảo trợ qua xứ này từ năm 1980. Nghĩa là anh Hùng đã sống ở Việt Nam có đến ba chục năm. Nhìn nước da đen của anh tôi nhớ bạn Phước học cùng lớp thời trung học ở trường Nguyễn Bá Tòng. Phước cũng là đứa con lai da đen, vui tính, rất thích kể chuyện và nhất là thích xướng giọng nhiều bài hát cộng đồng. Như thế anh Hùng hơn tôi vài tuổi, sống ở Việt Nam lâu hơn tôi vì năm 1975 tôi đã qua Mỹ và giờ làm việc ở châu lục này. Hai năm qua tôi không có dịp nói tiếng Việt nhiều như hôm nay.

Nghe kể về bố và cuộc đời anh, tôi liên tưởng đến một thời dư luận Sài Gòn xôn xao khi Tổng thống Cộng hoà Trung Phi Bokassa đi tìm con gái mà ông bỏ lại Việt Nam thời lính đã trở thành câu chuyện “cô bé lọ lem”. Anh Hùng không có phúc như thế, nhưng nay cũng đã ra khỏi Việt Nam là điều may mắn cho anh. Các lãnh đạo ở châu Phi tôi biết còn có Tổng thống Gnassingbé Eyadéma của Togo cũng là lính viễn từng chinh phục vụ ở Đông Dương.

Ăn sáng xong anh đưa tôi đi quanh chợ. Đây là khu chợ bình dân nổi tiếng buôn bán sầm uất nhất thành phố. Nhiều cửa hàng quần áo. Anh chỉ cho thấy mấy tiệm tạp hoá và thực phẩm của người Việt, một tiệm tên Nam Định với nhiều đồ gia dụng nhôm nhựa treo phiá trước.

Tôi mời anh đi ăn trưa và đề nghị nhà hàng Le Dalat mà anh có biết.

Lên xe buýt. Đến nơi mới thấy Le Dalat không xa Kim Hoa chỗ ăn trưa hôm qua, chỉ cách nhau mươi bước.

Ngoài hiên có người đàn ông gốc Á đang phì phào thuốc lá. Chưa đến giờ mở cửa nhưng ông mời chúng tôi vào sân trò chuyện. Khi biết tôi là người Việt đến từ Hoa Kỳ, ông kể cho nghe về những chuyến đi Mỹ của ông, đến San Francisco, ghé San Jose ăn Phở Saigon, xuống nam California ăn Phở 79. Biết tôi thích phở và là người đến từ California, ông lên tiếng bảo đảm: “Nhà hàng của tôi không quảng cáo rầm rộ, nhưng bảo đảm với anh là ngon và rẻ vô địch. Không ai bì được.” Xin phép hỏi tên. Ông giới thiệu quý danh Đỗ Đắc Lộc, nguyên tổng lãnh sự Việt Nam Cộng Hoà tại đây trước năm 1975. Sau khi miền Nam đầu hàng ông và gia đình chọn ở lại đây định cư và mở quán ăn vài năm nay.

Nhà hàng bên trong không lớn lắm. Trang nhã với mấy bình sứ Việt, ít lồng đèn Tầu, vài bức tranh trên tường, hoa trên bàn.

Tôi muốn ăn phở. Anh Hùng cũng thế. Tôi gọi hai phở bắc và dĩa bì cuốn ăn thêm. Bác Lộc cho biết không như những quán ăn Việt khác với thực phẩm nhập cảng từ Pháp, còn Le Dalat nhập cảng từ Hoa Kỳ. Mỗi năm bác đều qua California nghỉ hè, khi về đem theo nhiều tấn hàng.

Trên tờ thực đơn, phiá sau có bài báo New York Times năm 1982 giới thiệu nhà hàng, nội dung khen Le Dalat thuần túy Việt, ngon và rẻ. Tác giả cũng dùng chữ “nem” trong bài để nói về món chả giò của quán và cách ăn là cuốn với sa-lát, rau thơm, chấm nước mắm là ngon hết ý.

Hỏi về lịch sử món nem trên đường phố bác Lộc nói do mấy ông lính Lê Dương đem về nước sau thời gian phục vụ ở Đông Dương.

Người con của bác bưng ra hai tô phở tái bốc khói, thơm phức. Anh Hùng hỏi giá sống, bác nói mấy bữa nay nóng không làm giá được. Tôi hỏi rau thơm thì có húng quế. Tôi chầm chậm thưởng thức món quốc hồn quốc tuý của quê hương nơi vùng đất lạ. Phải công nhận phở Le Dalat vừa rẻ, 900F một tô lớn, thơm ngon không thua gì phở 13 ở San Jose. Bì cuốn giá 730F cũng ngon, nhất là mùi húng rất đượm, chắc do bởi khí hậu nhiệt đới giống ở Việt Nam.

Rời quán Le Dalat chúng tôi chia tay nhau vì đến giờ anh Hùng phải đi làm. Tôi cám ơn anh đã bỏ thời giờ đón tiếp và hướng dẫn tham quan ít nơi ở xứ Ngà, cho tôi hiểu biết hơn về đời sống thường nhật, về người Việt ở đây. Tôi hẹn anh có dịp gặp nhau bên Mỹ.

Mấy ngày du lịch Abidjan tôi còn gặp mấy nhà hàng bán thức ăn Việt nữa: Baguette d'Or, Kim Sơn, Hoà Bình, Santal, Mekong và ghé ăn thử vài nơi với các món cơm, sào. Nhưng ngon, rẻ và đầy hương vị Việt Nam nhất là Le Dalat.

Lúc ăn ở Le Dalat, đọc bài trên New York Times có ghi nhận số người Việt sinh sống ở đây hơn 3 nghìn.

Ở một nơi rất xa quê hương, chỉ có vài nghìn người Việt trong số hơn một triệu cư dân mà Abidjan cũng có đến chục nhà hàng, nhiều ki-ốt bán nem, bánh tôm chiên bên đường, có vài tiệm thực phẩm Việt. Món ăn Việt như thế cũng hấp dẫn và được phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới đấy chứ.

© 2012, 1985 Buivanphu.wordpress.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chúng ta đang bước vào năm bầu cử. Năm 2024 sẽ có một cuộc bầu cử có tính quyết liệt, vì các lựa chọn chắc chắn sẽ gây tranh cãi trong nội bộ cộng đồng gốc Việt, trong các gia đình người Việt, giữa các lựa chọn về cấp tiến và bảo thủ, giữa các thế hệ trẻ và già ở hải ngoại. Và chắc chắn là bầu cử tháng 11/2024 tại Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng tới cuộc chiến Trung Đông, cuộc chiến ở Ukraine, và ở cả Đài Loan. Tác động như thế nào, chúng ta khó đo lường hết tất cả các ảnh hưởng. Trong đó, một tác động lớn là từ tin giả, nói kiểu Mỹ là Fake News, tức là tin không thật.
Tôi rất thích khoa nhân chủng nhưng không có cơ may đến trường để được truyền thụ một cách bài bản về ngành học thú vị này. Hoàn cảnh sống, nói nào ngay, cũng không mấy thích hợp cho nhu cầu tự học. Suốt ngày (và suốt đời) tôi chỉ loanh quanh hàng quán nơi mà những kẻ hay lê la thường nói rất nhiều, dù sự hiểu biết của họ vốn không được bao nhiêu. Ngoài giới hạn về kiến thức, mấy ông bạn đồng ẩm còn có cái tật rất hay tranh cãi (và luôn cãi chầy cãi cối) nên mọi thông tin, từ bàn nhậu, đều không được khả xác hay khả tín gì cho lắm.
“Tham nhũng chính trị, lệch lạc tư tưởng, băng hoại đạo đức và hủ bại về lối sống. Đây là những kẻ thù rất nguy hiểm của Đảng, cần phải loại bỏ.” Tạp chí Xây Dựng Đảng (XDĐ) đã báo động như thế trong bài viết ngày 26/11/2023...
Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) nhìn nhận tình trạng “trẻ hóa” trong suy thoái “tư tưởng chính trị ” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang gây khó khăn cho công tác “xây dựng, chỉnh đốn đảng”...
Năm 2024 là năm bầu cử, một năm gay go thử thách, và đề tài yêu ghét dù muốn hay không muốn đã trở lại trên các trang báo, trong các buổi tranh luận trong gia đình, ngoài xã hội. Chúc bàn tiệc trong năm của quý vị rôm rả những câu chuyện, những cuộc đối thoại bổ ích hai chiều, những thay đổi tốt đẹp. Và xin cảm ơn quý thân hữu, thân chủ đã hỗ trợ, gắn bó cùng hành trình với Việt Báo trong hơn 31 năm qua. Sau cùng là lời tri ân đến các độc giả Việt Báo: chính quý vị, những người đọc khó tính là thành trì giúp Việt Báo trở thành một tờ báo uy tín, chuyên nghiệp.
Năm 2023 tiến vào những ngày cuối cùng, nó sẽ đi qua và không bao giờ trở lại. Lịch sử sẽ đi qua nhưng những việc làm của con người sẽ tồn tại với sự khôn ngoan và ngu ngốc của đa số. Cụm từ ‘con-người-đa-số’ chỉ định ý muốn chung của đa số người. Và ‘con-người-thiểu-số’ đành phải tuân theo. Trò sinh hoạt dân chủ luôn luôn là con dao hai lưỡi có hiệu quả tùy thuộc sở thích của con người đa số. Sở thích? Một thứ tạo ra tốt lành hoặc khổ nạn. Đúng ra là cả hai, nhưng có một trong hai sẽ lớn hơn, đôi khi, lớn gấp bội phần. Nếu khổ nạn quá lớn thì cuộc sống chung sẽ thay đổi, có khi lâm vào mức tồi tệ. Chẳng hạn như trường hợp nước Đức dưới thời Hitler. Ý muốn của con người đa số đam mê nồng nhiệt ý muốn của Hitler. Cho ông ta cơ hội dẫn đầu một quốc gia quyền lực, tạo ra hiệu quả cuộc chiến thế giới thứ hai. Hậu quả tàn khốc đó do ai? Hitler? Đúng một phần.
“Tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong Lực lượng vũ trang nhân dân là mối lo hàng đầu của đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Bằng chứng này đã được Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đưa ra tại Hội nghị Đảng ủy Công an ngày 20/12/2023 tại Hà Nội, và trong nội dung các bài viết trên báo chí chính thống của nhà nước liên quan đến Quân đội...
Người ta nên áp dụng đạo đức vào tài chính trị của Henry Kissinger như thế nào? Làm thế nào để người ta quân bình những thành tựu với những hành vi sai trái của Kissinger? Tôi đã vật lộn với những vấn đề đó từ khi Kissinger là giáo sư của tôi, và sau này là đồng nghiệp tại Đại học Harvard. Vào tháng Tư năm 2012, tôi đã giúp phỏng vấn ông trước một số lượng lớn cử toạ tại Harvard và hỏi liệu ông có làm điều gì khác đi trong thời gian làm ngoại trưởng cho các Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Gerald Ford không. Lúc đầu, ông nói không. Suy nghĩ lại, ông nói rằng ước mình là đã hoạt động tích cực hơn ở Trung Đông. Nhưng ông không đề cập đến Campuchia, Chile, Pakistan hay Việt Nam. Một người phản đối ở phía sau hội trường hét lên: "Tội phạm chiến tranh!"
Việt Nam có còn “độc lập” với Trung Quốc hay không sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng Bí thư, Chủ tịch nhà nước Tập Cận Bình là thắc mắc của người dân Việt Nam. Ông Tập có mặt ở Việt Nam từ 12 đến 13 tháng 12 năm 2023 và đạt được cam kết của Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng về “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc”.
Ngày nay, Chiến lược Phòng thủ Quốc gia của Hoa Kỳ – giống như chiến lược Chiến tranh Lạnh tạo chuẩn mực cho tư duy chiến lược trong những năm từ thập kỷ ‘50 đến ’80 – bị chi phối bởi một tác nhân đe dọa chính, đó là Trung Quốc. Điều này vừa cung cấp thông tin vừa tạo điều kiện cho tất cả các mối đe dọa lớn khác có thể xảy ra: Nga, Iran và Bắc Triều Tiên. Giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ hiện đang lâm vào một cuộc cạnh tranh với đối thủ duy nhất của mình, một cuộc cạnh tranh có khả năng bỏ rơi các thành tựu chính trị, kinh tế và công nghệ. Hoa Kỳ cũng đang ở trong một cuộc chạy đua vũ trang hiện đại, và trong một số trường hợp, chơi trò đuổi bắt và tranh đua để giành tình hữu nghị, gây ảnh hưởng lên các quốc gia khác trên thế giới.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.