Hôm nay,  

Những Người Lính Úc Trong Thời Chiến Tranh Việt Nam

31/07/201000:00:00(Xem: 6265)

Những Người Lính Úc Trong Thời Chiến Tranh Việt Nam

Viện Bảo Tàng tên “National Vietnam Veterans Museum”.

Chân-Quê: Diamond Bích-Ngọc
Đầu tháng 10, năm 1981, nhờ gia-đình “Vovinam” do Võ-Sư Trần-Huy-Phong tổ-chức; sau ba ngày đêm vượt biển, tàu của chúng tôi được giàn khoan dầu quốc-tế cứu vớt và đưa vào Pulau Bidong; một hòn đảo ở Mã-Lai-Á.  Lúc bấy giờ trên Bidong có khoảng hơn 7000 người dân Việt tỵ-nạn.  Vì có chút ít vốn liếng tiếng Anh tôi đã học cả năm Trời chuẩn bị đi vượt-biên từ cô-giáo Thức (phu-nhân của thầy Đoàn-Viết-Hoạt) nên tôi vào làm thư-ký cho văn-phòng Cao-Ủy-Liên-Hiệp-Quốc trong trại.  “Boss” của tôi là ông Henrry, người nước Úc (tôi không còn nhớ Last-Name của ông). 
Hụt hẫng, chơi vơi khi một thân, một mình vượt biển xa nhà, đến được vùng đất tạm-dung.  Không thân-nhân họ hàng ở ngoại-quốc nên tôi chẳng biết mình sẽ đi về đâu định-cư để bắt đầu cho cuộc đời lưu-vong.  Những người ở cùng đảo đều khuyên tôi nên “ghép hộ” với một gia-đình nào đó để được đi Mỹ.  Vì ai ai lúc bấy giờ cũng nghĩ Hoa-Kỳ là “Number One”.  May sao có ông Henrry; ông đề nghị tôi nên đi Úc, ông bảo: “Dân Việt-Nam tỵ-nạn qua Úc đã khá đông rồi, diện ưu-tiên cho những người biết nghề làm bánh-mì,  (đây là lý-do sau này tôi mới nhận ra ở các thành-phố lớn như Melbourne, Sydney, Brisbane có rất nhiều cửa tiệm Bakery do người Việt làm chủ).  Nhưng số lượng Nam nhiều hơn Nữ.  Vì vậy, nước Úc dễ dàng đón nhận những người Nữ độc-thân như tôi cho quân-bình giới-tính.  Nếu chấp thuận, chỉ một tuần sau tôi sẽ được qua trại chuyển-tiếp ở Kuala Lumpur và không lâu tôi sẽ được định cư ở thành-phố Melbourne, Australia”.
Nghe nói sẽ được đi ngay nhờ sự trợ giúp của ông Henrry; tôi mừng thầm vì thú-thật ở đảo Pulau-Bidong mới được một tuần lễ, thiếu thốn trăm bề, nấu ăn phải thổi lửa bằng củi.  Nằm ngủ ván gỗ trong một mái nhà tranh ở khu “C”; dù sát cạnh bờ biển nghe sóng vỗ hằng đêm nhưng lúc nào cũng phập nhồng lo sợ vì nhà không có cửa chốt, then gài cho thân-phận con gái như tôi.  Nỗi sợ lớn nhất là trên đảo có rất nhiều dán và nghe nói cả chuột nữa; tôi đã có lần té xỉu ngay tại chỗ bởi một con dán đậu trên vai mình và được bà con hàng xóm “CẤP CỨU” kịp thời.  Nếu không làm gì tôi có được ngày đi Úc, một đệ tam quốc-gia đang mở cửa đón chào.
Đúng như lời ông Henrry, chỉ một tuần sau tôi dời đảo Pulau-Bidong; bước chân lên cây cầu người tỵ-nạn thường gọi là “Zét-Ti”, mang theo bao kỷ-niệm của đúng ba tuần lễ ở đây.  Niềm rưng rưng nghẹn ngào lẫn trong tiếng hát của chính tôi đã thâu ở “Phòng Thông-Tin” nhạc phẩm “Hẹn Nhé!”; thường được phát ra trên loa phóng-thanh nhằm tiễn những người dời đảo đi định-cư;  đây là một sáng tác của tác-giả Hà-Thúc-Sinh:  “Hẹn nhé! Hẹn nhe! Hẹn gặp lại nhé dẫu cho dòng đời chia rẽ.  Hẹn nhe! Hẹn nhé! Hẹn gặp nhau nhe dẫu có lạc loài bơ-vơ.  Địa-cầu thênh-thang chiếc lá đời mình xa đưa.  Bạn ơi!  Đừng quên hẹn nơi Việt-Nam; đời lưu-vong hãy nhớ nhau trong lời nguyện cầu…Hẹn giữa Việt-Nam, một ngày mai đất nước huy-hoàng…”
Tôi đặt chân đến miền “Down Under” vào ngày 2, tháng 12, năm 1981.  Sửa soạn cho những ngày hè nóng nực ở Melbourne.  (Nên nhớ: mùa đông ở Mỹ thì Úc ngược lại là vào Hạ).  Cũng xin nói thêm; “Down Under” là tiếng lóng của người Úc (Australian Slang).  Ý chỉ nước Úc và New Zealand vì vị-trí trên bản-đồ thế-giới nằm tận dưới nam bán cầu.  Tôi còn học được thêm nhiều tiếng lóng khác như: “Aussie”: người Úc. “Cranky”: giận hờn, khó chịu. “Roo”: con Đại-Thử Kangaroo. “Chook”: con Gà.  “Maccas”: McDonald’s. “Jackaroo”: bàn tay người đàn ông nông-dân.  Người Úc gặp gỡ chào nhau bằng câu: “How are you, Mate"” Chữ “Mate” phát-âm theo tiếng Việt giống chữ “Mầy” (Tao) có nghĩa là: bạn thân “buddy, friend”.
Thời ấy, người dân tỵ-nạn như tôi được đối xử hết sức tử tế.  Ở trong khách-sạn, gọi là “Hostel” được cung cấp ngày ba bữa: Breakfast, Lunch, Dinner.  Phòng ngủ có người làm giường, “clean-up” mỗi ngày.  Đi học tiếng Anh và được trả lương (lúc ấy là hơn 50đô Úc cho 2 tuần lễ); nếu không đi học thì sẽ bị cúp ngay tiền này.  Có những lớp dạy về “Hội-Nhập Đời Sống Mới” chỉ cho những người “Chân-Quê” mộc mạc như tôi cách sống văn-minh.  Như đi đến bưu-điện, tiệm ăn, quầy trả tiền, cơ-quan, ngân-hàng… Phải xếp hàng thứ-tự, không được chen lấn, la hét om-sòm. Giữ gìn vệ-sinh nơi công-cộng, không vứt rác hoặc khạc nhổ bừa bãi, dơ dáy.  Không tự tiện lấy hàng-hóa, thức ăn bỏ túi mà không trả tiền.  Không khai gian lận để lãnh tiền trợ-cấp của chính-phủ v.v và v.v…
Sau sáu tháng ở Hostel, tôi bắt đầu đi học ngành “Social Worker” từ buổi chiều đến tối vì ban ngày phải đi làm để kiếm tiền gửi về Việt-Nam biếu gia-đình, bè bạn.  Công việc đầu tiên của tôi là làm ở hãng may, còn nhớ những ngày đầu vừa may quần Jean, áo Sơ-Mi vừa ngậm nước mắt tủi thân, ở bên quê nhà quen ăn sung, mặc sướng.  Dầu Việt-Cộng đổi tiền bao nhiêu lần sau 30, tháng 4, năm 1975.  Tôi vẫn không biết hạt “BoBo” là gì.  Nhờ Mẹ tôi chắt chiu, khôn khéo, quán-xuyến không để gia-đình bị đói một ngày nào.  Tôi chỉ biết đi học, vui chơi thể-thao và ca hát.   
Hết công việc may vá, tôi chuyển qua làm hãng đinh bụi sắt mù trời.  Nhiệm vụ của tôi là bấm nút cho đinh từ trên một máng-xối đổ vào hộp “ca-tông” , sau đó đậy nắp hộp lại, chất lên xe “fork-lift” cho đầy khay và cứ thế những động tác liên-tục trong suốt 8 tiếng một ngày.  Đến chiều vào lớp học ngủ gà, ngủ gật.  Tay tôi lúc nào cũng dán băng keo vì các vết thương trầy da, rướm máu bởi đinh đâm.
Mẹ tôi vẫn dặn: “Có Công Mài Sắt, Có Ngày Nên Kim”.  Cặm cụi học một thời-gian, tôi kiếm được công việc văn-phòng làm cho Hội-Đồng-Thành-Phố Springvale,  tiểu-bang Victoria.  Rồi đến cơ-quan “VICSEG” (viết tắt của chữ VIctoria-Co-operation-Services-of-Ethnic-Group) ở thành-phố Melbourne.  Vì nước Úc luôn luôn tôn-trọng nền văn-hóa của người di-dân.  Được mệnh danh là “Multi-Culture” (đất nưóc Đa-Văn-Hóa) nên trong các sinh-hoạt như họp-hành từ học-đường đến cơ-quan chính-phủ, tiếng nói về nhu-cầu của mọi sắc dân thiểu-số được lắng nghe và giải-quyết thỏa đáng.   Một trong những “Project” tôi tham-gia đó là “Bi-Lingual” (Song-Ngữ) cho giới trẻ Việt-Nam, được duy-trì tiếng Mẹ đẻ nhưng vẫn không ngừng phát triển tiếng Anh để giao-tế và học-hành với người bản xứ.  Thời ấy, tôi đã thực-hiện một “cassete” sau này chuyển qua “CD” nhạc song-ngữ cho thiếu-nhi mang tên “Tuổi Hồng” gồm hơn mười bài hát như: “Cờ Lau Tập Trận, Tết Trung-Thu, Cái Nhà Của Ta…”  Quý độc-giả có thể nghe toàn bộ CD này trên web: www.diamondbichngoc.com, mục: “Âm-Nhạc”.  Đến năm 1993, tôi bán lại bản-quyền với giá $1,000US cho trung-tâm “Thế-Hệ-Trẻ” ở Hoa-Kỳ độc quyền phát-hành.  Toàn bộ số tiền ấy tôi đã giao lại cho hội thiện-nguyện “Chữ Thập Xanh” ở quận Cam để đem về giúp các trẻ em cô-nhi tàn-tật tại Việt-Nam.


Nhờ công việc “Cán-Sự Xã-Hội” ở Melbourne, tôi được dịp gặp những người lính Úc đã từng tham-gia chiến-tranh Việt-Nam.  Còn nhớ trong một bữa tiệc hội-ngộ các Cựu-Chiến-Binh Úc-Việt, tôi phụ trách mục tiếp-tân và văn-nghệ với chương-trình song-ngữ.  Phần mở đầu, các cựu-chiến-binh Úc bước lên sân-khấu hát chung một bài nhạc vô-cùng dí-dỏm với nguyên văn như sau:
…“Úc-Thòi-Lòi”. Cheap Charlie. He No Buy Me Saigon Tea. Saigon Tea Cost Many, Many Pieces, “Úc-Thòi-Lòi” He Cheap Charlie…
Tôi tò-mò hỏi chuyện làm quen. Họ mới kể rằng từ năm 1962 có khoảng hơn 50 ngàn người lính Úc được đưa vào Việt-Nam để tham-chiến, là quân-đội đồng-minh của lính Mỹ và Việt-Nam-Cộng-Hòa. Đến 1973 thì những toán lính Úc cuối cùng rút quân về nước.  Ước lượng có hơn 2400 chiến-binh Úc bị thương và khoảng 520 người tử-trận trên quê-hương Việt-Nam.  Đồn trú của quân-đội Úc phần lớn ở tỉnh Bà-Rịa, Phước-Tuy. Vũng-Tàu.  Ngoài việc đánh giặc, họ đã mở các lớp dậy học tiếng Anh, dậy các môn thể-thao cho thanh-thiếu-niên Việt-Nam cũng như trình diễn văn-nghệ ngoài Trời tại đây. 
Khi hỏi về ý-nghĩa bài hát trên.  Tôi được nghe giải thích rằng:  Lính Úc không thích vào quán “Bar” như lính Mỹ, vì thế họ mới bị mang tiếng “Cheap” (kẹo) không chi-tiền cho những cô-gái tiếp-viên của các quán Bar này.  Nhưng họ rất giỏi trong những chiến-thuật đánh nhau với quân giặc. “Charlie” là tiếng lóng ý-chỉ “Việt-Cộng” khi nhắn tin cho nhau trên máy truyền-thanh trong lúc giáp trận.  Chữ  “Úc-Thòi-Lòi” trở thành quen thuộc vì người Việt-Nam hay nói “Úc-Đại-Lợi”; người Úc không phát-âm đúng cách bỏ dấu nên nói trại thành “Úc-Thòi-Lòi”.
Đã có lần trong một bài viết mang tên “Vùng Đất Lành Chim Đậu” chúng tôi có nói sơ qua về nước Úc, xin được phép viết lại như sau:
Trước kia Úc-Đại-Lợi được coi như là một Châu.  Người Việt-Nam ta thường có câu : “Đi Khắp Năm Châu, Bốn Bể”, ý nói về: Châu Á, Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ và Châu Úc. Ngày nay, trong các học đường, sách Gíáo-Khoa dạy là Thế-Giới gồm bảy Châu:  Châu Á, Châu Âu, Châu Phi, Nam Mỹ Châu, Bắc Mỹ Châu, Nam-Cực-Châu và Đại-Dương-Châu.  Trong đó Úc-Châu nằm trong Đại-Dương-Châu.
Nước Úc nằm giữa nước Ấn-Độ và Nam Thái Bình Dương, cách miền Tây-Nam của Bắc Mỹ là bảy ngàn dặm (khoảng mười một ngàn cây số).  Cách vùng Đông Nam, vùng đất chính của Á Châu (main-land of Asia)  hai ngàn dặm (khoảng ba ngàn hai trăm cây số). Nước Úc nằm ở phía Nam-Bán-Cầu. (Bắc-Bán-Cầu và Nam-Bán-Cầu chia đôi bởi đường xích-đạo).
Tên gọi “Australia” khởi nguồn từ tiếng La-Tinh, từ chữ “Auster”. Có nghĩa là “Gió miền Nam” ý chỉ phương Nam (Southern). Thổ dân Úc đầu tiên là người da đen “Aborigines”, họ đã có mặt trên đất Úc khoảng bốn đến năm mươi ngàn năm B.C (Before Christ.: trước Thiên-Chúa Giáng-Sinh).
Vào năm 1606 A.D (sau Thiên-Chúa Giáng-Sinh, A.D tiếng La-Tinh viết tắt từ chữ: “Anno-Domini”, có nghĩa là kỷ-nguyên của Thiên-Chúa), có ông Williams Zens, là người Âu-Châu đầu tiên khám phá ra đất Úc. Sau đó,  năm 1770, ông James Cook tìm đến và khai thác bờ biển miền Đông nước Úc, ông đặt tên cho vùng này là New-South-Wales (N.S.W) và coi như đây là lãnh thổ của người Anh (England).  N.S.W ngày nay là một trong những tiểu bang của nước Úc, thành phố Sydney có rất đông người Việt cũng là thành phố chính của tiểu bang này. Vào năm 1788, người Anh dùng vùng N.S.W để làm thuộc địa chứa tù nhân.
Mãi đến năm 1901, nước Úc mới được độc lập, đương kim chính-phủ lúc bấy giờ lấy thành phố Melbourne, thuộc tiểu bang Victoria làm Thủ-Đô tạm thời.  Sau này, vào năm 1927, chính-phủ Úc dời Thủ-Đô từ Melbourne về Canberra.  Cho đến ngày nay Canberra vẫn là Thủ-Đô của nước Úc.
Từ năm 1967, chính-phủ Úc mới bắt đầu có những chương trình lo cho người Thổ-Dân (Aborigines) như về sức khỏe (Health-Care), về tiền trợ cấp (Welfare), nhà cửa (Housing) v.v..
Hơn một thế-kỷ trước, nhiều sắc dân trên toàn thế giới đã đến nước Úc để tìm vàng.  Ngày nay còn rất nhiều di-tích cổ của những vùng mỏ vàng.  Có hơn năm mươi sắc dân di cư đến Úc, nhất là sau năm 1975, làn sóng người Việt tỵ nạn được đến Úc định cư ngày càng gia tăng, chính-phủ Úc đã lo đầy đủ vấn đề An-Sinh Xã-Hội, Y-Tế, Giáo-Dục… trong quy-chế cho người tỵ-nạn chúng ta.  Họ chấp nhận và tôn trọng nền văn-hóa, phong tục của mọi sắc dân, vì thế nước Úc được coi là một nước “Đa Văn Hóa” (Multi-Cuture).  Người Việt tỵ nạn phần nhiều định cư tại các thành-phố lớn là Sydney, Melbourne và Brisbane, một số ít đi về vùng Adelaide (miền Nam nước Úc) và có ít người Việt ở Perth (miền Tây-Nam nước Úc) cũng như vùng Darwin (nơi rất nhiều thổ-dân thuộc miền cực Bắc nước Úc). 
Theo giòng đời trôi nổi, ngày nay dù đã định-cư ở California, Hoa-Kỳ nhưng kế-hoạch trong tương-lai của “Chân-Quê” tôi là sẽ về lại dưỡng già ở Australia.  Tôi vẫn còn giữ liên lạc với những Cựu-Chiến-Binh Úc.  Tôi cũng có những người bạn độc-thân là lính Việt-Nam-Cộng-Hòa ở Mỹ, di-dân từ Mỹ sang nước Úc bằng cách lấy vợ quốc-tịch Úc và hiện nay họ được hưởng lương bổng, quyền-lợi y-tế đầy đủ suốt đời; cuộc sống vô cùng ổn định và điểm đặc-biệt là chúng ta không bao giờ có thể tìm thấy những người Vô-Gia-Cư  “Homeless” cầm bảng có ghi chữ: “Vietnam Veterans” để xin tiền nơi đầu đường, góc phố tại Australia.
Tại một hòn đảo rất đẹp là Phillip Island, Victoria. Australia có một Viện-Bảo-Tàng mang tên: “National Vietnam Veterans Museum” lưu dấu thời chiến-tranh Việt-Nam. Gồm rất nhiều các kỷ-vật, hình-ảnh, xe-tăng, trực-thăng… Được xây dựng từ ngày 9, tháng 3, năm 2007 bởi ông Steve Bracks MP khởi xướng.  Nơi đây cũng có một quán Café tên: “Núi Đất” rất dễ-thương để các Cựu-Chiến-Binh gặp gỡ, hàn huyên tâm-sự.
 Tôi cũng được thông-báo là “National Council of The Vietnam Veterans Association of Australia at its May 2010, National Congress” đã đồng-ý cho “Hội Cựu-Chiến-Binh Úc Tham-Chiến Việt-Nam Chi-Nhánh Tasmania” (The Tasmania Branch of the Vietnam Veterans Association of Australia) đứng ra tổ-chức ngày hội-ngộ của các Cựu-Chiến-Binh khắp nơi trên thế-giới vào thứ Năm: 18, tháng 8, 2011 ở thành-phố Hobart thuộc đảo Tasmania. Australia.  Hãy liên lạc “the Branch Secretary Mrs. Ann Cash qua email    vvtassec@yahoo.com, để ghi danh và biết thêm chi-tiết.  Còn cả hơn một năm để quý vị dư thời-gian thu-xếp qua Úc, trước là tham-dự buổi sinh-hoạt này, sau là có dịp tìm hiểu về nước Úc.
Muốn biết rõ về quyền lợi của người Cựu-Chiến-Binh-Quân-Lực Việt-Nam-Cộng-Hòa quý Cựu-Quân-Nhân có thể liên lạc trực-tiếp với Giám-Đốc Điều-Hành ông Peter Britght.  Địa-chỉ: Anzac House, 4 Collins Street, Melbourne Vic. 3001.  Số điện-thoại nếu gọi từ Hoa-Kỳ: 011-613-9655-5588.
(Chân-Quê: Diamond Bích-Ngọc. Viết trong niềm Tri-Ân và mong là nhịp-cầu-nối giữa các Cựu-Chiến-Binh Úc và Cựu-Quân-Nhân Quân-Lực Việt-Nam-Cộng-Hòa khắp nơi trên Thế-Giới.)
Thứ Sáu: 30, tháng 7, năm 2010).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chúng ta đang bước vào năm bầu cử. Năm 2024 sẽ có một cuộc bầu cử có tính quyết liệt, vì các lựa chọn chắc chắn sẽ gây tranh cãi trong nội bộ cộng đồng gốc Việt, trong các gia đình người Việt, giữa các lựa chọn về cấp tiến và bảo thủ, giữa các thế hệ trẻ và già ở hải ngoại. Và chắc chắn là bầu cử tháng 11/2024 tại Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng tới cuộc chiến Trung Đông, cuộc chiến ở Ukraine, và ở cả Đài Loan. Tác động như thế nào, chúng ta khó đo lường hết tất cả các ảnh hưởng. Trong đó, một tác động lớn là từ tin giả, nói kiểu Mỹ là Fake News, tức là tin không thật.
Tôi rất thích khoa nhân chủng nhưng không có cơ may đến trường để được truyền thụ một cách bài bản về ngành học thú vị này. Hoàn cảnh sống, nói nào ngay, cũng không mấy thích hợp cho nhu cầu tự học. Suốt ngày (và suốt đời) tôi chỉ loanh quanh hàng quán nơi mà những kẻ hay lê la thường nói rất nhiều, dù sự hiểu biết của họ vốn không được bao nhiêu. Ngoài giới hạn về kiến thức, mấy ông bạn đồng ẩm còn có cái tật rất hay tranh cãi (và luôn cãi chầy cãi cối) nên mọi thông tin, từ bàn nhậu, đều không được khả xác hay khả tín gì cho lắm.
“Tham nhũng chính trị, lệch lạc tư tưởng, băng hoại đạo đức và hủ bại về lối sống. Đây là những kẻ thù rất nguy hiểm của Đảng, cần phải loại bỏ.” Tạp chí Xây Dựng Đảng (XDĐ) đã báo động như thế trong bài viết ngày 26/11/2023...
Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) nhìn nhận tình trạng “trẻ hóa” trong suy thoái “tư tưởng chính trị ” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang gây khó khăn cho công tác “xây dựng, chỉnh đốn đảng”...
Năm 2024 là năm bầu cử, một năm gay go thử thách, và đề tài yêu ghét dù muốn hay không muốn đã trở lại trên các trang báo, trong các buổi tranh luận trong gia đình, ngoài xã hội. Chúc bàn tiệc trong năm của quý vị rôm rả những câu chuyện, những cuộc đối thoại bổ ích hai chiều, những thay đổi tốt đẹp. Và xin cảm ơn quý thân hữu, thân chủ đã hỗ trợ, gắn bó cùng hành trình với Việt Báo trong hơn 31 năm qua. Sau cùng là lời tri ân đến các độc giả Việt Báo: chính quý vị, những người đọc khó tính là thành trì giúp Việt Báo trở thành một tờ báo uy tín, chuyên nghiệp.
Năm 2023 tiến vào những ngày cuối cùng, nó sẽ đi qua và không bao giờ trở lại. Lịch sử sẽ đi qua nhưng những việc làm của con người sẽ tồn tại với sự khôn ngoan và ngu ngốc của đa số. Cụm từ ‘con-người-đa-số’ chỉ định ý muốn chung của đa số người. Và ‘con-người-thiểu-số’ đành phải tuân theo. Trò sinh hoạt dân chủ luôn luôn là con dao hai lưỡi có hiệu quả tùy thuộc sở thích của con người đa số. Sở thích? Một thứ tạo ra tốt lành hoặc khổ nạn. Đúng ra là cả hai, nhưng có một trong hai sẽ lớn hơn, đôi khi, lớn gấp bội phần. Nếu khổ nạn quá lớn thì cuộc sống chung sẽ thay đổi, có khi lâm vào mức tồi tệ. Chẳng hạn như trường hợp nước Đức dưới thời Hitler. Ý muốn của con người đa số đam mê nồng nhiệt ý muốn của Hitler. Cho ông ta cơ hội dẫn đầu một quốc gia quyền lực, tạo ra hiệu quả cuộc chiến thế giới thứ hai. Hậu quả tàn khốc đó do ai? Hitler? Đúng một phần.
“Tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong Lực lượng vũ trang nhân dân là mối lo hàng đầu của đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Bằng chứng này đã được Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đưa ra tại Hội nghị Đảng ủy Công an ngày 20/12/2023 tại Hà Nội, và trong nội dung các bài viết trên báo chí chính thống của nhà nước liên quan đến Quân đội...
Người ta nên áp dụng đạo đức vào tài chính trị của Henry Kissinger như thế nào? Làm thế nào để người ta quân bình những thành tựu với những hành vi sai trái của Kissinger? Tôi đã vật lộn với những vấn đề đó từ khi Kissinger là giáo sư của tôi, và sau này là đồng nghiệp tại Đại học Harvard. Vào tháng Tư năm 2012, tôi đã giúp phỏng vấn ông trước một số lượng lớn cử toạ tại Harvard và hỏi liệu ông có làm điều gì khác đi trong thời gian làm ngoại trưởng cho các Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Gerald Ford không. Lúc đầu, ông nói không. Suy nghĩ lại, ông nói rằng ước mình là đã hoạt động tích cực hơn ở Trung Đông. Nhưng ông không đề cập đến Campuchia, Chile, Pakistan hay Việt Nam. Một người phản đối ở phía sau hội trường hét lên: "Tội phạm chiến tranh!"
Việt Nam có còn “độc lập” với Trung Quốc hay không sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng Bí thư, Chủ tịch nhà nước Tập Cận Bình là thắc mắc của người dân Việt Nam. Ông Tập có mặt ở Việt Nam từ 12 đến 13 tháng 12 năm 2023 và đạt được cam kết của Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng về “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc”.
Ngày nay, Chiến lược Phòng thủ Quốc gia của Hoa Kỳ – giống như chiến lược Chiến tranh Lạnh tạo chuẩn mực cho tư duy chiến lược trong những năm từ thập kỷ ‘50 đến ’80 – bị chi phối bởi một tác nhân đe dọa chính, đó là Trung Quốc. Điều này vừa cung cấp thông tin vừa tạo điều kiện cho tất cả các mối đe dọa lớn khác có thể xảy ra: Nga, Iran và Bắc Triều Tiên. Giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ hiện đang lâm vào một cuộc cạnh tranh với đối thủ duy nhất của mình, một cuộc cạnh tranh có khả năng bỏ rơi các thành tựu chính trị, kinh tế và công nghệ. Hoa Kỳ cũng đang ở trong một cuộc chạy đua vũ trang hiện đại, và trong một số trường hợp, chơi trò đuổi bắt và tranh đua để giành tình hữu nghị, gây ảnh hưởng lên các quốc gia khác trên thế giới.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.