Hôm nay,  

Xuân Trên Đất Khách

31/01/200900:00:00(Xem: 6018)
Xuân Trên Đất Khách
Diệu Trang
"Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp
Quê nhà một góc nhớ mênh mông."
Những ai xa quê Mẹ, bằng bất kỳ diện nào: Dù là người tỵ nạn chính trị đã ra đi bỏ lại quê hương trên con tàu mong manh vượt nghìn trùng sóng gió giữa biển khơi cách nay hai mươi năm, ba mươi năm. Hay những người di dân theo diện đoàn tụ gia đình, hoặc ra đi với bất kỳ lý do gì, thì tất cả những người Việt tha hương ấy, dù đang sinh sống ở bất cứ đâu cũng đều đang ngậm ngùi đón Xuân với cùng nỗi nhớ thương chất ngất về một góc trời xuân cũ với biết bao kỷ niệm ở quê nhà.
Đứng dưới mái chùa giữa dòng người lao xao rạng rỡ mới thấy lòng mình hòa cùng niềm vui của đại chúng. Niềm vui của tuổi lên ba, lên bảy, lên mười của ngày xưa cơ hồ như đã vùi sâu trong ký ức. Thế mà hôm nay, niềm vui thời ấu thơ ấy như được khơi dậy từ nơi các bé gái bé trai trong trang phục truyền thống áo dài khăn đóng, xun xoe những bao lì xì đỏ, nô đùa hồn nhiên bên gốc mai vàng, bên chậu đào hồng thắm. Những cụ già tươm tất trong chiếc áo dài xưa, mái tóc xanh năm nào nay có thêm nhiều sợi bạc được búi cao sang trọng. Tay bắt mặt mừng chúc tuổi nhau, ôn lại kỷ niệm thời son trẻ ở quê nhà. Với tà áo dài thướt tha được cách tân, các cô gái trông duyên dáng, rực rỡ và tươi tắn trước ống kính, ánh sáng của những chiếc máy ảnh cứ liên tục nháy lên. Các bạn trẻ thanh niên, đôi trai gái rộn rã nói cười. Tiếng việt lơ lớ xen giữa những câu tiếng Anh chuẩn mực của thế hệ thứ ba sinh trưởng nơi xứ người...
Chánh điện của chùa thường nhật rất rộng lớn, nhưng hôm nay như bị thu nhỏ lại bởi số lượng người đến mỗi lúc một đông. Trên bàn thờ, khói trầm quyện tỏa tạo nên một bức tranh Xuân vừa vui tươi rộn rã, vừa lãng đãng u huyền
 Để mở đầu chương trình mừng Xuân, tiếng trống, tiếng chiêng làm tưng bừng không khí Tết với màn biểu diễn múa lân thật vui nhộn và thích thú. Mọi người ai nấy cũng đều thú vị với những trò ngoạn mục của hai chú lân. Rồi đám đông tặng cho đoàn lân những tràng pháo tay tán thưởng và cổ võ. Trong khi đó ông Địa vận trang phục màu đỏ, bụng phệ, với chiếc mặt nạ miệng luôn tươi cười, tay cầm cây quạt phe phẩy đi khắp nơi chúc mừng mọi người, ông thân thiện với nhiều đứa trẻ, ôm vào lòng những bé thơ chưa biết nói...Âm thanh và hình ảnh náo nhiệt ấy đã vô tình xoá tan nỗi nhớ nhà trong lòng người xa xứ. Quang cảnh diễn ra trước mắt, cứ ngỡ như đang tham dự một hội xuân ở quê nhà, làm ai ai cũng quên đi những tất bật, lo toan trong đời sống của một năm cũ, thay vào đó là một tâm trạng mới cho một mùa Xuân mới với nhiều hy vọng mới…
"Sáng nay thức dậy choàng thêm áo
Vũ trụ muôn đời vẫn mới tinh."
thơ  HK
Nghi thức lễ giao thừa bắt đầu bằng những lời gợi nhớ về những cái Tết quê hương. Đại chúng cung thỉnh chư tăng chủ trì buổi lễ. Mọi người chấp tay trang nghiêm hướng về Tam Bảo. Tiếng pháo bỗng giòn tan...hương thơm của khói pháo bay vào khứu giác, len vào tâm tư... Có điều gì làm lưu luyến chạnh lòng vào giờ khắc thiêng liêng giao thoa giữa cũ và mới. Thầm ước thật nhanh một điều ước như vừa thực tế gần gũi lại vừa mơ mộng xa xôi...
Lời niệm hương của Thầy Tâm Hòa chan hòa trong không khí trầm hương đã đưa tâm an tịnh trở về với ngôi Tam Bảo. Lời kinh ấm áp được đại chúng tụng lên nhịp nhàng cùng tiếng mõ đều đều với tiếng chuông ngân vang trong đêm trừ tịch làm tỉnh thức tâm người mê muội hãy trở về với bản tánh chơn thường, để cõi lòng hòa cùng nhịp thở với vũ trụ bao la. Hơn một ngàn đồng hương đồng bào phật tử đã tề tựu về đây, đứng trước Tam bảo dâng lòng thành kính, nguyện buông xả những ích kỷ hẹp hòi, để sống đời sống vị tha, hỷ xả; nguyện gột rửa tâm tư để sẵn sàng đón chào một mùa Xuân Di Lặc miên trường. Trong giây phút thật yên lắng nầy, chợt nhớ về Ôn Từ Đàm với hai câu đối rất "Huế" thật dễ thương:
"Một chút giận, hai chút hờn, lận đận cả đời ri cũng khổ
Trăm điểu hỷ, vạn điều xả, thong dong tấc dạ rứa mà vui"

Sau thời kinh Giao Thừa và rước vía Đức Phật Di Lặc, đại chúng lắng nghe đại diện chư tăng của chùa chúc Tết; Thầy Tâm Hòa chân thành chia sẻ những thành công cũng như những thất bại của đồng hương giữa đời sống đầy thử thách trong xã hội Tây phương. Thầy cũng không quên tri ân công đức của phật tử trong những năm tháng qua đã tận tâm tận lực đóng góp, hỗ trợ, phục vụ và bảo trì ngôi Tam Bảo từ vật chất đến tinh thần. Thầy tỉ mỉ gửi lời thăm hỏi và chúc Tết đến các bậc cao niên, các cô bác anh chị, cùng những lời khuyên nhủ ân cần đến các bạn trẻ, các em học sinh, sinh viên...Thầy chúc tất cả được hưởng một năm mới nhiều sức khoẻ, hạnh phúc, an lạc và thành công.
Tết là dịp để mọi người chúc tụng nhau. Và cũng để hàng Phật tử tri ân công ơn hóa độ cao cả của quý Thầy đã dẫn dắt phật tử trên con đường tu học. Chú Quảng Châu đại diện cho phật tử của chùa quỳ trước chư tăng dâng lời tác bạch. Mỗi lời chúc là một tấc lòng thành mà hàng phật tử muốn dâng lên quý Thầy nhân dịp năm mới: Chúc quý Thầy thật nhiều sức khỏe, pháp thể khinh an, phật đạo viên thành, chúng sinh dị độ.
Giờ khắc thiêng liêng đã trôi qua, những phút giây trang nghiêm cũng đã kết thúc. Giờ là lúc đại chúng hân hoan nhận lộc đầu năm. Rộn ràng. Xôn xao. Náo nức. Vui tươi. Từng bước tiến lên, xoè hai tay nhận lộc từ Thầy. Gửi theo trái lộc vàng tươi là nụ cười vị tha độ lượng của Thầy. Người nhận cúi đầu kèm theo nụ cười rạng rỡ và ánh mắt biết ơn...
Bị tắt nghẽn giữa dòng người đang xuôi về cửa lớn. Nhóm rẽ xuống trai đường để tiếp tục vui Xuân với nhiều trò chơi, có gian hàng ông đồ viết thư pháp với chủ đề vui Xuân tặng chữ, và dùng trà, bánh mứt...Nhóm rẽ ra ngoài với cơn gió lạnh cắt da, tranh thủ trở về nhà cố dỗ giấc ngủ để sáng mai thức dậy có đủ sức lực và tinh thần tiếp tục cho cuộc mưu sinh trên đất khách...
Bỏ lại bên trong không khí ấm áp thật "Ta" để bước ra một không gian của đất trời thật "Tây". Nhiệt độ xuống thấp -12 độ C. So vai, cúi đầu, chân bước thật nhanh ngang qua hàng cây đông đá không một nụ xuân. Sân chùa phủ đầy tuyết trắng chìm trong màn đêm đen kịt. Chợt nghe lời gió thoảng khúc nhạc của Quốc Dũng, bài Xuân Trân Đất Khách:"...Ôi đón xuân về trên miền đất khách. Nghe gió đông se lạnh tim côi. Mơ nắng xuân xoa dịu đôi môi. Lạnh giá đã vắng xa lâu nụ cười. Sống âm thầm xứ người lẻ loi..." Bước lên xe mà còn nghe cái lạnh chạy khắp người. Tay cầm quả lộc vàng nơ xanh. Gỡ mảnh giấy nhỏ ghi mấy lời cho năm mới "Trăm điều may mắn đều đến". Mỉm cười. Lộc đầu năm trên tay nhưng sao chẳng muốn giữ cho riêng mình, mà chỉ mong trăm điều may mắn này có thể chia đều cho tất cả những kẻ bất hạnh ở quê nhà; trong lúc mọi người đang sum họp đoàn viên, tưng bừng chúc tụng và đón mừng xuân mới thì đâu đó trên khắp các nẻo đường quê hương còn có biết bao người chịu cảnh màn trời chiếu đất. Và mới đây, trên chuyến phà quá tải cuối năm tại Quảng Bình bị chìm, đã cướp mất hơn bốn chục mạng người và những người thân còn lại phải đón một mùa xuân trong tang tóc bi ai.
Xuân về với muôn sắc màu rực rỡ. Xuân về với bao tiếng hát, lời ca, nhưng lòng người tha hương đón Xuân sao nghe như trĩu nặng những ưu tư khắc khoải trăm chiều. Xuân trần gian hữu hạn là như thế. Xuân đến và đi theo chu kỳ vận hành tương tục theo mùa, theo tiết và theo từng tâm trạng vui buồn của kẻ đón Xuân.
Vẫn biết Xuân Di lặc là Xuân của tâm không vướng mắc. Xuân của nỗi hân hoan tràn ngập, Xuân của niềm hạnh phúc vô biên. Xuân miên viễn, trường cửu, bất diệt. Nhưng sao vẫn cứ thấy vương mang trong lòng khi thấu hiểu nhân sinh còn nhiều khổ lụy...
Một con én không làm nên mùa Xuân. Nhưng chỉ cần một đóa hoa lòng thôi cũng đủ để mở ra một cánh cửa mùa Xuân với nhiều tin yêu và hy vọng. Đóa hoa ấy phải là đoá hoa nhân ái mang hương sắc của niềm thông cảm và sẻ chia. Đoá hoa của sự hiểu biết và thương yêu ấy sẽ nở mãi chẳng bao giờ tàn. Đoá hoa bao dung ấy không phải chỉ nở cho riêng mình mà nở cho người, cho đời, cho tất cả chúng sinh...
Thêm một mùa Xuân nơi đất khách. Đón xuân giữa tiết trời khắc nghiệt của mùa Đông nơi vùng lãnh tuyết mà hồn cứ mãi lênh đênh cùng những phận đời bất an trên quê Mẹ...
Xuân Kỷ Sửu 2009
"Nhắp chén trà xuân, xao xuyến nhớ ơi! Sài Gòn cũ
Nâng ly rượu Tết, bồi hồi thương quá! Việt Nam xưa."
(Pháp Vân Tự, Canada: http://www.phapvan.ca)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ngài tự nhận trọn đời ngài chỉ là một nhà sư đơn giản, nhưng sóng gió tiền định đã đưa ngài vào ngôi vị Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 để gánh vác chức lãnh đạo cả đạo và đời cho dân tộc Tây Tạng từ khi ngài còn thơ ấu. Ngài từ những ngày mới lớn, miệt mài tu học theo lời Đức Phật dạy về hạnh từ bi và trí tuệ, nhưng từ khi chưa đủ tuổi thành niên đã chứng kiến khắp trời khói lửa chinh chiến để tới lúc phải đào thoát, vượt nhiều rặng núi Hy Mã Lạp Sơn để xin tỵ nạn tại Ấn Độ.
Zohran Mamdani tuyên bố tranh cử thị trưởng New York vào tháng 10/2024. Khi đó, phần lớn New York vẫn không biết đến vị lập pháp tiểu bang 33 tuổi này là ai. Ngày 1/7/2025, Zohran Mamdani chính thức đánh bại cựu Thống đốc Andrew Cuomo, chiến thắng vòng bầu cử sơ bộ cuộc tranh cử thị trưởng New York vào tháng 11/2025.
Tồn tại qua hơn hai thế kỷ, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ chưa bao giờ là một cánh cửa vô tri. Mỗi nhiệm kỳ Tòa để lại một dấu ấn ảnh hưởng đến đời sống người dân. Có nhiệm kỳ, Roe v. Wade1 mất hiệu lực, tòa cắt quyền phá thai khỏi tay người phụ nữ, coi như món nợ trả về từng tiểu bang, tự lo tự liệu. Có nhiệm kỳ, cánh cửa Affirmative Action2 sập lại, đám trẻ da màu nghèo khỏi cơ hội cầu tiến. Có nhiệm kỳ, Tòa thả lỏng súng đạn, cãi vã sân trường cũng đủ gây đổ máu3. Nhưng cũng đã có những nhiệm kỳ Tòa đứng thẳng lưng, bảo vệ người dân buộc Bạch Ốc Nixon phơi ra hồ sơ mật với Pentagon Papers
Nelson Mandela (1918-2013), quán quân Giải Nobel Hòa Bình năm 1993, nhà hoạt động chống chế độ phân biệt chủng tộc bị tù 27 năm, và là vị tổng thống người da đen đầu tiên được bầu trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên của nước Nam Phi vào năm 1994, đã từng nói rằng, “Giáo dục là vũ khí có sức mạnh nhất mà bạn có thể sử dụng để thay đổi thế giới.” Hơn ai hết, Nelson Mandela là người không những hiểu rõ giá trị thực sự của nền giáo dục mà còn áp dụng kiến thức đó trong việc làm thay đổi đất nước và dân tộc Nam Phi của ông. Ông đã dẫn dắt Nam Phi từ một quốc gia ngập chìm trong bóng tối của thù hận, phân hóa và lạc hậu để vươn mình lên trong ánh sáng của đoàn kết, hòa bình và phát triển.
Hoa Kỳ đã tấn công Iran. Chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gợi ý rằng có thể trì hoãn bất kỳ hành động quân sự nào của Mỹ trong nhiều tuần, ông tuyên bố vào ngày 21/6 rằng máy bay Mỹ đã tấn công ba địa điểm hạt nhân của Iran, bao gồm cả cơ sở bị chôn sâu ở Fordow. Các quan chức Iran xác nhận rằng các cuộc không kích đã diễn ra. Mặc dù ông Trump khẳng định rằng các địa điểm này đã bị "xóa sổ", nhưng vẫn chưa rõ các cuộc tấn công đã gây ra thiệt hại gì.
Jena, Louisiana – một thị trấn 4.000 dân lọt thỏm giữa rừng thông – nơi bảng hiệu đầu làng ca ngợi đội bóng nữ vô địch của bang, nhưng cách đó chỉ ba dặm, sau hàng rào kẽm gai và lời Kinh Thánh treo lủng lẳng, là Trại Giam ICE đồ sộ - do GEO Group điều hành. Nơi đây hiện giam giữ hơn 1000 người – phần lớn chưa từng bị kết tội hình sự, nhiều người chỉ là dân đang xin tị nạn hợp pháp, số còn lại chưa kịp hiểu vì sao mình bị bắt...
Tại sao Trump lại vội vàng ban hành hàng loạt sắc lệnh hành pháp và chính sách mới như vậy?AI: Có hai lý do.Đầu tiên, tổng thống vội vàng vì nếu có bất kỳ điều gì sai trái xảy ra vào đầu nhiệm kỳ, ông có thể đổ lỗi cho chính quyền trước và nhà nước (những người làm việc cho ông). Nếu để lâu, những điều sai trái sẽ là trách nhiệm của ông, và Trump không thích chịu trách nhiệm.Thứ hai, ông biết trong hai năm nữa, đảng Cộng hòa sẽ mất quyền kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử quốc hội và ông sẽ trở thành què quặt. Ông cần phải hoàn thành mọi việc ngay bây giờ. Ông muốn tập trung vào các doanh nghiệp của mình trong hai năm cuối nhiệm kỳ tổng thống,
Bao dung – một từ nghe thật thanh thoát. Âm tiết của nó cũng thật bình dị, thốt ra từ thanh quản nhẹ nhàng không cần uốn nắn, như cỏ mọc từ đất, như mưa từ trời. Vậy mà ngày nay, trong một xã hội đứng đầu thế giới về tự do, về quyền con người, hai từ “bao dung” bỗng dưng khó tìm. Chính trong tháng Sáu này, tháng gọi là Pride Month, những câu chuyện thương tâm về cộng đồng LGBTQ+ bị chìm trong bóng tối. Có lẽ trong sáu tháng qua, nước Mỹ có quá nhiều những phát ngôn, biến cố, thay đổi mà đối với truyền thông, đó là điều cần phải nói, và nói mỗi ngày. Hoặc cũng có lẽ, trong một chính quyền đang nỗ lực bác bỏ DEI, đóng chặt cửa với di dân, thì truyền thông cũng không dám đào sâu về những gì thuộc về cộng đồng yếu thế. Cho dù, đó là một án mạng lấy đi cuộc sống một con người, hoặc chấm dứt những nguyên tắc vốn đã được nhìn nhận hàng thập kỷ.
“Nơi nào người ta bắt đầu đốt sách, nơi đó người ta rồi cũng sẽ thiêu người.”— Heinrich Heine. Câu nói nổi tiếng từ thế kỷ XIX của thi sĩ Heinrich Heine, tưởng chỉ là tiếng vọng u ám của bóng ma lịch sử nhưng hôm nay, giữa thế kỷ XXI, lời cảnh báo ấy lại trở nên rúng động – ngay trên đất nước từng được xem là ngọn hải đăng của tự do học thuật. Oái oăm thay, những dấu hiệu đầu tiên của bóng tối không phát xuất từ một chế độ độc tài phương Đông, mà từ chính nước Mỹ – xứ sở từng được xem là ngọn hải đăng của giáo dục tự do.
Donald Trump không đội vương miện, nhưng ông đã luyện được cách bắt cả một đảng chính trị quỳ gối. Và cũng như các ông vua cổ đại, ông không cần luật – ông chính là luật. Nếu Toà Tối cao chống đối, ông sẽ gọi đó là “phản quốc.” Nếu truyền thông phản biện, ông gọi đó là “tin giả.” Nếu có cuộc bầu cử mà ông thua, ông sẽ bảo đó là “gian lận.” Và nếu có ai dám nói điều gì khác, ông sẽ gửi quân đội tới – như ông đã làm ở Los Angeles, để dạy cho đám biểu tình “hỗn xược” ấy một bài học về dân chủ... bằng đạn cao su và lựu đạn cay.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.