Hôm nay,  

Biden Và Đồng Minh

10/20/200800:00:00(View: 16501)

...‘Phó Tổng Thống’ Biden và Khi Đồng Minh Tháo Chạy Khỏi Iraq...

(Gần đây trên mạng có nhiều bàn luận về lập trường chống đối của Nghị sĩ Joe Biden đối với người Việt tỵ nạn. Một số đã đặt vấn đề là phải có bằng chứng! Chúng tôi xin ghi lại vài sự kiện trong cuốn ‘Khi Đồng Minh Tháo Chạy’ để mở rộng việc tham khảo.)

Lúc ấy chưa có CNN, nên tin tức chỉ do ba kênh ABC, NBC, CBS phát sóng  mỗi buổi chiều. Vào cuối tháng Ba đầu tháng Tư năm 1975, hình ảnh gây xúc động nhiều nhất là về hai tình huống đối nghịch: một là về chiến trường Miền Nam, và hai là cảnh Tổng thống Ford chơi gôn ở Palm Spring. Đà Nẵng thất thủ rồi mà ông và Ngoại trưởng Kissinger cứ tỉnh bơ. Cuối tuần, ông còn định cùng với phu nhân tới dự tiệc với ca sĩ nổi danh Frank Sinatra do Kissinger mời. Nhân viên trong đoàn tùy tùng phải cản lại vì ông đang bị báo chí chỉ trích là chỉ vui chơi trong khuôn viên các nhà triệu phú đang khi Việt Nam bốc cháy.

Thế nhưng chỉ mấy ngày sau, đã có sự thay đổi rõ rệt về thái độ của ông Tổng Thống: ông ra phi trường San Francisco đón tiếp đám trẻ em mồ côi vừa được chở tới từ Tân Sơn Nhất. Và từ lúc đó, ông quyết định cứu một số người Việt tỵ nạn và xin thêm quân viện cho Miền Nam. Ông làm như vậy dù các cố vấn đã khuyên ông là cứ lờ đi cho xong. Chính ông viết lại rằng Kissinger cũng đã soạn sẵn cho ông một bài diễn văn vào loại ‘cháy nhà bình chân như vại’ (go down with the flag flying) để đọc tại Quốc Hội, nhưng ông đã không chấp nhận.

Yếu tố nào đã đưa tới sự thay đổi quan trọng ấy"

Không còn nghi ngờ gì nữa về lý do chính là vì ông đã được đọc vài lá thư mật của Tổng thống Nixon gửi Tổng thống Thiệu do Tướng Weyand chuyển đạt. Weyand đã dùng mưu lược: ông đến gặp Tổng thống năm phút trước khi Kissinger tới họp vào sáng ngày năm Tháng Tư. Ông Von Marbod kể lại cho chúng tôi là đọc xong thư, Tổng thống Ford đã hết sức xúc động vì thấy sự bất công quá rõ ràng của Hoa kỳ đối với VNCH.

Von Marbod là Đệ nhất Phó Phụ tá Tổng trưởng Quốc phòng, cùng đi với Tướng Weyand sang Việt Nam. Ông cũng là người đã giúp chúng tôi trong việc bí mật chuyển đạt hai lá thư cho Tổng thống Ford sau khi thuyết phục được sự đồng ý của Tổng thống Thiệu. Marbod đã có mặt khi Weyand đưa thư. Sau này khi phỏng vấn chính Tổng thống Ford thì chúng tôi lại càng thấy rõ hơn về việc này. Khi đưa cho ông xem lại tài liệu, ông vẫn còn bùi ngùi. Ông ký tặng chúng tôi cuốn Hồi ký ‘A Time to Heal’ (Thời gian để hàn gắn) với mấy chữ: To Greg Hung, with warmest best wishes - Gerald R. Ford (Gregory là tên Thánh của chúng tôi).

Về nhà mở ra đọc, chúng tôi mới biết rằng đúng ngày Tổng thống Thiệu chỉ thị cho chúng tôi đi Washington để sắp xếp thì Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện đã tự động yêu cầu và đến Tòa Bạch Cung gặp Tổng thống để bầy tỏ về lập trường dứt khoát chấm dứt viện trợ. Họ còn tiến xa hơn nữa là đã bác bỏ cả vấn đề di tản một số người Việt. Một điều hơi lạ với chúng tôi khi đọc cuốn sách  là thấy trong Ủy Ban này, có một nghị sĩ chưa bao giờ chúng tôi nghe đến tên. Các vị khác như Frank Church, Jacob Javits, Clifford Case thì đã quá quen thuộc. Trong buổi họp với Tổng thống, nghị sĩ này đã mạnh mẽ chống đối việc di tản người Việt Nam. Nghiên cứu thêm chúng tôi mới biết là ông này rất trẻ, vừa mới 30 tuổi đã được bầu vào Thượng Viện (tháng  Giêng, 1973 - cũng là thời điểm ký kết Hiệp định Paris).

Đó là Nghị sĩ Joseph Biden thuộc tiểu bang Delaware. Ngôn từ của ông trong buổi họp thật là thiếu nhân hậu, nếu không phải là tàn nhẫn.

Trong cuốn hồi ký, Tổng thống Ford đã kể lại việc này. Sau đây là vài đoạn trích dịch (trang 253-256): “Chúng tôi cảm thấy rằng một cuộc di tản vội vã sẽ có những hậu quả trầm trọng. Một tình trạng hoảng hốt lớn tại thủ đô Miền Nam sẽ có thể phát sinh, và trong sự chua cay là đã bị ‘phản bội,’ quân đội miền Nam có thể quay súng vào người Mỹ” ...

“Ngày 14 tháng 4, Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện yêu cầu gặp tôi để thảo luận về tình hình Đông Nam Á. Đây là sự việc hãn hữu ít khi xẩy ra - lần cuối cùng Ủy Ban này họp với Tổng Thống là thời Wilson (Woodrow Wilson, 1913 - 1921, lời tác giả) - vậy nên tôi gọi cả Kissinger (Ngoại Trưởng), Schlesinger (Bộ Trưởng Quốc Phòng) và Scowcroft (Cố Vấn An Ninh) cùng tới dự.

“Buổi họp diễn ra trong bầu không khí hết sức căng thẳng. Tôi yêu cầu Kissinger và Schlesinger trình bày về tình hình chính trị và quân sự tại Miền Nam, rồi tôi tham khảo ý kiến của quý vị Nghị sĩ. Thông điệp của họ đã thật rõ ràng: hãy ra đi ngay, và đi cho nhanh (The message was clear: get out, fast)… “Chúng tôi bằng lòng chấp thuận một ngân khoản lớn để di tản,” Nghị sĩ New York là Jacob Javits nói, “nhưng viện trợ quân sự thì một cắc cũng không” … Nghị sĩ tiểu bang Idaho là Frank Church thì cho rằng sẽ có vấn đề lớn ‘có thể lôi cuốn chúng tà vào một cuộc chiến lâu dài’ nếu chúng ta di tản tất cả những người Việt Nam đã trung thành với chúng ta.

“Nghị sĩ tiểu bang Delaware là Joseph Biden dội lại điệp khúc: “Tôi sẽ bỏ phiếu thuận để cấp bất cứ ngân khoản nào cho việc di tản người Mỹ ra khỏi Việt Nam, nhưng tôi không muốn số tiền đó dính líu gì tới việc di tản người Việt.”

Trong cương vị là Tổng thống viết hồi ký, có lẽ ông Ford đã viết nhẹ nhàng hơn là những gì thực sự đã xảy ra tại cuộc họp. Sau này khi đọc được cuốn hồi ký của Ron Nessen, Phụ tá Báo chí và là người rất thân cận với Tổng thống Ford, chúng tôi thấy lời lẽ của Nghị sĩ Biden về người Việt tỵ nạn đã nặng nề hơn nhiều chứ không phải chỉ là vấn đề ‘dính líu.’ Trong cuốn It Sure Looks Different From the Inside (Những gì ở hậu trường thì thực là khác), Nessen thuật lại rõ ràng hơn, tóm tắt như sau (trang 104-106): “Kissinger bắt đầu cuộc họp qua việc tiết lộ là trên một triệu người có liên hệ với Mỹ sẽ bị nguy hiểm với Cộng Sản sau cuộc chiến. Trong số này, có 174.000 người là bị nguy cơ đặc biệt nên Mỹ phải cho di tản nếu có thể được... "

“Tổng Thống Ford cảnh cáo: “Nếu quý vị tuyên bố ‘không di tản người Việt Nam,’ quý vị sẽ có khó khăn lớn trong việc di tản 6,000 người Mỹ ra khỏi Việt Nam.”

 “Kissinger, với vẻ mặt mệt mỏi và phiền muộn, nói thêm rằng một quan chức Sàigòn (có thể là Đại sứ Trần Kim Phượng - lời tác giả) đã nói với ông: “Nếu các Ngài rút người Mỹ ra và bỏ rơi chúng tôi trong hoạn nạn, các Ngài có thể sẽ phải đánh nhau với một sư đoàn quân đội Miền Nam để có lối ra”…

“Tới đây, vấn đề an toàn của số người Mỹ còn lại ở Việt Nam trở nên mối lo ngại lớn cho Ủy Ban... “Chúng tôi không muốn người Mỹ bị bắt làm con tin,” (để phải di tản người Việt), Nghị sĩ Charles Percy bình luận.

“Tổng thống Ford cảnh cáo thêm... “Nếu ta rút hầu hết người Mỹ ra cùng một lúc thì sẽ làm cho người Việt Nam nghĩ rằng Mỹ đang tháo chạy nên có thể gây hoảng hốt, dẫn tới những cuộc tấn công vào số người Mỹ còn lại”...

“Nghị sĩ Joseph Biden nói toạc móng heo: “Tôi không muốn trả bất cứ món nào để đưa người Việt Nam đi, chỉ trừ khi ta không thể mang được người Mỹ nào ra mà không phải mua 174.000 người Việt Nam. Trong trường hợp đó, tôi sẵn sàng mua 174.000 người Việt Nam” (dùng chữ nghiêng là do tác giả): “I am not willing to pay any money to get the Vietnamese out unless we can’t get any Americans without buying 174.000 Vietnamese. In that case, I’m willing to buy the 174.000 Vietnamese” (độc giả lưu ý là ông dùng chữ ‘buy’ hai lần).

Bên ngoài Tòa Bạch Ốc, Nghị sĩ McGovern, người ra tranh cử với TT Nixon năm 1972 lại đổ thêm dầu vào lửa: “Tôi cho rằng người Việt Nam sẽ được sung sướng hơn nếu họ ở lại Việt Nam, kể cả lũ trẻ con mồ côi kia nữa,” tuần báo Time đã ghi lại (trong số ngày 12 tháng Năm, 1975, trang 26).

Nessen viết thêm: “Sau cuộc họp, Tổng thống Ford còn dặn các nghị sĩ chớ để cho báo chí biết là tất cả phiên họp chỉ để bàn bạc về chuyện di tản. Quý vị hãy nói: “Chúng tôi chỉ bàn chuyện làm thế nào để ổn định tình hình.”

*** 

Dù sao, chúng tôi cũng hy vọng rằng nếu thắng cử, Phó Tổng thống Joseph Biden sẽ thay đổi thái độ và lập trường đối với đoàn người tỵ nạn chắc chắn sẽ từ Iraq chạy đến với Nữ thần Tự do. Nếu không thắng cử, ông cũng vẫn còn ngồi lại chức Chủ tịch Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện trong một vài năm tới.

Sở dĩ  hy vọng ông sẽ thay đổi lập trường là vì ba lý do: thứ nhất, trong cương vị Chủ tịch của Ủy Ban này, ông Biden đã học hỏi được thêm kiến thức và kinh nghiệm về ngoại giao; thứ hai,  ở tuổi 66 thì chắc là tư duy của ông cũng phải khác lúc mới 33 tuổi (khi họp với Tổng thống Ford); thứ ba, và quan trọng hơn hết là trong 33 năm qua ông đã chứng kiến sự thành công về mọi mặt cũng như sự đóng góp đáng kể cho quốc gia Hoa Kỳ do cộng đồng người Việt tỵ nạn. Như vậy chắc ông đã phải nhận thức được sự sai lầm lớn lao của mình hồi 1975.

Ta hãy chờ đợi xem sao.

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Thông qua những sắc lệnh hành pháp vượt quyền hạn, tổng thống Trump cùng tỉ phú Elon Musk đã không ngừng tấn công vào những nền tảng cơ bản nhất của thể chế dân chủ Hoa Kỳ: nguyên tắc tam quyền phân lập, quyền bình đẳng về giới tính, xóa bỏ Tu Chính Án 14 của Hiến Pháp (người sinh ra ở Mỹ sẽ đương nhiên trở thành công dân Mỹ). Để đối phó, nhiều chính quyền tiểu bang, các tổ chức cộng đồng, tổ chức phi lợi nhuận… đã đệ nhiều đơn kiện liên bang để phản đối các chính sách độc đoán của chính quyền mới. Một số chính sách của Trump đã bị tòa án liên bang tạm dừng, ít nhất là tạm thời.
Nhiều người Việt các tiểu bang khác, khi tới thăm Quận Cam, bước vào Phước Lộc Thọ, sẽ kinh ngạc khi thấy hàng loạt áo dài sản xuất từ Việt Nam được may khéo, kiểu dáng tân kỳ, bán chỉ có 10 USD một áo. Rẻ kinh khủng, nhưng đồng bào mình ở quê nhà sống nhờ như thế. Rồi tới những món hàng nghệ thuật như đồ gốm sứ, vòng tay, tràng hạt, nón lá, đồ chơi trẻ em... đều bán rất rẻ. Chúng ta thắc mắc tại sao lại rẻ như thế. Hẳn nhiên, khi vào Phố Tàu Los Angeles, bạn cũng sẽ có những kinh ngạc tương tự với áo sường sám và các món tương tự từ nhiều thị trấn Hoa Lục. Nếu có chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, tất cả những hàng hóa trong Phố Tàu Los Angeles sẽ tăng giá, và tại Phước Lộc Thọ, hy vọng, sẽ giữ giá y nguyên, nếu các nguyên vật liệu Việt Nam sản xuất không phải mua từ Hoa Lục. Tuy nhiên, sẽ tới lúc, khi đọc các bản báo cáo về bất quân bình thương mại, Tổng Thống Donald Trump trong cơn phẫn nộ thường trực bỗng nhiên thấy rằng cần áp thuế quan trên hàng Việt Nam.
Giữa lúc chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump ngày càng mạnh tay thực hiện chính sách trục xuất di dân không giấy tờ, thì trong làn sóng ủng hộ, tỏ rõ sự vui mừng ấy, có rất nhiều người Việt máu đỏ da vàng. Bất kể họ là ai, đến Mỹ thời điểm nào, hình như họ quên mất câu chuyện bắt đầu từ 50 năm trước, về những người Việt tị nạn đầu tiên đã đặt chân lên nước Mỹ, cũng mang trên mình căn cước “di dân bất hợp pháp.”
Từ ngày chính thức nhậm chức, 20 tháng Giêng, 2025, chính quyền của Trump hoạt động rất năng nổ, chai sâm banh bật nút, rượu trào ra, sắc lệnh hành chánh trào ra, kế hoạch mới trào ra, thay đổi trào ra, tin đồn trào ra, vân vân, và những ly sâm banh cụng nhau leng keng rồi nốc cạn. Tuy nhiên, còn quá sớm, quá mới để có thể cảm nhận kết quả tốt hay xấu. Một số đông đang chờ đợi chính quyền Trump làm những điều để Mỹ nhảy vọt về kinh tế. Tiền ra nhín rịn, tiền vào ào ào, Cậu Sam trở nên giàu có. Cậu giàu, cháu có nhờ được không?
Theo khoa học về thần kinh, tình yêu được tạo ra bởi một số hóa chất trong não bộ. Thí dụ, khi chúng ta gặp ai đó đặc biệt với mình, các hormone như dopamine và norepinephrine sẽ kích thích phản ứng dẫn đến sự khen thưởng trong não bộ, khiến chúng ta muốn gặp người đó nhiều lần nữa, cũng giống như khi nếm thử món gì đó thấy ngon miệng, chúng ta thường sẽ thèm được ăn thêm.
Hay hay dở, bạn bè của chúng ta trước đây đều thực sự là người, hỉ nộ ái ố gì cũng đối đãi nhau trong giới hạn tốt xấu của con người. Nhưng bây giờ thì bạn có thể… hơn là người. “Bạn”, nhưng lại phong tỏa thông tin hay kiểm duyệt nhau, như thể chính quyền. “Bạn” nhưng, theo từng thái độ chính trị, có thể trục xuất, cấm vận hay tuyên chiến với nhau, hung hăng và sắt máu, như thể Anh, Nga, Pháp, Mỹ hay Tàu.
Doanh nhân Donald Trump đã khởi xướng trào lưu dân tuý và hai lần thắng cử tổng thống. Ngay khi xuất hiện lần đầu tiên trên chính trường để vận động tranh cử năm 2016, Trump không có tham vọng thu tóm quyền lãnh đạo Đảng Cộng hoà trong ý tưởng thù địch, mặc dù thể hiện nhiều quan điểm chống đối gay gắt. Ngược lại, ngày nay, "chủ thuyết Trump" chế ngự toàn diện mọi sinh hoạt của đất nước. Thực ra, khi nhìn lại hoạt động của Đảng trong thời hiện đại, đây là kết quả của một tiến trình dài nhằm tái định hình chiến lược bảo thủ mà Đảng đã đề ra vào những năm 1960.
“Tôi đã cố gắng rất nhiều để trở thành một di dân tốt của đất nước Hoa Kỳ. Tôi phục vụ trong quân đội. Tôi học cao học. Tôi làm việc cho chính phủ liên bang. Tôi luôn cố gắng làm tốt công việc của mình trong 15 năm qua. Nay, tôi, chúng tôi, đang hoang mang về những chính sách không rõ ràng, không biết từ ai. Thậm chí, sếp lớn nhất của cơ quan chúng tôi phải tổ chức cuộc họp để trấn an nhân viên về những email của OPM gửi ra gần đây kêu gọi chúng tôi nên tự động nghỉ việc để nhận tám tháng lương. Họ không khuyến khích chúng tôi trả lời những email như thế. Trên một diễn đàn của Fed, mọi người từ lo lắng, sợ hãi, cho đến bây giờ thì tất cả đều đồng ý sẽ chiến đấu đến cùng.”
Không ra tranh cử. Không được xác nhận chính thức. Cũng chẳng cầm một xu tiền lương từ chính phủ. Elon Musk, người giàu nhất thế giới, đã tuyên chiến với chính phủ liên bang Hoa Kỳ và, chỉ trong vài ngày, đã bắt đầu ra tay cắt giảm quy mô và ảnh hưởng của bộ máy chính quyền, đồng thời còn nắm được một số bí mật nhạy cảm nhất. Musk sử dụng mạng xã hội quyền lực của mình để định hướng dư luận, và không ngần ngại dọa dẫm rằng sẽ dùng khối tài sản khổng lồ của mình để hậu thuẫn cho đối thủ chính trị của bất kỳ ai dám chống đối.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.