Hôm nay,  

Xì Vương Độc Nhất Láng

6/20/200800:00:00(View: 9243)
Israel có thể bỏ bom Iran - và bỏ phiếu McCain...

Hôm Thứ Tư 18 vừa qua, Thủ tướng Israel là ông Ehud Olmert chính thức xác nhận rằng đã tới lúc Israel và Syria công khai và chính thức đàm phán với nhau. Ông còn cho biết rằng mình có thể trực tiếp gặp gỡ Tổng thống Bashar al-Assad của Syria vào ngày 13 tháng tới, tại Paris. Thế giới đang hồi hộp theo dõi việc hai nước lân bang và cừu thù nói chuyện hoà giải với nhau.

Cùng lúc đó, tin tức hưu chiến giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine tại dải Gaza cũng được xác nhận. Trong khi đó, cục diện Lebanon cũng có thể xoay chuyển - đi vào ổn định - nếu Syria kiềm chế được lực lượng Hezbollah và việc hoà giải giữa Israel và các lân bang Hồi giáo Á Rập trở thành một niềm hy vọng mới. Dù mong manh vẫn là một niềm hy vọng.

Cùng với những tiến triển khó chối cãi tại Iraq, phải chăng, thế cuộc Trung Đông sẽ đổi loạn sang trị" Người ta có quyền mơ ước điều ấy nếu không quên rằng cùng lúc đó, nhiều cấp lãnh đạo Israel, trong và ngoài Chính phủ Olmert, lại đồng loạt nói tới nhu cầu tấn công Iran!

Israel hòa đàm với Á Rập mà lại đòi dập Ba Tư"

Chiến hay Hoà là tùy Người Đối Diện

Vào tuần qua, trước khi Tổng thống George W. Bush tới Âu châu, Bộ trưởng Giao thông Israel là Shaul Mofaz bỗng dưng tuyên bố: "muốn chặn kế hoạch nguyên tử của Iran, phải dùng giải pháp quân sự".

Shaul Mofaz không là kỹ sư kiều lộ hay nguyên giám đốc lộ vận leo mãi mới lên tới ghế bộ trưởng. Ông từng là Tham mưu trưởng quân đội, Bộ trưởng Quốc phòng và nay là một trong mấy nhân vật có thể thay thế Ehud Olmert làm Thủ tướng của dân Do Thái. Khi Mofaz nói thẳng rằng Israel sẽ phải tấn công Iran, ông ta không phát ngôn vô trách nhiệm theo kiểu... Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương của Sàigon năm xưa.
Nhưng, lý cớ gì Mofaz lại bắn tiếng trước khi hạ thủ" Khác chi báo tin cho kẻ thù" Có cái gì đó không ổn vì Do Thái mà ra đòn thì cứ như sát thủ Nhật rút gươm, hay binh đội Nhật tấn công: vô cùng bất ngờ! Chẳng có tuyên ngôn hay tối hậu thư gì hết!

Mà Shaul Mofaz không là trường hợp duy nhất.

Dân biểu Dani Yatom có một lời tuyên bố tương tự, và từ năm ngoái. Khi tham dự một hội nghị của Minh ước NATO tại Bruxelles về vụ Iran đang muốn chế tạo võ khí nguyên tử, Yatom bàng hoàng nghe thấy một đại diện Âu châu nhận định: "kịch bản nguy hiểm nhất là Hoa Kỳ tấn công Iran!" Ông bèn từ tốn phát biểu: "kịch bản đáng sợ nhất là Iran có võ khí nguyên tử". Rồi nói thẳng, rằng Israel có thể phải đánh phủ đầu!
Dân biểu Dani Yatom không thuộc diện nói sảng lấy tiếng. Ông là đảng viên đảng Lao động theo khuynh hướng ôn hoà chứ không là diều hâu chủ chiến. Ông cũng là tướng lãnh quân đội, xưa kia là cố vấn của cố Thủ tướng Yitzahk Rabin. Yatom lại không là tay võ biền hung hăng vì đã chỉ huy cơ quan tình báo khét tiếng của Israel là Mossad. Trong Hạ viện Knesset của Israel, ông là người ôn hoà, đã bỏ phiếu chống việc Israel đưa quân vào dải Gaza để thanh toán lực lượng Hamas của Palestine.

Đâm ra, giới lãnh đạo Do Thái hết tin tưởng vào giải pháp ngoại giao chính trị nhằm can gián Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad của Tehran đừng chơi dại. Họ đành phải ra đòn triệt hạ kế hoạch võ khí hạch tâm của Tehran.

Bộ trưởng Hội nhập Di dân là Yaakov Edri vừa phát biểu đúng như thế. Ngoại trưởng Tzipi Livni cũng không nói khác. Cựu nhân viên tình báo Mossad, bà Livni khả ái và trong sạch này là ngôi sao sáng nay mai có thể lên thay Ehud Olmert làm Thủ tướng Israel.

Từ trong Chính quyền Israel mà nghe nói tới những phát biểu dữ dằn như vậy, phải kết luận rằng chuyện gì đó đang xảy ra. Israel có thể sẽ tấn công Iran, mặc dù - hoặc chính là vì vậy - đang muốn giảng hoà với các lân bang.

Qua trung gian của Turkey, Israel có thể trả lại cao nguyên Golan cho Syria, đang hưu chiến với Hamas trên dải Gaza và còn tìm cách hoà giải với lực lượng khủng bố Hezbollah tại Lebanon. Nghĩa là Israel đã chọn ưu tiên.

"Xứ Một Bom"

Sở dĩ phải chọn ưu tiên vì xứ sở bé như cái thẹo.

Các sư đoàn thiện chiến Do Thái đã đẩy lui mọi cuộc tấn công của lân bang Á Rập trong 60 năm hiện hữu của quốc gia Israel. Nhưng chỉ một trái bom hạt nhân trên lãnh thổ chật hẹp có 22 ngàn cây số vuông - bằng phân nửa Thụy Sĩ - cũng đủ xoá sổ xứ sở có hỗn danh là "một bom": chỉ lãnh một trái là tiêu tùng! Trong ngần ấy lân bang gần xa, Iran của sắc tộc Ba Tư là xứ hung đồ không che giấu tham vọng tiêu diệt Israel và đang kịch liệt chế bom. Chỉ cần một cái nấm nguyên tử cũng làm thay đổi cả địa dư của khu vực.
Mà dù bom chưa nổ, mới chỉ treo trên đầu thì cũng đủ chết.

Israel đã đụng trận và tồn tại sau mọi loại thách đố, ngoại giao, chính trị, kinh tế - xứ này thiếu nước ngọt - quân sự, khủng bố, bất cóc. Nhưng, nếu bị Tehran điểm huyệt với sự đe dọa của võ khí hạt nhân thì coi như bị phế bỏ võ công: muốn sống thì 1) không được đụng tới quân khủng bố, 2) không được hoà giải với Egypt, Jordan, Turkey, Syria hay Saudi Arabia, và 3) không được hợp tác với Hoa Kỳ. Dưới lưỡi gươm treo đó, doanh gia quốc tế hay chuyên gia Do Thái sẽ lặng lẽ rút lui, và chưa lãnh bom xứ này cũng đã kiệt quệ. Chỉ còn nước tự sát.

Cho đến nay, mọi người - như các nước Âu châu, Hoa Kỳ hay Nguyên tử lực cuộc IAEA của Liên hiệp quốc - đều có thể đồng ý rằng Iran chưa có bom nguyên tử hay hạch tâm. Tuy nhiên, Tehran không che giấu ý định chế bom, và còn cho biết là sắp có. Sắp là bao lâu thì khó biết, nhưng Jerusalem mà biết trễ một ngày cũng đủ mang hoạ.

Như một tay đánh phé có bản lãnh, Israel không muốn mình sẽ là "Xì vương độc nhất láng", hụt một nước là sạch vốn, chỉ còn nước trôi ra biển. Vì vậy, việc lãnh đạo Do Thái đang chuẩn bị dư luận và phương tiện để ra đòn là điều có thật, và có lý.

Nhưng, muốn là một chuyện.

Làm Có Nổi Không"

Cách đây chín tháng, ngày sáu tháng Chín năm ngoái, chiến đấu-oanh tạc cơ F-16 của Israel đã từ Địa trung hải bay dọc biên giới Turkey và phía Bắc Syria để bất thần tấn công một căn cứ nằm sâu trong lãnh thổ phía Đông của Syria. Trước đó, biệt kích của họ được thả vào để chấm tọa độ và điều hướng phi cơ cho chính xác. Sau vụ tấn công, Israel cứ lặng thinh trong khi Syria phân trần rằng đấy không là một căn cứ chế tạo võ khí nguyên tử.

Mãi đến gần đây, Hoa Kỳ mới bật mí rằng đấy là căn cứ nguyên tử, do Bắc Hàn yểm trợ về kỹ thuật! Turkey, Syria, Bắc Hàn và tất nhiên cả Hoa Kỳ, đều phải biết sự thật. Và cũng biết rằng Israel có khả năng nhổ nọc nguyên tử nếu cần thiết. Chẳng phải ngẫu nhiên mà sau đó, là ngày nay, qua trung gian của Turkey, Syria lại nói chuyện hoà giải với Israel!

Năm 1981, chiến đấu cơ F-16 của Israel cũng đã một lần cất cánh vượt qua 900 cây số để tiêu diệt căn cứ nguyên tử Osirak của Saddam Hussein. Căn cứ này là do Pháp xây cho Iraq, nhưng chấm tọa độ từ bên trong là công trạng của một kỹ sư Pháp, được Mossad móc nối! Mà hệ thống phòng không của Iran ngày nay thật ra vẫn còn kém cỏi và không thể chống đỡ được các đợt không tập của Israel.

Vì vậy, nói về võ công, Israel có khả năng ra đòn. Không dễ nhưng không là bất khả, dù rằng Iran có nhiều chứ không chỉ một nơi tình nghi là lò nguyên tử hay căn cứ chế tạo võ khí nguyên tử thành một đầu đạn có thể nổ. Hai nơi được chú ý nhất là Natanz và Bushehr.

Kẹt một cái là từ Israel thì phải bay qua Syria hay Jordan, rồi Iraq dưới tầm đạn của Mỹ, mới tới Iran. Mà bay đi còn phải bay về nữa.

Mà Sao Phải Dụng Binh"

Tháng 12 năm ngoái, một lượng định của tình báo Hoa Kỳ (NIE) nói rằng hình như Iran đã chấm dứt chương trình nguyên tử từ năm 2003 nhưng vẫn có ý định tiếp tục. Phúc trình này gây sóng gió tại Mỹ vì dư luận phản chiến cho rằng Chính quyền Bush đã lầm, trong khi dư luận chủ chiến cho rằng các tác giả bản phúc trình cố tình trình bày sự thể một cách lạc quan.

Thật ra, bản báo cáo không có kết luận trắng đen rõ rệt và tùy quan điểm mà người ta chọn lựa từng phân đoạn và trình bày sự việc một khác.

Dù thiên hạ cứ nhăng cuội về chuyện CIA ba đầu sáu tay, tình báo Mỹ không toả sáng về khả năng thẩm định và bị sai lầm khá nhiều, như đã sai lầm về võ khí tàn sát hàng loạt (WMD) của Saddam Hussein. Đấy là sai lầm chung của tình báo Mỹ từ thời Clinton - rồi của tình báo Anh, Pháp, Đức, Nga và cả Nguyên tử lực cuộc -  nhưng vẫn là lý cớ cho các chính khách bất lương đả kích Chính quyền Bush về tội ra quân tấn công Iraq, sau khi liên tục bỏ phiếu chấp nhận việc lật đổ Saddam Hussein từ những năm 1998 tới 2002.


Israel không ở vào hoàn cảnh ấu trĩ của truyền thông Mỹ hoặc lật lọng như chính khách Mỹ. Tình báo của họ kết luận rằng Iran đã mạnh mẽ tái khởi động chương trình từ năm 2005, và ba năm sau - tức là bây giờ - sắp bước qua điểm bất khả hồi. Là điều mà Bộ trưởng Quốc phòng (và nguyên Thủ tướng) Ehud Barak vừa viết cho Thủ tướng Áo. Rằng nếu Tehran vượt quá điểm đó thì Israel đành bó tay. Chịu chết. Với đà này, thời điểm tử sinh đó là năm 2009.

Israel cũng không tin rằng áp lực quốc tế sẽ cản trở Tehran.

Quốc tế là Liên hiệp quốc thì sự thể đã rõ: cơ chế này chỉ giỏi trì hoãn chiến với sự thiên vị rõ rệt về phía Á Rập hay Hồi giáo. Quốc tế là Liên bang Nga và Trung Quốc thì chỉ a tòng với Iran vì phá hoại đề nghị tẩy chay và cấm vận ngay từ đầu. Quốc tế là các nước Âu châu thì sợ chết và cũng ngả theo Palestine và vẫn còn muốn làm ăn với chế độ Tehran. Cho nên họ chỉ miễn cưỡng gật đầu khi bị Mỹ ép.

Mà nước Mỹ lại đang bận tranh cử, và Tổng thống George W. Bush là con vịt què bị cắt cánh.

Mang tội tấn công Iraq, ông Bush khó có biện pháp mạnh với Iran, và chẳng thể nói gì hơn là "Hoa Kỳ tự dành cho mình mọi giải pháp đối phó với Iran, sau khi đã tận dụng mọi giải pháp ngoại giao". Ra cái điều là sẽ hết sức dụng lễ, nhưng vẫn có thể dụng binh.

Nhưng, cũng chính là vào giờ phút mờ ảo này, Israel mới có cái thế ra tay! Là điều ông Bush không che giấu khi phát biểu tại thượng đỉnh ở Slovenia vào tuần trước: "ai cũng nóng ruột về chuyện Iran... nhưng, hãy nghe thấy sự nóng ruột trong tiếng nói của Israel!"

Thời Điểm Thuận Lợi

Không ai trong Chính quyền Bush, kể cả Phó Tổng thống Dick Cheney, lại có thể yêu cầu công chúng và Quốc hội cho phép mình "tiên hạ thủ" để đánh phủ đầu Iran. Nhưng, không ai trong Chính quyền Bush, kể cả Ngoại trưởng Condoleezza Rice, lại có thể yêu cầu dân Do Thái và lãnh đạo Israel ngồi trên thùng thuốc súng để trông chờ vào thiện chí của Tehran.

Tuy nhiên, dù có ba bốn không như vậy, Hoa Kỳ vẫn không thể ngồi không nếu Israel bay vào hang ổ Iran để nhổ nọc rắn.

Trong mấy tháng tới, khi Bush còn tại chức, Israel có một cơ hội gần như cuối cùng để tạo ra sự đã rồi. Và tin chắc rằng quân lực hay tình báo Mỹ sẽ không phá hoại kế hoạch của mình. Nhân vật chủ hoà nhất là Ngoại trưởng Condi Rice - bạn thân của Ngoại trưởng Livni của Israel - chỉ có thể khuyên can và cố cột cho chặt hy vọng hoà giải giữa Israel với Palestine, Syria và góp phần ổn định Lebanon mà thôi. Đấy là thành tích mà bà Rice muốn đem lại cho Chính quyền Bush trước khi họ mãn nhiệm.

Nhưng, là Cố vấn An ninh Quốc gia cho Bush trong nhiệm kỳ trước, bà hiểu thế nào là chuyện an ninh sinh tử cho một xứ như Israel.

Vì vậy, Chính quyền Israel cứ tiếp tục việc hoà đàm với các lân bang Á Rập, nhưng quyết liệt chuẩn bị việc tấn công Iran. Nếu có gây ra một đám cháy trên toàn cõi Trung Đông thì họ cũng chịu. Còn hơn là bò ra biển. Khi họ ra tay thì Hoa Kỳ đành thở dài, Chính quyền Bush đành phân bua này nọ, chứ không thể cản trở. Cho vệ tinh theo dõi và bắn hạ máy bay Israel khi đang bay qua Iraq vào Iran"

Hoa Kỳ có tiếng là ưa phản bội đồng minh, nhưng phản bội Do Thái giữa cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo là điều hơi khó. Mà chế độ Shia tại Tehran có thay đổi sau khi bị Israel điểm huyệt thì các nước Á Rập Sunni chung quanh Israel cũng sẽ không để tang!

Vả lại, dù Chính quyền Bush có nói cách mấy, thiên hạ hay cả Quốc hội Dân Chủ vẫn cứ cho rằng Bush xúi giục thì... cũng tốt thôi! Làm được gì nhau" Hoa Kỳ không gây chiến nhưng không thể bỏ rơi đồng minh ở nơi chốn đó. Quốc hội đòi điều trần ư" Ai muốn nghe khi cả nước đang lo bầu cử" Các đại biểu dân cử và trung tâm quyền lực hay tiền tài Do Thái ở tại Mỹ cũng chẳng ngồi không. Và chắc chắn là chẳng tố giác Chính quyền Bush...

Một Đồng Một Cốt

Lúc đó, người ta mới nhớ đến một tin rất lạ từ tháng trước.

Hôm Thứ Ba 20 tháng Năm, tờ Jerusalem Post bỗng loan một tin rất sảng: đài phát thanh quân đội Israel trích dẫn nguồn tin tình báo của quân đội Israel, rằng Chính quyền Bush-Cheney chuẩn bị tấn công Iran trong mấy tháng tới. Nguồn tin đó ỡm ờ nói thêm rằng kế hoạch này gặp sự cản trở của Ngoại trưởng Condi Rice và Tổng trưởng Quốc phòng Robert Gates.

Tờ Jerusalem Post không là báo lá cải loan tin động trời để câu khách. Đài phát thanh Quân đội Israel cũng không đem tin quân báo rao bán trên làn sóng điện. Mà họ lại không cải chính bản tin của tờ nhật báo!
Nghĩ lại mà xem: hai nhân viên nội các dù là cấp Ngoại trưởng hay Quốc phòng cũng không thể chống lại quyết định của Tổng thống. Họ có thể can gián và sau cùng đành tìm giải pháp ít thiệt hại nhất để thi hành kế hoạch của thượng cấp, nếu không thì từ chức. Nói cho dễ hiểu, chuyện Bush tấn công Iran là... có vẻ có cơ sở. Đúng sai chưa biết, nhưng ai cũng sợ, nhất là ở Iran, là nơi mà dân chúng đói khổ đang bất mãn với chính quyền hung hăng và bất tài của Ahmadinejad.

Một ngày sau khi tờ báo Do Thái loan tin đó, Tổng trưởng Gates có buổi điều trần trước Quốc hội. Ông thành thật khai báo, rằng Mỹ đã lỡ cơ hội nói chuyện phải quấy với Iran hồi 2003-2004.

Diễn dịch cho đúng: 1) thời đó, Ahmadinejad chưa lên làm tổng thống, 2) bây giờ, nói chuyện hết được, nếu nhân vật ấy vẫn còn tại chức, và 3) nói chuyện hết được thì phải tìm giải pháp khác! Kết luận: nếu không cất Ahmadinejad và cứ tiếp tục chơi bạo thì Iran chơi dại. Jerusalem Post hay Israel chỉ phiên dịch điều ấy ra bạch văn.

Hoá ra Israel và Hoa Kỳ vẫn chỉ là một đồng một cốt. Bên tung bên hứng, để cuối cùng cả hai đều có thể thủ tay trong túi mà vẫn bấm nút. Nếu Iran chưa hiểu thì Trung Đông sẽ mịt mù khói lửa. Để lịch sử ghi lại rằng Hoa Kỳ trong tám năm của Bush đã gây chấn động trong thế giới Hồi giáo, đã dứt điểm các chế độ quá khích nhất tại Kabul, Baghdad và Tehran, đã khiến Lybia và cả Syria phải xoay chiều. Có khi còn đổi loạn ra trị vì hoà giải với các chế độ Hồi giáo Sunni và để Israel nhổ cái gai còn lại của hệ phái Shia tại Tehran, hầu Iran sẽ có một chế độ biết điều hơn.

Di sản đó có gì tệ!

Nhưng, nói xa chẳng qua nói gần: khi khỏi lửa mịt mù như vậy, dân Mỹ sẽ chọn ai làm tổng thống" Nhiều phần sẽ là John McCain!

Iran Lãnh Bom, Ai Lãnh Phiếu"

Thời chiến mà, ai chọn con gà nuốt dây thung"

Mà nếu Xì vương độc nhất láng Israel chỉ dọa già cũng đủ trấn nước kế hoạch nguyên tử cùng với người khùng Ahmadinejad - ước mơ của Âu châu và lời phân bua tháng trước của Tổng trưởng Gates - thì lập trường cứng rắn của McCain vẫn đắc sách hơn cả. Không có giọng ca vàng, năm ngoái ông là người duy nhất trong khi tranh cử tổng thống đã nhún nhẩy trên một giai điệu của ban Beach Boy, và tưng tưng hát nhại bài Barbara Ann: "Bomb, bomb, bomb Iran!"

McCain hát giỡn chứ Iran và Israel vẫn coi như thật. Ông ít nói ra chứ con trai thứ của ông là một Thủy quân Lục chiến đang phục vụ tại Iraq. Từ nhiều đời rồi, gia đình này không có thói quen bỏ chạy và không ưa trò phản chiến.

Còn đại tài tử Barack Obama"

Ứng cử viên tay mơ này là con cừu non, đòi nói chuyện vô điều kiện với lãnh đạo Tehran chỉ để hốt phiếu phản chiến mà chưa biết sẽ nói chuyện gì, nên bây giờ mới bắt đầu điều chỉnh tọa độ. Mà làm sao nói hơn Đức, Anh hay Pháp, nếu không cầm dùi cui trong tay" Là chuyện ông ta không thích.

Nhìn từ Jerusalem, Obama không am hiểu chuyện quốc tế và vượt qua Hillary Clinton trong vòng sơ bộ nhờ sự ủng hộ của con nít ngây thơ, trí thức lý tưởng và tỷ phú chủ hoà. Nếu chẳng may bước vào toà Bạch Cung, Obama mới là một chướng ngại. Với lãnh đạo Do Thái, tại Israel và Hoa Kỳ, Obama chỉ là ấn bản đen ngòm của Jimmy Carter, người góp phần đáng kể cho các Giáo chủ Iran tiến vào Tehran năm 1979.

Kết cuộc thì dù Israel có tìm mọi cách chứng minh rằng mình ra quân một mình, tức là không do Mỹ xúi, Bush vẫn bị kết án vì cho phi cơ Israel bay qua không phận Iraq. Ngược lại, dù Hoa Kỳ có đơn phương ra tay thì tình báo Israel vẫn bị mang tiếng là ngầm tiếp tay. Cho nên, ai xúi ai, hay ai bật đèn xanh cho ai chỉ là chuyện bàn tán vu vơ.

Chuyện chính là trong khi dân Mỹ chuẩn bị đi bầu, có khi Trung Đông bỗng khét mùi thuốc súng và Iran lại trở thành tử tế.

Hèn gì, Obama đành ngỏ ý sẽ thăm viếng Iraq, Afghanistan và Israel trước ngày bầu cử! Thông minh nhưng chậm hiểu.

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Tám năm trước, buổi sáng sau đêm bầu cử 2016 là một buổi sáng ảm đạm. Nhà ga Pentagon Metro ở Washington DC vắng lạnh. Những toa tàu thưa thớt người. Bên trong đài phát thanh RFA lặng lẽ. Nhân viên các phòng ban đi ngang qua nhau với một nụ cười gượng gạo. Nhân viên của ngân hàng Chase gần đó cắm mặt vào máy tính để điền thông tin cho khách. Khi hỏi, “Anh có xem bầu cử đêm qua không?” Anh nhân viên da đen gật đầu, không trả lời. - “Anh không vui vì kết quả phải không?” - “Bà ấy đã thua,” anh rời mắt khỏi màn hình, nhìn sang và nói. Tám năm sau, không khí đó lặp lại, trong ngột ngạt nhiều hơn. Vì sự lạc quan của nhiều người Mỹ sáng suốt trong ba tháng qua là quá lớn. Có rất nhiều thứ để họ tin và hy vọng. Trước hết là họ tin nước Mỹ đã nhìn thấy và hiểu được mối nguy hiểm mà Trump đại diện.
Nếu bạn quan tâm về những gì mình viết trên facebook, blog, diễn đàn, trang nhà, email, vân vân, nên tự cảm nhận hiệu quả của viết lách và kể chuyện của bản thân như thế nào? Quá trình “Vận chuyển tường thuật” trong thế giới điện tử trực tuyến là một trong vấn đề xã hội và cá nhân đáng chú trọng.Kể chuyện thế kỷ 21 Những tiến bộ trong công nghệ đã giúp chúng ta dễ dàng tiếp cận kiến thức gián tiếp mà chúng ta mong muốn về thế giới (Greenfield 2015; Harris và Sanborn 2013). Kể chuyện trong thế kỷ 21 đã phát triển khi mọi người tìm ra những cách mới để ghi lại, chia sẻ và tiêu thụ các câu chuyện: trò chơi, trải nghiệm cá nhân hoặc tin tức chỉ là một số ví dụ (Lundby 2008). Ngày nay, công nghệ hiện đại đã kết hợp hình ảnh với âm thanh và văn bản, đồng thời trao cho mọi người khả năng trở thành người kể chuyện cá nhân và sử dụng môi trường điện tử cho mục đích riêng (Greenfield 2015). Trong cuộc sống bão hòa công nghệ (Lenhart và cộng sự 2015), việc trao đổi câu chuyện thường diễn ra thô
Donald Trump đã trở lại và ít ai nghiệm ra rằng đây là hệ quả từ mối nguy mà Andrei Dmitrievich Sakharov đã cảnh cáo từ hơn ba phần tư thế kỷ trước: sự mê hoặc của loại “ma túy” mang tên “văn hóa quần chúng” (mass culture) và sự lan truyền của những “mê thoại đại chúng” (mass myth) nhằm tạo dựng quyền lực cho những tên mỵ dân “tàn bạo và giảo quyệt”. Sakharov (1921-1989), Nobel Hòa Bình 1975, là cha đẻ của bom khinh khí Nga nhưng quay sang chống vũ khí này và, hơn thế nữa, còn là một nhân cách trí thức vĩ đại, một nhà đấu tranh nhân quyền dũng cảm, bị lưu đày trên quê hương mình dưới sự đàn áp của chính quyền cộng sản, từ năm 1968 đến năm 1986, khi Mikhail Gorbachev tiến hành cải tổ.
Trump thắng, hơn nửa nước Mỹ và hầu như cả thế giới ngỡ ngàng, không hiểu tại sao. Thực ra, mọi chuyện rất giản dị. Chỉ cần suy ngẫm, phân tích vài con số là hiểu ngay. Lần thắng đầu, ông Trump được khoảng 63 triệu phiếu, thua bà Hillary cỡ ba triệu. Lập tức đài Fox và truyền thông của Putin hợp lực biến ông thành lãnh tụ vĩ đại của đảng Cộng hòa. Và riêng ông, với thiên tư là nhà buôn có tài, ông có khả năng bắt trúng ngay nhu cầu của khách hàng, nên rất xứng đáng với những lời xưng tụng của Putin và Fox.
Ngày 31 tháng 10 vừa qua, RFA hân hoan thông báo: “Trại giam số 6 đồng ý mở cửa ‘chuồng cọp’, hai TNLT dừng tuyệt thực sau 21 ngày”. Danh từ “chuồng cọp” trong bản tin thượng dẫn khiến tôi nhớ đến một bài báo cũ (“Ký Ức Những Ngày Ở Địa Ngục Trần Gian”) xuất hiện trên báo Nhân Dân, hồi đầu năm, hôm 01/05/24.
Điều gì xảy ra khi bạn dùng một số tiền khổng lồ mua một nền tảng mạng xã hội, dẫn đến một nửa người dùng bỏ đi, các nhãn hàng dừng quảng cáo, cuối cùng là giá trị của nó thấp hơn 1/3 số tiền đã bỏ ra mua chỉ trong vòng một năm? Đó là bạn được giao lãnh đạo cơ quan mới trong chính quyền mới – tạm thời gọi là “Bộ Cải Tổ Chính Phủ (Department of Government Efficiency - DOGE)” Và khi Elon Musk có tên trong thành phần nội các mới của tổng thống tội phạm Donald Trump ở DOGE, thì một cuộc di tản lớn nhất mạng xã hội Twitter mà Musk đã mua với giá $44 billion vào năm 2022 cũng bắt đầu. Những cây viết công nghệ có cách ví von thú vị: Một vùng đất nhỏ xinh, trong lành, sạch sẽ bên cạnh chiếc du thuyền đang chìm, mà hầu hết du khách trên đó đều bị nhiễm norovirus. Vùng đất tị nạn đó là Bluesky.
Quan hệ Mỹ-Việt Nam trong nhiệm kỳ II của Tổng thống Cộng Hòa Donald Trump sẽ không có những thay đổi đặc biệt, nếu liên lạc giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh vẫn giữ nguyên trạng như thời Tổng thống Dân Chủ Joe Biden.
Tổng Thống thứ 47 của Hoa Kỳ sẽ là Donald Trump. Ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã chính thức được tuyên bố là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, với Fox News, CNN và Associated Press xác nhận. Tổng Thống Đài Loan đã gửi lờn chúc mừng. Các công ty Đài Loan đang đánh giá lại các kế hoạch ở nước ngoài của họ. Advantech Co., Ltd., một nhà sản xuất sản phẩm tự động hóa công nghiệp có trụ sở tại Đài Loan, sẽ tiếp tục phát triển tại Hoa Kỳ, Miller Chang, chủ tịch nhóm embedded-IoT (internet of things, còn dịch là internet vạn vật) của Advantech cho biết.
Khả năng “lịch sự” và “ảo luận” trong chữ nghĩa phê bình khiến cho tôi băn khoăn mỗi khi nghĩ đến văn học Việt nói chung và Văn học hải ngoại khoanh vùng.
Chỉ quá nửa đêm của ngày lịch sử 5 tháng 11, 2024, cựu tổng thống Trump đã giành chiến thắng rõ ràng trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, với khả năng thắng hầu hết các tiểu bang chiến trường, đánh bại Phó Tổng thống Kamala Harris, ứng cử viên phụ nữ da màu - trở thành đảng viên Cộng hòa đầu tiên giành được số phiếu phổ thông toàn quốc sau 20 năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.