Hôm nay,  

Niềm Vui Sách Đèn

14/12/200900:00:00(Xem: 4749)

Niềm Vui Sách Đèn 

Đoàn Thanh Liêm   
(Để tưởng nhớ Học giả Nguyễn Hiến Lê, Luật sư Trần Văn Tuyên và Nhà báo Đỗ Ngọc Yến. )
Ngoài cuộc sống gia đình, tôi có hai điều say mê thích thú trên đời. Đó là niềm vui với bạn bè bằng hữu, và niềm vui với sách vở chữ nghiã.
Vào năm 1983, tính theo tuổi ta, thì tôi đã bước vào tuổi “Ngũ thập tri thiên mệnh” rồi. Mà vào lúc đó, tình hình ở Việt nam dưới chế độ cộng sản thì thật là đen tối bế tắc. Nên tôi có làm mấy câu thơ để giãi bày tâm sự như sau  :
Ngũ tuần vưà tới năm nay 
Tóc sương đã điểm, tim này còn rung
Giữa cơn gió bụi mịt mùng
Bạn hiền tri kỷ vẫn chung một lòng
Sách đèn gia nghiệp đêm chong
 Gắng công tu luyện, thoát vòng tối tăm.
Bài này tôi có đọc cho các bạn thân thiết nghe chơi. Đặc biệt, tôi có gửi cho cụ Nguyễn Hiến Lê hồi đó đang về nghỉ tại Long Xuyên. Ít lâu sau cụ Nguyễn về lại Saigon, thì cụ lại đến nhà thăm tôi. Truyện trò thăm hỏi mấy câu, thì cụ lấy từ túi aó ra bức thư tôi đã gửi cho cụ ở Long Xuyên. Cụ đọc lại bài thơ và gật đầu, tán thưởng. Cụ nói  : “Tôi đọc mấy câu thơ tâm sự này cuả ông, mà cảm thấy vui lây với cái tinh thần lạc quan, bình tĩnh cuả ông. Thật đúng là khẩu khí cuả con người là cháu nội cuả một vị đồ nho như trường hợp cuả ông...”
Cụ nói như vậy, vì trước đó tôi đã có dịp tâm sự với cụ rằng tuy là cháu cuả một vị đồ dậy chữ nho, mà tôi chẳng được học lấy một câu chữ nho nào cuả ông nội, bởi lẽ ông tôi đã mất khi tôi mới có 5-6 tuổi gì đó thôi. Tuy vậy, tôi vẫn luôn nhớ là cha mẹ tôi thường nhắc nhở dặn dò lũ anh chị em chúng tôi là : “ Chúng con phải cố gắng để mà giữ vững được cái nền nếp gia phong, gia đạo cuả dòng họ nhà mình ...” Sau năm 1975, thì tôi có cái duyên được quen biết gần gũi với cụ Lê; và tôi thường lui tới thăm viếng, đàm đạo với cụ một già một trẻ, thật là tâm đắc. Ông cụ lại còn tặng cho tôi một số cuốn sách rất có giá trị, cụ thể như cuốn “Cổ văn Trung quốc” do cụ biên soạn vào hồi năm 1966 - 67, và cả cuốn “ Les dilemmes du développement” cuả giáo sư Raymond Aron là một tác giả mà cụ cũng như tôi đều rất ưa thích. Bằng một giọng nói bình thản, nhẹ nhàng có lần Cụ tâm sự với tôi : “ Tôi đang chuẩn bị cho “chuyến đi xa cuả tôi” (mon grand départ), nên đã soạn ra các sách dành riêng cho cháu nội hiện ở bên Pháp. Còn lại, thì gửi cho bạn bè mỗi người một vài cuốn để làm kỷ niệm. Xin ông giữ lấy một ít cuốn tôi gửi tặng vậy nhé...” Và chẳng bao lâu sau, cụ Nguyễn Hiến Lê đã từ giã cõi đời vào cuối năm 1984 tại Saigon.
Người thứ hai mà tôi cũng rất quý mến thân quen hồi trước năm 1975, đó là Luật sư Trần Văn Tuyên. Ông là một vị niên trưởng nổi danh cuả giới luật gia chúng tôi trong Luật sư đoàn Toà Thượng Thẩm Saigon. Nhiều buổi sáng sớm, tôi đến thăm thì được mời lên phòng trên lầu uống cà phê với ông. Lúc đó ông còn mặc áo bà ba, ngồi bàn giảng bài toán cho cô con gái nhỏ còn đang học trung học cuả mấy bà soeur. Phòng ông làm việc thì chỉ có sách ơi là sách được bày trên các kệ thật cao. Luật sư Tuyên luôn khuyến khích việc anh chị em thanh niên chúng tôi làm công tác xã hội tại các quận 6,7,8 Saigon. Có lần ông xuống thăm mấy công trường tái thiết các khu nhà bị tàn phá thời Tết Mậu Thân 1968 và thân mật nói chuyện trao đổi với chúng tôi.Sau ngày 30 Tháng Tư 1975, tôi có đến thăm ông bà vẫn còn ở lại Việt nam, ông có giữ tôi lại ăn cơm trưa với ông bà, và đó là bữa cơm cuối cùng giữa ông và tôi. Vì sau đó, thì ông phải vào trại” tù cải tạo”, rồi bị mất tại trại Hà Tây gần với ga xe lưả Văn Điển ngoài Bắc vào cuối năm 1976.
Vào hồi năm 1981-82, thì bà Luật sư Tuyên tức là Phạm Thị Côn có cho tôi hay rằng : “Sách cuả anh Tuyên để lại quá nhiều, mẹ con tôi phải cho bán bớt đi. Nhưng tôi muốn để cho các anh là chỗ thân thiết lâu năm với anh Tuyên, thì các anh được quyền ưu tiên chọn lấy các sách về chính trị, luật pháp mà các anh thích. Riêng anh, thì anh muốn chọn lấy bao nhiêu cũng được, vì anh là người bạn rất tâm đắc cuả anh Tuyên. Xin anh cứ thoải mái chọn các sách mà anh ưa thích, như là một kỷ niệm đẹp đẽ cuả anh Tuyên vậy...” Và tôi đã chọn được đến vài ba chục cuốn sách mà tôi ưa thích, đặc biết có cả bộ sách trên 10 cuốn cuả nhà khảo cổ lừng danh thế giới là Teilhard de Chardin cuả Pháp.Tủ sách cuả Luật sư Tuyên rất quý, vì ngoài các sách ông mua sắm trong các chuyến công du ở ngoại quốc, lại còn các sách ông được giới ngoại giao hay chính khách quốc tế tăng biếu ông nưã. Cụ Nguyễn Hiến Lê là bạn cùng học chung với Luật sư Tuyên tại trường Bưởi Hanoi năm 1930-32, thì cụ nói với tôi :” Anh Tuyên ngày xưa học rất giỏi, đặc biệt là về môn Toán. Sau này anh ấy học Luật, chứ nếu mà anh ấy theo đuổi ngành khoa học, thì anh vẫn có thể xuất sắc như thường.” Thành ra tôi là người đều có duyên thân thiết với cả hai vị tiền bối, mà là bạn đồng môn với nhau tại ngôi trường mà sau này đổi tên là Trường Chu Văn An, và tôi là kẻ hậu sinh cũng đã theo học tại ngôi trường này vào hồi trước năm 1954 nưã.
Người thứ ba mà rất có duyên với tôi về chuyện sách vở vào thời kỳ tôi qua định cư ở California, đó là nhà báo Đỗ Ngọc Yến. Dĩ nhiên là chúng tôi quen biết gắn bó với nhau trong công tác xã hội từ rất lâu trước kia ở Việt nam. Hồi năm 1965, Yến là Tổng Thư Ký cuả Chương trình Công Tác Hè cuả giới Thanh niên, Sinh viên , Học sinh toàn miền Nam Việt nam, lúc mới có 24 tuổi.


Ngoài chuyện hoạt động xã hội rất năng nổ nhiệt thành, Yến còn có sự say mê với sách vở. Anh chiụ khó tiện tặn trong các khoản chi tiêu để còn dành dụm tiền vào việc mua sắm sách báo, ngay từ cái thời còn ở Việt nam. Nhưng qua đến Mỹ, thì trong vài chục năm Yến đã mua sắm được cơ man nào là sách báo. Sách nhiều đến nỗi trong các phòng ngủ, đâu đâu cũng đày ắp sách ơi là sách, kể cả cái garage nưã, đó không phải là chỗ chứa xe, mà là cả một kho sách với các kệ chưá kín mít. Mà Yến lại rất rộng rãi, đem chia sớt cho bất cứ bạn bè nào có nhu cầu tham khảo, tìm kiếm kiến thức nơi sách báo. Từ ngày qua Mỹ năm 1996, tôi đã được Yến cho đến cả mấy chục cuốn sách mới xuất bản rất có giá trị, mà sau năm 1975 tại quê nhà tôi it có dịp được biết tới. Yến lại khuyến khích tôi nên tập trung vào một số lãnh vực mình có sở trường, chứ không nên bao biện dàn trải mở rộng trong nhiều bộ môn. Và trong hầu hết các sách Yến cho tôi, thì đều có những ghi chú cuả anh khi đọc. Đó là điều chứng tỏ là Yến đọc sách rất nghiêm túc, tôi thấy Yến cũng giống như cụ Nguyễn Hiến Lê trong khiá cạnh đọc sách và ghi chú rất kỹ lưỡng vào lề các trang sách. Cụ thể như trong các sách cuả Henry Kissinger hay cuả Raymond Aron mà Yến cho tôi mấy cuốn, thì tôi thấy đày rãy những ghi chú cuả anh dọc theo các trang sách, khi thì bằng mực đỏ, lúc thì bằng bút chì đen. Kể cả sau khi Yến mất đi, thì tôi vẫn còn đến nhà chị Loan là bà xã cuả anh để xin thêm một vài cuốn sách nưã. Chị Loan nói : Anh cứ thoải mái chọn các sách mà anh cần, vì tôi đang phải tìm cách chuyển cái kho sách quá nhiều này đến các nơi nào có nhu cầu như tủ sách cuả các cơ quan đoàn thể chẳng hạn.
Chị Loan còn nhắc lại cho tôi biết về cái niềm say mê cuả ông xã cuả chị với sách vở chữ nghiã. Hầu như không mấy dịp nghỉ cuối tuần nào mà Yến không đi lùng kiếm sách nơi các chợ sách hay nơi các thư viện trong vùng Orange County. Có lần Yến mua cả một lô đến cả ngàn cuốn sách cũ cuả thư viện Đại học Fullerton và phải giao hẹn với cơ sở này để dành cho Yến kiếm xe đến chở đi lần lần. Tôi cũng vốn có sự say mê với sách vở, nhưng chưa thấm vào đâu so với nỗi đam mê này cuả Yến. Anh đã từ giã cõi đời được trên 3 năm rồi, nhưng cái ký ức cuả tôi về Yến trong chuyện sách vở, cũng như sự quý mến bằng hữu thì không bao giờ phai lạt tan biến đi đâu được.
*           *          * 
Ngay từ cái hồi còn theo đuổi học tập tại đại học ở Saigon, tôi đã hăm hở lui tới hầu hết các thư viện trong thành phố, đặc biệt là thư viện cuả phòng thông tin Hoa kỳ, thư viện cuả hội Alliance Francaise cuả Pháp, cuả Học viện Quốc gia Hành chánh do đại học Michigan bảo trợ, và dĩ nhiên là thư viện cuả đại học Luật khoa. Đó là chưa kể thư viện cuả các linh mục Dòng Đaminh nơi cư xá sinh viên Phục Hưng ở số 43 Nguyễn Thông mà tôi được cư ngụ trong các năm 1956 – 58 hồi còn học luật ở Saigon. Sau này khi ra trường, thì tôi đi làm cho Quốc hội Việt nam thời Đệ nhất Cộng hoà, nơi đây cũng có một thư viện với khá nhiều sách báo mới do các sứ quán ngoại quốc gửi tặng, cũng như do văn phòng Quốc hội mua sắm riêng cho các dân biểu tham khảo. Nhưng thường ngày, thì chỉ có mấy chuyên viên trẻ tuổi như tôi mới hay lui tới đọc sách tại đây, vì thư viện này được giao cho Sở Nghiên cưú Pháp chế chúng tôi quản lý. Hồi đó tôi hay nói đuà với mấy bạn đến thăm tại văn phòng rằng :  Vốn là một tên mọt sách, tôi làm việc tại nơi có thư viện như cơ quan này, thì giống như là một thứ “chuột sa chĩnh gạo “ấy !
 Và nhất là khi tôi được gửi đi du học tu nghiệp tại Mỹ vào năm 1960-61, thì tôi được tới tập sự tại Thư viện Quốc hội Mỹ (Library of Congress) là một cơ sở văn hoá có tiếng tăm vào bậc nhất trên thế giới. Tôi được các bậc đàn anh trong Sở Sưu tầm Lập pháp (Legislative Reference Service LRS) tại đây chỉ dẫn tận tình về cách thức nghiên cưú sưu tầm tài liệu phục vụ chuyên biệt cho Quốc hội với một chuyên viên mới có cỡ 25-26 tuổi vưà mới từ một cơ sở non trẻ tại Việt nam tới để học tập nâng cao trình độ chuyên môn trong ngành nghiên cứu luật pháp. Các vị huynh trưởng này phần nhiều đã vào tuổi trên dưới 40, là luật sư hay giáo sư đại học, họ thấy tôi ham tìm kiếm học hỏi thì lại càng hết sức truyền thụ kiến thức chuyên môn cho tôi. Vì thế mà kể từ năm 2000, tôi đã luôn luôn tìm cách trở lại cơ sở nghiên cưú này để tìm kiếm tài liệu cho đề tài nghiên cưú dài ngày cuả tôi về” sự phục hồi xã hội dân sự tại Đông Âu kể từ khi chế độ công sản sụp đổ vào năm 1989”. Các chuyên gia phân tích luật pháp (legal analyst) hiện làm việc tại cơ sở Law Library này, thì hầu hết chỉ vào cỡ tuổi 40 – 50, nên họ có sự quý trọng đối với một vị “laõ thành” đã vào cái tuổi thất thập như tôi, mà đã từng lui tới cơ sở này từ trên 40 năm trước vào đầu thập niên 1960, dưới trào Tổng Thống Eisenhower và Kennedy.
Vậy đó, sau nhiều năm miệt mài theo đuổi hoạt động xã hội trong thời gian chiến tranh khói lưả ở Việt nam, rồi tiếp đến những năm tháng dài đằng đẵng phải sống dưới chế độ cộng sản, và nhất là sau mấy năm bị nhốt trong các trại tù, thì bây giờ được sống trong một xã hội tự do thông thoáng và tiến bộ như ở nước Mỹ hiện nay, tôi đã tìm lại được cái niềm say mê thích thú với sách vở chữ nghiã, như đã từng theo đuổi từ cái hồi trai trẻ vào lưá tuổi đôi mươi trong muà xuân cuả cuộc đời mình. Và nhất là ngày nay, nhờ có internet nên việc sưu tầm nghiên cứu cũng dễ dàng mau lẹ và chính xác hiệu quả hơn trước đây rất nhiều. Cũng phải kể đến các tiện nghi dễ dãi mà các thư viện cuả các thành phố lớn, cũng như cuả các đại học luôn dành sự ưu đãi cho các chuyên viên nghiên cứu nưã. Nhờ vậy mà tôi có thêm sự phấn khởi để dấn thân vào cái công việc học hỏi nghiên cứu trong lãnh vực xã hội học về chánh trị và văn hoá (politico-cultural sociology), mà tôi đã để tâm theo đuổi từ mấy chục năm qua, ngay khi còn ở quê nhà thời kỳ trước năm 1975.
Tôi thật an tâm thanh thản để tiếp nối con đường cuả một kẻ có niềm say mê với sách vở chữ nghiã ngay từ buổi thiếu thời ở quê nhà giưã cái thời chiến tranh đày những hận thù và tang thương khói lưả. Và tôi luôn cố gắng hết sức để có thể trả xong được” cái món nợ aó cơm và nợ đèn sách” mà quê hương và xã hội đã cung ứng quá đày đủ cho mình suốt trong bao nhiêu năm nay.Tôi vui thích được học “chữ nghiã cuả thánh hiền” trong truyền thống văn hoá dân tộc Việt nam cuả mình. Và tôi cũng biết ơn đối với nền văn hoá Âu Mỹ mà tôi cũng tiếp thu được để bồi bổ cho cái vốn liếng văn hoá dân tộc cuả cha ông mình. Trong ý hướng sòng phẳng và lành mạnh đó, tôi vui mùng phấn khởi với công việc sưu tầm và nghiên cứu đã khởi sự từ nhiêu năm nay cuả mình vậy./
California, Tháng 11 Năm 2009
Đoàn Thanh Liêm

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chỉ ba tháng sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp ngoại giao trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, người ta thấy Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới mới nhất tăng cường quan hệ với Việt Nam với chuyến thăm Hà Nội trong tuần này...
Chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã để lại nhiều hệ lụy cho nhân dân Việt Nam hơn bao giờ hết. Bằng chứng này được thể hiện trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 theo đó họ Tập thay quan điểm “cộng đồng chung vận mệnh” bằng “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai” cho hai nước...
Sự ra đi của nhà tư tưởng và thực hành xuất sắc về chính sách đối ngoại của Mỹ đánh dấu một kỷ nguyên kết thúc. Trong suốt sự nghiệp lâu dài và có ảnh hưởng phi thường của mình, Henry Kissinger đã xây dựng một di sản mà người Mỹ sẽ khôn ngoan chú ý trong kỷ nguyên mới của nền chính trị cường quốc và sự xáo trộn trong toàn cầu. Thật khó để tưởng tượng rằng thế giới mà không có Henry Kissinger, không chỉ đơn giản vì ông sống đến 100 tuổi, mà vì ông chiếm một vị trí có ảnh hưởng và đôi khi chế ngự trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
“Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố...
“Trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.”
Việt Nam đang thương lượng mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa ngày một lên cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin này được truyền miệng ở Hoa Thịnh Đốn, tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 10-11 tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các viên chức thẩm quyền của đôi bên không tiết lộ số lượng F-16 mà Việt Nam có thể mua với giá 30 triệu dollars một chiếc...
Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt, Sơn Tây. Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.
Càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc khóa XIV (2026-2031), đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ra sức kiên định 4 nguyên tắc được coi là “có ý nghĩa sống còn đối với chế độ.”
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
Tuy lịch sử không nói đến, nhưng nếu chịu khó lục lọi đây đó, người ta sẽ tìm ra một giai thoại khá thú vị về việc bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam được Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trong buổi lễ trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình) ngày 2 tháng 9 năm 1945. Theo tường thuật của nhà báo Hồng Hà trên báo Cứu Quốc của Việt Minh, ông Nguyễn Hữu Đang là người đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ Lâm thời cùng chủ tịch Chính phủ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban Tổ chức Lễ đài, ông chính là người đứng trước micro giới thiệu: “Thưa đồng bào... Đây là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh.” Nói xong, ông lùi lại, nhường micro cho Hồ Chí Minh.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.