Hôm nay,  

Vượt Biển

29/10/200800:00:00(Xem: 10492)

 

Trần Đỗ Cung

Sau biến cố thê thảm tháng Tư 1975 dân chúng thấy rõ sự dã man độc ác của Việt Cộng. Những người không may mắn ở lại cố gắng thích ứng với tình thế trước cảnh chướng mắt của một lũ mán rừng kiêu căng đầu đội nón cối đi hôi của. Rồi những chỉ thị của ban quân quản Sài Gòn về đổi tiền, tem phiếu, đi kinh tế mới, trình diện cải tạo học tập đã làm cho nhiều gia đình tìm đường đào thoát. Có những người len lỏi đường bộ gian truân hướng về biên giới Cao Mên qua Thái Lan. Phần đông chọn đường bể chạy dài hàng ngàn cây số mà Việt Cộng chưa kiểm soát nổi.

Danh từ Thuyền Nhân chỉ hàng vạn người Việt Nam đã liều mình chạy trốn sự cai trị tàn ác của Việt Cộng trên những con thuyền bé nhỏ mỏng manh vượt biển và sóng gió, hy vọng tìm đến bờ bến tự do. Nhiều gia đình đã bỏ mạng trong khi các gia đình khác đến được các xứ Đông Nam Á để thấy là chỉ được tạm dung. Ngoài ra bọn Việt Cộng lợi dụng tình thế đặt ra vụ đi bán chính thức với mục đích trục xuất người Việt gốc Hoa, cướp tài sản của họ và thu vàng cho họ ra bể rồi để mặc cho số phận. Theo ước tính thì khoảng 25% số người thoát ra khơi đã chết trên bể vì sóng gió. Bao nhiêu người chết thảm vì thuyền bị hải tặc Thái luân phiên cướp rồi dìm đắm. Nhiều phụ nữ và gái trẻ bị hãm hiếp xong rồi phi tang hay bị bán cho các ổ chứa điếm Thái Lan. Hoa Kỳ, Gia Nã Đại và nhiều nước Âu Tây đã đón nhận hầu hết các thuyền nhân trong những năm 1975-1980 khi thảm cảnh thuyền nhân đã đánh thức lương tâm nhân loại. Từ 1975 đã có 840,000 người Việt đến được các nước Đông Nam Á và Hồng Kông thì hơn 755,000 đã định cư tại các nước Âu Mỹ.

Trong số các con thuyền định mệnh, cá nhân tôi được biết vài trường hợp đại bất hạnh. Ông Nguyễn Huy Minh là dược sỹ khá giả có công ty dược phát đạt và nhà là một biệt thự sang trọng trên đường Pasteur. Minh là bạn học tôi ở Lycée Khải Đinh và là em ruột giáo sư Triết nổi tiếng Nguyễn Huy Bảo của trường. Tôi đã gặp anh hai tuần trước khi Việt Cộng vào Sài Gòn lúc tôi đã cho được vợ con đi lậu đến Clark Field. Anh cho tôi biết đang đóng tầu sửa soạn hải hành và mời tôi nếu cần có thể cùng đi. Về sau tôi được biết thuyền anh đã bị đắm cả gia đình mất xác, có thể do sóng gió và cũng có thể vì tài sản anh đem theo"

Một trường hợp éo le khác là gia đình vợ chồng cháu Liên Châu con gái thứ nhì của Liên-Thuật. Vợ chồng cháu cùng hai cháu bé sửa soạn gọn nhẹ cho chuyến ra khơi với một nhóm khác. Lúc đến bãi thì vì động chiếc thuyền lớn vội rời bến. Anh chồng là Dược Sỹ Hoàn trên Đà Lạt vôi nhẩy nắm kịp thang mạn thuyền trong khi cháu gái bé được một người bạn giúp tung lên sàn tầu. Liên Châu sợ hãi, tay bế con nhỏ lúng túng đã để rớt con xuống bãi nên vội vã bỏ tay tụt xuống túm lấy con. Trong khi ấy thì chiếc thuyền từ từ ra khơi nên hai mẹ con bị bỏ rơi lại nhìn theo chồng con đi lòng đau như cắt để vào tù Việt Cộng trong vài tháng.

Tôi phải kể trường hợp may mắn của Trần Huy Tuấn là cháu ruột của tôi, con nhỏ em thứ năm Trần Đỗ Lộc. Cháu Tuấn 14 tuổi được cho xuống Rạch Giá đi theo một gia đình vượt biển năm 1978. Khi ra khơi cháu coi như một cuộc đi chơi kỳ thú và không có tý quan niệm về sự nguy hiểm sẽ xẩy đến. Đi được ít ngày thì có vấn đề, con thuyền mỏng manh bị nước tràn vào và vỡ tan. Huy Tuấn vớ được một tấm ván và cứ thế nổi trên mặt bể, vớt rong biển nhai cầm hơi. Bỗng nhiên chiếc tầu thám thính South Cross Mỹ nhìn thấy và vớt cháu lên kịp. Tuấn được đưa vào Singapore, ở khách sạn của Hải Quân và vì nhớ thuộc lòng địa chỉ của tôi nên đã liên lạc được với Bác cấp kỳ qua Navy Postal Office. Chúng tôi bảo đảm cháu về Monterey đi học và hiện tại cháu đã thành công với hãng Google.

Còn phải kể sự bất hạnh thật vô duyên của gia đình dược sỹ Quản Trọng Lạng. Sửa soạn kỹ lưỡng cho chuyến vượt biển, gia đình đã ra đi trót lọt ngoại trừ những lo âu phải có khi rời bến. Khi đến bờ Mã Lai Á và thuyền cập bến thả neo thì ông dược sỹ quà mừng vội nhẩy xuống nước. Chẳng may rơi vào một hũng sâu anh ta bị hụt cẳng chết đuối dưới mắt chứng kiến của vợ con.

Trong những trường hợp vượt bể thành công sau nhiều ngày hiểm nguy tính mạng phải kể đến gia đình anh Nguyễn Đình Cường một giáo sư trung học trên Đà Lạt. Tôi gặp anh Cường lần đầu tiên năm 2004 nhân đi dự buổi giỗ tổ thuộc giòng họ Nguyễn Đình của nhà tôi dưới Nam California. Mới biết anh Cường có vai vế trên trong họ và thành trưởng tộc Nguyễn Đình tại xứ Mỹ. Tuy anh còn trẻ nhưng là một người hoạt bát và năng động đa tài, ngâm thơ và văn nghệ đầy đủ. Tôi được biết thêm về chuyến vượt bể tìm tự do đầy gian khổ của gia đình anh. Câu chuyện được viết gọn theo lời kể của anh, một câu chuyện có thể tiêu biểu cho mọi chuyến vượt biển thành công đến đất này. 

Anh nói, "chúng tôi phải dư nhiều lớp chính trị để bị nhồi nhét lý thuyết cộng sản và Mác-Xít. Mỗi kỳ nghỉ hè sau khi học xong trong bốn tuần lễ chúng tôi phải viết phúc trình về những điều chúng tôi đã học để được chấm điểm. Ngoài ra tình hình kinh tế mỗi ngày mỗi tồi tệ, trong hoàn cảnh như vậy đâu có khác gì sống trong địa ngục. Bởi vậy chúng tôi phải tìm đường thoát ra khi có cơ hội".

Anh Cường có một số bạn tại vùng cao nguyên Đà Lạt, cách xa Sài Gòn 300 cây số về hướng Bắc. Các bạn đang dự tính đào thoát chung nhau mua bí mật một chiếc thuyền đánh cá bỏ neo trên một nhánh sông Mékong. Nếu công việc bại lộ thì tất nhiên sẽ bị công an còng tay đưa vào xà lim. Tất cả nhóm là 16 người gồm năm phụ nữ, mười đàn ông và con nhỏ của anh mới 27 tháng. Đêm 27 tháng Sáu 1977 họ nhổ neo đi về hướng Đông Nam để đến Mã Lai.

"Con thuyền đánh cá nhỏ bé của chúng tôi chì dài có 9 thước và bề ngang có hai thước rưỡi. Trang bị một động cơ mười mã lực thì làm sao ra biển được" Tuy nhiên người ngư phủ giúp chúng tôi sửa soạn hành trình nói rằng nếu thời tiết tốt và bể tương đối lặng thì có thể đến Mã Lai trong vòng mười ngày. Lúc ấy là thời điểm cuối của mùa tốt trời nên chúng tôi phải cấp tốc ra đi không còn chần chờ được".

Trước ngày định mệnh phải tìm cách bí mật chuyển dần xuống thuyền các bình nhựa chứa nước ngọt và một bao gạo đủ dùng. Khi thuyền ra đến bể thì đi về Đông Nam để sau sẽ chuyển hướng qua Tây Nam. Đi được một ngày yên lành thì đến sáng ngày 27 gặp ngay một trận bão khá mạnh, gió to sóng cả và bể trở nên dữ dằn. Không thể giữ vững hướng cho con thuyền bé bỏng nên bị thổi dạt về phương Bắc. "Mười giờ khuya cùng ngày chúng tôi phải tìm cách bỏ neo nhưng chẳng may giây thừng neo to gần bằng cổ tay vướng vào chong chóng làm cho động cơ chết. Sáng hôm sau dò trên bản đồ chúng tôi thấy ở gần đảo Phú Quý cách mũi Varella khoảng 150 cây số và như vậy thì thuyền trôi dạt trên biển Nam Hải".

Mọi người bất lực khi động cơ im bặt, cần chờ cho thời tiết khá lên để cắt giây thừng vướng máy. Thế nhưng trong mười ngày liền gió vẫn không giảm và chiều ngày mồng Năm tháng Bẩy thì cả thừng lẫn neo rơi luôn xuống đáy bể. Tình trạng hoàn toàn vô vọng, con thuyền trôi dạt không biết đi đâu. "Chúng tôi hoàn toàn mất hướng, không ai có tí chút kinh nghiệm điều khiển thuyền và cũng chẳng ai biết cách sửa chữa!"

Số lương thực đem theo được dự trù cho hai mươi ngày cọng với 400 lít nước ngọt. Nhưng hầu hết đã bị nhiễm dầu cặn và nước bể khi dầu nhớt bị chẩy ra từ những bình chứa bằng nhựa. Sau một tuần lễ thì hết lương thực và số nước uống cũng chỉ còn tí chút vì nhiều bình chứa bị nứt. "Sau hai mươi ngày lênh đênh chúng tôi không còn một chút đồ ăn nào hết. Chúng tôi sống cầm hơi bằng đôi chút nước dơ còn lại trong vài can và nhắm mắt uống để sống còn. Tôi đã để dành phòng hờ chút gạo sống cho cháu bé trong hai hộp thiếc nhỏ, Sáng rồi tối tôi nhá gạo và đút cho nó chừng hai thìa cầm hơi. Thêm mấy trận bão thổi đến với những ngọn sóng cao như nhà hai từng. Con thuyền bé bỏng nhô lên cao rồi bị thả xuống liên hồi trong ba tiếng đồng hồ. Rất may là nó còn vững chắc nên không tan ra thành mảnh vụn. Cánh đàn ông phải ra sức tát nước ra khỏi mạn thuyền chớ không thì đã làm mồi cho Hà Bá rồi.

Vợ tôi ôm chặt con và tôi ôm cả hai, chúng tôi hoàn toàn ướt sũng. Song phải cám ơn Thượng Đế đã ban cho các trận cuồng phong này để có nước sạch hứng bằng áo mưa. Chúng tôi trở nên yếu hơn và tôi nghĩ là nếu vợ con chết thì tôi sẽ tự vẫn chết theo. Người chúng tôi ghẻ lở kinh khiếp và tinh thần hoàn toàn suy nhược chỉ còn trông mong bàn tay cứu nạn của Đức Phật hay Thượng Đế. Chúng tôi trông mong thấy một chiếc tầu nào nhìn thấy cảnh vô vọng và dơ tay cứu độ. Có chừng ba mươi tầu đi qua nhưng chỉ có mỗi một chiếc dừng lại. Họ hỏi có vấn đề gì không, tôi cố cắt nghĩa tình hình tuyệt vọng của chúng tôi. Nhưng có lẽ viên thuyền trưởng không hiểu nên gần một giờ sau họ bỏ đi, chẳng cho chút gì cả.  Quá thất vọng khi thấy rằng cái chết gần kề, chúng tôi chỉ còn chờ một Phép Lạ. Và Phép Lạ đã đến vào ngày thứ 27 của cuộc hải hành kinh hoàng này"!  

Chiều 22 tháng Bẩy, sau trận bão to thì thời tiết khá lên cho thấy rõ chân trời xa xa. Khoảng ba giờ chiều một chiếc tầu nhìn thấy chiếc cờ nhỏ SOS báo hiệu và tiến lại gần. Anh Cường gắng sức leo lên thang giây để trần tình với vị thuyền trưởng. Ông ta nhận thấy mọi người đều quá yếu và có thể chết nếu không được cứu giúp ngay. Lúc ấy đáy thuyền có khe nứt và nước bể bắt đầu rò vào. Cùng một lúc trời tối sầm lại và mưa bắt đầu rơi vì một trận bão khác đang tiến đến. Ông ta quyết định cho vớt. Tất cả 16 người leo lên tầu lúc 5 giờ rưỡi chiều của một ngày lịch sử trong đời. "Ngày 22 tháng Bẩy năm 1977 chúng tôi đứng trên boong tầu cứu mạng nhìn xuống thấy chiếc thuyền bé nhỏ như chiếc lá tre trôi trên mặt nước, và chúng tôi đi theo đến Nam Dương. Lối 7 giờ tối vị thuyền trưởng mời tôi vào phòng và nói rằng ông vừa nhận điện tín thời tiết báo là một trận bão lớn đến từ Phi Luật Tân mà trung tâm ở ngay tọa độ ông vừa cứu chúng tôi'. Anh Cường ôm chầm lấy ông và khóc rưng rức khi nói lời cám ơn đã giúp cả bọn khỏi chìm xuống đáy đại dương!

Phải mất 16 ngày cho tầu Đại Hàn đến đảo Bangka để thủy thủ và lao công bản xứ chất những cây gỗ nặng đem về nước họ chế biến  Anh Cường ngồi thảo một lá thư cho Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ trình bầy hoàn cảnh của cả nhóm. Ngày thứ 16 Tiến Sỹ Samphat Kumar đến từ Kuala Lumpur và lên tầu phỏng vấn. Ông xếp loại cả bọn thuộc thành phần tỵ nạn chính trị. " Chúng tôi từ giã chiếc tầu Đại Hàn mắt nhòa lệ và lên một chiếc ca-nô nhỏ đi đến đảo Bangka. Từ đó chúng tôi đáp phi cơ đến Jakarta. Tiến Sỹ Kumar chia tay chúng tôi vì ông đã làm xong nhiệm vụ sau khi chúng tôi được chuyển cho chính phủ Nam Dương sống trong trại tạm cư Bogor trong sáu tháng trước khi được vào Mỹ".   

Một trường hợp thành công khác là của gia đình bạn Tôn Thất Uẩn tuy đã kéo suốt mấy năm trời để hoàn toàn đoàn tụ. Bạn Uẩn trước kia làm Giám Đốc Tài Ngân Điện Lực Việt Nam và là bạn học với tôi tại Lycée Khải Định. Đầu năm 1975 bạn thôi việc Điện Lực và vào làm cho Sovigaz (nôm na là hãng Gió Đá) là một công ty sản xuất dưỡng khí,  hơi acetylene và các đũa hàn bán sỷ và lẻ. Nhà máy chính đặt tại Khánh Hội có hai chi nhánh đặt tại Cần Thơ và Nha Trang. Tháng Tư 75 hãng cử Uẩn làm đại diện miền Tây Sovigaz ở Cần Thơ trong khi gia đình khá đông vợ con và cháu nội ngoại tất cả 17 mạng phải ở lại Sài Gòn. Trước biến cố 30 tháng Tư không làm cách nào lo cho gia đình di tản.

Vì Sovigaz là một bộ phận ở Viễn Đông của đại công ty Pháp Air Liquide nên Việt Cộng để yên không gọi đi học tập cải tạo. Chỉ một thời gian ngắn sau Sovigaz bị quốc hữu hoá và trở thành công ty Hóa Chất trực thuộc Cục Hóa Chất. Tuy nhiên cũng còn may khi họ cần đem một bộ máy sản xuất dưỡng khí tử Biên Hòa đi Cần Thơ và giao cho Uẩn phụ trách thiết kế. Trong suốt thời gian bà Uẩn vẫn tìm đường ra khỏi Sài Gòn. Trong bốn năm dài ấy tình hình gia đình hầu như khánh kiệt.

Cơ may xẩy đến khi Uẩn được một đại lý cho Sovigaz Cần Thơ ở tỉnh Bạc Liêu giới thiệu cho một chủ thuyền đang tổ chức vượt biển tại Hộ Phòng, Bạc Liêu. Nhóm này đều là người Việt gốc Hoa thuộc Triều Châu đã làm nghề đánh cá ở đây lâu đời, thạo nghề biển và giỏi đóng tầu cũng như đi biển. Họ tổ chức đi bán-chính-thức nghĩa là khi đi ra bể có cả ca-nô công an hộ tống cho đến khi đến hải phận quốc tế thì mạnh ai-nấy-lo cũng như các thuyền nhân khác. Uẩn giao họ làm giấy giả người Hoa cho mình và ba trai một bé gái vì chỉ còn đủ chút tiền chung đậu số còn thiếu sẽ trả sau khi ra đến nước ngoài. Nhóm đi bán chính thức gồm tất cả 270 người chen chúc xuống chiếc thuyền to chiều giài 20 thước, ngang và sâu ba thước. Có nghĩa là ngồi bó gối dưới đáy, boong trên và mạn thuyền, không có chỗ ngả lưng.

Thực phẩm đều do chủ thuyền lo liệu hết tuy nhiên nếu không phải là người sống trên biển thì ai nấy đều ói mửa mật xanh mật vàng đâu còn thiết ăn. Gia đình chỉ đem theo ít gói mì và nước uống phòng hờ cho 3 hay 4 ngày dự trù đến Mã Lai. Ra đi ngày 5 tháng 6-1979 từ Hộ Phòng, Bạc Liêu, gặp hải tặc Thái nhưng thật ra chỉ là ngư phủ kiếm ăn dễ dàng, lột vàng bạc châu báu chớ không đánh đập hiếp đáp. Trong nhóm đi có đến 4,5 chục trai tráng và hải tặc chỉ độ tám tên nhưng không ai dám tự vệ vì không có chỉ huy. Mà nếu có muốn cưỡng lại thì phải nhớ rằng thuyền hải tặc to lớn hơn nhiều và nếu chúng ủi lại thì chỉ mất cả người lẫn của thôi. Đến Cherating trên bờ phía Đông Mã Lai thì cảnh sát Mã Lai đưa lên bờ ăn ở một tháng chớ không phải một trại tạm cư như mong đợi bởi vậy ai nấy hết sức lo âu. Thực phẩm do UNHCR đem ra như đồ hộp và gạo, nấu nướng bằng nồi chảo chủ thuyền cho mượn. Tối ngủ thì đã có các lều bạt ni lông xanh căng lên dùng dài ngày. Tuy đảo này là nơi Club Méditerranéan chọn làm trại nghỉ mát vì cảnh trí đẹp nhưng ai nấy lo âu sợ hãi vì sao họ không đưa mình vào trại tỵ nạn" Sau một tháng bi bỏ lên nhiều con thuyền cũ của nhóm đi trước rồi kéo ra biển trôi dạt không biết về đâu. May gặp tầu Ile de Lumière (tầu Ánh Sáng) của Médecins Sans Frontières (Y Sĩ Không Biên Giới) vớt về Singapore. Thật ra cũng không hiểu tại sao mà gặp tầu Tây ở đây, vì tình cờ hay là chính phủ Mã Lai đã thu xếp "

Khi đến Pháp thì năm cha con được đưa lên tỉnh kỹ nghệ Lille. Họ bắt tay ngay vào làm đủ thứ việc vất vả hầu mong dành chút ít lo cho những người thân bên nhà. Chính phủ Pháp chỉ giúp cho một tháng trợ cấp và phải tự túc từ tháng thứ nhì trở đi có nghĩa là phải đến Tết Congo mới giúp được 13 người thân còn kẹt lại chăng" Bởi vậy khi được tin là Vương Quốc Anh sẽ giúp đỡ trong một thời gian và cấp cho nhà ở gia đình anh đã được Ủy Ban Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc cho sang London định cư cho đến nay. Anh Quốc không cần người bảo đảm phải chứng minh khả năng tài chính. Chỉ hai năm sau vợ cùng năm con và bẩy cháu nội ngoại đã xum họp đầy đủ tại xứ sương mù này để trở thành những công dân tự do và bác ái.

Chắc nhiều người đã biết quyển sách Thép Đen mà tác giả Đặng Chí Bình là điệp viên trẻ 22 tuổi đơn độc ra công tác tại Hà Nội. Sau khi xong nhiệm vụ ngắn hạn anh ta bị lộ và bắt vào nhà pha Hỏa Lò rùng rợn trong sáu nắm trời khổ hạnh trần ai. Lúc ra tòa anh bị xử thêm 12 năm tù cải tạo chuyển qua nhiều địa danh ác độc. Mãn hạn anh được tha về Sài Gòn với ba năm mất quyền công dân để tìm lại cha già đã lẩm cẩm và bà mẹ đã mù lòa. Sống chật vật không hộ khẩu, sáng tối lo trình diện công an, ở tuổi gần 40 anh đã lập gia đình với một thiếu phụ trẻ và có hai con nhỏ. Thế rồi nhận thấy tương lai quá đen tối không lối thoát anh can đảm tìm đường vượt biển với sự đồng ý của vợ và khuyến khích của bố mẹ già. Lần đầu cô vợ chở bằng xe đạp đến điểm hẹn xe Lam đi Minh Hải, Bạc Liêu. Tối xuống thuyền sửa soạn ra khơi thì giữa đêm đen như mực công an có chó gọi cập bến khám xét. Bình liền bí mật chuồn xuống nước lặn tránh mũi đánh hơi của chó rồi mò qua lau sậy gai góc đến Hộ Phòng bán một miếng nhẫn vàng dấu trong đáy quần xà lỏn thuê xe Lam về Sài Gòn.

Lần thứ hai khi anh được giới thiệu làm thợ nề sửa sang Bệnh Viện Tâm Thần Biên Hòa anh đã cùng đi với vị Bác Sỹ điều trị trẻ tuổi trên chiếc thuyền nan trôi dần ra bể giữa đám lục bình dầy đặc. Thế mà anh trót lọt leo lên thuyền lớn đến Nam Dương sau nhiều ngày sôi nổi. Sống nhiều tháng tại trại tạm cư này, làm đủ việc cho trại rồi cuối cùng anh được phỏng vấn đi Mỹ định cư tại Boston để hằng ngày vào thư viện đại học UMA ngồi viết 1,400 trang Thép Đen mong làm một ngọn nến thắp sáng cho các nạn nhân còn đau khổ trong ngục tù tối tăm của Việt Cộng. Anh đã bảo đảm cho vợ con qua Mỹ sinh sống trong khung cảnh ấm cúng nơi địa danh tôm hùm Maine nổi tiếng.

Có lẽ tôi cần kể thêm câu chuyện của một nữ giai nhân đa tài đa sắc một thời. Đó là bạn học của tôi ở Lycée Khải Định năm 1939, Ngọc Trâm thuộc loại lá-ngọc-cành-vàng của cố đô Huế xa xưa. Nàng kẹt lại Sài Gòn cùng mấy con nhỏ với Nhạc Sỹ Dương Thiệu Tước. Không sống nổi với bọn côn đồ Việt Cộng nàng tìm cách vượt biển tìm tự do. Khi Nhạc Sỹ Tước nhất định không chịu đi vì là người Việt Nam mình sống chết ở đây không đi đâu hết, Ngọc Trâm nhất định theo con đường của mình vì hai con lớn Bửu Minh hiện ở bên Đức còn con gái Trang đang ở bên Pháp. Ngoài ra một con gái lấy Hà Thúc Cần buôn bán đồ cổ ở Singapore cọng thêm một con nhỏ theo chồng là một sỹ quan không quân định cư ở San Francisco.

Cùng ba con nhỏ, Ngọc Trâm tức ca sỹ tài sắc một thời Minh Trang quyết định đi theo một nhóm vượt biển. Bốn mẹ con phải nộp cho chủ tầu mấy chục lượng vàng và đi bằng xe Lam đến Cà Mâu chờ trong một chiếc nhà sàn để được ghe nhỏ chở dần ra ghe lớn. Nói là ghe lớn nhưng hơn 150 mạng đi chỉ có đủ chỗ ngồi bó gối không cựa quậy gì được. Sau mấy ngày lênh đênh trên bể Nam Hải, say sóng ói mửa, thuyền bị hải tặc Thái cướp hai lần, trấn lột, bắt há mồm cạy cả răng vàng nhưng may là không bị hiếp đáp gì cả. Lên bờ biển Liên Xinh, Thái Lan, đêm Giáng Sinh, ướt sũng chỉ còn bộ quần áo mong manh trên người, Ngọc Trâm điện thoại được cho con gái ở Singapore và ngay hôm sau nhận được tờ 100 Mỹ Kim quá đẹp. Bốn mẹ con bèn mua ngay một chiếc nhà chòi trên bãi bể để sống thoải mái trong sáu tháng trời chờ được giấy vào định cư tại Mỹ. Đêm đêm nghe sóng vỗ rì rào trên bãi cát vắt tay suy nghĩ trong chiếc nhà sàn mộng ảo không biết Minh Trang có nghe thoáng điệp khúc lãng mạn của Đêm-Tàn-Bến-Ngự quện vào giòng nước trong xanh của Blue Danube "

Lại kể thêm tình tiết của một cặp vợ chồng chuyên gia tốt nghiệp các trường đại học nổi tiếng Pháp. Bà là Bác Sỹ Nguyễn Thị Đảnh phục vụ tại bộ Y Tế Sài Gòn còn ông Nguyễn Văn Thảo là một chuyên viên tài chính ngân hàng giữ chức thanh tra ngân hàng tại Ngân Hàng Quốc Gia. Hai ông bà không hề tham gia chính trị cũng như quân sự tại miền Nam. Khi lỡ chuyến ra khơi của tầu Việt Nam Thương Tín toàn gia bị kẹt lại Sài Gòn. Ông nói, "chắc chắn chính thể mới sẽ cần đến bàn tay của chúng ta để xây dựng lại xứ sở rách nát này" ! Nhưng thật sự trái ngược lại khi ông Thảo bị gọi trính diện học tập và đưa đi các trại khổ sai độc địa Bắc Thái. Bà BS Đảnh chứng kiến cảnh các cán bộ Hà Nội đến cơ quan y tế lấy từ các cục gôm, bút chì đến các tập vở chất đầy xe nhà binh chở về Bắc.

Bà Đảnh phải tìm cách đem con ra khỏi xứ. Khi đi thăm nuôi lang quân tại miền Bắc bà nhìn thấy cảnh Hà Nội nghèo nàn cùng cực nên đã quyết tâm cho chồng biết. Nhưng nói sao trước mặt lũ cán bộ ngồi chứng kiến" Ông Đảnh sửng sốt khi nghe bà nói sẽ đưa các con đi vùng kinh tế mới làm lại cuộc đời và gặp lại các bà dì. Chợt hiểu là các bà dì đã định cư lâu ngày ở quốc ngoại ông yên tâm hơn và dặn dò, "em nhớ đừng để các con đi một mình vì chúng còn quá trẻ" ! Về Sài Gòn bà đã cùng các con vượt biển trên một chiếc thuyền nhò, lợi dụng khi chúng nó mải mê liên hoan trong ngày lễ 1 tháng 5. Bà may mắn gặp chiếc tầu chở dầu Na Uy vớt mẹ con đưa vào định cư tại xứ sở đẹp đẽ này. Về sau gia đình đã bảo trợ cho ông chồng qua Na Uy xum họp. Đến phi trường tuyết phủ trắng xóa ông đã tuyên bố với báo chí, "Tôi không còn cần gì nữa ; tôi có vợ con đầy đủ quanh tôi. Các con tôi được sống trong  xứ sở đẹp đẽ này để trở thành những người tốt !"

Nói đến Vượt-Biển phải nói đến tình trạng cùng cực của các anh em quân cán sống lao tù trong các trại khổ sai Việt Cộng. Phải chờ đến 1979 khi Tổng Thống Ronald Reagan cử Đặc Sứ John Vessey đến Hà Nội mới thấy hé mở tia hy vọng. Lúc ấy là cao điểm của phong trào Vượt-Biển mà hằng vạn người đã bỏ xác dưới đáy Thái Bình Dương đánh động lương tri nhân loại. Các nước bắt đầu cho lệnh các tầu bè của mình phải tiếp cứu các nạn nhân. Rồi những tầu Ile de Lumière của Pháp, Aznavour của Đức, tầu Bịnh Viện của Mỹ, tầu chiến Hải Quân Hoa Kỳ, tầu South Cross cũng sẵn sàng ra tay cứu độ.

Hà Nội bằng lòng thỏa thuận chương trình nhân đạo HO để cho Mỹ nhận các tù cải tạo vào định cư. Lũ lượt hằng loạt cựu tù qua Mỹ định cư với gia đình và được hưởng các sự giúp đỡ, tiền già, tiền tàn tật, tiền nhà, bảo trợ y tế v.v. Bây giờ danh từ HO được thay thế bằng danh xưng đẹp hơn Cựu-Tù-Nhân-Chính-Tri. Thế nhưng sau những chuyến bay dồn dập vượt đại dương đến các phi trường quốc tế Mỹ với sự đón tiếp cảm động của đồng bào bây giờ lại đến các chuyến cũng dồn dập không kém trở ngược lại TSN.

Trí nhớ quá ngắn của con người chăng" Hay là lập luận nông cạn cho rằng Mỹ bỏ mình thì phải có bổn phận cưu mang mình, một lập luận ngây ngô do Việt Cộng mớm lới" Các bạn hưởng được vài trăm mỗi tháng thêm tiền nhà tiền bảo hiểm y tế mà không đóng xu teng thuế nào hết" Đừng nói đó là tiền của Mỹ mà phải nói là tiền của tất cả mọi người đóng thuế, bươn chải quanh năm để đến ngày 15 tháng Tư chạy đôn chạy đáo đến bưu điện bỏ chi phiếu vào thùng thơ cho đúng hạn kỳ !  

Không, các bạn biết lắm chớ và các bạn biết rõ là luật lệ chỉ cho các bạn đi du hý trong vòng chín mươi ngày để khỏi bị cắt tiền phúc lợi. Cho nên sau 90 ngày phè phỡn đủ thứ ôm ở Đại Sài Gòn bạn lại trở về Tiểu Sài Gòn tích lũy vốn liếng nhờ thêm con cái tiếp sức để xênh xang về bển trả thù mấy năm cải tạo trần ai mà bạn đã quên khuấy. Vừa thôi các bạn ơi, với thời buổi kinh tế suy thoái khó khăn, chúng tôi mong các bạn bình tâm suy nghĩ lại.

Trần Đỗ Cung

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Việt Nam bước vào năm Giáp Thìn 2024 với gánh nặng tham nhũng và một đội ngũ “không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức lối sống. Đó là cảnh báo của người đứng đầu đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc phỏng vấn đầu năm của Thông Tấn Xã Việt Nam...
Từ thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, Triết gia Mạnh Tử (372-289 BC) của Trung Hoa đã nói rằng, “Dân là quý, thứ đến đất nước, rồi tới vua.” Điều đáng nói là Mạnh Tử là người đi theo học thuyết của Nho Gia vốn chủ trương vua là con ông Trời (Thiên tử) được sai xuống nhân gian để trị quốc an dân, vậy mà cũng không thể phủ nhận vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là tối quan trọng của người dân. Thời hiện đại, công pháp quốc tế đã nêu ba yếu tố chính hình thành một quốc gia: người dân, lãnh thổ và chính quyền. Trong đó, thật ra người dân chính là yếu tố then chốt quyết định. Lãnh thổ nếu không có dân ở, không có người quản trị thì không phải là đất nước của một dân tộc. Chính quyền từ người dân mà ra, bởi vì trước khi một người ra nắm quyền cai trị đất nước thì người đó phải là một người dân của đất nước ấy. Hơn nữa, sự thịnh suy của một quốc gia nằm trong tay người dân.
“Phản động lực” mà người Đài Loan thể hiện trong cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi khiến tôi, sau những suy nghĩ miên man về chuyện nước non, lại quay về với bài học yêu nước của thời tiểu học với câu hỏi khó, khiến nhiều học trò gác bút: “Em hãy tìm từ phản nghĩa với ‘tôn đại’.” Trung Quốc càng hung hăng đe dọa bao nhiêu, Đài Loan càng quật cường ngạo nghễ bấy nhiêu. Mà nếu Bắc Kinh ngu ngơ hay vờ vịt không biết gì đến định luật này thì, thầy nào tớ đó, Hà Nội cũng mù tịt hay giả bộ tương tự. Họặc mù tịt như thể đã hoàn toàn miễn dịch trước luật này; hoặc đóng kịch như thể không hề sống trong không gian ba chiều bình thường mà là một môi trường nào đó thiêu thiếu, cơ hồ chỉ… hai chiều rưỡi.
Tôi sinh trưởng ở Đà Lạt (Thành Phố Ngàn Hoa) nên sự hiểu biết về hoa lá cũng không đến nỗi tồi. Thế mà mãi tới bữa rồi, nhờ xem trang Trăm Hoa, mới được biết thêm về một loài hoa nữa – hoa ban: “Mùa hoa nở là lúc các cặp đôi nô nức đến thăm Tây Bắc. Hoa ban trắng tượng trưng cho tình yêu chung thủy và sự chân thành, dù tình yêu có gặp nhiều trắc trở, khó khăn thì cũng tự tin vượt qua và sẵn sàng đi đến bến bờ hạnh phúc. Các cặp đôi yêu nhau thường thề nguyện dưới gốc cây hoa ban như một minh chứng cho tình yêu thủy chung, bền chặt.”
Nhìn vào sự xuất hiện, sinh trưởng và tồn tại của chế độ cộng sản ở Việt Nam, chúng ta không thể phủ nhận đã có sự tương đồng với những thông tin tóm lược vừa nói về bệnh ung thư của con người...
Tôi tình cờ nhìn thấy hình Nguyễn Thúy Hạnh đang lơn tơn đẩy một cái xe cút kít đầy ắp bưởi (trên trang RFA) trong một cuộc phỏng vấn do Tuấn Khanh thực hiện, vào hôm 19 tháng Giêng năm 2021. Bên dưới tấm ảnh này không có lời ghi chú nào về thời điểm bấm máy nên tôi đoán có lẽ đây là lúc mà cô em đang hớn hở đến thăm vườn bưởi của họ Trịnh (ở Hòa Bình) vào “thuở trời đất (chưa) nổi cơn gió bụi”!
Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đang phải đối mặt với cuộc tranh chấp nội bộ trong kế hoạch tìm người kế nhiệm lãnh đạo khóa đảng XIV, nhiệm kỳ 2026-31. Những tranh chấp này được giữ kín để tránh hoang mang nội bộ. Chúng bộc phát ngay tại các Đại hội đảng địa phương và các ban đảng từ tháng 10 năm 2023...
Cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 8 tại Đài Loan đã được tổ chức vào ngày 13/1 với kết quả là ông Lại Thành Đức Phó chủ tịch Đảng Dân tiến (Democratic Progressive Party, DPP) thắng cử...
Chúng ta đang làm nhân chứng cho một cuộc bầu cử kỳ quặc và đa sự chưa từng xảy ra trong lịch sử đầu phiếu ở Hoa Kỳ. Có thể nói, không chỉ lịch sử, mà rộng lớn hơn, chính là "sự cố" văn hóa chưa từng thấy. Bước vào năm 2024, sự tranh đua giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ càng gay go, khốc liệt với âm mưu, độc kế, thủ đoạn, ám toán, bôi nhọ, mánh mung, để xem ai sẽ là chủ nhân của ngôi Nhà Trắng trong bốn năm tới. Tất cả những ý nghĩ, hành vi đó đều gôm vào chính sách, chiến lược và chiến thuật vận động bầu cử. Bạn đọc sẽ có dịp theo dõi các thầy bàn người Mỹ và thầy bàn người Việt (trong và ngoài nước) phong phú hóa, hư cấu hóa, ảo tưởng hóa về việc bầu cử, tạo ra câu chuyện nửa thực, nửa hư, thú vị, bất ngờ với giận dữ và thất vọng, sung sướng và buồn bã, rung đùi và cụng ly, nguyền rủa và chửi bới, vân vân. Thông thường những luận lý, âm mưu, phê phán, dự đoán đó… được mổ xẻ qua kiến thức và kinh nghiệm tây phương, nơi có hàng ngàn sách vở nghiên cứu chính trường, chính đạo,
Chúng ta đang bước vào năm bầu cử. Năm 2024 sẽ có một cuộc bầu cử có tính quyết liệt, vì các lựa chọn chắc chắn sẽ gây tranh cãi trong nội bộ cộng đồng gốc Việt, trong các gia đình người Việt, giữa các lựa chọn về cấp tiến và bảo thủ, giữa các thế hệ trẻ và già ở hải ngoại. Và chắc chắn là bầu cử tháng 11/2024 tại Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng tới cuộc chiến Trung Đông, cuộc chiến ở Ukraine, và ở cả Đài Loan. Tác động như thế nào, chúng ta khó đo lường hết tất cả các ảnh hưởng. Trong đó, một tác động lớn là từ tin giả, nói kiểu Mỹ là Fake News, tức là tin không thật.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.