Hôm nay,  

Mùa Xuân Đầu Tiên

06/02/201000:00:00(Xem: 4809)

Mùa Xuân Đầu Tiên

Hải Âu
Đức Cơ, ngày… tháng… năm 19…
Hà thân quý,
Sau mấy ngày ăn Tết sớm với gia đình, Chiến trở lại đơn vị vào trưa 30 tháng chạp. Chưa kịp nghỉ ngơi thì xế chiều lại được lệnh ba lô lên đường gấp vào Đức Cơ. Hà thấy không, lính chiến là thế đấy, đánh nhiều hơn nghỉ.
Cũng may mấy ngày ở tuyến án ngữ này vẫn bình yên vô sự. Có lẽ địch đã rêm mình ê càng sau khi bị chiến đoàn Mãnh Sư mình dập cho một trận te tua tan tác vào ba ngày đưa Ông Táo về trời.
À… Vì mãi đọc lệnh hành quân, suýt nữa Chiến quên mất chuyện này nếu không nhờ chú lính "bếp" nhắc, "Còn túm này nữa… Thẩm quyền" - "À há… Cám ơn em… Xách theo giùm qua đi". "Túm này" là cái giỏ lác có hai đòn bánh tét, một hũ dưa chua củ kiệu của má Chiến và bịch bánh mứt Hà làm với cái thiệp xuân mà Hà tặng cho. Lại thêm mấy chục cái thiệp xuân của các bạn cùng lớp tự làm lấy nhờ Hà chuyển đến các anh chiến sĩ trong đơn vị Chiến. Những tấm thiệp ấy tuy đơn sơ tuy "học trò" nhưng chứa chan tấm lòng hậu phương nồng ấm. Cám ơn Hà và các bạn nhiều lắm.
Hà này,
Một tuần phép của Chiến qua cái vèo, lẹ quá. Nhưng vậy cũng đủ rồi, cũng diễm phúc hơn những người lính chiến khác rồi. Trong lúc mình ăn Tết với gia đình với người thân thì những người lính chiến ấy phải trực diện với kẻ thù, với bất trắc hiểm nguy trên chiến trường để cho hậu phương này được yên bình.
Ngày Chiến đột ngột về phép, cả nhà ngạc nhiên lắm. Ba Chiến vui trong ánh mắt nhưng nụ cười thì không trọn vẹn vì ba biết rằng Chiến lại cũng sẽ phải ra đi; rồi môi ba mấp máy "Con về… nhà vui lắm… ấm cúng hẵn lên". Má ôm chầm lấy Chiến reo mừng trong nước mắt "Trời… Chiến… Con về đó hả" Phép được mấy ngày" Ở chơi qua Tết không"". Chiến nghẹn lời "Một tuần thôi má à!". Thằng em kế thiệt tình… xúi "Dù thêm mấy ngày sau Tết đi anh Hai" - "Đâu được mạy". Con Út Nhè, nay đã lớn bộn, tía lia cái miệng "Chị Hà nhắc anh hoài… Qua bển thăm chỉ chút" - "Ờ… Tau sẽ qua".
Khỏi nói Hà cũng biết, mấy ngày này nhà Chiến vui lắm rộn ràng lắm. Ngày Chiến về, tuy ba má chẳng dư dủ gì mấy nhưng cũng sắm sửa "cầu dừa đủ xài", cũng có bánh chưng xanh nhưng không có cây nêu tràng pháo.
Lâu lắm rồi, cũng bốn năm rồi, từ ngày ra đơn vị đến nay, đây là lần đầu Chiến được về phép Tết, được thắp nhang vọng nhớ gia tiên, được chúc Tết mừng tuổi ba má và hai đứa em dại. Chắp tay trước bàn thờ gia tiên, Chiến thành tâm cầu nguyện cho đất nước mình sớm chấm dứt chiến tranh để người người được sống yên lành trong thanh bình. Lại nữa, mấy ngày phép ngắn ngủi ấy được trò chuyện với Hà, Chiến vui lắm, cảm thấy mình được an ủi được chia sẻ thật nhiều. Cám ơn Hà nhiều lắm.
Nhớ chiều hôm đó, trên bãi cỏ xanh mát sau nhà Hà, ngồi cắn hột dưa nhâm nhi bánh mứt trò chuyện với nhau đó, Hà và Chiến đã kể cho nhau nghe thật nhiều về chuyện vui buồn thời đi học, chuyện buồn vui đời lính. Những mẫu chuyện không đầu không đuôi ấy sao mà vui quá, gợi lại bao kỷ niệm láng giềng của nhau, thật là thích thú, dễ gì quên, Hà há! Và, với ngón đờn vụng về, Chiến khua điệu rumba đệm bài Hoa Soan Bên Thềm Cũ của Tuấn Khanh qua cái giọng ồ ề của mình.
Khi nắng nhẹ vương trên lưng đồi
xa vắng miền quê bao năm rồi
về gặp em ngây thơ duyên dáng
hôm xưa tiễn anh nơi cuối làng

"Hay quá… Hay quá… Chiến!" - "Nhạc hay chớ Chiến hát không hay đâu!" - "Không… Chiến hát cũng hay nữa mà! Gì thì gì, với Hà… Chiến vẫn hát hay nhứt… Thiệt đó… Bis… Bis… đi Chiến!". Chiến lại hát, và thiệt hồn nhiên, Hà vói tay vỗ nhịp lên thùng đờn hát theo



Em nhé mình thương nhau muôn đời
anh giữ gìn biên cương xa vời
Đừng buồn khi xa nhau em nhé
thăm em đôi ngày rồi anh đi.
Chẳng hiểu sao, cái đoạn cuối này mình hát đi hát lại vài lần. Mà Hà biết không, cũng chẳng hiểu sao hôm đó tiếng hát tiếng đờn chẳng ăn nhập gì với nhau hết. Nhớ lại, Chiến thấy mình… quê quá.
Hôm sau mình đi coi Hội Chợ Tết ở chi khu - cái hội chợ trong tiếng đại bác ầm ầm từ xa vọng về -- tuy không vui không nhộn nhịp gì mấy nhưng cũng đủ nhắc mình nhớ lại những cái Tết truyền thống thanh bình của mười mấy năm về trước. Trong nắng Xuân tươi mát, cùng Hà đi vòng vòng khu chợ Tết, Chiến nghe lòng mình lâng lâng giữa các sạp bánh mứt trái cây, giữa các hàng hoa tươi mà người ta đã chuẩn bị chăm sóc từ mấy tháng trước. Chỉ thiếu pháo điển pháo tống cho thêm phần rộn rã vui nhộn trong ba ngày Tết. Lệnh nghiêm cấm đốt pháo được ban hành từ sau cái Tết Mậu Thân chết chóc do giặc Cộng hiếu chiến gây ra trên toàn cõi miền Nam đó, đã làm mất đi ý nghiã "tống cựu nghênh tân" xưa nay của dân tộc mình.
Trước ngày trở lại đơn vị, Chiến đến chào má Hà. Chiến sung sướng đến cảm động khi má Hà xem mình như người thân trong nhà. Bà cụ hiền lành phúc hậu quá. Ba Hà thì bị giặc bắt trên đường về tỉnh lỵ họp Hội Đồng Tỉnh, vẫn chưa biết tin tức gì thêm. Bên tách trà thơm nóng và dĩa bánh mứt khéo làm, má Hà hỏi "Chừng nào cháu lấy vợ"". Chiến thiệt tình thưa "Dạ… Cháu là lính tác chiến, biết sấp ngửa lúc nào, nên chưa dám nghĩ đến chuyện vợ con". Bà cụ chép miệng "Thiệt khổ cho tuổi trẻ các cháu… Chiến tranh hoài… ". Còn ba Hà thì không biết bây giờ ra sao, biết đâu… Chiến không khỏi xúc động khi má Hà đưa tay ôm lấy ngực mình, đôi mắt nhòe đi.
Khi chào má Hà ra về, bà ấn vào tay Chiến cái poncholine còn trong bao nylon mới tinh, "Cháu đem theo đắp cho ấm, trong rừng trong núi lạnh lắm". Chiến cám ơn bà và từ chối hoài không được. Bà kiễng chân hôn lên trán Chiến, giọng xa xôi "Tội nghiệp… Thằng Hoàng con cô nếu còn sống thì cũng bằng tuổi cháu. Nó bỏ cô chú ra đi lúc một tuổi vì cô thiếu sữa cho nó bú hồi tản cư, trước ngày Quốc Gia tiếp thu".
Nhớ Hà hỏi, lính chiến đón Xuân ăn Tết ra sao. Như thế này… Hà, ngộ lắm... Rút kinh nghiệm Tết Mậu Thân, vào những ngày cuối năm, lính thường đón… đánh "cái bọn cắn trộm" hơn là đón Xuân. Còn ăn Tết thì tụi này ăn… ngay bên chiến hào. Năm nay, cùng với những món quà Tết do hậu phương gởi ra tiền tuyến hằng năm, còn có chút ít bánh mứt dưa chua Chiến mang theo nữa, anh em trong đại đội mình chia sớt nhau mỗi người một chút; một chút thôi nhưng cũng đủ cho họ nhớ nhà lắm, ấm lòng lắm; và cũng biết được tấm lòng nồng hậu của hậu phương vẫn luôn hướng về mình, đó là một an ủi lớn lao dành cho lính chiến.
Hà biết không, chú lính "bếp" của mình coi vậy mà có tài, văn nghệ một cây. Nó hát không hay nhưng lại hay hát, đại đội vui thêm là cũng nhờ nó. "Nhớ nhà không… Hát bài gì đi mạy"" - "Bài Mùa Xuân Đầu Tiên của Tuấn Khanh… nghen… Thẩm quyền" - "Ờ… Hát đi!". Ngay bên chiến hào, nó nhẹ tay vỗ nhịp lên báng súng, cất tiếng hát
Bao nhiêu thương nhớ gom nhặt đầy
anh trở về bên em
Bao lần ngồi thâu đêm
nghe mùa xuân vừa đến
…*
Xin yêu thương đến vơi hận thù
để tiếng hát hôm nay
người chiến sĩ mơ say
bên đàn trẻ bé thơ ngây.
Bốn câu cuối này là ước mơ chân thành của người lính và cũng là ước mơ muôn đời của hằng triệu người dân Việt hiền lành mình, phải không Hà"
Thôi nha… Thân quý chúc Hà mọi sự an lành.
Mến thư,
Chiến "láng giềng"
Hải âu

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Không phải “học” mà là bắt, là tóm đầu, là tống cổ vào nhà giam: khi cân bằng quyền lực ở Hà Nội xáo trộn với tiền chấn rung chuyển tận Amsterdam thì cái khẩu hiệu quen thuộc của Vladimir Lenin ngày nào cũng phải được cập nhật. Không còn “Học, học nữa, học mãi” mà, táo tợn hơn, hệ thống quyền lực đang giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Câu chuyện kể từ xa xưa, rất xa xưa, là từ thời đức Phật còn tại thế: Có một người Bà La Môn rất giầu có và rất quyền thế, ông thích đi săn bắn thú vật trong rừng hay chim muông trên trời. Một hôm đó, ông bắn được một con thiên nga to đẹp đang bay vi vút trong bầu trời cao xanh bát ngát thăm thẳm trên kia. Con thiên nga vô cùng đẹp bị trúng đạn, rơi xuống đất, đau đớn giẫy và chết. Ông liền chạy tới lượm thành quả của ông và xách xác con thiên nga lộng lẫy về cho gia nhân làm thịt, làm một bữa nhậu, có lẽ.
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.