Hôm nay,  

Bộ Chính Trị Chỉ Trích Nguyễn Tấn Dũng Trong Việc Chống Lạm Phát

14/04/200800:00:00(Xem: 10094)

 * Bộ chính trị liệt kê những sai lầm của Nguyễn Tấn Dũng

* Mức lạm phát 2008 có thể cao gấp đôi tới gấp ba mức tăng trưởng kinh tế

* Tinh trạng sứ quân của các tập đoàn kinh tế nhà nước

* Quay trở lại chính sách chỉ huy kinh tế và chế độ bao cấp

“Lạm phát tiếp tục tăng cao, vượt xa mức dự báo. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3-2008 so với tháng 12-2007 tăng 9,19%, so với tháng 3-2007 tăng 19,39%. Đó là mức lạm phát cao nhất trong nhiều năm gần đây và cao hơn các nước trong khu vực. Lạm phát cao đã tác động lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân, nhất là ở các vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, người làm công ăn lương, người lao động ở các khu công nghiệp và bộ phận dân cư có thu nhập thấp.“ [1]

Trên đây là nhận định trong “Bộ Chính trị kết luận về tình hình lạm phát“ (dưới đây gọi là “Kết luận của BCT“) vừa được công bố ngày 4.4.  Như vậy Bộ chính trị (BCT), cơ quan quyền lực cao nhất của chế độ toàn trị, đã thừa nhận: 1. Mức độ lạm phát hiện nay là cao nhất trong các năm vừa qua và đây là một cuộc khủng hoảng tài chánh, tiền tệ lớn nhất từ khi có đổi mới trước đây trên 20 năm. 2. Lạm phát cao với tốc độ phi mã như thế đang tạo ra nhiều khó khăn cho các giới nghèo khó, lao động và những người sống bằng lương bổng. Sự bất mãn của hàng triệu người cùng khổ có thể đưa tới những bất ổn an ninh xã hội và đe dọa sự tồn tại của chế độ toàn trị. 3. Mức lạm phát ở VN “cao hơn các nước trong khu vực“ có nghĩa là, nó có các nguyên nhân đặc thù khác với nhiều nước trong khu vực.

Trước đó vài ngày (30.3) tờ điện tử Chính phủ đưa hàng tít lớn: “Thủ tướng gửi thông điệp về giải quyết khó khăn, bảo đảm kinh tế xã hội phát triển bền vững”[2], trong đó còn ghi rõ chức vụ trong đảng trước trước chính phủ “ Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ”. Nguyễn Tấn Dũng đã dùng từ “thông điệp“ để cố tình long trọng hóa vai trò của mình, nhưng thực ra ông ta chỉ thi hành quyết định của BCT. Cho nên kế hoạch 7 điểm trong “Thông điệp“ của Nguyễn Tấn Dũng chỉ là một phó sản của quyết định BCT mà thôi. BCT đã có cuộc họp vào giữa tháng ba để bàn chuyên đề về lạm pháp sau chuyến đi Tây Âu của Nguyễn Tấn Dũng và sau đó để ông Dũng họp chính phủ vào cuối tháng 3 thảo luận việc khai triển Nghị quyết của BCT.

Tuy nhiên đứng về mặt tuyên truyền để tránh dư luận cứ nói chính phủ chỉ là cái loa của BCT, nên nhằm giữ thể diện cho chính phủ, BCT đã để cho Nguyễn Tấn Dũng ra “Thông điệp“ vài ngày trước. Nhưng nói chung các biện pháp nêu ra trong bài của ông Dũng chỉ lập lại các quyết định của BCT.

Mặc dầu vậy, có điểm khác nhau đáng lưu ý trong hai văn kiện này là, trong “Thông điệp“ Nguyễn Tấn Dũng đã mở đầu bằng cách đổ tình hình lạm phát cao ở VN là do kinh tế Mĩ suy đồi, giá dầu thô trên thế giới tăng cao và các thiên tai, dịch nạn mà VN phải trải qua trong thời gian gần đây. Đây vẫn là bài bản sở trường của Nguyễn Tấn Dũng, một người thích “nổ“ nhưng rất sợ trách nhiệm cho nên thích ca câu: “Mất mùa là tại thiên tai. Được mùa là tại thiên tài Dũng ta!“ Còn phần về các sai lầm chủ quan của chính mình đã đưa đến tình trạng lạm phát phi mã đẩy hàng bao nhiêu triệu nhân dân phải rơi vào cảnh cùng khổ, đói nghèo thì ông Dũng hầu như không nhắc tới!

Trong khi đó, “Bản kết luận của BCT“ chỉ nói rất ngắn về các nguyên nhân khách quan từ bên ngoài, nhưng đã dành phần khá dài nhấn mạnh về những nguyên nhân chủ quan.[3] Vì ngay phần mở đầu bản “Kết luận của BCT“ đã xác định rất rõ về nạn lạm phát hiện nay ở VN: “Đó là mức lạm phát cao nhất trong nhiều năm gần đây và cao hơn các nước trong khu vực.“ [4] Với cách diễn tả này BCT rõ ràng đã muốn ám chỉ chính phủ của Nguyễn Tiến Dũng đã gây ra nạn lạm phát phi mã hiện nay, mặc dù không nhắc đến tên Thủ tướng (TT). Nếu phân tích kĩ nữa thì sẽ thấy BCT còn phê bình ông Dũng ở nhiều điểm quan trọng khác. Trong đó đặc biệt rõ ràng nhất là ở phần “Những nguyên nhân cụ thể ảnh hưởng trực tiếp“ của “Kết luận của BCT“ liên quan tới tình hình lạm phát phi mã hiện nay, tức là giai đoạn từ khi Nguyễn Tấn Dũng lên làm TT.  Bản nhận định của BCT đã chỉ trích các chính sách của chính phủ Nguyễn Tiến Dũng: “Chúng ta đã thực hiện chính sách kích cầu bằng việc nới lỏng tín dụng, tăng chi tiêu ngân sách cho đầu tư...“ và “Chính sách tiền tệ nới lỏng liên tục trong nhiều năm, nhất là trong năm 2007, làm tổng phương tiện thanh toán và tổng dư nợ tín dụng trong nền kinh tế tăng mạnh.“[5] Tuy không một lần nêu đích danh Nguyễn Tiến Dũng ra phê bình, nhưng các điểm mà BCT nêu ra ở trên và phê bình đã nói thẳng tới các biện pháp Nguyễn Tấn Dũng đã ra lệnh cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ nội trong 6 tháng đầu 2007 đã bỏ ra trên 140.000 tỉ đồng để mua vào 9 tỉ USD làm ngoại tệ dữ trữ. Chính số tiền mặt gia tăng quá lớn và quá nhanh trong thị trường trong một thời gian rất ngắn đã là nguyên nhân trực tiếp đẩy lạm phát lên tốc độ phi mã cao hơn nhiều các nước  trong khu vực!

Không những thế, BCT còn chỉ trích Nguyễn Tấn Dũng đã chủ quan và lạc quan tếu, cũng như không đủ khả năng nhận định tình hình, mặc dầu từ cuối năm 2007 các tín hiệu lạm phát cao đã rõ, nhưng chính phủ vẫn không có những biện pháp kịp thời và thích ứng:“ Thị trường tiền tệ có nhiều diễn biến bất thường nhưng việc phát hiện và cảnh báo còn chưa kịp thời. Hệ thống thông tin, số liệu phục vụ việc hoạch định chính sách còn yếu và chưa đủ độ chuẩn xác. “[6] Thế rồi, BCT còn chỉ trích Nguyễn Tấn Dũng đã hốt hoảng và lúng túng khi cho NHNN vào đầu năm 2008 đưa ra những biện pháp tiền tệ và lãi suất cực đoan:

“Khi có tình hình xảy ra, việc ngân hàng nhà nước thực hiện đồng thời các giải pháp mạnh vào cùng một thời điểm… nhưng cũng gây khó khăn cho ngân hàng thương mại, tạo ra việc chạy đua nâng lãi suất huy động vốn, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, ảnh hưởng đến tâm lý xã hội.“[7]

Nói tóm lại, tuy không nêu đích danh Nguyễn Tấn Dũng ra chỉ trích, nhưng ai am hiểu tình hình VN và cách là việc của BCT thì sẽ thấy rất rõ, nhân vật chính nào đã bị phê bình gay gắt trong cuộc họp vừa qua của BCT bàn về nguyên nhân và các biện pháp chống lạm phát phi mã.  Ngay trong phần đầu bản Kết luận của BCT, cơ quan quyền lực cao nhất của chế độ toàn trị, đã chỉ đích danh địa chỉ bị chỉ trích và ra lệnh: “Bộ Chính trị đã chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ… có nhiều giải pháp tích cực để kiểm soát tăng giá, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất phát triển, hỗ trợ đời sống nhân dân.“ [8] Ai cũng biết, hiện nay Nguyễn Tấn Dũng là Bí thư Ban cán sự đảng Chính phủ.

Các biện pháp mới chống lạm phát

Trái với Chỉ thị 319 của TT chống lạm phát ban bố ngày 3.3 bao gồm 19 điểm[9], trong “Thông điệp“ lần này Nguyễn Tấn Dũng đã nêu ra 7 giải pháp nhằm giảm lạm phát phi mã bao gồm: Thắt chặt về tiền tệ xuyên qua các chính sách tín dụng với các lãi suất thích hợp, hủy bỏ hoặc tạm đình chỉ các công trình đầu tư không hiệu quả, giảm 10% chi phí của các cơ quan, gia tăng sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, tăng xuất khẩu và giảm nhập siêu, tăng cường kiểm soát giá cả trên thị trường, giảm các phí và tăng cường an sinh xã hội, không tăng giá một số mặt hàng thiết yếu như điện, xăng, xi măng, phân bón, nước dùng, thuốc, vé xe.[10]  Vài hôm sau được báo chí đưa tin là có cả biện pháp thứ tám, tuy không nêu đích danh trong “Thông điệp“ của Nguyễn Tấn Dũng, đó là động viên tinh thần toàn đảng, toàn dân cùng chống lạm phát. Làm như là đang có sự đồng thuận giữa dân với đảng để cố che dấu là chính Nguyễn Tấn Dũng đang bị BCT chỉ trích nặng nề, nội bộ trong chính phủ đang bất đồng và chống đối lẫn nhau, cho nên uy tín của Nguyễn Tấn Dũng càng bị suy giảm mạnh.

Trong các buổi họp tiếp theo với đại diện các tập toàn kinh kế và các tổng công ti nhà nước cũng như với các Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) các tỉnh và thành phố phía Bắc và phía Nam và Chủ tịch đoàn MTTQ vào đầu tháng 4 thì Nguyễn Tấn Dũng đã cho biết, chống lạm phát là ưu tiên hàng đầu, cho nên phải hạ mức tăng trưởng kinh tế xuống. Hạ xuống mức nào thì cả trong “Kết luật của BCT“ lẫn “Thông điệp“ của TT đều không nói rõ, chỉ nói là chính phủ sẽ yêu cầu Quốc hội hủy bỏ Nghị quyết vào tháng 11.07 đưa mức tăng trưởng trong 2008 là 8,5-9%[11] Đây chỉ là cách giữ thể diện cho QH đối với bên ngoài, thực ra BCT đã có quyết định giảm tăng trưởng kinh tế trong năm 2008 rồi. Tuy nhiên trong cuộc họp với các đại diện các tỉnh và thành phố phía Bắc vào ngày 2.4  Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên đã xác nhận là, sẽ giảm mức tăng trưởng xuống mức 6,5%-7%, thay vì 8,5-9% và hạ mức “lạm phát không cao hơn hoặc phải xấp xỉ 2007“ (tức 12,7%)[12]

Các quan sát viên thấy là, theo mệnh lệnh của BCT chỉ nội trong vài tuần Nguyễn Tấn Dũng đã phải thay đổi hoàn toàn mục tiêu về mức tăng trưởng kinh tế. Bởi vì trong chuyến Tây du vào đầu tháng 3 chính Nguyễn Tấn Dũng đã từng trả lời trên tờ Financial Times là, ông quyết giữ mức tăng trưởng kinh tế 2008 ở mức 8,5-9% và không để lạm phát năm 2008 cao hơn năm 2007[13]. Nhưng chỉ một tháng sau đã xác nhận mức tăng trưởng phải rút xuống còn 6,5%-7% và mức lạm pháp (dự báo) sẽ cao gần gấp đôi mức tăng trưởng! Không những thế BCT còn ra lệnh cho Nguyễn Tấn Dũng phải ngưng biện pháp tăng giá xăng, tức là  ông Dũng phải hủy bỏ quyết định vào cuối tháng 2 cho phép Tập đoàn xăng dầu được tăng giá với lí do từ nay chính phủ ngưng chính sách bù giá cho xăng dầu.[14] Các chính sách trái ngược nhau như vậy chỉ chứng tỏ sự hốt hoảng và lúng túng và thiếu khả năng dự đoán tình hình của Nguyễn Tấn Dũng và sự chống đối lẫn nhau đang diễn ra ở trong BCT về các giải pháp chống lạm phát.

Những ai theo dõi chính sách chống lạm phát của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng từ tháng 2.08 về lãi suất, tỉ giá đồng Dollar, thị trường chứng khoán… thì càng thấy những quyết định mâu thuẫn và chống đối lẫn nhau trong hai cuộc họp nội các vào cuối tháng 2 và cuối tháng 3 vừa qua. Nhiều quyết định của phiên họp nội các vào cuối tháng 3 đã hủy bỏ và vứt vào sọt rác các quyết định trong cuộc họp nội các trước đó 4 tuần. Đấy là chưa kể tới ngay trong mỗi biện pháp tuy đã được chính phủ quyết định nhưng đã bị Phó TT Thứ nhất Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng tài chánh Vũ Văn Ninh và Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giầu giải thích trái ngược lẫn nhau, chỉ trích công khai lẫn nhau.[15] Ngay tới cuối tháng 3 trong cuộc điều trần trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tài chánh Vũ Văn Ninh vẫn cao ngạo là không thấy những sai lầm nào của chính phủ trong việc chống lạm phát! [16]          

Những khó khăn trước mắt trong thực hiện 7 điểm

Căn cứ vào các biện pháp chống lạm phát của Nguyễn Tấn Dũng vừa đưa ra có hai câu hỏi lớn là: 1. Liệu chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có thể kiềm chế lạm phát ở mức thấp được không" 2. Quan trọng hơn nữa là, cơ cấu tổ chức kinh tế và chính trị hiện nay có thể giải quyết đến nơi đến chốn nạn lạm phát về lâu về dài không"

Câu hỏi thứ nhất có tính cách thời sự, liên quan nhiều tới khả năng lãnh đạo và uy tín của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Cho tới gần đây ông Dũng vẫn từ chối các lời khuyên của các chuyên viên VN và quốc tế và tiếp tục huyênh hoang quyết giữ mức tăng trưởng kinh tế cao, đồng thời sẽ đẩy lạm phát thấp hơn mức tăng trưởng. Nhưng các quyết định vừa qua của BCT và sự xác nhận lần đầu tiên của Nguyễn Tấn Dũng là phải giảm mức tăng trưởng và thừa nhận mức lạm phát rất cao trong năm 2008 gấp đôi mức tăng trưởng (dự tính) đã cho thấy thực tế phũ phàng đang đẩy lùi những cách trí trá và ngông cuồng của người đứng đầu chính phủ. Nhiều chuyên viên còn nghi ngờ khả năng hiện thực ngay cả những con số dự báo mới đây của ông Dũng. Vì chỉ mới có ba tháng đầu của năm 2008 mức lạm phát đã vượt trên 9%, cho nên làm sao có thể giữ mức lạm phát cho 9 tháng còn lại chỉ gia tăng thêm 3%"  Trong bản tường trình mới đây của Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) đã đưa ra dự đoán mức lạm phát của VN trong năm nay có thể lên tới 18,3%[17], một số chuyên viên còn đưa ra những tiên liệu cao hơn !

Có nhiều lí do cho thấy mục tiêu của Nguyễn Tấn Dũng sẽ khó đạt được. Tình hình kinh tế thế giới đang gặp khó khăn rất lớn trong một số lãnh vực, quan trọng nhất là giá dầu thô tiếp tục gia tăng ở mức rất cao, kinh tế Mĩ –từng là đầu tầu của kinh tế toàn cầu- đang rơi vào tình trạng ngưng trệ, đồng Dollar Mĩ (nguồn ngoại tệ căn bản của VN) mất giá nghiêm trọng, thị trường tài chánh và chứng khoán trên thế giới đang gặp khủng hoảng lớn sau các biến động trầm trọng trong thị trường bất động sản ở Mĩ. Gần 20% kim ngạch xuất khẩu của VN là do buôn bán với Mĩ. Vì thế các sản phẩm của VN sẽ gặp khó khăn hơn trong thị trường của Hoa kì.

Nhưng các yếu tố chủ quan liên quan trực tiếp tới cá tính con người và khả năng lãnh đạo của Nguyễn Tấn Dũng, cũng như tình hình nội bộ trong chính phủ và trong BCT mới chính là nan giải trong việc chống lạm phát.  Theo dõi các quyết định bất nhất của Nguyễn Tấn Dũng và tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược giữa phó TT Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Tài chánh Vũ Văn Ninh và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giầu… từ đầu năm trở lại đây trong chính sách chống lạm phát đã cho thấy rõ khả năng lãnh đạo rất yếu và uy tín đang mất của Nguyễn Tấn Dũng trong việc giải quyết vấn nạn lạm phát lớn nhất hiện nay. 

Chiều hướng này vẫn tiếp diễn rõ ràng trong các cuộc họp gần đây của Nguyễn Tấn Dũng với các đại diện doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hàng đầu, các Chủ tịch UBND tỉnh và thành phố để thuyết phục mọi người nghe “Thông điệp” của mình. Trong cuộc họp với các tập đoàn kinh tế và các tổng công ti nhà nước ngày 1.4 trong khi Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải tạm ngưng tăng giá các sản phẩm của họ, thì nhiều đại điện của các tập đoàn dầu khí, điện, than …. đã than thở là giá bán các sản phẩm của họ thấp hơn giá thành và nhao nhao lên đòi phải để tăng giá, nếu không thì chính phủ phải bù lỗ.[18] Ông Dũng đã đưa ra đòi hỏi ấm ớ là, các Tập đoàn “không được tăng giá, nhưng cũng không được lỗ”! Khi họp với các Chủ tịch UBND các tỉnh và thành phố phia Bắc (2.4) và phía Nam (7.4) để yêu cầu các cơ quan phải giảm ngân sách chi tiêu và hoãn các công trình đầu tư kém hiệu quả thì nhiều đại diện đã nói thẳng với Nguyễn Tấn Dũng là, giá các vật liệu và các chi phí đang gia tăng mạnh làm sao hạ chi tiêu được" Các đại diện địa phương còn chỉ trích chính phủ là, cho tới nay vẫn chưa có các tiêu chuẩn rõ ràng về việc cắt giảm như thế nào! Cuối cùng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó TT cùng đi đã đồng ý để các địa phương được quyền quyết định cắt giảm các công trình đầu tư.[19] Như vậy ông Dũng không chỉ bị BCT phê bình mà hiện nay còn đang chịu áp lực lớn của các doanh nghiệp nhà nước và chính quyền các địa phương đưa ra các yêu sách và lí do để tìm cách duy trì các đặc quyền, đặc lợi cho ngành của mình hay địa phương mình.

Các khó khăn lâu dài trong việc chống lạm phát

Để trả lời câu hỏi thứ hai đã nêu trên đây là, với cơ cấu tổ chức kinh tế và chính trị hiện nay thì có thể giải quyết đến nơi đến chốn nạn lạm phát về lâu về dài không" Nếu theo dõi tình trạng lạm phát phi mã hiện nay ở VN thì sẽ thấy các chính sách sai lầm về tiền tệ và tài chánh trong năm 2007 của Nguyễn Tấn Dũng là nguyên nhân trực tiếp đẩy lạm phát trở thành bộc phát tốc hành. Nhưng nguyên nhân căn bản mang tính cách cơ cấu của nạn lạm phát ở VN lại nằm chính trong cơ cấu chính trị của chế độ toàn trị.

Tình hình chính trị và kinh tế VN trong thời gian qua có một sộ đặc điểm đáng lưu ý.  Chế độ toàn trị của CSVN từ cuối thập kỉ 80 của thế kỉ trước đã bắt buộc phải hội nhập vào thế giới dưới các điều kiện rất bất lợi, trong đó các nước tư bản và dân chủ phương Tây nắm chủ động. Cho nên để có thể tiếp tục duy trì được chế độ toàn trị lâu chừng nào hay chừng nấy, nhóm cầm đầu ĐCSVN đã và đang thực hiện mô hình vừa độc quyền vừa tản quyền, trong đó độc quyền là chính. Trong thời đại phải mở cửa và giao thương với phương Tây, nếu muốn tiếp tục nắm độc quyền chính trị thì phải biết tản quyền trong lãnh vực kinh tế và cho các địa phương được hưởng một số quyền lợi nhất định. Trên cơ sở sách lược này nên từ 1986 trên 10.000 DNNN đã từng bước được biến cải thành các tập đoàn, các tổng công ti và công ti vẫn dưới quyền chỉ huy của đảng xuyên qua chính phủ, hoặc chuyển sang các công ti cổ phần, nhưng để cho các “đại gia” đang có quyền lực hay để cho các vây cánh nắm một phần quan trọng số cổ phần và chia nhau giữ các chức vụ then chốt trong ban giám đốc và ban điều hành các công ti này.

Gần đây nhiều tổng công ti nhà nước đã được sắp xếp lại để chuyển thành các tập đoàn kinh tế nhà nước. Trong đó quan trọng nhất phải nói tới  8 Tập đoàn đang bao thầu các huyết mạch kinh tế VN: Dầu khí (Petro Vietnam), Điện lực (EVN), Bưu chính-viễn thông (VNPT), Than-khoáng sản (Vinacomin), Công nghiệp tàu thủy (Vinashin), Cao su (VRG), Dệt may (Vinatex) và Tài chánh-bảo hiểm (Bảo Việt).[20] Hiện các tập đoàn này và các tổng công ti nhà nước đang nắm giữ một khối tài sản rất lớn của đất nước: “70% tổng tài sản cố định, 20% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư của Nhà nước, 60% tín dụng ngân hàng và 70% nguồn vốn ODA [viện trợ và cho vay của các nước ngoài và các tổ chức tài chánh quốc tế]..., trong đó hơn 80% do các tổng công ty lớn đã hoặc sắp thành tập đoàn nắm giữ.“[21]

Cách kinh doanh của các DNNN này là mặc dầu làm ăn rất thua lỗ, nhưng lại có rất nhiều quyền hành và lại được chế độ ưu đãi đặc biệt: Từ chiếm giữ nhiều loại bất động sản, được ưu tiên vay tiền của NHNN với lãi suất thấp, tới được bù lỗ qua ngân sách nhà nước, thậm chí các kiểm soát chi thu phần lớn chỉ làm theo lối hình thức. Vì các bộ hoặc các chính quyền địa phương đang làm chủ quản các DNNN này. Các vụ tham nhũng động trời PMU 18 thuộc bộ Giao thông vận tải hai năm trước và vụ tham nhũng của Tổng Công ti miền Trung Cosesco hiện nay thuộc bộ Xây dựng đã cho thấy, giám đốc các công ti của nhà nước có thể tự ý mở rộng công trình đầu tư và nâng ngân sách đầu tư hàng tỉ hay chục tỉ đồng rất dễ dàng do mối liên hệ của họ với các quan lớn có thế lực trong Trung ương đảng (TUĐ) và BCT.[22]

Vì thế xét cho cùng, nếu việc Nguyễn Tấn Dũng để cho NHNN bỏ ra trên 140.000 tỉ đồng nội trong 6 tháng mua vào 9 tỉ  Mĩ kim đã là nguyên nhân trực tiếp đưa tới lạm phát phi mã thì những chi tiêu rất phí phạm theo cách “của chùa” và tự do tham nhũng của các người có chức quyền trong các tập đoàn, tổng công ti và công ti nhà nước mới là nguyên nhân chính đưa tới tình trạng lạm phát rất nan giải ở VN. Mới đây, Jonathan Picus, một chuyên viên cao cấp của Cơ quan Phát triển LHQ (UNDP) đã nhận định về việc này:

“Nguyên nhân sâu xa của lạm phát tại Việt Nam là tỉ lệ đầu tư công chiếm quá phân nửa (năm 1999 chiếm hơn 40 nghìn tỉ đồng, năm 2003 chiếm gần 60 nghìn tỉ, năm 2006 xấp xỉ 75 nghìn tỉ) so với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh và FDI, trong khi suất sinh lời của khu vực này rất thấp (ước khoảng 3%) và vì thế chu kỳ đốt nóng nền kinh tế trở nên tồi tệ hơn”.[23]

Các DNNN không chỉ chi tiêu phí phạm hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm, mà còn là ổ để các người có chức có quyền từ trung ương tới địa phương tham nhũng và hôi của làm giầu bất chính, như ngay báo chí của chế độ đã vạch rõ. Chính vì thế các DNNN còn là một gánh nặng rất lớn cho ngân sách nhà nước. Vì nắm độc quyền và lại được chính phủ sẵn sàng bù lỗ, cho nên các DNNN làm ăn không tính toán theo lợi ích kinh tế, hầu hết đều bị lỗ lớn. Mới đây chính phủ cho biết, nếu giữ vững mức xăng dầu thì nhà nước phài bù lỗ cho  Tập đoàn dầu khí VN mỗi năm lên đến 12.000 tỉ đồng[24]. Nếu gộp chung những sự bù lỗ cho các tập đoàn, tổng công ti và công ti do đảng nắm giữ xuyên qua chính phủ thì ngân sách chính phủ phải bù lỗ mỗi năm dự đoán từ 1/4 tới 1/3 ngân sách. Tức là hàng trăm ngàn tỉ đồng do thuế của nhân dân đã được dùng để nuôi các DNNN và để cho các quan lớn tham nhũng. Tình trạng bù lỗ những khoản tiền rất lớn từ năm này sang năm khác đã đưa tới nạn bội chi ngân sách ngày càng cao. Do đó chính phủ phải cho in thêm tiền và vì thế đã tạo nên lạm phát cao! Mặc dầu BCT biết rất rõ những huy hại đó cho nhân dân dân và đất nước, nhưng các DNNN vẫn được duy trì, vì đây là máu để nuôi chế độ và các ổ để các tham quan tự do làm giầu nhanh theo lối bất chính. Trong các xã hội dân chủ đa nguyên và theo kinh tế thị trường thực sự, hầu hết các lãnh vực kinh tế đều đã được tư nhân hóa theo các tiêu chuẩn cạnh tranh lành mạnh và kiểm soát nghiêm ngặt. Chính vì thế nhà nước không phải bù lỗ, kinh tế phát triển liên tục và mức lạm phát được giữ ở mức thấp.

*          *          *

Nói tóm lại, tình hình lạm phát đang bùng nổ rất mạnh ở VN trong năm qua và nhất là từ đầu năm 2008 đang đe dọa trực tiếp cuộc sống của nhiều triệu người làm công trong các xí nghiệp, nhiều triệu viên chức và quân nhân với đồng lương ít ỏi. Giá cả các nhu yếu phẩm gia tăng quá nhanh còn đe dọa cuộc sống vốn đã từng bị thua thiệt của mấy chục triệu nông dân VN, nay càng cơ cực hơn, nhất là ở những vùng sâu và xa. Nhiều nơi đã phải chịu đói, hàng trăm ngàn trẻ em đã phải bỏ học vì không trả nổi học phí và phải giúp đỡ cha mẹ!

Những lúng túng, hốt hoảng trong lãnh đạo của Nguyễn Tấn Dũng và chống đối lẫn nhau công khai giữa các phó TT, các bộ trưởng, Thống đốc NHNN đã làm mất thêm uy tín của chế độ toàn trị. Chính vì thế, hiện nay BCT đã phải trực tiếp ra lệnh cho Nguyễn Tấn Dũng về mục tiêu, cách thức và các bước đi cụ thể trong việc chống lạm phát. Hiện nay họ còn đang mở một cuộc vận động tâm lí rộng lớn “toàn đảng, toàn dân” cùng tham gia chống lạm phát và còn gọi các cuộc họp của Nguyến Tấn Dũng với các Tập đoàn, các Chủ tịch UBND và Chủ tịch đoàn MTTQ là “những tiểu Diên hồng”!

Mặc dù đã phải hạ thấp mức tăng trưởng kinh tế, nhưng các biện pháp chống lạm phát của BCT đưa ra trong “Bản kết luận của BCT” và “Thông điệp” của TT đã cho thấy, họ đang quay trở về với chế độ kinh tế chỉ huy, chế độ bao cấp, chế độ xin cho! Trước mắt các biện pháp này không gây được sự tin tưởng của nhân dân, không tạo được ý thức trách nhiệm của các DNNN, và như thế là vẫn muốn duy trì và bảo vệ các ung nhọt kinh tế và xã hội.  Đối với quốc tế, các biện pháp chống lạm phát của BCT sẽ gây ra sự mất tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức tài chánh quốc tế và chính phủ các nước phương Tây đang viện trợ và giao thương với VN.

Đã thế người “Tư lệnh” của chiến dịch chống lạm phát Nguyễn Tấn Dũng do những sai lầm chủ quan cũng đang ở trong hoàn cảnh tứ bề thụ địch, nhiều người nghi ngờ khả năng lãnh đạo của ông Dũng. Từ những bốc đồng do thiếu kiến thức và tính thích nổi nên Nguyễn Tấn Dũng đã bỏ ra trên 140.000 tỉ đồng để mua 9 tỉ Mĩ kim trong nửa năm đầu 2007, đến việc hốt hoảng và lúng túng trong các biện pháp chống lạm phát vào đầu năm nay, rồi lại để cho các phó TT, bộ trưởng và Thống đốc NHNN chống đối công khai lẫn nhau, trống đánh xuôi kèn thổi ngược! Những việc này đã làm Nguyễn Tấn Dũng mất thêm tín nhiệm trong BCT và đã bị cơ quan quyền lực cao nhất này của đảng phê bình gắt gao trong “Bản kết  luận của BCT” mới đây.

Trong khi ấy uy tín của Nguyễn Tấn Dũng trong nhân dân VN và quốc tế lại càng sa sút lớn. Sau gần hai năm làm TT, dư luận chỉ thấy Nguyễn Tấn Dũng thích nổ, nói lớn, nhưng không giải quyết được việc gì đến nơi đến chốn. Khi mới nhận chức TT thì Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố hùng hổ đòi phải đưa vụ tham nhũng động trời PMU 18 ra xét xử sớm và nghiêm minh, bất kể người đó ở trong chức vụ gì. Nhưng mới vài ngày trước đây trong cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng do chính Nguyễn Tấn Dũng làm Trưởng ban thì ông Dũng lại đồng ý với việc Viện Kiểm sát thả cựu Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến, một người đã từng bị chính Bộ Công an và Viện kiểm sát trước đây bắt giam vì bị coi là thủ phạm chính trong vụ PMU 18.[25] Mới đầu tháng 3 trên đài phát quốc tế nổi tiếng BBC,  Nguyễn Tấn Dũng còn tuyên bố như người bị bệnh tâm lí hoang tưởng không biết khác biệt giữa sự thực và dối trá : “Việt Nam không có người nào bị bắt do bất đồng chính kiến“[26]  và

“Không thể, và cũng không nên so sánh rằng Phương Tây có tự do hơn hay Phương Đông hay Việt Nam có tự do hơn. Bởi vì tự do của mỗi công dân của mỗi quốc gia là tự do trong khuôn khổ pháp luật nước đó, mà pháp luật của nước đó là ý chí, nguyện vọng của dân tộc đó. Không thể lấy luật pháp nước này so sánh với nước khác. Mỗi sự so sánh đều là khập khiễng, đều là không biện chứng.”[27]

Bệnh hoang tưởng như người từ một hành tinh khác của Nguyễn Tấn Dũng còn bộc lộ rất rõ khi tuyên bố: “Luật báo chí của VN là luật báo chí rất cởi mở. Nhiều nhà lãnh đạo của các nước gặp tôi cũng đều nói với tôi là VN có luật báo chí rất thông thoáng mà ngay nước họ cũng không có!” [28]

Với những tuyên bố như thế Nguyễn Tấn Dũng đã tự phủ nhận trình độ thông minh, lòng biết tự trọng của mình, tự làm mất uy tín đối với nhân dân VN và làm mất thể diện của VN trước dư luận quốc tế. Một người đang tự làm mất nhân cách, tự làm mất uy tín và lại không được tín nhiệm trong BCT thì làm sao có đủ uy quyền để giải quyết tệ nạn lạm phát đang bộc phá theo tốc độ phi mã như hiện nay ở VN"

GHI CHÚ

[1] . Bộ Chính trị kết luận về tình hình lạm phát (BCT), Vietnamnet (VNN) 4.4, Cộng sản (CS) điện tử     5.4

[2] . Nguyễn Tấn Dũng “Thủ tướng gửi thông điệp về giải quyết khó khăn, bảo đảm kinh tế xã hội phát triển bền vững“, trong Chính phủ (CP) điện tử 30.3 

[3] . Nguyễn Vạn Phú, đi tìm sự nhất quán, Thời báo Kinh tế Sài gòn (TBKTSG) số 16,10.4

[4] . BCT, tương tự

[5] . như trên

[6] . như trên

[7] . như trên

[8] . như trên

[9] . CP 5.3

[10] . Nguyễn Tấn Dũng, tương tự

[11] . VNN 12.11.07

[12] . VNN 3.4

[13] . Nguyễn Tấn Dũng, VN sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế 8-9% mỗi năm“, CP  6.3; Tuổi trẻ (TT)5.3

[14] . Âu Dương Thệ,  Chỉ thị 319 của TT chống lạm phát:”Bình tĩnh, quyết liệt trong chỉ đạo“, hay hốt hoảng, lúng túng và chống đối lẫn nhau ! Trong www.dcpt.org  phần Thời sự

[15] . Như trên

[16] . CP 28.3; VNN 28.3

[17] . Vietnamexpress, 2.4

[18] Kiểm soát đầu tư của các “ông lớn“,TT 1.4. Hồng Phúc, nồi canh hẹ Tổng Công ti, TBKTSG số 15, 3.4; VNN 1-2.4

[19] .TT 2.4; Sài gòn giải phóng 7.4;VNN 7-8.4

[20] . Thanh niên 2.4

[21] . Tiền phong 2.4

[22] . TT 5.3; Cộngs ản 6.3

[23] . UNDP khuyến nghị, Người lao động 4.4

[24] . TT 1.4

[25] . VN express 2.4

[26] . Kí giả Humphrey Hawsley BBC phỏng vấn Nguyễn Tấn Dũng ngày 5.3 trong chuyến thăm Anh quốc.

[27] . BBC, tương tự

[28] . Như trên

(Mục Thời sự Tạp chí Dân chủ & Phát triển điện tử: www.dcpt.org     hay    www.dcvapt.net)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Rồi vào ngày 12/12/2023, tức chỉ sau ba tháng, Việt Nam lại long trọng tiếp đón Chủ Tịch Tập Cận Bình và nói rằng hợp tác và hữu nghị với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược của Việt Nam...
Chỉ ba tháng sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp ngoại giao trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, người ta thấy Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới mới nhất tăng cường quan hệ với Việt Nam với chuyến thăm Hà Nội trong tuần này...
Chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã để lại nhiều hệ lụy cho nhân dân Việt Nam hơn bao giờ hết. Bằng chứng này được thể hiện trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 theo đó họ Tập thay quan điểm “cộng đồng chung vận mệnh” bằng “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai” cho hai nước...
Sự ra đi của nhà tư tưởng và thực hành xuất sắc về chính sách đối ngoại của Mỹ đánh dấu một kỷ nguyên kết thúc. Trong suốt sự nghiệp lâu dài và có ảnh hưởng phi thường của mình, Henry Kissinger đã xây dựng một di sản mà người Mỹ sẽ khôn ngoan chú ý trong kỷ nguyên mới của nền chính trị cường quốc và sự xáo trộn trong toàn cầu. Thật khó để tưởng tượng rằng thế giới mà không có Henry Kissinger, không chỉ đơn giản vì ông sống đến 100 tuổi, mà vì ông chiếm một vị trí có ảnh hưởng và đôi khi chế ngự trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
“Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố...
“Trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.”
Việt Nam đang thương lượng mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa ngày một lên cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin này được truyền miệng ở Hoa Thịnh Đốn, tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 10-11 tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các viên chức thẩm quyền của đôi bên không tiết lộ số lượng F-16 mà Việt Nam có thể mua với giá 30 triệu dollars một chiếc...
Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt, Sơn Tây. Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.
Càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc khóa XIV (2026-2031), đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ra sức kiên định 4 nguyên tắc được coi là “có ý nghĩa sống còn đối với chế độ.”
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.