Hôm nay,  

Diễn Đàn: Vô Hữu Khủng Bố

14/04/200800:00:00(Xem: 6832)

Bầy chim sẻ lại sà xuống, xúm xít quanh đĩa bánh mì vụn. Tiếng chíu chít làm rộn cả vườn sau như lời chào một bình minh rạng rỡ buổi tàn xuân. Một bình trà buổi sáng mùa xuân, nắng ấm. Bầu trời trong xanh, chỉ gợn vài đám mây mỏng. Hương thơm của nhiều loài hoa trong vườn tỏa nhẹ. Bầy chim sẻ vô tư, không sợ hãi, vừa ăn vừa trò chuyện tíu tít, nhảy nhót lăng xăng bên cạnh một người ngồi bất động.

Chẳng có gì mà phải sợ hãi. Tôi vẫn thường tự nhắc mình như thế. Nhắc bằng sự ám thị, có khi bằng một câu kinh, một đoạn kinh, hay một bài kinh ngắn. Thường xuyên nhất là một đoạn trong Bát-nhã Tâm kinh. “Tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh niết-bàn…” Thực sự là chẳng có gì đáng phải sợ hãi nếu tâm không còn vướng mắc, ngăn ngại.

Ấy thế mà trên thực tế đời sống, vẫn còn rất nhiều điều làm cho mình phải sợ, hay đúng hơn là e ngại, muốn né tránh, muốn được yên. Nhưng những vị thầy của tôi thì không sợ hãi.

Một thời, hàng chục triệu người phải im hơi lặng tiếng, cúi đầu tuân phục trước bạo lực, hàng trăm ngàn người phải bó tay trong các trại lao cải, hàng triệu người khác đã ùn ùn rời bỏ quê hương, hoặc lặng lẽ vượt thoát trên những chiếc thuyền lớn-nhỏ, thì những vị thầy của tôi, đứng dậy, cất lên tiếng nói của lương tri, của lẽ phải. Rồi họ đi tù, mang án tử hình, chung thân khổ sai, hoặc nhiều năm cấm cố. Những vị thầy khác, để bảo vệ Phật giáo, người thì cứng rắn, một mực duy trì cơ cấu và danh xưng của tổ chức truyền thống, người thì nhu thuận chấp nhận sinh hoạt trong một tổ chức bị giới hạn bởi thế quyền. Cứng rắn thì bị lưu đày, giam nhốt, quản thúc; mềm mỏng thì bị lôi kéo, đẩy xô, mang tiếng nhục với đời. Cả hai thái độ, hai cách hành xử ấy, đều nhằm mục đích bảo vệ Phật Pháp, đều là những việc khó làm. Phải vượt qua được sự sợ hãi đối với cái chết, tù ngục, khổ nhọc thân xác và tâm trí, cũng như nỗi đau nhục kéo dài đối với dư luận, với miệng lưỡi thế gian mới có thể thực hiện được những điều bất khả tư nghì như thế.

Mới đây, vào tháng 9 năm 2007, những vị thầy khác của tôi ở Miến Điện, cũng đã đứng dậy, sẵn sàng đối diện với chết chóc và tù đày, thay mặt toàn dân nói lên tiếng nói của công bình xã hội, của tự do dân chủ, dấy lên một phong trào đấu tranh bất bạo động lan rộng trên một đất nước lâu năm bị khống chế dưới chế độ quân phiệt. Quả nhiên, chết chóc và tù đày đã đến với họ, những nhà sư hiền lành áo nâu. Tiếng nói của họ bị bạo lực dập tắt thật nhanh, nhưng âm hưởng của nó làm rung động lòng người trên toàn địa cầu.

Và trong thời gian tôi viết những dòng này, những vị thầy khác của tôi ở Tây Tạng, một đất nước hiền hòa, linh thiêng, thơ mộng, nằm trên chóp đỉnh của hành tinh, cũng đã và đang cất lên tiếng nói và nguyện vọng chung của toàn dân, khiến cho cả thế giới chấn động, lên tiếng ủng hộ. Bạo lực sắt máu đã đổ ập xuống những con người tay không tấc sắt, những con người không bao giờ muốn tổn hại bất cứ sinh vật nào, dù là những sinh vật bé xíu. Hàng trăm người chết và hàng ngàn người bị bắt giam, vẫn không ngăn cản được bước tiến của những nhà tu và phật-tử hướng về ước mơ tự do và dân chủ của họ.

Làm thế nào mà họ có thể làm được những điều người khác không dám làm"

Chỉ nhờ ở nền tảng triết lý Phật giáo rất đơn giản này: khi vượt qua được những rào cản của bản ngã, tâm họ hòa nhập với tâm của những người khác, của số đông. Nhờ đó, họ không còn cô đơn; tiếng nói, hành động và ước nguyện của họ không còn là của cá thể, mà là của đại khối dân tộc, và trong nhiều trường hợp, là của toàn nhân loại.

Điều đơn giản như thế, nhưng không phải ai cũng làm được.

Nếu vì tham vọng cá nhân hay của bè phái thì dù mạnh dạn lên tiếng, cũng không được sự ủng hộ của số đông, không gây ảnh hưởng lan rộng. Nếu vì quan điểm cục bộ, thiển cận, thành kiến, thiên vị mà lên tiếng, cũng không tác động đến lương tâm của dân tộc, chưa nói đến lương tâm của nhân loại.

Điều đơn giản thứ hai, cũng từ nền tảng của triết lý Phật giáo, mang tính xã hội phổ quát hơn, đó là: ý nghĩ, lời nói và hành động trung thực. Người con Phật dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng phải giữ sự trung thực. Ý nghĩ, lời nói và hành động trung thực, không trái ngược mâu thuẫn nhau. Thấy sai thì nói là sai; thấy đúng thì nói là đúng. Thấy xấu thì nói là xấu, thấy đẹp thì nói là đẹp. Thấy bất công thì nói là bất công; thấy công bằng thì nói là công bằng. Không vì bạo lực, khủng bố, danh vọng, quyền lợi, tư kiến và tình cảm mà nói trái với sự thực.

Sống với tinh thần vô ngã, với sự thực, là sống với tâm thức tự do cá nhân; trong tương tác xã hội, đó là sống trong dân chủ, công bằng. Chỉ nhờ vậy mà những vị thầy của tôi vượt qua sự sợ hãi, có thể với hai bàn tay không, đứng vững trước phong ba, bạo lực.

Thế nên, nhìn sâu vào cuộc đấu tranh bất bạo động của người Tây Tạng, chúng ta thấy, những người biểu tình đòi tự do cho Tây Tạng và chống xâm lăng đàn áp của Trung Hoa không phải lúc nào cũng thuận ý với Đức Đạt-lai Lạt-ma, có khi còn mâu thuẫn rõ rệt. Trong khi ngài luôn kiên trì chủ trương tự trị cho Tây Tạng thì nhiều người khác quyết liệt đòi độc lập; trong khi ngài vẫn tôn trọng và chưa hề có ý phản đối việc tổ chức thế vận hội Olympic 2008 tại Trung quốc thì nhiều người chống Trung quốc đã kêu gọi tẩy chay. Một vài vụ ném đá từ phía người biểu tình khi bị cảnh sát và quân đội Trung quốc tấn công tàn bạo khiến Đức Đạt-lai Lạt-ma buồn lòng. Lễ châm lửa Thế vận tại Olympic, Hy Lạp, bị số người biểu tình phản đối. Cuộc rước đuốc Olympic ở London và Paris cũng bị ngăn trở bởi những người ủng hộ Tây Tạng. Vài vận động viên các nước tuyên bố tẩy chay rước đuốc. Đệ tử thân tín của Đức Đạt-lai Lạt-ma là tài tử Richard Gere cũng kêu gọi tẩy chay Olympic 2008. Nhưng Đức Đạt-lai Lạt-ma vẫn luôn từ bi, ôn tồn nói rằng chính quyền Trung quốc xứng đáng được ủy nhiệm tổ chức thế vận hội, và trên một tỷ ba trăm triệu dân Trung Hoa cũng xứng đáng được hưởng niềm vinh hạnh đón chào cả thế giới qua thế vận hội này. Dù có những mâu thuẫn như thế, Đức Đạt-lai Lạt-ma không bao giờ chê trách, ngăn cản hoặc ra lệnh cấm chỉ những biểu hiện yêu nước nhiệt tình của giới trẻ Tây Tạng cũng như của những người ủng hộ ngài. Ngài và các phong trào đấu tranh cho Tây Tạng luôn tôn trọng nhau, dù cách ứng xử và quan niệm có khác. Đó là nếp nghĩ và hành xử văn minh của sinh hoạt dân chủ.

Qua những điểm nêu trên, có thể nhìn thấy một vài sai khác nào đó giữa người phật-tử Tây Tạng và Việt Nam trong cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ của xứ sở mình.

Vị lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Tây Tạng và những người Tây Tạng lưu vong, suốt 59 năm đất nước bị Trung quốc xâm chiếm, vẫn thường vận động tổ chức các hội đoàn, tổ chức, công khai hoặc ngấm ngầm thực hiện các chương trình văn hóa, giáo dục, từ thiện xã hội, nhằm bảo vệ nền văn hóa truyền thống Tây Tạng, đối kháng trường kỳ với chủ trương Hán-hóa của Trung quốc. Cuộc đấu tranh gian lao, khổ nhọc, phải đổi nhiều xương máu và nước mắt, nhưng những vị thầy của tôi nơi xứ sở ấy vẫn theo gương Đức Đạt-lai Lạt-ma, luôn giữ gìn lòng từ bi, chủ trương đấu tranh bất bạo động, không những bất bạo động trong hành xử và lời nói, mà còn ngay trong ý niệm: vẫn xem người Trung quốc nhiều tham vọng, bất hảo, là “những người anh em” trong cộng đồng nhân loại. Đối với Trung quốc, Đức Đạt-lai Lạt-ma vẫn giữ niềm tôn trọng, chưa hề khởi tâm sân hận, chưa hề nguyền rủa hoặc nặng lời phê phán, huống chi là đối với đồng bào của ngài, cho dù giữa các thế hệ già-trẻ trước-sau có những sai biệt về quan điểm và phương thức hành động. Trong khi đó thì người phật-tử Việt Nam vẫn thường có khuynh hướng loại trừ, phân liệt, không chấp nhận nhau; có khi không còn xem nhau như là anh em, đồng đạo; những ai không suy nghĩ giống mình, không hành động và phát ngôn như mình, thì đẩy hết về phía đối nghịch, nghĩa là đồng hóa họ với những người mà mình cho là kẻ thù.

Không những khác với phật-tử Tây Tạng, phương cách đấu tranh cho tự do dân chủ của phật-tử Việt Nam cũng khác với tín đồ của tôn giáo bạn. Chúng ta mưu cầu phúc lạc cho toàn dân, nhưng thường khi lại chẳng quan tâm đến số đông, chỉ nhìn thấy cái xấu-ác của thiểu số. Những cơ hội tốt đẹp có tính cách quốc tế, rộng mở, thì chúng ta cục bộ, khép chặt, chống đối, ngăn trở. Những chương trình dài hạn, cần từng bước xây dựng, un đúc, khai triển, thì chúng ta phá đổ, san bằng, cố tình bóp chết không cho khởi phát. Như một con bệnh mê sảng, chúng ta sẵn sàng đánh đổ bất cứ ảnh tượng nào vừa xuất hiện. Chúng ta không có viễn kiến. Chúng ta chỉ nhìn được cái gì tức thời, ở trước mắt.

Hãy nhìn về phía tôn giáo bạn: Đức Giáo hoàng John Paul II tiền nhiệm đã từng viếng thăm Ba Lan năm 1979, một năm sau khi đăng ngai, và hai mươi năm sau, đã chính thức viếng thăm Cuba vào tháng 01 năm 1998. Sau khi Đức Giáo hoàng viếng thăm hai nước cộng sản này, một nước đã được chuyển hóa, thay đổi, và một nước vẫn còn trơ lì với thứ chủ nghĩa thối trào, lạc hậu. Thay đổi hay không thay đổi khó lòng tiên liệu được, nhưng không phải vì vậy mà ngài không đến. Cũng không ai vì việc Đức Giáo hoàng viếng thăm các nước cộng sản mà lên án, chống đối, cản ngăn hay chụp mũ, xuyên tạc. Dù ông Fidel Castro và chính phủ Cuba có thu được những lợi ích nào đó về mặt ngoại giao, tháo gở được phần nào những bế tắc về kinh tế, cấm vận, hoặc chứng minh giả tạo về tự do tôn giáo ở nước họ, nhưng lợi ích tinh thần cho hàng trăm ngàn con chiên và hàng chục triệu người dân của đất nước đói khổ triền miên và thiếu tự do vẫn là điều Đức Giáo hoàng nhắm đến. Người Thiên Chúa giáo, hay không-Thiên-Chúa-giáo, chẳng ai chống đối việc Giáo hoàng thăm viếng các nước cộng sản, trái lại, còn vui mừng, tán trợ, và nuôi hy vọng nào đó. Nếu nay mai, Đức Giáo hoàng đương nhiệm Benedict XVI hoặc khâm sứ Tòa thánh thăm viếng Cuba, Bắc Hàn, Trung quốc hay Việt Nam, người ta cũng sẽ có thái độ tôn trọng, gián tiếp hoặc trực tiếp ủng hộ. Không ai có lý do thích đáng nào để cản ngăn người khác mang ánh sáng vào nơi tăm tối.

Phật giáo không có giáo hoàng, cũng không có vị lãnh đạo tối cao đại diện Phật giáo đồ khắp thế giới. Vậy thì, Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (Lễ Tam Hợp - kỷ niệm Đức Phật Đản Sinh, Thành Đạo và Niết Bàn trong cùng tháng 5 dương lịch) có thể nói là ánh sáng của Đức Phật, chuyên chở lý tưởng hòa bình, tinh thần từ bi và khoan dung của Phật giáo đến với bất cứ quốc gia nào đăng cai. Ai cũng biết, Lễ Vesak Liên Hiệp Quốc trở thành sinh hoạt văn hóa quốc tế chính thức kể từ năm 2000, bước vào thiên kỷ thứ ba của nhân loại. Đây là niềm vinh hạnh của phật-giáo đồ khắp năm châu. Không có quyết định của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về lễ quốc tế Vesak,  phật-giáo đồ khắp thế giới sẽ tiếp tục tổ chức lễ Phật Đản riêng biệt của từng quốc gia. Thông qua Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc, phật-giáo đồ các nước có cơ hội chung lòng tưởng niệm, vinh danh Đức Phật trong cùng một địa điểm, một thời gian, công bố thông điệp hòa bình và khoan dung của Phật giáo đến khắp thế giới.

Lễ Vesak do Liên Hiệp Quốc chủ trương và chính phủ Việt Nam đăng cai, sẽ được tổ chức tại Hà-nội vào tháng 5, 2008, qui tụ ít nhất là 600 phái đoàn với hàng ngàn đại biểu đến từ 90 quốc gia trên thế giới. Đối với Liên Hiệp Quốc, Vesak là cơ hội để giới thiệu, cổ súy lý tưởng hòa bình, giá trị đạo đức và văn hóa của Phật giáo đến với thế giới đầy những bạo động, chấp tranh, khủng bố, kỳ thị; đối với phật-giáo đồ khắp năm châu, là cơ hội để vinh danh Đức Phật, hoằng truyền chánh pháp, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm hành đạo, đóng góp các nguyên lý thực tiễn của Phật giáo đối với những vấn nạn của môi trường hành tinh và đời sống nhân loại, trình bày bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia ảnh hưởng Phật giáo, kết chặt mối tương giao của người con Phật khắp nơi; đối với phật-tử Việt Nam, là cơ hội để trình bày nền văn hóa sáng đẹp của Phật giáo vốn đã song hành với dân tộc gần hai mươi thế kỷ, tạo sự đoàn kết hòa hợp của mọi hệ phái, giáo hội đang hành hoạt trong lẫn ngoài nước, vực dậy niềm tin và trí tuệ của phật-giáo đồ cả nước để trùng hưng nền Phật giáo Việt Nam; đối với nhân dân trong nước nói chung, là cơ hội để đất nước mở cửa đón chào những quan khách đại diện tầng lớp tinh hoa của Phật giáo từ các nước, trực tiếp hoặc gián tiếp trình bày về đời sống thực của xã hội Việt Nam qua văn hóa, tôn giáo, kinh tế, văn mỹ nghệ, kiến trúc, ẩm thực, v.v…; và đối với nhà nước Việt Nam, chủ nhà đăng cai tổ chức, là cơ hội để chứng tỏ sự rộng mở về mặt ngoại giao quốc tế, chứng minh chính sách khoan dung và thiện chí giúp đỡ đối với tôn giáo.

Mục tiêu mà các tập thể, tổ chức nhắm đến qua Lễ Vesak Liên Hiệp Quốc, có nhiều điểm tương đồng, tất nhiên cũng có nhiều điểm dị biệt. Đi sâu vào chi tiết, đối với cá thể mà nói, còn có những mục đích nhỏ hẹp hơn, chẳng hạn lợi nhuận thu được qua một dịp lễ quốc tế suốt gần một tuần lễ đối với các công ty du lịch, khách sạn, nhà hàng, các tiệm buôn bán, xe cộ vận chuyển của công ty hay tư nhân, v.v... Sau một đêm dài, bình minh rực rỡ sẽ thúc đẩy mọi người, mọi loài thức dậy, theo nhu cầu và mục đích của mình mà tiếp nhận ánh sáng mặt trời; nhờ ánh sáng mà dễ dàng thực hiện những việc họ muốn làm. Có thể có sự lợi dụng hay hậu ý nào đó của nhà nước đối với Vesak 2008. Nhưng xét cho cùng, tất cả đều mong cầu lợi ích, nhiều hay ít, tinh thần hay vật chất, trong một lễ hội qui mô quốc tế do chính Liên Hiệp Quốc chủ trương, kêu gọi.

Ánh sáng từ bi trí tuệ của Phật giáo không thể vì lý do gì mà không chiếu rọi đến những nơi tăm tối, nơi mà hàng mấy chục triệu người đang cố gắng ngoi mình dậy từ hậu quả chiến tranh, nghèo đói, bất công, đạo đức băng hoại... Phật tử Việt Nam không thể vì hai triệu đảng viên mà bỏ quên tám chục triệu người dân. Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng không vì 60 triệu đảng viên cộng sản mà chối bỏ 1 tỉ 240 triệu người dân Trung Hoa. Đức Giáo Hoàng John Paul II cũng không vì 700 ngàn đảng viên mà không quan tâm đến 10 triệu người dân Cuba. Nói theo cách của Đức Đạt-lai Lạt-ma, trên một tỉ người dân Trung Hoa, “xứng đáng được làm nước chủ nhà của cuộc tranh tài Thế Vận Hội,” thì trên 80 triệu dân Việt Nam bao gồm 60 - 70% là phật-tử, xứng đáng được làm nước chủ nhà cho Lễ Vesak 2008 của Liên Hiệp Quốc. Những người đấu tranh vì tự do dân chủ cho Tây Tạng và Việt Nam có quyền ở nơi bất cứ diễn đàn nào, phản đối chính sách đàn áp và kiểm soát tôn giáo, vi phạm nhân quyền, độc tài và bất công, của các nhà cầm quyền cộng sản; nhưng hãy tôn trọng cơ hội và ý nguyện của số đông, của quần chúng thầm lặng đối với các lễ hội quốc tế hãn hữu xảy ra trên đất nước của họ. Hãy tiếp tục lên án, chống lại sự xấu-ác, nhưng đừng bao giờ ngăn cản những cơ hội cho lẽ thiện bừng tỏa. Không thể vì việc nhỏ mà trùm lấp hết việc lớn. Không thể vì cái hạn cuộc nhất thời mà che chắn sự tỏa chiếu của ánh sáng vô hạn, vô biên.

Người phật-tử, dù ở bất cứ quốc gia nào, hoàn cảnh nào, thời gian nào, nên sung sướng hãnh diện về một lễ hội Vesak do Liên Hiệp Quốc đề xướng nhằm tôn vinh con đường hòa bình và giáo lý thậm thâm vi diệu của Đức Phật. Và nếu cần phải nói lên một sự thực, có thể nói rằng, dù tham dự hay không tham dự lễ Vesak, dù tán đồng hay bất đồng với nhà nước đăng cai, chúng ta, những người con Phật, trên khắp thế giới, đều thấy vinh hạnh và cảm động khi lễ hội ấy được Liên Hiệp Quốc chấp thuận tổ chức ngay trên quê hương mình.

Con đường hòa bình của Phật giáo là con đường như thế nào mà Liên Hiệp Quốc cần đến, cần tôn vinh và truyền rộng cho toàn cầu" – Là trung đạo. Là con đường mà trải hơn hai mươi lăm thế kỷ, phật-giáo đồ đã kinh qua trong việc hành trì và truyền bá để đem lại niềm an lạc và hạnh phúc chân thực cho mình và cho người. Là con đường tránh xa các cực đoan; vượt trên những quá khích, cuồng vọng, bảo thủ, bạo hành, cuồng tín; vượt trên tham lam, sân hận, si mê; vượt khỏi những giới hạn của bỉ-thử, nhân-ngã. Chỉ có con đường ấy, qua kinh nghiệm của lịch sử nhân loại, mới chứng minh được tính cách hòa bình, nhân ái, khoan dung, khả dĩ cứu vãn sự sống còn của hành tinh, của nhân loại trước viễn ảnh ngày càng xung đột, bất an, biến động thật trầm trọng khởi sinh từ tham vọng và cố chấp của những thế lực chính trị hoặc tôn giáo cực đoan trên thế giới. Chỉ có con đường ấy mới giúp nhân loại không còn bị sợ hãi, khủng bố.

Phật-tử Việt Nam, các giáo hội Phật giáo tại Việt Nam, nhà nước Việt Nam, hãy thành tâm thể hiện đúng mức tinh thần từ bi, khoan dung và hòa bình của Phật, trước, trong và sau Lễ Hội Vesak Liên Hiệp Quốc. Như vậy sẽ xứng hợp với vai trò những người của nước chủ nhà đăng cai tổ chức. Và được như vậy thì đất nước và dân tộc chắc chắn có thái bình an lạc thực sự.

Hãy chắp tay cầu nguyện cho sự thành công tốt đẹp của Lễ Vesak tại Việt Nam, hay tại bất cứ quốc gia nào được ủy nhiệm tổ chức. Và xin mượn lời nhà thơ Nhất Hạnh, “Chắp tay cầu nguyện cho bồ câu trắng hiện.”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chỉ ba tháng sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp ngoại giao trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, người ta thấy Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới mới nhất tăng cường quan hệ với Việt Nam với chuyến thăm Hà Nội trong tuần này...
Chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã để lại nhiều hệ lụy cho nhân dân Việt Nam hơn bao giờ hết. Bằng chứng này được thể hiện trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 theo đó họ Tập thay quan điểm “cộng đồng chung vận mệnh” bằng “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai” cho hai nước...
Sự ra đi của nhà tư tưởng và thực hành xuất sắc về chính sách đối ngoại của Mỹ đánh dấu một kỷ nguyên kết thúc. Trong suốt sự nghiệp lâu dài và có ảnh hưởng phi thường của mình, Henry Kissinger đã xây dựng một di sản mà người Mỹ sẽ khôn ngoan chú ý trong kỷ nguyên mới của nền chính trị cường quốc và sự xáo trộn trong toàn cầu. Thật khó để tưởng tượng rằng thế giới mà không có Henry Kissinger, không chỉ đơn giản vì ông sống đến 100 tuổi, mà vì ông chiếm một vị trí có ảnh hưởng và đôi khi chế ngự trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
“Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố...
“Trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.”
Việt Nam đang thương lượng mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa ngày một lên cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin này được truyền miệng ở Hoa Thịnh Đốn, tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 10-11 tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các viên chức thẩm quyền của đôi bên không tiết lộ số lượng F-16 mà Việt Nam có thể mua với giá 30 triệu dollars một chiếc...
Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt, Sơn Tây. Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.
Càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc khóa XIV (2026-2031), đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ra sức kiên định 4 nguyên tắc được coi là “có ý nghĩa sống còn đối với chế độ.”
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
Tuy lịch sử không nói đến, nhưng nếu chịu khó lục lọi đây đó, người ta sẽ tìm ra một giai thoại khá thú vị về việc bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam được Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trong buổi lễ trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình) ngày 2 tháng 9 năm 1945. Theo tường thuật của nhà báo Hồng Hà trên báo Cứu Quốc của Việt Minh, ông Nguyễn Hữu Đang là người đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ Lâm thời cùng chủ tịch Chính phủ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban Tổ chức Lễ đài, ông chính là người đứng trước micro giới thiệu: “Thưa đồng bào... Đây là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh.” Nói xong, ông lùi lại, nhường micro cho Hồ Chí Minh.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.