Trăm Lần Nghe Không Bằng Một Lần Thấy
Bùi Văn Đỗ
Ca dao tục ngữ Việt Nam là kết tinh của nền văn hóa Việt từ ngàn đời trước, nên có lẽ đến ngàn đời sau nó vẫn còn giá trị với thời gian, dù cho nền văn minh của nhân loại có thay đổi. Những câu có tính khích lệ những thế hệ sau luôn tìm tòi học hỏi, để biết người biết ta như:
“ Đi cho biết đó biết đây,
Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”.
Hay “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”
“Trăm lần nghe không bằng một lần thấy”.
Người xưa đã nói những câu này, hẳn là tổ tiên ta đời trước đã chịu tìm tòi học hỏi, đã chịu ra đi để học những cái mới, cái lạ mà ta chưa có, hay đã có mà chưa hoàn chỉnh.
Thật vậy, có đi ra khỏi nhà, khỏi tỉnh, khỏi quốc gia của mình, mới có cơ hội thấy được cuộc sống của nhân gian, mới thấy, ngoài gia đình ta, làng xã, tỉnh thị, quốc gia ta, còn có hàng trăm quốc gia khác trên mặt địa cầu, và có hàng trăm, hàng ngàn phong tục tập quán, nền văn minh văn hóa khác nhau (Theo con số thâu thập được thì trên thế giới hiện nay có trên 200 quốc gia lớn nhỏ).
Khi rời bến trên một con thuyền gỗ mong manh nhỏ bé, đi vào một chân trời vô định, chỉ với mục đích tìm cho được hai chữ tự do, người ra khi không thể biết trước được là mình sẽ ghé bến bờ, quốc gia nào. Hầu như ai nấy đều phó thác cuộc đời mình cho định mệnh, may nhờ, họa chịu. Nhưng nhờ cuộc ra đi phiêu lưu đó đã đưa đẩy tôi tới vùng trời Âu, nơi mà xưa nay vẫn được coi là cái nôi của văn hóa, văn minh nhân loại. Vì nhờ những bước đầu khi con người tìm cách đóng thuyền, biết căng buồm, tận dụng gió biển, biết dùng hải bàn để đi tìm những vùng đất lạ ngoài Âu Châu. Tiến đến giai đoạn nghĩ ra máy nổ, máy hơi nước, máy Diezen, để rồi từ đó người Âu Châu nghĩ đến việc đi chinh phục thế giới. Trước đây vài trăm năm, nước nào có đội thương thuyền hùng mạnh là đi chinh phục được nhiều đất đai, thuộc địa, làm bá chủ nhiều phần đất trên mặt địa cầu. Như Anh Quốc, Tây Ban Nha, Pháp, Bồ Đào Nha, Hòa Lan.
Khi đến vùng trời Âu một vùng đất nhỏ bé so với một nước Liên Sô vĩ đại lớn nhất hành tinh, đến 9 múi giờ; đến nước Canada mênh mông đến 5 múi giờ, và nước Mỹ rộng lớn không kém Canada đến 5 múi giờ, nhưng vì tiểu bang Alaska nằm riêng rẽ nên việc di chuyển trong một quốc gia như Mỹ cũng phải mất nhiều giờ bay qua nhiều kinh độ và vĩ độ khác nhau mới đến được điểm đến dù là cũng thuộc quốc gia USA. Âu châu là một vùng đất nhỏ so với các quốc gia rộng lớn vừa kể, nhưng lại bao gồm thật nhiều nước như: Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Bỉ, Hòa Lan, Áo, Thụy Sĩ, Tiệp Khắc, Hungary, Romania, Bulgaria, Albania, Turkey, Athens, Anh Quốc, Ireland Đan Mạch, Nauy, Thuỵ Điển, Phần Lan, Estonia, Latvia, Belarus, Ba Lan, Ukraine. . . Một vùng đất nhỏ mà ta có thể di chuyển bằng đường bộ không còn khó khăn. Nhưng lại có nhiều nền văn hóa khác nhau, lối kiến trúc nền văn mình, tổ chức xã hội, nhất là về an sinh xã hội cũng cách biệt giữa nước này với nước khác, không đồng đều như ta tưởng.
Ở Âu Châu những nước hiện nay được coi là có nền công nghiệp và kinh tế vững mạnh, phải kể là Đức, Pháp, Anh, Ý, và các nước nhỏ có nền công nghiệp tương đối, đời sống của người dân cao như Thụy Sĩ, Hòa Lan, Đan Mạch, Na-uy, Thụy Điển, Phần Lan. Những nước nhỏ, dân số không đông nhưng lại có một đời sống rất cao, rất lý tưởng, một xã hội mà mọi người dân đều có một căn nhà để ở, mỗi tháng có một lợi tức cố định để đủ ăn no, mặc ấm, khi bệnh hoạn được chăm sóc tử tế, có bác sĩ gia đình, đủ bệnh viện để điều trị bệnh nhân. Đây là những xã hội lý tưởng, hơn cả những xã hội lý tưởng trong mộng do cộng sản vẽ ra trên lý thuyết, mà không bao giờ thể hiện được dưới ánh sáng mặt trời.
- Nhà ở.
Người Việt Nam ta vẫn có câu: “ sống một nhà, chết một mồ”. Khi một người đã đến tuổi trưởng thành, cần một chỗ ở, có nghĩa là một căn nhà, với những tiện ghi tối thiểu để ở như: có lò sửa ấm về mùa đông, có nước sạch để dùng, có điện, có gas, có nhà vệ sinh, có ít là một phòng ngủ cho một người hay một cặp vợ chồng, và một phòng khách; còn nhà ở của những hộ đông hơn thì phải có cho mỗi người một phòng ngủ nếu đã trên 18 tuổi. Đường dây điện thoại và truyền hình đương nhiên đã có sẵn cho mỗi hộ.
Nhà ở trong một khu vực đông dân cư còn phải có những môi trường xã hội như: trung tâm buôn bán các thứ thực phẩm và đồ dùng cần thiết cho mỗi gia đình; trường học cho người trẻ ở nhiều cấp bậc, bưu điện, bệnh viện, đội cứu hỏa hòng khi có hoả hoạn hoặc tai nạn; phải có đồn cảnh sát để giữ gìn trận tự an ninh, và can thiệp khi có tranh chấp, tranh tụng nhỏ với nhau ở điạ phương; và có toà án ở cấp cao hơn để xử lý các vụ kiện tụng. Mỗi một khu dân cư lại còn cần có những trung tâm để sinh họat văn hóa, xã hội, cố vấn, điền đơn xin trợ cấp với những người có thu nhập thấp, vì có những người chỉ có trình độ văn hóa thấp, không đủ hiểu biết để điền cho đúng các mẫu đơn, hoặc những người mới nhập cư, và họ không đủ khả năng tài chánh để chạy đến các văn phòng luật sư. Phải có những trung tâm để sinh họat thể thao cho nhiều giới như: sân đá banh, sân bóng chuyền, nơi chơi tenis. Các phòng thể thao lớn để sinh họat vào mùa đông. Lại còn phải có nơi thờ tự cho những người có tín ngưỡng đến cầu nguyện vào các ngày cuối tuần hay ngững ngày lễ của mỗi tôn giáo. Nhà hưu dưỡng cho những người cao niên. Tổ chức nơi an táng cho những người qúa cố.