Bạn,
Theo báo Người Lao Động, trong niên khóa 2005-2006, toàn tỉnh Quảng Nam nợ giáo viên hơn 25 tỉ đồng (hơn 1.5 triệu Mỹ kim). Mặc dù ngân sách tỉnh đầu tư 50% cho giáo dục, nhưng hiện nay, các trường đã khai giảng niên khóa 2007-2008 từ tháng 9/2007 mà việc chi trả các khoản nợ cho giáo viên là bất lực. Không riêng gì các trường trung học phổ thông do sở Giáo dục-Đào tạo quản lý, mà hầu hết các trường từ mẫu giáo đến tiểu học, trung học cơ sở (lớp 6-9) thuộc các phòng giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đều nợ các khoản thanh toán về quyền lợi (ngoài lương) của các giáo viên. Báo NLDD nêu ra thực trạng này qua một số trường hợp như sau.
Nói về các khoản nợ lương giáo viên ở Quảng Nam,40 triệu đồng là số tiền nợ..."kỷ lục" mà Trường Trung học phổ thông Quế Sơn, huyện Quế Sơn không có khả năng thanh toán cho giáo viên dạy môn địa lý Lê Văn Nghĩa. Hiệu trưởng Phan Văn Hải, cho biết tính đến ngày 30 tháng9, số tiền các khoản quyền lợi mà giáo vên trường chưa được nhận gần 500 triệu đồng. Trong số tiền 40 triệu đồng thầy giáo Lê Văn Nghĩa "được" nợ gồm các khoản như: tiền tăng giờ, nợ chênh lệch mức lương (từ 350 ngàn đồng lên 450 ngàn đồng nhân hệ số lương), tiền công tác phí, phụ cấp 30% lương từ tháng 6 đến tháng 9-2006, truy lĩnh chênh lệch phụ cấp 30%. Chỉ riêng tiền dạy tăng giờ, giáo viên Lê Văn Nghĩa chưa được thanh toán đến 32 triệu đồng.
Theo báo cáo của Phòng Giáo dục huyện Quế Sơn, các khoản nợ ngân sách cho các trường từ năm 2003 đến hết năm học 2005-2006 gần 1.58 tỉ đồng. Trong "sớ" nợ này có 497.6 triệu đồng là tiền nợ tăng giờ bậc trung học cơ sở; 224 triệu đồng nợ tăng thay giờ bậc tiểu học; 422.7 triệu đồng công tác phí bậc trung học cơ sở; hơn 247.5 triệu đồng nợ công tác phí bậc tiểu học; 143 triệu đồng nợ tiền lương ngành học mầm non, mẫu giáo bán công. Trưởng phòng Kế hoạch - Tài vụ, Sở Giáo dục-Đào tạo Quảng Nam Hà Quang Minh cho biết: Tổng số tiền nợ tăng giờ cho giáo viên ở 33 trường trung học công lập trong năm học 2005-2006 là 2.635 tỉ đồng; nợ chế độ chính sách cho giáo viên, viên chức quản lý vùng đặc biệt khó khăn, trường chuyên biệt ở 64 xã là 1.7 tỉ đồng. Năm học 2006-2007 chưa quyết toán kinh phí nên chưa biết cụ thể số tiền nợ giáo viên toàn tỉnh là bao nhiêu, nhưng chắc chắn sẽ không thấp hơn 4 tỉ đồng.
Bạn,
Cũng theo báo Người Lao Động, điều trớ trêu là những giáo viên trở thành "chủ nợ" ở Quảng Nam đến nay vẫn không biết ai là "con nợ" của mình. Giáo viên trình bày lên trường, trường báo cáo lên phòng, lên sở, sở lại "kêu" lên Ủy ban tỉnh. Ủy ban tỉnh chỉ thị hai ngành tài chính và giáo dục ngồi lại để thẩm định và đề ra phương cách giải quyết. Nhưng đến nay, các "chủ nợ bất đắc dĩ" phải chờ dài dài.