Bạn,
Trong 1 lá thư trước, bạn đã được nghe câu chuyện 1 giảng viên đại học VN theo học chương trình tiến sĩ tại 1 Nam Hàn, kêu cứu về cuộc sống quá chật vật nơi quê người. Với học bổng của ngân sách nhà nước cấp 250 Mỹ kim/1 tháng, giảng viên này không đủ tiền để trang trải các chi phí tối thiểu. Vưà qua, các sinh viên Việt Nam du học bằng học bổng ngân sách nhà nước CSVN tại Úc, Nga, Đức... cũng đã lên tiếng về cuộc sống chật vật nơi xứ người. Sinh hoạt phí thấp, không chuyển đúng hạn đã ảnh hưởng tới việc học tập, nghiên cứu của hàng trăm sinh viên. Tin Nhanh VN ghi nhận một số trường hợp như sau.
Trong lá thư gửi từ Úc, chị Ngọc Dung, 1 sinh viên du học bằng học bổng nhà nước, cho biết, sinh viên ở đây cũng đang khốn khổ do sự trượt giá của Mỹ kim. Vào năm 2001, số sinh hoạt phí 500 Mỹ kim tương đương 1,000 Úc kim nhưng hiện nay chỉ còn tương đương 650 Mỹ kim. Mức sinh hoạt phí đó chưa đủ tiêu chuẩn sinh hoạt tối thiểu cho sinh viên quốc tế do chính phủ Úc quy định (1,200 Úc kim/tháng). "Chúng tôi không thể trang trải chi phí với mức 650 Úc kim mỗi tháng. Trong khi, mức sinh hoạt phí tối thiểu để Đại sứ quán Úc cấp visa là 1,000 Úc kim, mức trợ cấp thất nghiệp cũng đã hơn 700 Úc kim", chị Dung viết như thế.
Đồng Thanh Hải, sinh viên năm thứ 2, Đại học Quốc gia Úc (The Australian National University) cho biết thêm, riêng tiền thuê nhà của anh mỗi tháng đã lên tới 500 Úc kim, tiền ăn 200 Úc kim, chưa tính tiền sách vở... "Chúng tôi đang thật sự khó khăn, để có đủ kinh phí học tập, sinh hoạt chúng tôi phải cầu viện gia đình hoặc đi làm thêm. Như vậy, sẽ ảnh hưởng đến việc học tập, nghiên cứu", anh Hải nói.
Có chồng đang làm sinh viên nghiên cứu tại Đức theo học bổng ngân sách nhà nước, chị Nguyễn Hương Mai tâm sự: "Nhiều lúc chồng tôi viết thư tâm sự rằng anh ấy nản chí vì thường xuyên phải lo toan mức tiền sinh hoạt, không tập trung cho công việc nghiên cứu. Một bạn học của anh ấy đã nói rằng, với mức sinh hoạt phí như hiện nay thì chưa nói đến nghiên cứu mà ngay cả việc sống cũng là khó khăn lắm rồi". Hiện nay, chồng chị Mai được cấp sinh hoạt phí 630 Mỹ kim/ 1tháng tương đương khoảng 500 euro mỗi tháng. Trong khi đó tiền nhà đã là khoảng 240 euro.
Bạn,
Cũng trong lá thư gửi báo quốc nội, nữ sinh viên Ngọc Dung than: "Chúng tôi đã làm đơn kêu cứu nhiều lần, nhưng không hiểu sao vẫn rơi vào im lặng. Giá như ngay từ khi thành lập dự án, các nhà hoạch định kế hoạch có cái nhìn xa hơn, tính sinh hoạt phí bằng tiền các nước bản địa thì đã không gây nên bao khó khăn cho các lưu học sinh mỗi khi tỷ giá Mỹ kim thay đổi. Tuy nhiên, hình như đây là cung cách làm việc cố hữu của chúng ta, chỉ thích chay theo sửa chữa mà coi nhẹ phần ngăn chặn các bất ổn phát sinh".