Thượng tuần tháng 3/1972, tin tức tình báo ghi nhận Cộng quân điều động 3 sư đoàn chủ lực CSBV để mở một mặt trận lớn tại Kontum, trong đó 2 sư đoàn sẽ có nhiệm vụ cầm châm Sư đoàn 22 Bộ binh tại khu vực Tân Cảnh-Dakto, riêng sư đoàn 320 CSBV-nỗ lực chính của lực lượng CQ tại Cao nguyên, sẽ tiến quân vào Kontum. Để đối phó với tình hình mới, trung tướng Ngô Du-tư lệnh Quân đoàn 2 đã điều động lữ đoàn 2 Nhảy Dù được bộ Tổng tham mưu tăng cường, khẩn cấp hành quân tiến chiếm các dãy đồi chiến lược ở phía Tây sông Polco và phòng thủ hai căn cứ Charlie và Delta. Chỉ huy lữ đoàn 2 lúc bấy giờ là đại tá Trần Quốc Lịch. (Tháng 9/1972, đại tá Lịch được bổ nhiệm giữ chức vụ tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh, được thăng chuẩn tướng vào 1/11/1972)
Trong cuộc tiến quân này, lực lượng thống thuộc quyền điều động của bộ chỉ huy lữ đoàn 2 Nhảy Dù gồm có tiểu đoàn 1, 2, 7, 9, 11 Nhảy Dù, tiểu đoàn 1 Pháo binh Nhảy Dù, đại đội Trinh sát 2 Nhảy Dù, đại đội 2 Công Binh Nhảy Dù. Cũng cần ghi nhận rằng do tính chất đặc biệt của lực lượng tổng trừ bị, các tiểu đoàn Nhảy Dù tham dự cuộc hành quân do bộ chỉ huy một lữ đoàn điều động, không nhất thiết phải là tiểu đoàn cơ hữu của lữ đoàn đó. Tùy theo tình hình chiến trường, lực lượng đặt thuộc quyền sử dụng của lữ đoàn có thể từ 2 đến 5 tiểu đoàn Nhảy Dù, không tính các đơn vị Pháo binh, Trinh sát, Công binh...
Trở lại với cuộc hành quân của lữ đoàn 2 Nhảy Dù, theo sự phối trí của bộ Tư lệnh Quân đoàn 2, bộ chỉ huy lữ đoàn đóng tại Võ Định- sát với Quốc lộ 14 trên đoạn Kontum đi Dakto, vị trí này cách căn cứ Tân Cảnh (bản doanh của bộ Tư lệnh Hành quân Sư đoàn 22 BB) gần 10 km về hướng Nam. Yểm trợ hỏa lực cho lữ đoàn này là tiểu đoàn 1 Pháo Binh Nhảy Dù do trung tá Bùi Đức Lạc chỉ huy. Về các đơn vị tác chiến, tiến trình điều động được ghi nhận như sau:
Ngày 15 tháng 3/1972, tiểu đoàn 1 Nhảy Dù được trực thăng vận vào khu vực hoạt động, lập căn cứ hỏa lực hỏa lực Alpha. Tiếp đó, tiểu đoàn 2 Nhảy Dù đổ quân xuống tái lập căn cứ hỏa lực Charlie. Năm ngày sau, tiểu đoàn 11 Nhảy Dù vừa từ Sài Gòn lên Cao nguyên, được trực thăng vận vào Charlie để thay thế tiểu đoàn 2 Nhảy Dù đã được chuyển về phía Tây Nam để tiếp ứng cho đại đội Trinh sát 2 Nhảy Dù rồi tiến qua eo của đại đội này để lập căn cứ Delta. Cuối tháng 3/1972, tiểu đoàn 9 Nhảy Dù được đổ xuống phi trường Phụng Hoàng, Tân Cảnh, và tiểu đoàn 7 Nhảy Dù đổ quân xuống phía Bắc căn cứ Delta.
* Trận chiến giữa Trinh sát 2 Nhảy Dù và 1 tiểu đoàn CQ ở đồi Delta:
Đồi Delta là một ngọn đồi nằm về hướng Nam Charlie, quanh khu vực này Cộng quân đã bố trí 1 tiểu đoàn phòng không được bảo vệ bởi các cụm chốt do 1 đơn vị sư đoàn 320 CSBV phụ trách. Để giải tỏa áp lực của CQ, đại tá Trần Quốc Lịch-lữ đoàn trưởng lữ đoàn 2 Nhảy Dù đã cho lệnh đại đội 2 Trinh Sát do trung úy Trương Văn Út chỉ huy đổ quân ngay trên đầu địch. Cuộc đột kích diễn ra vào rạng sáng ngày 17 tháng 3/1972 bằng trực thăng vận.
Sau khi Pháo binh và Không quân hỏa tập để dọn bãi đáp, đoàn trực thăng đổ đại đội Trinh Sát vào đỉnh đồi. Vừa nhảy xuống mục tiêu, toàn đại đội tràn lên tấn công. Bị tấn kích bất ngờ, cụm tiền đồn của CQ không kịp phản ứng, đã bị triệt hạ. Nguyên cả toán tiền đồn của tiểu đoàn 1/trung đoàn 3/sư đoàn 320 CSBV bị bắt sống. Tuy nhiên, ngày hôm sau, Cộng quân đã điều động 1 tiểu đoàn để bao vây đại đội Trinh Sát. Dù bị áp đảo về quân số, nhưng trung úy Út (ám danh dùng để liên lạc qua máy truyền tin là Út Bạch Lan) đã linh động tìm cách thức đánh trả. Út Bạch Lan cho phân tán đại đội và lưu động tác xạ để đánh lạc hướng phán đoán của đối phương. Cộng quân tràn lên xung phong nhưng chỉ gặp từng toán nhỏ, các toán này đã nhanh nhẹn lẫn tránh sau khi đã bấm mìm claymore. Địch quân lại tiếp tục bao vây, không ngờ rằng đại đội Trinh sát 2 đã vòng ra phía sau tấn công ngay vào bộ chỉ huy tiểu đoàn Cộng quân và bắt trọn cả bộ phận này, trong đó có cả tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1/ trung đoàn 3 CSBV là Trương Hà.
Bị tổn thất nặng, ngay sau đó, trung đoàn 3 CSBV điều động toàn bộ lực lượng bao vây đồi Delta với quyết tâm triệt hạ đại đội Trinh Sát 2 để trả thù cho tiểu đoàn 1 của trung đoàn này. Vào lúc này, đại đội Trinh sát cũng đã mệt mỏi do phải lưu động để tránh địch. Bị một trung đoàn CQ bao vây, mặc dù đã áp dụng chiến thuật phân tán mỏng để cố thủ nhưng do đạn dược và lương thực gần cạn, nên đại đội Trinh sát 2 ở trong tình trạng nguy kịch. Nhận được khẩn báo của Út Bạch Lan, các phi công VN của phi đoàn trực thăng Bạch Tượng đã dũng cảm bay vào vùng đồi Delta nhưng không thể nào tiếp tế được cho đại đội Trinh sát 2 Nhảy Dù. Cuối cùng, nhờ một phi công kinh nghiệm và gan lì của phi đoàn Song Chùy đã điều khiển trực thăng lách qua các ổ phòng không của địch mới tiếp tế cho đại đội này được một chuyến duy nhất.
* Tiểu đoàn 2 Nhảy Dù nhập trận:
Ngày 20 tháng 3/1972, bộ chỉ huy lữ đoàn 2 Nhảy Dù đã điều động tiểu đoàn 2 Nhảy Dù từ căn cứ Charlie đến giải vây cho đại đội Trinh sát 2. Ngay khi vào khu vực hành quân, thiếu tá Lê Văn Mạnh-tiểu đoàn trưởng đã điều động 4 đại đội tác chiến của tiểu đoàn tấn công ngang hông. Trận chiến đã diễn ra khốc liệt, sau 3 ngày kịch chiến, từ ngoài đánh vào, từ trong tấn công ra, tiểu đoàn 2 Nhảy Dù và đại đội Trinh sát 2 đã đánh bại trung đoàn 3 CSBV, “xé” trung đoàn này thành từng phần nhỏ. Sau đó, đại đội Trinh sát 2 được trực thăng bốc về Võ Định để tái chỉnh trang và bổ sung quân số.Được báo tin về chiến thắng của đại đội Trinh Sát 2 Nhảy Dù, trung tướng Ngô Du đã bay đến nơi quan sát, vị tư lệnh Quân đoàn 2 đã đích thân gắn cấp bậc đại úy cùng Đệ ngũ đẳng Bảo quốc Huân chương cho đại đội trưởng Trương Văn Út. Ngoài ra, đại tá Lê Đức Đạt-tư lệnh Sư đoàn 22 Bộ binh đã thưởng cho đại đội này 1 triệu 200 ngàn đồng về chiến tích bắt sống 12 tù binh của sư đoàn 320 CSBV.
* Sư đoàn 320 CSBV tấn công căn cứ Delta lần thứ 2:
Đầu tháng 4/1972, Cộng quân áp lực nặng căn cứ Delta do tiểu đoàn 2 Nhảy Dù phòng ngự. Các cụm phòng không của đối phương quanh căn cứ đã khống chế các phi vụ trực thăng tiếp tế cho đơn vị trú phòng. Địa điểm lấy nước uống dưới chân đồi đã bị CQ chiếm giữ, một điểm tiền đồn do 1 tiểu đội phụ trách bị địch tràn chiếm. Ngày hôm sau, ban chỉ huy tiểu đoàn 2 Nhảy Dù đã điều động quân tái chiếm 2 vị trí nói trên. Cũng trong ngày này, một trực thăng tiếp tế (Chinook) của Không lực Hoa Kỳ bị bắn rơi ngay tại căn cứ Delta, phi hành đoàn vô sự. Toán cấp cứu của Hoa Kỳ được điều động đến, dù cố gắng nhưng do hỏa lực phòng không của địch, toán này vẫn không thể đưa 4 quân nhân trong phi hành đoàn ra khỏi căn cứ được. Vào ngày này, số đạn dược của tiểu đoàn 2 Nhảy Dù ở trong tình trạng báo động, không đủ để chiến đấu lâu dài.
4 giờ sáng ngày 3/4/1972, sư đoàn 320 CSBV tấn công biển người vào căn cứ Delta. Theo tài liệu của phòng 2 Quân đoàn 2, sư đoàn này từ Thanh Hóa-tỉnh cuối cùng ở phía Bắc của miền Trung-đã vượt vĩ tuyến 17 theo đường mòn Trường Sơn di chuyển vào vùng tam biên (Việt-Căm Bốt-Lào) vào tháng 12/1971, và sau đó đã được điều động vào khu vực Bắc Kotum.
Sau nhiều đợt tấn công và pháo kích tới tấp bằng hỏa tiển 122 ly và súng cối 120 ly, Cộng quân chỉ chiếm được hàng rào đầu tiên của căn cứ. Chiều ngày 3 tháng 4/1972 Cộng quân vẫn chưa chiếm được bên trong, nhưng các chiến binh Dù đã hết đạn dược và nước uống. Tư lệnh Quân đoàn 2 đã ra lệnh cho Không quân VNCH tại Quân khu 2 tiếp tế khẩn cấp đạn dược vào căn cứ Delta để quân trú phòng có bảo vệ căn cứ trong đêm 3/4/1972. Phi vụ tiếp tế do chính trung tá Bá-không đoàn trưởng, và thiếu tá Bút-phi đoàn trưởng chỉ huy. Hai sĩ quan này cùng với thiếu tá Thành-phụ tá Hành quân bộ chỉ huy lữ đoàn 2 Nhảy Dù, bay trên 1 trực thăng chỉ huy CNC để điều động 3 trực thăng đáp xuống căn cứ để tiếp tế và bốc thương binh. Từ trên phi cơ, thiếu tá Thành đã liên lạc với thiếu tá Ngọc-tiểu đoàn phó tiểu đoàn 2 Nhảy Dù để biết các tín hiệu, làm dấu bãi đáp để hướng dẫn phi cơ đáp xuống. Khi vừa nhận được mọi yếu tố do thiếu tá Ngọc báo, trung tá Bá đã cho bật đèn hiệu lên để gọi 3 trực thăng đáp khẩn cấp xuống. Đèn đỏ vừa bật lên, chiếc CNC bị bắn trúng ở sau đuôi, thiếu tá Thành vội đạp nhanh các đồ tiếp tế xuống căn cứ Delta, cùng lúc đó, thiếu tá Bút báo cho phi hành đoàn 3 trực thăng là CNC đã bị trúng đạn, tất cả phải thưc hiện nhanh phi vụ và quay trở về phi trường ngay. Riêng chiếc CNC dù bị trúng đạn dã cố bay về Võ Định và đáp an toàn.
Về việc tiếp tế đạn dược cho lực lượng trú phòng căn cứ Delta, theo tài liệu của cựu đại tá Trịnh Tiếu, nguyên trưởng phòng 2 Quân đoàn 2, có một chi tiết đặc biệt như sau: Trước tình hình nguy kịch, cố vấn Quân đoàn 2 Paul Vann đã dùng trực thăng nhỏ, loại mới nhất của quân đội Hoa Kỳ, là OH 58 Kiowa, chỉ có hai chỗ ngồi để tiếp tế. Đích thân ông Paul Vann lái trực thăng, còn trung úy Huỳnh Văn Cai-người được trung tướng Ngô Du chỉ định làm sĩ quan tùy viên cho cố vấn trưởng Quân đoàn 2, ngồi ở sau, đạp từng thùng đạn, thùng thuốc. Phi vụ của ông Paul Vann đã được thực hiện dưới làn mưa đạn súng phòng không 14 ly 5, 12 ly 7 bắn lên tới tấp. Bất chấp nguy hiểm, ông Paul Vann đã tiếp tế đầy đủ đạn dược, mìn chiếu sáng, thuốc men nước uống cho quân trú phòng.
Kỳ sau: Trận phản công ác liệt của tiểu đoàn 2 Nhảy Dù tại đồi Delta.