Vào WTO có một điểm then chốt là Bắc Kinh phải mở cửa thị trường, một việc được coi như vừa ham vừa sợ. Ham là muốn được mở rộng giao thương với thế giới bên ngoài và sợ là lo kinh doanh tư bản tràn vào trong nước. Thật ra Bắc Kinh không sợ nền tư bản nào khác mà chỉ sợ hai anh mạnh nhất là Mỹ và Liên Âu. Vì thế trước khi vào WTO, Trung Quốc cần phải có giao ước thương mại với hai anh khổng lồ này chớ không phải cần nhờ Mỹ và Liên Âu xin giùm mới vào được WTO. Hồi tháng 11, sau nhiều vòng đàm phán gay go Bắc Kinh đã ký được một thương ước với Mỹ, theo đó Bắc Kinh phải mở cửa rất rộng cho hàng hóa dịch vụ và đầu tư bên ngoài tiến vào lãnh thổ của mình. Mở cửa là danh từ bình dân cho dễ hiểu, sự thật về ngôn ngữ kinh tế là phải hạ bớt dần những cái gọi là hàng rào cấm cản những món đồ ngoại vào trong nước.
Hàng rào cấm cản quan trọng nhất là quan thuế. Theo thương ước ký với Mỹ, thuế quan nhập cảng hàng của Mỹ sẽ giảm từ 18% xuống còn từ 10 đến 8%. Thuế đánh vào xe hơi nhập cảng sẽ giảm từ 80 hay 100% xuống còn 25% đến năm 2006. Về mặt đầu tư, Trung Quốc sẽ bỏ dần nhiều sự giới hạn hoạt động của các hãng bảo hiểm, ngân hàng, viễn thông ngoại quốc, các liên doanh về cửa hàng bách hóa và những cửa tiệm chuỗi của công ty ngoại quốc, trong khi các liên doanh sẽ có phần quản trị và kiểm soát ngoại quốc nhiều hơn. Về nông phẩm, Trung Quốc sẽ giảm thuế quan, tăng khối lượng hàng nhập cảng nông sản, sản phẩm chăn nuôi như sữa, cam chanh, thịt, lúa mạch, bắp và đậu nành. Ngoài ra Trung Quốc sẽ dần dần từ bỏ những độc quyền nhập cảng dầu thô và dầu đã chế biến, phân bón hóa học, loại trừ dần chính sách ưu đãi dành cho các công ty được phẩm, hóa chất, thuốc lá rượu mạnh mà phần lớn là quốc doanh. Tóm lại kết quả của sự mở cửa là hàng ngoại nhập cảng vào Trung Quốc sẽ nhiều hơn và rẻ hơn, đủ loại từ phim ảnh cho đến dầy dép, từ lúa mì cho đến xe hơi.
Trung Quốc mở cửa rộng như vậy có ích gì" Người dân tiêu thụ Trung Quốc sẽ có lợi vì mua hàng ngoại rẻ. Các công ty kỹ nghệ cũng có lợi là nhập cảng nguyên liệu và thiết bị rẻ từ bên ngoài. Cái lợi đó chưa biết lớn thế nào, nhưng cái hại ngay trước mắt thật ghê gớm. Nông sản ngoại quốc vào nước có nghĩa là nông dân Trung Quốc sẽ khốn đốn và các nhà máy chế tạo sản phẩm ở vùng nông thôn chỉ có dẹp tiệm. Trên thực tế tình trạng nông dân kéo ra tỉnh tìm cách kiếm ăn đã có từ lâu. Nay thương ước với Mỹ và Liên Âu chỉ làm tăng thêm khuynh hướng “ra tỉnh” của dân quê và trở thành phong trào đô thị hóa của đất nước rộng lớn này. Phải chăng đó là mục đích của các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc" Nếu họ đi đến mục tiêu này thì đó là một việc làm vô cùng táo bạo, bởi vì họ đã tái cấu trúc công ăn việc làm của đất nước 1.2 tỷ dân này. Nông dân sống lam lũ được huấn luyện thành những công nhân nhà máy hiện đại. Nhưng nếu thế đồng ruộng sẽ bị bỏ trống chăng" Chúng tôi không nghĩ như vậy. Bởi vì để nuôi 1.2 tỷ miệng ăn, nông nghiệp Trung Quốc vẫn cần và chỉ có nông dân và ruộng đất rộng mênh mông của Hoa lục mới làm nổi. Chỉ có khác là nông nghiệp sẽ được hiện đại hóa và cơ khí hóa.
Đó là mục tiêu đường dài, nhưng ngay trước mắt là vấn đề các công ty quốc doanh. Khi mở rộng cửa cho các công ty ngoại quốc tiến vào, hàng trăm ngàn công ty quốc doanh vô hiệu năng sẽ khốn đốn. Các công ty này sẽ chỉ có hai con đường: hoặc đóng cửa hoặc biết tu tỉnh làm ăn cho có lời để sống còn. Đây là kế hoạch táo bạo gây áp lực chống quốc doanh và cũng là kế hoạch bài trừ tham nhũng một cách thực tiễn và quyết liệt. Họ không sợ hàng triệu công nhân quốc doanh thất nghiệp sẽ nổi loạn và gây bất ổn xã hội chăng" Những người như Giang Trạch Dân và Chu Dung Cơ biết rõ hiểm họa này hơn ai hết, nhưng họ vẫn có can đảm chấp nhận những thử thách đó để tạo thay dổi cho đất nước. Họ là những người có đảm lược.
Thế nào là đảm lược" Đảm là can đảm, là dám chấp nhận hiểm nguy để làm một cái gì mới dù hiểm nguy đó có thể làm nguy đến địa vị chỗ ngồi của họ. Lược là sách lược, có nghĩa là trí tuệ là sáng kiến. Nhưng cũng không nên quên Trung Quốc là một chế độ độc tài đảng trị, còn phạm phải nhiều vấn đề nhân quyền, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng. Giang Trạch Dân và Chu Dung Cơ còn có nhiều vấn đề phải làm để biến Trung Quốc thành một nước tự do dân chủ, phát triển kinh tế theo thị trương. Phải chăng những việc làm của họ Giang và Chu chỉ là nhằm củng cố ghế ngồi để vơ vét cho đầy túi tham" Những lời chống đối sẽ không thiếu gì. Và cũng có điều chắc chắn là sự đổi mới của họ trước hết vẫn chỉ nhằm củng cố chế độ Cộng sản ngự trị ở Trung Quốc hiện nay. Họ thật tình thay đổi cho đến độ nào, đó là vấn đề còn phải chờ xem. Nhưng khi họ dám chấp nhận thương ước với Mỹ, chúng tôi nghĩ họ là những người dám làm, dám thay đổi.
Đối với luơng tri nhân loại, một chế độ độc tài đảng trị là kẻ thù. Nhưng dù là kẻ thù, họ vẫn được những người chống họ nể vì bởi lẽ họ có đảm lược. Còn hơn nhưng anh vừa hèn vừa ngu, vừa tham vừa dốt, can trường chẳng có, đầu óc lại tối tăm, giống như con đà điểu rúc đầu vào cát tưởng làm như thế là an toàn. Những kẻ đó dù là bạn cũng không đáng được nể vì, nữa là thù.