Câu chuyện kể với bạn trong lá thư này là chuyện ở xã Lộc Khánh, một xã nghèo nhất của huyện Lộc Ninh thuộc tỉnh Bình Phước. Theo bài ký sự của một phóng viên báo Tuổi Trẻ đã đến xã này, toàn xã chỉ có 1,013 gia đình nhưng đã có đến 519 gia đình trong diện đói nghèo, với mức thu nhập dưới 100 ngàn đồng/tháng (chưa đến 7 đô). 53% dân trong xã là người sắc tộc Khơ me, còn lại là người sắc tộc Nùng, Tày, Hoa. Hầu hết người Kinh trong xã là người tứ xứ. Có lẽ họ đến vùng đất hoang, đồi trọc này để tìm cái sống khi không còn chỗ nào để đến. Đứng ở đâu đó trong xã nhìn quanh quanh cũng thấy bạt ngàn cỏ tranh. Những vạt lúa, vạt đậu vàng vọt đến thảm thương lọt thỏm trong những trảng cỏ um tùm. Xã không có chợ, không có hàng ăn dù chỉ là hàng ăn vặt, không có điện. Khắp xã không có một cái nhà đúc nào, chỉ lác đác một và nhà có tường gạch, khoảng 5%, còn toàn là nhà phên, nhà cây tạp ngả nghiêng, rách nát.
Khi phóng viên báo Tuổi Trẻ hỏi về việc sinh sống của bà con trong ấp Ba Ven của xã, viên trưởng ấp chìa đôi bàn tay cháy nắng, chai sần và nói: Không trâu, không bò, không vốn, chỉ có đôi bàn tay không vật lại với sỏi đá, cỏ tranh. Ấp chỉ có 108 hộ thế mà ấp đã phải gửi danh sách gồm 88 hộ đói giáp hạt lên xã nhờ cứu. Cũng theo ghi nhận của phóng viên này, xã Lộc Khánh chỉ có gần 1/4 đất có thể trồng trọt trên tổng diện tích 3 ngàn 715 mẫu tây, trong đó có khoảng 300 mẫu tây lúa nước, mỗi năm chỉ có một vụ với lời cầu nguyện “lạy trời mưa xuống”. Cây lúa không nuôi nổi người, người vật lộn với cỏ, với các loại cây dại ngành ngạnh, lồng mứt để thả hạt bắp, tỉa hạt đậu. Nhưng đất không chiều lòng người, cái đói cứ đeo đẳng. Một viên chức trong xã nói: Xoay đủ hết, cây điều, bắp cao sản, rồi cây mía, trồng cây gì, dân chết theo cây đó.
Bài ký sự báo Tuổi Trẻ cho biết: Người dân xã Lộc Khánh hy vọng vào cây mía, cây xóa đói giảm nghèo, khi nhà máy đường đến ký hợp đồng cho bà con trồng 120 mẫu tây. Nhà máy đầu tư 8 triệu đồng/mẫu tây, hợp đồng mua sản phẩm với giá 230 ngàn đồng/tấn nhưng chỉ mua nhỏ giọt. Có nhiều đám mía trổ cờ rồi héo úa, nhà máy vẫn chưa đến. Theo hợp đồng, người dân trả dần vốn cho nhà máy trong ba vụ, nhưng mới vụ đầu tiên, dân bán được bao nhiêu thì bị nhà máy trừ hết. Và cây mía để xóa đói giảm nghèo trở thành cây gây thêm nợ nần. Ủy ban xã cho biết có sáu hộ phải bán đất của mình vì lâm vào cây mía. Một trưởng ấp nói: Chỉ còn một con đường, đó là lượm phân bò để sống. Đi qua nhiều ấp trong xã, ở đâu phóng viên Tuổi Trẻ cũng thấy những bà con đen đủi đang bươi nhặt, phơi phóng phân bò, phân trâu. Phân trên, dưới sàn nhà, phân ngoài sân, phân trước ngõ. Chi hội trưởng chi hội nông dân ấp Ba Ven nói: Không lượm được phân thì không có gạo mà ăn.
Bạn,
Về Lộc Khánh, biết trước đó là vùng đất khó thế nhưng phóng viên báo Tuổi Trẻ vẫn cứ bị bất ngờ về trường lớp của học sinh. Xã chỉ có một trường tiểu học. Trường có 22 lớp nhưng chỉ có 3 phòng học mới và 3 phòng học khác xây từ 15 năm trước nhờ vào số tiền bà con Lộc Khánh đi lao động ở công ty Cao su Lộc Ninh, còn lại là do mượn nhà tang của ấp, mượn phòng học của xã bên cạnh hoặc bà con dựng tạm cây, phên cho con em mình học. 1/4 của một lớp học được ngăn lại để làm văn phòng trường.
Một nữ giáo viên dạy hai lớp ghép 1 và 2 kể lại: Mới đây, các em đang học thì trời đổ mưa to tạt vào lớp học. Nhiều bà con vội lấy bao, phên đến che mưa cho lớp. Viên trưởng ấp Ba Ven nói: Cô ơi, dân nghèo quá, chưa làm được cái trường tốt trường xinh được, cô đừng bỏ các cháu nghe cô!