Giả sử bạn vào Mỹ đã 5 năm, 10 năm, hay 20 năm. Bạn đọc báo Mỹ mỗi ngày, và đọc các bản thăm dò đủ thứ chuyện mỗi tuần hay mỗi tháng. Tới khi cuộc chiến Iraq bùng nổ, các cuộc thăm dò ý kiến dân Mỹ liên tục đăng gần như hàng ngày. Các hãng thông tấn chạy đua nhau thăm dò, xem bạn suy nghĩ ra sao về cuộc chiến Iraq. Đủ thứ hãng lớn nhỏ CNN, ABC, CBS, Gallup, Reuters, vân vân... thăm dò ý kiến. Nhưng rồi bạn suy nghĩ, ủa sao không thấy ai phone hỏi ý kiến mình kìa... cả 5 năm nay, 10 năm nay, 20 năm nay... Đó chính là vấn đề đối với các cuộc thăm dò ý kiến đối với người sử dụng Anh Ngữ. Khi bạn mang một cái tên không có vẻ gì như Mỹ, thì hình như người gọi phone thăm dò cũng ngại... Một cuộc thăm dò vừa phổ biến trong tuần này đã đáp ứng cho khoảng trống đó. Cuộc thăm dò này chủ yếu nhằm vào di dân, và đặc biệt chủ yếu tại California, nơi gần 40% cư dân dùng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ nhì, theo lời của Sandy Close, thuộc New California Media, một tổ hợp các công ty truyền thông sắc tộc đã bảo trợ cuộc thăm dò này cùng với Viện Công Lý và Báo Chí của Đại Học USC Annenberg School for Communication. Các con số dưới đây sẽ trích từ bản thăm dò độc đáo này.
Di dân Mỹ từ Á Châu, Mỹ Latin và Trung Đông ít ủng hộ cuộc chiến Iraq hơn là công chúng Mỹ nói chung, và có nhiều lo lắng hơn về chuyện tình hình sẽ dẫn tới thêm khủng bố và bất ổn kinh tế. Thăm dò này lấy từ 1,000 người, thực hiện trong 11 ngôn ngữ, cũng cho thấy chia rẽ sâu sắc trong các cộng đồng di dân, với dân Việt Nam là nhóm ủng hộ TT Bush và cuộc chiến mạnh mẽ nhất, và dân Pakistan ủng hộ ít nhất. Dân Mỹ Latin lo lắng hơn dân Á Châu rằng cuộc chiến đang gây tai hại trầm trọng cho kinh tế Mỹ.
Sergio Bendixen của công ty Bendixen & Associates, nơi thực hiện thăm dò, nhận xét, "Họ chỉ trích, họ lo lắng và họ sợ hãi, nhưng nói chung họ không kết án Hoa Kỳ."
Thăm dò này thực hiện từ ngày 16-4 tới 24-4. Xác suất sai lầm là cộng và trừ 4.5% đối với dân gốc Á, và ở mức cộng hay trừ 7.1% đối với dân Mỹ Latin.
Ngoại trừ dân Việt, tất cả các nhóm di dân khác đều ít ủng hộ cuộc chiến Iraq hơn là công chúng nói chung.
Bendixen nói là kết quả đã cho thấy các kinh nghiệm di dân đã làm đa dạng hóa các ý kiến, dù là trong từng nhóm di dân, thí dụ như dân gốc Á.
Như trường hợp, 85% dân gốc Việt ủng hộ cuộc chiến, đại đa số ủng hộ TT Bush và tin là cuộc chiến sẽ cải thiện quan hệ Mỹ với thế giới Ả Rậïp và Hồi Giáo. Dân Phi Luật Tân cũng thế.
Nhưng ngược lại, chỉ có 40% dân gốc Trung Hoa ủng hộ cuộc chiến, và đại đa số lo sợ là nó sẽ làm tăng thêm khủng bố và làm xấu quan hệ với thế giới Ả Rập và Hồi Giáo. Đa số không ủng hộ Bush, và là nhóm dân có tỉ lệ cao nhất phản chiến, cao hơn cả các nhóm người Ả Rập và Hồi Giáo.
Tại sao các nhóm dân Việt đa số ủng hộ cuộc chiến Iraq, và đa số dân gốc Hoa phản chiến" Tha hồ mà suy đoán.
Có một chi tiết cần ghi nhận: thăm dò cho thấy 81% dân Mỹ Latin cực kỳ, hay là khá, lo ngại rằng cuộc chiến sẽ làm tệ hại nền kinh tế Mỹ, trong khi chỉ có 53% dân gốc Á và 63% dân gốc Trung Đông nghĩ như thế. Bendixen nói rằng nỗi lo đó dựa trên kinh nghiệm của nhiều dân Mỹ Latin bị mất việc sau cú tấn công 9-11.
Thực ra có thể có lý do khác. Có lẽ vì đời sống dân gốc Á và gốc Trung Đông ổn định hơn dân gốc Mỹ Latin. Khi một người bình thường kiếm sống đã vất vả, mà nghe tới chiến tranh nữa thì dĩ nhiên kinh hoảng rồi.
Cuộc thăm dò cho thấy mức ủng hộ cuộc chiến thấp nhất trong nhóm dân gốc Pakistan, chỉ có 33%, và những người tự nhận là Hồi Giáo, chỉ có 36%. Hai nhóm dân này cũng hầu hết lo sợ lực lượng cảnh sát Mỹ từ khi cuộc chiến bùng nổ, và hầu hết không tin là việc ông Bush tấn công Iraq là cần thiết.
Tới đây bạn có thể thắc mắc. Ủa, mà sao cũng không thấy nhân viên bản thăm dò dân sắc tộc này gọi phone hỏi ý tui kìa. Có trời mà trả lời nổi câu hỏi này. Có thể vì người ta không muốn hỏi ý bạn, mà cũng có thể vì họ không thể gọi phone tới từng nhà. Vả lại, ông Bush đâu có trả lương cho họ làm việc này đâu.