Cách đây 2 tháng, bộ Văn hóa Thông tin CSVN đã ban hành quy chế hành nghề nghệ sĩ sân khấu thuộc nhiều loại hình nghệ thuật, từ bộ môn tân nhạc, cải lương cho đến hát bội, hát chèo. Theo quy định mới của bộ này, sau tháng 4/2000, tất cả các nghệ sĩ phải có thẻ hành nghề mới được tham gia các chương trình công diễn. Để được cấp thẻ, nghệ sĩ có 1 trong 3 điều kiện: tốt nghiệp các trường sân khấu, nghệ thuật; nghệ sĩ chính thức thuộc “biên chế” của các đoàn quốc doanh; nghệ sĩ hành nghề tự do, tùy theo bộ môn, phải có văn bằng trung học phổ thông (lớp 12) hoặc phổ thông cơ sở (lớp 9). Các nghệ sĩ không tốt nghiệp trường nghệ thuật phải dự kỳ thi sát hạch để thẩm định trình độ. Các nghệ sĩ đang hành nghề tự do, thiếu điều kiện về văn hóa thì chỉ được xét cấp thẻ hành nghề tạm thời sau khi đã được thẩm định về kiến thức và khả năng biểu diễn. Theo ý kiến của các giới hoạt động nghệ thuật thì cuộc sát hạch là cửa ải hành nghề của nghệ sĩ như ghi nhận trong đoạn viết dưới đây của báo Thanh Niên.
Về các câu hỏi thẩm định, gọi là nâng cao kiến thức cho nghệ sĩ, nhưng có người bảo rằng để triệt nghệ sĩ thì đúng hơn. Thực tế ở Việt Nam, nghệ sĩ xuất thân từ nhiều nguồn chứ đâu phải ai cũng được đào tạo đàng hoàng, và trớ trêu thay, hầu hết các ngôi sao hiện nay đều có tuổi thơ nghèo, ít học. Chính vì vậy, vừa đọc đến câu hỏi họ đã xây xẩm mặt mày. Mà có đến 20 câu chứ đâu có ít. Thế nhưng ngày 5-4 in câu hỏi, ngày 24-4 đã thẩm định. Trong 20 ngày đó, chỉ việc truy tìm tư liệu, sắp xếp ý tưởng, câu cú thôi cũng chưa chắc kịp, chưa nói đến học thuộc. Và kiểu câu hỏi như “chức năng của nghệ thuật là gì" Có mấy chức năng" Mối quan hệ của nó ra sao"” đủ sức đánh đổ các ngôi sao trình độ tiểu học. Lại có những câu hỏi thuộc tầm vĩ mô như: Muốn bảo tồn hát bội, là những người làm nghề, chúng ta phải có trách nhiệm gì" trong lúc thực tế nghệ sĩ hát bội đang đau khổ vì trách nhiệm với bản thân và vợ con nheo nhóc vì mỗi suất hát nhà nước quy định chỉ được lãnh 10 ngàn đồng nếu là kép chánh, còn đào chánh thì đỡ hơn, nhưng cũng chỉ tới 30 ngàn đồng.
Ngược lại, có câu hỏi huề vốn như: Bạn có thích thay thế biểu diễn hát bội tại các lễ hội truyền thống bằng một loại hình sân khấu khác hay không" Chẳng lẽ nghệ sĩ hát bội lại trả lời rằng thích, cầm bằng bưng chén cơm của mình đổ đi. Đã xuất hiện tình trạng nghệ sĩ nhờ người làm rồi nhìn vô đó mà tụng như con vẹt chẳng hiểu gì cả. Thiết nghĩ, nếu họ may mắn qua truông lần này thì lại càng tai họa cho nền nghệ thuật, bởi vì khi cầm cái thẻ hành nghề, không khỏi có người mặc nhiên cho là có kiến thức, đâu cần nỗ lực học hỏi gì nữa. Một cú đột ngột như vậy liệu có thật sự nâng cao kiến thức cho họ hay không.
Cuối cùng, đằng sau cái thẻ hành nghề đó còn có những số phận nữa. Như anh Phú Xuân, diễn viên lâu năm của đoàn Thanh Nga, giờ đây cải lương chết, anh phải đi tấu hài với đứa con trai, cầm cự qua ngày. Bốn miệng ăn chỉ dám thuê căn phòng 300 ngàn đồng/tháng, đứa con út thất học. Anh nói: Nếu thẩm định, tôi chỉ được cấp giấy diễn cải lương, hết tấu hài. Còn con trai tôi thì chắc không qua nổi các câu hỏi kiến thức. Tương lai không biết gia đình tôi ra sao. Nhưng trước mắt là lo chạy 200 ngàn đóng lệ phí cho hai cha con.
Bạn,
Theo báo Thanh Niên, trường hợp như diễn viên Phú Xuân có đến hàng trăm người. Họ là những nghệ sĩ về chiều, hoặc những người chưa thành danh, đang sống lây lất nhờ vào các suất hát ở đình, miễu, hội chợ, vùng sâu, vùng xa.