Theo báo Tuổi Trẻ, hiện trên địa bàn nội thành Sài Gòn có hơn 110 khu vực luôn bị ngập nước khi có mưa lớn, trong đó có nhiều khu vực bị ngập nặng, nhiều đoạn đường bị nước ngập đến ba, bốn giờ sau khi cơn mưa dứt. Theo khảo sát của các chuyên viên, nếu Sài Gòn có mưa với lượng nước lớn hơn 40 mét và kéo dài khoảng 90 phút thì không kể vô số những điểm được gọi là ngập rải rác, trong nội thành sẽ hình thành 13 khu vực được giới chuyên môn gọi là trọng điểm. Do hệ thống thoát nước còn chịu ảnh hưởng của thủy triều nên có nhiều khu vực không chỉ ngập nước trong mùa mưa và còn ngập cả ngay trong mùa nắng.
Cũng theo báo Tuổi Trẻ, Ở Sài Gòn, thoát nước do một công ty trực thuộc sở Giao thông Công chánh thành phố phụ trách, thế nhưng một quan chức ở công ty Thoát nước Sài Gòn bảo rằng ông không thể xác định được công ty của ông là đơn vị có trách nhiệm “quản lý hay thi công thoát nước.” Đây cũng là lý do khiến 25 năm nay Sài Gòn vẫn chưa có kế hoạch rõ ràng về thoát nước và những năm vừa qua, các giải pháp thoát nước mang tính cách tình thế như ghi nhận sau đây của báo Tuổi Trẻ:
Công ty Thoát nước đã chi cả chục tỉ để đập cống đặt lưới chắn rác dọc, đến khi phát giác rác chặn việc thoát nước thì lại đập lưới chắn dọc để đặt lưới chắn ngang. Có lúc người ta cho rằng nguyên nhân ngập úng là do ứ bùn, thế là bỏ bạc tỉ để nhập thiết bị hút bùn. Có thiết bị rồi mới ngộ ra rằng bùn ta khác với bùn Tây bởitrong đó lẫn lon sửa bò, bao nilông, dép nhựa và đủ thứ trời ơi khác nên thiết bị lại nghẹt, đành bỏ.
Để quản lý lao động, công ty lại chuyển sang động viên công nhân vét bùn bằng cách tính ký trả tiền, thế là công nhân ngành thoát nước chê chuyện lấy rác trong cống, tích cực xúc bùn để cải thiện thu nhập, mặc dù ai cũng biết rác khó lấy hơn bùn và rác cũng là tác nhân chính gây ngập nghẹt. Hiện nay, do một số khu vực thường ngập lúc triều cường nên ngành thoát nước thử nghiệm sắp đặt van một chiều, khi rác làm kẹt cửa van nên có van cũng như không, vậy là tiếp tục đặt lưới chắn rác, vớt rác, ngoài ra còn tốn thêm bơm.
Sẽ không công bằng nếu qui toàn bộ trách nhiệm cho ngành thoát nước. Khi xem xét, phê duyệt thi công các công trình giao thông, vấn đề thoát nước chỉ là thứ yếu. Chủ đầu tư các công trình chỉ bảo đảm giao thông chứ không chứ không ngó ngàng tới việc thoát nước. Theo ban quản lý cấp phát nước ở một số công trình như đường Nguyễn Tất Thành, Hùng Vương, Điện Biên Phủ... thì hệ thống thoát nước cũ thường bị lấp phá, cống mới chưa hoàn tất thì đất cát đã lấp kín một số đoạn cống đang sử dụng gây ngập toàn khu vực. Ngoài ra, do không bị ràng buộc, hầu hết các đơn vị đào đường đặt cáp điện, điện thoại... cũng chỉ lo thực hiện cho xong phần việc của mình chứ chẳng quan tâm gì đến hệ thống thoát nước nên cống vỡ, xì mối nối là chuyện thường xuyên. Thậm chí ở các điểm giao cắt, một số đơn vị còn đập bỏ cống cho khỏi vướng víu.
Bạn,
Trình bày tổng thể, báo Tuổi Trẻ cho biết: đến nay thành phố Sài Gòn vẫn chưa xác định cao độ san, do đó vì nhu cầu xây dựng nhà ở, công trình, cư dân thường san lấp, nâng nền thật cao theo nhu cầu riêng, dẫn đến tình trạng cạnh khu dân cư cao tầng thường là hồ chứa nước do hiện tượng nước không thoát đã dồn sang vùng trũng thấp. Ngoài ra, do sự yếu kém về quản lý hệ thống thoát nước, nên tại những nơi xây dựng mới, hệ thống thoát nước lại không tiêu thoát nước được, và toàn khu bị ngập khi trời mưa.