Cách Đà Nẵng 120 km về phía Tây Nam, nằm trong địa phận huyện Hiên, tỉnh Quảng Nam, có một làng của người sắc tộc Cờ Tu được địa phương đặt bằng một cái tên rất lạ: làng Hang Dơi. Hiện nay làng có 29 nóc nhà với 430 người, trung bình mỗi nóc nhà có gần 15 người ở. Một tục lệ rất đặc biệt của làng là cứ đến 20 tháng 8 âm lịch, cả làng tập trung đi bắt dơi. Một phóng viên báo Tuổi Trẻ đã đến làng và ghi lại sự tích về tục lệ trên như sau.
Theo chuyện kể của người Cơ Tu, cách đây lâu lắm ở làng Hang Dơi có tên gọi là Pà Xưa, trong làng có một cậu bé mồ côi cha mẹ, nghèo khổ. Năm 10 tuổi, cậu sống tự lập bằng nghề săn bắn bởi cha mẹ cậu không có nương rẫy để lại. Năm 12 tuổi, cậu trở thành người săn bắn nhất làng. Một hôm cậu vào rừng tìm cây toong làm cung ná. Khi cậu đốn cây, nó ngã đập vào vách núi gây tiếng động một vùng. Ngay lúc đó, tiếng gió ù ù trên đầu, ngửa mặt lên cậu nhìn thấy đàn dơi từ một hang đá bay ra nhuộm đen cả bầu trời. Lần ra vách núi, cậu tìm ra được đàn dơi trú ngụ.
Theo tục lệ của làng, cậu bé có công phát hiện nghiễm nhiên trở thành ông chủ của hang dơi. Cuộc sống của cậu cũng khá lên dần nhờ vào hang dơi mà người dân Pà Xưa gọi là kho thịt của Giàng ban tặng. Năm 19 tuổi, cậu yêu con gái của làng già Cha Cheng nên quyết định dùng hang dơi làm của hồi môn. Kể từ đó hang dơi thuộc quyền cai quản của bố vợ Cha Cheng và ông truyền lại cho con cháu trong dòng tộc của mình. Người chủ hang kế tục bây giờ là Bnước Hói, cháu đời thứ năm của Cha Cheng. Đối với người dân làng Cơ Tu này, hang dơi là nơi linh thiêng, ngoài chủ hang ra không một người nào dám vào hang bắt dơi. Chính vì vậy mà đàn dơi mỗi ngày một đông đúc. Mỗi năm chủ hang chọn một ngày cho dân làm lễ tế thần hang để vào bắt dơi làm thức ăn cả năm cho làng, nếu ai trái điều cấm sẽ bị phạt vạ.
Vào ngày 20 tháng 8 âm lịch, cả làng vui như trẩy hội vào hang bắt dơi về làm thức ăn cho cả năm. Trước giờ vào hang, Bnước Hói là người đứng ra làm lễ cầu khẩn, cúng thần hang một con gà, một chén rượu và bốn chén xôi nếp mới. Anh đại diện cho dân làng hứa với thần hang không làm ô uế hang, hứa luôn hòa thuận cùng chia nhau miếng thịt dơi mà thần ban phát và hứa chỉ bắt đúng một nửa lượng dơi trong hang. Khi phóng viên hỏi làm sao để biết một nửa lượng dơi thì Bnước Hói nói: Biết chứ, bắt đến khi có con dơi trắng bay ra thì không ai được bắt nữa, nếu ai tiếp tục bắt sẽ bị thần trừng phạt.
Vào ngày bắt dơi, cả làng được nghỉ việc nương rẫy để chuẩn bị. Mọi người phải tắm rửa nước suối tại đầu nguồn cho sạch mình trước lúc vào hang. Riêng chủ hang và đám thanh niên chưa vợ phải kiêng cữ đủ điều. Số người này phải ra nhà rông ngủ trước đó nửa tháng. Sau khi chủ hang làm lễ khấn vái thần hang thì lập tức cửa hang được vây kín bằng lá tà vạt, đồng thời đám thanh niên vào hang đốt đuốc. Dơi thấy lửa bay ra, gặp lửa rơi xuống đất, dân làng cứ thế mà nhặt bỏ rồi gùi mang về. Tất cả chừng 60-70 gùi. Đêm đó cả làng tổ chức lễ hội, làm thịt dơi uống rượu no say. Phần dơi còn lại được chia đều cho từng nhà đem về làm thịt, phơi khô hoặc làm mắm để ăn quanh năm, để dành đãi khách quí. Và để nhớ ơn thần linh, làng Pà Xưa lấy tên hang đặt tên mới cho làng: làng Hang Dơi.
Bạn,
Theo báo Tuổi Trẻ, những ai được sinh ra và lớn lên từ làng Hang Dơi phải tuân theo một một quy định nghiêm ngặt bất thành văn: phải biết giữ gìn bảo vệ hang dơi cho con cháu, không một ai được tự do vào hang bắt dơi, dù chỉ là thăm viếng.