Trong một cuộc hội thảo về tình hình giáo dục tại Việt Nam được tổ chức tại Sài Gòn, một số chuyên viên về nghiên cứu giáo dục đã than rằng chương trình giáo khoa bậc tiểu học và trung học hiện đang quá tải với cả học sinh và giáo viên. Học sinh thì bị nhồi nhét học quá nhiều, thầy giáo thì phải chạy đua theo giáo trình để kịp hoàn tất chương trình giảng dạy của mỗi học kỳ. Trò bị ép học quá tải, còn thầy cũng khổ theo sự quá tải này như nhận xét sau đây của một giáo viên trong bài viết đăng trên báo Tuổi Trẻ.
Về phía học sinh, chương trình học rất nặng nề. Lối ra đề kiểm tra, thi cử hết sức từ chương. Do căn bệnh chuộng thành tích nên sự chấp nhận giả dối ăn sâu vào mọi người. Tất cả đã dẫn đến sự nhồi nhét. Nhà trường nhồi nhét, phụ huynh và cả học sinh nhồi nhét. Như một người bị tọng thức ăn vào miệng ăn liên tục, không kịp nhai, không kịp tiêu hóa. Đơn giản là các em học sinh phải ói ra nên dạ dầy cứ vẫn trống rỗng. Tệ hơn nữa là dần dần các em biến thành một con người hết sức thụ động. Phần đông các em và cả một số phụ huynh tin rằng bổn phận của giáo viên là phải giải cho các em các dạng bài tập có thể ra thi, kiểm tra. Các em không cần học cách nhận xét, suy nghĩ, tự mình phán đoán đúng sai. Điều này quá xa xỉ với quỷ thời gian của các em. Các em chỉ cần học thuộc lòng trước cách giải bài. Đâu rồi một đứa trẻ ba tuổi liên tục quan sát và hỏi tại sao"
Chưa hết, thay vì rèn luyện những điều tốt đẹp, theo tài liệu thống kê thì có đến 70% học sinh đã từng có lần rèn luyện kỹ năng gian lận, quay cóp, để đối phó với sự bất hợp lý của chương trình và để có thành tích. Điều này đồng nghĩa với 70% học sinh đã tập dần để xem sự không trung thực là điều bình thường.
Về phía người thầy, một bên là một lượng kiến thức quá tải cần truyền thụ, còn nào là sổ sách, thậm chí cả biên lai thu học phí. Rồi các chỉ tiêu thi đua của lớp. Lớp học thường có đến 50 học sinh, trong khi ai cũng biết để phát triển tốt nhất cần có sự cá biệt hóa, ngay cả trong lãnh vực thương mại, huống gì trong lãnh vực giáo dục. 50 học sinh, giáo viên phải làm gì để thích ứng được với khả năng tiếp thu hết sức cá biệt của các em.
Thực sự chúng tôi đã mệt nhoài với lớp học đông như vậy để rồi cuối cùng nhận được đồng lương hết sức tượng trưng từ ngân sách nhà nước, phần còn lại được coi là xã hội hóa giáo dục. Trong khi đó, phụ huynh và cả học sinh thường cho rằng những khoản đóng góp thêm đó là sự tự nguyện một cách bắt buộc. Sao không thành thật để mọi người hiểu rằng đó chỉ là sự công bằng xã hội đối với ngành giáo dục.
Thực tế trần trụi đó dẫn đến những chuyện đau lòng khác: lễ, tết, ngày nhà giáo 20-11, một số phụ huynh có “tấm lòng” đem phong bì cho giáo viên. Tôi luôn cảm thấy mình bị xúc phạm trong những trường hợp đó. Để làm tròn trách nhiệm với những người thân và với cả bản thân (vì ai cũng phải có bổn phận với chính bản thân mình), tôi dạy thêm. Lương tâm hoàn toàn thanh thản, vì đó thực sự là những gì học sinh cần, không phải ai cũng chỉ vì mục đích làm giàu nhờ thời cơ này bằng nghề giáo.
Bạn,
Sau khi trình bày nỗi khổ của người thầy, giáo viên trên viết như sau: Học và làm việc là một trong những nguồn hạnh phúc của con người vì sự phát triển chung của xã hội. Chúng ta còn cách nào để mọi người trong nhà trường làm đầy đủ bổn phận mình: học sinh học ra học và giáo viên thực sự là người hướng dẫn các em.