Theo báo quốc nội, tại tỉnh Đồng Nai có làng bè La Ngà với 626 hộ với hơn 618 bè nuôi cá các loại, thế nhưng ở làng này chỉ độc nhất có ông già Nguyễn Văn Sông chọn nuôi loài cá dữ làm kế sinh nhai. Cuộc đời ông gắn liền với hàng nghìn con sấu với bao thăng trầm. Mới đây, vào thượng tuần tháng 5, một phóng viên báo Người Lao Động đã đến làng bè La Ngà và đã viết về ông như sau.
Ngoài 70 tuổi, ông vẫn buông dây thòng lọng chính xác và nhanh nhẹn chú sấu lên bờ. Gia đình ông gắn trọn với nghề đã ba thế hệ. Duyên nợ đưa ông đến bên những con cá dữ từ lúc còn lăn lộn ở xứ người. Chọn Biển Hồ Căm Bốt lập nghiệp, ông dốc cạn những đồng tiền để dành dụm được vào việc đóng bè và mua những con sấu giống đầu tiên. Công lao đổ ra, mới gặt hái kết quả được bốn năm thì nạn diệt chủng của Pôn Pốt xảy ra. Những bè cá bị phá tan. Ông lần mò về VN với hai bàn tay trắng. Nhờ có kinh nghiệm nuôi sấu, ông được tỉnh Cà Mâu ký hợp đồng ấp sấu trong vòng 10 năm (theo tỉ lệ ăn chia phần trăm). Có được cá sấu con, ông quyết định khởi nghiệp từ đầu. Nhập vào làng bè La Ngà, chẳng mấy chốc, đàn sấu của ông trưởng thành. Một năm hai lần ông chèo thuyền lên Biển Hồ chở mùn rác nơi đây về đổ trứng, nhân giống tại nhà. Ông nuôi theo giống tự có, chỉ sau 1-2 năm, sấu có thể xuất bè với giá dao động trong vòng 130,000 đồng đến 150,000 đồng/kg. Các nhà hàng lớn ở những thành phố lân cận thường có đơn đặt hàng từ trước. Ông không phải lo đầu ra. Công việc tiến triển thuận lợi, một đời người gắn với cá sấu. Hiện tại, ông còn trên dưới 100 chú sấu đã trưởng thành. Một tuần chúng chén ngót 200 kg cá (chi phí khoảng 2 triệu đồng/tháng). Mỗi lần nhìn sấu đớp mồi là ông bật cười thích thú. Ông thường ngồi hàng tiếng canh chừng những chú sấu con tách ra từ vỏ trứng và quẫy đạp dưới ánh mặt trời. Ông thổ lộ: Thời trai trẻ, cuộc sống gia đình tui dựa vào những con cá sấu. Giờ tui đi kiếm thú tiêu khiển ở loài cá dữ.
Khi nghe hỏi đã có lần nào tai nạn nghề nghiệp xảy ra chưa, ông lão nâng chén trà đặc, mắt buồn và nhìn xoáy xuống dòng sông. Trầm ngâm giây lát, ông thở dài: Sắp tới, có dự án di chuyển làng bè lên bờ để tránh ô nhiễm nguồn nước, tui muốn kết thúc cuộc sống trôi nổi trên sông. Sinh nghề tử nghiệp biết đâu. Phóng viên hỏi: Sao bác bảo lấy việc nuôi sấu làm thú tiêu khiển tuổi già. Ông nói: Có bỏ hẳn đâu. Nhưng sấu bè thì... ông bỏ nửa chừng câu nói. Những nếp nhăn quanh thái dương giật liên hồi càng lộ rõ vẻ lo âu. Phóng viên lại hỏi: Sức khỏe yếu rồi, bác sợ kham không nỗi loài cá dữ này phải không" Ông trả lời: Nghề này đâu phải mạnh là thắng, ba bốn thanh niên chưa chắc quật lại một chú sấu tơ. Chỉ có điều dưới lòng sông kia đang nuôi dưỡng một tai họa khôn lường. Hàng đêm nghe tiếng sấu quẫy, tui lại giựt mình và thấy cắn rứt.
Bạn,
Phóng viên viết cách đây 2 năm, giữa mùa khô nước rút cạn, sông chỉ còn những khu lòng chảo. Đêm ấy, đàn sấu tơ quẫy ầm ầm làm ông sực tỉnh. Dưới trăng mờ, con sấu cuối cùng (lớn nhất lứa), chui lỗ hổng để ra ngoài. Ông đứng chết trân, không kịp phản ứng gì. Mấy ngày sau, tất cả nhân lực trong gia đình đều được điều động và những người đánh cá có lưới lớn xung quanh tập trung săn lùng 8 chú sấu nhưng vẫn không mò được tăm tích đâu cả. Từ dạo ấy, cứ đến mùa đánh cá, nhìn bao người lội xuống sông, ông lại nơm nớp lo sợ. Kinh nghiệm nuôi dạy cho ông biết sấu sống theo đàn. Bè ông đang đóng ở đây, chắc chắn những chú sấu kia không thể đi xa. Vì thế ông dời bè xuống nơi nước sâu nhất, phần tránh nguy hiểm cho dân chài, phần để nhữ và đợi sấu gọi đàn.