Trong vùng biển thuộc tỉnh Khánh Hòa, có hòn đảo Bình Hưng là đảo xa nhất nằm về phía cực Nam của tỉnh này. Đây là 1 xóm đảo có 319 gia đình với khoảng1,600 người. Trẻ em ở đây không chỉ phải vất vả kiếm tiền phụ giúp gia đình mà còn mong ước được đi học. Báo Khánh Hòa ghi nhận về tình cảnh của trẻ em trên đảo này như sau.
Đảo Bình Hưng, là một trong hai thôn của xã đảo Cam Bình, hòn đảo xa nhất nằm phía cực Nam của tỉnh Khánh Hòa với 319 gia đình (khoảng 1,600 người) đang sinh sống bằng nghề pha xúc, đánh bắt gần bờ, nuôi trồng hải sản. Trong chuyến hành trình thăm đảo , phóng viên được ngồi gần bác Nguyễn Bình Sáng, một người dân đảo. Những câu chuyện kể của ông về đảo Bình Hưng, một hòn đảo mà gần trọn cuộc đời ông gắn bó, như một cuộn phim quay chậm ngược về quá khứ. Vào khoảng giữa thế kỷ XIX, ông Nguyễn De, một ngư dân đi biển ở Vũng La, Sông Cầu trong một lần đi qua vùng biển Khánh Hòa đã vô tình lạc vào đảo Bình Hưng (tên gọi cũ của đảo là Hòn Chút). Và ông nhận ra ngay đây là vùng đất lành, sống được. Thế là những cư dân họ Nguyễn quyết định dựng ấp, lập làng khai khẩn nên vùng đất này. "Đất lành chim đậu", những nóc nhà tranh của những cư dân vùng khác cũng kéo về đan xen với những ngôi nhà của họ Nguyễn.
Trẻ em ở đảo từ khi bắt đầu biết cầm mái chèo đã theo cha mẹ bán mặt cho biển, bán lưng cho trời để đi mò từng con ốc, bắt từng con cua, con cá phụ giúp gia đình. Ngôi trường ở đảo là cơ sở 2 của trường phổ thông cơ sở Cam Bình, (lớp 6-9) được xây lên. Các lớp tiểu học, lớp bổ túc, phổ cập cơ sở được mở nhưng số lượng trẻ đến trường cũng không nhiều bởi quan niệm "nghề đi biển cần sức hơn cần chữ", "học cho lắm cũng về nắm mái chèo" đã ăn sâu vào tâm trí của bậc cha chú. Khó khăn trong việc đi lại cũng là bước cản đối với việc học lên cao của những đứa trẻ nơi đây. Con đò mang trên mình 35 hành khách, sau 2 tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển cập bến thôn đảo Bình Hưng khi mặt trời đã chênh chếch về hướng Tây. Ngược với tưởng tượng của phóng viên về một hòn đảo với những căn nhà mái tôn, vách nứa yên bình dưới rặng dừa, ngôi làng hiện ra lại là các lồng, bè nuôi tôm hùm dày đặc quanh đảo. Nhưng để lại ấn tượng nhất trong phóng viên vẫn là những đứa trẻ trên đảo. Không nhút nhát, e dè, những đứa trẻ ở nơi đây không chỉ dạn dĩ, năng động trong việc... kiếm tiền tiêu vặt mà các em còn có một ước mơ cháy bỏng là được học và học.
Bạn,
Phóng viên chứng kiến 2 cậu bé đang lang thang cùng nhóm bạn lượm phế liệu trên bờ biển cũng không ngại ngùng trả lời vanh vách những câu hỏi của phóng viên. Một cậu bé cho biết, sau giờ học em cùng các bạn thường ra đây lượm các mảnh nhựa vỡ, bịch bóng do sóng biển tấp vào để bán kiếm tiền tiêu vặt. Cậu ước mơ: "Con muốn học thật giỏi để lớn ra thị xã học môn sửa chữa về sửa thuyền cho ba".