Khả năng “lịch sự” và “ảo luận” trong chữ nghĩa phê bình khiến cho tôi băn khoăn mỗi khi nghĩ đến văn học Việt nói chung và Văn học hải ngoại khoanh vùng.
1. Khoanh vùng.
Có giới hạn lớn trong số lượng truyện và tiểu thuyết, nhất là các bài phê bình mà tôi có dịp đọc. Có giới hạn lớn hơn trong kiến thức và hiểu biết của tôi về ý của chữ và nghĩa của tác giả diễn tả hoặc khơi gợi.
Những gì tôi đọc được về phê bình, đa số là bài viết ở hải ngoại, dẫn tối đến ý nghĩ: văn học phê phán trong giai đoạn hiện tại hầu hết rơi vào”lịch sự” và “ảo luận”. Ngụ ý, nhận xét và phê bình cho hài lòng, mục tiêu không mất lòng tác giả. Người viết nỗ lực tận dụng sở học tìm tòi những điều gì hay đẹp để điềm chỉ giá trị của tác phẩm và tài năng của tác giả. Thường xuyên, người viết đắm chìm vào xu hướng suy tư đó đã tạo ra những ý nghĩ đào sâu, mở rộng nhiều điều tuy thành thật mà xa vời hoặc lạc mất đối với văn bản và sự mong muốn của tác giả. Tuy nhiên, đó là những lời khen ngợi, nhận thôi, tác giả rung đùi hài lòng.
Bên cạnh, có một số người viết cảm nhận một đường viết một ngả. Dối chữ, chữ không biết. Dối người, nào ai hay. Tuy nhiên, đó là những lời khen ngợi, nhận tạm, tác giả hài lòng rung đùi. Cả hai trường hợp đều đến từ ảo luận.
2. Truyền thống Việt tôi.
Nhưng không phải là việc đáng trách hoặc thiếu giá trị. Hài lòng và ảo luận vốn là truyền thống không chỉ trong văn học mà thể hiện lộng lẫy trong đời sống hàng ngày.
“Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, Hãy tự hỏi mình, trong một ngày, có bao nhiêu lần chúng ta dám nói những lời làm người khác phật lòng, đau lòng, hoặc phẫn nộ? Văn chương thể hiện tính sống thực và hư cấu. Văn học thể hiện thói quen tư duy và bản ngã chung của dân tộc. Đi ngược lại “lựa lời cho hài lòng” là một thách thức, không chỉ cần can đảm mà cần sự liều mạng cao cấp.
Nhưng người viết bài nhận định, phê bình vì nhiều lý do khác nhau, phải viết, hầu hết không thù lao, có chăng là một chút tình bằng hữu, mạnh hơn nữa là chút tình nam nữ. Dù thật hay dối, những suy nghĩ và lý luận này tạo ra ảo tưởng. Tôi nghĩ, người vì tình bạn, tình yêu mà hành động, dù không đúng, cũng không nên trách. Có thể nói, đây là những đóng góp làm đẹp nơi chúng ta cư sống.
Ảo luận? Mỗi ngày, có bao nhiêu lần chúng ta suy nghĩ, lý luận trong đầu hoặc nói ra với sự thật khách quan? Hay chúng ta nghĩ, luận và nói theo cái tôi chủ quan, rất ngoan cố và xem thường sự thật?
Bạn đã đoán đúng diều tôi sắp nói ra: Đối với tác phẩm, tác giả, dòng phê bình theo hiệu quả hài lòng và ào luận là đáng thương và đáng yêu.
3. Chỉ thiệt hại cho thưởng ngoạn và sáng tác.
Hầu hết người đọc chọn tác giả yêu thích, chọn nhà phê bình đáng tin cậy, vì vậy ngay từ đầu họ đã có niềm tin tốt về văn bản và niềm tin đó tồn tại trong ngân khố làm người. Họ chỉ thay đổi khi tự mình khám phá hoặc nghe từ những người có khả năng phân tích, suy luận, vạch ra những điều đúng/sai, hay/dở hợp lý khiến cho niềm tin cũ lung lay hoặc đổi hướng. Phải chăng đó là khả năng tự phân tích, phê phán của mỗi người thưởng ngoạn? Phải chăng đó là tài năng, lòng can đảm, sức liều mạng của nhà nhận định, phê bình chuyên môn?
Hài lòng và ảo luận tạo ra ảo tưởng. Ảo tưởng này tương đương vói khái niệm “Chiều Ảo” của nhà phê bình về phê bình văn học, Wolfgang Iser (1926-2007). Tác giả từ khi rung đùi sẽ có ảo tưởng tác phẩm của mình hay quá, giá trị cân bằng núi Thái sơn. Độc giả bị thuyết phục có ảo tưởng thưởng thức một tác phẩm hay, cao kỳ và thu thập được một số điều phụ tá cho đời sống. Tác dụng này không phải hoàn toàn xấu, cứ lấy trường hợp tuy cực đoan nhưng dễ hiểu như Tây độc Âu Dương Phong nhờ học chân kinh giả đã tạo ra Hàm mô công, một mình đương cự cả ba Đông tà, Bắc cái, và Nam đế.
Ví dụ này cho thấy lý luận của học thuyết “Đọc giả phản hồi” (Reader Response) là có cơ sở đúng đắn. Độc giả từ những ảo luận của nhà phê bình sẽ phát triển theo sở thích và sở học trở thành một số ảo tưởng khác. Và họ sẽ trở thành những nhà phê phán không chính thức với khả năng lợi hại của Hàm mô công.
Riêng nhà phê bình, hầu hết có ảo tưởng về một “chân trời kỳ vọng”, khái niệm của nhà phê bình Hans Robert Jauss (1924-1997). Nơi mà nhà phê bình hy vọng nỗ lực cảm thụ và sáng kiến về tác phẩm được hoan nghênh và đôi khi trở thành tiêu chí dẫn đạo. Jauss cho rằng nếu không vì kỳ vọng này, từ đông sang tây, viết phê bình đúng đắn chỉ tự mình chuốc lấy phiền hà. Cái gọi là “Yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét” chính là thơ hay của Phùng Quán và chỉ là thơ hay, không áp dụng được.
Tất cả những chiều ảo này đền mang đến sự hỗn loạn cho sáng tạo và khả năng sáng tác. Không có tác giả nào mà không học từ những tác giả đi trước và bạn văn đồng thời dù vô tình hay cố ý. Chình tác giả, hầu hết, không mấy ưa nhà phê bình, nhưng cũng ngại vì muốn đọc những lời hài lòng về tác phẩm của mình. Họ giao tiếp hài hòa và ngưỡng mộ nhà phê bình, dù đôi khi giả vờ.
Nói như vậy, không có sự thật nào trong văn học hay sao?
Bạn hỏi đúng.
Nhà văn nhà thơ không có nghĩa vụ khai bày sự thật, chân lý như triết gia hoặc tôn giáo gia. Họ chỉ cần trung thực với những gì họ nghĩ. Họ là những người gợi ý hoặc trình bày, không có bổn phận giải quyết (Kafka). Vì vậy, đừng đòi hỏi tác giả về sự thật, chỉ nên hỏi họ có trung thực hay không? Và hơn ai hết, mỗi người viết nhận định, phê bình nên tự hỏi chữ nghĩa mình có trung thực hay không? Và người đọc nên tự hỏi khả năng trung thực của nhà phê bình? Dĩ nhiên, chúng ta đã biết, những câu hỏi này rất khó trả lời một cách trung thực, luôn có điều gì biện chứng cho sự thiếu trung thực hoặc bù đắp cho òng nghi ngờ trung thực. Nhưng ở tây phương, văn học bảo hiểm nảy sinh ra ngành “phê bình về phê bình văn học”. Có vẻ khôi hài khi nghĩ đến chuyện này, vì mai hậu sẽ có “phê bình về phê bình về phê bình văn học” cứ như vậy sẽ theo lối giải cấu trúc trở thành giải phê bình vô hạn. Vậy thì, phê bình có lẽ cần một tên khác với nội dung khác cho dù cùng một mục đích tìm hiểu phê phán văn chương.
Sống là tưởng tượng nhiều hơn hiện thực. Ít hay nhiều, mỗi người đều tưởng tượng đủ điều dù một số người tự cho mình là thực tế. Không có thực tế nào mà không đi qua hư cấu trong nội tâm trước khi phát ra lại một thực tế khác. Và một số người có khả năng tưởng tượng mạnh mẽ hoặc cao siêu hoặc ghê gớm đã mang thực tế và niềm tin đến mức bất khả truy lùng sự thật. Tệ hơn nữa, niềm tin khiến họ thật thà một cách dối trá.
Chỉ một phần nhỏ của qui luật nói trên hiện diện trong phê bình văn học Việt cũng đủ gây tai hại cho sáng tác và thưởng ngoạn ảnh hưởng đến những thế hệ tiếp theo.
Tôi lỡ dại có ý định viết phân tích phê bình một số tác phẩm đánh dấu sau 50 năm văn học hải ngoại. Ý tưởng này nhắc nhở tôi tìm hiểu những học thuyết và thực hành về phê bình văn học tây phương trong hơn 5 năm qua, để bảo đảm một mức bằng tiểu học. May măn, nhờ rớt, tôi dừng lại vì biết rõ bản thân chưa đủ khả năng viết phê bình đúng nghĩa và trung thực.
Có một số tác phẩm có giá trị về nội dung và vị trí mấu chốt trong lịch sử văn học hải ngoại, vì dụ như gần đây là cuốn tiểu thuyết “AI” của nhà văn Đặng Thơ Thơ. Tôi đã thụt lùi, đẩy bàn gõ qua một bên để suy nghĩ về một cách viết không phải phê bình kiểu hài lòng và ảo luận.
Tôi vẫn chưa nghĩ ra. Hôm nay đã vào thu 2024.
Ngu Yên
Gửi ý kiến của bạn