Hãng giày Nike từng dự định ra mắt mẫu giày thể thao đặc biệt với tên gọi Air Max 1 Quick Strike Fourth of July nhân dịp kỷ niệm Ngày Độc Lập. Trên mẫu giày này có in biểu tượng quốc kỳ ban đầu của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ với 13 ngôi sao xếp thành vòng tròn – còn gọi là cờ Betsy Ross.
Tuy nhiên, bất ngờ thay, trước khi sản phẩm được bày bán, Nike đã rút mẫu giày này khỏi thị trường sau khi nhận được lời khuyên từ đại sứ thương hiệu và cầu thủ NFL Colin Kaepernick, cho rằng biểu tượng này mang tính xúc phạm vì có liên quan đến thời kỳ đen tối của Hoa Kỳ. Sự việc này đã làm dấy lên cuộc tranh cãi nảy lửa với nhiều ý kiến trái chiều.
Theo tờ The Wall Street Journal, Kaepernick đã nói với Nike rằng ông và nhiều người khác cảm thấy biểu tượng này mang tính xúc phạm, vì gợi nhớ đến thời kỳ nô lệ trong lịch sử Hoa Kỳ. Trong thời gian gần đây, lá cờ này còn bị một số nhóm theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng và chủ nghĩa dân tộc da trắng lấy làm biểu tượng.
Lá cờ này được cho là do một phụ nữ tên là Betsy Ross may vào khoảng giữa đến cuối những năm 1770, thời kỳ đỉnh cao của cuộc Cách mạng Hoa Kỳ. Vì vậy lá cờ còn được gọi là “cờ Betsy Ross.” Tuy nhiên, lịch sử về nguồn gốc thực sự của cờ Betsy Ross vẫn còn khá mơ hồ.
Theo các nhà sử học, Betsy Ross có một người bà con là bạn của George Washington. Năm 1776, người bà con này đã được Washington, người sẽ trở thành vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, ghé thăm và giao nhiệm vụ thiết kế quốc kỳ. Trước đó, đã có một mẫu quốc kỳ khác với hình 13 ngôi sao sáu cánh xếp thành vòng tròn, đại diện cho 13 thuộc địa, nhưng Washington ưng bụng mẫu sao năm cánh của Ross hơn.
Mặc dù nhiều người vẫn tin rằng Betsy Ross là người phụ nữ duy nhất nghĩ ra và may lá cờ, nhưng theo một số học giả, bà chỉ là một trong nhiều thợ may ở Pennsylvania thời bấy giờ tham gia vào dự án này.
Câu chuyện về nguồn gốc của cờ Betsy Ross chỉ thực sự trở thành đề tài bàn tán vài năm sau khi lá cờ ra đời. Theo cuốn sách “The Star-Spangled Banner: The Making of an American Icon” của Viện Smithsonian (2008), vào năm 1870, William J. Canby, cháu trai của Betsy Ross, đã đệ trình một tài liệu lên Hội Lịch Sử Pennsylvania (Historical Society of Pennsylvania), trong đó khẳng định rằng chính bà mình là người thiết kế lá cờ.
Betsy Ross là con gái của một thợ mộc Quaker (Giáo Hữu Hội, The Religious Society of Friends, các tín đồ thường được gọi là Quaker). Bà cùng chồng điều hành một cửa hàng chuyên sản xuất nội thất tại Philadelphia. Họ nổi tiếng vì đã sản xuất đạn dược và cờ cho Lục quân Lục địa (Continental Army), và có tin đồn rằng Ross còn làm rèm giường cho George Washington vào năm 1774, theo tổ chức Historic Pennsylvania.
Tuy nhiên, mặc dù có nhiều câu chuyện về người đã tạo ra quốc kỳ Hoa Kỳ, không có tài liệu chính thức nào của chính phủ ghi nhận điều này cho đến ngày 14 tháng 6 năm 1777, khi Hội Nghị Lục đia (Continental Congress) chuẩn thuận rằng mẫu quốc kỳ chính thức “sẽ có mười ba sọc đỏ và trắng xen kẽ; phần Liên bang sẽ có mười ba ngôi sao trên nền xanh, tượng trưng cho một chòm sao mới, đại diện cho 13 thuộc địa,” theo Thư viện Quốc hội (Library of Congress). Trong tài liệu này không nhắc đến tên của Ross, có thể là do những định kiến thời bấy giờ.
Trên quốc kỳ ban đầu có 13 ngôi sao, qua bao năm tháng, cờ đã được cập nhật 27 lần để thêm các ngôi sao đại diện cho các tiểu bang mới gia nhập liên bang. Phiên bản lá cờ hiện nay với 50 ngôi sao được công bố sau khi Hawaii trở thành tiểu bang thứ 50 vào tháng 8 năm 1959.
Đối với một số người, cờ Betsy Ross chỉ đơn thuần là một biểu tượng lịch sử của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nguồn gốc của lá cờ này lại gắn liền với một thời kỳ mà Hoa Kỳ vẫn còn chế độ nô lệ và công khai thể hiện sự phân biệt chủng tộc. Những giá trị tiêu cực của thời đại đó vẫn còn sót lại trong văn hóa Hoa Kỳ ngày nay, đặc biệt khi các nhóm thượng tôn da trắng như Ku Klux Klan sử dụng cờ Betsy Ross trong các hoạt động tuyên truyền gần đây.
Theo tờ The New York Times, vào năm 2018, tại một thị trấn ở New York, Ku Klux Klan đã phát tặng mọi người các phiên bản nhỏ (mini) của cờ Betsy Ross, cùng với cờ Miền Nam (Confederate Flag) và kẹo. Nhóm này cũng đã sử dụng hình ảnh cờ Betsy Ross trong một bức thư gửi cho tờ báo trường của một đại học ở Washington vào năm 2017.
Cờ Betsy Ross cũng đã gây ra xào xáo ở Michigan. Vào năm 2016, một nhóm thanh niên gốc da trắng đã giương cao lá cờ này tại một trận bóng ở trường trung học. Sự việc đã khiến cộng đồng dậy sóng, nhiều gia đình cảm thấy khó chịu với sự xuất hiện của lá cờ, nhất là khi NAACP đã chỉ trích các nhóm cực đoan lợi dụng lá cờ. Vì sự phản đối từ các gia đình và cộng đồng, giám đốc của học khu đã phải chính thức xin lỗi về sự việc này.
Theo một cuộc điều tra của Albany Herald vào năm 2013, một số nhóm Ku Klux Klan ở Georgia yêu cầu các thành viên phải sử dụng cờ Betsy Ross trong các buổi họp nghi lễ, nếu không có cờ Miền Nam.
Cung Đô biên dịch
Nguồn: “Is the Betsy Ross Flag Racist? Meaning, History and Symbolism Behind U.S.A.'s 13-Star Flag” được đăng trên trang newsweek.com.
Gửi ý kiến của bạn