Trong những năm gần đây, một số viên chức bầu cử địa phương đã từ chối chứng nhận kết quả bầu cử. Tiểu bang Georgia đã ban hành các quy định mới, cho phép viên chức bầu cử tiến hành điều tra kết quả trước khi chứng nhận. Điều này làm dấy lên nhiều lo ngại rằng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, các viên chức bầu cử có thể rắp tăm từ chối chứng nhận kết quả ở các địa phương, để làm ảnh hưởng kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử.
Mặc dù các tiểu bang có thể có tên gọi hoặc quy trình khác nhau, nhưng việc chứng nhận kết quả bầu cử thường diễn ra như sau: Vào đêm bầu cử, sau khi các khu vực bỏ phiếu địa phương đóng cửa, nhân viên bầu cử ở đó sẽ kiểm đếm phiếu; khi đã kiểm đếm xong, họ phải chứng nhận hoặc đảm bảo rằng kết quả kiểm đếm là chính xác. Sau đó, các kết quả này sẽ được gửi lên cấp quận để tổng hợp.
Trong khoảng vài ngày, hội đồng bầu cử của quận sẽ tập hợp kết quả từ tất cả các khu vực bầu cử trong quận, tính toán và chứng nhận kết quả của quận. Sau đó, những kết quả này được gửi lên hội đồng bầu cử của tiểu bang, cơ quan này tổng hợp kết quả từ tất cả các quận và chứng nhận người chiến thắng ở bang đó. Tiếp theo, Thống đốc sẽ ký vào giấy chứng nhận bầu cử cho các ứng viên chiến thắng.
Không một mánh khóe nào có thể giúp ai đó thao túng hay gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Hệ thống bầu cử của chúng ta được thiết kế với nhiều biện pháp bảo vệ để đảm bảo phiếu bầu được kiểm đếm chính xác, và kết quả bầu cử được chứng nhận đúng thời hạn, đúng quy trình.
Chỉ là những phép toán đơn giản
Chứng nhận kết quả bầu cử là một nhiệm vụ khá đơn giản. Trong pháp luật, nhiệm vụ này thường được gọi là “ministerial obligation” (có thể tạm hiểu là “nghĩa vụ hành chính,” chỉ việc thực hiện các công việc, nhiệm vụ theo đúng quy trình và quy định, không phải dựa trên ý kiến cá nhân hay sự lựa chọn riêng), có nghĩa là các viên chức bầu cử không có quyền quyết định hay thay đổi kết quả mà chỉ cần thực hiện đúng quy trình. Nói cách khác, nhiệm vụ này chính là kiểm tra xem tất cả các khu vực bầu cử đã gửi kết quả đầy đủ hay chưa, và họ kiểm đếm, tính toán kết quả đó có chính xác hay không. Tuy có vẻ đơn giản nhưng công việc này lại rất quan trọng, vì đây là bước quyết định ai là người chiến thắng trong cuộc bầu cử, dựa trên số phiếu bầu nhận được.
Trước đây, các viên chức bầu cử thường thực hiện nhiệm vụ này một cách bình thường, không thu hút nhiều sự chú ý. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một số viên chức đã đặt nghi vấn về kết quả bầu cử, chẳng hạn như nghi ngờ máy móc kiểm đếm phiếu có lỗi lầm gì không, hoặc muốn điều tra thêm các khía cạnh khác của cuộc bầu cử. Dù vậy, trong giai đoạn chứng nhận kết quả, các viên chức bầu cử không có thẩm quyền tiến hành những cuộc điều tra này.
Nếu có nghi vấn là đã xảy ra vấn đề nghiêm trọng liên quan đến cuộc bầu cử, quyền điều tra thuộc về các cơ quan khác chứ không phải các viên chức trong giai đoạn chứng nhận kết quả. Các viên chức thuộc cơ quan khác sẽ kiểm tra chữ ký trên các phiếu bầu gửi qua thư, hoặc điều chỉnh các máy đếm phiếu thật kỹ lưỡng trước ngày bầu cử, và quá trình này thường được công khai.
Trong trường hợp ứng viên thua cuộc cảm thấy kết quả bầu cử không công bằng, họ có thể đệ đơn khiếu nại lên tòa án để phản đối kết quả. Khi đó, tòa án sẽ xem xét bằng chứng và giải quyết tranh chấp. Còn việc chứng nhận kết quả bầu cử chỉ là một nhiệm vụ đơn giản mang tính hành chính, hoàn toàn không phụ thuộc vào quan điểm cá nhân hay sự phán xét của bất kỳ ai.
Tòa án có thể can thiệp
Nếu một viên chức hoặc hội đồng bầu cử từ chối chứng nhận kết quả bầu cử, thì cũng chẳng câu kéo được bao lâu. Trong những năm qua, cũng có một số viên chức bầu cử không chịu chứng nhận kết quả, và họ đã thấm thía hậu quả của việc không hoàn thành trách nhiệm của mình – nhẹ thì bị cách chức, nặng thì bị truy tố hình sự. Vì vậy, hầu hết các vị ấy đều “suy nghĩ lại” và rồi cũng chịu chứng nhận kết quả. Hơn nữa, các tiểu bang đều có luật hẳn hoi, quy định về thời hạn phải hoàn thành việc chứng nhận kết quả bầu cử, nên dù có xảy ra trường hợp chậm trễ thì cũng phải được giải quyết cho kịp thời hạn quy định.
Nếu các viên chức bầu cử vẫn cố chấp không hoàn thành công việc, họ có thể bị kiện ra tòa. Bộ trưởng Nội vụ Tiểu bang có thể khởi kiện để buộc các viên chức này hoàn thành nhiệm vụ của mình. Hoặc nếu một ứng viên chiến thắng mà không được cấp giấy chứng nhận bầu cử, họ cũng có quyền khởi kiện để đòi giấy chứng nhận.
Thí dụ, vào năm 2022, sau khi hội đồng bầu cử ở Quận Otero, New Mexico, từ chối chứng nhận kết quả bầu cử, Bộ trưởng Nội vụ Tiểu bang đã đệ đơn kiện lên Tòa án cao nhất của New Mexico. Chỉ trong một ngày, tòa án đã ra lệnh cho hội đồng bầu cử Quận Otero phải chứng nhận kết quả bầu cử ở khu vực của mình. Cuối cùng, hội đồng đã tuân theo phán quyết của tòa và hoàn thành việc chứng nhận.
Tuy nhiên, các cuộc bầu cử này không phải là bầu cử tổng thống, và tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 đến gần. Câu hỏi đặt ra là, nếu sắp tới các viên chức bầu cử từ chối chứng nhận kết quả – và tệ hơn nữa, họ vẫn bất tuân dù tòa án có ra lệnh yêu cầu – thì điều gì sẽ xảy ra?
Đừng lo, hệ thống pháp lý của chúng ta cũng đã chuẩn bị sẵn cho tình huống này.
Nếu có vị viên chức bầu cử nào đó từ chối không tuân theo lệnh của tòa án, tòa có thể chỉ định một người khác thực hiện nhiệm vụ đó, và lệnh này có hiệu lực pháp lý tương tự (kết quả của công việc sẽ được công nhận hợp pháp). Như vậy, tòa án có thể giải quyết sự việc nhanh chóng và hiệu quả, đảm bảo rằng kết quả bầu cử được chứng nhận đúng hạn.
Nếu quý vị vẫn còn thấy lo lắng về cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, chúng ta vẫn còn có nhiều biện pháp bảo vệ khác nữa. Năm 2022, Quốc hội đã thông qua Đạo luật cải cách kiểm đếm phiếu đại cử tri (Electoral Count Reform Act, ECRA), làm rõ các quy định liên quan đến việc chứng nhận kết quả bầu cử tổng thống và việc kiểm đếm phiếu đại cử tri tại Quốc hội.
Theo đạo luật ECRA, các viên chức tiểu bang phải hoàn tất việc chứng nhận kết quả bầu cử trước “ngày thứ Tư trong tuần lễ thứ hai của tháng 12,” tức là ngày 11 tháng 12 năm nay. Nếu có viên chức bầu cử cố ý trì hoãn, tòa án có thể can thiệp để đảm bảo họ tuân thủ đúng hạn mà luật liên bang đặt ra.
Trong trường hợp các viên chức không hoàn thành việc chứng nhận đúng hạn, ECRA cũng dự liệu trước là có thể sẽ cần đến sự can thiệp của tòa án. Khi đó, Quốc hội sẽ công nhận mọi chứng nhận kết quả bầu cử được tòa án ban hành, ngay cả khi chứng nhận kết quả bầu cử được thực hiện sau ngày 11/12.
Trung thực và tôn trọng
Tóm lại, hệ thống pháp lý đã được thiết lập để ứng phó với những tình huống mà các viên chức bầu cử trì hoãn hoặc từ chối chứng nhận kết quả. Luật pháp đã chuẩn bị sẵn các biện pháp để đảm bảo rằng không một cá nhân hay một nhóm viên chức nào có thể phá hoại, cản trở cuộc bầu cử.
Tuy nhiên, việc từ chối chứng nhận kết quả bầu cử vẫn có thể gây ra một số hậu quả. Hoang mang và mâu thuẫn sẽ nảy sinh trong công chúng, khiến mọi người không còn tin tưởng vào quy trình bầu cử. Và nếu không có lý do chính đáng để tranh cãi về kết quả bầu cử, việc có viên chức nào đó từ chối chứng nhận sẽ gieo vào lòng mọi người những ngờ vực về kết quả của cuộc bầu cử đó.
Không thể xem nhẹ những mối lo ngại về mặt chính trị và các vấn đề có thể phát sinh trong thực tiễn, và điều quan trọng là tất cả mọi người tham gia quá trình bầu cử - cả công chúng và viên chức bầu cử - đều phải trung thực và tôn trọng các quy định pháp luật để đảm bảo kết quả bầu cử được minh bạch và công bằng.
Nhưng dù có phát sinh những tranh cãi hay ý kiến trái chiều về quy trình bầu cử, cũng sẽ không thể thay đổi kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử, ứng viên chiến thắng vẫn sẽ được công nhận một cách đường đường chính chính.
Nguyên Hòa biên dịch
Nguồn: “No, local election officials can’t block certification of results – there are plenty of legal safeguards” được đăng trên trang TheConversation.com.
Gửi ý kiến của bạn