Dù bên ngoài trời khá nóng, nhiều nhân viên văn phòng, đặc biệt là các chị các cô, vẫn phải mặc áo len và khoác áo khoác, trùm kín mít mà nhiều khi vẫn bị sụt sịt – vì trong văn phòng làm việc mở máy lạnh quá lạnh. Hiện tượng này được gọi là “women’s winter” (xin được tạm dịch là “mùa đông của các nàng”)
Mặc dù có thể bắt gặp rất nhiều clip hài hước về hiện tượng này trên TikTok, nhưng vấn đề này lại không phải chuyện đùa. Thomas Chang, một kinh tế gia tại Đại học University of Southern California, cho biết: “Nếu không thoải mái, con người không thể làm việc hiệu quả. Điều này nghe có vẻ hiển nhiên không cần phải nói, nhưng đó là kết quả thật sự từ một nghiên cứu hẳn hoi.”
Nghiên cứu của Chang và các cộng sự cho thấy, thông thường thì phụ nữ có khuynh hướng cảm thấy thoải mái nhất ở nhiệt độ ấm áp hơn so với nam giới. Và không chỉ trong văn phòng. Dù là ngoài trời hay trong nhà, lúc ở nhà hay khi đi làm, các nàng đều dễ bị lạnh.
Một phần lý do là sự khác biệt về trang phục, mặc áo vest sẽ ấm hơn so với mặc váy mùa hè và mang giày xăng-đan. Một lý do khác nữa là phụ nữ đốt ít năng lượng calo hơn khi nghỉ ngơi, tạo ra ít nhiệt hơn. Tuy nhiên, một nghiên cứu trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences chỉ ra rằng, đối với khả năng chịu lạnh của một người, các yếu tố về kích thước và tỷ lệ các thành phần trong cơ thể quan trọng hơn yếu tố về giới tính. Vậy khi nói đến khả năng chịu lạnh có giỏi hay không, khoa học sẽ xem xét những gì?
Tỷ lệ chuyển hóa các chất dinh dưỡng có liên quan thế nào đến nhiệt độ cơ thể?
Tỷ lệ chuyển hóa các chất dinh dưỡng (metabolic rate) là tốc độ mà cơ thể đốt năng lượng để duy trì các chức năng cơ bản và mức nhiệt độ của cơ thể.
Con người, cũng giống như các loài động vật máu nóng khác, tiêu hao khá nhiều năng lượng để giữ cho nhiệt độ cơ thể ở mức đủ ấm. Nhiều loài thay đổi để thích nghi với các môi trường nhiệt độ khắc nghiệt, chẳng hạn như trở thành loài sống về đêm để tránh cái nóng của sa mạc, hoặc tiến hóa mọc ra một lớp lông dày để sống sót qua mùa đông lạnh giá.
Nhưng mỗi người đều có sự khác biệt về chiều cao và hình dáng cơ thể, nên tỷ lệ chuyển hóa các chất dinh dưỡng ở mỗi người đều không giống nhau, thành ra sự cảm nhận về cái lạnh của chúng ta cũng khác nhau. Có những người cảm thấy thoải mái khi mặc quần short và mang dép giữa mùa đông. Ngược lại, có những người luôn cảm thấy lạnh lẽo nếu không mặc áo khoác hoặc mang vớ.
Người có nhiều bắp thịt và cơ thể to lớn hơn thường đốt cháy nhiều calo hơn so với những người nhỏ con. Mỡ trong cơ thể hoạt động như một lớp cách nhiệt, giúp giữ nhiệt độ bên trong cơ thể không bị thất thoát ra ngoài. Thí dụ như hải cẩu và gấu Bắc Cực có lớp mỡ dày để giữ ấm trong môi trường lạnh giá. Tuy nhiên, mỡ cũng có thể ngăn cản nhiệt lượng từ trung tâm cơ thể truyền đến các phần xa hơn như tay và chân, khiến các bộ phận này dễ bị lạnh. Kết quả là, sự cảm nhận về nhiệt độ sẽ khác nhau giữa hai giới, Boris Kingma, khoa học gia tại Viện Institute of Applied Technology ở Hà Lan, giải thích. Nhưng ông cũng cảnh báo rằng vấn đề không đơn giản chỉ là “phụ nữ thường chịu lạnh không bằng đàn ông.”
Theo Kingma, mức nhiệt độ ưa thích có thể khác nhau giữa nam và nữ, nhưng không chỉ phụ thuộc vào giới tính mà còn phụ thuộc vào mức độ vận động và trang phục. Sự khác biệt về nhiệt độ lý tưởng đối với giữa các nàng và các chàng là rất nhỏ và không đáng kể.
Nghiên cứu từ Cơ Quan Nghiên Cứu Sức Khỏe Quốc Gia (National Institutes of Health, NIH) cho thấy mức nhiệt độ lý tưởng của một người phụ thuộc vào sự kết hợp giữa tỷ lệ chuyển hóa các chất dinh dưỡng, diện tích bề mặt cơ thể và tỷ lệ mỡ trong cơ thể. Nếu hai người có tỷ lệ chuyển hóa các chất dinh dưỡng giống nhau, thì giới tính hay độ tuổi của họ không quan trọng; họ sẽ thích môi trường có mức nhiệt độ giống nhau.
Nhiệt độ ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?
Chang bắt đầu quan tâm đến mối liên quan giữa nhiệt độ và hiệu suất công việc khi ông phải làm việc trong một văn phòng quá nóng nực. Dù đã thử nhiều cách như mặc áo ngắn tay và uống cà phê đá hay thì cà phê nóng, ông vẫn không thể tập trung làm việc tốt vì quá nóng. Tất cả những gì Chang có thể nghĩ đến khi ngồi trong phòng làm việc là làm sao để bớt nóng đây.
Theo Kingma, cơ thể cần tiêu tốn nhiều năng lượng để điều chỉnh mức nhiệt độ: khi quá nóng, mạch máu ở các chi sẽ giãn ra và cơ thể sẽ phải đổ mồ hôi để làm mát; khi quá lạnh, các mạch máu co lại và cơ thể sẽ run rẩy để cố gắng giữ ấm. Cả hai quá trình này đều làm tiêu hao nhiều năng lượng của cơ thể.
Dù rằng những khi thấy lạnh, cơ thể sẽ run rẩy; nhưng cũng có một loại bệnh ảnh hưởng đến các mạch máu nhỏ ở ngón tay và ngón chân, khiến chúng co thắt và làm cho tay chân trở nên trắng bệch hoặc xanh lè ngay cả khi nhiệt độ không quá lạnh. Đó là bệnh Raynaud, chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ và người sống ở vùng có khí hậu lạnh, và có thể hồi phục khi cơ thể ấm lên, nhưng cũng gây ra nhiều khó chịu và phiền toái.
Dần dà, người ta cũng đã tìm ra nhiều cách để thích nghi và sống ở những nơi có khí hậu khắc nghiệt, từ các cách cơ bản như sử dụng lửa và lông động vật để giữ ấm cho đến công nghệ hiện đại như như phát minh ra vải có khả năng cách nhiệt và áo khoác có gắn pin để sưởi ấm. Kingma nói: “Khả năng thích nghi với môi trường nhờ phát triển công nghệ là lý do chính khiến con người có thể sống ở khắp mọi nơi trên thế giới.”
Nhiệt độ ảnh hưởng đến hiệu quả công việc như thế nào?
Chang và cộng sự viên Agne Kajackaite từ WZB Berlin Social Science Center ở Đức đã nghiên cứu ảnh hưởng của nhiệt độ đến hiệu quả học hành của các sinh viên Đức.
Họ phát hiện ra rằng nữ sinh viên làm các bài kiểm tra từ vựng và toán học trong môi trường ấm cúng tốt hơn, còn nam sinh viên thì sẽ thi cử tốt hơn trong môi trường mát mẻ. Dù sự khác biệt chỉ là vài phần trăm, nhưng điều này vẫn quan trọng vì tăng hiệu suất luôn là điều nhiều nhà quản lý mong muốn. Nhân viên thấy thoải mái thì mới làm việc tốt được.
Tuy nhiên, Stefano Schiavon, một kiến trúc sư và kỹ sư môi trường tại Đại học California, Berkeley, lại không hoàn toàn tin tưởng vào điều này. Ông đã tiến hành một phân tích tổng hợp các nghiên cứu về mối quan hệ giữa hiệu suất công việc và nhiệt độ, tổng hợp dữ liệu từ 35 nghiên cứu riêng biệt, trong đó có cả nghiên cứu của Chang. Khi xem xét tổng thể những dữ liệu này, Schiavon phát hiện rằng chỉ khi nhiệt độ quá khắc nghiệt thì hiệu quả lao động mới bị ảnh hưởng đáng kể, chứ không phải ở mức hơi nóng hoặc hơi lạnh hơn bình thường một chút.
Nhưng cuối cùng, giải pháp cho “mùa đông của các nàng” lại quá ư là đơn giản: chỉ cần cầm remote máy lạnh bấm tăng nhiệt độ lên là xong. Theo Schiavon, đây là một cách tiết kiệm điện và tiền điện, và ngày càng quan trọng để giúp làm giảm bớt tình trạng ấm lên của Trái đất (global warming). Điều chỉnh nhiệt độ máy lạnh vừa phải và cho phép nhân viên ăn mặc thoải mái sẽ vừa giúp tăng hiệu quả công việc, vừa giúp bảo vệ hành tinh.
“Chúng ta đang trả rất nhiều tiền điện để làm cho mọi người khổ sở,” Schiavon nói.
Cung Đô biên dịch
Nguồn: “Are women really more sensitive to cold? Here’s what the science says.” được đăng trên trang Nationalgeographic.com.
Gửi ý kiến của bạn