Hôm nay,  

Ở Một Không Gian Khác

09/06/202422:58:00(Xem: 1473)
 
Căn nhà cũ. Chắc cũng gần năm chục tuổi. Sát bìa một khu rừng, trong một thị trấn lưa thưa bóng người.  Chủ nhà đăng bảng bán biết bao lâu nhưng chẳng ai mua. Lúc ấy tôi đang có việc làm, lại thích cái tĩnh lặng huyền bí của khu rừng phía sau nhà nên đồng ý mua ngay.

Thị trấn ấy vô cùng nhỏ bé. Một con đường chính viền hàng cây phong với vài ba ngã tư đèn xanh đèn đỏ. Từ đó mọc lan ra những con đường nhỏ, quanh co vào những khu xóm thưa người. Vì vậy khu rừng sau nhà là nơi tôi lui tới thường xuyên. Một tấm bảng với hai chữ “Dead End” gắn trên cây cột gỗ chôn ở bìa rừng. Một lối mòn vắt trên cỏ dại, bò quanh co giữa những tàng cây cao và bụi rậm với dây leo chằng chịt. Tôi thường mò mẫm một mình trên lối mòn ấy cho đến khi đám dây leo vắt ngang, chặn mất lối đi và cỏ dại xóa hết lối mòn. Dọc lối mòn quanh co ấy, thỉnh thoảng có một tảng đá nằm trơ trọi giữa cỏ cây rậm rạp, như thể ai đó đặt sẵn chỗ nghỉ chân cho những kẻ rong chơi. Và rải rác đó đây một loài hoa lạ. Loài hoa có bốn cánh mở ra vào ban mai và khép lại khi chiều xuống. Những bông hoa phảng phất mùi quế. Loài hoa lạ lùng dường như chỉ mọc trong cánh rừng ấy.

Ngày nào tôi cũng len lỏi vạch cành cây, vén khóm lá, dò dẫm lối mòn. Lũ chim ríu rít trên cành. Buổi sáng chúng líu lo đánh thức nhau, buổi trưa chúng đi kiếm ăn nên rừng hoang vắng lặng, chiều tối chúng túa về, hỏi han, kể lể cho nhau nghe đủ chuyện. Những con sóc tròn mắt nhìn tôi rồi leo nhanh lên thân cây, chuyền vội đến những cành cao. Thỉnh thoảng những con thỏ xám ngơ ngác sau bụi cỏ, nghe tiếng chân người, lủi nhanh xuống hang giấu sau khóm lá. Đôi khi có những con cáo màu nâu chạy băng ngang lối tôi đi.

Tôi còn làm bạn được với một chú mèo hoang. Con vật có vạt lông trắng ngang vai như chiếc khăn quàng khoác trên chiếc áo lông xù màu đen dày cộm. Tôi rủ rê nó về nhà. Nó đến nhưng không ở lâu. Chắc nó thích không khí tự do trong rừng.

Tôi thường lặn lội trong vùng xanh thẫm ấy. Vì công việc uyển chuyển nên giờ giấc dạo chơi cũng bất thường. Có khi vào sáng sớm khi nắng chưa lên và mảng sương mù còn vắt ngang những ngọn cây như chiếc khăn voan của một người con gái. Có khi vào giữa buổi trưa, lúc bên ngoài trời hong nắng nhưng trong lòng rừng, hơi lạnh mát rượi hai cánh tay trần. Có lúc tôi dạo buổi xế chiều khi nắng tắt bên ngoài và rừng hoang lờ mờ ánh sáng cuối ngày.
Một buổi chiều, từ lòng rừng hoang, trở ra lối mòn, tôi bắt gặp một cô gái. Cô đang đưa điện thoại chụp cái bảng có chữ “Ngõ Cụt” sát bên lối mòn. Cô tròn mắt nhìn tôi như bất chợt phát hiện người hành tinh dị dạng. Rồi cô hướng cái điện thoại về phía tôi, tiếp tục chụp hình hay quay phim tôi cũng không biết nữa. Tôi cười mà không biết mình cười với ống kính máy chụp hình trên điện thoại hay cười với cái người đang cầm máy trên tay.

Hạ cánh tay cầm điện thoại xuống, cô gái vuốt những sợi tóc vật vờ trước trán ra sau vai. Mắt cười. Và chiếc răng khểnh cũng cười, “Có gì trong đó vậy chú?”

Tôi ngẩn người ra. Cô gái nói tiếng Việt. Đã lâu tôi chẳng có dịp nói tiếng Việt với ai. Vì vậy tôi chết sững, chân chôn cứng trên bờ cỏ. Hơn một phút sau mới hoàn hồn. Trong khi đôi mắt màu hạt dẻ vẫn đăm đắm nhìn tôi.

Tôi bước ra khỏi bóng mát rừng cây, lúng túng, “Có… cây, lá, cành, gốc, rễ, dây leo... đủ thứ.”

“Không phải vậy,” cô gái cười khúc khích. “Quyên muốn hỏi là có gấu hay cọp beo gì không mà?”

Xưng tên ngay từ đầu. Tôi thích lối nói chuyện ấy. Gần gũi, thân thiện. Khỏi mất công dò hỏi. “Không có đâu,” tôi nói. Xoay qua, tôi chỉ chiếc xe đạp màu xanh nằm chỏng chơ trên cỏ, “Xe của Quyên?”

Cô gái nhanh nhảu gật đầu. Dòng tóc đen nhánh sau lưng giao động như dòng sông dậy sóng. 

“Sao lại bỏ nó xuống cỏ tội nghiệp vậy?”

“Lúc đầu Quyên dựa xe vào cái bảng này,” cô gái đưa tay chỉ cái cột có tấm bảng Ngõ Cụt, “Nhưng thấy cái bảng cũng hay hay nên bỏ xe xuống để chụp nó.”

Tôi lại hỏi, “Quyên, mà… cái gì… Quyên?”

Cô gái nheo mắt, cánh môi cong lên, giọng thì thầm của gió, “Tiểu Quyên.”

Thế là chúng tôi quen nhau. Cùng nói tiếng Việt. Cùng một quê nhà. Hai thứ ấy là vật bảo chứng cho sự yên tâm và tin cậy. Dù tới phút giây ấy chúng tôi vẫn là hai người hoàn toàn xa lạ.

Từ hôm ấy chúng tôi thường đi dạo với nhau trong khu rừng cạnh nhà. Tôi chờ ở góc đường. Tiểu Quyên đạp xe từ thị trấn đến đây, khóa xe vào cây cột có gắn bảng “Ngõ Cụt”, đeo chiếc túi nhỏ lên vai, rồi hai chúng tôi thong thả sóng đôi. Nghe tiếng chân mình xạc xào trên lá khô. Ngắm những con thỏ mắt đen thập thò ở cửa hang hay những con sóc đu đưa đầu cành cao nhún nhẩy. Ấy là những bạn bè thân thích của hai chúng tôi. Có một lần chúng tôi gặp một con nai. Con vật có hai con mắt hiền, thật hiền. Tôi vội lấy điện thoại ra để chụp hình, nhưng chưa kịp ghi lại cái nhìn ngơ ngác ấy, con vật đã lẩn ngay vào khóm lá.

“Chú nai có hai con mắt đẹp,” cô gái nói. Và đọc cái gì đó, nghe như những câu thơ. Mắt liếc, môi cười. Cái lẳng lơ lượn lờ trong gió. Và tiếng cười bằn bặt nét trẻ thơ.

“Thơ ai vậy?” Tôi hỏi, bởi tôi thích những câu thơ ấy.

“Quyên viết đó chú, lâu rồi,” cô gái nhanh nhảu.

Lẻ loi xứ người, làm bạn được với một thiếu nữ đồng hương, còn rất trẻ, có đôi mắt đẹp, nụ cười tươi, tóc xuôi vai, tính tình trẻ thơ, rành tiếng Việt và còn viết được những câu thơ - điều này thực sự hiếm hoi - tôi thấy mình ngả nghiêng trong hạnh phúc.

Khu rừng hoang cuối con đường ra thị trấn trở thành thế giới riêng của chúng tôi, thế giới ấy: hiền hòa, tĩnh lặng và thơm hương quế của loài hoa vàng bốn cánh. Với lũ chim rừng, với bầy thỏ non, với những con sóc nâu, với những con cáo vàng sậm, với chú mèo hoang khoác áo lông đen khăn quàng cổ trắng, và bây giờ có thêm một chú nai vàng. Thế giới chúng tôi là không gian của những câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

Thế giới ấy xoay chuyển bốn mùa. Những ngày mùa đông, sau một cơn bão tuyết, rủ nhau vào rừng lội tuyết, nhiều chỗ sâu tới đầu gối, nhùng nhằng níu kéo nhau. Tiếng cười trẻ thơ và hơi thở trắng đục sương mù. Đôi lúc đứng sựng lại, nhìn vào mắt nhau. Người này thèm đưa tay chạm nhẹ vào bông tuyết vướng trên cánh môi người kia. Rồi lúng túng quay đi. Bởi ngày ấy Tiểu Quyên mới chỉ là con bé mười sáu tuổi. Luật phát nơi này nghiêm minh. Tôi vẫn nhớ. Thành ra chỉ vu vơ chuyện trời nắng, trời mưa. Đôi khi có những chuyện trò đứt đoạn, dở dang trên lối mòn, buổi tối về nhà kể tiếp cho nhau nghe trên trang Facebook. Chúng tôi mê mải sống, chập chờn giữa ảo với thực, trong một không gian khác.

Trên lối mòn, chúng tôi thường đan những ngón tay nhau như sợ buông ra sẽ có một người đi lạc. Mỗi ngày chúng tôi vạch vách lá đi vào sâu hơn một chút giữa những thân cây sần sùi, những cành lá rậm rì đan chéo vào nhau, những rễ cây mọc ngoằn ngoèo trên mặt đất. Thỉnh thoảng, Tiểu Quyên ngừng lại, nhẹ nhàng vuốt ve những cánh hoa màu vàng thoảng mùi hương quế. Nơi những khoảng thưa lá giữa rừng, chúng tôi ngồi nghỉ trên cỏ hay trên tảng đá, lưng dựa vào nhau, mắt nhìn về hai phía để canh chừng thú dữ. Một lần Tiểu Quyên níu tôi lại bên gốc một cây phong già cỗi. Cô rút trong cái túi đeo vai ra một con dao nhỏ, tôi tròn mắt đứng nhìn. Tiểu Quyên hì hục đẩy mũi dao lên thân cây, vạch ra những mẫu tự. Tôi nghiêng đầu ngắm nghía. Khi Tiểu Quyên ngưng tay, tôi thấy hai mẫu tự hằn trên thân gỗ đỏ au, chữ đầu của tên tôi và chữ đầu tên của Tiểu Quyên. Dòng nhựa ứa ra ở vết khắc, như hai dòng nước mắt. Toan nói cho Tiểu Quyên nghe ý nghĩ ấy, nhưng tôi dừng lại kịp. Tôi không muốn nước mắt trào ra từ hai cái tên quen. Có khi Tiểu Quyên đem theo cuốn truyện, để đọc cho tôi nghe. Tiểu Quyên thường say mê câu chuyện về những nhân vật trong hai thế giới song song của khoa học giả tưởng.

“Có khi nào ở một chiều không gian khác cũng có một Tiểu Quyên khác và một ông chú khác đang ngồi đọc truyện cho nhau nghe như mình đang làm ở đây không nhỉ?” Tiểu Quyên nói nhỏ, như thể nói cho một mình mình nghe.

Nhưng tôi nghe được, và tôi thường không có câu trả lời, bởi những giây phút ấy, tôi là người đi lạc.

Một lần đi dạo kia, khi trở ra bìa rừng, chúng tôi phát hiện ra chiếc xe đạp của Tiểu Quyên không còn dựa cây cột có tấm bảng “Ngõ Cụt” nữa.

“Mất xe đạp rồi, chú ơi!” Tiếng kêu sửng sốt của đứa bé vừa hụt chân, vấp ngã.

Chúng tôi nhìn quanh. Rừng rậm sau lưng, con đường dẫn ra thị trấn ở trước mặt. Nhà tôi lẻ loi ở cuối đường. Xa một quãng nữa mới có thêm một căn nhà. Và một trạm ngừng cuối của xe bus. Không một bóng người.

Và nắng thì đã tắt trên những ngọn cây.

“Mình phải báo cảnh sát,” tôi nói. 

“Quyên nghĩ,” cô gái ngần ngừ. “Hay là khỏi, chú à. Bỏ qua đi.”

“Phải báo chứ.”

“Báo cảnh sát mất công lắm chú ơi. Lại phiền phức nữa.”

Tôi giải thích là chỗ này không bao giờ có nạn trộm cắp nên phải báo cảnh sát, không nên để chuyện trộm cắp lan tràn. Và tôi thêm chút hăm dọa như thêm gia vị vào câu nói, “Lỡ kẻ cắp dùng xe của Quyên đi gây tội ác, mình sẽ bị vạ lây.”

Chúng tôi đến đồn cảnh sát khai báo để họ làm biên bản. Và trở về, chờ kết quả cuộc điều tra.

Những ngày mùa thu nắng vàng óng ả như mật ong ấy, Tiểu Quyên đến bờ rừng bằng xe bus. Tôi ra đầu đường để đón. Dù vắng khách nhưng xe bus luôn đúng giờ. Tiểu Quyên thường ôm cuốn truyện vào rừng để đọc cho tôi nghe. Những cuốn truyện nước ngoài dịch ra tiếng Việt. Chúng tôi ngồi dựa lưng nhau, nhìn về hai phía, để lỡ có con gấu nào đi lạc thì mình nhìn thấy liền như Tiểu Quyên vẫn nhắc nhở. Cái lạnh gai gai đầu mùa thu loang trong không gian nhưng tôi nghe mình ấm áp.

Vài hôm sau, cảnh sát gọi lại báo tin đã tìm thấy xe đạp và bắt được tên trộm. Khi bị bắt, tên trộm khai thấy chiếc xe vô chủ ở khúc đường có treo bảng “Ngõ Cụt”. Chúng tôi đến đồn cảnh sát. Lúc bước lên bậc thềm nơi chốn lạnh băng và thiếu thân thiện ấy, Tiểu Quyên bất chợt níu lấy tay tôi.

Tên trộm là một đứa thiếu niên. Nó ngồi trên chiếc ghế kê sát góc cái văn phòng đầy những tủ sắt và trên tường treo lủng lẳng những chiếc còng số 8 bằng kim loại. Tôi không biết họ treo những chiếc còng ấy để dễ lấy khi cần sử dụng hay treo lên để trang trí và tạo cho căn phòng nét gì đó nghiêm trọng. Thằng nhỏ không bị còng tay bởi nó thuộc lứa tuổi vị thành niên. Và nó là học trò lớp sáu ngôi trường nhỏ bé trong trị trấn. Người cảnh sát trung niên có hàng râu mép màu nâu nói với chúng tôi như thế.

“Are you guys on honeymoon?” Thằng ăn trộm buột miệng hỏi và toét miệng cười. Rồi đưa tay vuốt mái tóc nâu bù xù, và nhìn sang người cảnh sát, cái mặt vẫn nhăn nhở nhưng cái miệng thì lẩm bẩm, “Tại thấy hai người cầm tay nhau.”

Nó nói những chữ hand in hand bằng giọng cố uốn cho ngọt ngào nghe nửa như châm biếm, nửa như tán thưởng. Tôi cho đó là câu tán thưởng và liếc nhìn Tiểu Quyên, bắt gặp đôi mắt chớp nhanh và màu mận chín loang trên đôi má.

“Nó khai là nó tưởng ai đem chiếc xe bỏ rác. Nó lấy về để đi giao báo,” người cảnh sát nói.

Tôi muốn nói với người cảnh sát rằng thằng ăn trộm nói dối, Tiểu Quyên khóa xe vào cây cột đàng hoàng. Thằng nhỏ mở được khóa nghĩa là nó cũng có “nghề”. Nhưng Tiểu Quyên đã mau miệng hỏi, “Giao báo à?”

“Giao báo quảng cáo,” ngồi trong xó kẹt, thằng nhỏ chõ miệng ra, nhanh nhảu tiếp lời.

Người  cảnh sát bảo chúng tôi ký vào tờ giấy nhận lại chiếc xe đạp. Tiểu Quyên nhìn thằng nhỏ, ngần ngừ, “Giao... nhiều báo không?”

“Hai trăm tờ,” thằng nhỏ liến thoáng. “Đi bộ giao báo lâu lắm, bị đi học trễ hoài.”

Không để ý đến tên trộm trẻ tuổi, người cảnh sát đẩy tờ giấy trên mặt bàn về phía chúng tôi, “Hai bạn ký vào đây để nhận xe lại.”

Tôi đưa tay về phía cây bút nằm lăn lóc trên mặt bàn. Tiểu Quyên nắm vội lấy cổ tay tôi. Tôi sựng lại, ngước nhìn Tiểu Quyên. Con mắt đẹp lại làm tim tôi lỡ nhịp.

“Khỏi, chú à,” Tiểu Quyên vừa nói vừa lắc đầu. “Khỏi lấy xe đạp lại.”

Và cô xoay qua nhìn thằng bé ăn trộm, “You can keep it.”

Trên đường về, tôi thắc mắc sao Tiểu Quyên không nhận lại chiếc xe đạp của mình. Chiếc xe đạp xanh màu đọt chuối, cái màu Tiểu Quyên yêu thích.
“Nó cần xe để đi giao báo.” Tiểu Quyên nói, bóp nhẹ ngón tay tôi. Tôi đã nhận ra thói quen của Tiểu Quyên, hay bóp nhẹ những ngón tay tôi khi cần quyết đoán một điều gì.

“Quyên cũng cần xe để...” Tôi ngập ngừng. Không biết nên nói Tiểu Quyên cần xe để đi học hay đi làm vì chưa bao giờ cô kể về mình cho tôi nghe, ngoài cái lần khoe hình chiếc bánh sinh nhật hôm tròn mười sáu tuổi, mà tôi thì không bao giờ tọc mạch về những chuyện riêng tư của người khác, dù “người khác” ấy rất gần gũi với tôi.

Tiểu Quyên ngước nhìn những cụm mây trắng nõn trên cái nền biếc xanh của bầu trời, “Vào rừng chơi với chú, Quyên đi xe bus cũng được.” Rồi Tiểu Quyên mỉm cười, “Thằng nhỏ đó cần chiếc xe đạp hơn Quyên, chú à.”

Có điều gì đó lấp lánh trong trái tim Tiểu Quyên làm tôi ngỡ ngàng. Lòng nhân ái, phải vậy không? Cô gái này thật đáng yêu. Tiếc là cô chỉ mới tròn mười sáu tuổi! Tôi nhìn cô, liếc vội chồi ngực vừa mới vun đầy nếp áo. Ý nghĩ gian manh lấp ló trong hang động. Xua vội cái ý nghĩ gian manh ấy ra khỏi đầu óc, tôi nhì nhằng, “Nó ăn trộm, mình cho nó, mai mốt nó quen tật...”

“Thôi kệ, cho nó đi, với lại...” Tiểu Quyên ngập ngừng. Nụ cười nở ra trên cánh môi.

“Với lại gì?”

“Với lại nó hỏi mình…” Tiểu Quyên ríu rít, giọng trẻ thơ. “Nó hỏi có phải mình đang on honeymoon không, chú không nhớ sao?”

Đầu óc tôi vẩn đục ngay từ giây phút ấy.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Vốn là một quân nhân, sau khi triệt thoái từ miền Trung về Saigon, tôi được bổ xung cho một đơn vị pháo binh đang hành quân ở vùng Củ Chi, Tỉnh Tây Ninh, yểm trợ sư đoàn 25 Bộ BinhB. Khoảng ba tuần trước khi mất nước tôi bị thương ở chân. Nằm trong quân y viện Tây Ninh vài ngày, bác sĩ cho về nhà dưỡng thương một tháng ở Saigon.
Ngày xưa, thông thường, chồng của cô giáo được gọi là thầy, cũng như vợ của thầy giáo được gọi là cô. Cho dù người chồng hoặc vợ không làm việc trong ngành giáo dục. Nhưng trường hợp cô giáo tôi, cô Đỗ Thị Nghiên, trường Nữ Tiểu Học Quảng Ngãi thì khác. Chồng của cô, thầy Nguyễn Cao Can, là giáo sư dạy trường Nữ Trung Học Quảng Ngãi. Cô Đỗ Thị Nghiên dạy lớp Bốn, trường Nữ Tiểu Học. Trong mắt nhìn của tôi, của con bé mười tuổi thuở ấy, cô Nghiên là một cô giáo rất đặc biệt. Cô nói giọng bắc, giọng nói trầm bổng, du dương. Tóc cô ngắn, ôm tròn khuôn mặt. Da cô trắng nõn nà. Có lần ngoài giờ học, trên đường phố của thị xã Quảng Ngãi, tôi thấy hai vợ chồng thầy Can, cô Nghiên đèo nhau trên xe gắn máy. Cô mặc jupe, mang kính mát, ngồi một bên, tréo chân, khép nép dựa vai thầy. Ấn tượng để lại trong trí của con bé tiểu học là hình ảnh của đôi vợ chồng sang trọng, thanh lịch, tân thời, cùng mang thiên chức cao cả: dạy dỗ lũ trẻ con nên người.
Tháng Tư này tròn 50 năm biến cố tang thương của miền Nam Việt Nam, những người Việt hải ngoại, đời họ và thế hệ con cháu đã trưởng thành và thành công trên xứ người về mọi mặt học vấn cũng như công ăn việc làm. Họ đang hưởng đời sống ấm no tự do hạnh phúc đúng nghĩa không cần ai phải tuyên truyền nhồi sọ. Nhưng trong lòng họ vẫn còn bao nhiêu kỷ niệm thân thương nơi chốn quê nhà.
Có một buổi trưa, hai đứa đang thưởng thức bò bía, đậu đỏ bánh lọt ở chùa Xá Lợi, góc Bà Huyện Thanh Quan và Ngô Thời Nhiệm (?), thì gặp một "cái bang". Đầu đội khăn rằn, đeo mắt kiếng cận nặng, cổ quấn vài ba chiếc khăn đủ màu và ông còn dẫn theo hai con chó, vừa đi vừa múa tay múa chân như người say rượu. Chừng như ông không cần thấy ai, chung quanh chỉ có ông và hai con chó. Người đàn ông "cái bang" đó là nhà thơ, nhà văn, nhà biên khảo nổi tiếng của Việt Nam: Bùi Giáng. Hai con chó vừa đi vừa sủa vang, khiến một số nữ sinh Gia Long đang đứng quanh xe bò bía, vội vã chạy né qua bên kia đường. T
Một ngày nọ, ngài gặp một bà mẹ, bà ôm một đứa con vừa mất vừa đi vừa khóc lóc thảm thiết, ai cũng mũi lòng thương, thông cảm vì mất con là nỗi đau khổ nhứt trong cuộc đời… người ta mách bảo là bà nên gặp Sa Môn Cồ Đàm, bà sung sướng bế con đã mất đi ngay và gặp phật, xin phật dùng phép thần thông cứu sống con bà. Xung quanh phật, các tì kheo đang ngồi cầu nguyện cho chúng sanh được giải thoát và cũng cầu nguyện cho các chúng sanh còn tại thế sẽ may mắn mà gặp được giáo pháp của Như Lai. Rồi người mẹ đau khổ cũng được gặp phật.
Cuối tháng Ba, những cơn gió nóng tràn về thành phố. Một hai trận mưa lạc loài đến sớm rồi thôi. Không khí ngột ngạt. Mùi đất nồng khó chịu. Như một cô gái uể oải trong cơn bệnh, thành phố trông mệt mỏi, rạc rời. Đoan đi vào Câu lạc bộ của trường. Bình thường, cứ đến thứ Sáu là không khí chuẩn bị cho chiều văn nghệ thứ Bảy lại nhộn nhịp. Nhưng hôm nay, như có một cái gì kéo mọi thứ chùng xuống. Chị Thuận, người phụ trách Câu lạc bộ, mỉm cười khi thấy Đoan, nhưng là một nụ cười kém tươi. Chị vẫn câu chào hỏi thường lệ: “Em uống gì không?” “Dạ, chị cho em nước chanh.” Chị Thuận pha ly nước chanh đặc biệt, nóng, ít đường, mang đến để trước mặt Đoan, và kéo ghế ngồi xuống bên Đoan. Hình như không có gì để bắt chuyện, chị Thuận nhìn ra sân, nói nhỏ:
Tôi khép cánh cửa phòng ngủ, rón rén bước ra, sợ gây tiếng động làm thằng cháu nội lại giật mình thức giấc; thằng bé đã mười tháng tuổi, biết làm đủ thứ trò như con khỉ con, chiếc mũi bé xíu của nó chun lại, đôi môi dầy cong lên, mỗi khi bà nội bảo nó làm xấu, thật dễ thương, canh nó hơi mệt vì phải chơi cho nó đừng chán, lèo nhèo, nhưng chơi nhiều thì sức bà nội có hạn, làm sao chạy theo nó cả ngày được!
Những cái mặt hướng về phía trước. Những cái đầu hơi cúi, những cái lưng hơi còng có lẽ bởi sức nặng của chiếc ba lô đeo sau lưng, hay tại - nói một cách màu mè, văn vẻ, đầy giả dối là - gánh nặng của đời sống. Trước mặt tối đen. Bên phải là những cánh cửa cuộn bằng tôn đóng kín. Những cánh cửa lạnh lùng, vô cảm; lầm lì từ khước, âm thầm xua đuổi. Dưới chân là nền xi măng. Cứng và lạnh. Không thể là nơi tạm dừng chân, nghỉ mệt. Sâu vào phía sát vách là nền lót những viên gạch vuông. Không một cọng rác. Không một bóng chó hoang, mèo lạc. Không cả những hình hài vô gia cư bó gối vẩn vơ nhìn nhân gian qua lại.
Đức hạnh cao quý thể hiện thành tâm vô phân biệt. Tâm vô phân biệt tạo thành một sự bình đẳng tuyệt đối trong giáo pháp của đức phật. Giáo pháp thâm sâu vi diệu của Như Lai thì không phải ai cũng hiểu hết, cũng ngộ được điều đó đa phần các vị đại trí thấu đạt. Còn lòng từ bi của phật thì lan tỏa vô phân biệt như ánh sáng mặt trời soi sáng khắp nơi nơi, như mưa rơi tắm mát đại ngàn. Những lời giảng dậy trên đây được dẫn chứng nhiều và rõ nhứt là ở phật giáo Tây Tạng.
Anh Hai của tôi, sau chuyến vượt biên thất bại, bị giam ở nhà tù Bình Đại Bến Tre chín tháng, khi trở lại trường Phan Thanh Giản, Cần Thơ mới biết đã bị cắt hộ khẩu, mất việc làm, bèn quay về Sài Gòn sống tạm với gia đình, chờ cơ hội vượt biên tiếp theo. Một hôm, anh bị cơn sốt rét tái phát hành hạ, (hậu quả của những ngày trong trại giam), cần phải đến bệnh viện chữa trị, nhưng hộ khẩu không có, anh bèn mượn cái Sổ Sức Khỏe của thằng cháu (con bà chị họ ở kế bên nhà), để đi khám bệnh
Năm đó, tôi qua Arlington,Texas thăm gia đình, rồi ghé Dallas thăm người hàng xóm cũ thân thiết từ khi còn ở Việt Nam . Chú Thím ấy đónvợ chồng tôi nồng hậu như mọi khi, bữa ăn đặc sản món Huế như tôi yêu cầu, sau đó kéo nhau ra phòng khách ăn bánh uống trà . Rồi Thím gọi cháu ngoại: - Thiên Ân ơi, ra đây ca hát cho hai bác Canada nghe đi con.-Cô bé hai, ba tuổi tung tăng ngoan ngoãn khoanh tay chào chúng tôi, rồi bạo dạn chạy ra giữa phòng, tay giả bộ cầm micro phone, rồi nhún nhảy tự nhiên hát một bài hát Tiếng Việt thật rõ ràng .
Ngày xưa rất xa xưa, ở vùng quê thôn dã, người dân sống giản dị, đơn sơ, mộc mạc; người ta trồng tỉa những vườn rau cải, vườn ngô, vườn cà… lấy hoa lợi để sống. Thường thường có chim chóc kiếm ăn đến phá phách, dãi dãi, mổ mổ những hạt mới ươm trồng hay những nụ hoa mới ra, chúng ăn, với con người trồng tỉa lấy hoa lợi là chúng nghịch ngợm và phá hoại, ăn khín. Mới đầu chúng đến một vài con, sau rủ nhau đến nhiều hơn, cả nhà cả đàn chim chóc… và người gia chủ trồng tỉa phải tìm cách bảo vệ hoa màu của họ, nguồn sống của họ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.