Tùy bút
Ngày còn nhỏ thích xa nhà
Đi đâu cũng được miễn là được đi.
Lang thang mây chẳng định kỳ,
Có chân không bước ích gì chân ơi
Bây giờ mỏi bước đường đời
Đi đâu cũng chỉ nhớ trời một phương
Cánh hoa gạo đỏ bên đường
Nhớ nhà rưng rức hồn nương mây về…
Đọc thơ “nhớ nhà” của Nguyễn Thị Vinh càng thêm nhớ! Ai cũng bảo rằng mùa xuân làm ấm lòng người, nhưng chưa chắc gì. Mùa xuân đó là mùa xuân ở bên ấy, bên Việt Nam họa chăng có ấm lòng, chứ mùa xuân rơi vào tiết mùa đông lạnh lẽo bên trời tây này lạnh vô cùng. Tết ta rơi vào khoảng cuối tháng giêng đầu tháng hai dương lịch, là giữa mùa lạnh, trời xám và không gian có lúc muốn đặc quánh lại. Bước ra khỏi nhà đi làm, tôi ngại cái ngại ngùng dâng thêm khi hơi thở thoát ra khỏi miệng mũi biến thành khói. Cái khăn quàng len dầy, rộng và ấm vẫn không cản nổi hơi lạnh lất phất tạt vào mặt. Tôi đợi xe bus, chỉ năm phút nữa xe đến, tôi sẽ được ung dung ngồi trên nệm xe êm ấm mặc tình ngó ra đường. Qua cửa kính là hàng cây trơ trụi lá, là những bộ hành khoác áo lạnh co ro. Tôi sung sướng ngó ra ngoài không gian mênh mang, không gian như còn ngái ngủ, giấc ngủ đông hàn, thời gian này tôi hoàn toàn được nghỉ ngơi, chân tay không múa may để muốn làm một công việc gì. Xe ngừng. Đèn đỏ. Một con chim se sẻ còn lạc lõng bên bãi cỏ úa bay vút lên. Một cụ già tây khoác áo bành tô đi chậm chậm sang đường, tay chân run run và lưng còng xuống dưới sức nặng thời gian. Tôi chợt nghĩ tới mẹ già ở xa, bên nhà. Mẹ tôi chưa già đến nỗi lụ khụ nhưng đã bước vào tuổi già lâu rồi, tuổi 78, 80, là tuổi thập thò miệng lỗ của người Việt Nam. Mới đây mà tôi xa mẹ tôi đã ba mươi năm. Tôi vẫn đinh ninh là ngày mẹ tôi ra đi, chẳng chắc gì tôi về kịp. Còn ngày tôi ra đi, mẹ tôi có viết cho tôi một lá thư dài mang theo đọc giữa đường, thì tôi chưa kịp đọc, lúc chộn rộn đã bị bọn hải tặc ăn cướp lấy đi cùng với gói hành lý, áo quần và chút lương khô. Chuyện này tôi không hề kể lại nên chẳng bao giờ mẹ tôi hay và người cứ đinh ninh là tôi luôn luôn có lá thư của người bên mình, để nương theo mà sống, sống như mẹ tôi căn dặn. Cứ lâu lâu viết thư sang, mẹ lại nhắc nhở: Con có nhớ làm theo những điều mẹ dặn, cái độ mẹ con chia tay đó không? để trấn an người, thư nào tôi cũng nói: Con luôn nghe lời mẹ dậy. Rồi tôi lại nao nao trong dạ, thì ra mình chỉ hứa hão hứa huyền, chứ có bao giờ biết mẹ dậy bảo ra sao đâu tôi cũng có lần trách cái bọn hải tặc, vô ý vô tứ, cướp cả cái thư mẹ tôi viết, nào ích lợi gì cho chúng đâu. Tôi cũng lẩn thẩn tự hỏi sao mẹ tôi không viết gọn gàng như Nhã Ca kể trong truyện ngắn của bà, thì hay hơn biết mấy, viết làm chi một lá thư dài lòng thòng, để rồi mất đi và tôi ân hận suốt cuộc đời, Nhã Ca đã kể truyện ngắn của bà như sau: Hai người yêu thương nhau chia tay, một người ở lại, một người vượt biên. Người ở lại viết cho người đi một tờ thư, để người ra đi mang theo lời nhắn nhủ thân tình. Ra tới giữa biển khơi, thập phần nguy hiểm, cũng sau ít ngày bị giông bão và cướp biển giập vùi, tinh thần sa sút. Người ra đi chợt vô tình thò tay vào túi áo, vô tình đụng phải mẩu giấy thì nhớ ra là thư của người yêu viết. Cô vội rút ra, tờ thơ chỉ vỏn vẹn có hai câu thơ láy theo Xuân Diệu: « Người đi một nửa hồn tôi chết, Một nửa hồn kia đợi lãnh quà ».
Nhờ giọng điệu ý nhị đó, hoàn cảnh và tâm tư nàng bớt bi thảm phần nào. Sau đó thì nghịch cảnh có tới lui là do số mệnh.
Nhưng mẹ tôi nào phải thi sĩ hay văn sĩ. Bà chan chứa tình yêu, nhưng mộc mạc giản dị như tất cả các bà mẹ Việt Nam. Bà hỏi tôi chỗ ở người tây có dễ chịu không. Có đông đồng hương không. Cây cỏ có những thứ nào giống bên nhà không. Tôi đã nói với bà là ở đây có đủ thứ, không thiếu một món gì từ món ăn như rau muống, cà pháo, mắm thái tới áo quần, lụa, vải, gấm và các cửa tiệm may áo dài, khăn đóng, bánh hỏi, bánh cốm, bánh cuốn, giò chả. Bà cũng hỏi bên này có trồng được tre trúc, cây kiểng không. Cây gì cũng có, tre trúc thì rất nhiều, ở trong rừng Saint-Germain en Laye người ta trồng hàng hàng lớp lớp. Hiện giờ, thì ở đây, nơi tôi đang sống, đối diện với Saint-Germain en Laye bên bờ sông Marne, các tư gia trồng cây của xứ họ, cây magnolia khá cao lớn, cây glycine thì vắt vẻo… Thỉnh thoảng có xen kẽ một bụi trúc ngà xinh xắn. Cây trúc lúc đầu èo uột, bây giờ đã thích ứng mạnh mẽ và sinh sôi nẩy nở thành bụi lớn thành hàng rào bên xứ tây. Tôi gửi cho mẹ tôi một tấm ảnh chụp bụi trúc trong khuôn viên nhà thờ Chatou, mẹ tôi tấm tắc khen, cái loại tre trúc thât kỳ lạ, nó có thể hiện diện bất cứ chỗ nào trên trái đất, nó cũng vẫn hợp, thân thẳng cành lá thẳng lao xao trong gió, màu xanh cũng tươi mát, ngả màu vàng càng đẹp như lụa. Rồi mẹ tôi hỏi ở bên tây loại cây nào rất tiêu biểu và giữ địa vị thuần thục với đất nước như cây tre cây trúc ở Việt Nam. Tôi thưa với mẹ đó là cây dương, cây bạch dương. Người tây đi xa về tới, cứ thấp thoáng thấy các cây bạch dương ẩn hiện đong đưa vẫy gọi đằng kia là họ mừng lắm: Nhà đây rồi, tới nhà rồi!
Đường dẫn vào nhà chúng tôi, ở nơi này, thênh thang và có tọa lạc cả một hàng cây bạch dương, rất thoáng mát, rất tây, gió cứ lồng lộng từ dưới lên cao. Phải công nhận cây bạch dương đẹp nhất ở xứ này. Thân cây cao vun vút, cành cây mảnh mai cũng cao vun vút. Nom hùng dũng và giỏi chịu đựng hơn cả cây thông. Cây thông có loại buồn ủ rũ như đứng để tang ngàn đời. Bạch dương cao, thẳng, với cả vòm lá chĩa thẳng lên trời, ban đêm thì thầm tâm sự với trăng sao, ban ngày đối thoại cùng mây gió, nó có thể níu lại những đám mây bạc lởn vởn để tỏ tình âu yếm trên cao.
Cũng đáng tiếc, khi xưa, còn sinh tiền cụ Nguyễn Công Trứ, cụ đã không trông thấy cây bạch dương để làm thơ. Cây dương không lạnh lẽo, cây dương nồng nàn tình cảm như lòng mẹ yêu con. Khi phong ba nổi lên, lá cây múa loạn reo vui từng hồi như sung sướng vẫy tay rối rít. Gió mạnh hơn chỉ đủ làm cả khối cây nghiêng ngả trong chốc lát, rồi lại đứng thẳng thi gan với thiên nhiên và không hề phàn nàn nhân thế.
Tôi khoe với mẹ tôi về cây bạch dương, rồi một hôm kia may mắn thay, tôi có một tấm ảnh chụp sát bên rặng dương ở đầu ngõ dẫn vào xóm nhà tôi, bóng cây mùa hè như một cây chổi lau dựng ngược, hai mặt lá xanh và trắng thi nhau lấp lánh. Tôi gửi cho mẹ và viết ở mặt sau: « Chúng như thế đó, ngay lối cổng dẫn vào nhà chúng con, khi chúng con dọn vế đây, chúng mới được trồng. Đã mười năm qua đi, chúng bỗng thi nhau lớn vụt lên. Con yêu hàng cây bạch dương vì chúng rất gần gũi, mỗi khi chúng con làm về, chúng luôn sẵn sàng đón, 10 cây không bao giờ có một cây nào vắng mặt… »
Mẹ tôi thấy tôi quý chúng nên giả lả khen tíu tít: « Loại cây chi mà đẹp lạ lùng, mọc mạnh và tàn lá gọn gàng, lấp la lấp lánh đến hay. Nó cứng lắm hả? Phải khi xưa mẹ còn nuôi con heo nái mà bên mình có cái cây này, ta bẻ về vài cành, đuổi ruồi đuổi muỗi, treo đong đưa ở cửa chuồng heo thì tốt biết mấy ».
Đến mùa đông, gần tết ta, thì tôi nói cho mẹ hay là lá bạch dương đã rụng hết rồi, nó chỉ còn là những cành trơ trụi. Mẹ tôi xúc động mạnh khi nghe những cành cây trụi lủi, y những bộ xương khô. Tôi biết, vì người đã gửi cho tôi một tấm thiệp mừng Noël in hình rặng cây khẳng khiu mà nói rằng: « Cây mùa hè là bóng mát che chở, mùa đông là mẹ già cằn cỗi ngủ yên mà không chết con ạ… » Bà không trông thấy hàng cây nhưng bà vẫn có thể nói với tôi thật nhiều chuyện, y thể là những cây dương đó, rơi lả tả lá vào mùa thu, để rồi mọc lại vào mùa xuân là chính do tay bà trồng từ thuở nào, từ tiền kiếp. Ở nơi xa xăm đó, bà tưởng tượng như lúc nào cũng có hàng bạch dương ở gần, ngay tầm mắt và có tôi tươi cười ngả đầu tựa bên vòm lá xum xuê. Bà bảo là bà thấy chúng vô cùng đẹp vì chúng có diễm phúc sống gần một bên tôi, còn bà thì không. Tội nghiệp! Mẹ tôi chấp nhận sống xa lắc xa lơ các con.
Trong giấc ngủ êm đềm, tôi trở về nhà như mọi ngày, rõ ràng tôi thấy mẹ tôi đứng đợi bên hàng bạch dương, cây lá trắng và xanh lấp la lấp lánh, áo mẹ tôi vàng như nắng chiều và tóc mẹ tôi bới cao hơi bồng bềnh, một vài sợi lưa thưa rơi xuống vầng trán rộng. Mười cây bạch dương vẫn xếp hàng thẳng tắp, chúng đứng sẵn đó như bao giờ, đợi chờ, không thiếu một cây.
– Chúc Thanh
Mùa Xuân rất nhớ, Paris lập đông, Xuân Giáp Thìn
Gửi ý kiến của bạn