Nhà vẫn đơn côi bên bờ sông. Gió về mở hội từng đêm. Đom đóm về thắp đèn. Ánh sáng lập lòe dọi qua cánh màn mỏng ngả màu vàng như quả dưa gang. Mẹ Thời ngồi đó trông ra, chiếc quạt để đầu giường. Bà lấy tay xua xua những con muỗi.
Thằng Đắc đã viết gì về chưa con? Chưa mẹ ạ, có gì con sẽ báo. Mà mẹ cũng đừng nghĩ ngợi nữa, tuổi này ta sống thế này có phải vui không?
Sau tiếng vui, Thời huýt một đoạn sáo gợi lên những ca từ dí dỏm lắm trong một bài hát, tiếng sáo đi xa tận ngõ, nghe được cả tiếng cá đớp ở con lạch cạnh bờ sân chạy vào. Mẹ Thời thở mạnh một cái, nó buồn hay vui bà đâu biết.
Sau tiếng sáo vui, Thời ngồi lại cạnh gốc dừa tỏa bóng xuống dòng mương, lá nó xanh và dài, thân tròn và mập. Thời nhớ tóc Diệp cũng dài và xanh thế, Thời nhớ người Diệp cũng tròn và mập thế. Thời đã ôm, đã hít hà mùi tóc, đã lần qua làn áo để biết được hình dáng trái dừa non cong vênh đầy kiêu hãnh tuổi xuân thì đời dừa, khi từng dòng sữa trắng chảy ra ở rốn dừa non, mẹ Thời vẫn hái xuống, chặt vô, để chàng được thỏa thuê uống nhiều khi.
Diệp có mùi thơm của dừa non, cả người Diệp toát ra mùi thơm dừa non háo hức lắm.
Tiếng con cá quẫy vào đám lục bình tành tạch, một đụn dừa nước nào được đùn tới, từng đám lá khô chạy dọc trên những con sóng nhỏ xô vỗ vào bờ. Âm thanh đó gợi Thời nhắc đến tiếng sóng biển đánh oàm oạp ngoài khơi xa. Tiếng con tu hú cất lên vài đường lảnh lót. Thời nghĩ đó là tiếng còi tàu. Tim Thời thắt lên những nhịp nấc, môi Thời tím lại ở cái đoạn có có tiếng ca vui thoát ra ngoài bằng tiếng sáo: Này này cô em, ta yêu cuộc sống, em biết chăng em, hãy về cùng
ta, chung xây cuộc đời…
Mẹ Thời bảo, làm gì mà có nhiều khúc ca vui thế con. Bởi cả đời bà buồn, nên tiếng đàn của bà thường buồn lắm, cất lên những khúc thê lương ảo não, dội vào từng khúc sông mùa bão lũ. Bà dạy đàn cho Thời từ nhỏ. Lạ thay tiếng đàn cũng buồn, chưa khi nào vui cả: Chàng đi thiếp vẫn ở đây; bờ sông chẳng gió người hay chớ người…Nên bà chẳng tin có một tiếng ca vui trong tiếng sáo thằng con trai đã kịp lớn nhiều năm mà chưa bao giờ nghĩ chuyện hỏi vợ.
Thời ngồi và nhớ lại bàn tay mẹ đan trên những phím đàn nhỏ máu khi dạy con cách cầm phím và bấm dây ngày Thời chỉ vài tuổi. Khi đánh lên những khúc ca hình như người ta mong đời mình được cất cánh. Rồi bà dạy Thời hát. Chỉ có vẽ tranh là Thời học được từ ngày học Tổng hợp Văn, Thời hay lân la chơi với những anh chàng học trường Mĩ Thuật. Họ dạy Thời cách pha màu, cầm cọ, cách làm cho một đôi mắt rũ buồn hay sắc lên ma quái và ám ảnh. Thời đã vẽ đời sống bằng tất cả sự ma quái và ám ảnh đó. Khi bữa trước, mẹ Thời dặn, phòng tranh của con mục lên vì nước rồi đấy, đem hết chúng ra hong đi. Công việc đó bà vẫn làm thay con trong những ngày trời ấm hoặc mùa mưa. Chọn ngày nắng ráo, phơi cho cả nỗi buồn hay niềm hi vọng, thì niềm vui đó đâu phải chỉ của bà, khi những bức tranh đó phải nhờ đến họa sĩ Châu Âu thẩm định.
Trường phái tranh con bà khác biệt, hay tư duy anh khác biệt, hoặc óc nghệ thuật của anh vượt trội hơn giống loài nơi xứ sở này, hoặc là mĩ cảm nghệ thuật đó vốn có gen di truyền từ thời nào ở xứ sở văn minh mà bà quên hỏi chồng, anh thích vẽ không. Sau này nỗi buồn lớn nhất của bà là chưa kịp hỏi ông, anh có năng khiếu hội họa không, nhưng bà tin là có, chắc chắn là có, bởi đứa con bà có. Còn đàn ca thì khỏi bàn, ở góc độ nào đó, ông còn hơn bà. Chính ông dạy bà
violin và piano, ông dạy bà hát nhạc đồng quê, và những bài hát thịnh hành ở những thập niên đó.
violin và piano, ông dạy bà hát nhạc đồng quê, và những bài hát thịnh hành ở những thập niên đó.
Nhưng Thời chỉ thích nhạc dân gian và những bài hát dân ca. Từ nhỏ Thời thuộc về xứ sở này, những dòng sông, cánh cò, con thuyền, điệu đờn ca tài tử, mấy bài vọng cổ, bài chòi…, nên bà vẫn nghĩ con bà lý ra phải ở một thế giới khác rực rỡ sắc màu và những điều kỳ diệu để tài năng của anh được đánh giá. Nghĩ đến đây, anh lấy cây gậy chọc thằng xuống dòng nước đầy cho một bè lục bình trôi ra xa. Mùa nước lên, nước ngập vào gần sân nhà. Nhà bên sông, đom đóm vào mở hội, chúng bay rập rờn ở rặng râm bụt ngoài cổng, chúng đậu vào mấy bông trang, chúng sà xuống mái lá, rồi chúng vờn quanh chiếc võng anh nằm. Ngày xưa, Diệp thích ngắm bức tranh đêm đồng quê và đom đóm lắm. Diệp bảo anh, sau này có đi đâu mình vẫn muốn đem thứ này
theo. Diệp giống anh, con người của đồng quê và những điệu dân ca, khúc cá kho và bè lục bình trôi nổi. Diệp nhìn vào bầu trời đêm hít hà những khí ấm. Diệp bảo, trời đêm có mùi quyến dụ cực kì, Thời biết không? Rồi nàng nhắm mắt thật chặt để trí tưởng tượng đi xa. Nàng để cho cái mũi tiếp diện với bầu trời rộng nhất. Anh chưa hình dung có đúng mùi như Diệp thấy không, nhưng anh tin Diệp, bởi từ người nàng tỏa ra một mùi thơm ngào ngạt còn hơn cả dừa non, mà anh nghĩ mùi đó do nàng hít trời đêm mà có.
Đắc viết thư về từ mấy năm trước bảo, tao đã tìm khắp nơi mà chưa thấy Thời ạ. Thời đã quen với điều ấy từ lâu, khi mẹ anh vẫn đem những bức ảnh cũ ra hít hà, như Diệp hít trời đêm vậy. Anh bảo mẹ, mẹ hãy cất quá khứ đi, để cho nó ngủ yên, còn con đây, mới là hiện tại của mẹ. Mẹ anh hiểu điều đó chứ. Bà vươn cánh tay mình ra quàng vào cánh tay dài quá khổ của con. Mẹ hiểu, cảm ơn con, nơi đây mới là hạnh phúc. Tiếng nói cuối cùng bị chìm lấp đi bởi tiếng con chim chành chạch kêu, như tiếng người ta ca oán về nỗi buồn, sự hi sinh đợi chờ, mà phải đêm về mới dám nói thật. Loài chim này tuyệt nhiên chưa bao giờ kêu ban ngày, như bao loài chim khác anh vẫn nghe hằng đêm ở khúc sông có ngôi nhà và con ngõ: trói cột cô đi, đêm qua chờ bạn, buồn thì phải nói, cô độc cô độc… Đó là những tiếng kêu, chính bà gọi ra cho anh vào những ngày anh còn bé để dễ phân biệt với loài chim khác, nên những âm thanh đó ám ảnh anh nặng nề mấy chục năm chẳng mất. Đắc bảo, điều gì ta nghĩ nhiều từ hồi bé thì
sau này vẫn thế. Nên có những lá thư về, cậu ấy hỏi anh, mày có ra chỗ hủm sông, đoạn có cây cầu mà mẹ con con sẻ dạo nọ không? Mày có nhìn thấy mẹ con con sẻ một lần nào nữa không? Anh bảo, bao đôi sẻ đồng chết đi rồi lại sinh ra, thì nó vẫn ở đấy sản sinh và tồn tại, mày nghĩ làm gì. Là ở đây cũng có sẻ đồng, nhưng tao muốn hỏi chỗ cũ.
Là cái chỗ anh và nó chui vào ngày tuổi thơ để tìm một ổ chim. Thấy con sẻ non nằm thoi thóp chờ mẹ. Đồng xa sắp gặt hết mùa. Từng đoàn người vác dao và gậy đi lùng sẻ trong một chiến dịch tìm và diệt. Anh thấy con nhỏ nằm im thoi thóp, xung quanh vẫn còn dấu tích của mẹ nó mới đây. Cọng rơm tươi, vỏ con châu chấu, mẹ nó rõ ràng vẫn ở đây. Nhưng hôm sau thì nó chết. Mẹ nó có kịp về không? Anh và Đắc không biết. Đó là một bí mật lớn lắm của hai đứa, cũng là bí mật lớn của mẹ con nhà sẻ, mà tận giờ Đắc vẫn muốn hỏi anh, mẹ con nhà sẻ còn đến đó không.
Đắc mất mẹ cũng vào năm đó. Mẹ Đắc đẻ đứa em kế bị hậu sản phải nằm nhà vài tháng. Em Đắc bị bên nhà nội bắt đi. Mẹ Đắc không đi làm được cho hợp tác nên không có công điểm. Một ngày bà nằm còng queo rồi chết. Có người bảo vì bà kiệt sức. Đắc lại nhớ sáng đó bà đã dành nốt cho Đắc bát cơm trộn củ mì cuối cùng vét trong xoong để Đắc đến trường. Người làng vẫn bảo, con mẹ bị hậu sản đến kiệt mòn, bao người bị hậu sản đã chết ở vùng này đó thôi, chắc còn ít hơn số người chết vì bom đạn. Thế thì còn cần gì phải bàn cãi nhiều. Thời gian sau không còn ai nhớ đến mẹ Đắc nữa. Chỉ Đắc ghim hình bà ở trong tim cho đến tận bây giờ, qua lời nhắc nhớ mẹ con sẻ đồng ở hủm cát cạnh bờ sông. Anh thấy tim mình nghẹn đi mấy đợt, anh lắng nghe tiếng quạt từ trong nhà, mẹ anh vẫn còn bên anh, thế chẳng phải là niềm vui sao. Nghĩ vậy anh rời lạch nước bước vào nhà.
Đêm đã sâu, bờ sông đom đóm đã về mở hội ở khúc đoạn nào, hương từ muôn loài cây lá mới tỏa ra ngào ngạt, mùi hoa bưởi trộn cùng mùi trái cau non lẫn mùi thum thủm của bùn đen, mùi ngai ngái của vạt cỏ dại, và mùi dịu dịu, ngầy ngậy của những quả dừa non kiêu hãnh trên cao.
Mẹ anh đã thôi quạt, bà đã đi vào giấc ngủ của mình. Đêm đem theo biết bao hồi ức, anh biết, nên anh muốn xóa tan hồi ức đó để đẩy mẹ về với hiện tại, bằng cách hát lên những khúc ca vui, thổi một điệu sáo lòng nhảy nhót, hay gợi cho bà biết, cánh đồng bắp kia, mấy sào lúa và đầm cá tôm, và phòng tranh, cùng cây đàn, mảnh vườn trồng mận đỏ, và những trái ớt, luống rau… chẳng phải cho mẹ con bà một cuộc sống thật bình yên đó ư?
Ừ thì là bình yên, nhưng sao cấm con người ta tìm kiếm? Giống như anh, anh vẫn nghĩ về mái tóc của Diệp, nghĩ về đôi mắt và mùi dừa non từ nàng là thế. Nhưng đời sống đâu chỉ cần hiện tại, như người đàn ông anh thấy trăm lần trong những bức ảnh của mẹ anh và ông hồi trẻ, như một minh chứng đầy kiêu hãnh về tình yêu, hoặc tháng ngày thanh xuân rực rỡ của tài hoa và sự thu hút nhau. Phải, bà đẹp. Bà đẹp nổi tiếng vùng căn cứ quân sự đó. Mắt bà trong như mắt con bồ câu, da bà bánh mật ánh lên như màu đường mía, ngực bà tròn. Thành vẫn nhớ cảm giác được chui mình vào quả bầu tròn ấm áp và rắn đanh đó ngày xưa. Ngày xưa bà đẹp ai cũng biết. Bà đã chuyển đến vùng đất này để tránh soi mói chuyện bà đẹp hay nhiều chuyện khác nữa, anh không biết. Đó là ngày anh vào năm lớp bốn. Anh nghĩ bà và anh đã phải đi một chuyến xe dài lắm. Quá khứ lâu rồi anh không còn nhiều ký ức về chuyến chuyển dời lịch sử đó của hai mẹ con, khi ông ngoại anh đã chết, cậu, dì cũng chết hết trong nhiều trận bom, còn anh thì ngủ say quá trong chuyến xe đò trong những năm đầu thống nhất, nên không nhớ. Và sao bao vùng đất bà lại chọn ở đây, thì anh không biết, và cũng không bao giờ muốn lý giải, chỉ niềm vui với Đắc và Diệp là bất tận, nó đã choán hết ý nghĩ muốn tò mò của một đứa trẻ lên mười. Cũng chưa bao giờ bà kể câu chuyện quá khứ của bà. Chỉ là những bức ảnh, nó cũng chỉ thuộc về thế giới của bà và anh, sau này có Đắc, khi anh đã nhờ Đắc, người đã đi một chuyến thật dài, hỏi hộ anh, nhưng cũng chưa ai biết, chưa ai thấy, hay chưa ai công nhận. Anh cũng quên rồi, quên mình bao tuổi, quên đời mình đã trải qua những biến cố gì, chỉ biết năm mười bảy tuổi, anh vào trường Tổng hợp Văn học thiên về văn học dân tộc, rồi anh vào một ban nhạc của trường chuyên hát những bài dân ca. Cuộc đời anh chỉ gắn với dân tộc. Và trở về quê hương ăn cá kho, mắm ruốc, nộm cá mòi do chính tay mẹ anh nấu từ những sản vật ở đồng đất và dòng sông quê anh. Không có gì bảo anh không dân tộc. Nhưng khi anh ra trường vẫn không được dạy hợp đồng ở bất cứ trường học nào. Ông hiệu trưởng bảo anh, thầy thông cảm, thầy có sức khỏe và và kiến thức, tôi biết, nhưng thời buổi này chỉ sức khỏe và kiến thức thôi e chừng chưa đủ.
Có lẽ ông ấy muốn nói, cần mọi thứ thật dân tộc chăng - tôi không thấy thầy dân tộc, thậm chí, tôi không biết thầy học văn học dân tộc tôi như thế nào, hoặc nói tiếng Việt ra sao. Dù anh có khẳng định, anh chỉ thích cá kho và mắm ruốc, anh chưa bao giờ được nếm vị của chiếc bánh piza, nhưng không ai tin, họ cần một chứng chỉ cho một sự ổn định hay an toàn, mà hình thức là thứ an toàn nhất, mà tay anh thì mọc lông, mũi anh dường như dài quá, da anh chẳng sậm lại như mẹ anh, độ cao lại trội hẳn chăng? Khỏe mạnh thôi thì chưa đủ thật. Có lúc anh trách mẹ sao chẳng khéo nặn anh giống bà. Dường như không hiểu được suy nghĩ đó. Mẹ lại hay nhìn anh đăm đăm, khi anh thức, lúc anh ngủ, lúc anh ngồi đọc sách và đánh đàn, như tìm cho mình quá khứ, như sống cùng ảo ảnh, hoặc viễn tưởng mình đang sống cùng người xưa. Vì anh quá giống bố anh. Những bức ảnh là minh chứng rõ nhất. Chỉ có điều anh mỏng người còn ông thì đậm quá, anh lêu đêu, ông thì chắc nịch và vững chãi. Vì anh không được ăn uống đủ đầy? Anh lại lý giải, vì anh mang một phần dòng máu mẹ. Nghĩ như thế cho anh được về gần hơn với dân tộc.
Ngày Diệp nhìn anh lần đầu, cô đã khóc. Rồi Đắc, rồi cả trường nhìn anh như một loài vật khác giống loài gớm ghiếc. Chỉ có thầy Kha. Thầy từ vùng trong chuyển ra. Thầy có nhiều bạn bè ngoại quốc làm việc cùng ngôi trường nội trú ở Sài Gòn. Thầy lôi anh vào tất cả mọi hoạt động tập thể, cả những hoạt động đòi hỏi sự đặc biệt của trí tuệ và năng khiếu, hay sự dẻo dai và xuất sắc, chỉ anh làm được. Thầy đã nhận ra được tiếng đàn của anh, giọng hát, khả năng đóng kịch và diễn xuất, tài văn nổi bật … Anh là niềm tự hào của tất cả học sinh và giáo viên trong trường. Chỉ có điều anh chưa bao giờ được đi thi học sinh giỏi. Anh không phải là con chim bay được xa dù hót có hay thế nào. Diệp đã mê anh. Đắc coi anh là một chiến hữu. Bộ ba như chiếc kiềng vững chắc. Đó, tuổi thơ.
Tiếng ếch kêu ở một đoạn ruộng khô đưa vào làm anh nhớ, những nỗi nhớ cứ lang mang như thế chẳng khi nào chịu dứt. Phòng tranh của anh ngày càng đầy lên. Những ngày mưa ẩm ướt mẹ anh là người hăng hái nhất mang hong cho anh. Anh biết ơn mẹ vì điều đó. Khi bà thấy một người Tây du lịch qua khúc sông này, ghé bến bờ này, lên ngôi nhà của anh, trầm trồ trước những bức tranh. Ông đã hỏi mua vài bức và hứa sẽ giới thiệu thêm cho bạn bè. Hôm đó Thời đã tặng ông thêm một bức sau khi ngồi đàm đạo với ông cả buổi về các trường phái tranh trên thế giới từ cổ điển đến hiện đại bằng tiếng Mỹ - anh học được từ mẹ anh, và có thể từ tổ tiên anh, tiếng vọng hằng đêm về chăng? Ông đã rất thích thú hỏi anh, anh học ở trường hội họa danh tiếng nào? Anh bảo, anh không học hội họa, anh chỉ có những người bạn Mĩ Thuật, họ dạy anh vẽ tranh. Ông đã ồ lên đầy ngạc nhiên. Còn mẹ anh thì vui lắm, như hội mở trong cuống họng, bà rên lên những âm thanh bằng vốn tiếng Mỹ đã lâu lắm rồi bà không được sử dụng. Và bà chờ ông trở lại, nhưng ông đã không về.
Điều này anh đã biết nên không buồn như bà. Là bà còn chờ hơn một điều như thế - tin tức từ người chồng xưa, bà đã gói trọn cả niềm tin, dòng địa chỉ và bức ảnh…Nhưng rồi không một hồi âm. Anh tin có thể ông đã mất đột ngột. Người già thường mất bất thường. Nên anh không buồn. Bởi trong rương của bà còn rất nhiều những bức ảnh đã được chụp lại hoặc nhân bản. Có cả ảnh anh hồi nhỏ. Để tìm một manh mối phía bên kia đại dương, mà giờ đây bà trông chờ hết mình vào phía Đắc. Nó không hồi âm à con? Chưa thấy mẹ ạ. Anh thường nói dối bà như vậy, cũng như một sự an ủi mình để có niềm hi vọng mà chờ tiếp, như tiếng con chim “Phía trước” thường kêu “tin tiếp, tin tiếp”. Anh đặt tên như vậy, vì tiếng kêu đặc biệt chăng, hoặc tự đặt cho lòng mình như thế. Nên anh thường an ủi bà, mẹ phải bình tĩnh. Và bà vẫn bình tĩnh cùng anh đây. Và đợi tiếng chim từng đêm, và nhìn ra dặng cúc tần và hàng dâm bụt, nhìn những lá bơ đung đưa trong gió, để lại hỏi những câu xa xôi, chẳng biết rồi ông ấy có còn không.
Tình yêu bà chỉ nằm ở phía đó, một phía duy nhất ấy, có một người đàn ông tài hoa và lãng mạn, ra đi hứa hẹn trở về mà mất tích. Đời bà từng mất tích bao người đàn ông nhưng có ai đau như thế đâu. Như chú Tùng từng dặn, mẹ con em ở đây chờ anh về thu xếp với con mẹ cả rồi sẽ vào đón. Chú không vào nữa, bà cũng không buồn. Rồi những cái vuốt má từng đêm của những người đàn ông, họ đi qua con đường này lên những công trường trên kia hay vùng đào vàng phía núi. Họ dừng ở đây thật lâu hoặc chớp nhoáng, chìm trong màu phấn son và hương liệu của thứ nước hoa rẻ tiền anh vẫn ngửi từng đêm. Tiếng chuột chạy lúc rúc, tiếng cười khúc khích hoặc khùng khục…
Mẹ xin lỗi! Bao giờ vào buổi sáng, những giọt nước mắt vẫn còn đọng đầy trên cặp mi sưng húp. Bà lấy tay vọc sâu vào vú, lôi ra những đồng tiền lẻ cũ
rích, đưa cho anh đi mua kẹo đỏ xanh, như một sự bù đắp, đêm qua để anh phải ngủ một mình. Anh không trách bà. Anh đủ hiểu không ai nhận bà vào hợp tác, bà cũng không biết làm ruộng, chưa từng đi gặt, đi cấy, bà không biết đi biển. Tay bà để gảy đàn, miệng bà để hát ca, không ai muốn nạp dung bà, thì bà tự đẩy mình về một thế giới khác để tồn tại và mưu sinh. Anh hiểu. Bao người đàn ông đi qua cái chõng ấy nhưng chưa một người nào nằm lại với bà nổi hai đêm, còn nghìn đêm sau bà sống cùng những bức ảnh, những kỷ vật và ánh mắt đăm đắm nhìn vào anh, bởi nó hiện quá khứ, hoặc bà đang trôi vào ảo ảnh của hiện tại và tương lai bên người đàn ông bà yêu cả cuộc đời, người quân nhân bác sĩ Mỹ tài hoa.
Đắc viết thư về hai tháng trước, nó bảo, Thời ạ, cũng khó. Anh biết khó, nên có hi vọng nhiều đâu. Bảo nó, lo làm việc mà ổn định cuộc sống, có điều kiện thì lấy một cô vợ, chuyện của tao không sao đâu.
Tao chẳng lấy vợ nữa đâu Thời.
Anh biết nó nhớ Diệp. Diệp lại chỉ biết anh. Ngày nó ra đi, chỉ xin anh cho Diệp đưa tiễn. Diệp đến tận ngôi làng bên bờ biển để vẫy tay từ biệt. Nó khóc.
Con thuyền chòng chành đi xa, rồi xa mãi. Anh không đi tiễn. Anh muốn nó có kỷ niệm nhỏ nhoi nào đó có thể là cuối cùng với Diệp. Cuối cùng thật. Nó không về lần nào nữa. Anh thì cũng chẳng thể đi xa. Mẹ anh mất hết giấy tờ về người đó, khó lấy ai bảo lãnh. Làm một chuyến liều thân như Đắc, anh sợ, cho mẹ anh, và cho cả Diệp. Đắc chỉ có một mình. Tao đi lành ít dữ nhiều, một mình thì sợ cái chi, chết thì trôi xác, sống chắc gì cá nó không xơi. Sang đó có điều kiện tao sẽ đón mày. Nhưng nó lênh đênh nơi đó nhiều năm mà chưa ổn định như đã ước. Hay nó chỉ muốn đón Diệp, mà Diệp thì chẳng muốn đi. Diệp cũng chẳng còn muốn bên anh. Nên câu chuyện ở đi dừng lại mãi mãi ở bến sông này.
Con vào ngủ đi. Mẹ anh bảo. Tiếng bà đã khản đục đi vào gần buổi sáng.
Người già ai cũng thế chăng, hay chiếc phổi của họ không chịu được những cơn gió lạnh khi đêm trôi sâu về phía sáng, khi các loài cây rùng rùng thải ra khí độc. Anh dạ một tiếng rồi nằm xuống chiếc giường bên cạnh. Tiếng con chim “Phía trước” vẫn kêu “tin tiếp, tin tiếp”. Anh không biết nó còn tin vào điều gì nữa. Loài chim khác người, có ăn là vui, có nước sông để chao mình là sướng, có cá, đó là cả cuộc đời của nó. Anh thì khác, cần cội nguồn cần cả dân tộc, cần máu thịt lại cần cả quê hương, cần ước mơ và những chiếc cánh, cần tinh thần và cả nghệ thuật, sự hiến sinh, tận mình cho đam mê cuộc sống. Và thứ anh cần hơn là Diệp. Diệp đã đi xa lắm. Sau cái lần bố nàng cấm nàng hít hà mùi trời đêm nơi vườn nhà anh, cấm nàng đến thăm những bức tranh anh vẽ, cấm trèo dừa cùng mẹ anh để vặt những trái non làm cơm dừa mỗi sáng. Bố Diệp cấm. Ông đã tìm cho nàng một bầu trời khác, không nhiều sao và đom đóm, không có mùi thum thủm của bùn đục nơi bến sông, không có tiếng con chim tin tiếp mà là đáng tin, rất đáng tin, nên Diệp đã đi xa lắm.
Tiếng mẹ hỏi anh rằng Đắc dạo này ra sao? Về sáng bao giờ bà cũng không ngủ. Bà có thể lôi đủ thứ chuyện cổ kim xưa ra kể, Thời này, con nhớ lão Kim ngày đó chứ? Mẹ đã cất được cả cục tiền to lắm lão giấu dưới gối để vào đũng quần lót của mẹ khi lão trở ra từ rừng vàng.
Nhờ thế mẹ đã mua cho con rất nhiều bóng bay và kẹo đỏ, mẹ mua gạo, mua cả thịt, con biết không? Tiếng cười đùng đục của bà lẫn trong cả câu chuyện kể về bố anh, mũi ông ra sao, răng trắng thế nào, bắp tay tròn vo rám đỏ, và việc bà chuyển đến đây một phần vì ông đã chinh chiến ở nơi này, mùi ông ở đây, hơi thở ở đây, trong những cánh thư ông gửi về cho bà. “Kim Cúc yêu quý, bao đồng đội đã chết dưới tay anh mà anh không thể nào cứu được, bao dân thường anh đã đứng nhìn họ chết mòn mà không biết phải làm sao. Thuốc không có em ạ, đến dao mổ cũng chẳng còn chiếc nào…”. Ông khóc, những giọt nước mắt còn đọng trên từng trang viết, bà ấp nó vào ngực và cũng khóc.
Đắc hôm qua đã viết thư về, trong lá thư gần nhất và cuối cùng. Bố mày đã chết Thành ạ, vì di chứng hóa học. Mày có hai đứa em, kém mày tầm 5 và 6
tuổi, chúng giàu có và giỏi giang, nhưng không ai muốn nhận mày dù mày y nguyên chúng. “Mọi vàng”, chúng đã hét, “không thể, không thể”. Có thể nơi đó đã quá ám ảnh trong câu chuyện bố chúng kể chăng, hoặc chính nơi đó đã cướp đi ký ức của ông và những niềm vui, sự trong sáng và cả thể xác, nên không ai muốn nhắc lại và thừa nhận nữa.
Anh lặng lẽ cất lá thư đi, huýt một tiếng sáo dài vẫn điệu hát quen cũ kỹ và tươi vui: Này này cô em, ta yêu đời sống, em biết chăng em…
Mẹ anh nghe thấy liền bảo, ngày mai, con đưa mẹ ra mộ Diệp, mẹ muốn thắp hương cho nó, hai ngày nữa là đến giỗ nó, con nhớ trèo dừa hái mấy trái non mẹ muốn làm cơm dừa cúng nó nghe con...
Anh thấy lòng mình nấc lên nhiều nhịp, nghe rõ tiếng sóng biển vỗ vào nhau oàm oạp, tiếng còi tàu hút gió mãi khơi xa…
B.T
Gửi ý kiến của bạn