Chúng ta khi sống trên xứ người, đều mang theo một chút quê hương theo mình. Có thể là một con đường, một góc phố, hay một xóm nhỏ yêu thương đã gắn bó một quãng đời dài. Tôi cũng có một quê hương trong trái tim mà mỗi khi nhớ đến vẫn làm tôi thổn thức, rạo rực khôn nguôi.
Đó là một xóm nhỏ vùng ngoại ô, cách trung tâm Sài Gòn khoảng gần mười cây số. Nhớ hồi ra Sài Gòn học, khi các bạn bè hỏi đến nhà chơi, tôi trả lời ở Hạnh Thông Tây quận Gò Vấp, nhiều người còn ngơ ngác không biết nó ở đâu. Tôi phải vẽ trên giấy chỉ đường cẩn thận, nếu bạn đi từ hướng Ngã Tư Phú Nhuận xuống, đường Hai Bà Trưng kéo dài là đường Võ Di Nguy, sau đổi thành Nguyễn Kiệm, đến khu vực Ngã Năm Chuồng Chó, cứ tiếp tục đến Ngã Ba An Nhơn thì rẽ trái khoảng 500m, hỏi Giáo Xứ Đức Tin, nhà của tôi nằm phía sau nhà thờ đấy. Nhà tôi không ở trung tâm phố thị phồn hoa, xóm tôi không cao sang lộng lẫy, nhưng tôi yêu thương xóm đạo của tôi quá đỗi, vì đó là nơi tôi được sinh ra, lớn lên và cho tôi một tuổi thơ êm đềm, hạnh phúc.
Có thể nói, ngôi nhà thờ nhỏ, đơn sơ, bên cạnh cái chợ bé xíu là trung tâm điểm của xóm tôi, được bao bọc chung quanh bởi những dãy nhà cách nhau bằng những con hẻm, kéo dài và ăn thông với nhau dẫn ra đường cái đến thẳng chợ Thông Tây Hội (cũ) và xa hơn nữa là Xóm Mới. Thuở lên chín lên mười, niềm vui của tôi là cùng lũ bạn nhỏ tụ tập chơi quanh xóm và sân nhà thờ. Tuy nhà thờ không lớn nhưng cũng có một khoảng sân tráng xi măng và hàng rào sắt bao bọc, đủ cho thế giới tuổi thơ chúng tôi. Góc bên trái của sân nhà thờ có trồng một cây hoa sứ, bên cạnh cái tháp chuông. Những buổi trưa nắng, cây hoa sứ và cái tháp chuông làm thành một bóng mát, lũ trẻ con nhặt hoa sứ chơi bán hàng, đám con gái chúng tôi chơi banh đũa, nhảy dây, trong khi mấy đứa con trai chơi trò tạt lon ồn ào, náo nhiệt.
Vui nhất là ba tháng hè, khi cây hoa phượng ở đầu xóm nở hoa đỏ rực, chúng tôi được nghỉ học, và những cuộc chơi trẻ thơ dường như dài bất tận. Buổi trưa hè nóng nực và im vắng, tôi thường trốn giấc ngủ trưa để nhập bọn cùng lũ bạn đã đợi sẵn ở sân nhà thờ. Những trò chơi làm chúng tôi say mê quên cả thời gian. Hết trò này đến trò kia nhưng không bao giờ mệt mỏi. Đến khi chán chường với những trò chơi ấy, chúng tôi lại rủ nhau đến chơi nhà xứ. Nhà của Cha nằm trong dãy nhà ngoài đường cái và là ngôi nhà đẹp nhất xóm. Nhà lầu đúc hai tầng, có ban công lót gạch đá hoa mát rượi nhìn ra khoảng sân rộng rãi, phía trước có hàng rào sắt bao quanh cao hơn đầu người lớn. Trong khuôn viên ấy, có một căn nhà nhỏ, là nhà bếp và nơi ở của ông cụ Hanh, người chăm lo việc giặt giũ cơm nước cho Cha. Con đường từ cổng vào nhà được tráng xi măng, và tất cả phần còn lại là mảnh vườn có đầy đủ các loại hoa kiểng. Ngay góc sân là cây mận cổ thụ cao to, cành lá xum xuê, vươn ra đến ban công trên tầng lầu. Sát bên hàng rào sắt là những bụi hoa mai, mỗi mùa Tết đến trổ bông vàng rực khiến ai đi qua cũng phải dừng lại trầm trồ.
Cổng sắt của nhà xứ luôn luôn để ngỏ, chúng tôi lại bày trò chơi trên nền xi măng, vì dọc lối đi có những hòn đá tảng rất to có thể làm chỗ ngồi nghỉ ngơi. Gió hiu hiu thổi, đưa những bông hoa mận rụng trắng xóa một góc vườn. Chúng tôi gom những bông hoa trắng tơi như bông để chơi bán hàng, hoặc rải lên mái tóc để làm điệu như người lớn, rồi đi khắp vườn tìm những trái mận rơi rụng, khi ăn vào ngọt lịm đến tận ruột gan. Cũng có khi Cha xứ sai ông cụ Hanh ravườn với cái cây dài để hái mận cho lũ chúng tôi. Cả đám reo hò ầm ĩ khi thấy rổ mận đầy ắp, ông cụ Hanh dẫn chúng tôi vào nhà bếp rửa mận, và còn hào phóng làm thêm một chén muối ớt đỏ tươi ngon lành, chưa ăn đã kịp chảy nước miếng.
Rất nhiều lần, Cha xứ cho chúng tôi vào căn nhà lót gạch đá hoa mát rượi của Cha. Chúng tôi ùa vào và len lỏi khắp nơi để khám phá thỏa chí tò mò trẻ thơ. Căn phòng khách rộng rãi có bộ bàn ghế sa lông và chiếc đàn piano lớn đặt ngay cửa sổ nhìn ra khu vườn. Cha đã dạy tôi những nốt nhạc đầu tiên trong đời trên chiếc piano này. Khi đánh được một câu nhạc, tôi đu người trên song sắt cửa sổ và hét to lên vì sung sướng. Ở trên lầu, còn có một phòng lớn để các nhạc cụ như một bộ trống, đàn guitar, và một cây đàn piano khác nữa. Đặc biệt có một thư viện nhỏ hẹp, bên trong là hai kệ sách sát tường cao ngất ngưỡng, tôi phải kiễng chân ngửa đầu nhìn cho đến khi mỏi cổ mới thôi.
Cha xứ yêu thương chúng tôi đến như vậy, nhưng Ngài vẫn không thoát khỏi những trò chơi nghịch ngợm của lũ chúng tôi. Đó là những buổi trưa chúng tôi đến sân nhà xứ hơi sớm, khi nhìn thấy cửa nhà Cha vẫn đóng, đó là dấu hiệu Ngài đang ngủ trưa hay đang đọc kinh. Chẳng có chuyện gì làm, chúng tôi bèn nghĩ ra cái trò…bấm chuông. Một đứa leo lên vai đứa kia để với tới cái chuông và… bấm! Nghe tiếng dép lịch xịch ra mở cửa là cả đám co giò chạy hết tốc lực ra ngoài cổng. Trò chơi này cho cảm giác mạnh, tim đập nhanh và hồi hộp vô tả. Không phải Cha xứ không biết tác giả là lũ chúng tôi, nhưng Ngài chưa hề la rầy nửa lời. Có người phàn nàn với Cha, Ngài cười tươi rói: “Cứ cho chúng nó phá nhà xứ, còn hơn là để chúng đi phá làng phá xóm!” Ôi, câu nói ấy vẫn ám ảnh theo tôi cho đến bây giờ. Cha ơi, nếu ngày ấy Cha cấm đoán hay trừng phạt chúng con, thì con đã mất đi một thiên đường tuổi thơ đẹp tuyệt vời!
Những buổi tối mùa hè cũng là những cuộc chơi không dứt. Trời oi bức hiếm hoi những ngọn gió mát, cả xóm kéo nhau ra chơi ngoài cửa. Chúng tôi lại rủ đến nhà xứ hay sân nhà thờ. Những khi có trăng, những ngõ hẻm trong xóm trở nên đẹp lung linh, thơ mộng, nhất là những ngày bị cúp điện. Nhà xứ là nơi có những buổi hội họp của các hội đoàn giáo xứ, và ca đoàn cũng tập hát nơi đây, nên chúng tôi thích ghé chơi vì không khí rất vui. (Ai đã từng yêu mến tiếng hát Ngọc Lan, cô ca sỹ có giọng hát nhẹ như khói sương, dáng người mỏng manh và cuộc đời vắn số, cô ấy chính là một giọng ca chính của Ca Đoàn xứ Đức Tin thuở ấy, mà chúng tôi thường hay chen lấn ở cửa sổ nhà xứ chỉ để ngắm nhìn sắc đẹp của chị Lan. Chị có một mối tình rất đẹp với anh ca trưởng tên Quang, là sinh viên Y khoa, với cặp kính cận và cây đàn guitar. Hai người sau đó đi vượt biên, khi ra hải ngoại thì chia tay và Ngọc Lan trở thành ca sỹ nổi tiếng của Trung Tâm Asia. Tôi sẽ trở lại đề tài này vào một dịp khác, kẻo sẽ bị lạc đề, không chừng còn mang tiếng “nhiều chiệng” thì oan cho tôi lắm!) Sau khi họp hành, Cha xứ thường mở rộng cửa cho chúng tôi vào xem ti vi, nhưng cũng chẳng níu kéo chúng tôi lâu hơn, cả đám lại kéo nhau đi tìm thú vui khác tại sân nhà thờ. Thế là một khung cảnh náo động lại bắt đầu. Chơi bịt mắt bắt dê, chơi trò trốn tìm, mệt thì ngồi xuống dưới bóng tối tháp chuông kể chuyện… ma, và khi có thêm trẻ nhập bọn thì chúng tôi chơi trò chơi tập thể. Hai đứa lớn làm quản trò, giơ hai tay thành cái cổng, đám còn lại xếp hàng nối đuôi nhau đi qua cổng và hát to:
Thiên đàng địa ngục hai bên
Ai khôn thời dại, ai dại thời khôn
Trên trời có Chúa có Cha
Đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn
Linh hồn phải giữ linh hồn
Đến khi gần chết được lên thiên đàng …”
Đến lúc đó hai người làm cổng mới hỏi từng đứa: “Ăn cam hay ăn quít?” cứ thế tiếp tục đi qua cổng và hát, đám ăn cam ngồi một bên, đám ăn quýt ngồi một bên (trước đó hai người quản trò đã bàn với nhau ăn cái nào là thiên đàng, ăn cái nào là hỏa ngục), cuối cùng tuyên bố ra, những đứa bên hỏa ngục phải còng lưng ra cõng mấy đứa bên thiên đàng xung quanh sân. Có thế thôi mà vui thật là vui, đến khi ba má đến réo gọi mới chịu chạy về nhà đi ngủ.
Thế rồi thời gian trôi đi, chúng tôi lớn lên thành những chàng trai thiếu nữ. Chúng tôi không còn tụ tập chơi ở sân nhà thờ hay nhà xứ nữa, chỉ thỉnh thoảng khi trường làm bích báo, tôi lại chạy đến phòng thư viện nhỏ của Cha để mượn những cuốn sách Tuổi Hoa được xuất bản trước năm 1975 mà Cha còn giữ lại, hoặc khi lớp của tôi mở tiệc Giáng Sinh tại nhà tôi thì tôi và mấy đứa bạn kéo nhau đến nhà xứ để mượn thêm bàn ghế. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ thói quen mừng tuổi Cha vào dịp Tết. Cứ vào sáng mồng một Tết, sau bữa ăn trưa, tôi và hai nhỏ bạn thân trong xóm cùng đi chúc Tết Cha. (Lạ kỳ thật đấy, gần hai mươi đứa trẻ của ngày xưa mà bây giờ chỉ còn ba đứa đến thăm Cha xứ thôi ư? Mà thôi, ngay chính Chúa Giesu xưa kia chữa bệnh phong hủi cho mười người, cũng chỉ có một người quay lại cám ơn Ngài đó sao? Mà đó lại là một người dân ngoại, huống hồ là lũ trẻ vô tâm vô tánh như chúng tôi, chắc Cha Sở cũng không lấy gì làm phiền hà). Ngài cũng đã già hơn, yếu hơn xưa, và ánh mắt nhìn chúng tôi mừng vui xen lẫn với một chút buồn ngậm ngùi, vì chúng tôi đã đủ lông đủ cánh bay vào cuộc đời mênh mông.
Quả là như thế, tôi đã bận rộn triền miên với sách vở, học hành và những mùa thi nối tiếp nhau. Có chút rảnh rang thì cùng bạn bè vào những quán đèn màu thưởng thức cocktail, nhâm nhi ly café đá, tập tành nghe nhạc xập xình những bài hát thời thượng của Boney M, Abba, the Capenters, hoặc thả hồn vào những bài hát tiền chiến ủy mị, nào Hương Xưa, nào Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay, nào Thu Quyến Rũ, hoặc đạp xe ra Sài Gòn dưới những con đường có lá me bay. Rồi có bạn trai, bận làm Thơ tình, yêu thương và hờn giận, xen kẽ với những căng thẳng lo âu của những mùa thi trên giảng đường, xôn xao những ngày phượng nở và chia tay, nên những trò chơi đơn sơ và rẻ tiền của thời thơ ấu đã thực sự chìm vào lãng quên, trở thành một kỷ niệm xa xăm.
Tháng 12 năm 1989, tôi và bốn mươi người khác được gửi đến trú ngụ ở một căn nhà giữa cánh đồng ở miền quê tỉnh Kompomsom, Cambodia chờ ngày lên tàu vượt biển. Buổi sáng tôi thường dậy rất sớm, bước ra ngoài tập thể dục và hít khí trời trong lành. Bàn chân tôi dẫm lên những đám cỏ còn ướt đẫm hơi sương, và phía xa tận chân trời còn mờ tối là mặt trời đang mọc sớm hay ánh trăng tàn đang lặn muộn? Xa xa, làng mạc vẫn còn chìm trong giấc ngủ say dưới màn sương mờ đục, đẹp như một bức tranh. Những cây thốt nốt vươn mình trong bầu trời sớm, dáng cong rũ mềm mại như những cây dừa quê hương, tôi bỗng thấy nhớ nhà đến xót xa.
Giờ này chắc cái chợ nhỏ đã bắt đầu dọn hàng, nào bún riêu, bánh cuốn, xôi vò, bánh cam, chuẩn bị cho những hàng quà buổi sáng. Hai quán café ở đầu xóm cũng đã mở cửa đón khách đi làm sớm. Tôi như nghe thấy tiếng chuông nhà thờ buổi sớm vừa vang lên rộn ràng, thúc giục. Tôi ước sao có đôi cánh để bay về với xóm nhỏ của tôi, dù chỉ là vài phút thôi, để kịp nhìn thấy trong những ngõ hẻm còn mờ tối là bóng dáng các cụ ông cụ bà rảo bước đến nhà thờ, có bà vừa đi vừa cài vội mấy nút áo dài, trước sân nhà thờ ông trùm Cương vừa mở cổng vừa tươi cười hỏi thăm những người đi lễ sớm.
Và phía sau ngôi nhà thờ, là căn nhà thân yêu của tôi, với giàn hoa bông giấy đỏ tươi trước cổng. Tôi nhớ từng người thân ruột thịt của mình, tôi nhớ cả những đồ vật vô tri vô giác nhưng đã từng gắn bó với tôi như hơi thở. Nhớ căn phòng ngủ của tôi, có một ô cửa sổ bé xíu nhìn ra khu vườn sau của nhà hàng xóm, thấy cả những cây chuối đong đưa những trưa hè dưới làn gió thoảng. Nhớ cái tủ đứng nơi góc phòng, bên trong là cả “gia tài” vô giá của tôi: những bộ quần áo tôi sắm được bằng chính đồng lương của mình, những cuốn albums, những cuốn lưu bút và nhật ký, đồ trang điểm. Nhớ chiếc bàn viết bên cạnh giường ngủ, nơi tôi vẫn ngồi hàng đêm soạn giáo án và chấm bài học trò, hoặc lãng đãng trên những trang nhật ký khi những hạt mưa đầu mùa rơi lộp độp trên mái tôn vào những đêm khuya lắc khuya lơ …
Rồi tôi khóc nghẹn ngào. Ở cái giây phút sắp sửa bỏ lại quê hương, tôi bỗng thấy yêu mảnh đất xứ sở của mình quá đỗi. Sao tôi lại muốn mình trở lại như trẻ thơ, hồn nhiên vô tư, không chút buồn lo nơi cuộc đời đầy biến động này:
Cho tôi lại ngày nào Trăng lên bằng ngọn cau Me tôi ngồi khâu áo Bên cây đèn dầu hao Cha tôi ngồi xem báo Phố xá vắng hiu hiu Trong đêm mùa khô ráo Tôi nghe tiếng còi tầu.
(Phạm Duy)
Ngày hôm sau, con tàu định mệnh đã đưa tôi ra khơi, xa mãi quê hương thân yêu, đến trại tỵ nạn Thailand ở bốn năm ròng rã trước khi định cư tại Canada. Gia đình, người thân tôi cũng lần lượt ra đi sinh sống rải rác ở Mỹ, nên mãi hai mươi năm sau kể từ buổi sáng năm nào khóc trên xứ Chùa Tháp, tôi mới có dịp trở về thăm xóm nhỏ của tôi.
Thời kinh tế thị trường đã thay da đổi thịt đến tận xóm ngoại ô. Tôi đã lặng lẽ khóc khi đứng trước căn nhà xưa của mình mà nay không còn gì quen thuộc ngoài bảng số nhà 112/4, vì bây giờ đó là nhà hàng cơm bình dân. Nơi giàn bông giấy ngày xưa cho tôi những chiều mưa ủy mị xót thương những cánh hoa mỏng manh run rẩy, nay là quầy để thịt kho, cá chiên, rau xào, đậu hũ. Mảnh sân trước tráng xi măng thuở nào êm ấm những sáng mùa xuân chị em tôi phơi dưa kiệu, làm bánh mứt, nay là chỗ cho thực khách ngồi ăn vội vàng bữa cơm trước khi trở về hãng xưởng làm việc. Những căn nhà lầu mọc lên thay cho những căn nhà đơn sơ thuở nào làm cho những con hẻm bị nhỏ lại. Tôi hỏi bạn: “Vậy ánh trăng có còn tràn xuống hẻm lấp lánh, kỳ ảo vào những ngày rằm?” Câu trả lời là: “Trời ạ! Thời buổi này chẳng ai còn thời giờ để lãng mạn, mộng mơ nữa đâu”.
Nhà xứ được xây đẹp hơn, nhưng cây mận với những chùm hoa trắng như bông tuyết của tôi đâu rồi?! (Tôi nghe lòng mình thổn thức). Nhà thờ cũng được phá đi xây lại toàn bộ, cũng trên diện tích ấy người ta xây hai tầng lầu, phía dưới là chỗ để xe, phòng áo, phòng hội họp, còn trên lầu là Cung Thánh cao sang, gác đàn rộng rãi. Phía trước nhà thờ thật bề thế với những bậc cầu thang trải dài xuống tận phía dưới. Cái tháp chuông mới hơn và cao hơn, và không hiểu tại sao cây hoa sứ đã không còn nữa. Tôi hốt hoảng: “Vậy làm sao lũ trẻ nhặt hoa ngửi mùi hương và chơi bán hàng?” Bạn tôi cười buồn: “Mày lo bò trắng răng. Con nít ngày nay chơi game, trò chơi điện tử, chứ đâu thèm chơi những trò chơi quê mùa rẻ tiền như chúng mình ngày xưa”. Tôi vớt vát: “Thế còn những bài đồng dao: Thiên đàng địa ngục hai bên? …Rồng rắn lên mây có cây lúc lắc? …” Bạn tôi lại cười buồn: “Xưa rồi, Diễm!” Buồn nữa là Cha xứ, linh mục Heromino Phạm Ngọc Giá và ông cụ Hanh cũng đã lần lượt qua đời cách đây khá lâu. Bạn bè xưa mỗi đứa tan tác một phương trời. Tất cả đều đã đổi thay như cuộc đời dâu bể.
Từ trong đáy lòng, tôi thực sự vui mừng cho người dân xóm tôi vì cuộc sống đã được nâng cao. Tôi mừng vui cho những giáo dân của xóm đạo ngoại ô đã có một ngôi nhà thờ khang trang rộng rãi.
Nhưng mãi mãi trong tâm trí tôi vẫn là hình ảnh một xóm nhỏ đơn sơ, có những căn nhà cao thấp xen kẽ nhau, có những ngõ hẻm rộn ràng sáng rực ánh trăng, và một ngôi giáo đường bé nhỏ xinh xinh. Và bao giờ cũng vậy, qua làn nước mắt, tôi thấy lung linh hình bóng của Cha Heromino Phạm Ngọc Giá, với đôi mắt nhân từ sau cặp mắt kiếng và nụ cười nở trên môi, đang mở rộng cánh cửa nhà xứ cho lũ chúng tôi ùa vào trong mùi thơm ngào ngạt của những bông hoa mận rụng trắng ngoài sân.
Con người ngậm kín cái tốt vào lòng. Để khỏi mua lấy vạ hiềm nghi ghen ghét. Tôi nhìn đứa bé từ sau lưng, sự rung động khẽ của đôi vai nhỏ bé, vẻ hạnh phúc của cái gáy nhỏ xíu măng tơ. Phút này qua phút khác, có lẽ lâu lắm, cho đến khi đứa bé bắt đầu thỏa mãn, bú chậm lại, nhưng nó vẫn ôm lấy bầu ngực của người đàn bà lạ, ngủ thiếp đi.
Biển đêm như vô thức một màu đen mênh mông, nhưng biển chứa toàn bộ lịch sử con người từ lúc còn là tế bào phôi sống cho đến khi biến thành DNA, rồi từ thú vật tiến lên con người. Lịch sử đó đầy ngập dữ liệu nhưng chôn sâu dưới đáy nước. Hồi tưởng chỉ là những con sóng nổi dập dìu, cho dù sóng lớn dữ dằn trong bão tố vẫn không mang được hết đáy nước lên trên mặt. Vì vậy, biển lúc nào cũng bí mật. Vô thức cũng bí mật. Càng gây thêm khó khăn để chứng minh sự thật vì vô thức có khả năng biến đổi dữ liệu hồi tưởng. Chỉ những người thiếu bản lãnh mới tin vào trí nhớ của mình và của người khác. Nhưng toàn bộ nhân loại sống và tạo ra ý nghĩa hầu hết dựa vào bộ nhớ. Một số ít người hiểu rõ điều này, nhưng không làm gì khác hơn, vì hồi tưởng tự động và tự nhiên xuất hiện dù không đầy đủ, kể cả, khi con người kêu gọi ký ức đến, nó cũng đến trên xe lăn, hoặc chống nạn, hoặc bò lết như kẻ tàn tật.
Chiến tranh là một nỗi đau dằn vặt của nhân loại vì không ai muốn nó xảy ra, nhưng chiến tranh vẫn cứ xảy đến như một điều kiện cần thiết biện minh cho sự tồn tại của thế giới con người. Ngày Ba mươi tháng 4 năm 1975 là một cột mốc đánh dấu một biến cố chính trị trong lịch sử chính trị thế giới, ngày cuộc chiến tranh Việt Nam (1954-1975) chấm dứt.
Năm mươi năm nhìn lại, sau ngày 30 tháng 04, 1975, cái dấu mốc lịch sử đau thương của đất nước Việt Nam, nói chung, và người dân miền Nam nói riêng. Sự thật lịch sử về ngày này đã được phơi bày rõ ràng trên mọi phương tiện truyền thông, tin tức, và trong thế giới sử. Ai cũng đã rõ, phe thắng trận, sai, phe thua trận, đúng. Điều này không cần bàn cãi nữa; cho dù kẻ chiến thắng cố tình viết lại lịch sử Việt Nam theo ý mình khi sức mạnh của họ nằm trên nòng súng. Phe thua cuộc lại là phe thắng được nhân tâm.
Tháng Tư chuếnh choáng. Say chẳng phải vì rượu dẫu chỉ nhấp môi hoặc thậm chí trong đám bạn có kẻ chẳng uống giọt nào. Nhưng họ vẫn say như thường. Những hồi ức tháng Tư lần lượt xuất hiện như một chất men nhưng không thể làm người ta quên mà chỉ là giây phút hiếm hoi nhắc nhớ để rồi quên. Quên tạm thời nỗi niềm chất chứa mà không làm sao quên hẳn.
Hai tên đeo băng đỏ đưa tôi đến một căn nhà nằm trên đường Tôn Thất Thuyết. Nay mới biết là cơ sở kinh tài của Việt Cộng. Vào bên trong, tôi thấy có một số người bị bắt trước ngồi trên băng ghế đặt ở góc một phòng lớn rộng rãi. Họ ngước mắt nhìn tôi có vẻ ái ngại. Tôi biết những người ngồi đó là thành phần đặc biệt nằm trong danh sách tìm bắt của chúng. Nhìn họ, tôi thấy mấy người quen quen. Hình như họ là viên chức Chính Phủ trong tỉnh. Tôi được đưa đến ngồi cạnh họ. Tất cả đều im lặng, không ai nói với ai lời nào ngay cả khi bất chợt nhìn thấy tôi. Có lẽ im lặng để che đậy cái lý lịch của mình, làm như không quen biết nhau, nếu có khai láo cũng không liên lụy đến người khác.
Trong cuộc đời, ắt hẳn bạn đã nhiều lần bước trên lối mòn giữa một cánh đồng cỏ hay trong một khu rừng? Thoạt đầu, lối mòn ấy cũng đầy hoa hoang cỏ dại như chung quanh, nhưng những bước chân người dẫm lên qua ngày tháng đã tạo thành một con đường bằng phẳng. Ký ức chúng ta cũng tương tự như lối mòn ấy. Những trải nghiệm với cảm xúc mạnh mẽ trong quá khứ được nhớ đi nhớ lại như những bước chân đi trên lối mòn góp phần hình thành ký ức, và cả con người chúng ta. Người Mỹ gọi loại ký ức này là “core memory” mà ta có thể dịch ra Việt ngữ là ký ức cốt lõi.
Với tôi, ký ức cốt lõi ấy là những gì xẩy ra cho tôi và gia đình trong quãng thời gian kể từ khi thị xã Ban Mê Thuột thất thủ ngày 12 tháng Ba năm 1975, kéo theo sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam chưa đến bẩy tuần sau đó.
Tôi vẫn nhớ, và nhớ rất rõ.
Vốn là một quân nhân, sau khi triệt thoái từ miền Trung về Saigon, tôi được bổ xung cho một đơn vị pháo binh đang hành quân ở vùng Củ Chi, Tỉnh Tây Ninh, yểm trợ sư đoàn 25 Bộ BinhB. Khoảng ba tuần trước khi mất nước tôi bị thương ở chân. Nằm trong quân y viện Tây Ninh vài ngày, bác sĩ cho về nhà dưỡng thương một tháng ở Saigon.
Ngày xưa, thông thường, chồng của cô giáo được gọi là thầy, cũng như vợ của thầy giáo được gọi là cô. Cho dù người chồng hoặc vợ không làm việc trong ngành giáo dục. Nhưng trường hợp cô giáo tôi, cô Đỗ Thị Nghiên, trường Nữ Tiểu Học Quảng Ngãi thì khác. Chồng của cô, thầy Nguyễn Cao Can, là giáo sư dạy trường Nữ Trung Học Quảng Ngãi. Cô Đỗ Thị Nghiên dạy lớp Bốn, trường Nữ Tiểu Học. Trong mắt nhìn của tôi, của con bé mười tuổi thuở ấy, cô Nghiên là một cô giáo rất đặc biệt. Cô nói giọng bắc, giọng nói trầm bổng, du dương. Tóc cô ngắn, ôm tròn khuôn mặt. Da cô trắng nõn nà. Có lần ngoài giờ học, trên đường phố của thị xã Quảng Ngãi, tôi thấy hai vợ chồng thầy Can, cô Nghiên đèo nhau trên xe gắn máy. Cô mặc jupe, mang kính mát, ngồi một bên, tréo chân, khép nép dựa vai thầy. Ấn tượng để lại trong trí của con bé tiểu học là hình ảnh của đôi vợ chồng sang trọng, thanh lịch, tân thời, cùng mang thiên chức cao cả: dạy dỗ lũ trẻ con nên người.
Tháng Tư này tròn 50 năm biến cố tang thương của miền Nam Việt Nam, những người Việt hải ngoại, đời họ và thế hệ con cháu đã trưởng thành và thành công trên xứ người về mọi mặt học vấn cũng như công ăn việc làm. Họ đang hưởng đời sống ấm no tự do hạnh phúc đúng nghĩa không cần ai phải tuyên truyền nhồi sọ. Nhưng trong lòng họ vẫn còn bao nhiêu kỷ niệm thân thương nơi chốn quê nhà.
Có một buổi trưa, hai đứa đang thưởng thức bò bía, đậu đỏ bánh lọt ở chùa Xá Lợi, góc Bà Huyện Thanh Quan và Ngô Thời Nhiệm (?), thì gặp một "cái bang". Đầu đội khăn rằn, đeo mắt kiếng cận nặng, cổ quấn vài ba chiếc khăn đủ màu và ông còn dẫn theo hai con chó, vừa đi vừa múa tay múa chân như người say rượu. Chừng như ông không cần thấy ai, chung quanh chỉ có ông và hai con chó. Người đàn ông "cái bang" đó là nhà thơ, nhà văn, nhà biên khảo nổi tiếng của Việt Nam: Bùi Giáng. Hai con chó vừa đi vừa sủa vang, khiến một số nữ sinh Gia Long đang đứng quanh xe bò bía, vội vã chạy né qua bên kia đường. T
LTS: Mời quý vị nghe bài phát biểu của Dân Biểu Liên Bang Derek Trần tại Hạ Viện Hoa Kỳ sáng thứ Ba 29 tháng Tư, 2025 về Dấu Mốc 50 Năm Tháng Tư Đen.
*** Kính thưa Ngài Chủ Tịch Hạ Viện,
Hôm nay tôi xin được phép phát biểu trong vài phút để chia sẻ một điều rất quan trọng đối với cộng đồng người Việt hải ngoại.
Tháng Tư Đen – không chỉ là một ngày buồn trong lịch sử, mà còn là dấu mốc nhắc nhở chúng ta về một ngày tang thương, khi chúng ta mất tất cả – mái ấm, quê hương, cuộc sống, và cả tương lai ở mảnh đất mà ta từng gọi là tổ quốc.
Cách đây 50 năm, vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam Việt Nam rơi vào tay chế độ cộng sản. Khi đó, Mỹ đã di tản khoảng 6.000 người, bao gồm cả người Mỹ và người Việt, đến nơi an toàn. Rồi hàng trăm ngàn người Việt khác cũng lần lượt vượt biển ra đi, không biết phía trước là gì, chỉ biết phải rời đi để tìm sự sống.
Những người còn ở lại đã phải chịu cảnh sống ngày càng khắc nghiệt dưới chế độ cộng sản. Nhiều người bị đưa vào trại cải tạo – không chỉ mất nhà cửa, mà mất cả tự do, nhân phẩm, và không ít người mất luôn cả mạng sống.
Đây là một ngày đau buồn. Một ngày để chúng ta tưởng niệm, suy ngẫm, và để nhìn lại tất cả những gì đã mất.
Có hơn 58.000 lính Mỹ và hơn 250.000 binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh. Những người này đã chiến đấu và ngã xuống vì tự do. Họ xứng đáng được chúng ta biết ơn mãi mãi. Chúng ta tưởng niệm không chỉ những người lính, mà còn hàng triệu người dân vô tội đã chết trong chiến tranh, những người bị đàn áp sau ngày 30 tháng 4, và những người bỏ mạng trên biển trong hành trình vượt thoát.
Chúng ta có trách nhiệm sống xứng đáng với sự hy sinh của họ — bằng cách sống trọn vẹn và sống có ý nghĩa trong cuộc đời mới này.
Tôi là một trong hàng trăm ngàn người Mỹ gốc Việt được sinh ra trong những gia đình tị nạn – những người cha, người mẹ ra đi tay trắng, chỉ mang theo niềm hy vọng. Nhưng họ không để hành trình khổ cực ấy định nghĩa cuộc đời mình ở Mỹ. Họ xây dựng cộng đồng mạnh mẽ, thành công, và luôn giữ gìn bản sắc, lịch sử dân tộc.
Và hôm nay, sau 50 năm, chúng ta không chỉ tưởng niệm mà còn tự hào về những gì cộng đồng người Việt đã làm được. Từ tro tàn chiến tranh, chúng ta đã đứng dậy và vươn lên.
Chúng ta có những người gốc Việt làm tướng, đô đốc trong quân đội Mỹ, có nhà khoa học đoạt giải thưởng lớn, doanh nhân thành công, giáo sư, bác sĩ, nghệ sĩ – ở mọi lĩnh vực. Từ người tị nạn, chúng ta đã viết nên câu chuyện thành công chỉ trong vòng năm mươi năm.
Nhiều người trong số họ là con em của thuyền nhân – hoặc chính là những người vượt biển. Họ là minh chứng sống động cho tinh thần không chịu khuất phục, không ngừng vươn lên của người Việt.
Riêng tôi, là người Mỹ gốc Việt đầu tiên đại diện cho cộng đồng Little Saigon ở Quận Cam trong Quốc Hội. Tôi rất vinh dự và cảm thấy trách nhiệm nặng nề khi mang theo câu chuyện lịch sử của chúng ta. Little Saigon – nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất thế giới – là biểu tượng sống động cho nghị lực, cho hy vọng, và cho tinh thần vượt khó.
Tôi nối bước những người đi trước – những lãnh đạo người Việt ở California và khắp nước Mỹ – những người đã mở đường để thế hệ chúng tôi có thể tiếp bước. Tôi là người thứ ba gốc Việt được bầu vào Quốc hội, sau Dân biểu Joseph Cao ở Louisiana và Nữ dân biểu Stephanie Murphy ở Florida. Tôi không quên rằng mình đang tiếp nối di sản mà bao người đã hy sinh để giữ gìn.
Mỗi ngày, tôi đều nhắc mình rằng: Chúng ta phải giữ gìn câu chuyện này, phải kể lại trung thực, để không ai – kể cả chế độ cộng sản – có thể viết lại lịch sử của chúng ta.
Tôi mong các đồng nghiệp trong Quốc Hội hãy cùng tôi không chỉ tưởng nhớ những nỗi đau mà chúng tôi đã trải qua, mà còn tôn vinh tinh thần bất khuất của người Việt Nam. Hãy vinh danh các cựu chiến binh – cả Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa – những người đã hy sinh cho tự do.
Và trong ngày kỷ niệm đau thương này, hãy cùng nhau nhắc lại cam kết: giữ vững các giá trị quan trọng nhất – dân chủ, nhân quyền, và khát vọng sống tự do.
Xin cảm ơn quý vị, tôi xin kết thúc phần phát biểu. Derek Trần
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.